Tôi Là Lưu Nhảy Vọt

CHƯƠNG 13



Món ăn ngày qua ngày của họ chỉ là củ cải hầm rau cải, rau cải hầm củ cải, nhưng khi họ đã nói, thì câu nào cũng hóm hỉnh, hài hước. Hoặc giả, câu nói của những công nhân này đã kích hoạt một dúm tế bào hài hước còn sót lại trong đầu Nghiêm Khắc.
Mọi cai thầu, hễ thấy Tổng giám đốc Nghiêm Khắc đến, đều tưởng ông ta đến kiểm tra công trình. Đương nhiên, có kiểm tra công trình, nhưng quan trọng hơn là đến để nghe đám công nhân nói chuyện, để thay đổi không khí. Nếp xưa có từ dân dã, trí tuệ có từ dân gian. Những câu chuyện và lời nói hay ho đều đã bị đám người béo phì kia nhắm sạch cùng với bào ngư, vây cá cả rồi. Chỉ còn chút nước sái vẫn vương lại giữa củ cải và rau cải. Chính nô lệ là những người tạo nên lịch sử. Câu nói của Mao Chủ tịch thật chí lý.
Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn. Trong bi luôn có hài.
Lưu Chấn Vân
Trong số mười mấy cai thầu, duy chỉ có Nhiệm Bảo Lương quê Thương Châu, Hà Bắc là được Nghiêm Khắc yêu mến. Kiểu nói của Nhiệm Bảo Lương ngồ ngộ, mà bỗ bã. Đám công nhân khi nói chuyện với Nhiệm Bảo Lương, thấy gã nói năng rất khôn ngoan. Nhưng Nghiêm Khắc lại thấy gã nói năng có phần ngờ nghệch. Hoặc giả, không thể nói là ngờ nghệch, mà là thô. Cũng chẳng hẳn là thô, mà là sỗ. Có điều, nói thì sỗ, nhưng cái lý sự thì không hề sỗ. Câu nào câu nấy đều đại thật. Thoạt đầu nghe, thấy có vẻ buồn cười, nhưng sau nghĩ lại, mới thấy đó là lời nói thật. Té ra, lời nói thật mới là lời hài hước nhất. Một buổi chiều, Nghiêm Khắc đến công trường của Nhiệm Bảo Lương. Khung tòa nhà CBD đã xây được hơn 50 tầng. Hai người đi thang máy lên đến tầng thượng. Trong bóng chiều tà, cả thành phố Bắc Kinh ôm trọn trong tầm mắt. Nghiêm Khắc cảm khái:
– Cảnh đẹp quá.
Nhiệm Bảo Lương chỉ xuống những con phố phía dưới. Trên phố, người đi lại lúc nhúc như đàn kiến:
– Giờ này, “gà” bắt đầu xuất trận rồi.
Rồi nhổ một bãi nước miếng, chửi:
– Đĩ điếm thì cứ gọi là đĩ điếm, còn bày đặt “tiểu thư”!
Lại bảo:
– Sếp ạ, mình đừng xây nhà lầu nữa, xây nhà thổ đi. Kiếm tiền ngon ơ, chẳng phải nhọc sức như thế này.
Rõ vớ vẩn! Nhưng, lúc đầu nghe thấy rất sỗ, sau ngẫm lại, thấy buồn cười. Lúc đến, Nghiêm Khắc đang có chuyện buồn bực. Nhưng giờ, gã ôm bụng cười ngặt nghẽo, quên hết mọi phiền muộn. Vốn dĩ, tối hôm đó phải dự một bữa tiệc, nhưng Nghiêm Khắc vẫn nán lại công trường hơn một tiếng đồng hồ. Lúc này, đèn điện trên quảng trường Thiên An Môn bừng sáng. Chưa bao giờ cảnh đẹp như thế. Dần dần, trung bình cứ một tuần, Nghiêm Khắc lại đến công trường của Nhiệm Bảo Lương một chuyến. Trong đó, có một nguyên nhân là đến để nghe công nhân và Nhiệm Bảo Lương nói chuyện. Đến giờ ăn cơm, cũng đến nhà bếp công trường ăn cùng công nhân. Cánh công nhân ăn món củ cải hầm rau cải của Lưu Nhảy Vọt đến phát ngấy lên rồi.
Bưng bát lên là thấy buồn nôn. Nhưng Nghiêm Khắc ăn rất ngon lành, sạch cả nước lẫn cái, chén liền một lúc hai bát, vã mồ hôi. Nhiệm Bảo Lương thấy sếp ăn đã quá, than thở:
– Phải làm cách mạng thôi. Chỉ cần làm cách mạng, ngày nào sếp cũng được ăn món này.
Nghiêm Khắc lại cười.
Trưa hôm ấy, Nghiêm Khắc lại đến công trường của Nhiệm Bảo Lương. Mọi người đang ăn trưa. Nhiệm Bảo Lương đã phát ngấy với bếp ăn công trường, nên ra ngoài mua một suất cơm hộp, đang ngồi xổm đánh chén trên bậc thềm trong chiếc sân xinh xắn của mình. Chiếc sân xinh xắn của Nhiệm Bảo Lương không thể gọi là sân. Nó cách nhà tạm của công trường độ 3 thước, núp bóng một cây táo, hình vòng tròn, được quây lại bằng những tấm ván bỏ đi. Một khoảnh con bằng cái bàn tay trước nhà. Nhưng không thể nói nó không phải là một cái sân. Nhiệm Bảo Lương đang ăn món gà xào hạt dẻ. Thấy Nghiêm Khắc đến, tưởng gã lại đến ăn cơm trưa, vừa nhai gà, vừa nói:
– Sếp đợi tí, để tôi bảo người đi mua cơm.
Nhưng, hôm nay Nghiêm Khắc đến công trường, không phải để ăn cơm, cũng chẳng phải để nghe công nhân và Nhiệm Bảo Lương nói chuyện, mà là để tìm một người. Tìm người này không phải vì bản thân họ, mà là để người đó đóng giả thành một người khác. Sau khi nghe sếp nói một thôi một hồi, Nhiệm Bảo Lương vẫn thấy mông lung khó hiểu:
– Sếp muốn diễn kịch à?
– Không phải diễn kịch, mà là diễn cuộc sống.
Nhiệm Bảo Lương thừ người, rồi bật cười:
– Sao phải diễn cuộc sống? Ngoài đường có mà đầy.
– Cuộc sống trước đây dở quá, thì phải diễn lại chứ!
Nói rồi, Nghiêm Khắc kể tường tận cho Nhiệm Bảo Lương nghe đầu đuôi cái cuộc sống dở của mình. Khi gặp rắc rối, Nghiêm Khắc giấu người khác, giấu lũ béo phì kia, giấu mụ vợ, nhưng không giấu người như Nhiệm Bảo Lương. Thì ra, Nghiêm Khắc có quan hệ tình cảm với một nữ ngôi sao ca nhạc đang lên. Cô ca sĩ này suốt ngày hát những bài ca ngợi tổ quốc, ca ngợi người mẹ. Ca tụng nhiều quá, bản thân tổ quốc và người mẹ chưa thấy nhàm chán, nhưng bản thân cô ta lại mắc bệnh chán ăn. Kỳ thực, mắc bệnh chán ăn cũng là giả. Ca ngợi tổ quốc, ca ngợi người mẹ nhiều quá, người hát không còn tình cảm của mình trong đó nữa, hát chỉ để hát, thành ra, thính giả và khán giả thấy chán tổ quốc, người mẹ và chán cả cô ta. Cô ta mượn luôn phương thức này để chuyển hướng dư luận, rồi thay đổi con đường của mình. Cô ta chán luôn tổ quốc, người mẹ

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.