Một Ngàn Con Đường Quê
Chương 05 – Phần 2
Tên “Robert”, họ có thể là “Kincaid”, chữ ở giữa là “L”.
Xe máy bắt đầu bằng chữ “A” – có thể là Ariel Square Four.
Carlisle ngắm nghía bản danh sách, rồi vào bếp và lấy một chai bia trong tủ lạnh. Trở lại cái bàn kê trên niễng, anh bắt đầu viết nguệch ngoạc:
Robert
Thế chiến II Thái Bình Dương
Robert Quần áo Nhà
L. Kincaid? | nhiếp ảnh?
Ariel Four Bike Đơn giản đi nhiều nơi Lính thủy đánh bộ
Đăngký: Vòng Dây Làm Tạp San FrancBCO, tay quần nghề chí tự do
Rõ ràng là mọi con đường trên biểu đồ đều bế tắc, ngoại trừ việc xếp hạng nhà nhiếp ảnh và có thể dựa vào hồ sơ quân đội. Ngay sáng sớm hôm sau, anh gọi điện cho mẹ và hỏi bà có quen biết bất cứ nhà nhiếp ảnh già nào để anh có thể nói chuyện không.
– Carlisle, con phải làm việc này vì cha con ư?
– Vâng. – Anh kể với mẹ những điều Buddy Reems phát hiện ra ở Sacramento.
– Kincaid ư? Giá mẹ có thể bảo con đấy là họ của ông ấy. Nhưng nếu mẹ đã biết, mẹ vẫn không sao nhớ ra được. Như trước kia mẹ đã nói với con, mẹ nghĩ ông ấy có kể với mẹ. Con có chắc là muốn tiếp tục việc này không, Carlisle? Nó có thể dẫn đến sự thất vọng lớn cho con, có khi cho cả hai mẹ con mình.
– Vâng, con chắc. Mà mẹ ơi, mẹ nghĩ ra một nhà nhiếp ảnh nào đi để con nói chuyện, một người nào đó có thể biết về lịch sử và phát triển của nghề nhiếp ảnh ở đất nước này.
– Có một người là Frank Moskowitz ở trong một căn nhà gỗ nhỏ bên ngoài thành phố, trên các quả đồi gần Russian Gulch. Ông ấy độ bảy mươi tuổi, mỗi khi đến phòng trưng bày đều chuyện trò thoải mái. Tác phẩm của ông ấy xoàng thôi, nhưng ông ấy vẫn chụp ảnh ở đó. Để mẹ tìm số điện thoại cho con.
Bà cho con trai số điện thoại và nói thêm:
– Có một chi tiết mà mẹ chưa bao giờ kể với con. Mẹ cũng không biết vì sao. Mẹ đoán là nó không đến trong tâm trí mẹ, cho đến lúc con muốn mẹ nhớ lại toàn bộ chuyện này. Cha con và mẹ đi xe máy xuống bờ biển, đến chỗ các con huệ biển (Loài hải cẩu lớn, sống thành đàn, có da gai, lông rất thô) tụ tập. Khi chúng ta tới nơi, có hai người đàn ông đang bắn hải cẩu bằng súng trường, chĩa súng tới, lui vào giữa chúng. Toàn bộ cảnh tượng này làm mẹ sợ chết khiếp. Cha con bảo mẹ ở lại bên xe máy và đi thẳng xuống chỗ hai người đang bắn kia. Ông đến chỗ họ, giằng lấy súng rồi ném tõm xuống biển. Sau đó, họ quát tháo cha con và rõ là rất cáu. Một người còn định đánh nhau, nhưng cha con không nhúc nhích, chỉ đứng đó và nhìn họ trừng trừng. Lát sau, họ đi xuống bãi biển, còn cha con trở lại chỗ mẹ đứng. Mẹ thấy ông rất giận dữ và mẹ hỏi ông đã nói gì với họ. Ông đáp: “Anh chỉ báo họ rằng, tôi đã nhìn thấy trò giết chóc ngu dại đủ rồi, và nếu họ muốn tiếp tục làm việc này, anh sẽ quẳng họ vào đúng chỗ vừa ném khẩu súng, vì đó cũng là một hành động ngu dại.” Nếu trước đó mẹ có phần nào chưa yêu cha, thì sau sự việc với đàn hải cẩu, mẹ đã yêu cha con trọn vẹn.
Hai mẹ con nói chuyện thêm vài phút nữa. Khi dứt chuyện, Carlisle ngay lập tức quay số mẹ anh vừa cho. Một giọng già nua, cộc lốc trả lời:
– Moskowitz đây.
Carlisle tự giới thiệu và hỏi ông về những nhà nhiếp ảnh Mỹ.
– Ông Moskowitz có nghe đến một nhà nhiếp ảnh tên là Kincaid không?
– Cái tên có vẻ quen quen. Không thể nói chắc được. Nếu ông ta là người thực sự nổi tiếng, có thể tìm trong cuốn Who’s Who.
Carlisle chưa nghĩ đến điều đó và vội ghi lại.
– Thưa ông Moskowitz, nếu một nhà nhiếp ảnh trong những năm ba mươi được đi du lịch nhiều nơi, liệu bây giờ có còn làm việc không?
– Khó nói lắm. Thông thường chúng tôi lang thang đây đó phải tự xoay xở lấy. Hồi ấy, không nhiều tạp chí có khả năng trang trải để cử người ra nước ngoài. Thường chỉ là những tờ rất nổi tiếng, như Time, Life, Look, National Geographic, đại loại thế.
Hình như ông Moskowitz bị cuốn vào câu chuyện và bắt đầu nói về thiết bị máy ảnh và phim, về sự tức giận của ông khi xuất bản tác phẩm. Carlisle lễ độ lắng nghe, và lúc ông già ngừng để thở, anh cảm ơn ông ta và nói mình có việc phải đi.
– Mẹ cậu là một phụ nữ tinh tế, cậu McMitlan ạ, một phụ nữ rất tốt, dù bà ấy không chịu trưng bày tác phẩm của tôi ở gallery nơi bà làm việc.
– Vâng, ai mà biết được ạ, thưa ông Moskowitz. Có lẽ đến một lúc nào đó.
– Phải, có lẽ đến một lúc nào đó, – ông già nói và gác máy.
Carlisle cho củi vào lò sưởi và đi ngủ. Trong giấc ngủ, lúc anh trở mình nằm nghiêng, ngọn gió và tiếng gió hú bên ngoài giống như tiếng động cơ môtô đang chạy đến chỗ đường vòng dài ở Big Sur, của một thời trước đó rất lâu.
* * *
Sau rạng đông một giờ, không trung còn hơi giá buốt, Robert Kincaid làm thủ tục rời khách sạn Oregon và khởi động chiếc Harry, ông lắng nghe tiếng động cơ. Có gì đó không ổn, bị nghẹt. Ông lấy hộp dụng cụ nhỏ ở đằng sau ghế và mặc chiếc parka nhẹ. Con Đường cúi qua cửa xe, cố nhìn thấy chiếc mũ lúc Kincaid ngẩng lên. Kincaid vặn van điều tiết và lắng nghe tiếng động cơ, ông gật đầu và nhẹ nhàng đậy mui xe.
Trở vào trong xe. “Chỉ là Thiền và tài khéo bảo dưỡng cái xe cũ kỹ này thôi, Con Đường ạ. Chẳng có gì lãng mạn như ông Pữsig viết trong cuốn sách của ông ấy, muốn chúng ta tin như cưỡi trên môtô. Dưới cái nắp đậy của chiếc Harry chẳng có gì là Thiền nhiều lắm, đó là điều chắc chắn, ít nhất là ta chẳng tìm thấy gì. Nhưng, ô tô không hề giống xe máy. Như Harry đây, nó chạy trên đường của nó, không như cảm giác về con đường tốt như khi ta cưỡi trên xe máy. Lẽ ra ta nên giữ chiếc Ariel. Ta có thể buộc mi vào đằng sau ta, và để cái xe 500 phân khối ấy chở cả hai ta trên đường.”
Con Đường ngửi ngửi áo khoác của Kincaid, tìm những mùi khác thường của buổi sáng; không thấy gì, nó nằm lại chỗ trên ghế xe trong lúc Kincaid đeo kính và xem bản đồ, bật sưởi cho ấm buồng lái và lau sạch kính chắn gió.
Ông quyết định đi theo đường 101, xuống phía Bắc California rồi rẽ sang hướng đông, phương đó sẽ đưa ông hơi chệch về hướng nam Black Hills, nhưng lúc nào ông cũng có thế rẽ lên phía bắc hoặc chạy qua Hills trên đường về nhà.
Thái Bình Dương hiện ra giữa những quả núi thấp và xanh tươi, Robert Kincaid lái chầm chậm theo con đường ven hiển ngoằn ngoèo. Chiếc xe nhẹ nhàng di chuyển lên dốc xuống đèo, hết đường cong bên trái lại bên phải.
Ông cố nhớ lại thực chất giấc mơ đêm qua. Trong lúc cơ thể nghỉ ngơi, tâm trí ông trở lại Singapore, khi quốc đảo này hãy còn hoang sơ và không bị kiểm soát, là giao lộ của thế giới. Là nơi của cướp biển, lính đánh thuê và buôn lậu. Đàn ông giắt dao ngang hông, bản đồ trong túi và những mưu đồ vô đạo. Loại thế giới mà Robert Kincaid từng mơ khi còn nhỏ.
Thời đó, những câu sáo rỗng hóa ra không phải là sáo rỗng. Những cái quạt trần quay chầm chậm trên các khớp nối thô thiển, một người phụ nữ tên là Juliet mặc bộ áo đen xẻ thấp, chơi dương cầm rất hay và hát những bài của Kurt Weill. Một buổi tối, có hai người đàn ông suýt giết nhau để được cô chú ý, tuy cô chẳng khuyến khích gì cuộc đua tài đó, và thực ra cô chẳng thích người nào.
Kincaid nhớ cô, thích tiếng đàn giọng hát của cô. Anh mới ngoài hai mươi, mới vừa lên đường và đi làm, còn người phụ nữ tên là Juliet ấy lớn tuổi hơn anh nhiều, có lẽ khoảng bốn mươi. Giữa họ không xảy ra chuyện gì.
Ở tuổi ấy, anh sợ một phụ nữ như thế, vì cô có thể biết là anh mù tịt chuyện giường chiếu và nhiều thứ loại đó. Anh ngồi trong bar Raifles, uống hết cốc bia và nhìn xuống cái cốc, dường như đấy là một ống kính. Hình ảnh Juliet méo mó nhưng vẫn đẹp, theo cách nghĩ của anh. Vài năm sau, anh không biết cô ra sao trước khi quân Nhật tràn xuống. Cô rất lạc lõng. Những người như Juliet luôn lạc lõng ở bất cứ nơi nào cần thoát. Cô cũng là một loại cao bồi cuối cùng.
Lăn bánh xuống California, ông bắt đầu ngân nga, ậm ừ một bài mà Juliet tối nào cũng hát, ở bốn mươi năm trước. Ông mang máng nhớ là bài Tango em thủy thủ. Rồi một gương mặt trong mơ trở lại với ông, nhưng chỉ có cái tên, Aabye. Bạn nghề đầu tiên trên con tàu Morrocan Wind. Sao mình lại nhớ được tên con tàu ấy nhỉ, Kincaid cười một mình. Có một số thứ cứ dính chặt trong đầu, những thứ khác thì không. Họ đã vài lần uống bia cùng nhau ở quán Raffìes.
Aabye không có họ và nói đến mơ ước lớn lao trong đời là sở hữu một con thuyền buồm dọc, nhưng biết mình không thể thành công về mặt tài chính. Robert Kincaid kể anh vừa làm xong một tác phẩm ảnh về ngành thuyền buồm dọc trên biển Đông, anh chú ý nhất đến một thuyền trưởng già, sắp nghỉ hưu và đang tìm người kế nghiệp, để gìn giữ con thuyền có sẵn. Kincaid kể với người tên là Aabye rằng về tiền nong, vẫn có cách thu xếp được, vì ông thuyền trưởng kia vô cùng yêu quý con thuyền xinh đẹp của mình. Con thuyền buồm dọc đó mang tên Paladin, và Kincaid chỉ đường cho Aabye đến chỗ nó đậu trong bến cảng. Người bạn nghề bắt tay và cảm ơn Kincaid, rồi ra đi tìm con thuyền buồm mang tên Paladin.
Những hồi ức ấy cứ lan vào giấc mơ. Robert Kincaid có hàng trăm, hàng ngàn hồi ức như thế. Đi về hướng nam theo đường ven biển Oregon, ông nhìn về hướng Tây phía Singapore và tự hỏi liệu người tên là Aabve có tìm ra con thuyền không và hy vọng là có, ở đó đang là những ngày cuối cùng của ngành thuyền buồm dọc. Ông luôn băn khoăn về Juliet và Aabye, về Maria và Jack cùng nhiều người khác cùng thời với ông trên cõi nhân gian này. Ông nhớ đến tất cả bọn họ, nồng nhiệt và biết ơn họ vì những hồi ức.
Một ngọn hải đăng xuất hiện bên tay phải, và ông tự động ghi vào trí nhớ, tính đến một cảnh chụp. Ông quyết định cứ đi qua, đã có quá nhiều ảnh chụp hải đăng trong nắng sớm rồi.
Chạy tiếp trên đường, ông vẫn nghĩ đến ngọn hải đăng và lựa chọn các khả năng. Ở một chỗ đường tránh, nơi các du khách có thể lái thuyền thoi và chụp cảnh biển xa xa, ông dừng xe và tìm các cuộn phim Tri-X. Lẫn trong những cuộn phim đó là cuộn Kodak Techinal-Pan duy nhất, tốc độ ASA 25, một loại phim tốc độ chậm, thiết kế cho việc sao chép các bức vẽ bằng bút chì hoặc bút mực và các đồ thị.
Nhưng T-Pan có một đặc điểm khác thường. Nếu để nó ở tốc độ nhanh hơn và rửa theo kiểu không chính thống, nó sẽ gần như bay hết các sắc độ trung gian và thể hiện chủ đề bằng màu đen và trắng tuyệt đối, làm chủ đề hiện ra lồ lộ ngay trước mắt người xem. Trước kia, ông đã sử dụng kỹ thuật này ở Scotland, trên quần đảo Glencoe. Một thành lũy nhỏ ở một trăm mét ngoài khơi, trên hòn đảo chỉ đủ rộng để chứa nó, hình ảnh tinh khôi của thành lũy phản chiếu trong nước vây quanh. Ở bản in cuối cùng, màu xám của các bức tường thành và các tháp canh biến thành màu trắng, nước xung quanh màu đen, và bức ảnh trông như thành lũy ngồi trên hình phản chiếu của nó. Ông có thể xử lý ngọn hải đăng theo kiểu tương tự, nhưng sẽ làm nghiêng ảnh.
Ông lái xe trở lại con đường ven biển, ngắm ngọn hải đăng qua một cái khung tưởng tượng trong đầu, cho đến khi ở đúng vị trí cho bức ảnh. Lái về phía bờ đường, ông lấy một chiếc Nikon F trong balô và lắp phim T-Pan. Lúc Kincaid mặc áo làm việc và kéo cái giá ba chân ra, Con Đường nhảy xuống xe và gí mũi trên mặt đất, bắt đầu trò tìm-kiếm-và- phát hiện thông thường của nó.
Kincaid đá từng cái chân của giá máy một cách thành thạo, và các chân tõe ra. Ông thoăn thoắt chỉnh độ cao, biết rằng không cần nghĩ đến vị trí ông muốn đặt máy. Ông buộc chặt máy vào giá và lấy dây máy ảnh trong túi áo bên phải.
Đầu óc Kincaid lại làm việc, trở lại với nếp chọn lọc và suy nghĩ, đồng thời tổng hợp cảnh chụp và phân tích kỹ thuật cần thiết. Trong lúc vặn dây máy vào chiếc Nikon, mặt ông rạng một nụ cười, rồi cười to. Con Đường nhìn ông, ngơ ngác.
– Chó ơi, ta chỉ cười vì ta ở đây, làm cái việc ta thành thạo nhất và nhận ra gần đây ta đã không làm việc đủ. – Ông cảm thấy sức khỏe, nghị lực và sức mạnh nay đã trở lại, ùa vào cơ thể ông, trong vài năm gần đây chúng âm ỉ vì chán nản và thương thân.
Robert Kincaid, một trong những người làm ảnh lão luyện, một người quá ư mơ mộng đã đưa quan điểm thích đáng nhất của ông tới hàng triệu độc giả của sách và tạp chí, nay lại làm việc. Ông cúi người, nhìn qua kính ngắm, chỉnh máy hơi nghiêng và sẵn sàng để chụp. Ông có thể nhìn thấy thành lũy ở Scotland và bố trí bức ảnh đó lên trên bức ông đang chụp, nhớ lại các trình tự kỹ thuật và sắp xếp kế hoạch làm việc.
Như thường lệ, nguyên tắc của ông là dù có chụp hay không, ông vẫn hình dung bức ảnh đã đóng khung và treo trên tường. Liệu nó có là thứ để ông sống chung trong nhiều tháng, nhiều năm mà không chán? Nếu có, bức ảnh xứng với số phim và sự nỗ lực. Nếu không, ông gói ghém đồ đạc và đi tiếp.
Ông hình dung bản in lần cuối trông ra sao, theo đúng kiểu ông muốn. Ông nghĩ đến thời gian để tráng phim, rửa và in, hoàn tất kết quả. Rút thước đo ánh sáng và đọc chữ đầu. Cái bóng nổi bật trên nền bê tông trắng của cây hải đăng. Một bức ảnh có độ tương phản cao với phim tương phản cao; phải cẩn thận đây. Robert Kincaid xoay ống kính trên máy. Hơi quá lâu, để lấy một chi tiết của cái bóng và nhớ lại những chỗ nổi bật nhất phai màu khi ông tráng phim, cố định phần còn lại khi ông rửa ảnh. Ông thả dây máy, bấm hình ảnh phản chiếu đánh tách và ông biết bức ảnh có khả năng là đẹp. Lại một lần nữa, vẫn bố cục ấy, chỉ phải xử lý âm bản nhiều hơn thôi.
Xong việc, ông vắt máy ảnh lên vai và lật phần trên chân máy xuống, nới lỏng để các chân chụm vào với nhau. Ông rót một tách cà phê trong phích trên xe, mở gói Milky Way và ngồi trên tảng đá, ông nhìn bao quát Thái Bình Dương trong lúc xoa xoa tai con chó và nhớ đến cặp vợ chồng già mà ông ở nhờ gần hai tuần trong thời gian làm việc ở Scotland. Ông ở đấy đúng dịp họ kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới, dân làng tổ chức tiệc mừng, nhiều viôlông, kèn túi và rất nhiều tiếng cười. Một cô gái cố dạy ông một vũ điệu truyền thống, và cả làng cười vì ông ráng sức bắt chước các bước đi chiến thắng của một chiến binh vùng cao nguyên. Robert Kincaid cũng cười. Ông mua tặng cặp vợ chồng già một đôi chén trà kèm đĩa lót bằng sứ. Họ và ông trao đổi thư từ suốt chín năm sau, cho đến khi ông không nghe được tin gì về họ nữa. Cuối cùng, một người hàng xóm của họ viết thư báo tin họ đã qua đời, người nọ cách người kia hai tháng. Bà vợ mất trước, và ông chồng mất sau đó ít lâu. Theo người hàng xóm, không rõ bà ta mất vì lẽ gì, còn ông chồng vì đau tim.
Một đụn mây đã hình thành ở xa, trên mặt nước, có lẽ cách hai mươi dặm, nhưng nơi Robert Kincaid ngồi, mặt trời vẫn còn ấm, và ông ngồi đó một lúc lâu, chậm rãi nhai kẹo, ở lại bao lâu ông không biết chắc và cũng không quan tâm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.