Chênh Vênh Hai Lăm

CHƯƠNG 9: AI QUA TỬ BIỆT RỒI SINH LY



Nội bệnh nhập viện, cả đêm ngồi nhìn cánh quạt quay vòng vòng cầu cho mọi thứ an lành. Cũng nhờ thức mà thấy được mấy chuyện làm cứ day dứt nghĩ.

Là lúc chứng kiến một người già trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại đời đoạn trường đằng sau. Cô con gái quỳ bên cạnh, nắm chặt tay bà, khóc mà giọng lạc trong mấy dãy phòng drap trắng:

“Bác sĩ coi giùm! Má em còn khỏe lắm, mới hồi nãy mà còn kêu em cho uống nước, còn đòi về nhà với con cháu. Má em không chết được đâu!”

Đến khi người ta chứng minh hy vọng của cô đã mất sạch, mới cầm cái điện thoại lên nhấn số gọi đi.

“Út ơi, má đi rồi!”

Cả dãy phòng bệnh đêm đó tỉnh, lục đục nhìn người ta chuyển xác ra ngoài. Cảnh gia đình thân nhân ôm theo mùng, mền, chiếu gối, không quên quay đầu lại chào tạ từ những người còn ở lại, chạnh lòng.

Mấy người bệnh nhẹ, nhìn theo thương cảm. Mấy người bệnh nặng như đè lên tâm trí một câu hỏi chẳng ai trả lời cho đặng, “Khi nào đến mình…”

Nhìn lên giường bệnh, thấy nội nằm thiêm thiếp ngủ sau liều giảm đau mạnh, mắt đỏ, sống mũi cay. Mới hôm qua, ba nói dối nội, chắc ba cũng đau lắm vì câu nói đó: “Má ráng ăn, mấy bữa nữa khỏe rồi bác sĩ cho về với tụi con…” Nội giận, đút cháo vào cứ lắc đầu không ăn, đòi về nhà nằm cái giường có nệm quen thuộc mới chịu ngủ. Có ai nói người ta càng già, tính càng trẻ con, giờ mới thấy đúng.

Mấy ngày sau, bác sĩ cho nội về nhà, dặn gia đình chăm sóc, làm theo ý nội, vì với tuổi tác, sức khỏe hiện tại của bà, mọi cuộc phẫu thuật đều chỉ là hoài phí. Nên thay vì càng làm cho bà đau đớn, hãy cứ để bà được làm theo ý mình.

Nhà buồn, nuốt nước mắt vào trong nhưng vẫn làm theo. Những ngày cuối của nội ở nhà, nội đau khiến mọi người đau theo… nhưng rồi nỗi đau chẳng kéo dài nhiều, nội đi nhẹ nhàng, thanh thản sau khi gặp mặt được hết con cháu từ phương xa về thăm.

Lúc chuẩn bị đám tang, nhìn cảnh mấy thím soạn đồ của nội, ngắt bỏ cái nút áo, thấy đời sao trống trải muôn phần. Một đời người danh lợi, lợi danh, sân si để rồi khi nằm xuống, cả cái nút áo cũng chẳng được mang theo là vậy. Khi sinh ra, đôi bàn tay đứa bé luôn quơ quào, vùng vẫy, như muốn gom cả thế gian đầy sân si, ái dục. Để đến một ngày khi mất đi, đôi bàn tay thường buông xuôi, trả lại hết những gì còn nắm giữ. Hóa ra sau một kiếp người, cái cầm được để đi về bến kia… chỉ là hư vô.

Rồi thì cũng xong một cái đám tang, căn nhà tự dưng hẫng hụt đi hình bóng một người, như cảm xúc trong lòng cũng thiếu một thứ gì đó chẳng biết gọi tên.

Sự ra đi của nội, để lại trong lòng rất nhiều suy nghĩ. Bản thân đã từng hơn một lần chứng kiến ông bà qua đời, nhưng chỉ đến từng tuổi này, khi đã trải qua biết bao nỗi đau, mới nhận ra rằng, ai đã từng kinh qua sinh ly, tử biệt, mới hiểu được thế nào là nỗi đau…

Rồi mỗi lần đi qua một đám tang, lại tự hỏi, “Cái chết là như thế nào?”

Là nằm xuống, nhắm mắt, ngưng thở và chẳng còn biết xung quanh xảy ra chuyện gì?

Là đau đớn, quặn người vì những giọt nước mắt của người thân muốn níu kéo ta lại với đời?

Hay chết, đơn giản chỉ là chuyến thiên di về miền những linh hồn hội tụ…

Bản thân cũng đã có lúc đứng giữa lằn ranh của thở và không thở. Lâu lắm rồi, ở cái ngày nỗi đau tình cảm còn có thể điều khiển được lý trí làm những điều ngây dại. Lần đó đau… nhưng đáng, vì sau cái đau đó, chẳng còn cho phép ai quyền làm đau mình nữa.

Nhân nói về cái chết, chợt nhớ đến hai người quen cũ, từ nhiều năm trước. Cả hai đều biết bản thân nhiễm HIV.

Cả hai đều biết rằng số ngày còn sống ở cuộc đời của họ là một con số có thể hình dung ra cụ thể. Nhưng cách đón chờ cái chết của họ lại khác nhau.

Một người sợ hãi đến cuồng loạn, lao vào ăn chơi, hưởng thụ vì biết rằng mình chẳng còn sống được bao nhiêu ngày, nên cứ phải tận hưởng những lạc thú còn sót lại ở cõi đời chóng vánh. Tháng rồi, nhà mới làm giỗ cho anh xong, nhìn lên di ảnh, tưởng chừng như mới hôm qua anh em còn trò chuyện cùng nhau.

Người còn lại chọn cách sống khác, trân quý từng ngày mình còn sống và dùng nó để chuộc lại lỗi lầm của những ngày buông bản thân rơi vào vực thẳm. Anh tham gia hoạt động từ thiện, để tuyên truyền phòng chống HIV ở thanh thiếu niên để đừng ai rơi vào trường hợp của mình, anh sống trách nhiệm, tự bảo vệ bản thân cũng như những người bên cạnh. Café hôm rồi, anh kể sau sáu năm bệnh tật, đến nay anh mới thấy cơ thể mệt mỏi hơn xưa, chắc cũng gần đi rồi. Câu cuối anh nói, mắt cười buồn.

Chúng ta, rõ ràng rằng rồi ai cũng sẽ chết, bằng cách này hay cách khác. Nhưng biết điều đó, không có nghĩa chúng ta không còn thiết sống. Nếu đã biết bản thân chỉ còn sống được một năm, ta nên sống làm sao để một năm sống của mình bằng mười năm sống của người khác. Sống được như vậy, dù có chết đi, ta sẽ luôn sống trong tim mọi người.

Đôi khi suy nghĩ về cái chết… chẳng phải lúc nào cũng là tiêu cực, bi quan. Đó chỉ là sự chuẩn bị cho một sự thật tất yếu, để ta nhận ra rằng, mỗi ngày ta phải sống nhiều hơn và tốt hơn. Câu này nhận ra sau khi nói chuyện cùng bố già hớt tóc dưới nhà. Chuyện của bố, nhiều khi làm người ta phục.

Bố năm nay bảy mươi bốn tuổi, tóc tai bạc trắng, thêm chòm râu dài dài như mấy ông Bụt của chuyện cổ tích, người gầy, không cao. Trước 75, bố đi cách mạng, bị thương ở chân, từ đó đi lại hơi khó khăn, trái gió trở trời là cơn đau hành hạ. Kháng chiến xong thì bố làm nghề hớt tóc, đến nay cũng đã hơn ba mươi lăm năm, tay múa kéo như người ta múa quạt.

Thấy tuổi bố lớn, có lần hỏi, “Sao bố không ở nhà nghỉ cho khỏe, con cháu nuôi, làm chi cho cực?”

Ổng cười hề hề, nói tỉnh rụi, “Tụi nó có cho làm đâu, mà nằm nhà là tay chân ngứa ngáy, khó chịu, nên quyết tâm đi làm. Làm là để thấy mình còn sống, chớ nằm một chỗ khác nào chết rồi bây.”

“Có bữa thấy bố mất tích đâu cả tháng, làm không có người hớt tóc cho con.”

“Tao đi du lịch, qua Campuchia đánh bài với mấy ông bạn già.”

“Dữ dằn heng!”

“Trước trẻ làm để lo cho nhà, giờ già thì phải tự lo cho bản thân. Ăn chơi một chút cho đời nó sướng chứ mậy!”

“Qua đó bố có đi kiếm em nào để thay đổi hương vị không?”

“Ui mày ơi, tao thì còn sống chứ thằng em tao nó ngủm rồi… ăn uống gì!”

Bố nói xong cười nhe hàm răng sún mấy cái… sợ chết bằng cách sống như bố, đúng thiệt đáng cho đàn con cháu học hỏi.

Mỗi lần đi làm, bước ra khỏi nhà vào sáng sớm, thường hay mỉm cười, nói với ba mẹ, em gái, những người thân rằng mình thương yêu họ rất nhiều. Có người cho rằng việc ấy là thừa thãi, là sến, nhưng bản thân thấy cần thiết. Vì có ai dám chắc rằng ngày hôm nay ta sẽ gặp những ai, trải qua chuyện gì, và có chắc rằng mình sẽ về được đến nhà chiều hôm đó. Nên hãy nhớ lưu trữ những gì ngọt ngào nhất dành cho nhau.

Vì đã biết cuộc đời là cõi tạm, có hạnh ngộ ắt đến lúc phân ly, thế nên ngày nào còn hơi thở, hãy cứ yêu thương, trân trọng những người bên cạnh từng phút giây quá trễ. Để không bao giờ hối tiếc vì sao ta đã chẳng bày tỏ hết khối tình cất trong lòng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.