BÍ MẬT TRONG CHIẾC VALI

Chương mười tám : Kết luận của ông chánh án



Hai giờ chiều hôm ấy, phiên tòa được thiết lập tại quán Lợn lòi xanh. Khỏi phải nói về sự nhộn nhịp trong làng. Các bạn nghĩ xem! Hơn mười lăm năm nay trong làng Saine Mary Mead mới có một vụ án mạng! Người ta bàn tán về nhân cách của nạn nhân, nơi người ấy bị giết hại, và mỗi người đều có ý kiến riêng của mình về nguyên nhân của vụ này.

Đi qua những nhóm người, những ý kiến của họ lọt vào tai tôi :

– Hãy nhìn ông mục sư kìa! Mặt ông ta đang tái xanh! Tôi tự hỏi tại sao… Trời! Cái đó lại xảy ra ngay trong nhà xứ…

– Tại sao bà dám ăn nói như vậy, bà Marie Adam? Lúc xảy ra vụ này thì ông ấy đang ở nhà ông Henri Abbott.

– Phải, phải… có người nói với tôi là ông ta đã cãi nhau với ông Prothéro. Này nhìn con Marie Hill kìa: nó đang ra điệu bộ! Vì nó cho rằng mình có vai trò quan trọng ở đây… Này… ông chánh án đây rồi.

Ông chánh án ở Much Benham là bác sĩ Robers. Ông ấy ho và chỉnh lại cặp kính trước mắt để tỏ ra xứng đáng với vai trò của mình.

Tôi không muốn nhắc lại những thủ tục xét xử của tòa án. Những cái đó sẽ làm phiền các bạn. Tất nhiên Lawrence khai là anh ta đã thấy xác chết và nhận ra khẩu súng ấy là súng của mình. Nhớ lại, anh ta còn thấy khẩu súng trong nhà mình hôm thứ ba trên giá sách, nhưng anh không bao giờ khép cửa khi đi ra ngoài.

Một lần nữa, bà Prothéro kể lại lần cuối cùng bà còn nhìn thấy chồng mình vào lúc sáu giờ kém mười lăm phút khi cả hai còn ở trong làng như thế nào. Bà phải đến gặp chồng sau đó ở nhà xứ. Đến sáu giờ mười lăm bà đến nhà ông mục sư bằng con đường nhỏ và đi qua vườn. Không nghe thấy tiếng người nói chuyện trong văn phòng nhà xứ, bà cho rằng trong đó không có ai cả, nếu ông Prothéro đang ngồi trước bàn giấy thì đứng ở trước cửa sổ bà cũng không nhìn thấy ông. Theo bà thì tình trạng vật chất và tinh thần của ông đại tá vẫn bình thường. Hơn nữa bà biết ông không có kẻ thù có thể sát hại ông như vậy.

Sau đó đến lượt tôi lên khai báo. Tôi nhớ lại mình có một cuộc hẹn với ông Prothéro và bất chợt được gọi đến nhà ông Abbott. Tôi kể lại mình đã nhìn thấy xác chết trong hoàn cảnh nào và đã gọi bác sĩ Haydock ra sao.

– Những ai biết đại tá Prothéro sẽ đến nhà xứ vào chiều hôm ấy? – Ông chánh án hỏi.

– Chắc chắn là nhiều người biết. Vợ và cháu trai tôi biết; và sáng hôm ấy khi gặp ông trong làng, ông đại tá đã nhắc lại với tôi là đã có cuộc hẹn ấy. Mọi người đều có thể nghe thấy vì ông ấy điếc nên thường nói rất to.

– Nói cách khác, mọi người đều có thể biết, đúng không?

Tôi xác nhận.

Tòa nghe lời khai của bác sĩ Haydock. Đây là một nhân chứng quan trọng. Bằng những danh từ nghề nghiệp, ông mô tả tỉ mỉ tư thế của tử thi và những viết thương trên xác chết đã khám nghiệm, ý kiến của ông rất rõ ràng: người ta đã bắn vào ông đại tá khi ông này đang mải viết thư. Theo ông giờ bị bắn chết chính xác là trong khoảng sáu giờ hai mươi và sáu rưỡi. Ông bác sĩ khẳng định điều này. Việc tự sát không được đặt ra: người chết không thể tự gây ra một vết thương như vậy.

Lời khai của ông thanh tra cảnh sát rất ngắn gọn. Ông đơn giản nói mình được gọi đến nhà xứ như thế nào và trong những hoàn cảnh nào ông nhìn thấy xác chết.

Sau đó ông đọc lá thư và chú ý đến thời gian ghi trên đó. Ông xác nhận đồng hồ bị vặn lên nhanh hơn bình thường và thống nhất giờ ông đại tá qua đời là sáu giờ hai mươi hai phút. Sau này bà Prothéro đã khai là bà tới nhà xứ trước sáu giờ hai mươi phút.

Nhân chứng tiếp theo là cô người hầu Marie của chúng tôi. Cô ấy có một cách khai báo khá lạ lùng. Cô ấy không nghe thấy gì và không muốn nghe thấy gì! Người ta thường không giết những người đến gặp ông mục sư! Cô có nhiều việc phải làm, chấm hết. Đại tá Prothéro đến nhà xứ lúc sáu giờ mười lăm đúng. Không, cô không nhìn đồng hồ mà nghe tiếng chuông của nhà thờ điểm mười lăm phút khi cô đưa khách vào văn phòng. Cô nói thêm mình không nghe thấy tiếng nổ. Chắc chắn cô biết khi một ông già khốn khổ bị bắn chết thì phải có tiếng súng, nhưng cô không nghe thấy gì cả.

Ông chánh án không căn vặn gì thêm. Tôi thấy ông chánh án và ông thẩm phán ăn ý với nhau trong công việc.

Bà Lestrange cũng được tòa mời đến, nhưng bà đã gửi đến một giấy chứng nhận do bác sĩ Haydock ký, nói cấm người bệnh không được đi lại.

Chỉ còn một nhân chứng nữa, đó là bà già làm công việc quét dọn cho Lawrence, bà mẹ đẻ của Archer. Bà này run rẩy bước lên. Người ta đưa cho bà khẩu súng, bà nói là mình biết nó rất rõ. Nó thường nằm trên giá trong phòng khách của ông chủ.

– Nó vẫn nằm lăn lóc trên giá sách. – Bà nói.

Bà nhìn thấy khẩu súng lần cuối cùng vào ngày xảy ra vụ án mạng. Khi bị căn vặn, bà nói cụ thể hơn đó là ngày thứ năm vào hồi một giờ rưỡi khi bà làm xong việc ở đây và ra về.

Tôi ngạc nhiên về lời khai ấy vì khi ông Landormy gặng hỏi thì bà không chịu nói rõ.

Ông chánh án kết luận một cách đặc biệt thận trọng. Ông gọi đó là: “Vụ giết người do một hoặc nhiều kẻ ẩn danh tiến hành”.

Đúng thế!

Khi rời tòa án tôi gặp một tốp thanh niên mặt mày sáng sủa, trong đó có một vài người tôi thường gặp lượn lờ xung quanh nhà xứ mấy hôm nay. Tôi nghĩ bụng phải tránh xa họ. Khi vào quán Lợn lòi xanh tôi đụng phải nhà khảo cổ. Tôi nói với ông ta :

– Đó là những phóng viên – Tôi nói – ông giúp tôi tránh gặp họ.

Ông Stone đưa tôi lên căn phòng thuê trọ của mình. Cô Cram đang đánh máy chữ. Cô cười chào tôi và lợi dụng việc có khách tới thăm để nghỉ tay một lúc.

– Thật lạ lùng – Cô nói – Người ta vẫn chưa tìm ra kẻ giết người. Cuộc điều tra đáng thất vọng. Việc thẩm vấn vô bổ, quanh quẩn chỉ có vậy.

– Cô đã có mặt ở phiên tòa ư, cô Cram?

– Đúng là tôi đã tới đấy. Thật buồn cười là ông không nhìn thấy tôi! Tại sao ông không nhìn tôi? Tôi bực mình, vì một người đàn ông, kể cả ông mục sư cũng phải nhìn xung quanh mình chứ.

– Và ông cũng đã tới đấy chứ? – Tôi hỏi giáo sư Stone để đánh trống lảng.

(Những cô gái trẻ như cô Cram thật là khó chịu).

– Không – Ông Stone nói- Vì tôi không thích chuyện những vụ án. Công việc của tôi là đủ rồi.

– Một công việc thú vị!

– Ông cho là như vậy ư?

Phải thú nhận là tôi không biết gì về khoa khảo cổ cả.

Nhưng ông Stone không phải là kẻ dốt nát. Việc khai quật là niềm đam mê duy nhất của ông. Đào bới theo chiều sâu, đào bới xung quanh, tuổi của đá, tuổi của đồng thau, thời đại đồ đá cũ, thời kỳ đồ đá mới. Nhiều khi nói chuyện tôi cũng phải tỏ ra mình là người hiểu biết. Ông Stone là người bé nhỏ, đầu tròn và hói, mặt hồng hào. Hai con mắt tươi tỉnh sau cặp kính lớn. Ông ta phát biểu ý kiến của mình và không chịu nghe những ý kiến ngược lại.

Câu chuyện mở đầu đã xong, ông ta giải thích chi tiết tính cách của ông Prothéro khác hẳn với tính cách của mình.

– Một con người cộc cằn bướng bỉnh! – Ông ta kêu lên – Phải, tôi biết, ông ta đã chết và ta không được nói những cái xấu của người chết. Nhưng chết cũng không thể làm thay đổi sự thật được. Một người cộc cằn bướng bỉnh, đó là bức vẽ chính xác về ông ta. Vì ông ta chỉ đọc sách nhưng lại tỏ ra mình biết rõ về môn khoa học này trước một nhà khảo cổ bỏ cả đời mình ra để đào đất! Phải, ông Clément, cả đời, tôi bỏ cả đời mình ra cho công việc này.

– Sự tức giận làm ông ta nói một cách khó khăn. Cô Cram đưa ông trở lại với thực tế :

– Nếu không chú ý thì ông có thể bị lỡ tàu.

– À!

Con người bé nhỏ ngừng nói và lấy đồng hồ ra xem.

– Trời! – Ông ta kêu lên – Còn mười lăm phút nữa. Không thể như vậy được!

– Khi nói thì ông thường quên cả giờ giấc. A! Tôi không hiểu ông sẽ làm được gì nếu không có tôi.

– Đúng thế! (Ông ta vỗ vào vai cô gái). Cô Cram là cô gái đặc biệt, ông Clément. Cô ấy không quên cái gì cả. Tôi rất may mắn được gặp cô ấy.

– Ông nói gì, ông giáo sư? – Cô Cram hỏi – Ông làm tôi ngượng.

Tôi nghĩ ai nói về đám cưới của ông giáo sư và cô Cram thì đúng người ấy là một nhà tiên tri.

Dù sao cô ta cũng tỏ ra là người rất khôn khéo.

– Ông phải đi thôi. – Cô nhắc.

– Phải, phải, tôi đi ngay đây.

Ông ta sang phòng bên rồi sau đó trở ra với chiếc va-li trên tay.

– Ông đi đấy ư? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

– Phải, tôi sẽ ở Londres hai ngày. Ngày mai tôi về thăm mẹ tôi, thứ hai tôi có một vài việc với người chưởng khế. Tôi sẽ trở về vào thứ ba.

Tôi cho rằng cái chết của ông đại tá không làm thay đổi công việc của mình. Chắc chắn là bà Prothéro thấy không có gì trở ngại khi chúng tôi tiếp tục khai quật.

– Tôi cũng tin là như vậy.

Trong khi ông ta nói thì tôi tự hỏi ai là người sẽ quản lý ngôi nhà của ông đại tá. Rất có thể là ông Prothéro để lại gia sản cho cô Lettice. Thật là thú vị khi được nghe về bản di chúc ấy.

– Cái chết sẽ gây ra sự bối rối trong gia đình – Cô Cram buồn bã nêu ý kiến.

– Nào, tôi đây! – Ông Stone nói.

Ông ta lúng túng với chiếc va-li, cái chăn và một chiếc ô lớn. Tôi muốn giúp nhưng ông gạt đi :

– Không dám làm phiền ông. Tôi sẽ tự thu xếp. Tôi sẽ thuê ai đó của nhà hàng.

Nhưng ở dưỏi nhà không có ai cả. Người nhân viên đang mải thanh toán tiền cho các nhà báo! Chúng tôi cùng đi ra ga. Ông Stone xách chiếc va-li, tôi mang cái chăn và chiếc ô.

Chúng tôi đi khá nhanh. Ông Stone nói qua hơi thở :

– Ông thật đáng mến; tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông. Miễn là tôi không nhỡ tàu… A! Cô Cram rất tốt!… Đó là một cô gái kỳ lạ! Tôi cho rằng cô ta không sung sướng khi ở với gia đình… cô ấy có một trái tim trẻ thơ, và tuy tuổi tác của chúng tôi cách biệt nhau… nhưng giữa chúng tôi có rất nhiều điểm tương đồng.

Nếu bà Marple có mặt ở đây, bà ấy sẽ nói ám chỉ về những người mà tôi quen biết.

Vì phải đi vòng nên chúng tôi nhìn rất rõ xưởng họa của Lawrence. Nó rất hẻo lánh. Có hai phóng viên đang đứng trước cửa, hai người khác đang nhòm qua cửa sổ. Đó là một ngày tốt đẹp với các nhà báo.

– Đó là một chàng trai xinh đẹp, anh Lawrence ấy. – Tôi nói để thăm dò thái độ của Stone.

Ông Stone đang thở nên không thể nói ngay; tuy nhiên tôi vẫn lắng tai nghe.

– Nguy hiểm! – Ông ta nói – Rất nguy hiểm! Anh ta là người được các cô gái ưa chuộng. Làm sao có thể say mê một con người như vậy. Anh ta chạy quanh váy của phụ nữ. Đây không phải là một dấu hiệu tốt.

Tôi chỉ thấy cô Cram là người đặc biệt chú ý đến anh ta thôi.

– Trời! Tàu hỏa kia rồi!

Chúng tôi phải chạy. Một đoàn tàu đang đỗ ở sân ga, một đoàn tàu từ Londres vừa chạy tới. Tại nơi bán vé tôi gặp người cháu họ của bà Marple. Đó là một người không ưa ồn ào. Tôi xin lỗi anh rồi cùng ông Stone ra sân ga. Ông giáo sư lên toa xe, tôi chuyển hành lý cho ông ta đúng lúc con tàu bắt đầu chuyển bánh.

Anh Raymond West đã đi nhưng tôi gặp ông chủ hiệu thuốc. Đó là ông Cherubin, và chúng tôi cùng trở về làng.

– Ông ấy không nhỡ tàu là may rồi. – Ông chủ hiệu thuốc mở đầu câu chuyện.

Rồi ông ta hỏi luôn :

– Ông Clément, việc xét xử đến đâu rồi?

Tôi nói lại ý kiến của ông chánh án cho ông nghe.

– Đó là tất cả những gì mà người ta điều tra được ư? Chẳng khó gì mà không đoán ra. Nhưng ông Stone đi đâu vậy?

Tôi trả lời.

– Rất may là ông ấy không nhỡ tàu! Trên con đường này, người ta không thể tin chắc vào cái gì cả. Tôi nói với ông như vậy, ông Clément, thật đáng xấu hổ. Phải, đáng xấu hổ. Chuyến tàu tôi vừa đi khởi hành chậm đúng mười phút, lại vào ngày thứ bảy ít khách! Và ngày thứ tư, không, thứ năm… phải, đúng thứ năm cũng thế. Tôi nhớ đó là ngày xảy ra vụ án mạng. Tôi muốn làm đơn kiện Công ty đường sắt về việc này nhưng rồi lại quên mất. Hôm thứ năm ấy tôi có cuộc họp của Hội các dược sĩ. Ông có biết tàu chậm bao lâu không? Nửa tiếng đồng hồ! Đúng nửa tiếng. Tôi tự hỏi người ta niêm yết bảng giờ tàu để làm gì.

– Ông có lý – Tôi nói và muốn thoát khỏi ông ta – Nhưng, xin lỗi: tôi nhìn thấy Lawrence và muốn nói chuyện với anh ta.

Tôi để ông chủ hiệu thuốc đứng lại một mình với những lời phàn nàn của ông ta.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.