Cô Đơn Trên Mạng

Chương 05 phần 4



Thậm chí cậu ta không nhờ giúp đỡ. Bởi Jacek, kể từ khi anh quen biết, bao giờ cũng rất ngại nhờ vả.

Cậu ta kể cho anh theo cái cách như thể để cho xong việc.

Đến tận hôm nay anh vẫn không biết tại sao, nhưng nghe cậu ta nói và hỏi cụ thể, anh tin chắc rằng mình sẽ giúp được. Đây chắc chắn là do cocain vừa nãy. Bởi anh rất quan trọng và luôn có lý cơ mà.

Còn từ hồi Natalia, anh biết tất cả về bệnh máu trắng.

Làm sao mà có thể không biết cho được? Natalia của anh, nếu may mắn hơn, đã có thể chết vì bệnh máu trắng.

Nếu cô đã không chết sớm hơn.

Anh cúp máy. Những gì vừa nghe thấy đã khiến anh bị chấn động. Anh tắt máy tính và quyết định đi bộ về nhà. Đi trên Charles Street vào giờ ấy vẫn còn vắng, anh nghĩ đến định mệnh. Có thể nói là anh từng chắc chắn rằng định mệnh đó là tưởng tượng và thiên kiến. Chúa đã có quá nhiều việc đổ lên đầu nên không thể ấn định định mệnh cho toàn bộ đàn người này. Ngoài ra không thể có cái thứ định mệnh bắt một đứa trẻ tám tuổi phải chết. Khi anh vào nhà, phòng Jim vẫn sáng đèn. Anh thấy mừng. Lúc này anh cần được nói chuyện hơn bất cứ thứ gì khác trên đời này.

Anh gõ khẽ cửa phòng và bước vào mà không chờ được mời, và không một lời mào đầu, anh hỏi luôn:

– Jim, cậu nghĩ thế nào, một ca ghép tuỷ xương ở đây, ở Tulane hết độ bao nhiêu? Con bé lên tám, đang ở Ba Lan và chỉ có thể sống được độ ba tháng nữa thôi. Đây là con gái của một anh bạn thân của tôi.

Jim phản ứng như hắn vẫn thường phản ứng trước những câu hỏi hệ trọng và gay go: đắm chìm trong suy nghĩ của mình một lúc. Lần này thì lâu hơn nhiều so vời thường lệ. Gã đột ngột rời khỏi giương, đi rất nhanh đến chỗ anh và nói:

– Ông nghe này, tôi thì chẳng biết mấy tí về cái khoản ghép tủy ấy. Tôi nghi ràng ghép tủy là ở trong xương. Ngoài ra không biết thêm tí gì về đề tài này. Nhưng nếu người ta sẽ chết vì nó thì có nghĩa là nó rất đắt. Ở Mỹ, tất cả những thứ mà người ta sẽ không chết nếu có được đều rất đắt. Anh cứ nhìn mà xem, bố của Kim sống ở đâu và đi những cái xe ôtô loại nào; bộ ngực của mẹ Kim thì cứ mỗi năm lại to thêm và dựng thêm lên như thế nào. Phải trả 100 hay 300 ngàn ư, không có nghĩa gì hết. Quá nhiều, để mà có. Ông thậm chí chưa nhìn thấy những khoản tiền như thế bao giờ đâu. Tôi thì tôi đã được nhìn thấy nhưng chúng chưa bao giờ là của mình cả. Tụi mình không được phép để cho con bé phải chết chỉ vì nó không sinh ra ở đúng cái nước cần thiết. Sáng thứ hai, ông sẽ đứng trước văn phòng hiệu trưởng ở Tulane với một tấm áp phích. Tôi cũng với một tấm áp phích đúng như vậy sẽ ngồi giữa trung tâm của Bourbone Street. Hôm nay bọn mình vẫn còn kịp gọi điện đến đài phát thanh ở đây, ở New Orleans. Quảng cáo ngay cạnh những đợt quyên góp tiền bao giờ cũng đắt nhất. Chắc chắn họ sẽ giúp. Trước và sau những đoạn về băng vệ sinh phụ nữ họ sẽ chen vào những đoạn mới, về một bé gái vô tội ở Ba Lan đang chết dần vì bệnh máu trắng. Cái công ty sản xuất băng vệ sinh ấy nhất định sẽ tài trợ với lòng biết ơn. Mai, mà đúng hơn là hôm nay là chủ nhật. ông hãy đến nhà thờ, kể hết với giám mục. Ông hãy đến chỗ nào mà nhiều khách du lịch đến nhất ấy. Họ, một khi đã xúc động thì sẽ thả vào khay nhiều hơn đấy. Trong nhà thờ, dân địa phương chủ yếu là người da đen. Họ không có tiền đâu, ngoài ra bệnh máu trắng còn khiến họ liên tưởng đến phân biệt chủng tộc. Thứ hai Kim sẽ đến Student Union và sẽ chỉ ra về khi nào họ hứa sẽ tổ chức quyên góp tại khu vực trường học. Và ông hãy viết cho tất cả những người trong nhóm. Ông hãy điện cho con người tài năng ở Harvard. Bệnh máu trắng thì cũng là gien chứ gì. Ông ấy có tiền cho vấn đề này đấy. Chỉ cần phải tính toán cho thật kỹ. Ông phụng sự họ với cái đầu của anh. Cái đầu sẽ hoạt động tốt nếu tâm hồn thanh thản. Để có được tâm hỏn thanh thản cần phải trả giá. Ông ấy biết điều này. Có nguyên do của nó. Ở đây quyền đối với sự thanh thản của tâm hồn được ghi trong phụ trương của bộ luật. Ngoài ra ông phải gọi đến đại sứ quán Ba Lan nữa. Nói với họ hãy liên hệ với Tulane. Các bác sĩ bao giờ cũng khoái những người nhờ vả họ điều gì đấy là những người quan trọng và khỏe mạnh, nhất lại là ở các đại sứ quán: Mà thậm chí ông chớ có nghĩ rằng bọn lính sẽ mình thu được khoản nào từ đấy.

Nghe Jim nói, anh dần dà nắm bắt được sự chắc chắn, lòng nhiệt tình và niềm tin vào bản thân mình của gã. Cái cụm từ “bọn mình” như một lời thú nhận về tình bạn. Anh nghĩ rằng dù sao, vẫn có định mệnh. Nếu không thì anh đã không gặp Jim trong cuộc đời này.

Khi quay về phòng mình, anh đã có một kế hoạch sẵn sàng. Anh để nguyên quần áo nằm lên chiếc đi văng da đã sờn ở phía trước TV để đợi sáng. Anh đang bị hưng phấn. Anh không thể đợi được đến sáng để bắt đầu hành động. Bỗng nhiên anh nghe thấy tiếng động ngoài cửa. Ai đó vừa nhét qua khe rửa một phong bì trắng. Anh đứng đậy, ra lấy cái phong bì và mở. Giữa những tờ tiền là một tờ giấy xé từ vở.

Gửi Ania-Jim.

Từ tất cả những gì diễn ra trong hai tuần khác thường tiếp theo đó, anh chỉ ghi nhớ một vài sự kiện để nhớ đời. Anh nhớ là mình tuyệt đối thôi ở chỗ căn phòng đi thuê mà chuyển hẳn đến văn phòng, viết hàng trăm bức thư, đi đến hầu như tất cả các công ty lớn ở New Orleans, đi quyên góp ở nhà thờ trên xe buýt, trong các nhà hàng, cửa hàng và các câu lạc bộ ban đêm. Anh đã được gặp tình đoàn kết cảm động cũng như sự dửng dưng đáng sợ.

Anh biết chắc rằng Ania sẽ sang được đây vào một tối khoảng một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch, bố của Kim gọi điện đến cho anh bảo:

– Tất cả các bác sĩ và tất cả các y tá của tôi sẽ tiến hành ca mổ này mà không nhận thù lao. Ngoài ra tôi đã liên hệ với văn phòng nhập cư ở Washington và tôi đã giải quyết được viza cho cô bé. Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu tìm người cho tủy. Cơ sở dữ liệu những người cho ở Mineapolis – mà chỉ có thể tìm được ở đấy như anh biết đấy – là do một nghiên cứu sinh của tôi phụ trách. Tôi đã cung cấp cho anh ta biểu đồ kháng nguyên chính xác của Ania. Chúng ta cần phải có người cho trong vòng ba ngày. – Ông im lặng một lúc rồi nói thêm: – Con gái tôi phục anh lắm. Thậm chí anh không biết là tôi ghen với anh như thế nào đâu.

Ba tuần sau đó thì anh đứng ở sân bay và năm nhân viên của LOT(16) đẩy chiếc xe lăn với một bé gái đầu trọc lốc, sợ hãi trong bộ đồ thể thao bông được giặt sạch sẽ như thế nào. Cô bé có đôi mắt rất to màu xanh lục, gầy một cách đáng sợ và đang ôm chặt một con rối mặc áo chẽn và đội mũ đỏ.

16. Hãng Hàng không Ba Lan (ND).

Đó là Ania.

Anh đi đến chỗ cô bé và tự giới thiệu.

– Cháu tên là Ania. Còn đây là Kacper – cô bé nói, chỉ vào con rối. – Mẹ cháu bảo là chú có thể làm được cái gì đấy để cháu không chết.

Anh đứng như trời trồng. Không biết nói gì. Anh phải cố hết sức để không lộ ra là mình đang nuốt nước mắt.

Con bé không lúc nào rời Kacper. Ngủ cùng nó, nói chuyện với nó. Ôm nó âu yếm những khi khóc vì nhớ nhà. Với Ania, con rối vải ấy bỗng trở thành biểu tượng của tất cả những gì gắn bó nó với quá khứ, với bố mẹ và với cái mà nó hiểu được, khiến nó liên tưởng tới sự an toàn và ngôi nhà của nó ở Ba Lan. Các chị y tá ở Tulane kể với anh rằng, thậm chí cả khi đã mơ màng vì thuốc gây mê ngay trước lúc mổ, nó vẫn dùng hết sức để ôm Kacper và phải khó khăn lắm mới tôi được con rối ra khỏi hai cánh tay thâm tím vì những vết kim tiêm và gầy không thể tưởng tượng nổi của nó.

Từ giai đoạn ấy anh còn nhớ cả một ví dụ về thói đạo đức giả ghê tởm. Một hôm, sau khi bố của Kim đã gọi điện, có một gã người to bè, hai mắt cách xa nhau khiến ta nhớ đến loài cáo, đến văn phòng thăm anh. Ông ta tự giới thiệu là nhân viên của đại sứ quán Ba Lan ở New York và yêu cầu anh cho xem hộ chiếu. Rất may là anh lại nhớ hỏi để làm gì. Điều này đã gây nên một sự khó chịu không thể tin được. Khi đó anh được biết rằng mình “đang hủy hoại hình ảnh của Ba Lan trong mắt bọn đế quốc Mỹ”, rằng “anh đi ăn mày ăn nhặt giống hệt một tên digan rách rưới trước cửa nhà thờ”, rằng “anh làm tổn hại đến Ba Lan với tư cách một nhà khoa học và một công dân”. Anh nghe ông ta nói, thấy ngạc nhiên và ghê tởm. Cho đến bây giờ anh vẫn tiếc tại sao lúc ấy anh không tống cổ ông ta ra khỏi văn phòng.

Anh còn gặp người đàn ông đó một lần nữa. Đại học Tổng hợp Tulane, khi phòng trào giúp đỡ Ania kết thúc tốt đẹp, đã tổ chức một cuộc họp báo. Cả truyền hình địa phương cũng có mặt. Anh nhớ là cả anh cũng nhận được những lời chúc mừng từ tất cả mọi ngrười. Đến khi mà các camera hướng đúng vào chỗ anh thì người đàn ông ở đại sứ quán ấy bước đến và chìa tay chúc mừng anh. Lúc ấy anh nhìn vào mắt ông ta và nói:

– Ông biết không, tôi mơ thấy là ông đã treo cổ. Tôi tỉnh dậy thấy mình yên tâm hẳn đi.

Anh đã không bắt tay ông ta.

Anh còn nhớ cả lúc chia tay với Ania, khi anh đưa con bé ra máy bay của hãng Delta ở New Orleans để bay đi Chicago, từ đấy nó sẽ đi LOT về Warszawa. Anh không phải đi cùng con bé. Delta sẽ đảm bảo toàn bộ việc chăm sóc Ania theo khuôn khổ tham gia của mình vào phong trào giúp đỡ. Khi Ania khuất sau cửa máy bay cùng với cái xe lăn của mình, anh bỗng cảm thấy trống trải, buồn và cô đơn.

Liệu mẹ anh cũng có những cảm giác như vậy sau mỗi lần anh, một cậu bé hơn chục tuổi bỏ bà lại để đi đến tận cùng đầu kia của đất nước?

Lách người qua đám đông ở sân bay, anh chợt phân vân, phải chăng tất cả những con vi khuẩn gây bệnh sốt Rittchesia của anh, tất cả những trạng thái hưng phấn trong niềm thán phục được toại nguyện và toàn bộ sự xáo trộn này trong cuộc sống của anh chẳng qua chỉ là một hình thức trốn chạy trước sự trống trải và cô đơn? Ania đã lấp đầy khoảng trống đó trong vài tuần bàng niềm vui, sự xúc động và một cái gì đó thực sự quan trọng.

Tiếng loa của sân bay gọi tên anh đã bứt anh ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh phải khẩn trương đến phòng thông tin của Delta.

Có một gói gì đó được tìm lại cho anh – nữ thực tập viên trong bộ đồng phục màu xanh đen tươi cười nói và đưa cho anh một cái gói nilon.

Anh mở gói ngay tại chỗ. Lấy ra con rối đội mũ đỏ xinh xắn, đặt lên mặt quầy và cứ đứng bất động mà nhìn nó.

Những chuyện ấy đã lâu lắm rỏi – anh nghĩ.

Anh tắt máy tính, uống nốt lon coca rồi gói mấy trang anh in ra và mấy quyền tập chí để chủ nhật đọc. Đi qua cửa cạnh cái tủ bằng gỗ bạch dương, anh dừng lại, chỉnh lại cái mũ đỏ cho con rối vải để trên ngăn cao nhất, giữa những cuốn sách.

CÔ: Cô lại dậy trước báo thức. Thậm chí cô cũng không lấy thế làm ngạc nhiên. Ngày xưa thì không bao giờ có chuyện ấy, bây giờ đã là chuyện thường ngày.

Thứ hai! Cô cười một mình.

Trong những ngày nghỉ cuối tuần, cô đã nhớ biết bao…

Cô sẽ lại sắp sửa đến văn phòng, mở máy tính, đọc mail của anh và cô sẽ vui.

Cô khẽ ra khỏi giường và xuống phòng tắm.

Đứng dưới vòi hoa sen cô phân vân, không biết mình có muốn anh ở đây lúc này và nhìn thấy mình khỏa thân không nhỉ.

Cô biết là anh sẽ chỉ nhìn cô một lần bằng cặp mắt đầy suy tư của mình và sẽ nhớ tất cả. Không, bây giờ thì anh tuyệt đối không nói gì hết, nhưng mấy hôm nữa anh sẽ viết cho cô rằng cô có một nốt ruồi ba milimét dưới ngực phải và rằng nó ngọt, rằng xương hông trái của cô cao hơn bên phải và anh muốn có một lần nào đó anh sẽ húc trán vào đấy, và rằng núm vú của cô nâu hơn là anh vẫn hình dung ra và khi cô đã cảm thấy ấm áp và dễ chịu lắm rồi vì những lời bình luận khác thường ấy, thì anh sẽ đưa cô trở về mặt đất bằng cách viết rằng trong bất cứ trường hợp nào cô cũng không nên tắm bằng cái loại xà phòng ấy, vì độ PH của nó quá cao.

Tại sao cô lại chưa dám chắc rằng cô thực sự muốn anh nhìn thấy mình. Cô quyết định không “phân tích nhu cầu này” bây giờ, mà sẽ thực hiện ở văn phòng, muộn muộn một chút, sau khi cô đã đọc xong mail của anh, nói chuyện với anh trên ICQ, uống bia và sẽ hoặc đã “ngây ngất”.

Cô rất thích suy nghĩ về những lưỡng lự kiểu như vậy chính trong trạng thái này.

Cô tin chắc rằng nếu cô nói với anh, thì anh sẽ còn tình cảm hơn nữa, và sẽ khiêu khích để cô viết “những lá thư tình”, nhưng đằng nào thì cuối cùng anh cũng sẽ viết rằng cô không được phép “giữ trong lông những phân tích ấy”, thậm chí nếu cô có rất “ngây ngất” trong văn phòng đi nữa, thì chắc chắn cô cũng sẽ không khỏa thân, mà điều này sẽ làm diện mạo của vấn đề thay đổi một cách thê thảm.

Ông chồng vừa vào phòng tắm đã bứt cô ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh ấy nhắc cô rằng nếu cô cứ chiếm cái vòi tắm lâu hơn thì chắc chắn cả hai sẽ đi làm muộn.

Anh ta có lý. Như vẫn thế, kể cả khi vô lý.

Cô lau vội người và cứ khỏa thân thế chạy vào phòng ngủ, chỗ tủ quần áo.

Kể từ lúc, khi anh mào đầu ngay bằng câu hỏi khá trơ tráo mang tính tước bỏ khí giới, rằng hôm nay cô mặc bộ đỏ lót màu gì, thì sáng nào khi thay quần áo cô cũng nghĩ đến chuyện ấy.

Đương nhiên là cô không cho anh biết, bởi nó quá riêng tư. Nhưng khi biết được là anh thích màu xanh lá cây, thì “vô tình” như thế nào đấy, cô đã mua ba bộ với ba tông màu xanh lá cây khác nhau.

Hôm nay cô quyết định mặc bộ xanh thẫm, gợi tình nhất, nịt vú thì có khóa cài đằng trước, còn quần lót khoét cao có viền đăng ten.

Cô cảm thấy đây là bộ mà anh thích.

Và hoàn toàn không phải vì chồng cô đã nhìn cô rất lạ những khi cô ngồi trang điểm trong phòng ngủ mà mặc mỗi bộ đỗ lót.

Cô thích cái khoảnh khắc bước vào văn phòng. Đã từ lâu rồi khi cô không phải là người đầu tiên. Rất yên tĩnh và chỉ có một mình. Kể từ ngày tìm được anh, cô thích sự một mình này trong văn phòng. Cô pha cà phê, khi mùi cà phê tỏa khắp phòng, cô bật máy tính và khi modem đang chọn số modem của máy chủ của họ ở Poznan thì cô ngồi đầy ắp chờ đợi, như một cô gái mới lớn đang bị bỏ bùa mê, ly cà phê đặt cạnh máy tính. Cô khởi động chương trình thư và đợi cho đến khi tất cả các mail từ máy chủ của công ty tại Poznan được lấy về máy tính của cô. Sau đấy cô mở lần lượt các mail của anh và đọc.

Mới tuyệt vời làm sao, lãng mạn làm sao.

Và cứ như vậy không hề gián đoạn từ mấy tháng nay, nhưng cô biết rằng không nên như thế. Cô biết rằng tất cả chỉ là thoảng qua, không bền lâu và phải trải nghiệm “ở đây và lúc này”, thậm chí đây chỉ là ảo giống như mối quen biết của họ.

Máy chủ ở Poznan không trả lời.

Cô thử ít nhất cũng phải tám lần. Cô không thể chờ được, khi cô thư ký vừa đến, cô đã lấy một cái cớ nào đấy để bắt cô ta phải kiểm tra thư ngay lập tức. Cả máy tính của cô ta cũng không thể kết nối được với Poznan.

Cô bực bội và thất vọng. Họ đã làm hỏng cả buổi sáng nay của cô, mà với cô thì từ mấy tháng nay, sáng thứ hai giống như tối thứ sáu hay thứ bảy của nhiều người khác.

Cô gọi điện cho Poznan.

Họ trả lời rằng có ai đó đã tấn công máy chủ của họ và hiện tại. Họ đang khắc phục hậu quả, nhưng máy bị quá nặng nên chắc chắn trong ngày hôm nay họ chưa thể sửa xong được bởi thậm chí họ chưa biết cụ thể bị mất những gì.

Đúng là một cú đánh bất ngờ! Anh thì chắc chắn chỉ sau vài phút là phải biết cái gì bị hủy – cô tức tối nghĩ.

Cô gọi cho anh.

– Chào anh, Jakub. Em nhớ anh – cô thì thầm. – Máy chủ của tụi em ở Poznan không hoạt động, nên em không đọc được mail của anh, mà anh thì biết rồi đấy, chúng quan trọng với em như thế nào. Thế là em nảy ra sáng kiến là bây giờ anh đọc qua điện thoại cho em nghe. Anh chưa làm thế bao giờ đâu đấy. Anh biết là em sẽ rất thích khi anh làm thế. Anh sẽ đọc phải không? – cô hỏi.

Anh im lặng một lúc, không trả lời, sau đấy thì nói điều gì đó khiến cô băn khoăn:

– Anh không đọc cho em được, vì anh không thể.

– Jakub, nhưng anh đã viết và đã gửi cho em, đúng không nào?

– Tất nhiên rồi, anh đã viết, đã gửi, nhưng… sau đó… sau đó thì anh đổi ý – anh trả lời.

Cô phải mất một lúc để phân tích câu nói đó và chợt hiểu.

– Jakub! Vậy là anh, em xin lỗi, khi đổi ý, như anh gọi rất nhẹ nhàng và khôn ngoan như vậy, đã phá máy chủ ở Poznan, để cả nó cũng “đổi ý” và không chuyển mail đến tay em phải không? – cô tức giận hỏi.

– Không, anh không phá… Những chỉ là vì anh không biết. Mà là anh bạn Jacek của anh ở Hamburg đã phá. Tha thứ cho anh nhé. Sẽ có lúc anh giải thích cho em chuyện này.

Cô rất bực, cảm thấy mình đã bị anh làm tổn thương, lần đầu tiên kể từ khi anh hiện hữu trong cuộc đời cô.

– Anh đã viết những gì trong những bức mail ấy? – cô hỏi hơi lên giọng.

Ngay lập tức cô hiểu rằng đó là câu hỏi ngu xuẩn nhất mà cô có thể đưa ra.

– Anh đừng trả lời – cô nói vội. – Đó là một câu hỏi điên rồ. Em sẽ gọi cho anh sau. Bây giờ em cần phải bình tâm cái đã.

Cô gác máy.

Chẳng còn gì giống với ngày xưa nữa, hồi “trước anh”.

Nói chung cô đã sống như thế nào nhỉ, hồi “trước anh”?

Người ta gửi mail cho cô, sau đó thì phá hỏng cả máy tính để cô không thể đọc được. Ai làm những chuyện ấy, ai gây ra ngần ấy rắc rối, ai đã có những ý nghĩ như vậy nói chung?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.