Gối Đầu Lên Cỏ

Chương 6



Tôi ngồi vào bàn ăn tối. Những cánh cửa trượt lớp trong lớp ngoài đều mở toang. Nhà vốn đã có không gian rộng mà lại vắng người. Vì căn phòng tôi đang ở cách xa hoạt động của thế giới con người bởi một dãy hành lang ngoằn ngoèo, nên tôi không bị tiếng động nào quấy phá dòng suy tưởng. Ðặc biệt hôm nay lại càng yên lặng. Hình như cả chủ nhà, cả cô con gái và gia nhân nam nữ, không biết tự lúc nào, đều biến đi đâu mất bỏ lại một mình tôi. Nói là biến đi đâu thì không có nghĩa đơn giản là họ đi về một nơi nào đó. Mà có thể họ đã vào trong thế giới của sương mù, hay là vào xứ sở của mây. Hay là khi mây và nước tự nhiên xích lại gần nhau, họ đã lơ đãng bỏ quên cả mái chèo để thuyền trôi lênh đênh trên mặt biển mơ màng, và cánh buồm trắng đã trôi dạt đến nơi khó mà phân biệt được ranh giới giữa mây và nước, rốt cuộc bản thân cánh buồm cũng khó mà biết được nơi nào là nước nơi nào là mây… có lẽ họ đã đi đến cái nơi tận cùng xa xôi như thế. Nếu không phải thế thì có lẽ họ đã đột ngột biến mất giữa mùa xuân, trở thành khí thiêng của đất trời sinh ra vạn vật, trong một thế giới mênh mông mà mắt thường không nhìn thấy, dù có dùng đến năng lực của kính hiển vi cũng không tìm ra một dấu vết nhỏ nhoi nào. Hay có lẽ họ đã hóa thành chim chiền chiện, cất cao tiếng hát ca ngợi màu vàng hoa cải đến tàn hơi rồi tan vào một vùng sương khói hoàng hôn màu tím thẫm. Hay có thể là giống như loài sâu bọ, sau khi xong công việc làm cho ngày càng dài hơn, họ đã uống những giọt sương ngọt ngào đọng trong túi noãn mà trúng độc, lăn xuống dưới những bông hoa trà rơi rụng và chìm sâu trong giấc ngủ thơm lừng. Dù đã xảy ra trường hợp nào thì không gian lúc này cũng thật là yên tĩnh.

Những cơn gió mùa xuân lùa thông thốc qua gian nhà trống trải chẳng chiều lòng những ai chào đón chúng. Mà cũng không muốn chọc tức những ai muốn ngăn chúng lại. Tự đến rồi tự đi, đó là tinh thần của một vũ trụ vô tư và công bằng. Nếu tâm hồn của kẻ đang ngồi chống cằm là tôi cũng trống trải như căn phòng tôi đang ở thì chắc hẳn những cơn gió xuân, dù không ai mời gọi, vẫn cứ tự do thổi thốc vào.

Khi biết rằng mình đang giẫm lên mặt đất, chúng ta sẽ lo ngại bước chân mình làm mặt đất nứt ra. Vì biết trên đầu mình là vòm trời bao phủ nên con người mới sợ sấm sét. Chúng ta bị thế giới phù hoa này thúc giục đấu tranh không ngừng nghỉ, nên phiền não chẳng bao giờ chấm dứt. Khi chúng ta sống trong cõi trời đất chia biệt Ðông Tây, với tấm thân bị mắc vào mạng lưới của những chuyện thiệt hơn, được mất, thì tình yêu chân chính chỉ là điều không tưởng. Sự giàu có trước mắt cũng chỉ là cát bụi. Danh vị mà ta giành lấy hay vinh quang mà ta chiếm được chẳng qua cũng giống như một con ong ranh mãnh, vờ tạo ra thứ mật ngọt quyến rũ nhưng lại giấu nọc độc bên trong. Nói chung, bởi vì niềm vui là cảm xúc nảy sinh khi ta gắn mình vào một điều gì đó, nên nó cũng hàm chứa đồng thời mọi khổ đau. Nhờ có thi nhân và họa sĩ mà chúng ta được thưởng thức những tinh hoa cốt tủy của thế giới hai mặt này, được biết sự thanh khiết tận cùng của nó. Ngậm móc uống sương, khen tía chê hồng, và chẳng hối hận gì trước cái chết. Niềm vui của nghệ sĩ không phải do gắn mình với một cái gì. Họ đã đồng hóa chính vào sự vật. Khi đã hòa mình vào trong sự vật rồi thì dù có đi đến tận cùng thế giới mông lung này cũng không thể tìm ra chỗ để ràng buộc cái tôi. Họ thong dong giũ sạch bụi trần, khoác áo tả tơi mà thưởng thức gió ngàn vô tận. Không phải vì dám hợm mình, tỏ ra khinh thường những thị dân giữa cõi đời ô trọc mà tôi vô cớ nghĩ ra một khung cảnh như thế. Chẳng qua chỉ vì tôi muốn nói lên những lời tốt đẹp để kêu gọi chúng sinh có nhân duyên. Nói thẳng ra thì thi ca, hội họa đều là những nguồn mạch vốn có trong tất cả mọi người. Dẫu chúng ta sống qua bao ngày tháng mòn mỏi cho đến lúc bạc đầu, nhưng khi hồi tưởng lại cuộc đời mình, khi lần lượt điểm lại những gì mình trải nghiệm, nếu quên đi bản thân mình thì chúng ta vẫn tìm thấy một niềm vui lan tỏa nhẹ nhàng, như một cơ thể chết rồi vẫn còn hắt ra những tia sáng le lói. Ai không tìm được điều đó thì có thể nói là anh ta đã sống một cuộc đời không lý tưởng.

Tuy nhiên, niềm vui của thi nhân không chỉ đơn giản là chìm đắm vào một điều gì đó, hay là đồng nhất bản thân với một đối tượng nào. Có khi thi sĩ hóa thành một cành hoa, cũng có khi biến thành một cánh bướm. Hay có thể giống như Wordsworth[1], anh ta hóa thành một đám thủy tiên, thả hồn vào ngọn gió thổi qua dòng suối. Nhưng cũng có trường hợp chúng ta bị cuốn hút bởi những vẻ đẹp khó diễn tả ở quanh ta, và không hiểu rõ mình bị chinh phục bởi cái gì. Giống như khi người ta chạm vào dòng khí linh thiêng của vũ trụ. Như một người nào đó nghe được những nốt nhạc của cây đàn bí ẩn không dây. Hay ta có thể hình dung điều đó giống như trạng thái rơi vào trong một cõi mông lung mơ hồ, lang thang trong một thế giới vô biên và không sao hiểu được. Diễn tả như thế nào là tùy ý mỗi người. Chỉ biết rằng đó chính là trạng thái tâm lý của tôi khi ngồi mơ màng bên bàn ăn tối.

[1] Câu này là ý thơ của thi sĩ người Anh – William Wordsworth (1770 – 1850).

Rõ ràng là tôi chẳng suy nghĩ chuyện gì. Và đúng ra thì tôi cũng chẳng nhìn gì cả. Vì ý thức của tôi chẳng ghi nhận màu sắc hay động hướng gì, nên không thể nói là tôi đã hòa mình vào mọi vật. Thế nhưng tôi vẫn đang hoạt động. Không hoạt động ở bên trong hay bên ngoài thế giới này. Chỉ là đang hoạt động mà thôi. Không hoạt động như hoa, như chim, hay thậm chí hoạt động có liên quan đến con người mà chỉ đang hoạt động trong trạng thái mơ hồ, dường như là say mê.

Nếu buộc phải giải thích điều đó thì tôi chỉ muốn nói rằng tâm hồn tôi đang hòa vào không khí của mùa xuân. Tôi muốn nói đến thứ linh khí được tạo ra từ việc tổng hợp toàn bộ sắc xuân, gió xuân, vạn vật mùa xuân, âm thanh mùa xuân, được luyện thành thuốc tiên rồi hòa tan vào loại nước trường sinh, chưng cất trong ánh nắng thần tiên – thứ linh khí tự lúc nào đã thấm qua lỗ chân lông, rồi lan tỏa trong tâm hồn mà tôi không hề hay biết. Trong sự đồng hóa thường có cả yếu tố kích thích. Và cảm giác thích thú được tạo ra cũng là nhờ chính sự kích thích ấy. Còn trong trường hợp này tôi không rõ mình đã hòa tan với cái gì, nên không hề có sự kích thích. Và bởi vì không có kích thích nên điều đó tạo ra một niềm vui sâu thẳm khó gọi tên. Nó khác với thứ cảm xúc có vẻ ồn ào nhưng hời hợt, như những làn sóng xôn xao khi gió thổi. Có thể hình dung điều đó giống như trạng thái hoạt động của đại dương xanh thẳm với chiều sâu vô tận, trải mênh mông từ châu lục này qua châu lục khác. Chỉ có điều mức độ hoạt động không mạnh mẽ đến như thế. Nhưng lại có một điều may mắn. Vì sự thể hiện sức hoạt động mạnh mẽ luôn kèm theo nỗi lo rằng sức mạnh kia đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt. Trường hợp ở mức độ bình thường thì không có mối bận tâm ấy. Lúc này đây, không những trong tâm hồn tôi, vốn mong manh khác thường, không có nỗi ưu tư về chuyện năng lực mạnh mẽ kia liệu có suy giảm, mà tôi đã thoát khỏi cả những vướng bận đời thường về chuyện xấu tốt, thiệt hơn. Chữ “mong manh” tôi dùng ở đây chỉ có nghĩa đơn giản là khó nắm bắt, chứ không nói đến sự lo sợ vì quá yếu đuối. Có lẽ phù hợp nhất cho trạng thái này là chữ “thư thái” hay “ung dung” mà các thi sĩ vẫn hay dùng.

Nếu vẽ trạng thái này thì không biết sẽ phải thể hiện thế nào nhỉ? Nhưng chắc chắn đó không phải là một bức họa thông thường. Cái mà chúng ta thường gọi là hội họa không có gì khác hơn là sự thể hiện nguyên vẹn những hình ảnh về phong cảnh, sự vật hay con người mà mình chứng kiến, hay gạn lọc những điều đó qua cái nhìn thẩm mỹ của bản thân rồi đưa lên nền vải. Người ta cho rằng chức năng của hội họa chỉ là vẽ hoa cho ra hoa, nước cho ra nước, nhân vật hành động cho ra nhân vật, như thế là đã đủ rồi. Những họa sĩ tài năng hơn mức tầm thường một bậc sẽ đưa cảm xúc vào trong tác phẩm của mình, làm cho đối tượng mà mình cảm nhận hiện ra một cách sinh động hơn trên bức vẽ. Họ là những kỹ thuật gia luôn tập trung để ký thác cảm xúc đặc biệt của mình vào thế giới của vô vàn những sự vật hiện tượng mà mình nắm bắt. Vì vậy, không thể nói rằng họ đang vẽ nếu những sự vật hiện tượng mà họ quan sát không hiện ra lấp lánh trong từng nét cọ. Họ chủ trương hội họa phải thể hiện một cách nhìn, cách cảm nhận riêng, và họa sĩ vượt qua được các bậc tiền nhân, thể hiện sự quan sát, cảm nhận ấy bằng cách tiếp thu chất liệu của những huyền thoại xưa cũ để sáng tạo nên một tác phẩm chân thật hơn và đẹp tươi hơn. Nếu tác phẩm không thể hiện được chủ trương ấy thì họ không dám nhận là sáng tác của mình.

Hai kiểu nghệ sĩ này có lẽ khác nhau ở vấn đề chủ quan, khách quan hay mức độ nông sâu. Nhưng sự giống nhau là cả hai đều chờ đợi một sự kích thích rõ ràng từ ngoại giới để có cảm hứng cầm cọ vẽ. Tuy nhiên, cái chủ đề mà bây giờ tôi muốn vẽ ra không phải là sự vật rõ ràng như vậy. Dù tôi đang theo đuổi những cảm giác vô cùng tận và nỗ lực để tìm ra những ngoại vật tương ứng, nhưng khó mà tìm thấy bóng dáng đậm nhạt hay đường nét lớn nhỏ thế nào, nói gì đến hình dạng vuông hay tròn, màu sắc xanh hay đỏ. Cảm xúc của tôi không phải là cái gì đó đến từ bên ngoài. Mà dẫu có đến từ bên ngoài đi nữa cũng không phải là một vật thể, hay một cảnh tượng nhất định nằm trong tầm nhìn của tôi, nên không thể chỉ rõ ra một nguyên nhân nào cụ thể. Ðơn giản chỉ là một trạng thái cảm xúc mà thôi. Vấn đề là làm sao vẽ được cảm xúc này, hay làm thế nào tìm được một cái gì cụ thể để ký thác cảm xúc, sao cho mọi người có thể cảm nhận được.

Nếu là loại tranh vẽ tầm thường thì thậm chí không cần cảm xúc, chỉ có sự vật thôi cũng đủ. Loại thứ hai thì cần sự phối hợp của cảm xúc và khách thể. Còn ở loại thứ ba thì chỉ có cảm xúc, nên cần phải lựa chọn đối tượng phù hợp để thể hiện trạng thái của tâm hồn mới có thể đưa vào tranh được. Tuy nhiên, đối tượng kiểu này không phải là dễ có. Mà dẫu có thì cũng không nắm bắt được dễ dàng. Cũng có trường hợp đã nắm bắt được nhưng lại thể hiện khác hoàn toàn so với đối tượng vốn có trong tự nhiên. Cho nên người bình thường không thể xem đó là tranh vẽ. Vẽ tranh không đơn giản là sự sao chép nhân vật, cảnh tượng như một phần của thế giới tự nhiên, mà phải ít nhiều thể hiện được trạng thái tâm hồn trong khoảnh khắc thăng hoa cảm xúc, lồng vào tâm trạng khó tả ấy những hình ảnh nhất định về sự sống thì mới được xem là thực sự thành công. Không rõ từ trước đến giờ đã có họa sĩ nào thành công trọn vẹn trong công việc khó khăn này chưa nhỉ? Nếu cần kể ra những tác phẩm được xem là thành công ở mức độ nào đó theo quan niệm này, thì có thể nói đến những bức tranh tre của Văn Dữ Khả[2]. Hay là tranh sơn thủy của những họa sĩ trường phái Unkoku[3]. Kế đến là tranh phong cảnh theo phong cách Taiga[4]. Rồi tranh vẽ người của Buson[5]. Còn những họa sĩ phương Tây chủ yếu miêu tả thế giới hiện tượng, hầu như không chú trọng đến chiều sâu tâm hồn thì không biết có được mấy người thể hiện được cái đẹp trừu tượng kiểu này bằng nét vẽ?

[2] Văn Dữ Khả (1018 – 1079) là một họa sĩ, nhà thơ người Trung Quốc.

[3] Trường phái hội họa do Unkoku Togan (1547 – 1618) sáng lập.

[4] Ike Taiga (1723 – 1776) là một họa sĩ, nhà văn Nhật Bản.

[5] Yosa Buson (1716 – 1784) là nhà thơ, họa sĩ Nhật Bản.

Ðiều đáng tiếc là vẻ đẹp hàm ẩn mà những họa sĩ như Sesshu[6], Buson nỗ lực thể hiện đều quá đơn điệu, ít có sự thay đổi. Nếu nói về năng lực sáng tạo thì tôi không dám sánh với những bậc thầy như thế, nhưng trạng thái cảm xúc mà bây giờ tôi muốn vẽ ra thì hơi phức tạp. Phức tạp ở chỗ khó mà dung hợp mọi cung bậc cảm xúc vào trong một bức vẽ. Tôi thôi chống cằm mà đổi sang tư thế khoanh hai tay trên bàn ngồi suy nghĩ, nhưng vẫn chưa nảy ra ý tưởng nào. Phải vẽ ngay khi màu sắc, hình dạng, phong thái của đối tượng vừa xuất hiện trong tâm tưởng, và mình chợt nhận ra “À, như thế này đây!”. Trạng thái đó giống như một người mẹ tìm kiếm đứa con thất lạc của mình, phải đi qua bao nhiêu vùng đất, khi thức cũng như lúc ngủ đều đau đáu nghĩ về con, để rồi một ngày kia giữa ngã tư đường bất ngờ gặp lại đứa con mình tìm kiếm: “A, nó đây rồi!”. Thật khó mà nắm bắt được ngay khoảnh khắc đó. Tôi chỉ cần vẽ ra được thứ cảm xúc này, rồi mặc cho người xem tranh bình phẩm. Nếu mà tranh không đẹp thì dù có bị sỉ vả thế nào tôi cũng không hối tiếc. Dù sao thì, chỉ cần cách phối màu thể hiện được một phần của cảm xúc kia, hay đường nét cho thấy được phần nào tâm trạng ấy, hoặc là toàn bộ sự phối hợp biểu hiện được trạng thái cảm xúc ở một mức độ nào đó, thì dù cái mà tôi vẽ ra là trâu, là ngựa hay thậm chí chẳng thành trâu ngựa, chẳng là gì cả thì tôi cũng sẵn lòng. Sẵn lòng nhưng bây giờ vẫn chưa làm được. Tôi đặt cuốn sổ phác họa lên bàn, nhìn vào trong sổ mà tập trung suy tưởng, nhưng vẫn chưa nảy ra ý tưởng nào.

[6] Sesshu (1420 – 1506) là một họa sĩ Nhật Bản, nổi tiếng về loại tranh sơn thủy.

Tôi đặt bút chì xuống và ngẫm nghĩ. Bản thân cái ý định muốn vẽ một cảm xúc trừu tượng như thế đã là một sai lầm. Vì con người vốn không khác nhau nhiều lắm, nên chắc hẳn sẽ có một số người biết đến thứ cảm xúc mà tôi đang trải nghiệm, rồi muốn thử dùng cách nào đó để biến cảm xúc này thành vĩnh cửu. Trong trường hợp đó thì họ sẽ chọn cách nào?

Ngay lúc đó trong tôi chợt bật ra hai chữ “âm nhạc”. Ðúng rồi, âm nhạc chính là thứ âm thanh của tự nhiên, vang lên trong khoảnh khắc bởi một sự cần thiết nhất định. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng âm nhạc là thứ người ta cần phải nghe, cần phải học. Nhưng bất hạnh thay, tôi hoàn toàn không hiểu được những thông điệp của thế giới này.

Tiếp đó, tôi thử bước vào lĩnh vực thứ ba là thơ ca. Tôi nhớ ông Lessing[7] có lý luận rằng, thế giới của thơ ca được kiến tạo từ những gì nảy sinh nhờ trải nghiệm qua thời gian, đồng thời ông cũng đưa ra nguyên lý rằng thơ ca và hội họa là hai lĩnh vực khác hẳn nhau. Tuy nhiên, nếu quan niệm về thơ ca như vậy thì cái thế giới mà bây giờ tôi đang muốn nắm bắt và thể hiện không có triển vọng gì sẽ trở thành một tứ thơ. Có lẽ trạng thái mang lại cho tôi cảm xúc hân hoan này cũng có yếu tố thời gian, nhưng không có nội dung nào sẽ phát triển dần dần theo thời gian cả. Ðây không phải là niềm vui mà ta cảm nhận khi cái thứ hai hình thành thay cho cái thứ nhất đã mất đi, rồi khi cái thứ hai biến mất thì cái thứ ba xuất hiện. Mà là niềm vui đến từ một cõi nào sâu thẳm tự ban sơ và không hề thay đổi. Chính vì điều đó không thay đổi nên khi ta sử dụng một thứ ngôn ngữ thông thường để diễn đạt thì không cần thiết phải sắp xếp những chất liệu ấy theo dòng chảy thời gian. Có lẽ chỉ cần sắp xếp cảnh vật trong không gian, giống như hội họa. Vấn đề là làm thế nào để đưa được vào thơ thứ cảm xúc hư ảo mông lung này. Tóm lại, một khi thơ ca đã thể hiện được điều đó thì có thể xem là thành công, cho dù không theo nguyên lý của Lessing đi chăng nữa. Và cũng không cần biết đến Homer hay Virgil[8]. Tôi cho rằng nếu quan niệm thơ là sự diễn đạt ứng với một kiểu tâm trạng nào đó, thì dẫu tâm trạng ấy không cần đến một nội dung phát triển tuần tự trong giới hạn của thời gian, mà chỉ cần đơn giản là thỏa mãn điều kiện về không gian trong hội họa thì cũng có thể dùng ngôn ngữ thơ ca để mà diễn đạt.

[7] Gotthold Ephraim Lessing (1729 – 1781) là nhà thơ, nhà phê bình văn học người Ðức.

[8] Virgil (70 BC – 19 BC) là một nhà thơ sống vào thời La Mã cổ đại. Homer (không rõ năm sinh và năm mất) là nhà thơ Hy Lạp cổ đại, tác giả của trường ca Iliad và Odyssey.

Lý luận thì thế nào cũng được. Tôi hầu như không còn nhớ đến những tác phẩm như Laocoon[9], nên nếu cứ soi xét kỹ thì chỉ càng thêm rối. Dù sao, nếu không vẽ tranh được thì hãy thử làm thơ. Tôi nghĩ vậy và chấm bút chì xuống trang sổ phác họa, lắc lư thân mình để tìm một sự thay đổi nào đó, nhưng chẳng có gì. Một lúc lâu vẫn không có ý tưởng nào dịch chuyển được đầu ngọn bút. Như thể bỗng nhiên tôi quên mất tên của một người bạn. Có cảm giác như đã gần nhớ ra được nhưng vẫn không thể nào nhớ nổi. Rồi nếu tôi chán nản mà bỏ cuộc thì cái tên chợt bị quên kia sẽ trôi mãi vào miền quên lãng.

[9] Tác phẩm lý luận của Lessing về thơ ca và hội họa.

Khi khuấy bột làm bánh kuzuyu, lúc đầu thì bột còn rời rạc chưa dính đũa. Nhưng nếu kiên nhẫn khuấy tiếp thì bột sẽ kết dính, tay cầm đũa cũng có cảm giác nặng dần. Và nếu cứ khuấy mãi không nghỉ tay thì sẽ đến lúc lại không khuấy nổi. Rồi cuối cùng thì bột ở trong nồi cứ tự dính vào đũa mà không cần phải khuấy. Làm thơ thực ra cũng giống hệt như vậy.

Rốt cuộc thì chiếc bút chì trong trạng thái vô định hướng cũng bắt đầu nhúc nhích từng chút một. Trong khoảng thời gian chừng hai, ba mươi phút, tôi đã làm được bài thơ sáu câu:

Xuân xanh tháng hai, ba

Nỗi buồn vương hương cỏ

Vườn vắng đầy hoa rụng

Phòng trơ trọi cung đàn

Tơ nhện giăng im lìm

Trần nhà hoen muội khói

Khi đọc lại, tôi thấy trong thơ đầy những hình ảnh có thể vẽ tranh. Giá mà vẽ được tranh ngay từ đầu thì tốt quá, tôi thầm nghĩ. Rồi lại tự hỏi mình vì sao làm thơ lại dễ hơn vẽ tranh. Ðã làm được thơ như thế này thì có lẽ dễ làm tiếp phần sau. Nhưng tiếp đó, tôi muốn diễn đạt thành thơ những cảm xúc mà tôi không thể vẽ thành tranh được. Sau một hồi đắn đo lựa chọn, tôi đã làm bài thơ:

Ngồi một mình, không gian thinh lặng

Soi tâm tư, ánh sáng diệu huyền

Cõi nhân gian lắm người đa sự

Chốn thanh bình, sao có thể quên?

Tình cờ được một ngày yên tĩnh.

Ðể hiểu trăm năm rộn chuyện đời

Gửi vào đâu cõi lòng u mặc

Quê nhà mây trắng mãi xa xôi.

Tôi đọc lại cả bài thơ một lần nữa thì thấy cũng tạm được, nhưng nếu xem đây là những vần thơ miêu tả cảm nhận về cõi siêu nhiên mà tôi vừa biết đến thì có cảm giác như vẫn thiếu vắng điều gì. Nên tôi vẫn cầm nguyên cây bút chì trên tay với ý định nhân tiện sẽ làm thêm một bài thơ nữa. Trong lúc vô tình nhìn ra phía cửa phòng, tôi chợt thấy cánh cửa trượt qua, rồi bóng một cô gái xinh đẹp lướt nhanh qua khoảng trống mới mở chỉ rộng chừng một mét. Gì thế nhỉ?

Tôi đưa mắt nhìn ra cửa thì cái bóng xinh đẹp ấy đã khuất một nửa vào phía sau cánh cửa trượt vừa mới mở. Nhưng trước khi tôi kịp định hình thì bóng dáng ấy, có vẻ là một cái gì đó đang chuyển động, thoáng chốc đã vụt qua. Tôi bỏ mặc những tứ thơ và chăm chú nhìn về phía cánh cửa.Chưa đầy một phút sau, cái bóng đã hiện ra từ hướng ngược lại. Ðó là một cô gái mặc kimono dài tay, bước đi nhẹ nhàng thong thả, trên ban công tầng hai của gian nhà đối diện. Trong khoảnh khắc tôi bất giác nín thở, đánh rơi cả chiếc bút chì.

Trong bóng chiều chạng vạng, dưới bầu trời đầy mây chốc chốc lại sa sầm báo hiệu sắp có mưa, dáng người mặc kimonodài tay đang thướt tha đi lại trên khoảng ban công, cách chỗ tôi ngồi một khoảng sân rộng hơn mười mét, cứ chập chờn thoáng ẩn thoáng hiện trong không gian trĩu nặng.

Cô gái chẳng nói câu nào. Cũng không nhìn sang phía phòng tôi. Cô bước đi nhẹ nhàng đến mức cả tiếng gấu áo quét dưới hành lang cũng không nghe thấy. Phần thân dưới của chiếc áo có màu sáng, nhưng vì khoảng cách xa nên tôi không rõ hoa văn hay màu sắc ở gấu áo như thế nào. Chỉ thấy hình như ở chỗ tiếp xúc giữa hoa văn với màu nền của vải áo bị mờ đi, giống như trạng thái nhập nhoạng lúc ngày chuyển sang đêm vậy. Và lúc này cô cũng đang bước đi trong khoảng không nhập nhoạng ấy.

Tôi không hiểu cô định mặc bộ áo dài tay này mà đi qua đi lại trên khoảng ban công dài kia bao nhiêu lần nữa. Tôi cũng không hiểu từ lúc nào cô đã bắt đầu cái màn trình diễn lạ lùng này, trong một bộ cánh làm người ta sửng sốt. Tôi hoàn toàn không hiểu cô muốn thể hiện điều gì. Nhìn qua khung cửa một cô gái cứ thoắt ẩn thoắt hiện, lặp đi lặp lại bao nhiêu lần cái việc không thể nào hiểu nổi, với cái vẻ đoan trang và lặng lẽ như vậy, tôi cũng thấy đây là một chuyện hết sức lạ lùng. Nếu đây là cách thể hiện sự nuối tiếc khi mùa xuân sắp trôi qua thì sao cô lại có vẻ lơ đãng thế? Mà nếu đã tỏ ra lơ đãng thì sao lại ăn mặc đẹp đến vậy?

Có lẽ loại vải gấm đã làm nổi bật chiếc obi, làm sáng lên trong khoảnh khắc vẻ đẹp dịu dàng của sắc xuân lúc ngày tàn, trước khung cửa mờ mờ tối. Rồi bóng dáng trầm ngâm trong bộ quần áo rực rỡ cứ thướt tha đi lại trong thoáng chốc sẽ mất hút trong bóng chiều, tan biến vào cõi xa xăm u tịch. Giống như những vì sao lấp lánh mất hút vào trong màu xanh thẳm của bầu trời xuân trước buổi bình minh.

Thế giới rộng lớn chừng như mở ra, hút cái bóng dáng rực rỡ kia vào trong cõi u huyền. Tôi cảm thấy có một vẻ gì đó siêu thực khi hình ảnh cô gái diện bộ trang phục chỉ phù hợp với cuộc sống hào nhoáng có phông cảnh dát vàng phía sau và những giá nến bằng bạc lung linh trước mặt, trong một buổi chiều xuân “mỗi giây phút đáng giá ngàn vàng”, với dáng điệu chẳng có vẻ gì buồn bực mà cũng chẳng tỏ ra hăng hái, đang phai nhạt để dần biến mất khỏi thế giới hiện thực này. Chốc chốc, khi tôi liếc nhìn trong qua bóng hoàng hôn đang dần thẫm lại, thì thấy có vẻ như cô gái kia vẫn nấn ná ở đó, không có vẻ gì bối rối hay vội vã, vẫn bước những bước chân đều đặn không ngừng. Nếu không hề biết đến tai họa sắp giáng xuống đầu mình thì cô đúng là một người vô cùng trong sáng. Còn nếu biết mà không nghĩ rằng đó là tai họa thì quả là khác thường. Phải chăng cô vốn thuộc về bóng tối, và đây là khoảnh khắc mà cái ảo ảnh tạm thời đang trở về với cõi sâu thẳm khởi nguyên, nên mới có thể thong dong cất bước trên lằn ranh giữa hai thế giới hư và thực? Ðặc tính này cũng thể hiện trên chiếc áo dài tay mà cô đang mặc, với những họa tiết đa dạng chìm dần và mất hút vào trong nền vải đen tuyền.

Và tôi cũng nghĩ thế này. Nếu phải ở bên giường, chứng kiến một cô gái đẹp chìm trong giấc ngủ say sưa và trút hơi thở cuối cùng của đời sống thực để bước vào cõi mộng huyền ảo đó, thì chắc hẳn chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng đau khổ. Nhưng nếu chết vì quá nhiều nỗi khổ đau chồng chất, thì không chỉ bản thân người ấy đã quá mệt mỏi vì một cuộc sống không điểm tựa, mà ngay cả những người thân chứng kiến bên cạnh có lẽ cũng chán nản mà cho rằng chết đi là giải thoát. Tuy nhiên, ta sẽ hiểu thế nào về một đứa trẻ đi vào cõi chết từ trong giấc ngủ say? Khi chết đi một cách dễ dàng trong lúc ngủ, đứa trẻ đã kết thúc cuộc sống quý giá của mình mà chưa kịp nghĩ gì đến cái chết. Nếu ai đó chắc chắn là phải chết, thì chúng ta nên giúp họ hiểu được định nghiệp không tránh khỏi của con người, để người ấy hướng đến hỉ xả và niệm Phật. Nếu bản thân cái chết hiện ra rõ ràng khi ta chưa hoàn thành những điều kiện để kết thúc cuộc đời, thì những tiếng niệm Phật vang lên như những âm thanh dùng để níu kéo trong tuyệt vọng một người đang trên đường về thế giới bên kia. Cũng có thể một người đang chìm trong giấc ngủ tạm thời, tưởng chừng như đã đi vào miền vĩnh cửu, bỗng trong một khoảnh khắc lơ đãng nào đó bị níu kéo để lại vướng vào sợi dây phiền não tưởng chừng đã đứt thì sẽ cảm thấy rất đau khổ. Biết đâu người ấy sẽ nghĩ rằng, nếu từ bi thì đừng níu kéo, hãy để ta chìm sâu trong giấc ngủ yên bình. Nhưng chúng ta lại cứ giằng níu họ.

Mỗi lần bóng dáng cô gái sắp hiện ra ở cửa là tôi lại định cất tiếng gọi để kéo cô về với thế giới thực. Nhưng khi cái bóng lướt vụt qua khoảng trống một mét phía trước cửa như một giấc mơ thì tôi lại không thể nào cất tiếng nổi. Ðã cố trấn tĩnh và thầm nhủ lần này phải làm được, nhưng rồi cái bóng lại vèo qua mất. Rồi trong lúc tôi đang tự vấn vì sao không làm được, thì cô gái lại lướt qua. Cô cứ đi ngang qua như thế với cái vẻ không để ý gì đến những chuyện nhỏ nhặt xung quanh, không cần biết rằng nếu có người nào đó trông thấy, thì hẳn người đó sẽ lo lắng thế nào về sự bất ổn của mình. Ngay từ đầu cô đã đi qua với cái vẻ không quan tâm gì đến những người như tôi, không cần biết liệu tôi có bị làm phiền hay cảm thấy khó xử gì không. Rồi trong lúc tôi đang tự nhủ “lần này mình sẽ gọi” thì những sợi mưa đã nhẹ nhàng buông xuống từ những vầng mây sũng nước, như bức màn u uẩn che khuất hình bóng cô gái phía bên kia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.