Gối Đầu Lên Cỏ
Chương 8
Tôi được mời dự buổi uống trà. Có một khách tăng tham dự là hòa thượng Daitetsu ở chùa Kankaiji. Còn một người nữa là khách tục – một chàng thanh niên chừng hai tư, hai lăm tuổi.
Từ phòng tôi đang ở đi về dãy hành lang bên phải, rồi rẽ trái một lần nữa thì đến phòng của cụ chủ nhà. Phòng rộng khoảng sáu chiếu. Một chiếc bàn lớn làm bằng gỗ đàn hương nằm ở vị trí trung tâm tạo cảm giác căn phòng khá chật chội. Ở những chỗ ngồi quanh chiếc bàn, một tấm thảm hoa được đặt vào thay cho loại đệm ngồi thường thấy. Chắc hẳn là loại thảm Trung Hoa. Một hình lục giác nằm giữa tấm thảm, có hình những cành liễu kỳ lạ và một ngôi nhà cũng rất lạ lùng. Xung quanh có màu xanh sẫm, gần như màu chàm, và ở bốn góc là những hoa văn xoắn xít trong một vòng tròn màu nâu. Không biết ở Trung Quốc người ta có dùng loại thảm này làm đệm ngồi không, nhưng thật thú vị khi thấy thấy nó được đặt vào đây thay cho những tấm đệm ngồi. Giống như vải hoa của Ấn Ðộ hay thảm treo tường của Ba Tư hấp dẫn bởi sự khác lạ, tấm thảm hoa này cũng thú vị nhờ kiểu cách phóng khoáng khác thường. Không chỉ tấm thảm này mà mọi thứ đồ dùng của Trung Hoa đều có vẻ đơn điệu và kém hấp dẫn. Phải thừa nhận rằng những vật dụng như thế chỉ có thể là là sản phẩm của một dân tộc kiên nhẫn nhưng kém thông minh. Chúng chỉ có giá trị ở chỗ khiến người xem sửng sốt và kinh ngạc. Ðồ mỹ nghệ Nhật Bản thì thể hiện một thái độ hết sức cẩn trọng, giống như sự cảnh giác của một kẻ chuyên móc túi. Sản phẩm của phương Tây thì hoành tráng và tinh xảo nhưng không thể nào thoát được vẻ trần tục. Ðó là những suy nghĩ đầu tiên khi tôi ngồi vào bàn uống trà. Chàng thanh niên cũng ngồi xuống cạnh tôi, trên nửa kia của tấm thảm.
Vị hòa thượng ngồi trên tấm da cọp. Ðuôi của tấm da thò ra cạnh gối tôi, còn phần đầu là chỗ ngồi của cụ chủ nhà. Cụ già có chòm râu bạc rậm rạp, như thể tóc trên đầu đã được chuyển hết sang cắm ở phần dưới gương mặt. Cụ nhẹ nhàng bày lên bàn những cái chén đặt trên khay.
– Chẳng mấy khi có khách đến nhà như hôm nay, nên tôi có nhã ý mời trà… Ông cụ nói và nhìn về phía vị hòa thượng.
– Ồ, xin cảm ơn cụ đã có lời mời. Lâu nay tôi ít ra ngoài, nên cũng định là hôm nay sẽ ghé chơi – Vị hòa thượng nói.
Vị sư này khoảng gần sáu mươi tuổi, có gương mặt tròn, nét mặt giống như hình phác họa một vị Bồ Tát. Có vẻ như nhà sư khá thân thiết với cụ chủ nhà.
– Vị này là khách trọ chăng?
Cụ già vừa gật đầu vừa rót từ một chiếc bình gốm vào chén trà vài giọt nước màu xanh ngọc. Nghe thoang thoảng một mùi hương thanh khiết.
– Anh ở một mình nơi thôn quê thế này, chắc là buồn lắm? Vị hòa thượng liền bắt chuyện với tôi.
– À… thì…
Tôi ậm ừ không biết nên nói thế nào. Nói là buồn thì cũng không đúng, nhưng nói không buồn thì lại phải giải thích dài dòng.
– Thầy nói sao? Anh chàng này đến đây để vẽ tranh, nên cũng khá là bận rộn đấy.
– Ồ thế à? Hay quá nhỉ! Vậy anh có phải là một họa sĩ thuộc trường phái Nanso chăng?
– Không ạ.
Lần này thì tôi lên tiếng, thầm nghĩ mình có nói gì về hội họa phương Tây thì hòa thượng cũng chẳng hiểu được.
– Ôi dào, nói về hội họa phương Tây thì…
Giữ vai trò chủ nhà, một lần nữa ông cụ lại chen vào nói đỡ cho tôi.
– Ồ, hội họa phương Tây à? Vậy là kiểu tranh giống như cậu Kyuichi thường vẽ phải không? Gần đây tôi mới được biết loại tranh đó, nhưng phải công nhận là rất đẹp!
– Không ạ, chỉ là loại xoàng thôi – Chàng thanh niên lúc này mới lên tiếng.
– Cậu có đưa thầy Gozen Nanzo xem phải không? Ông cụ hỏi. Cả lời nói và cách thể hiện đều tỏ ra hết sức gần gũi.
– Dạ thì… Thật ra cháu không đưa thầy xem, chỉ là tình cờ gặp thầy lúc đang ngồi vẽ ở Ao Gương thôi ạ.
– Hừm, thế sao?… À, tôi rót sẵn trà rồi đấy, xin mời!
Ông cụ đặt chén trà trước mặt từng người. Trà chỉ có vài giọt, nhưng cái chén thì thật là to. Trên nền men màu xám nâu của chén trà có những nét vẽ nguệch ngoạc màu đỏ sậm và vàng nhạt, không rõ là tranh hay một kiểu hoa văn nào đó, tạo nên một cái hình gần giống như mặt quỷ.
– Loại chén Mokubee đấy – Ông cụ giải thích ngắn gọn.
– Cái này hay đấy – Tôi cũng tán thưởng bằng một câu đơn giản.
– Ðồ Mokubee giả thì nhiều lắm… Anh nhìn dưới đáy chén mà xem. Có khắc tên nữa đấy – Ông cụ nói.
Tôi nhấc cái chén lên, giơ ra phía cửa để nhìn. Hình ảnh ấm áp của một cây địa lan trồng trong chậu in trên vách cửa. Tôi nghiêng đầu, nhìn kỹ thì thấy chữ moku nhỏ xíu trên khu chén. Về mặt giá trị thì chữ khắc trên sản phẩm như thế này chẳng có gì quan trọng, nhưng giới sưu tầm nghiệp dư thì có vẻ rất quan tâm. Tôi không đặt chén xuống mà cứ thế đưa ngang miệng nhắp trà.
Nhấp từng ngụm trà ngọt và đậm pha bằng nước nóng đúng là sự phong lưu của kẻ nhàn cư. Người bình dân thường nghĩ trà là một loại thức uống thông thường, nhưng kỳ thực không phải vậy. Khi ta để từng giọt trà ngấm vào đầu lưỡi, để cho sự thanh khiết tỏa lan trong miệng thì hầu như cổ họng chẳng hấp thu được giọt nào. Chỉ có mùi hương phảng phất là thấm từ thực quản qua dạ dày. Dùng răng khi uống nước thì đúng là ngớ ngẩn. Mà nước thì rất nhẹ. Nước trà giống như những giọt sương màu ngọc, còn thanh khiết hơn cả thứ nước cất thông thường, nhưng không có độ cứng đến mức làm người ta phải nhai mỏi miệng. Một thứ thức uống tuyệt vời. Người ta thường nói uống trà bị mất ngủ, nhưng tôi thậm chí còn muốn khuyên những ai mất ngủ nên uống trà.
Không biết từ lúc nào, ông cụ đã dọn ra món bánh ngọt dùng trong lễ trà, đựng trong một chiếc đĩa sứ màu xanh ngọc. Thật kinh ngạc khi thưởng lãm sản phẩm của một nghệ nhân thuộc loại quán quân – người đã chế tác từ một khối chất liệu thô thành một chiếc đĩa mỏng mảnh và khéo léo như vậy. Khi nhìn vào có cảm giác như những tia nắng mùa xuân rọi xuống bề mặt đĩa không bị thoát ra ngoài mà hội tụ lại trong chiều sâu của chất sứ trong suốt. Nếu chiếc đĩa không phải đựng vật gì thì có thể còn đẹp hơn.
– Vị khách này có vẻ thích đồ sứ mỹ nghệ, nên hôm nay tôi mang ra vài món.
– Ðồ sứ nào kia?… Cái đĩa đựng bánh ngọt đấy à? Cái đó thì tôi cũng thích. Anh này, có khi nào trong hội họa phương Tây người ta cũng vẽ những thứ như cửa trượt fusuma[1] không nhỉ? Nếu có thì tôi muốn nhờ anh vẽ cho một bức.
[1] Loại cửa trượt dày và nặng hơn cửa shoji, có thể dùng làm vách ngăn tạm thời trong nhà. Trên cửa fusuma thường có vẽ hoa văn trang trí.
Chuyện vẽ thì tôi chẳng nề hà gì, nhưng chẳng biết có vừa ý hòa thượng hay không. Không khéo lại mất công vẽ để rồi bị chê là hội họa phương Tây chẳng ra gì thì quả là uổng công vô ích.
– Fusuma thì chắc là không hợp đâu ạ.
– Không hợp à? Thì ra là thế. Vậy thì những bức tranh của Kyuichi hôm trước hình như hơi rực rỡ quá chăng?
– Tranh của con thì tệ lắm, chẳng nên xem làm gì – Chàng thanh niên lại nói những lời khiêm tốn với vẻ hơi e ngại.
– Cái ao gì đó ở đâu ấy nhỉ? Tôi hỏi chàng trai với một chút tò mò.
– Ở trong thung lũng phía sau chùa Kankaiji, một nơi yên tĩnh… Hồi còn học ở trường, vì chán quá nên em mới đến ngắm chơi ấy mà.
– Còn chùa Kankaiji…?
– Chùa Kankaiji ấy là chỗ tôi đang ở. Một nơi cũng khá là hay đấy. Nhìn xuống phía dưới thì có thể thu gọn biển cả vào trong tầm mắt… À, trong thời gian còn ở đây anh tranh thủ ghé chơi đi. Xem nào, từ đây sang bên đó chưa đầy một cây số. Từ dãy hành lang này có thể nhìn thấy những bậc đá đi lên ngôi chùa đấy…, kia kìa!
– Hôm nào tôi mạn phép ghé thăm được chứ?
– Ồ, tất nhiên. Tôi lúc nào cũng có ở đó. Cô ở nhà đây vẫn hay đến ấy mà… À, nhắc đến cô mới nhớ, hình như hôm nay không thấy cô Nami… Cụ này, cô ấy vẫn ổn đấy chứ?
– Chắc nó lại đi đâu rồi. Kyuichi này, có gặp nó ở đằng chỗ cháu không?
– Dạ không, cháu không gặp ạ.
– A ha, chắc cô lại đi dạo một mình rồi! Cô Nami vẫn còn đi khỏe lắm. Hôm trước tôi có việc đến Tonami, khi đi ngang chỗ cầu Sugatamibashi tôi cứ tưởng là mình thấy ai đó giống cô ấy thôi, nhưng đúng là cô ấy thật. Cô mặckimono vén cao phía sau lưng, mang dép trệt. Rồi bất ngờ cô hỏi: “Thầy vẩn vơ làm gì ở đây kia chứ? Thầy đang đi đâu vậy?”, làm tôi hết sức ngạc nhiên, hà hà… Tôi hỏi cô định đi đâu với bộ dạng thế này, cô bảo đi hái rau mùi dại, lại bảo thầy nếm thử một chút nhé, rồi bất ngờ dúi vào tay áo tôi những cọng rau nhoe nhoét bùn, ha ha!
– Thật là…
Ông cụ nở nụ cười khổ sở và đột ngột đứng lên, đổi đề tài sang các loại dụng cụ uống trà:
– Thật ra thì tôi cũng muốn cho quý vị xem cái này.
Với những động tác có vẻ rất trang nghiêm, ông cụ lấy từ trên giá sách làm bằng gỗ đàn hương một chiếc túi vải lụa cũ, hình như có đựng vật gì hơi nặng.
– Thầy chắc đã thấy rồi chứ nhỉ?
– Cái quái quỷ gì thế?
– Cái nghiên mực ấy mà.
– Ủa, nghiên mực nào kia?
– Cái nghiên quý của ngài Sanyo ấy…
– Không, thế thì tôi chưa thấy.
– Có nắp Shunsui kèm theo nữa…
– Thế thì đúng là chưa. Ðâu? Cho xem nào?
Ông cụ mở chiếc túi vải một cách trịnh trọng, để lộ từ bên trong một phiến đá vuông vức màu đỏ sẫm.
– Màu đẹp quá! Ðá Giang Tây phải không?
– Ðá Giang Tây. Có đến chín chấm cơ!
– Những chín chấm kia à? Hòa thượng thốt lên, đầy vẻ cảm kích.
– Còn đây là cái nắp Shunsui – Ông cụ đưa ra một cái nắp mỏng gói trong vải lụa. Trên nắp có bút tích của Shunsui, đề một bài thơ thất ngôn tuyệt cú.
– Thì ra là vậy. Chữ của Shunsui thì đẹp tuyệt rồi. Nhưng mà, viết lách thì Kyohei vẫn giỏi hơn.
– Ðúng là ngài Kyohei giỏi hơn thật nhỉ!
– Có lẽ Sanyo là người tệ nhất. Chính cái kiểu tỏ ra thông tuệ lại làm cho ông ta trở nên thô thiển, chẳng có gì hay ho!
– A ha! Cụ chủ nhà bật cười – Vì thầy không thích ngài Sanyo nên tôi đã thay bức chữ của ngài sang bức khác rồi.
– Thế à?
Hòa thượng quay nhìn ra phía sau. Trong góc nhà, trên bục gỗ được đánh bóng như gương có đặt một chiếc lọ bằng đồng đã cũ, bên trong cắm cành hoa mộc lan cao gần một mét. Phía sau lọ hoa là một bức đại tự của Bussorai viết một cách công phu trên loại giấy hoa tiên cũ tuyệt đẹp. Nền giấy này không phải là loại giấy lụa, nhưng vì giấy đã cũ nên bức chữ không chỉ có vẻ đẹp của thư pháp mà còn đẹp vì màu giấy cũng rất hòa hợp với màu nền ở xung quanh. Tôi nghĩ có lẽ khi làm giấy, để tấm giấy bớt đi vẻ sặc sỡ, người ta đã làm cho màu sắc nhạt đi và những đường dát vàng lặn xuống, có như thế mới thể hiện được vẻ đẹp thanh đạm và cổ kính, mới tạo ra sự hòa hợp tuyệt vời như vậy. Ngoài hai chiếc ngà voi trắng hai bên nổi bật trên vách đất có màu nâu sẫm và cành hoa mộc lan lòa xòa phía trước, chỗ góc nhà chìm trong gam màu tối đến mức ảm đạm.
– Của Sorai phải không? Nhà sư hỏi, vẫn đang trong tư thế quay nhìn.
– Hình như ngài cũng không thích Sorai lắm, nhưng có lẽ còn đỡ hơn Sanyo.
– Rõ ràng là Sorai khá hơn. Chữ của những bậc học giả thời Kyoho[2] thì dù không đẹp vẫn có nét tao nhã.
[2] Kyoho là niên hiệu được dùng trong khoảng thời gian 1716 – 1735 ở Nhật Bản.
– Thầy ạ, có phải Sorai đã nói rằng: “Kotaku mới là nhà thư pháp Nhật Bản vĩ đại, còn chúng ta đều là kiểu mô phỏng Trung Hoa cả”?
– Tôi không rõ. Làm gì có chuyện khoác lác về thư pháp đến mức ấy! Hòa thượng bật cười to.
– Thầy có theo học ai không nhỉ?
– Tôi ấy à? Cụ biết đấy, Thiền sư thì không đọc sách, mà cũng không luyện chữ.
– Nhưng hình như thầy có theo ai đó?
– Hồi còn trẻ thì tôi có một dạo học chữ ngài Kosen. Chỉ thế thôi. Nhưng nếu người ta xin chữ thì lúc nào tôi cũng sẵn sàng cho. Hà hà! Mà này, cho tôi mượn cái nghiên đá Giang Tây ấy một chút xem nào – Nhà sư đề nghị.
Rồi ngài cầm lấy cái túi lụa. Mọi người chăm chú nhìn vào chiếc nghiên. Một chiếc nghiên bằng đá thường có bề dày khoảng bốn centimet, nhưng cái này thì dày gần gấp đôi. Chiều rộng và chiều dài khoảng mười ba và mười bảy centimet, có thể nói là cỡ trung bình. Nắp nghiên được làm bằng vỏ cây tùng để mộc, có hình một chiếc vảy và được đánh bóng, trên nắp có ghi hai chữ bằng mực đỏ, kiểu thư pháp gì thì tôi không rõ lắm.
– Cái nắp này… – Ông cụ nói – Cái nắp này không phải là một cái nắp bình thường. Mọi người xem, đúng là vỏ cây tùng đấy. Nhưng mà…
Ánh mắt ông cụ nhìn về phía tôi. Tuy nhiên, vì vốn là một họa sĩ, chẳng hiểu sao tôi không mấy hứng thú với một cái nắp nghiên làm bằng vỏ cây tùng, dẫu nguồn gốc của nó có gắn với chuyện gì đi chăng nữa. Vì vậy tôi lên tiếng:
– Nắp bằng vỏ tùng thì hơi thô, phải không ạ?
– Ừm… Ông cụ khoác tay ra vẻ phản đối:
– Nếu chỉ là cái nắp làm bằng vỏ cây tùng bình thường thì đúng là có hơi thô, nhưng cái này thì hơi đặc biệt. Ðây là cái nắp do chính tay ngài Sanyo đẽo vỏ cây tùng ngài đã trồng trong vườn hồi sống ở Hiroshima để làm ra đấy.
Thì ra vậy. Sanyo vốn là một người chẳng cao nhã mấy, tôi nghĩ vậy và đánh bạo nói luôn rằng:
– Nếu là vật tự tay mình làm thì dù sao cũng có vẻ thô vụng, nên thiết nghĩ ông ta không cần phải mất công tạo hình chiếc vảy rồi đánh cho bóng loáng lên như thế làm gì!
– A ha! Ðúng thế! Cái nắp này có vẻ rẻ tiền làm sao ấy! Nhà sư ngay lập tức tỏ ra đồng ý với tôi.
Chàng thanh niên thì nhìn ông cụ với vẻ ái ngại. Ông cụ quẳng cái nắp sang một bên, có vẻ hơi bực mình. Rốt cuộc thì toàn bộ chiếc nghiên cũng lộ ra từ dưới đáy túi.
Nếu chiếc nghiên này có nét gì độc đáo để hấp dẫn được người xem, thì đó là những nét khắc của nghệ nhân trên bề mặt. Ở giữa nghiên nhô lên một chỗ có hình tròn như mặt chiếc đồng hồ bỏ túi, cao xấp xỉ vành nghiên. Ðó là hình khắc lưng con nhện. Tám “chấm” của chiếc nghiên nằm ở đầu mút của tám cái chân nhện tỏa ra các phía như hình cánh cung, trong tư thế đang chạy. Một “chấm” còn lại nằm giữa lưng con nhện, nhòe nhoẹt như bị lem bởi một thứ nước quả màu vàng. Phần xung quanh lưng và chân nhện được khoét sâu xuống khoảng gần bốn centimet. Có lẽ phần khoét rỗng bao quanh này không phải là chỗ đựng mực. Hơn hai lít nước rót vào cũng chưa đầy phần lõm đó. Có lẽ người ta phải dùng một chiếc muôi bạc múc một chút nước từ trong bình đổ lên lưng con nhện, rồi mài thỏi mực quý vào trong nước để hòa tan. Nếu không phải thế thì dù được gọi là nghiên mực, trên thực tế nó không khác gì một món đồ trang sức thuần túy ở văn phòng.
Ông cụ lên tiếng, nước bọt ở khóe môi như sắp nhễu ra ngoài:
– Quý vị nhìn thớ đá và những con mắt này đi!
Ðúng là càng nhìn thì càng thấy màu đá rất đẹp. Tưởng như trên làn da nhẵn bóng và mát lạnh kia, chỉ cần một hơi thở phả ra thì hơi nước sẽ tụ lại ngay thành một phiến mây mỏng. Ðặc biệt, đáng chú ý là ở chỗ màu của các “con mắt”. Chuyển tiếp giữa màu mắt và màu nền là một sự thay đổi nhẹ nhàng và tinh tế, đến mức giống như đánh lừa mắt người xem, khiến ta không thể tìm ra được đâu là điểm chuyển màu. Có thể tưởng tượng là chúng ta đang nhìn xuyên qua một miếng thạch màu tím trong suốt và thấy hạt đậu nằm ẩn sâu trong đó. Chỉ cần có một hay hai “con mắt” đã là hết sức đáng quý rồi. Ðến chín mắt thì hầu như không biết xếp vào loại nào cho được. Hơn nữa, cả chín con mắt đều được sắp xếp ngăn nắp cách đều nhau, đến mức người ta có thể tưởng là sản phẩm nhân tạo, thì phải công nhận là một tuyệt phẩm có một không hai trên đời.
– Quả là tuyệt diệu! Nhìn mát mắt vô cùng. Mà chạm vào như thế này cũng rất thích – Tôi vừa nói vừa chuyển cái nghiên cho chàng thanh niên ngồi bên cạnh.
– Kyuichi liệu có hiểu được thứ đó không? Ông cụ cười cười, hỏi. Kyuichi có vẻ hơi thất vọng:
– Cháu chẳng biết gì đâu.
Anh ta nói ngay như thể gạt đi, nhưng vẫn đặt cái nghiên mà mình không hiểu được xuống trước mặt ngắm nghía, có vẻ như cảm thấy tiếc rẻ, rồi nâng lên đưa lại cho tôi. Tôi xoa nhẹ bàn tay qua chiếc nghiên một lần nữa rồi kính cẩn trao lại cho vị Thiền sư. Thiền sư đặt trên lòng bàn tay ngắm nhìn cẩn thận, rồi như cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn, ông lấy tay áo kimono làm bằng lông chuột lau mạnh vào chỗ lưng con nhện, rồi nhìn chỗ sáng bóng vừa lộ ra với cái nhìn ngưỡng mộ.
– Ngài cư sĩ, màu này đúng là tuyệt thật đấy! Ông có bao giờ dùng qua cái này chưa?
– Không, tôi chưa hề nghĩ đến chuyện đem nó ra dùng, chỉ mới mua được thôi.
– Tôi cũng đoán thế! Cái này chắc ở Trung Hoa bây giờ cũng là loại hiếm, phải không ngài cư sĩ?
– Ðúng vậy.
– Tôi cũng muốn có một chiếc. Chắc phải nhờ đến cậu Kyuichi nhỉ? Thế nào, cậu mua giúp tôi một chiếc được không?
– Ôi… E rằng cháu chưa tìm được cái nghiên thì đã chết mất rồi – Chàng thanh niên cười khẽ.
– Ừ nhỉ! Không kịp tìm ra cái nghiên chăng? À, khi nào thì cậu đi?
– Khoảng hai, ba ngày nữa ạ.
– Ngài cư sĩ, ông sẽ tiễn cậu ấy đến Yoshida chứ?
– Tôi thì cũng già yếu lắm rồi, lẽ ra không nên đi như thế, nhưng chẳng biết có còn dịp nào được gặp lại hay không, nên chắc là sẽ tiễn một quãng.
– Bác không cần phải tiễn cháu đi đâu ạ!
Chàng trai hình như là cháu của ông cụ này. Thảo nào có nét gì đó hơi giông giống.
– Cái gì? Tiễn đi một chút thì có sao đâu. Nếu đi thuyền thì chẳng mệt nhọc gì, phải không ngài cư sĩ?
– Vâng. Vượt đèo thì vất vả, chứ đi đường vòng bằng thuyền thì…
Lần này thì chàng trai lặng thinh, không nói lời từ chối nào nữa.
– Anh đi Trung Quốc à? – Tôi hỏi.
– Vâng.
Chỉ có một chữ “vâng” thì chẳng đủ để hiểu được chuyện gì, nhưng vì không cần phải gạn hỏi nhiều hơn, nên tôi ghìm lại. Nhìn ra phía vách trượt, tôi thấy bóng hoa lan đã dịch chuyển đi một chút.
– Sao? Anh hỏi gì kia? À, trong cuộc chiến tranh này… Cháu nhà tôi tình nguyện nhập ngũ, nên bây giờ được triệu tập.
Thay lời chàng thanh niên, ông cụ cho biết chàng sắp phải bị đưa ra mặt trận ở vùng Mãn Châu hoang vu. Thật sai lầm khi tôi cứ nghĩ rằng trong ngôi làng mùa xuân đẹp như thơ, như mộng này, chỉ có âm thanh của tiếng chim kêu, tiếng hoa rụng, hay là tiếng suối reo. Hiện thực vượt qua cả núi cao, biển rộng, dồn đuổi đến cả những con cháu họ Taira đang sống cuộc đời thanh đạm ở sơn thôn vắng vẻ này. Có lẽ đã đến lúc máu của chàng thanh niên này phải hòa cùng dòng máu của muôn người nhuộm khắp vùng đồng hoang phương Bắc. Hay là lúc lưỡi kiếm dài đeo bên hông chàng phải làm cho máu của kẻ thù tuôn chảy. Nhưng chàng thanh niên này lại đang ngồi cạnh một họa sĩ mà cuộc sống chẳng có giá trị gì ngoài những chuyện mộng mơ. Ngồi gần đến mức nếu lắng tai thì có thể nghe thấy tiếng tim đập trong lồng ngực người bên cạnh. Phải chăng trong tiếng mạch đập khẽ khàng kia có vang vọng âm thanh của dòng máu phun trào lênh láng hàng trăm dặm trên những cánh đồng xa xôi ấy? Chỉ biết rằng định mệnh đã mang lại cho chúng tôi một khoảnh khắc ngắn ngủi bất ngờ để được gặp nhau dưới một mái nhà, ngoài ra thì chẳng cho ta biết gì thêm nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.