Một Ngàn Con Đường Quê
Chương 13
Những thời khắc lạ lùng
Carlisle ở lại Seattle thêm hai ngày nữa, và là những ngày lạ thường, anh và Robert Kincaid nói chuyện, chuyện mãi không dứt. Họ ngồi ở bàn bếp trong căn nhà gỗ nhỏ của Kincaid, nói chuyện như những người bạn mới hơn là như cha với con. Nếu mối quan hệ đó từng bị lãng quên, thì nay nó dài hơn là cái bắt tay và vài giờ trò chuyện. Nhưng người nọ nhìn người kia thực lâu và khắc nghiệt, cố đưa thứ hình như vừa thực vừa không thực vào tiêu điểm. Carlisle McMillan, con rơi của người cưỡi môtô lẻ loi, lúc này ngồi đối diện với anh qua cái bàn bếp. Robert Kincaid, con người của những nơi xa xôi và những giấc mơ vời vợi, lúc này vật lộn với ý niệm về đứa con trai mà ông có thể nhìn thấy mặt và nghe thấy tiếng nói của nó.
Kincaid vất vả tìm lời, ông nói và nói đi nói lại rằng ông rất ân hận đã không ở đó giúp Wynn và chứng kiến Carlisle lớn lên qua năm tháng.
– Ta đã viết thư cho mẹ con, Carlisle ạ, thực sự là có viết. Chúng ta chỉ mất dấu vết của nhau.
– Vâng, khi còn bé tôi đã khá giận và xấu hổ vì việc đó. – Carlisle nói và ngắm nghía căn nhà nhỏ bé. Cần làm lại trần, lộ nhiều vết bẩn ở chỗ mái bị dột và nước thấm qua. – Mẹ là người tinh tế, độc đáo trong suy nghĩ và nếp sống, nhưng thực sự cứng rắn theo kiểu của bà. Bà chưa bao giờ nói một lời không tốt về ông, bà thừa nhận mình chịu một nửa lỗi trong toàn bộ chuyện này.
Anh tiếp tục kể về Cody Marx, người thợ mộc và người thầy của anh. Kincaid chăm chú lắng nghe.
– Ta rất cảm ơn Cody Marx. Ông ấy còn sống không?
– Không ạ, ông ấy đã mất một thời gian rồi. Tôi rất khó tiếp nhận cái chết của ông ấy. Không có ông ấy, tôi không biết chắc rồi mình sẽ ra sao.
Carlisle lưỡng lự giây lát, rồi hỏi:
– Hồi ấy, ông có yêu Wynn không? Hay đây là một câu hỏi ngu xuẩn?
Kincaid nghịch nghịch bao thuốc lá Camel, rút một điếu và châm. Bao diêm mang một thông điệp ngắn: Khách sạn Sea Vieui – Nơi nên trở lại ở Astoria, Oregon. Ông hút thuốc, lòng bàn tay trái lau qua cằm.
– Không, nếu ta nói có là ít thật thà, Carlisle ạ. Chúng ta ở bên nhau không lâu. Với nhiều người trong chúng ta, thời ấy là những năm tháng không ổn định, cố giành lấy mạng sống và sau chiến tranh, phải chuẩn bị nhiều thứ. Ta nghĩ cả hai đều cảm thấy giữa chúng ta là một thứ lớn lao hơn là đùa cợt trên bãi biển, và không bao giờ định lẩn trốn. Hồi đó chúng ta có ý định đứng đắn, một đêm, Wynn và ta đã thỏa thuận như thế. Nhưng chúng ta đều trẻ, và… đấy là việc khó giải thích… – Ông lắc đầu, nhìn xuống đôi bàn tay trên bàn.
– Những năm qua, mẹ kể nhiều chuyện với tôi, – Carlisle nói, thẳng thắn với Robert Kincaid. – Rồi cuối cùng, tôi cũng gạt bỏ được nỗi giận. Tạm thời làm lành với mọi thứ. – Trong giây lát, anh thèm chấm hết câu bằng từ “bố”, nhưng không thể bắt mình dùng từ đó được. Quan hệ của anh với người đàn ông trước mặt là huyết thống, và có thể nhiều hơn một chút sau lúc ở bên nhau, nhưng từ “bố” hình như chưa đủ thích hợp với ông ta. Có lẽ vì chưa bao giờ anh được gọi từ đó.
Kincaid chấm chấm nhẹ mắt bằng chiếc khăn mùi soa to màu vàng, rút từ túi chiếc quần jeans bạc. Ông ngước nhìn Carlisle:
– Khỉ thật, bao năm phí hoài, Carlisle ạ, chúng ta không được làm nhiều việc cùng nhau… quá nhiều năm.
Ông giũ chiếc mùi soa:
– Xin lỗi, gần đây ta hay bị chảy nước mắt.
Carlisle McMillan cảm thấy mắt mình cũng ướt và với tay qua bàn, anh nắm chặt vai Robert Kincaid. Mặc dù tuổi tác và mảnh dẻ, cơ vai của ông vẫn còn khá rắn chắc. Trái tim lồng ảnh đeo ở cổ Kincaid và luồn vào trong sơmi bật ra, đung đưa dưới ánh đèn. Trái tim có khắc chữ, nhưng khó đọc vì nhiều vết xước và mờ xỉn. Sẽ có ngày Carlisle phải hỏi về trái tim đó, nhưng lúc này anh gạt đi.
– Tôi cho rằng người may mắn là người biết mặt cha mình. Tôi có thể nói mình là người may mắn. – Carlisle nói, vẫn nắm chặt vai Kincaid.
Anh hỏi có thể xem một số tác phẩm của Kincaid được không. Mặt Robert Kincaid tươi hẳn lên vì lời đề nghị đó, ông bắt đầu kéo ra những tấm kính ảnh trong các ngăn. Nếu lời lẽ khó đến với ông, hình ảnh là cách cho người con trai trước mặt ông biết ông đã sống cả đời ra sao. Ông lấy một tấm ván nhỏ, nhẹ, dễ mang đi và đặt lên bàn bếp. Cả buổi chiều và ngày hôm sau, họ cùng ngắm các tác phẩm của Kincaid. Robert Kincaid nói và nói mãi về những năm tháng trên đường, về bức ảnh này chụp bao giờ, chụp ở đâu, về mùi và ánh sáng của từng bức gợi nhớ cho ông. Carlisle nhận ra vài bức trong tờ National Geographic mà anh đã sao chụp.
Số phận tác phẩm của Kincaid khiến anh sửng sốt. Trong lúc phần lớn khá huy hoàng, có góc chụp đầy chất thơ, một số tác phẩm đen-trắng có độ tương phản cao lại thuộc khuynh hướng trừu tượng. Anh đặc biệt mê mẩn bức ảnh Khu ổ chuột ở ]akarta, Kincaid chụp cho một dự án của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc).
– Bức này long đong lắm, – Kincaid nói, hàm nghiến chặt lúc ngắm các bức ảnh dàn ra trên bàn. – Ta chỉ được công tác phí thôi, vì nó là việc đáng làm. Thỉnh thoảng, được làm những việc như thế này thật là hay. Giúp giải thoát những con người sống vật vờ, dường như bị coi là dưới mức phát triển của thế giới. Ở nơi đó, không chỉ có những con khỉ to lớn không đuôi, màu nâu đỏ và voi, không chỉ có những lễ hội đầy màu sắc, những cảnh hoàng hôn có nhiều sọc rất mảnh, và những con hồng hạc bay sang châu Phi.
Ông mở một hộp ảnh khác.
– Đây… Đây là bộ ảnh cá nhân ta làm năm ngoái về những người già ở trại dưỡng lão. Ta chụp tặng mỗi người một cái, chấm sửa, đóng khung, sẵn sàng để treo hoặc bày trên bàn giấy hay tặng gia đình nếu họ có, và phần lớn là không có. Ta thực sự hài lòng vì việc này. Họ rất phấn khởi, ăn vận đẹp đẽ để chụp. Một số người nằm liệt giường, nên ta phải sáng tạo sao cho trông không giống ở bệnh viện.
Robert Kincaid mỉm cười mãn nguyện lúc chọn các tấm ảnh, mỗi lần giơ một tấm cho Carlisle xem.
– Người này từng là một kỹ sư đường sắt, làm trên tuyến xe goòng ở miền tây của bang, bị đột quỵ hai lần và liệt một phần cơ thể. Người phụ nữ này là ca sĩ ở hộp đêm. Đây là người thu gom rác, thợ máy ôtô, người vẽ tranh minh họa truyện thiếu nhi, gái điếm. Ở trại dưỡng lão đó có hàng triệu câu chuyện, chỉ đợi người ghi lại thôi. – Ông xếp lại các bức ảnh vào hộp và mỉm cười lần nữa.
Tối hôm đó, trong lúc họ nấu bữa ăn giản dị, Kincaid quay sang con trai:
– Ta muốn xin con một ân huệ, Carlisle.
Carlisle đợi, không nói gì, nhưng anh nhận thấy Kincaid nói rất trang nghiêm.
– Ta rất muốn khi ta chết, con đốt hết những âm bản, kính ảnh và những bức ảnh này. Ta đã sắp xếp tất cả vào tủ tài liệu để trong bếp và một cái trong phòng ngủ.
Carlisle bắt đầu phản đối, nhưng Kincaid giơ tay ra hiệu anh đừng nói thêm gì nữa.
– Đây là việc phải làm, vì quan niệm về sự sống và cái chết gần như không thể giải thích bằng lời. Càng ngày, ta càng cảm thấy sâu sắc rằng thời gian và ta gắn bó như vợ với chồng, rằng ta chỉ là người cưỡi trên một mũi tên lớn. Cuộc đời ta xứng đáng với những thứ ta đã làm, và ta luôn nhìn thấy cuộc kiếm tìm sự bất tử không những vô ích mà còn lố lăng, giống những cỗ quan tài trau chuốt là sự cố gắng lâm ly để lảng tránh chu trình chuyển hóa của carbon.
Kincaid khuấy nồi súp rau, ngoái nhìn Carlisle và nói lúc ông khuấy cái muôi.
– Có một thực tế là những bức ảnh ta chụp đang trôi nổi khắp nơi, ở những nơi mà ta không có quyền phê bình nên sử dụng chúng ra sao và ở đâu. Người công nhân bến cảng ở Mombasa hoặc cô gái trên cánh đồng Mexico có thể bị đưa vào những cuốn sách hướng dẫn du lịch rẻ tiền. Bức ảnh chụp những người ra khơi trên con thuyền sáu mái chèo có thể bị dùng làm quảng cáo máy chèo thuyền. Tệ ngang thế, chúng có thể bị trưng bày để người ta đánh giá tác phẩm của ta trong lúc gặm bánh quy giòn với phó mát Pháp, lục lọi, nhìn ngược ngó xuôi để tìm cho ra những ý nghĩa thầm kín, sâu sắc trong các tấm ảnh, mà khởi đầu chẳng bao giờ có ý nghĩa thầm kín, sâu sắc nào hết. Chúng chỉ là những bức ảnh, thế thôi.
– Con có thể bảo đảm để không một việc nào như thế xảy ra, – Carlisle nói.
– Phải, ta tin con sẽ làm việc đó chừng nào con còn sống. Nhưng sau đó thì sao? – Kincaid lấy hai lon bia trong tủ lạnh và đưa một lon cho Carlisle. – Vả lại, các bức ảnh có thể bị đem dùng linh tinh hơn nữa. Như những thứ ta vừa nói lúc trước. Khi ta chết, ta muốn sàn nhà được quét sạch sau ta, mọi dấu vết không còn nữa, không còn gì để lại. Đấy chỉ là cách của ta thôi Carlisle ạ, chỉ là cách nhìn nhận sự việc của ta.
– Vâng. Con sẽ làm việc bố dặn, con hứa, mặc dù con mong bố cảm nhận khác đi.
Kincaid cảm ơn anh trong lúc nhìn xuống sàn, ông hơi rê rê đôi giày ống. Bỗng ông thở hổn hển và hơi cúi xuống, cảm thấy đau nhói ở ngực, một cơn choáng váng và nôn nao lại choán khắp người. Ông dựa vào tủ lạnh, mồ hôi rỏ từng giọt lớn trên mặt.
– Lạy Chúa tôi, có chuyện gì sao? – Carlisle kêu lên và cúi xuống ông.
Kincaid xua tay, ra hiệu lùi lại.
– Một, hai phút là ta sẽ ổn thôi, chỉ là cái trò ngớ ngẩn của người già, – ông hổn hển. Gương mặt biến thành xám ngoét dưới làn da rám nắng, ông cố nín thở.
Carlisle đỡ ông lên ghế. Vài phút sau, Kincaid gượng mỉm cười và nói:
– Ổn rồi. Thỉnh thoảng lại có một cơn khỉ gió như thế. Nó qua là ta cảm thấy khỏe.
– Con đưa bố đến bác sĩ nhé? – Carlisle lo lắng gợi ý.
Con Đường tiến đến bên bàn và đặt cằm lên chân Kincaid.
– Không. Ta đi khám một lần rồi. – Ông lùa tay lên cổ con chó, những ngón tay sục vào lớp lông dày của nó. – Bác sĩ nói ta không sao, chỉ là chuyện vớ vẩn, nhịp tim bất thường hoặc một thứ gì đại loại thế. Nó qua rồi. Ta học cách sống với nó.
Carlisle không tin ông, nhưng đành thôi. Rõ ràng Robert Kincaid có quan điểm riêng về bản thân và tính mạng của ông, một quan điểm mà Carlisle chưa hiểu lắm và có lẽ sẽ không bao giờ hiểu.
Một giờ sau, họ cùng cười vang và lắc đầu, khi Carlisle phát hiện ra bố anh mới đến Salamaiuk tuần trước. Carlisle hỏi Kincaid có thích đến thăm anh ở Nam Dakota và xem công việc của mình, anh có thể đỡ ông tiền vé máy bay nếu cần. Kincaid nói ông rất muốn, có lẽ để đến mùa xuân, thời tiết tốt hơn, anh và ông già sẽ đến Lester đi dạo, đến Leroy nghe Gabe chơi các bài tango. Carlisle nói lúc nào đấy anh sẽ lái xe đến Seattle, mang theo dụng cụ sửa nhà cho ông.
Họ nói chuyện về nghề nhiếp ảnh và nghề mộc, về cách học làm mọi việc cho đúng. Robert Kincaid kể chuyện có lần ông đã dành trọn hai mươi tư tiếng đồng hồ quan sát một cái lá đơn độc trên cây phong vào mùa thu. Từ sáng tinh mơ đến lúc mặt trời lặn, ông ngắm nghía cái lá, đo ánh sáng cho nó, bố cục cho nó. Ông coi việc đó ngang với việc chơi các gam, thậm chí ngang với chơi các khúc luyện trong âm nhạc, học cách để riêng ánh sáng đã có thể thay đổi được chủ đề.
Carlisle hiểu và liên hệ với cách Cody Marx bắt anh làm những việc thông thường nhất, làm đi làm lại cho đến lúc anh thành thạo. Anh cười to:
– “Chuẩn bị bề mặt” là câu Cody không bao giờ để con quên, những lời đó làm những người nghiệp dư phát sợ và ngán ngẩm. Gần một năm đầu tiên làm việc với ông ấy, con không được làm gì ngoài đánh bóng gỗ bằng cát, sử dụng cái bào tay và cạo sơn cũ.
Ngày hôm sau, Kincaid lái xe đưa Carlisle ra sân bay Seattle-Tacoma, phụ tùng máy ảnh của Kincaid xếp trên ghế, giữa hai cha con. Lúc loa gọi chuyến bay của Carlisle bắt đầu lên máy bay, cả hai đứng và nhìn nhau.
– Bố giữ gìn sức khỏe nhé, – Carlisle nói tha thiết, theo nghĩa đen, thuần túy nhất.
Robert Kincaid cười tươi tắn:
– Ta đã vượt qua nhiều dặm đường, Carlisle ạ, nhưng phần lớn thời gian, ta luôn cảm thấy vẫn còn một số ở lại trong ta. – Ông xem đồng hồ. – Ta chụp vài bức ảnh thì hay hơn, để kiếm ít tiền.
Carlisle bắt đầu theo đám đông tiến đến cửa kiểm tra. Anh bỗng quay người, lách trở lại chỗ Kincaid đứng. Kincaid nhìn anh, kéo thẳng sợi dây đeo quần, sờ vào thắt lưng và nhớ ra quy định an ninh của sân bay khiến ông phải để con dao trong xe.
– Con sẽ đợi bố vào mùa xuân, – Carlisle nói nghẹn ngào, anh bực mình vì lời lẽ cứ mắc trong cổ họng. Một nhân viên bên bàn đang in tấm thẻ cuối cùng lên máy bay chuyến đi Denver. – Con rất muốn bố nhìn thấy công việc của con, – Carlisle nói tiếp, tiếng anh khản đặc. Anh hắng giọng và dịu dàng nói, – Con tin rằng… tin rằng một người con bao giờ cũng muốn được bố mình tán thành.
Họ bước tới. Carlisle đặt túi xuống và dang cả hai cánh tay ôm choàng lấy Robert Kincaid. Đáp lại, Kincaid ghì chặt con trai.
– Bố à, dù sao thì chuyện này cứ… cứ… thế nào ấy. Bố ở đằng đó có nghe thấy con không? – Anh kéo lại sợi dây quần màu cam và âu yếm vỗ nhẹ vào lưng Kincaid.
Ở lối vào chỗ kiểm tra, anh quay lại và nhìn cha một lần nữa, mặt anh nghiêm trang, nghĩ đến người cưỡi xe máy một mình lang thang trên các con đường ở Big Sur từ bao năm trước, khi thế giới còn đơn giản và tự do hơn trong mọi việc sản sinh và nuôi dưỡng con người. Robert Kincaid đứng thẳng, như tuổi sáu mươi tám của ông cho phép, đút tay vào túi quần Levi’s bạc, và gật đầu với Carlisle rồi mỉm cười, nụ cười ấm áp và bao bọc của người cha nói lời tạm biệt đứa con trai mà ông không gặp suốt một thời gian dài, và với con người mà ông chưa đủ thời khắc ở bên nhau.
Đằng sau ông, trong đám đông, ông nghe thấy tiếng gọi lên máy bay chuyến đi Singapore, và trên lớp nhựa đường, một chiếc 747 bắt đầu lăn bánh, nhằm hướng Jakarta hoặc có thể là Bangkok hay Calcutta. Nhân viên kiểm tra đóng cửa lại sau lưng Carlisle McMillan, và Kincaid ngước mắt, ngắm chiếc Boeing lao vút lên và biến mất trong bầu trời phủ đầy mây, hài lòng với ý nghĩ chiếc máy bay to lớn nhằm tới một nơi nào đó và ông không còn lẻ loi nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.