BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười bảy : Bà Marple thấy gì khi nhìn qua cửa sổ



Sáng hôm sau Landormy tới thăm tôi. Ông ta có phần đáng mến hơn đối với tôi. Có thể do đã có một ngày để ông ta quên đi câu chuyện chiếc đồng hồ.

– Ông biết không – Ông ta bảo tôi – tôi đã tìm ra từ đâu người ta gọi điện thoại đến cho ông!

– A! Thế ư? – Tôi hỏi lại.

Tôi rất thích thú.

– Thật kỳ lạ – Ông ta nói tiếp – Cuộc đàm thoại ấy xuất phát từ một ngôi nhà nằm ở phía bắc nhà ông Prothéro. Ngôi nhà ấy hiện vắng chủ. Những người giúp việc thì trở về nhà mình cả rồi. Chủ mới thì chưa tới. Đây là một ngôi nhà bỏ hoang. Khi chúng tôi tới thì một cửa sổ bị bật mở. Chúng tôi không lấy được dấu vân tay trên máy điện thoại vì chúng bị xóa đi rồi. Chỉ riêng cái đó cũng đã đủ sáng tỏ.

– Sáng tỏ điều gì?

– Rằng cú điện thoại đó là nhằm mục đích kéo ông ra xa. Tội ác đã được chuẩn bị rất cẩn thận. Nếu chỉ để trêu chọc ông thì hắn không cần thận trọng đến như vậy.

– Đúng thế!

– Cái đó cũng chứng tỏ kẻ giết người hoàn toàn biết rõ nhà ông Prothéro và những nhà lân cận. Không phải là bà Prothéro gọi cú điện thoại ấy. Tôi đã kiểm tra từng phút một thời gian biểu chiều hôm ấy của bà ta. Một cô hầu và sáu người giúp việc khác đều thề rằng bà ta ở nhà cho đến lúc năm giờ ba mươi. Xe hơi đã đưa bà ta cùng chồng vào trong làng. Ông Prothéro thì đi gặp bác sĩ thú y Quinton để chữa bệnh cho con ngựa của mình. Bà ta đi mua bán sau đó đến nay xưởng họa bằng con đường nhỏ mà bà Marple đã nói. Những người bán hàng đều nói bà ta không mang túi xách tay. Bà già nói có lý.

– Bà Marple vẫn như vậy. – Tôi nhận xét.

– Còn lúc ấy thì cô Lettice đang ở Much Benham.

– Phải, cháu tôi cũng ở đấy.

– Không thể nghi ngờ cô ta được, về phần mình, những người hầu đều đứng đắn, hơi bối rối, có thể, nhưng làm thế nào khác được? Tất nhiên tôi chú ý đến anh người hầu: ông chủ đã cho anh ta nghỉ việc, không rõ nguyên nhân… nhưng nói riêng với nhau thôi, anh ta cũng chẳng biết gì hơn.

– Ông thanh tra, hình như cuộc điều tra của ông chưa mang lại kết quả nào, đúng không?

– Thật ư?

– Ông vẫn nhớ chuyện người ta thóa mạ bà Price Ridley ở máy điện thoại đấy chứ?

– Chắc chắn là nhớ.

– Chúng tôi đã tìm nguồn gốc của cuộc gọi đó. Ông có biết nó từ đâu ra không? Tôi đánh cuộc một ngàn ăn một đấy.

– Ở một trạm điện thoại ư?

– Không, ông Clément, nó không từ trạm điện thoại mà nó từ xưởng họa của Lawrence.

– Ông nói sao? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

– Phải, từ xưởng họa của Lawrence. Thật kỳ lạ, cả chuyện này nữa, đúng không? Xin nhớ là Lawrence không liên quan gì đến vụ này. Vào giờ ấy, sáu giờ rưỡi, anh ta đang ở quán Lợn lòi xanh với giáo sư Stone. Mọi người đều nhìn thấy họ. Tuy nhiên đã xảy ra chuyện ấy… Rất có ý nghĩa, đúng không? Một kẻ nào đó đã vào trong nhà không có ai cả và đã dùng máy điện thoại. Đúng thế, nhưng là ai? đó là hai cú điện thoại rất khác thường trong một ngày! Không thể nói chúng không liên quan với nhau được. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu đó không do cùng một người.

– Nhưng với mục đích gì?

– Cái đó thì chúng ta phải nghiên cứu. Và xin ông nhớ cho người ta đã dùng điện thoại của Lawrence giống như súng của anh ta. Người ta không biết rõ lý do của cú điện thoại thứ hai, nhưng nó đã xảy ra. Tất cả là để mọi nghi vấn dồn vào kẻ gọi điện thoại.

– Nhưng cú điện thoại thứ nhất mới có quan hệ đến tấn thảm kịch.

– Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó – Ông thanh tra nói tiếp – Buổi chiều thì Lawrence thường làm gì? Anh ta đến nhà ông Prothéro để vẽ cho cô Lettice. Anh ta đi một chiếc xe gắn máy để lên phía bắc của làng. Ông có hiểu tại sao cú điện thoại đầu tiên lại xuất phát từ hướng đó không? Kẻ giết người không biết đã có cuộc cãi nhau giữa ông Prothéro với anh ta, và từ sau đó anh không tới nhà ông đại tá nữa.

Phải mất một lúc lâu thì những lập luận của ông thanh tra mới lọt vào đầu tôi được. Lúc này thì chúng tỏ ra rất lô-gíc và không thể bác bẻ được.

– Người ta có lấy dấu vân tay trên máy điện thoại của Lawrence không?

– “Không có một dấu vết nào – Landormy nói với vẻ chán nản – Mụ điên ấy đã đến để dọn dẹp nhà cửa. Mụ ta cũng không nhớ là mình trông thấy khẩu súng lục lần cuối vào lúc nào nữa. Có thể là buổi sáng ngày xảy ra án mạng, có thể là không phải. Ông đã thấy họ ở đây. Họ giống nhau cả thôi.

Tôi đã đến gặp giáo sư Stone. Ô! Đơn giản chỉ là hình thức thôi. Ông ta tỏ ra đáng mến đối với tôi. Ông ta và cô Cram đã cùng đi tới đống đất ấy – Người ta gọi là gì nhỉ? – Là khai quật, trong hai tiếng rưỡi đồng hồ sau buổi trưa. Ông ta trở về một mình. Cô thư ký về sau. Ông ta không nghe thấy tiếng nổ nào, nhưng ông ta là người rất đãng trí. Tất cả phù hợp với giả thiết của chúng ta”.

– Phải – Tôi nói – Nhưng ông chưa tìm ra kẻ giết người.

– Hừ! Hừ! – Ông Landormy nói – Ông đã nghe thấy tiếng phụ nữ trên máy điện thoại. Gần như chắc chắn người nói với bà Price Ridley cũng là phụ nữ. Nếu tiếng nổ không xảy ra trong lúc đàm thoại thì chắc chắn tôi đã có định hướng cho cuộc điều tra rồi.

– A! Cái đó! – Tôi nói – Thì làm sao có thể biết được?

– Chỉ có một mình ông nghĩ như vậy thôi, ông Clément.

Trò chuyện tới đây thì tôi mời ông Landormy một cốc rượu poóc-tô. Rượu poóc-tô của tôi rất ngon. Không ai dùng loại rượu này vào lúc mười một giờ trưa, nhưng đối với Landormy thì chẳng có gì là quan trọng. Tốt nhất là tôi không uống, tuy vậy trong trường hợp này thì không nên từ chối.

Khi uống hết cốc thứ hai, ông thanh tra lảo đảo đứng lên. Đây là tác dụng của rượu poóc-tô.

– Đối với một người như ông, thưa ông – Ông ta nói – Thì người ta có thể tin tưởng. Ông giữ những cái đó cho riêng mình thôi, đúng không? Không nên để cả làng đều biết.

Tôi hứa cho ông yên tâm. Ông nói tiếp :

– Hơn nữa tấn thảm kịch xảy ra ngay trong nhà ông, ông có quyền biết mọi chuyện, đúng không?

– Đây cũng là ý kiến của tôi.

– Bây giờ tôi hỏi ông, thưa ông! Ông nghĩ thế nào về người đàn bà đến thăm đại tá tối hôm trước ngày xảy ra án mạng?

– Bà Lestrange ư? – Tôi hỏi lại rất to làm như đang rất ngạc nhiên.

Ông Landormy nhìn tôi với vẻ chê trách.

– Không được nói to như vậy, thưa ông! Phải, tôi canh chừng bà Lestrange. Hãy nhớ điều tôi đã nói với ông hôm qua: tống tiền. Có chuyện tống tiền trong đó, ông Clément!

Đây không phải là lý do để gây ra một vụ giết người. Và như vậy là giết một con gà đang đẻ trứng vàng! Tôi không thể chấp nhận giả thuyết ấy được.

Ông thanh tra nháy mắt.

– A! Đó là loại phụ nữ mà đàn ông rất dễ nhận ra!… Nghe tôi, thưa ông. Giả dụ mụ ta tống tiền ông Prothéro được. Nhiều năm qua đi; vào một ngày đẹp trời nào đó mụ thấy ông đại tá rời khỏi làng Saint Mary Mead; mụ đến ở gần ông ấy và mụ lại tống tiền tiếp. Cũng giả dụ đại tá Prothéro đã cảnh cáo mụ. Mụ thấy mình đang ở trong một hoàn cảnh nguy hiểm. Pháp luật sẽ trừng trị nặng tội tống tiền. Để thoát ra khỏi tình trạng ấy, cách tốt nhất là làm cho ông ta biến mất một cách nhanh chóng và kín đáo.

Tôi yên lặng. Phải thừa nhận rằng giả thiết đó là có thể chấp nhận được. Nhưng có một điều làm tôi thắc mắc. Đó là bản thân bà Lestrange.

– Tôi không đồng ý với ông, ông thanh tra – Tôi nói – Bà Lestrange không có vẻ gì là một kẻ tống tiền cả. Đây là – xin phép được dùng một danh từ đã lỗi thời – đây là một phu nhân.

Landormy nhìn tôi với vẻ thương hại.

– Đúng thế, thưa ông- Ông ta nói – đúng thế, ông là một mục sư. Ông chỉ biết một nửa câu chuyện đã xảy ra thôi! Một phu nhân! Nếu ông biết tôi đang nghĩ gì thì ông sẽ rất ngạc nhiên.

– Tôi không chỉ nói về phương diện xã hội. Ông thấy không: tôi hình dung là bà Lestrange đang trong hoàn cảnh sa sút. Cái tôi muốn nói là vẻ người và tư thế của bà ấy.

– Cách nhìn nhận của ông khác tôi, thưa ông. Tôi là một con người nhưng tôi cũng là một sĩ quan cảnh sát. Bà ta là loại phụ nữ cắm một mũi dao vào tim ông mà không một sợi tóc nào rung động.

– Tôi cho rằng bà Lestrange có thể phạm tội giết người, chứ không thể là tội tống tiền.

– Tất nhiên – Ông thanh tra nói tiếp – Mụ ta không thể vừa gọi điện thoại cho bà Price Ridley vừa giết ông đại tá được.

Nói đến đây bỗng nhiên ông ta giậm chân xuống sàn nhà.

– Tôi thấy rồi! Tôi thấy rồi! – Ông ta kêu to – Cú điện thoại chỉ là một chứng cứ ngoại phạm. Trời! Mụ ta biết người ta sẽ liên hệ với cú thứ nhất. Phải lôi ra ánh sáng. Mụ ta có thể thuê một đứa trẻ đi gọi điện thoại. Thằng bé này sẽ được nhìn thấy lửa đây.

Ông thanh tra vội vàng chạy đi.

Griselda thò đầu qua cánh cửa khép hờ.

– Bà Marple muốn gặp anh – Cô ấy nói – Bà ấy mang đến một tờ giấy có những chữ viết nguệch ngoạc, chi chít những gạch dưới. Em chỉ đọc được ba phần tư. Em cho rằng bà ấy không thể rời khỏi nhà. Anh đến nhanh lên.

Tôi đợi những bà già đứng đắn đến gặp tôi, nếu không tôi sẽ tới gặp các bà. Tôi sợ các bà khác; có khi các bà kêu đau chân và còn đưa chân của mình ra cho anh nhìn nữa.

May mắn là đã có vụ án xảy ra, nếu không anh phải tốn tiền đi Câu lạc bộ.

Tôi vừa muốn biết, vừa lo ngại về lý do của việc gọi khẩn cấp này.

Tôi thấy bà Marple vẫn bình thường. Hình như đang suy nghĩ điều gì đó nên mặt bà có phần đỏ lên.

– Đứa cháu họ của tôi – Bà nói – đứa cháu họ của tôi, Raymond West, nhà văn, hôm nay sẽ về thăm tôi. Tôi phải chuẩn bị mọi thứ. Ông có thể cho cô hầu sang giúp soạn giường cho tử tế không? Và tất nhiên, chiều nay phải có thịt. Và cả đồ uống nữa! Phải có cái gì đó để uống…

– Tôi có thể giúp bà…

– Ông thật đáng mến. Nhưng không chỉ có vậy. Nó sẽ mang tẩu và thuốc hút về. Tôi không biết là nên mua loại thuốc lá nào. Nhưng tôi cũng lo nữa. Hơi thuốc sẽ bám vào rèm che. Tất nhiên là tôi sẽ mở cửa sổ và rũ rèm cửa hàng ngày. Raymond dậy muộn, tôi cho rằng mọi nhà văn đều như vậy cả. Ông biết không: nó viết những cuốn tiểu thuyết rất hay, nhưng những nhân vật nó đưa ra đều rất đáng ghét. Những tài năng trẻ chưa hiểu cuộc đời.

– Bà muốn tổ chức bữa ăn ở nhà xứ ư? – Tôi hỏi vì biết rõ tại sao bà mời tôi đến đây.

– Ông rất đáng mến, ông Clément, xin cảm ơn ông.

– Tôi cho rằng bà cần nói với tôi điều gì nữa. Đúng không? – Tôi hỏi thêm với vẻ thất vọng.

– Ồ! Có đấy, xin lỗi. Trong lúc bận rộn tôi quên mất.

Bà ngừng lời để nói với người hầu gái :

– Emilie! Emilie! Không phải cái chăn ấy! Cái chăn mềm có thêu chữ kia; chú ý đừng để chúng gần lửa!

Bà quay sang phía tôi.

– Chuyện xảy ra đêm hôm qua thật là kỳ cục – Bà bắt đầu nói – Ông sẽ rất thích thú khi biết tin này, tuy lúc ấy tôi không cho nó là quan trọng. Đêm qua tôi không thể nào chợp mắt được, tôi nghĩ đến vụ án bi thảm ấy. Có một lúc tôi bỏ giường và ra mở cửa sổ và nhìn ra phía rừng. Ông đoán xem, tôi đã nhìn thấy gì?

Tôi ngạc nhiên nhìn bà.

– Gladys Cram! (Bà Marple đọc cái tên đó lên một cách long trọng). Gladys Cram đang đi vào rừng với chiếc va-li trên tay. Phải, ông mục sư thân mến, đúng như tôi đang ngồi trước mặt ông lúc này.

– Với một chiếc va-li ư?

– Thế có lạ không? Cô ta vào rừng lúc nửa đêm với chiếc va-li để làm gì?

Chúng tôi nhìn nhau.

– Ông thấy không – Bà Marple nói tiếp – Cái đó có thể không liên quan gì đến vụ giết người, nhưng dù sao cũng là một chuyện kỳ lạ. Và lúc này chúng ta không thể bỏ qua những chuyện kỳ lạ.

– Đúng thế, thật kỳ lạ – Tôi nói – Có thể là cô ta tới nơi khai quật để ngủ ư?

– Không, vì một lúc sau đó cô ta trở về tay không. Cô ta không mang theo va-li nữa.

Một lần nữa, chúng tôi lại nhìn nhau rất lâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.