Vòng Tay Của Mẹ

TÁCH CÀ PHÊ



Tôi đun nóng một tách cà phê trong lò vi sóng. Lần thứ hai chỉ trong một buổi sáng, tôi đứng đó với tách cà phê bốc khói trong tay, chẳng biết nên cười hay nên khóc. Con trai tôi thức giấc và kêu khóc, vì thế tôi phải mất hàng giờ để hát ru, dỗ dành và đu đưa cho nó ngủ trở lại. Trong thời gian đó, cà phê của tôi đã nguội ngắt. Thế là tôi phải mang nó vào lò để hâm nóng lại.
Tôi lớn lên với lời thề là sẽ không bao giờ giống như mẹ tôi. Bà là một phụ nữ tuyệt vời, mạnh mẽ, và bất kỳ ai cũng sẽ hãnh diện nếu được giống như bà. Nhưng tôi thì sẽ không chịu như thế. Dường như không có ai trong thị trấn biết tên bà. Đối với thầy cô giáo và học sinh ở các trường mà chúng tôi học, người ta chỉ biết bà là mẹ của… (chỗ trống là tên của một trong năm đứa con của bà). Tại tiệm tạp hóa, tiệm bán phụ tùng ô tô và đồ ngũ kim, người ta trìu mến gọi bà là “bà Dale” – gọi theo họ của cha tôi. Còn ở ngân hàng, các công ty dịch vụ công cộng hoặc một số nơi quan trọng khác thì người ta gọi bà là bà Keffer – gọi theo tên của cha tôi. Mẹ tôi luôn đáp lại tất cả những danh xưng đó bằng một nụ cười và những lời lẽ tử tế.
Ngược lại, tôi không được dễ tính như thế. Tôi sẵn sàng nói với người gói hàng ở tiệm tạp hóa: “À mà này, mẹ tôi tên là Joyce” nếu như ông ta đưa gói hàng cho mẹ tôi, chúc bà một ngày tốt lành và gọi bà bằng một trong những cái tên mà tôi đã kể ở trên. Mẹ tôi sẽ luôn mỉm cười đáp lại: “Tôi cũng chúc ông một ngày tốt lành” và nhìn tôi bằng cái nhìn khiển trách. Trong khi trở ra xe hơi, tôi sẽ cằn nhằn tại sao mẹ không chịu bảo vệ chính mình. Tôi sẽ vặn vẹo: “Mẹ là chính mẹ. Mẹ đâu phải là một thành phần phụ của cha”.
Mẹ sẽ luôn trả lời: “Như thế này tốt hơn nhiều. Hơn nữa, mọi người đều biết cha con mà”.
Đúng là mọi người trong thị trấn này đều biết cha tôi. Đó là một người đàn ông thân thiện và chăm chỉ. Ông là người sẵn sàng đưa ra lời khuyên về các loại xe hơi cho những ai cần giúp đỡ. Ông có thể khéo léo tránh bị nhận một tờ giấy phạt về tội lái xe quá tốc độ, và ông cũng biết cách giao tiếp làm sao để công việc được thuận lợi. Ông sẽ không bao giờ ngần ngại khi sửa giúp chiếc xe đạp bị hư của con nhà hàng xóm. Và ông cũng sẵn sàng ra khỏi nhà vào một đêm đông giá rét để thay ruột xe cho một cô cậu thanh niên nào đó đang lo lắng chết khiếp.
Nhưng mọi người cũng biết rõ mẹ tôi. Tại khu phố chúng tôi đang sinh sống, nếu như cha tôi là một người đàn ông tuyệt vời, thì mẹ tôi cũng không kém phần đặc biệt. Bà cũng có cách nói chuyện riêng của mình để công việc được suôn sẻ, và bà thường đưa ra những lời khuyên chân thành cho những ai mà bà quen biết. Nếu ai đó gặp khó khăn, mẹ tôi sẵn sàng chịu thiệt một chút để giúp đỡ họ. Bà sẵn sàng quyên góp những vật dụng cần thiết để giúp đỡ một gia đình tán gia bại sản vì hỏa hoạn, bà cũng quyên góp thức ăn đóng hộp cho nhà thờ hoặc quần áo dành cho trẻ sơ sinh để giúp một cô gái trẻ sắp làm mẹ, trong những tình huống mà người khác không thể làm được.
Khi còn là một thiếu niên, tôi không tài nào hiểu nổi mẹ tôi. Tại sao một phụ nữ có thể cống hiến rất nhiều cho xã hội như vậy lại chịu ở nhà làm một nhân vật phụ sau lưng cha tôi, hoặc chỉ được biết đến với tư cách là mẹ của mấy đứa con của bà? Sao bà lại không tự hào về bản thân mình? Trước kia, bà từng mơ ước được làm y tá và gia nhập Lực Lượng Hòa Bình. Sao bà có thể từ bỏ ước mơ ấy của mình để đổi lấy việc giặt tã cho chúng tôi và chuẩn bị bánh mì kẹp thịt cho cha tôi?
Tôi chỉ biết rằng những điều như thế sẽ không xảy ra với tôi. Tôi có những mơ ước lớn lao để cống hiến cho thế giới, nhưng tôi phải làm điều đó trong tiếng vang chứ không phải làm một cách âm thầm. Người ta sẽ biết đến tôi. Tôi dự định sẽ vươn lên trong tổ chức Hiệp Hội Thanh Niên Cơ Đốc Giáo và bên cạnh đó là phát triển sự nghiệp văn chương của mình. Nếu có chồng, thì chồng tôi sẽ là hậu phương cho tôi, còn các con tôi, chúng sẽ là những đứa trẻ xinh xắn bên cạnh cô giữ trẻ. Tôi sẽ không chịu như mẹ tôi đâu – tôi sẽ là chính tôi. Và mọi người sẽ biết đến tôi như một nhân vật quan trọng.
Thế mà giờ đây tôi đang đun nóng tách cà phê lần thứ hai trong chiếc lò vi sóng. Hệt như tôi đã nhìn thấy mẹ tôi làm hàng triệu lần sau khi bà phải đặt tách xuống để gói phần ăn trưa, cho mèo ăn, cột dây giày, lấy khăn ra khỏi máy sấy, tìm giấy tờ để nộp lại cho nhà trường, trả lời điện thoại hoặc giải quyết hàng triệu việc linh tinh khác có thể xảy ra. Tôi đã từng mơ thấy mình uống một tách cà phê sữa ngon lành trong bữa sáng trước khi bắt đầu một ngày làm việc bận rộn ở văn phòng, thế mà giờ tôi lại phải dùng cà phê mô-ca uống liền trong một cái ca in hàng chữ “Chúc Mừng Sinh Nhật” với những chiếc bong bóng sặc sỡ.
Giờ thì tôi đã hiểu. Tám tháng trước, tôi đã hiểu ra mọi chuyện khi lần đầu tiên tôi ôm đứa con trai nhỏ của mình vào lòng. Tôi đã hiểu khi bàn tay nhỏ xíu của con trai nắm chặt lấy ngón tay của tôi, và đôi mắt xanh to tròn thì nhìn vào mắt tôi trước khi cu cậu chìm vào giấc ngủ. Tôi đã hiểu khi cảm thấy tình yêu mình dành cho chồng đột nhiên tăng lên gấp ba lần, khi lần đầu tôi nhìn thấy sinh linh bé nhỏ của chúng tôi nằm gọn trong vòng tay rắn chắc của anh cùng những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt anh ấy. Ngay lập tức tôi hiểu ra tất cả.
Thế là giờ đây tôi mong chờ cái ngày mà mọi người trong thị trấn và những học sinh trong trường sẽ biết đến tôi với tư cách là mẹ của cậu nhóc Andrew. Mỗi ngày, khi chồng tôi đi làm về, nhìn khuôn mặt anh sáng bừng lên khi thấy đứa con trai chìa tay ra đón bố, tôi cảm thấy thật tự hào khi được gọi là bà Frank Huff, cũng giống như mẹ tôi đã tự hào được là bà Dale Keffer. Y như mẹ tôi. Đó là bốn từ mà trước kia tôi chẳng thể ngờ là có lúc tôi sẽ thốt ra một cách tự hào.
À mà này, nếu bạn có gặp mẹ tôi, thì tên của bà là Joyce đấy nhé.
Và bây giờ tôi phải đi hâm nóng cà phê một lần nữa mất rồi.
– Barb Huff
Chúng ta không thể sống trong quá khứ mà định dạng tương lai.
– Edmund Burke

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.