Một Ngàn Con Đường Quê

Chương 07 – Phần 2



Cô đăm đăm nhìn Robert Kincaid qua ánh lửa bập bùng trên bờ biển và nhận ra thứ ai cũng chú ý trước hết ở anh: cặp mắt. Mắt anh tạo cảm tưởng nhìn thấu và nhìn xa hơn thứ trước mặt. Trong cái nhìn cũng như trong cử động của anh, có nét đặc biệt, vừa rụt rè vừa đằm thắm, một cái gì đó của người chiến binh và phảng phất của một nhà thơ, dường như cùng một lúc anh vừa trở lại thời xa xưa vừa bỏ đi rất xa. Cô có cảm giác nếu cô để một tấm gương trước mặt anh, có thể nó phản chiếu một hình ảnh vừa xa lạ vừa cổ xưa.

– Anh làm nghề gì? Ý tôi là để sống ấy? Lúc nãy tôi nghe anh nói anh đi du lịch.

– Tôi từng ở binh chủng Lính thủy đánh bộ Nam Thái Bình Dương. Tôi mới xuất ngũ cách đây chưa lâu. Trước chiến tranh tôi là thợ ảnh và tôi sẽ cố làm lại nghề đó.

– Anh làm gì trong binh chủng Lính thủy đánh bộ?

– Cũng thế, chụp ảnh.

Robert Kincaid nhìn đăm đăm xuống cát và thấy ngỡ ngàng vì anh đang lặng lẽ ngồi ở đây, thay vì lê tấm thân một mét tám mươi nhăm của mình dưới những cái lưỡi bỏng rát của súng phun lửa. Trong giây lát, anh như trở lại đảo san hô vòng, cúi xuống người trợ lý và gọi cấp cứu. Lúc đó, một giọng phụ nữ nói với anh:

– Thỉnh thoảng tôi đến đây vào buổi chiều để tập xen lô. Nếu ngày mai anh muốn nhập bọn với tôi, chúng ta sẽ đi picnic một chuyến.

Đống lửa lụi dần, mọi người tản đi, họ về nhà trên đỉnh núi hoặc trong các khe núi.

Có tiếng nói ngay bên phải anh:

– Rồi sẽ ổn thôi. Hôm thứ Tư, Jake sẽ mang dầu hỏa tới. Tôi đã đặt trước đủ cho vài tháng, vì thế tôi sẽ để lại cho anh một ít.

Mọi người bắt tay Kincaid, nói họ rất vui được gặp anh rồi đi vào đêm tối. Một người tên là Lawrence tiến đến và mời Kincaid đến chỗ anh ta nghỉ đêm, Kincaid cảm ơn và nhận lời.

Sóng đập ầm ầm vào các quả núi ngoài khơi, âm thanh của chúng giống như tiếng gầm vang của đại bác trên chiến hạm Mỹ lúc trước. Ở Betio, một lính cứu thương cúi xuống người trợ lý của Kincaid và nói: “Tôi xin lỗi, anh ấy chết rồi, chết trước khi đập xuống đất. Bọn bắn tỉa khốn nạn,” rồi anh ta rút thẻ quân nhân của người đang theo Kincaid học nghề nhiếp ảnh. “Anh nhớ cúi đầu xuống, bọn bắn tỉa nấp trong cái tàu thủy cũ của một thương nhân Nhật kia kìa.”

– Kìa, – tiếng cô gái nói, – picnic hay không nào?

– A, có. Ơ… nghe có vẻ… rất tuyệt. Tôi thích lắm.

– Tốt. Vậy hai giờ chiều mai, tôi sẽ gặp anh ở chỗ rẽ vào đường cái kia nhé. Ngày kia, chúng tôi sẽ đến thăm Henry Miller. Anh đi cùng chúng tôi cho vui.

Kincaid biết Henry Miller. Tuy sách của ông bị cấm ở Mỹ, song rất phổ biến trong đám binh lính ở nước ngoài.

– Có lẽ là việc thú vị đây. Ông ấy không hẳn là người tôi thích, nhưng nó sẽ là… ờ, như tôi vừa nói, là thú vị.

– Henry Miller vô hại ở bang của ông ấy. Ông ấy lang thang đến đây như những người khác và cố tránh mọi người khờ dại, hành hương đến gặp ông, những người chẳng mong gì ngoài những tấm thân trần truồng nằm la liệt, hành xử sỗ sàng trong các tư thế khác nhau.

* * *

Malcolm McMillan vẫn coi con gái mình như lúc mới mười lăm, một cô bé lóng ngóng mà ông luôn nghĩ là chưa đủ da đủ thịt.

– Con bé phải ăn nhiều hơn, – ông nhắc vợ.

– Malcolm, anh không phải lo đâu. Hai năm vừa rồi nó bắt đầu mặc chật hết quần áo và dáng dấp khá là nữ tính. Cách ăn mặc của nó che giấu khá tốt gần như mọi lúc. Mình ạ, con bé đã mất vẻ vụng về và trở nên khá duyên dáng.

Qua chiếc áo len nhẹ, rộng lùng thùng cô mặc, Robert Kincaid vẫn nhận ra hình dáng và đường cong của thân hình Wynn McMillan lúc anh cho chiếc Ariel chạy chậm lại và đỗ đúng chỗ cô đứng bên đường cái. Một thoáng háo hức xưa cũ vừa trở lại. Trong hoàn cảnh chiến tranh ở những hòn đảo hẻo lánh buộc phải tiết dục, anh tập trung vào việc cố sống sót và làm nghề. Ngoài các nữ y tá mệt mỏi và rã rời như lính bộ binh, đàn bà là một khái niệm trừu tượng: Rita Hayworth (Rita Hayvvorth (1918-1987): Vũ công, diễn viên Mỹ nổi tiếng xinh đẹp và tài năng, đã thủ vai chính trong hàng chục bộ phim, được tôn vinh là “nữ thần của Hollyvvood ở đỉnh cao sự nghiệp) lừng danh trong chỗ ăn ở chật chội trên con tàu chở lính, chân dung gấp lại của Lauren Bacall (Lauren Bacall (sinh năm 1924): Diễn viên sân khấu và điện ảnh Mỹ, sớm thành công vì kết hợp được giọng nói khàn khàn với phong cách khêu gợi và tinh tế lạnh lùng) mà một lính thủy đánh bộ cất trong túi ngực, các bức ảnh của vợ và bạn gái được truyền tay nhau, ngưỡng mộ và chia sẻ trong cảnh cô đơn. Lẽ tất nhiên, còn giọng nói ngọt ngào và mượt như nhung của vài người phụ nữ khác được gọi chung là “Bông hồng Tokyo”, thúc giục lính Mỹ đào ngũ vì phải đối mặt với một sự nghiệp vô vọng.

Nhưng mặt trời ấm áp và buổi chiều trước mắt Robert Kincaid giống như một cuộc đời khác, một phần thưởng do Thượng đế ban tặng và tí nữa thôi là anh nhìn thấy và tự nhủ không ít thì nhiều, anh xứng đáng hơn những người ngã xuống ngay trong lúc anh chụp ảnh họ. Mười sáu triệu lính Mỹ bị động viên vào cuộc chiến, bốn trăm ngàn người chết trong chiến trận hoặc những sự kiện liên quan. Quân Nhật thương vong hai triệu người.

– Chào anh, – cô gái nói lúc anh vung chân rời chiếc Ariel. Cô mỉm cười, và Kincaid nghĩ trông cô thật đáng yêu.

– Chào cô. Trời đẹp quá nhỉ? – Anh nói và bất chợt nhận ra lúc này anh đang mỉm cười. Hành động cười mỉm và cười to đúng lúc, đúng mực, là kỹ năng anh đang cố học lại.

– Ở Big Sur, khó mà nói là không đẹp. Anh cứ ở lại và sẽ thấy. – Cô nghiêng đầu bổ sung cho lời mời.

Kincaid vẫn mỉm cười lúc vỗ lên chỗ ngồi của chiếc Ariel, anh liếc nhìn cây đàn xenlô của cô và cái giỏ đan bằng cành liễu để cạnh.

– Trông như chúng ta cần đến một sĩ quan hậu cần, đại loại như lúc đổ bộ lên Guadalcanal, song té ra nơi ấy là một đống hỗn độn. Vì tôi cần cả hai tay điều khiển xe, nên tôi sẽ buộc cái giỏ của cô và balô của tôi vào đằng sau. Nếu cô có thể quàng dây để đeo cái hộp đàn lên vai, cô cứ ngồi lên sau tôi, tôi sẽ lái xe thực sự thoải mái và cố dừng lại trước khi chúng ta rơi xuống nước.

Cả vùng được che bằng tán lá cây tiêu huyền và dốc xuống bãi biển, ánh nắng xuyên qua lá thành vết lốm đốm trên con đường rợp bóng. Kincaid dựa chiếc Artel vào một vách đá, đối diện Thái Bình Dương, ở trên nơi anh nghĩ là ngấn nước thủy triều cao khoảng ba chục mét.

Wynn McMilIan chỉ về phía bắc.

– Chúng ta có thể đi men bờ biển, vòng qua mũi biển chỗ kia là tới một bãi biển nhỏ rất đẹp, khuất gió. Tuy nhiên, cần đề phòng thủy triều. Bây giờ nó thấp, nhưng lúc triều dâng trở lại, quanh mũi ở đó chẳng còn gì ngoài việc phải trèo lên vách đá hoặc đợi thủy triều rút.

Bi đông lính treo tuột bên thắt lưng, con dao Thụy Sĩ gài ở bên kia, Robert Kincaid vác cây đàn xen lô lên vai phải và khoác ba lô của anh lên vai trái. Cô xách cái giỏ liễu đan đựng bánh mì kẹp xúc xích, salat khoai tây và hai chai vang đỏ. Lúc đầu cô chỉ gói một chai, nhưng nghĩ đến người đàn ông bên ánh lửa tối hôm trước, cô quyết định mang thêm chai thứ hai. Nhỡ một chai chưa đủ.

Cô nói đến âm nhạc, biển cả và tình yêu Big Sur ngày càng lớn lên của cô, còn anh chú ý đến cách cô dùng đôi bàn tay, các động tác lượn tay rất nhanh, gần như đánh nhịp. Anh quan sát lúc cô nhặt vỏ sò và nghĩ lâu lắm rồi, anh không chú ý đến vỏ sò vỏ ốc ngoài những chỗ rách kinh tởm khi ngã lên hoặc bò trên chúng trên đường đổ bộ vào bãi biển.

Cô ngoảnh nhìn anh qua vai, mỉm cười nồng nhiệt rồi quay đi và hỏi:

– Tại sao anh đeo cả dây quần rộng bản lẫn thắt lưng? Có phải là dấu hiệu bất an trong lòng không?

Kincaid cười to:

– Không phải lúc nào tôi cũng rhế. Tùy việc tôi đang làm. Lúc tôi đeo một bi đông, một đồng hồ đo ánh sáng, con dao và vài thứ khác lên thắt lưng, quần bắt đầu tụt xuống. Vì thế tôi dùng dây quần để kéo nó lên.

Sau nửa giờ đi bộ qua cát đóng cứng lại, Kincaid thưởng thức sự tò mò và nồng nhiệt của cô gái với mọi thứ xung quanh, thích thú nhịp điệu nhún nhẩy của cặp mông tròn như mũi biển lúc cô đi trước anh.

Sau này, anh viết:

“Buổi trưa, chúng tôi đến một bãi biển nhỏ, cởi giày và lội qua một lạch nước nông, cắt ngang bờ cát Thái Bình Dương. Lạch nước có màu đỏ tía – xanh xanh rất lạ, sau này tôi mới phát hiện ra trên đường ra biển, nó chảy qua đá núi lửa. Ngắm những con sóng đập vào các tảng đá ven bờ, tôi suýt bỏ qua một dấu vết khác thường trên cát, bên chân tôi. Vết đỏ rộng khoảng chín mươi xăngtimét và nhẵn nhụi, có nhiều lỗ ở một bên, cách nhau những khoảng dều dặn.

Ngồi xổm, tôi sờ lên những dấu vết đó, như thể chúng có thể nói cái gì đã tạo ra chúng. Ngoài tiếng những con sóng lớn vỗ bờ và tiếng thở của tôi, chỉ có im lặng. Tôi đưa mắt dõi theo vết đỏ đến mặt nước: một con vật to lớn màu nâu. Ở cuối con đường mòn lạ lùng ấy. Nó đang di chuyển. Tôi liếc nhìn cô gái. Cô ta cũng nhìn thấy nó.

Trong balô của tôi chỉ có một kính ngắm máy ảnh loại nhỏ và tôi lục tìm nó lúc tiến tới. Tôi đi rất thận trọng. Đây không phải là lãnh thổ của tôi, tôi không quen với thú hoang, cả trên rừng lẫn dưới biển, và kích thước của con vật này thật đáng sợ. Vừa lượn tròn, tôi vừa cố tiến lên trước con vật trên cát, chỉ cách tôi khoảng ba chục mét.

Tôi có thể nhìn thấy mặt nó, gắn trên thân hình dài bốn mét rưỡi và nặng đến hàng tấn. Đó là một bộ mặt kỳ lạ, buồn bã, cặp mắt màu nâu giống như những hòn đá nhẵn nhụi trên bãi bển và một cái vòi giống thân cây. Dùng các chân chèo, con vật nhấp nhô trên cát tới mặt nước. Nó nhìn thấy tôi và ngóc đầu lên để nhìn rõ hơn, rồi lại hạ đầu xuống và nằm trên cát như một con chó nằm trên thảm, cằm chúc xuống, mắt chớp chớp.

Cách khoảng sáu mét, cặp mắt nâu của nó đã hiện rõ trong ống kinh. Chúng nhìn thẳng vào tôi, một cái nhìn sợ hãi hay ít ra là tò mò, cảnh giác, lúc tôi cúi người cố tìm một góc đẹp. Tôi bắt đầu có cảm giác thường có, mỗi khi đột nhập và phá vỡ cuộc sống của những sinh vật khác, vì rõ ràng cô gái và tôi đã xâm phạm khoảnh khắc yên bình của nó, nếu không có chúng tôi.

Tôi vận dụng trí nhớ tìm những hình ảnh trong tất cả các cuốn cẩm nang về động vật hoang dã mà tôi đã đọc trong nhiều năm qua. Chắc là tôi phải biết con vật này, nhưng không, tôi không thể nhớ ra. Không phải là con huệ biển. Nó quá to, và cái mũi không giống. Không phải là hải mã, tuy kích thước và thái độ có vẻ giông giống. Tuy chưa bao giờ sốt sắng nhớ tên các loài vật, vì thực ra, tôi luôn tin rằng chúng ta quá mải mê gán các loại tên cho chế giới quanh ta, vậy mà tôi phát cáu vì không sao nhớ ra tên của con vật ngay trước mắt tôi.

Con vật ở một chỗ khó mà chụp được một bức ảnh đẹp. Nó nằm bẹp trên cát, ngay lập tức những tảng đá ở đằng sau có cùng màu với da nó. Không sao. Tôi hạ thấp máy và cứ giữ yên. Rồi tôi chợt nhớ ra. Con vật đó là hải cẩu voi (Loài hải cẩu sống ở bờ biển phía tây Bắc Mỹ, con đực có mũi rất dài giống như vòi voi, tên Latinh là MirounỊữ angustirostris), hồi thế kỷ mười chín bị săn bắt gần như tuyệt diệt và rất hiếm khi nhìn thấy. Nó mất cả ngày, có khi cả đêm hôm trước nữa, để bò ngược lên bãi biển và hình như giống tất cả chúng ta vẫn làm, là cố đến với nước.

Những con sóng cao khoảng hai mét đập vào các tảng đá cổ khi con hải cẩu lao vào chỗ nước cạn, nó dừng lại giây lát ngoảnh nhìn cô gái và tôi. Đến chỗ nước sâu hơn, sự vụng về của con vật lập tức biến mất. Trên đất liền, nó như một đống bùn lớn. Dưới nước, nó khác hẳn. Bất thình lình, khéo léo và nhanh nhẹn, nó trượt sâu và trong khoảnh khắc biến mất qua một khe hẹp giữa hai tảng đá.

Tôi đứng thẳng lên và nhìn cô gái. Cô đến gần, vòng cánh tay quanh eo tôi. Tôi vẫn ngắm nhìn mặt nước. Cô kéo cánh tay áo tôi và tôi nhìn cô.

– Nó đặc biệt quá, Robert, – cô nói. – Người ta thường không nhìn thấy ở quanh đây đâu. – Cô mỉm cười và nhìn thẳng vào tôi.

Một lát sau, cô nói thêm:

– Em nghĩ, nó có phần giống anh… có lẽ vì không hay gặp.

Dấu vết rộng chín mươi xăngtimét vẫn còn lại trên cát, với những dấu chân chèo ở hai bên dẫn thẳng tới Thái Bình Dương. Tôi cất máy ảnh vào balô, nghĩ đến cặp mắt nâu của con Mirounga angustirostris lúc nó ngắm nghía tôi, cố vùng vẫy trong trí nhớ và các chi của nó, cuối cùng khi nhận ra tôi, nó lăn qua đám bọt biển và lặn vào nước sâu. Nó đã đi rồi.

Cô gái trải một tấm vải lên mặt đất, gần một tảng đá có kích thước và chiều cao chỉ bằng cái ghế bành. Cô lấy đàn trong hộp ra, so dây, rồi ngồi lên tảng đá và bắt đầu chơi. Tôi nằm trên cát và nghĩ đến nơi tôi đã ở trong suốt ba năm qua, rồi cố không nghĩ đến nó nữa. Cát rất ấm và tôi nằm đó một lúc lâu, không còn muốn ở nơi nào khác nữa.”

Sáng hôm sau, sương mù rất dày. Robert Kincaid lấy cái bùi nhùi và nhen lại đống lửa anh đã gầy đêm trước, nó cháy qua gần hết đêm. Anh và Wynn McMillan nằm trên cát, ôm nhau, anh cảm thấy mình trẻ lại, giữ được những hồi ức chiến tranh khiến người già biến thành tươi mới.

Wynn thấy lạnh, mớ tóc dài của cô tung một phần khỏi cái lược giữ nó vun cao và gọn gàng. Lặng lẽ, cô mỉm cười và hôn anh, rồi hôn lần nữa. Họ nằm đó, vuốt ve nhau cho đến khi bầu trời biến thành màu trắng nhợt và mặt trời chiếu một tia sáng nhợt nhạt qua màn sương mù. Họ làm tình lần thứ ba, kể từ lúc đến bãi biển.

– Rồi anh sẽ ở lại chứ? – Sau đó, cô hỏi.

Anh ngồi dậy và phủi cát khỏi lòng bàn tay, xỏ đôi giày ống và bắt đầu buộc dây.

– Anh không thể. Anh cần làm việc và phải gọi cho tờ National Geographic xem họ còn việc gì cho anh không. Trước chiến tranh, anh đã làm nhiều cho họ. Anh nghĩ sẽ định cư ở khu vực San Francisco. Không xa lắm đâu. Chúng ta có thể gặp nhau thường xuyên.

– Em biết. Nhưng đôi khi em ước giá cuộc đời cứ như lúc này mãi, giống như đêm qua, giống như sáng nay. – Cô dựa vào cái sơmi ẩm của Kincaid và nghịch nghịch cổ áo anh.

Anh nghiêng đầu dựa vào đỉnh đầu cô, và anh ngửi thấy mùi biển trong tóc cô. Một đàn bồ nông nâu ra khỏi sương mù, đập cánh bay về phương Nam thành một hàng không đều, chỉ cách mặt nước độ mươi phân. Chúng biến vào màn sương và thế chỗ là những con mòng biển, bắt đầu công việc buổi sáng của chúng. Chính vào lúc ấy, Robert Kincaid biết không thể lần lựa, trì hoãn được nữa, phải tiến lên, không thay đổi. Trong lòng anh bồn chồn không yên. Một cuộc đời thứ hai trải ra trước mắt anh, và anh nóng lòng muốn nắm lấy nó, hòa hợp với nó.

Wynn McMillan cởi hai khuy trên cùng áo sơmi của anh, hôn lên ngực anh và vùi mặt vào da anh một lát, trong lúc Robert Kincaid vuốt ve tóc cô và cảm thấy những hạt cát rải rác trong mái tóc. Cô quay đầu và dựa vào anh, chỉ ra phía đại dương và thì thầm:

– Người ta bảo đến tháng Ba, những con cá voi xám sẽ đến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.