Thuyết Phục

CHƯƠNG 6



Anne không muốn thăm viếng Uppercross để thấy khi đi từ gia đình này qua gia đình kia, dù chỉ qua quãng đường 5km, lại là thay đổi hoàn toàn trong nội dung chuyện trò và ý tưởng. Mỗi khi đến đây, cô đều có ấn tượng mạnh hoặc đều mong rằng những người khác trong gia tộc Elliot có lợi thế như cô khi nhận ra làm thế nào những chuyện riêng tư ở Dinh thự Kellynch bị họ xem là thông tin công cộng, nhưng gia đình cô lại không biết hoặc không màng đến. Tuy thế, với trải nghiệm này, cô tin mình cần một bài học khác trong nghệ thuật nhận ra cái hư vô của mình bên ngoài phạm vi gia đình. Khi đến gặp nhà thông gia, sau nhiều tuần lễ kinh qua vụ việc mà hai nhà đều bận tâm, cô đã mong đợi có sự quan tâm và cảm thông hơn, nhưng cô lại nghe ông bà Musgrove hỏi những câu như:
– Cô Anne à, thế là Ngài Walter và chị cô đã đi, và cô nghĩ hai người sẽ ổn định nơi nào ở Bath?
Và rồi, không đợi nghe câu trả lời, một cô gái trẻ nói thếm:
– Con hy vọng chúng ta sẽ đi Bath vào mùa đông nhưng papa ạ, cần nhớ là nếu đi thì chúng ta phải ăn ở khá, chứ ở quãng trường Queen thì chúng con không chịu đâu.
Hoặc trong câu nói đầy lo âu của Mary:
– Cứ tin tôi đi, tôi sẽ ổn thôi, khi mọi người đã ổn định thoải mái ở Bath!
Anne có thể tránh tự lừa dối mình như thế về chuyện tương lai, và cảm kích tột độ khi có người bạn thật sự đồng cảm như Phu nhân Russell.
Gia đình Musgrove có cách thức riêng để gìn giữ và phá hoại nhà cửa, chó ngựa và báo chí, còn phụ nữ luôn bận rộn trong những công việc thông thường như chăm sóc nhà cửa, giao tiếp với láng giềng, trang phục, khiêu vũ, âm nhạc. Cô nhìn nhận mỗi cộng đồng nhỏ quyết định cách giao tiếp cho riêng họ là việc phù hợp, hy vọng chẳng bao lâu mình sẽ là một thành viên xứng đáng trong cộng đồng mà cô gia nhập. Với viễn cảnh là sẽ sống qua ít nhất hai tháng ở Uppercross, cô nghĩ mình cần che đậy càng nhiều càng tốt tưởng tượng của cô, hồi tưởng của cô, hồi tưởng của cô, và những ý nghĩ của cô ở Uppercross.
Anne không lấy gì làm chán ngán khi phải trải qua hai tháng ở đây. Mary không có tính lạnh nhạt, nhẹ tình chị em như Elizabeth, nhưng lại dễ chịu ảnh hưởng của cô, còn các mặt đời sống ở Biệt thự Uppercross đều thoải mái. Anne luôn thân thiết với em rể, các đứa trẻ cũng mến cô, kính trọng cô hơn là kính trọng mẹ chúng. Đối với chúng, cô là đối tượng cho các mối quan tâm, các vui đùa và hoạt động lành mạnh.
Charles Musgrove là người lịch sự và dễ mến, chắc chắn là có cảm nhận và tính khí tốt hơn vợ anh, nhưng về ảnh hưởng cá nhân, ngôn từ và sự phong nhã thì anh không sánh bằng, tuy rằng, giống như phu nhân Russell, Anne nghĩ nếu cuộc hôn nhân xứng đôi vừa lứa hơn thì anh sẽ là con người khá hơn nhiều, một người phụ nữ với sự thông hiểu thật sự có thể giúp anh có tính khí khá hơn, trở thành người hữu dụng và thanh lịch hơn. Nhưng trong hoàn cảnh này, anh không hăng hái làm việc gì mà chỉ mê chơi thế thao, dùng thời gian vào những chuyện vụn vặt, không tiếp thu điều gì từ sách báo hoặc bất kỳ việc gì khác. Anh có tinh thần phấn chấn, có vẻ như ít chịu ảnh hưởng khi cô vợ thỉnh thoảng xuống tinh thần, chịu đựng giỏi tính khí vô lý của cô vợ khiến cho đôi lúc Anne thấy ngưỡng mộ anh.
Tựu chung, mặc dù giữa hai người thường xảy ra bất đồng ý kiến nho nhỏ (đôi lúc Anne có phần can dự hơn nhiều vì hai bên đều tranh thủ sự ủng hộ của cô), hai người vẫn được xem là cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ hoàn toàn đồng ý về việc muốn có thêm tiền, mong mỏi cha anh cấp dưỡng thêm cho họ, nhưng trong việc này, cũng như phần lớn việc khác, anh chiếm ưu thế, bởi vì trong khi Mary cảm thấy xấu hổ vì không được nhận thêm, anh lại tỏ ra hài lòng vì cha mình xài tiền vào những mục đích khác cho ông, và có quyền chi tiêu tùy ý ông thích.
Về việc nuôi dạy con cái, cái lý thuyết của anh hay hơn cô vợ và thực hành thì không tệ. Anne thường nghe anh nói “Tôi có thể làm rất tốt, nếu Mary không can dự quá đáng” và tin anh nói thực, nhưng khi cô nghe Mary trách móc “Charles làm cho bọn nhỏ hư khiến em không thể đưa chúng vào khuôn phép”, thì cô không muốn nói “Đúng thế.”
Một trong những tình huống khó chịu nhất trong thời gian qua Anne ngụ ở đây là lúc mọi người tỏ ra thân mật với cô quá đáng, tiết lộ cho cô nhiều chuyện thầm kín khi người này than phiền người kia. Được biết cô có tầm ảnh hưởng nhất định đối với em gái, bên thông gia thường yêu cầu hoặc ít nhất ngụ ý cô sử dụng ảnh hưởng này vượt quá mức bình thường. Charles nói:
– Tôi mong cô có thể thuyết phục Mary đừng có lúc nào cũng giả vờ bệnh.
Còn Mary lấy làm buồn mà nói với Anne:
– Em tin nếu Charles thấy em sắp chết thì anh ấy vẫn nghĩ em chẳng có chuyện gì cả. Chị Anne à, nếy có thể, em xin chị thuyết phục anh ấy rằng em đang đau yếu-còn tệ hại hơn nhiều so với trước kia.
Mary tuyên bố:
– Em ghét gửi bọn trẻ đi Đại biệt thự cho dù bà nội chúng luôn muốn gặp chúng, vì bà đùa giỡn và quá nuông chiều các cháu, hay cho các cháu ăn vặt và ăn đồ ngọt, nên em tin chắc chúng sẽ ngã bệnh khi trở về rồi quấy phá cả ngày.
Rồi bà Musgrove bắt lấy cơ hội khi một mình trò chuyện với Anne mà nói:
– Ôi! Cô Anne ạ, tôi chẳng đặng đừng mong bà Charles 1 học được một ít phương cách của cô đối với bọn trẻ. Khi ở bên cô, chúng nó trở nên khác hẳn! Nhưng nói chung, chắc chắn là chúng đã hư đốn! Tiếc là cô không thể giúp em gái cô dạy dỗ bọn trẻ tốt hơn. Bọn chúng là những đứa trẻ khỏe mạnh như bao trẻ khác, nói công tâm thì quả thật là tội nghiệp!, nhưng bà Charles không biết cách đối xử với chúng. Trời đất! đôi lúc chúng quấy rầy làm sao ấy! Cô Anne ạ, tin tôi đi, việc này khiến cho tôi không được gặp chúng thường xuyên như ý tôi muốn. Tôi tin bà Charles không được vui lắm vì tôi không kêu chúng đến thường xuyên hơn, nhưng cô biết đấy, khó mà gần gũi trẻ con khi phải trông chừng chúng từng giây phút, cứ phải luôn miệng nói “Đừng làm thế này” và “Đừng làm thế kia”, hoặc là nếu muốn giữ một ít trật tự thì phải cho chúng ăn thêm bánh ngọt vượt mức cần thiết đối với chúng.
Mary nói thêm:
– Bà Musgrove nghĩ tất cả gia nhân đều ngay thẳng đến nỗi nếu nghi ngờ họ thì có vẻ như là phản bội, nhưng em biết chắc mà không nói ngoa rằng cô hầu và cô giặt là không chịu lo làm việc, nhưng lại lượn lờ trong làng cả ngày. Em đi đâu cũng gặp họ và em dám nói là cứ vào phòng nuôi trẻ là thấy họ. Nêu Jemina không phải là gia nhân đáng tin cậy nhất, ngay thẳng nhất trên thế gian thì chuyện này cũng đủ làm cho cô ấy hư người, bở vì cô ấy nói với em rằng họ luôn rủ rê đưa cô ấy đi chơi.
Về phần bà Musgrove, bà nói:
– Tôi đặt ra quy luật là không bao giờ can dự vào những chuyện lo lắng của con dâu vì chẳng lợi ích gì cả, nhưng cô Anne à, bởi vì cô có thể chỉnh đốn sự việc, tôi muốn nói cho cô rằng tôi không có ý nghĩ tốt về cô giữ trẻ của bà Charles, tôi nghe những chuyện lạ lùng về cô này, luôn đi la cà đây đó, và theo chỗ tôi được biết, tôi dám chắc cô ấy là người thích ăn mặc đẹp nên dễ làm cho các gia nhân khác hư người. Tôi biết bà Charles bênh vực cho cô ấy, nhưng tôi nói nhỏ cho cô nghe để cô trông chừng, bởi vì nếu thấy có điều gì lạ thì cô cứ nói ra.
Lại là than phiền của Mary, rằng bà Musgrove đã rất khôn khéo không để cho cô có quyền ưu tiên trong gia đình theo đúng vị thế của cô, khi cùng nhau ăn tối ở Đại biệt thự với những gia đình khác, và cô không thấy có một lý do tại sao mình được tôn trọng ở nhà nhưng bị mất vị thế ở đây. Một ngày, khi Anne đang tản bộ chỉ với một số thành viên gia đình Musgrove, một người bàn về giai cấp, người của giai cấp và sự ganh tỵ về giai cấp và tiếp:
– Do ai đều thấy cô phóng khoáng và không câu nệ về điều này, nên tôi không ngại gì mà nhận xét cho cô nghe, rằng nhiều người tỏ ra vô lý về vị thế của họ. Tôi chỉ mong mọi người ngụ ý cho Mary hiểu rằng nếu cô ấy đừng cố chấp như thế, đặc biệt nếu cô ấy đừng luôn cố dựa vào vị thế của mình mà mong muốn chiếm chỗ của ma-man, thì như vậy sẽ tốt hơn nhiều. Ai cũng chấp nhận cô ấy có quyền ưu tiên so với ma-man, nhưng cô ấy cần tế nhị khi hành xử quyền này. Ma-man không quan tâm đến việc này lắm, nhưng tôi biết nhiều người đã nhận thấy.
Làm thế nào Anne chấn chỉnh được những sự việc này? Cô chỉ biết lắng nghe một cách lịch sự hơn là làm gì khác, cố xoa dịu mọi nỗi bức xúc, xin người này thứ lỗi cho người kia, ngụ ý cho mọi người thấy cần tỏ ra độ lượng giữa những người thân thuộc với nhau, và nhấn mạnh những ngụ ý này theo chiều hướng có lợi cho em gái.
Theo những phương diện khác, chuyến đi của Anne bắt đầu và diễn tiến tốt đẹp. Tinh thần cô phấn chấn lên nhờ sự thay đổi về nơi chốn và con người, nhờ đi xa 5km khỏi Kellynch. Các chứng đau yếu của Mary nhẹ bớt nhờ có người kề cận. Sự giao tiếp hàng ngày giữa hai chị em với gia đình thông gia là một lợi điểm, bởi vì tình cảm mật thiết, việc giải bày tâm sự và công việc ở Biệt thự Uppercross đều không bị gián đoạn. Mối giao tiếp càng tiến xa hơn bởi vì hai nhà gặp nhau mỗi buổi sáng và nhiều buổi tối, nhưng Anne nghĩ mối giao tiếp sẽ không khắng khít như thế nếu không có sự hiện diện của ông bà Musgrove theo cung cách chuẩn mực ở đúng vị thế, và có các cô con gái trò chuyện, cười đùa và ca hát.
Anne trình diễn hay hơn các cô nhà Musgrove, nhưng vì không có giọng hát, không chơi được đàn hạc và không có cha mẹ trìu mến kế bên để hình dung mình được yêu thích, nên cô nhận ra màn trình diễn của mình không được đánh giá cao, mà chỉ vì họ muốn tỏ ra lịch sự với cô hoặc để những người khác nghỉ mệt. Cô nhận biết rằng khi góp mặt trình diễn cô chỉ vui thú với chính mình, nhưng đây không phải là cảm nhận mới. Ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đời, từ khi lên 14 tuổi và từ khi bà mẹ yêu quý qua đời, cô không hề biết đến niềm hạnh phúc được lắng nghe hoặc được khích lệ do sự đánh giá công tâm hoặc do khiếu thưởng ngoạn thật sự. Trong âm nhạc, cô luôn quen cảm thấy mình cô độc, riêng ông bà Musgrove chỉ chú ý đến tài năng của các cô con gái và hoàn toàn không để ý gì đến người khác. Cô thấy vui cho họ hơn là tủi về phần mình.
Các cuộc họp mặt ở Đại biệt thự đôi lúc có thêm người tham dự. Láng giềng không có nhiều người, nhưng gia đình Musgrove được mọi người thăm viếng, có thêm nhiều buổi họp mặt, nhiều khách khứa được mời và không mời mà đến hơn là bất kỳ gia đình nào khác.
Các cô gái say mê khiêu vũ, đôi lúc buổi ăn tối được tiếp nối bằng buổi khiêu vũ tự phát. Có một gia đình em họ chỉ cách Uppercross một quãng đường đi bộ, không được giàu có bằng, và nương tựa vào gia đình Musgrove để vui thú: họ đến chơi bất kỳ lúc nào, tham gia vào mọi trò chơi nghệ thuật vận động, Anne chơi loại nhạc đồng quê giúp vui cả giờ đồng hồ, làm cho ông bà Musgrove chú ý và tỏ lời khen ngợi:
– Hay lắm, cô Anne! Quả là hay! Trời đất, những ngón tay nhỏ của cô bay lượn tuyệt vời làm sao!
Ba tuần lễ đầu trôi qua như thế. Lễ Thánh Michael đến, và bây giờ tâm tư của Anne lại hướng về Kellynch. Một ngôi nhà thân yêu phải nhường lại cho người khác, tất cả những gian phòng, đồ nội thất, hoa viên, cây cảnh quý giá bắt đầu thuộc về cặp mắt thưởng thức và đôi chân dẫm đạp của những người khác! Cô không thể nghĩ nhiều về những việc khác nhân ngày 29 tháng Chín, và trong buổi tối cô có cùng sự cảm thông khi Mary ghi chép lịch làm việc trong tháng và thốt lên:
– Ôi trời! Có phải đấy là ngày ông bà Croff dọn vào Kellynch hay không? Em vui vì trước đây đã không nghĩ ngợi nhiều. Chuyện này làm em buồn quá!
Vợ chồng Croff tiếp nhận ngôi gia cư với tinh thần nhanh nhẹn thật sự của lính hải quân, và gia đình chủ nhà cần đến thăm hai người. Mary than thở cho mình:
– Không ai biết người ta đau khổ đến đâu. Người ta sẽ phải chịu đựng càng lâu càng tốt.
Nhưng việc này là không dễ dàng. Cô đã yêu cầu Charles đánh xe đưa mình đi vào một sáng sớm, và khi quay lại trông có vẻ sinh động, thoải mái. Trước đấy, Anne đã thật lòng vui khi không có phương tiện đưa mình đi. Tuy nhiên, cô lại mong gặp vợ chồng Croff, và tỏ ra vui mà góp mặt khi hai người thăm viếng trả lễ. Hai vợ chồng đến: chủ nhà đi vắng, nhưng hai chị em cô ở bên nhau, và tình cờ bà Croff ngồi bên Anne trong khi vị Đô đốc ngồi bên Mary, tỏ ra rất dễ mến khi vui vẻ cất lời nhận xét về các bé trai. Cô cố nhận ra những điểm tương đồng giữa hai vợ chồng, nhưng qua cử chỉ, giọng nói, hoặc cách diễn đạt cảm nghĩ cô không nhận ra điểm tương đồng nào cả.
Bà Croff có vóc người không cao mà cũng không béo, có tư cách thẳng thắn, chính trực và hăng hái, tạo nên một con người quan trọng. Đôi mắt huyền sáng, hàm răng đầy đặn và gương mặt nói chung ưa nhìn, tuy làn da hơi ửng hồng và thô ráp do thời tiết, vì lý do bà đi biển nhiều như ông chồng, khiến cho bà trông vài năm già hơn so với tuổi thật ba mươi tám. Tư thái của bà cởi mở, thoải mái và quyết đoán, như là người tin tưởng nơi bản thân mình và không hồ nghi về việc phải làm gì. Tuy nhiên, bà không có vẻ thô lỗ và cũng không thiếu hóm hỉnh. Anne đánh giá cao con người bà trong mọi việc liên quan đến Kellynch, và thấy vui về điều này. Đặc biệt, cô hài lòng trong nửa giờ đồng hồ đầu tiên của cuộc gặp gỡ, ngay từ lúc giới thiệu nhau, khi cô không thấy biểu hiện hoặc nghi ngờ gì về phía bà Croft để đưa ra ý thiên vị. Bà tỏ ra rất thoải mái và vì thế đầy sức sống và sự bạo dạn. Đấy là cho đến khoảnh khắc làm giật bắn người khi bà Croft thình lình nói:
– Tôi thấy chính là cô, chứ không phải chị cô, mà em tôi có hân hạnh quen biết khi cậu ấy còn sống trong nước.
Anne hy vọng mình đã qua tuổi dễ thẹn thùng, nhưng cô chắc chắn mình chưa qua khỏi thời dễ xúc động.
Bà Croft nói thêm:
– Có lẽ cô chưa nghe tin anh ấy đã kết hôn, phải không?
Bây giờ cô có thể trả lời theo phép lịch sự đòi hỏi, và khi bà Croft lại lên tiếng giải thích ý bà muốn nói đến người anh Wentworth, cô cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã không nói gì sai lạc về người em trai của bà. Cô lập tức nhận ra đấy là việc đúng lý, vì bà Croft hẳn đang nghĩ và nói về Edward chứ không phải Frederick, và cô xấu hổ vì mình có tính hay quên nên đã không nhớ ra người láng giềng trước kia.
Kế tiếp là khoảng thời gian tĩnh lặng, cho đến khi cô nghe vị Đô đốc nói với Mary:
– Chúng tôi đang chờ một người em trai của nhà tôi không lâu sẽ đến đây; tôi tin cô biết tên anh ấy.
Ông bị ngắt ngang vì các cậu bé trai kéo đến, đeo bám lấy ông như là người bạn lâu năm, nài nỉ ông đừng đi, rồi lại đòi ông mang chúng đi theo trong các túi áo khoác của ông, vân vân. Ông bị phân tâm một lúc nên không thể nhớ ra và kết thúc câu nói nửa chừng của mình. Anne thầm nghĩ đấy là cùng một người mà bà Croft đã nói đến. Tuy nhiên, cô không dám chắc, nên băn khoăn liệu hai ông bà Croft đã nói gì về anh này với nhà Musgrove khi hai vợ chồng đến viếng thăm trước đó.
Những người ở Đại Biệt thự sẽ dự buổi ăn tối ở Biệt thự Uppercross. Vào mùa này trong năm, trời đã trở lạnh nên không tiện đi bộ, và khi họ đang nghe ngóng tiếng cỗ xe thì cô con gái út bên nhà Musgrove đi vào. Ý nghĩ buồn nản đầu tiên là cô đến để xin lỗi và cả nhà sẽ tự lo ăn uống, Mary lại cảm thấy mất thể diện, nhưng kịp lúc Lousia bảo mình đi bộ để nhường chỗ cho cây đàn hạc trên cỗ xe. Lousia nói thêm:
– Và em cho chị biết lý do của chúng em. Em đến để báo cho chị hay là pa-pa và ma-ma tối nay không được vui, đặc biệt là ma-ma: bà nghĩ ngợi quá nhiều đến Richard tội nghiệp! Vì thế, chúng em đồng ý tốt nhất là nên có cây đàn hạc, vì dường như bà thích nghe đàn hạc hơn là nghe đàn dương cầm. Em muốn nói cho chị hay tại sao bà không được vui. Khi ông bà Croft đến thăm sáng nay (sau đó hai người đến đây, phải không?), tình cờ họ nói rằng em trai bà, Đại tá Wentworth, vừa trở về nước Anh hoặc được xuất ngũ, đại loại như thế, và sẽ đến thăm gia đình ta. Điều không may nhất là sau khi hai ông bà ra về, ma-man nghĩ ra là Wentworth hay đại loại như thế là cái tên của vị Hạm trưởng chỉ huy Richard tội nghiệp ngày xưa; em không biết khi nào và ở đâu, nhưng một thời gian dài trước khi anh ấy qua đời, tội nghiệp! Và khi xem lại các bức thư và kỷ vật, bà thấy đúng là như thế, tin chắc rằng đúng là anh ấy, và đầu óc bà nghĩ ngợi nhiều về anh Richard tội nghiệp! Thế nên chúng ta phải cố tỏ ra vui vẻ để bà không mãi vướng bận với những chuyện buồn như thế.
Tình cảnh thật sự trong giai đoạn lịch sử thê thảm của gia đình Musgrove này là đã không may mà có một đứa con trai gây nhiều phiền toái, không sửa mình được nữa, và đã may mà mất đứa con này trước khi nó hai mươi tuổi. Anh được gửi đi phục vụ ngoài biển cả vì ngu dốt và khó dạy bảo trên bờ. Gia đình không màng gì lắm đến anh, ít khi nhận được tin tức về anh, và hai năm trước, khi tin báo cái chết của anh được gửi về Biệt thự Uppercross thì gia đình không mấy tiếc thương.
Cho dù các em gái anh bây giờ làm mọi cách vì anh khi gọi “Richard tội nghiệp”, nhưng thật ra anh không là gì hơn một người mang tên Dick 2 Musgrove cứng đầu, vô cảm, vô tích sự, người đã không làm gì để xứng đáng hơn với cái tên, lúc sống cũng như lúc chết.
Anh đã phục vụ được vài năm ngoài biển cả, và khi tất cả sinh viên sĩ quan hải quân bị từ chối, anh đã phục vụ trong sáu tháng trên chiếc khu trục Laconia dưới quyền Hạm trưởng là Đại tá Frederick Wentworth. Trên chiếc Laconia, dưới ảnh hưởng của Hạm trưởng anh đã viết duy nhất hai bức thư mà cha mẹ anh nhận được trong suốt thời gian anh vắng mặt khỏi gia đình; đấy là ý nói hai bức thư không vụ lợi; tất cả những bức thư khác chỉ là để xin tiền.
Trong mỗi bức thư, anh kể tốt về Hạm trưởng của mình, nhưng vì gia đình ít có thói quen quam tâm đến những sự kiện này, không thích theo dõi tin tức hoặc hiếu kỳ về tên người hoặc tên các con tàu, nên lúc ấy không ai có ấn tượng gì trong đầu cả. Chỉ đến ngày hôm nay, khi bà Musgrove thình lình nhớ ra cái tên Wentworth có liên quan đến con trai bà, thì có vẻ như đấy là một hiện tượng tinh thần bật dậy bất ngờ, mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Bà đã lục tìm những bức thư nhận được, rồi đọc đi đọc lại, một thời gian dài sau khi đứa con trai tội nghiệp qua đời, và bỏ qua những lỗi lầm của anh. Việc này tác động mạnh đến tâm tư, khiến cho bà đau khổ hơn là khi nghe tin anh chết. Ông Musgrove cũng chịu ảnh hưởng theo cách này tuy có phần nhẹ hơn.
Khi đoàn người đi đến Biệt thự Uppercross kể về vụ việc, rồi sau đó qua thái độ vui vẻ cần an ủi hai vợ chồng.
Anne cảm thấy tinh thần căng thẳng, khi nghe hai gia đình Musgrove nói nhiều về Đại tá Wentworth, nhắc đi nhắc lại tên anh; tỏ ra ngờ ngợ về những năm tháng cũ, rồi cuối cùng tin rằng có thể, rằng chắc chắn đấy cũng là Đại tá Wentworth mà họ nhớ ra đã gặp một, hai lần, sau khi anh trở về từ Clifton – một chàng trai trẻ rất đẹp người – nhưng họ không thể nhớ chính xác đấy là bảy hoặc tám năm trước. Tuy căng thẳng, Anne thấy đấy là một trong những chuyện mà cô phải quen chịu đựng. Vì anh đang được trông chờ trở về, cô phải tự nhủ mình đừng quá nhạy cảm về chuyện này. Nhà Musgrove không những nôn nóng trông đợi anh, mà qua lòng tri ân nồng hậu vì anh đã đối xử tử tế với Richard tội nghiệp còn nhiệt liệt ca ngợi anh qua những ngôn từ thiếu chuẩn xác là “một anh chàng quả cảm đẹp người, chỉ có phần cá biệt đối với hiệu trưởng”, và tha thiết muốn tự giới thiệu với anh, làm quen với anh ngay khi anh đến.
Ý cả quyết sẽ làm như thế giúp gia đình được thoải mái trong buổi tối.
——————————–
1 Bà Charles: tức Mary, được mẹ chồng gọi một cách trang trọng và có phần xa cách theo tên của chồng.
2 Dick: tên gọi thân mật của Richard.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.