Cô Đơn Trên Mạng

Chương 01 phần 3



Anh ấy đã cho tôi ví dụ cái tính tò mò trẻ con đối với thế giới. Anh ấy hỏi về tất cả. Đúng như một đứa trẻ có quyền hỏi. Anh ấy muốn biết. Anh ấy dạy tôi rằng “không biết” tức là “sống trong hiểm hoạ”. Anh ấy quan tâm đến mọi thứ. Anh ấy lưu ý tới tất cả, anh ấy nghi ngờ tất cả và anh ấy có xu thế tin vào tất cả chỉ cần thuyết phục được anh ấy bằng các sự kiện. Tôi nhớ có lần anh ấy khiến tôi bị sốc khi hỏi:

– Em có nghĩ là Einstein thủ dâm không?

Anh ấy dạy tôi cần phải chịu khuất phục những mơ ước của mình khi chúng đến và đừng để bất kỳ cái gì đến ngày mai. Như cái lần trong một bữa tiệc tại ngôi nhà của một vị giáo sư đáng kính về gen học nọ, trong lúc đang diễn ra cuộc thảo luận rất quan trọng và buồn tẻ về “sự phụ thuộc về gen trong giao phối của động vật có vú” anh ấy bỗng đột ngột đứng dậy, đi đến chỗ tôi, cúi người – tất cả im lặng nhìn chúng tôi – và nói thầm:

– Ở tầng hai nhà này có một cái phòng tắm mà em chưa nhìn thấy bao giờ đâu. Nhìn em, anh không thể tập trung được trong cuộc hội thảo về tình dục học này. Bây giờ đi với anh lên đó đi.

Và nói thêm:

– Em có nghĩ đây là sự phụ thuộc vào gen không?

Tôi ngoan ngoãn đứng dậy, chúng tôi lên tầng trên. Không nói không rằng, anh áp tôi vào cái cánh cửa tủ có gương, cởi quần, tách hai chân tôi ra và… Và “sự phối giống phụ thuộc vào gen của động vật có vú” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, thật tuyệt vời. Mấy phút sau, khi chúng tôi quay xuống dưới và ngồi vào chỗ của mình, tất cả rơi vào im lặng một lúc. Chị em thì nhìn tôi như xuyên thấu, các ông thì châm thuốc hút.

Anh ấy cho tôi ví dụ như cảm giác rằng với anh ấy, tôi là người phụ nữ quan trọng nhất. Và rằng tất cả những gì tôi làm đều có ý nghĩa đối với anh ấy. Sáng nào cũng vậy, kể cả những hôm chúng tôi ngủ cùng nhau, anh ấy hôn tay tôi để chào buổi sáng. Anh mở mắt, kéo tay tôi từ chăn ra và hôn. Và nói: “Chúc em một ngày tốt lành”. Bao giờ cũng bằng tiếng Ba Lan. Giống như anh ấy đã làm vào cái lần đầu tiên mà bọn tôi được giới thiệu với nhau.

– – – – – – – – – – – – – – –

Thỉnh thoảng, khi thức giấc vào ban đêm vì bị “tê liệt bởi một ý tưởng nào đấy” – anh ấy gọi thế – anh ấy khẽ ra khỏi giường và đi làm việc với các gen của mình. Đến sáng thì anh ấy về, rúc vào chăn để hôn tôi và nói “Chúc em một ngày tốt lành”. Anh ấy ngây thơ nghĩ rằng tôi không biết điều đó. Tôi chú ý tới từng nanô giây không có anh ấy.

Anh ấy có thể chạy đến viện chỗ tôi làm việc để nói rằng anh ấy sẽ đến ăn tối chậm 10 phút. Để tôi khỏi lo. Anh hiểu chứ, cả 10 phút dài dằng dặc không tưởng tượng nổi ấy…

Anh ấy đã cho tôi ví dụ trong tám mươi tám ngày và mười sáu giờ ấy hơn năm mươi bông hồng nhung. Vì tôi thích nhất hồng nhung. Bông cuối cùng anh ấy cho tôi là vào cái giờ thứ mười sáu cuối cùng ấy. Ngay trước giờ bay, ở sân bay Dublin. Anh biết không, khi từ sân bay về, tôi cảm thấy bông hồng ấy là vật quan trọng nhất mà tôi nhận được từ bất kỳ ai cho tới lúc này của cuộc đời mình.

Anh ấy là người tình, nhưng cũng là người bạn thân thiết nhất của tôi. Những cái kiểu như thế này chỉ có thể xảy ra trong phim và chỉ trong những phim của California. Thế mà đã thực sự xảy ra với tôi ở Dublin đầy mưa này. Anh ấy cho tất cả những cái đó mà không hề muốn đòi lại chút gì. Tuyệt đối không. Không một lời hứa nào, không một điều hẹn ước nào, không một lời thề nào, rằng “chỉ anh ấy và không bao giờ một ai khác”. Đơn giản là không gì cả. Đó là điểm yếu ghê gớm duy nhất của anh ấy. Với người đàn bà, không có nỗi đau nào lớn hơn là khi một người đàn ông vô cùng tốt, vô cùng yêu, không thể lặp lại nhưng lại không chờ đợi bất cứ một lời hứa hẹn nào. Đơn giản là anh ta ở đấy và làm cho bạn chắc chắn rằng đó là vĩnh cửu. Bạn chỉ sợ rằng sự vĩnh cửu ấy – không có tất cả những lời hứa chuẩn mẫu – sẽ ngắn.

Sự vĩnh cửu của tôi tồn tại tám mươi tám ngày và mười sáu giờ.

Từ giờ thứ mười bảy của ngày thứ tám mươi chín tôi bắt đầu chờ đợi anh ấy. Ngay từ lúc ở sân bay. Từ cửa ra máy bay anh ấy đi bằng xe buýt. Anh ấy thong thả bước lên cầu thang máy bay. Đến bậc cao nhất, ngay lối vào, anh ấy quay người về hướng sân dành cho người đưa tiễn nơi tôi đang đứng – anh ấy biết là tôi đứng ở đó – và đặt bàn tay phải lên ngực trái mình. Anh ấy đứng thế một lúc và nhìn về phía tôi. Sau đó anh ấy biến mất vào máy bay.

Tôi không nhìn thấy anh ấy thêm nữa.

Ba ngày đầu tiên của đợt nhịn ăn không là gì cả so với những gì mà tôi trải qua trong ba tháng đầu tiên sau khi anh ấy đi. Anh ấy không viết. Không gọi điện thoại. Tôi biết là máy bay đã đến Warszawa, vì sau một tuần bặt tin anh ấy, tôi đã gọi điện đến văn phòng LOT (hãng hàng không Ba Lan) ở London để hỏi.

Đơn giản là anh ấy đặt tay lên tim và biến khỏi cuộc đời tôi.

Tôi khổ sở như một đứa trẻ con bị người ta đưa đến trại trẻ và sau đó quên không đón. Tôi nhớ. Không thể tưởng tượng nổi. Vì yêu anh ấy, tôi không thể mong những điều tồi tệ đến với anh ấy nên tôi càng khổ sở hơn. Sau một thời gian nào đó, vì hận mà tôi thôi không nghe Chopin nữa. Sau đó, vì hận mà tôi vứt hết những đĩa opera mà chúng tôi đã cùng nghe. Sau đó, vì hận mà tôi căm thù tất cả những người Ba Lan. Trừ một người. Là anh ấy, đương nhiên. Bởi nói đúng ra là tôi không có khả năng trả thù.

Sau đó thì cha tôi bỏ mẹ tôi. Tôi buộc phải nghỉ học nửa năm để từ Dublin về Đảo giúp mẹ. Điều này đã giúp chính tôi nhiều hơn. Trên Đảo mọi cái đều đơn giản. Đảo đã đưa mọi cái về đúng chỗ của mình. Khi anh ra chỗ cái vách đá đã đứng ở đó từ tám ngàn năm nay, thì nhiều vấn đề mà người ta vẫn theo đuổi bởi với họ chúng là rất quan trọng, bỗng trở nên vô nghĩa.

Sáu tháng sau khi anh ấy đi, ngay trước lễ Giáng sinh, họ gửi đến Đảo cho tôi một gói thư gửi về địa chỉ của tôi ở Dublin. Trong số đó tôi tìm thấy một tờ giấy của Eljot. Tờ giấy duy nhất trong suốt mười hai năm. Trên một thứ giấy xoàng xĩnh của một khách sạn nào đó ở San Diego, anh ấy viết:

Điều duy nhất mà anh có thể làm để kéo dài sự chia ly này là biến mất hoàn toàn khỏi thế giới của em. Em không thể hạnh phúc khi ở đây với anh được. Còn anh sẽ không hạnh phúc nếu ở đó.

Chúng ta là từ một thế giới bị ngăn cách.

Thậm chí anh không xin em tha thứ. Cái mà anh làm không thể tha thứ được. Chỉ có thể quên đi mà thôi.

Mong em hãy quên.

Jakub.

TB: Bao giờ cũng vậy, nếu được ở Warszawa lâu lâu một chút, là anh lại đến Zelazowa Wola. Ở đó, anh ngồi trên ghế trong vườn và nghe nhạc. Đôi khi anh khóc.

Tôi không quên. Nhưng tờ giấy đó đã giúp tôi. Nếu thậm chí tôi có không đồng ý với điều đó, thì tôi cũng biết được anh ấy đã thoát khỏi cái đã có giữa chúng tôi như thế nào. Đó là một quyết định ích kỷ nhất mà tôi từng biết, nhưng ít ra tôi cũng biết rằng anh ấy đã quyết định một cái gì đó. Dẫu sao thì tôi cũng còn có được “đôi khi anh khóc” của anh ấy. Đàn bà sống bằng kỷ niệm. Còn đàn ông thì bằng những cái mà họ đã quên.

Tôi quay lại Dublin và tốt nghiệp đại học. Sau đó cha tôi quyết định là tôi sẽ điều hành công việc làm ăn của công ty gia đình trên Đảo. Tôi cầm cự được một năm. Tôi đảm bảo là cha tôi có chỉ số trí tuệ cảm xúc bằng không. Chỉ số IQ cao của ông chẳng thay đổi được gì ở đây. Để không đến mức hận ông đến xương tuỷ, tôi đã quyết định chạy khỏi Đảo.

Tôi đi London. Làm tiến sĩ về kinh tế tại Queens Mary College, học chơi piano, đi xem bale, tìm được việc ở một cơ quan chứng khoán, nghe opera. Đã không bao giờ có thêm cái đợt giải lao đã từng quan trọng hơn cả buổi biểu diễn ấy nữa. Và cả loại champagne như vậy cũng không.

Sau đó những người đàn ông đến một cách vô nghĩa. Với mỗi người tôi lại ít muốn gần gũi hơn với người tiếp theo. Đến mức, thỉnh thoảng khi tôi ở trên giường với họ và thậm chí cả khi họ hôn tôi “chỗ ấy, ở phía dưới” thì tôi “ở đây, ở phía trên” vẫn cứ thấy cô đơn. Bởi họ chỉ động chạm bề mặt biểu bì của môi tôi hoặc lưỡi tôi một cách cơ học. Còn Eljot… Eljot đơn giản là “ăn” tôi. Ăn ngon lành, cuống quýt như người ta ăn quả dâu tây đầu mùa. Đôi khi anh còn ngâm nó vào champagne nữa.

Tôi không thể yêu bất cứ ai trong số những người đàn ông chỉ có biểu bì ở trên môi.

Sau hai năm ở London tôi nhận thấy mình không có một người bạn gái thân nào và rằng phần lớn những cô bạn của tôi đều là đồng tình ái. Ngoài việc những thèm muốn của họ thật méo mó, họ còn có thể là đàn ông suốt đời. Tôi đã có may mắn gặp toàn người tốt. Nhạy cảm, tinh tế và biết lắng nghe khi bạn muốn được chia sẻ. Họ chẳng phải giả vờ cái gì hết. Nếu họ trả tiền cho bữa tối của bạn, thì không phải là để đảm bảo cho mình cái quyền được cởi đồ lót của bạn. Còn việc mà họ đeo khuyên tai? Đó chẳng phải là một sáng tạo sao – như một cô bạn cùng làm ở ngân hàng với tôi nói – chí ít thì bạn cũng được đảm bảo rằng hắn ta biết thế nào là đau, và hắn biết về đồ trang sức.

Sau đó mẹ tôi mất. Không ai biết chuyện đó đã xảy ra như thế nào. Khi đi phà từ Đảo đến Calais, bà đã bị ngã xuống nước. Xác của bà vẫn không tìm thấy. Nhưng lại tìm thấy trong một cái tráp nhỏ trong phòng ngủ của bà bản di chúc được viết đúng một tuần trước chuyến đi kia và chiếc nhẫn cưới bị cưa đôi bằng chiếc cưa kim loại.

Sau một khoảng thời gian nào đấy, nỗi buồn lớn đến mức tôi không thể chịu nổi vào sáng sớm, mỗi khi tỉnh dậy. Tôi mắc chứng trầm cảm. Thời gian đó tốt nhất đối với tôi là prozac(5). Một cái bảng nhỏ màu xanh-trắng với một cái gì đó rất huyền bí ở giữa. Tôi còn nhớ Eljot đã cố giải thích cho tôi về tác động huyền bí của prozac này. Anh giải thích nó như một nghệ thuật với những quân bài của một trò chơi. Quân bài là những rơ-le truyền dẫn thần kinh nào đấy trong khớp thần kinh. Tôi không hiểu hết.

5. Prozac: một loại thuốc chống trầm cảm.

Nhưng tôi biết là nó có tác động. Bác sĩ tâm lý của tôi cũng biết điều đó.

Anh có biết là những người bị trầm cảm hay tự sát nhất là khi prozac bắt đầu hoạt động và họ là những người dễ điều trị nhất? Trong trạng thái trầm cảm thực sự, anh nhu nhược tới mức không cả muốn cắt mạch máu của mình nữa. Anh đi hoặc nằm như trong khối bê tông đang đông cứng. Khi prozac bắt đầu hoạt động, thì cuối cùng anh cũng có đủ sức để xoay xở được với cái lưỡi dao cạo và vào phòng tắm. Do đó mà những người đã rơi xuống đáy trong bệnh viện cần phải dùng prozac và tốt nhất là trói chặt họ vào giường. Để trong vài ngày, họ không thể một mình đi vào nhà tắm. Nhưng có thể đánh lừa sự cảnh giác của hộ lý và leo lên nóc bệnh viện.

Sau khi sử dụng prozac, bác sĩ tâm lý của tôi nói rằng tôi phải “tiến hành một chuyến đi thực tế để hồi tưởng” và đi Ba Lan. Đó là một thử nghiệm về tâm thần học phân tích cốt để rút ngắn thời gian nằm dài trên giường.

Đó là vào tháng năm. Tôi đến vào chủ nhật. Tôi đã có một chương trình “hồi tưởng bằng thực tế” cụ thể cho cả bẩy ngày: Warszawa, Zelazowa Wola(6), Krakow, Cswiecim. Song đó chỉ là chương trình. Ở Warszawa hầu như tôi chỉ ở một khách sạn gần một tượng đài lúc nào cũng có người đứng gác. Hàng sáng tôi gọi taxi đi Zelazowa Wola. Tôi ngồi ở cái ghế cạnh nhà, nghe Chopin.

6. Zelazowa Wola: quê hương của nhạc sĩ nổi tiếng người Ba Lan, Chopin. Tại đây có vườn Chopin. Du khách có thể được nghe các nghệ sĩ trình diễn các tác phẩm của Chopin ngay tại vườn này.

Thỉnh thoảng tôi không khóc.

Ngày nào tôi cũng đến Zelazowa Wola. Trừ thứ năm. Hôm thứ năm, tôi đi taxi như mọi ngày, trong radio, ai đó nói đến tên anh ấy. Tôi bảo lái xe quay xe và đi Wroclaw.

Trong phòng hành chính của khoa, người ta phải mất cả giờ đồng hồ để tìm một người biết tiếng Anh. Và khi tìm thấy, thì một bà rất dễ thương nói với tôi là Eljot đã đi Đức và chắc chắn sẽ không về, vì “chẳng có ai dại gì mà quay lại.”

Làm sao mà anh ấy có thể đi Đức được? Sau tất cả những gì người Đức đã làm với cha anh ấy ở trong trại?!

Cái bà dễ thương ở văn phòng khoa ấy không biết địa chỉ của anh ấy. Với lại tôi cũng không muốn có anh ấy. Chiều hôm đó tôi lại có mặt ở Warszawa. Bệnh trầm cảm của tôi đã ở lại phía sau. Bác sĩ tâm lý đã không có lý. Điều đó chẳng giúp gì được cho tôi.

Có thể anh biết, Eljot có quyền gì, có quyền thổ tả gì mà dám giả thiết rằng tôi sẽ không hạnh phúc ở đất nước này? Bởi sao? Bởi những ngôi nhà xám xịt, bởi trong các cửa hàng chỉ có mỗi dấm, bởi điện thoại không hoạt động, bởi không có giấy vệ sinh, bởi cốc uống soda được treo trên những sợi xích rỉ? Tại sao anh ấy không hỏi tôi thực sự cần gì trong cuộc đời? Bởi tôi nói chung là không gọi điện thoại, không uống soda, còn dấm thì tôi cho vào mọi đồ ăn, kể cả fish ”n” chips.

Không! Anh ấy thậm chí không đến để hỏi tôi.

Anh ấy đặt tay lên một trong hai trái tim ấy rồi đi. Thế mà tôi thì có thể cùng với anh ấy đào giếng nếu chỗ mà anh ấy đưa tôi đến không có nước.

Sau đó, thậm chí cả cái thế giới tưởng như là chia cắt chúng tôi đã ngừng bị tách ra. Rồi đến cái thời, buổi tối đi ngủ, mà đêm đến một đất nước nào đó đã thay đổi hệ thống chính trị.

Đối với tôi áp suất ở London là quá lớn. Để có thể chịu nổi, cần phải được hàn kín. Không thế thì mọi thứ trong người anh sẽ bay đi sạch. Đó là vật lý đơn thuần. Tôi không biết cách làm mình kín được như vậy. Sẽ dễ hơn nếu có hai người để cùng “giữ cái nắp”. Tôi không thể chỉ có một mình. Thậm chí cả khi để cho một ai đó ngủ cạnh mình, thì bao giờ cũng hoá ra là mình tôi phải giữ cả hai cái nắp. Ngoài ra, với tôi, khó hơn từ bản chất. Bởi tôi vốn dĩ là người nông thôn. Dublin không làm thay đổi điều đó. Đảo bao giờ cũng là một cái làng. Một cái làng trên vách đá. Một cái làng đẹp nhất mà tôi từng biết. Nhưng tôi không muốn quay về đó. Sau đó mới thấy rằng tôi tuyệt nhiên không phải quay về.

Có lần sau khi xem opera và sau bữa tối, cái bữa tối không là gì khác ngoài việc vừa ăn món trứng cá muối vừa chia nhau “phần lẻ” của một ngân hàng nhỏ giữa hai ngân hàng lớn, giám đốc của một trong hai ngân hàng lớn hỏi tôi có ở Notting Hill không – tôi nhận được giấy mời vì là một “người dự báo phân tích chứng khoán tin cậy của thế hệ trẻ”, theo ngôn ngữ thông dụng của ngân hàng thì có nghĩa là tôi có bộ ngực to nhất của phòng ngân phiếu. Khi tôi vừa đùa vừa trả lời rằng tôi không đủ khả năng có nhà ở Notting Hill, thì ông ta cười, chỉ vào hàm răng trắng không thể tả được và nói rằng chắc chắn sẽ sớm thay đổi, còn bây giờ thì đằng nào cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì “bất kể chị ở đâu, tôi cũng sẽ luôn ở bên cạnh”. Tôi hiểu điều này rất chính xác. Thậm chí tôi còn thích câu trả lời ấy. Thực ra ông ta là người Pháp, nhưng lại nói – đây là một ngoại lệ đặc biệt – tiếng Anh với trọng âm Mỹ. Ở ông tôi còn thích điều này nữa, tuy là một nhân vật quan trọng nhất trong toàn bộ lĩnh vực ngân hàng này, nhưng khác với tất cả những người khác, ông im lặng suốt buổi tối. Ngoài ra ông còn hôn tay tôi lúc gặp. Sau bữa tối, chúng tôi cùng đi ra.

Ông ở Park Lane Hotel. Ông bị vô sinh. Sau Eljot, không một người đàn ông nào tình cảm đến thế như ông vào cái tối hôm ấy. Buổi sáng khi tôi thức dậy trên giường của ông thì không thấy ông đâu. Một tuần sau ông hỏi, liệu tôi có muốn điều hành một “chi nhánh quan trọng về mặt chiến lược của ngân hàng chúng ta ở Notting Hill” không. Tôi không muốn. Sau bữa trưa tôi gọi điện cho ông để hỏi, liệu ông có một “chi nhánh nào đó quan trọng về mặt chiến lược” ở Surrey không. Surrey cũng như Đảo, nhưng ở trên đất liền. Tối hôm đó ông từ Lyon bay đến để nói với tôi trong bữa tối rằng “tất nhiên là có một chi nhánh như vậy, bắt đầu từ hôm nay”. Uống xong ở quầy bar, chúng tôi về phòng ông ở Park Lane, ở đó có một máy nghe đĩa compact tốt nhất có thể mua được trong vòng vài giờ ở London. Bên cạnh, khoảng vài trăm đĩa nhạc cổ điển được xếp trên bốn ngăn. Vài trăm cái.

Tôi nghĩ là ông ta yêu tôi. Ông ta thật tinh tế, nhạy cảm, hay nhìn vào mắt tôi với nỗi buồn đến thế. Ông không thích âm nhạc, nhưng mang về cho tôi tất cả những gì mà cô trợ lý rất có năng khiếu âm nhạc của phòng quảng cáo thuộc ngân hàng ông tìm được trong các công ty chuyên sản xuất đĩa nhạc cổ điển trên khắp thế giới. Thỉnh thoảng tôi có những đĩa chưa kịp có mặt trong các cửa hàng ở châu Âu. Ông có thể bay từ Lyon, gặp tôi ở sân bay và đưa tôi đi xem hoà nhạc ở Mediolan, Rome hay Viên. Đôi khi sau buổi hoà nhạc, thậm chí chúng tôi không đến bất cứ một khách sạn nào. Ông quay về Lyon, còn tôi ông đưa lên máy bay về London.

Lúc xem hoà nhạc, ông không ngừng xiết và hôn tay tôi. Tôi không thích điều này. Chương trình hoà nhạc của Karajan đâu phải là một bộ phim được chiếu trong rạp tối. Nhưng tôi để ông làm điều đó. Đó là một người đàn ông tốt.

Ông không muốn một điều gì đặc biệt ở tôi. Tôi chỉ phải nói tôi khát khao ông như thế nào. Không hơn. Thỉnh thoảng ông kể cho tôi nghe về vợ và những đứa con gái của ông. Ông lấy ví ra và cho tôi xem ảnh của họ. Ông rất chăm sóc tôi, ông là người tốt. Tuần nào tôi cũng nhận được từ ông một bó hoa. Đôi khi thậm chí người ta mang đến vào ban đêm.

Tôi không nói với ông ta là tôi thích hồng nhung. Điều này với tôi là quá riêng tư.

Tôi đã có thể điều hành cái ngân hàng ở Cambrey. Ngay từ sáng mai. Chỉ cần một cú điện thoại. Nhưng tôi không muốn. Tôi thích làm một người “dự báo phân tích chứng khoán tin cậy” và không phải chịu bất cứ một áp lực nào hơn.

Tôi chơi piano ngày một tốt hơn. Đi du lịch nhiều. Ở Cambrey tôi có một ngôi nhà cũ có vườn trồng đầy hoa hồng nhung. Khi không có cuộc thăm ở Lyon, tôi gặp gỡ những người bạn đeo khuyên tai của tôi ở London trong dịp cuối tuần và chúng tôi làm đủ trò rồ dại.

Mỗi năm một lần tôi đi Dublin đến cuộc gặp mặt của khoá chúng tôi. Bao giờ cũng vào ngày thứ bảy thứ hai của tháng năm. Ở Dublin tôi ngủ trong Trinity College. Hầu như ở đó chẳng có gì thay đổi kể từ khi Eljot rời xa nơi đây. Nhưng Trinity chẳng thay đổi gì từ thế kỷ thứ XIX. Đêm thứ bảy, tôi trốn khỏi cuộc gặp khoá và đi dọc hành lang chỗ văn phòng mà ngày xưa anh ấy làm. Bây giờ ở đó là kho. Nhưng cửa vẫn thế. Tôi đứng lại đó một lúc. Hồi ấy tôi cũng nhiều lần đứng đó. Nhưng chỉ có một lần tôi đủ can đảm để gõ cửa. Đó là một đêm hơi khác với đêm hôm nay. Đúng mười hai năm trước đây. Lúc ấy là kết thúc sinh nhật của anh ấy chứ không phải bắt đầu.

Sau đó tôi quay về và dừng lại ở giảng đường, nơi đèn cứ lách cách tắt rồi bật khi anh ấy tựa lưng vào cái công tắc, còn tôi quỳ trước anh. Bây giờ không thể vào trong ấy được. Nhưng có thể nhìn thấy tất cả qua lớp kính bị xước lung tung. Sau đó tôi quay lại cuộc gặp khoá và uống say.

Thời gian gần đây tôi thấy cô đơn quá. Tôi sẽ có em bé. Đã đến lúc phải có con. Tôi đã ba mươi nhăm tuổi rồi còn gì. Hơn nữa, tôi muốn có một cái gì đó của riêng mình. Một cái gì đó mà tôi sẽ yêu. Bởi tôi thực sự mong muốn được yêu ai đó trong cuộc đời này.

Mấy ngày trước đây tôi đã gửi một e-mail đến The Sperm Bank of New York, một ngân hàng tinh trùng tốt nhất ở Mỹ. Họ là những người kín đáo nhất, họ làm các thử nghiệm gen tốt nhất và họ có những catalog đầy đủ nhất. Một tháng nữa tôi sẽ bay đi gặp chuyên gia về gen của họ. Thực ra đó chỉ là thủ tục. Tôi muốn đây sẽ là một bé gái. Tôi đã gửi cho họ tiểu sử cá nhân của mình. Anh không thể tưởng tượng được có bao nhiêu người cho có chỉ số IQ trên 140 đâu! Ngoài ra người cho phải là từ “môi trường âm nhạc”, là tiến sĩ và là người gốc châu Âu. Họ gửi cho tôi một danh sách trên 300 người cho. Tôi chỉ chọn những người mang họ Ba Lan.

Tôi phân vân không biết mắt Eljot thực sự có màu gì. Anh ấy bảo tôi là màu xám. Tôi thì lại luôn nhìn thấy màu xanh lục. Khi tôi chọn những người có mắt màu xanh lục và thêm vào đó là bằng tiến sĩ khoa học tự nhiên, thì chỉ còn lại bốn người. Cuối cùng tôi quyết định chọn một trong số đó sau khi nói chuyện với chuyên gia gen học ở New York.

Trời đã sáng. Hôm nay là chủ nhật. 30 tháng tư. Đây là một ngày thực sự đặc biệt. Tôi có hai cái ly riêng cho ngày hôm nay. Nhưng phải đến tối. Tối, tôi sẽ nghe Bohemians của Puccini, hút xì-gà mà tôi mang theo từ Dublin và tôi sẽ uống loại champagne ngon nhất. Trong quãng giải lao giữa hai hồi.

Tôi cũng sẽ uống cạn cả ly của Anh nữa. Chúc mọi sự tốt lành nhân ngày sinh của Anh, Eljot…

Jennifer

TB: Bao giờ sinh con gái, tôi sẽ đặt tên là Laura Jane.

CÔ: Tàu của họ đến Frankfurt trên Odra. Cô lấy chai nước khoáng. Nhìn anh. Cái máy tính của anh ở trên đùi, bật sẵn, còn anh ngồi với bàn tay phải đặt lên tim và nhìn ra cửa sổ. Thỉnh thoảng, những lúc đắm chìm trong suy nghĩ về một điều gì đấy cô cũng nhìn bằng ánh mắt vô hồn. Không chớp mắt, con ngươi mở to và hoàn toàn bất động. Tập trung vào một điểm. Với anh cũng y xì như vậy. Điều này thật không bình thường. Bàn tay đặt lên tim ấy và đôi mắt bất động ấy. Khuôn mặt anh biểu lộ một nỗi buồn. Gần như nỗi đau.

Có ai đó mở cửa. Một ông già thò đầu vào khoang và đọc to số chỗ ngồi. Xong ông ta nói với anh bằng tiếng Đức:

– Anh cũng có vé ở chỗ này à?

Anh không phản ứng gì cả. Người đàn ông hỏi lần nữa và khi anh vẫn không phản ứng lại, ông ta mạnh dạn đặt tay lên vai anh:

– Xin lỗi anh, nhưng tôi muốn hỏi là anh có vé ở chỗ này không?

Trông anh giống như bị đánh thức đang lúc ngủ say. Anh đứng phắt dậy để trả chỗ cho ông già.

– Không. Tôi không có vé. Đây chắc chắn là chỗ của bác.

Anh tắt máy tính và cất vào túi da. Từ tốn để không chạm phải ai, anh đặt vali lên sàn. Đẩy nó ra ngoài hành lang. Anh lấy cái áo khoác trên móc và quẳng xuống cái túi đựng máy tính. Anh quay mặt vào trong khoang và nhìn cô buồn bã. Anh tạm biệt mọi người bằng tiếng Ba Lan và tiếng Đức rồi đi ra. Cô không nhìn thấy anh thêm nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.