BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười một : Ai muốn làm hại Anne?



Thoạt nhìn, tôi thấy ngay hai người này đang có những ý kiến trái ngược. Ông Melchett đỏ mặt vì giận dữ; viên thanh tra thì cau có.

– Tôi lấy làm tiếc để báo tin ông biết – Melchett lên tiếng – Ông Landormy không đồng ý với tôi về trường hợp của Lawrence.

– Nhưng tại sao anh ta lại tự thú – Viên thanh tra nói bằng giọng hoài nghi – Tại sao anh ta lại nhận mình là thủ phạm? Tôi hỏi như vậy!

– Bà Prothéro có thể nín lặng kia mà, xin nhớ điều đó, ông Landormy.

– Đây là một việc khác hẳn. Đây là một người đàn bà, mà đàn bà thường có những hành động ngốc nghếch. Hơn nữa, tôi không tin bà này. Nghe nói Lawrence tự tố cáo mình, bà ta liền sáng tác ra câu chuyện. Chúng ta đã biết quá rõ cái trò này rồi. Không, ông không thể tưởng tượng được đàn bà có những hành động phi lý đến mức nào đâu! Còn Lawrence thì lại khác: đầu óc anh ta minh mẫn, và nếu anh ta nói rằng mình là thủ phạm thì tôi tin. Ông thấy khó hiểu về câu chuyện khẩu súng chứ gì? Nhưng cuối cùng, nhờ bà Prothéro chúng ta đã biết rõ động cơ của tội ác. Tôi xin thú nhận đây là điểm yếu của chúng ta, nhưng bây giờ chúng ta đã rõ… và mọi việc trở nên dễ dàng.

– Vậy ông cho rằng Lawrence giết người sớm hơn ư? Vào lúc sáu giờ rưỡi ư?

– Không thể như vậy được.

– Ông đã có bản thời khóa biểu của anh ta chưa?

Viên thanh tra xác nhận :

– Lúc sáu giờ mười phút, Lawrence còn ở trong làng, cách quán Lợn lòi xanh hai bước chân. Từ đây anh ta trở về xưởng họa bằng con đường nhỏ mà bà già hàng xóm đã nhìn thấy – mở ngoặc, không có gì thoát khỏi cặp mắt bà này. Anh ta cùng bà Prothéro từ xưởng họa trở ra và cũng theo con đường ấy để vào làng lúc sáu giờ rưỡi hoặc hơn một chút. Chính giáo sư Stone đã gặp họ. Hai người đứng nói chuyện với nhau một lúc trước cửa trạm bưu điện, sau đó bà Prothéro tới nhà bà Hartnell để mượn một tờ tạp chí về làm vườn. Tôi đã kiểm tra lại những tin tức đó. Tôi đã gặp bà Hartnell: bà Prothéro ở nhà bà này cho đến bảy giờ. Khi nghe thấy chuông đồng hồ bà ta còn nói: “Tôi không ngờ đã muộn đến như vậy” rồi ra về.

– Thái độ của bà Prothéro lúc ấy ra sao?

– Rất bình thường, vui vẻ nữa là khác, nói theo lời bà Hartnell Vui vẻ và không có gì là lo lắng, bận rộn.

– Được. Ông nói tiếp đi.

– Tôi nói về Lawrence. Anh ta theo ông Stone vào quán Lợn lòi xanh và hai người cùng uống rượu. Họ rời quán lúc bảy giờ kém hai mươi và anh ta trở về nhà xứ theo con đường làng. Nhiều người đã nhìn thấy anh ta bước những bước dài.

– Lần này anh ta không đi theo con đường nhỏ nữa ư? – Ông Melchett hỏi.

– Không, anh ta đi tới cổng chính và yêu cầu được gặp ông mục sư. Người ta cho anh biết ông Prothéro đang ngồi ở trong nhà, anh ta vào văn phòng gặp ông này… và đã giết ông đại tá theo cách mà anh ta đã nói. Mọi việc đã diễn ra như vậy, không cần thiết phải tìm hiểu gì nữa.

Ông Melchett lắc đầu.

– Tuy nhiên còn có lời chứng thực của bác sĩ. Ông không thể bỏ qua điều này được. Ông Prothéro không thể chết sau sáu giờ rưỡi được.

– Ôi! Những ông thầy thuốc! – Viên thanh tra nói bằng giọng khinh thường – Nếu ông tin vào những lời của thầy thuốc! Họ sẽ nhổ hai hàm răng của ông không sót chiếc nào. Mổ bụng để cắt dạ dày nhưng sau đó lại xin lỗi ông nói dạ dày của ông không sao cả! A! Các thầy thuốc là như vậy đấy!

– Nào, ông Landormy: đây không phải là việc mổ xẻ. Ông Haydock làm việc theo nguyên tắc. Ông không bao giờ đi khám bệnh ư?

Một sự kiện nhỏ chợt xuất hiện trong óc tôi.

– Tôi có một sự chứng minh có thể có ích – Tôi nói – Khi sờ vào xác người, tôi thấy nó đã lạnh giá. Tôi xin thề là như vậy.

– Thế nào? – Ông Melchett nói với vẻ đắc thắng.

Viên thanh tra tỏ ra nhũn nhặn hơn.

– Đúng thế! Đúng thế! Nếu vậy thì đây là một trường hợp đặc biệt kỳ lạ! Lawrence sẽ thất vọng vì không bị treo cổ.

– Tôi thấy anh ta là một người không bình thường – Ông Melchett nói.

– Ông biết đấy: những sở thích, những màu sắc… Từ sau chiến tranh nhiều người đàn ông trở thành điên rồ. Chúng ta chỉ còn việc nghiên cứu vụ này từ đầu.

Landormy quay sang tôi.

– Tại sao – Ông ta nói tiếp – Ông không làm ngay từ đầu cái việc phải làm? Phải cho tôi biết về chiếc đồng hồ chứ… Ông đã đưa chúng tôi đi vào mục tiêu sai lầm! Ông đã làm trở ngại cho công cuộc điều tra.

Tôi ngạc nhiên.

– Đã ba lần tôi muốn nói nhưng đều bị ông gạt đi, ông từ chối không nghe.

– Đúng, nhưng nếu đã có ý định tại sao ông không tìm dịp khác cho tôi hay. Chiếc đồng hồ và lá thư rất phù hợp với nhau! Bây giờ ông lại nói đồng hồ chạy không đúng giờ. Câu chuyện này là thế nào? Tại sao ông lại vặn đồng hồ nhanh lên mười lăm phút?

– Nhằm mục đích bao giờ cũng đúng giờ, đơn giản vậy thôi.

Landormy càu nhàu.

– Tranh cãi việc này cũng chẳng ích lợi gì nữa – Ông ta nói với giọng quen thuộc – Cái mà chúng ta cần biết lúc này là: trong hai người, bà Prothéro và Lawrence, ai là người nói thật. Tôi đã gọi điện thoại cho ông Haydock mời ông ấy tới đây cùng bà Prothéro. Họ sẽ có mặt ở đây sau mười lăm phút nữa. Có thể dẫn Lawrence tới nữa. Tôi sẽ gọi điện cho đồn cảnh sát.

Ông ta nhấc máy điện thoại và nói vài câu.

– Bây giờ – Lawrence đặt máy xuống và nói – chúng ta sẽ làm việc trong văn phòng này.

Ông ta đưa mắt nhìn tôi.

– Có thể là các ông muốn tôi rút lui chứ? – Tôi hỏi.

Lawrence mở cửa cho tôi. Nhưng ông Melchett đã kêu lên :

– Ông mục sư, xin mời ông tới khi Lawrence có mặt tại đây. Hai người quen biết nhau, có thể ông có ảnh hưởng với anh ta để anh ta nói đúng sự thật.

Trở về phòng khách, tôi thấy vợ tôi đang ngồi với bà Marple.

– Chúng tôi đã hình dung ra rất nhiều giả thiết. Em muốn anh giải đáp câu đố này cũng như anh đã tìm ra thủ phạm trong vụ mất cắp vại cua của bà Wtherrby trước đây. Bà có nhớ không, bà Marple? Đó là chuyện bao tải than, không liên quan gì đến vụ trên, nhưng nó lại giúp vào việc khám phá thành công vụ trộm.

– Griselda thân mến, bà không đùa đấy chứ? Có một cách tốt nhất để tìm ra sự thật. Đó là cái mà người ta gọi là trực giác. Như người ta có thể đọc được một chữ mà không cần đánh vần: một đứa trẻ thì không thể làm như vậy được vì nó chưa có đủ kinh nghiệm. Người lớn có thể nhận ngay ra chữ đó vì người ấy đã thấy nó rất nhiều lần rồi. Ông có thấy điều tôi định nói không, ông mục sư?

– Vâng, hình như tôi đã hiểu rõ. Bà muốn nói việc này làm cho người ta nhớ đến việc khác, nhưng đó là loại việc gì, cái đó mới là quan trọng.

– Đúng thế.

– Vụ án ông Prothéro làm bà nhớ lại vụ nào?

– Những khó khăn bắt đầu. Bao nhiêu là câu chuyện xuất hiện trong trí nhớ! Đây rồi, hãy so sánh nó với trường hợp của viên sĩ quan tham mưu, người trông giữ nhà thờ, đó là một người đứng đắn xét về mọi phương diện. Nhưng cái đó không thể ngăn cản ông ta đã tằng tịu từ rất lâu với con hầu trong nhà! Đã có năm mặt con. Một đòn khủng khiếp cho người vợ và các con ông ta.

Tôi cố hình dung ra một ông Prothéro có nhiều tội lỗi trong quá khứ nhưng không được.

– Còn câu chuyện của ông thợ giặt nữa! – Bà Marple nói tiếp – Ông không nhớ ư? Bà Hartnell đã để quên một cái ghim cài áo bằng vàng trong đống quần áo mang đi thuê giặt. Vợ ông ta tìm thấy cái ghim ấy mà không biết giải quyết ra sao cả, vì đây không phải là một người có tính gian tham. Bà ta mang giấu nó vào nhà một bà hàng xóm, sau đó đi tố cáo bà này. Sự thù hận, ông thấy không, sự thù hận! Tất nhiên có một người đàn ông trong chuyện này, vì lúc nào cũng có một người đàn ông.

Phải nói rằng tôi thấy chuyện này cũng chẳng liên quan gì đến chuyện ông Prothéro bị sát hại cả.

Bà Marple vẫn nói tiếp bằng một giọng gần như vô cảm :

– Tôi còn nghĩ đến đứa con gái của bà Eldwel… một cô gái xinh đẹp – người ta có thể nói đó là một thiên thần… đã bóp cổ em trai nó. Và người chơi đàn oóc-gan đã ăn cắp tiền của những đứa trẻ trong đội đồng ca trong nhà thờ. Vợ anh ta nợ nần ngập đến tận cổ. Phải, vụ ông Prothéro làm tôi nhớ đến nhiều vụ khác… rất nhiều vụ khác… A! Thật không dễ dàng gì để tìm ra sự thật.

– Tôi rất muốn – Đến lượt mình, tôi nói – Bà kể tên bảy người mà bà đã nghi ngờ.

– Tôi nghi ngờ bảy người ư?

– Phải, bà đã nói rằng mình có thể đếm được bảy người sẽ rất thích thú về… cái chết của ông đại tá.

– Tôi đã nói vậy ư? Phải, đúng thế.

– Đúng chứ?

– Chắc chắn là đúng! Chỉ có điều là không nên đọc tên những người này ra thôi. Ông có thể tìm ra ngay thôi.

– Không, cái đó là không thể được. Hoặc giả, trước tiên phải nghĩ đến Lettice, vì cô ta là người thừa kế cha đẻ của mình. Nhưng thật là vô lý! Cô ấy không thể gây ra chuyện này được! Ngoài cô ta, tôi không thấy ai khác nữa.

– Còn bà thì thế nào, bạn thân mến! – Bà Marple quay sang hỏi Griselda.

Tôi ngạc nhiên khi thấy mặt của vợ tôi đỏ lên, mắt rưng rưng lệ. Cô ấy vặn hai tay vào nhau.

– Ô! – Cô kêu lên bằng giọng bực mình – Con người thật là bỉ ổi! Rất bỉ ổi! Tôi nói với bà như vậy. Tất cả những chuyện họ nói, tất cả những chuyện kinh khủng ấy.

Tôi tò mò nhìn Griselda. ít khi vợ tôi có thái độ như vậy. Cô ấy nhìn tôi và cố gắng cười.

– Đừng nhìn em như vậy, anh Clément, như em là một hiện tượng thú vị. Không nên rời khỏi mục tiêu của chúng ta. Em không cho rằng thủ phạm là Anne, cũng không phải là Lawrence. Còn về Lettice thì cô ấy có chứng cứ ngoại phạm, cần phải có một dấu vết, dù nhỏ, để chúng ta đi đúng hướng.

– Trước tiên – Bà Marple gợi ý – chúng ta có lá thư. Nhưng, như sáng nay tôi đã nói với các vị: lá thư ấy chẳng nói lên điều gì cả.

– Thư có viết một cách chính xác thời điểm của cái chết, đúng thế – Tôi nói – Nhưng nghĩ kỹ thì liệu có thể như vậy được không? Bà Prothéro vừa đi khỏi văn phòng. Bà ta chưa kịp đến xưởng họa. Theo tôi, ông đại tá đã xem giờ bằng chiếc đồng hồ của mình và chiếc đồng hồ ấy đã chạy chậm. Giả thiết ấy không phải là không thể chấp nhận được.

– Ý kiến của em lại khác – Griselda nói – Giả dụ chiếc đồng hồ để bàn bị vặn chậm đi thì sao, anh Clément? Nhưng không được. Cũng vậy cả thôi. Em ngốc quá!

– Nó không bị vặn chậm lại khi anh vắng mặt được. Anh nhớ trước khi đi anh đã so nó với chiếc đồng hồ đeo tay của mình. Như em nói, cái đó cũng không có ý nghĩa gì cả.

– Còn bà, bà Marple, bà nghĩ như thế nào? – Vợ tôi hỏi.

Bà già lắc đầu.

– Tôi ư? Trước hết xin nói rằng tôi không cùng cách nhìn như các vị. Cái làm tôi chú ý hơn cả và ngay từ đầu là nội dung của lá thư.

– Tôi không hiểu – Tôi nói – Đại tá Prothéro chỉ viết là ông ấy không thể đợi lâu hơn nữa thôi.

– Không được quên điểm này: 6 giờ 20 – Bà Marple nói tiếp – Tuy nhiên người hầu của ông đã nói rằng ông không thể trở về nhà trước sáu giờ rưỡi, và ông ta đã nói rằng mình sẽ chờ. Như vậy không thể có chuyện đến sáu giờ hai mươi, ông ta ngồi vào bàn để viết là mình “không thể chờ đợi lâu hơn nữa” được.

Tôi nhìn thẳng vào bà già. Lòng cảm phục bà của tôi tăng lên trước sự lập luận lô-gic ấy. Sự sáng suốt của bà đã vạch ra cái mà mọi người đã quên lãng. Thật lạ lùng, thật lạ lùng.

– Chỉ cần – Tôi nói – Lá thư ấy không ghi thời gian.

– Đúng thế – Bà nói như một tiếng vang – Chỉ cần nó không ghi thời gian.

Tôi hình dung lại con số 6 giờ 20 viết rất rõ ràng ở phía trên lá thư. Dòng chữ ấy không giống với những nét chữ khác trong thư.

– Cứ cho rằng – Tôi nói tiếp – Những con số ấy không có trong lá thư. Và cứ cho rằng, đến sáu giờ ba mươi, ông đại tá sốt ruột, ngồi vào bàn viết thư. Trong khi ông đang viết thì có một kẻ nào đó vào văn phòng qua cửa sổ sát đất.

– Hoặc qua cửa chính – Griselda nói xen ngang.

– Như vậy thì ông ấy sẽ nghe thấy tiếng kẹt cửa và quay lại.

– Xin nhớ rằng ông Prothéro hơi nặng tai – Bà Marple nhắc chúng tôi.

– Đúng. Có thể là ông ấy không nghe thấy gì. Dù cho kẻ giết người vào trong phòng bằng cách nào đi nữa, thì hắn cũng phải đến sau lưng ông đại tá để bắn ông. Sau đó hắn viết 6 giờ 20 lên phía trên lá thư của nạn nhân và vặn kim đồng hồ chỉ vào con số sáu giờ hai mươi hai phút. Đây là cách làm thông minh. Cái đó tạo cho hắn một chứng cứ ngoại phạm đầy đủ.

– Và cái mà chúng ta phải tìm cho ra – Griselda nói – Người nào có chứng cứ ngoại phạm vào lúc sáu giờ hai mươi phút và người nào không có… Nhưng cái đó chẳng dễ dàng gì. Làm thế nào để có giờ giấc chính xác được?

– Có thể ấn định giờ giấc chính xác trong giới hạn có thể – Tôi nói – Ônng Haydock đã quả quyết rằng cái đó không thể xảy ra sau sáu giờ ba mươi phút được. Cứ cho là sáu giờ ba mươi nhăm vì lý do ông Prothéro không thể sốt ruột chờ khi chưa đến sáu giờ ba mươi phút. Trên cơ sở đó, những giả thiết của chúng ta mới có thể vững chắc được.

– Nhưng còn tiếrg nổ mà tôi đã nghe thấy thì sao? – Bà Marple hỏi… – Cuối cùng có thể là như vậy. Phải nói rằng tôi đã không nhanh nhạy lắm. Thật là bực mình! Nhưng, có điều này tôi vừa chợt nhớ ra, hình như tiếng nổ ấy có khác với những tiếng nổ khác. Đúng là có sự khác nhau.

– To hơn ư? – Tôi hỏi.

Không, bà Marple nói nó không to hơn. Nhưng rất khó nói chúng khác nhau như thế nào. Bà không thể diễn đạt được.

Tuy nhiên tôi vẫn rất kính trọng bà: bà đã chẳng cho chúng tôi một cách nhìn mới về vấn đề này đó sao?

Bà đứng lên, đã đến giờ bà phải ra về. Bà muốn sau này sẽ đến nói chuyện với Griselda thân mến nhiều hơn.

Tôi tiễn bà ra lối sau vườn. Khi trở lại tôi thấy vợ tôi đang trầm ngâm suy nghĩ.

– Em thắc mắc về lá thư ấy? – Tôi hỏi.

– Không.

Cô ấy nhún vai với vẻ sốt ruột.

– Anh Clément – Griselda nói – Em cho rằng đã có một kẻ nào đó hận thù một cách ghê gớm đối với Anne Prothéro gây ra vụ này.

– Do hận thù ư?

– Phải, anh không hiểu ư? Chống lại Lawrence thì không có chứng cứ gì cả: những nghi ngờ chỉ là do anh ta đến đây. Không có cái đó thì người ta không bao giờ nghĩ anh ta dính líu vào vụ này. Giả thiết rằng có một kẻ nào đó biết Anne có mặt ở nhà xứ vào lúc 6 giờ 20 – giờ thể hiện trên lá thư và trên mặt đồng hồ – và ngay lập tức mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào bà ta. Thật là tai hại. Theo em, người ta không làm chết đồng hồ chỉ nhằm để tạo ra chứng cứ ngoại phạm mà người ta còn đổ oan cho Anne nữa. Nếu bà Marple không khảng định bà Prothéro không mang theo súng trong người cũng như bà ta đã đi thẳng vào xưởng họa, phải, nếu không có những lời làm chứng ấy…

Cô ấy rùng mình :

– Clément, em có cảm giác rằng có một kẻ nào đó đã căm ghét Anne Prothéro, căm ghét ghê gớm. Cái đó làm em lo ngại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.