Tôi Là Lưu Nhảy Vọt

CHƯƠNG 1



Thanh Diện Thú Dương Chí gặp Trương Đoan Đoan tại “Hân Châu thực quán”. Họng lão Cam bị tật. Giọng thều thào. Nói năng rất nhọc, nhưng vẫn hay chuyện. Thanh Diện Thú Dương Chí húp bát canh cừu, chén xong 5 cái bánh nướng, thì lão Cam đến thanh toán. Nhận tiền xong, lão ngồi phía đối diện, rỉ rả: Đường vành đai 5, đoạn gần đây. Chỗ cầu vượt Đại Hồng Môn ấy.
Sẩm tối qua. Có một tay nhảy từ trên cầu xuống. Muốn kết liễu đời, nhưng số không chết. Chỉ toi mất chiếc giò. Nhưng mà, trên đường vành đai 5, có tới 5 chiếc xe húc đít nhau “rầm rầm”.
Một chiếc Mercedes quay ngang đường. Một chiếc xe chở than biển số Sơn Tây. Đang chạy ở làn bên cạnh. Lại tông tiếp, làm nó bay lên trời. Lúc rơi xuống, một đầu của chiếc Mercedes lại va vào thành cầu. Trên xe có một nam, một nữ. Người đàn ông bị vỡ xương chậu. Người đàn bà chết tại trận. Chuyện mới chỉ bắt đầu thôi nhé. Cái người đàn bà bị chết ấy, lại không phải là vợ của gã kia. Là người thứ 3. Chỗ này, sự cố còn chưa xử lý xong, thì chỗ kia, là nói ở bệnh viện ấy, đã rối như canh hẹ lên rồi.
– Bác đừng có bảo đây là sơ ý nhé. Thật, chẳng ai ngờ. – Lão Cam nói.
Trong bụng Thanh Diện Thú Dương Chí đang mải nghĩ chuyện khác, không để ý đến câu chuyện của lão Cam. Gã vơ lấy chiếc túi đang đặt trên bàn:
– Lão Cam này, bánh nướng hôm nay làm bằng bột gì đấy? Mùi như bị thiu.
– Bác rõ tinh mồm. Nhưng bác trách nhầm rồi. Không phải tại bột, mà là tại vừng rắc bánh. Cái lão Hồ bán vừng đem vừng cũ năm ngoái trộn với vừng mới năm nay. Chỉ bằng một hạt vừng, tôi cũng có thể nhìn thấu bụng dạ con người.
Lão Cam chợt hỏi:
– Bận trước, tôi nhờ bác tìm hộ người ấy. Bác đã tìm thấy chưa?
Thanh Diện Thú Dương Chí và lão Cam cùng quê Sơn Tây. Chính xác thì lão Cam là người Hân Châu, còn Thanh Diện Thú Dương Chí là người Tấn Thành. Mặc dù người phía nam, phía bắc tỉnh, nhưng tựu trung vẫn là đồng hương. Thanh Diện Thú Dương Chí thường đến “Hân Châu thực quán” ăn cơm. Nhưng tuyệt nhiên không phải vì tình đồng hương, mà là vì món canh cừu hầm. Lão Cam hầm canh cừu rất tuyệt. Xương cừu là loại mua ở chợ đầu mối. Cùng một thứ nguyên liệu, nhưng canh cừu hầm của lão Cam tươi hơn, đậm đà hơn, thơm hơn của người khác.
Lão Cam cậy có món canh cừu độc chiêu, bày vẽ thêm món bánh nướng, vài ba món ăn nguội, ăn nóng. Nhưng Thanh Diện Thú Dương Chí lại không khoái. Gã nghe người ta nói, canh cừu của lão Cam sở dĩ ngon là vì lão ta cho bột thuốc phiện vào canh, ăn vào rất dễ nghiện. Đêm hôm 25 tháng trước, cả nhà lão Cam đang ngủ say, thì một tên trộm lẻn vào nhà. Sau xét ra, hắn ta chỉ là một tên trộm qua đường, chưa hề tăm tia trước địa bàn đánh quả, cũng chẳng hiểu đếch gì con người lão Cam. Mặt trước quán ăn là vài thứ bàn ghế lỉnh kỉnh, chẳng có gì đáng để ăn trộm cả. Gian bếp phía sau để bát đĩa xoong chậu, cũng chẳng có gì đáng trộm. Khó khăn lắm mới cạy được cửa vào trong nhà, nên tên trộm vẫn muốn nhón ít tiền tiêu. Hắn ngỡ tiền để ở buồng ngủ – nơi cả nhà ngủ. Nhưng lão Cam là người cẩn thận. Lão cấm bao giờ để tiền ở phòng ngủ. Kiểm kê số tiền kiếm được trong ngày xong, lão đều gói ghém tiền vào một chiếc túi ni-lông, rồi cho vào trong một chiếc hũ đựng vừng đặt ở bếp. Bên trên hũ toàn là vừng, nhưng bên dưới giấu tiền. Lão Cam không cất tiền ở phòng ngủ, vì sợ vợ con lấy tiêu lung tung. Vốn chỉ để phòng vợ con, nào ngờ phòng được cả trộm. Tên trộm mò mẫm một lượt trong buồng ngủ, hết tủ đến hòm, lại đến quần áo già trẻ trai gái trong nhà đã thay ra, đến ngay cả chiếc gối lão Cam gối đầu, hắn cũng sờ soạng, nắn tìm, nhưng cũng chỉ mò được có ba tệ năm hào. Tên trộm nghĩ lung lắm mà vẫn chưa ngộ ra. Hắn thộn mặt, ngồi thu lu cạnh giường. Nào ngờ, lão Cam đã tỉnh giấc từ lâu, nhưng không lên tiếng. Đến khi thấy tên trộm ngẩn tò te, ngồi chồm hổm cạnh giường thì không chịu nổi nữa, bật cười khùng khục. Giả thử lão Cam hô “có trộm”, tên trộm lại chẳng sợ, vì đấy là chuyện xảy ra như cơm bữa. Đằng này, bỗng dưng có người lại cười. Đã thế, họng lão Cam bị tật, giọng cười thều thào, làm tên trộm sợ sởn tóc gáy.
Tự hắn hô “có trộm” rồi phóng vội ra cửa.
Nhưng hắn không đi tay không. Khi chuồn qua nhà ăn phía trước nhà, hắn thuận tay nẫng luôn chiếc áo jacket da lão Cam treo trên tường. Trong jacket không có tiền. Gọi là jacket da nhưng không phải da thật, mà là giả da. Cũng giống như quán ăn của lão Cam vậy, bé bằng nắm tay, những vẫn mang cái tên “Hân Châu thực quán” đến hách. Nhưng, trong túi áo jacket da lại có một quyển vở toán dành cho học sinh tiểu học. Cạnh “Hân Châu thực quán” là một khu chợ đầu mối. Qua chợ là đến một công trường xây dựng. Người bán hàng ở chợ, công nhân làm việc ở công trường thường đến “Hân Châu thực quán” của lão Cam ăn cơm. Họ ăn cốt lấy no, chứ không cần ngon. Điều này tạo kẽ hở để lão Cam giở trò khôn vặt trong nấu nướng, chế biến món ăn. Những người này chẳng có bấy nhiêu tiền mang theo người. Cứ ăn, cứ uống, tiền không đủ thì nợ chủ quán. Đến ăn một mình, thường họ không nợ tiền. Một bữa ăn hết bao nhiêu tiền, họ đều đã tính trước. Nhưng khi có khoảng ba đến năm người đến ăn, một người trong bọn trả tiền, thì rất dễ bị nợ. Vì có người trả tiền hộ, nên cả bọn đều mở lòng, đánh chén tì tì. Đồ nhắm không đủ, rượu không đủ, thì kẻ chiêu đãi lại giả vờ hào hiệp, gọi thêm món, thêm rượu. Tiền mang theo không đủ, đành nợ. Lần sau ăn cơm trả. Từng khoản nợ như vậy đều được ghi chép cẩn thận trong quyển vở toán. Quyển vở toán lại được cất trong túi áo trong chiếc jacket da của lão Cam. Lúc đầu, lão Cam vốn không để quyển sổ ghi nợ trong túi áo jacket da, mà treo nó trên tường, ngang hàng với chiếc jacket. Nhưng rồi một hôm, lão Tháp – người Nội Mông, bán xương cừu ở chợ đầu mối – đến “Hân Châu thực quán” ăn cơm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.