Vòng Tay Của Mẹ

MẸ NÓI/CÓ NGHĨA LÀ



Tôi nghĩ điều này bắt đầu khi tôi ở độ tuổi thiếu niên. Lần ấy, khi tôi mặc cái quần jeans tưa rách mà mình ưng ý nhất để chuẩn bị đi chơi thì mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi: “Con ăn mặc thế này à?” – Giọng mẹ có phần hơi chỉ trích. “Vâng.” “Để ra khỏi nhà?” “Vâng.” “Ra chốn công cộng à?” “Vâng.” “Để cho mọi người nhìn thấy ư?” “Vâng.” Vốn đã biết nguyên tắc là thế nào, nhưng tôi vẫn chống cự lại: “Sao thế mẹ? Mẹ không THÍCH quần áo của con à?” Mẹ tôi NÓI: “Không, vậy được rồi. Không có gì.” Thật ra Ý MẸ LÀ: “Nếu con ra khỏi nhà trong bộ dạng như vậy thì người ta sẽ nghĩ con mới ra tù và đang hưởng trợ cấp xã hội. Và người ta sẽ chê trách mẹ vì điều đó. Con biết đấy, mọi người luôn nghĩ rằng nếu đứa con có lỗi gì thì đó là LỖI CỦA NGƯỜI MẸ… Giờ thì mẹ nói thật với con là me sẽ CHẾT vì xấu hổ, và có lẽ mẹ không cần nói với con là chết từ từ do đau đớn về tinh thần kiểu đó thì sẽ khổ sở đến thế nào đâu”. Sau đó tôi vẫn sung sướng lao ra khỏi nhà và vui chơi cả ngày. Tuy nhiên chẳng hiểu thế nào mà ngày hôm sau, khi mở nắp thùng rác để bỏ rác vào, tôi bắt gặp cái quần jeans tưa rách yêu thích của mình nằm trong ấy. Đó vẫn còn là một điều bí ẩn mà tôi vẫn chưa thể hiểu chính xác tại sao.
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đã trải qua một giai đoạn luôn phải do dự và tìm kiếm một cái gì đó. Tôi cảm thấy mình mất phương hướng và thiếu hẳn động cơ thúc đẩy. Tôi cảm thấy mình cần được cọ xát với thực tế. Tôi cũng tin chắc rằng tôi sẽ nhanh chóng làm ra hàng núi tiền với những bài thơ bi đát mà mình đã sáng tác hồi thời niên thiếu, tin rằng tôi sắp được mọi người biết đến nhờ tài năng và sự xuất sắc của mình, và rằng tôi sẽ không cần phải viện đến đám đông đang mải vật lộn chỉ để làm các công việc bình thường. Vì thế tôi sẽ cân nhắc, suy nghĩ và sẽ là một nhà tư tưởng vĩ đại. Thế nên trong suốt một khoảng thời gian không nghề nghiệp, không kế hoạch, tôi cứ lênh đênh trôi dạt trong cuộc hành trình vô định để tìm kiếm tiếng nói và bản ngã của mình. Đó chính là thời kỳ sống không mục đích của tôi. Đó cũng là thời gian ma học sinh chúng tôi bắt đầu dự thi vào các trường đại học. Thời gian ấy kéo dài khoảng ba ngày.
“Được rồi! Với mẹ thế là đủ!” Mẹ quát lên và dùng tay phát vào chân tôi để tôi rút hai chân xuống khỏi cái bàn vẫn được dùng để uống cà phê, rồi mẹ quẳng gói Twinkie của tôi vào sọt rác và tắt ngay chương trình MTV. (Những động tác đó diễn ra liên tục, y như trong phim võ thuật karate hoặc một cảnh trong phim Billy Jack. Mẹ đang NỔI GIẬN.) “Đây là những gì con có thể lựa chọn đây!”, mẹ vừa nói vừa ném vào lòng tôi một xấp biểu mẫu đơn xin việc, một tờ giới thiệu về trường đại học cộng đồng và một đơn xin nhập học. Chao ôi, đáng sợ quá. Lúc ấy mẹ tôi rất bận rộn. Mẹ đã phải làm việc nhà, những công việc không tên nhưng tốn rất nhiều thời gian, và lúc đó mẹ đã ném vào tôi (ném MẠNH, thẳng vào tôi) một HỘP bút (loại bút mực đen, để viết đơn). Mẹ cứ đi tới đi lui, còn tôi thì ngồi thẳng dậy lắng nghe, cảm thấy khiếp sợ vì lần đầu tiên tôi chứng kiến mẹ nóng giận như vậy. Mẹ đặt ra luật lệ. Mẹ là cảnh sát trưởng và tôi chính là kẻ sống ngoài vòng pháp luật bị cảnh sát trưởng tóm gọn trong cái thị trấn tiêu điều này. “Mẹ sẽ không chấp nhận (đây là cách mẹ nói khi tôi đang gặp vấn đề gì nghiêm trọng, và mẹ đang quát to hết khả năng mà buồng phổi cho phép, mỗi lần từ năm đến bảy từ) để con ngồi lười nhác ƯỜN XÁC RA ĐẤY! Cả ngày! Ngày nào cũng thế! Như những ngày gần đây! Cả ngày CHẲNG LÀM VIÊåC GÌ! Còn nếu như! Con định! Cứ ngồi đây! Chờ tác phẩm được xuất bản! Thì con có thể dọn đi được rồi đấy!” Tôi chắc rằng mẹ đang thở ra lửa. “Con có thể xin việc! Như một con người có trách nhiệm! Hoặc là đi học… GIỜ CHÍNH QUY! Tóm lại là con phải làm MỘT VIÊåC GÌ ĐÓ. CẢ NGÀY! Con CÓ hiểu ý MẸ chưa?”
Được rồi. Đó là những điều mẹ tôi đã NÓI. Nhưng những lời đó CÓ NGHĨA là: “Con yêu, mẹ yêu thương con. Mẹ muốn con làm được những điều tốt đẹp cho bản thân con, hơn là những gì trước đây mẹ đã làm cho mẹ. Mẹ không muốn con phải vật lộn, phải chịu tổn thương lòng tự trọng và phải làm lụng vất vả hai ba công việc một lúc để đạt được mục tiêu. Khi ra đời, con đã được ban cho một món quà. Con có tài, nhanh trí, vui tính. Nhưng xin con đừng vứt hết những thứ đó. Đừng xem thường những cơ hội con đang có mà trước kia mẹ đã không có được. Để phòng khi mọi người không nhanh chóng nhận ra tài năng của con như me đã nhận ra, mẹ muốn con phải có khả năng chi trả cho các hóa đơn chi phí trong giai đoạn trước mắt và có được một mảnh bằng. Mẹ sẽ luôn yêu thương con cho dù con có hay không có bằng đại học. Nhưng xã hội lại có những quy chuẩn khác với mẹ, và con cần bằng cấp để có quyền lựa chọn. Nó sẽ như một chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa. Mẹ đã không có được cái chìa khóa như thế và cũng không có được những sự lựa chọn. Mẹ phải chấp nhận bất kỳ cánh cửa nào mở ra cho mẹ. Nếu như mẹ có quyền lựa chọn khác đi thì mẹ sẽ không chọn những cánh cửa đó.” (Vì vậy… nay tôi có hai bằng cao đẳng và còn thêm mười hai giờ học nữa để hoàn thành chương trình cử nhân.)
Qua điện thoại, mẹ hỏi tôi: “Con đã uống vitamin chưa? Bữa trưa của con gồm những gì? Bữa ăn trưa của con có ít chất béo chứ? Ít cholesterol chứ?” Tôi dụi mắt: “Rồi, mẹ ạ! Đã bao nhiêu năm rồi mà mẹ cứ xem con là đứa trẻ lên hai?” Mẹ thở dài. Cả hai mẹ con đều phẫn nộ. Mẹ tôi NÓI: “Phải rồi, Donna. Mẹ chẳng thể nào bắt con ăn uống cho đàng hoàng. Bây giờ con đã là đứa con gái lớn rồi, và nếu như con không thèm quan tâm đến sức khỏe của mình thì đó cũng chẳng phải là việc của mẹ”.
Ý của mẹ là: “Không cần biết con bao nhiêu tuổi, nhưng con vẫn luôn là đứa con bé nhỏ của mẹ. Mẹ sẽ luôn yêu thương con, đến độ nếu như con không được khỏe mạnh, hoặc là có việc gì xảy đến cho con, thì mẹ sẽ chết mất. Mẹ sẽ không bắt con phải nói chuyện, hoặc làm một người bạn của mẹ, cũng sẽ không nhắc nhở con uống vitamin; nhưng thật ra mà nói, điều đó sẽ khiến lòng mẹ tan nát”.
“Chào mẹ, ngày hôm nay mẹ thế nào?”, tôi hỏi và hôn lên má mẹ.
“Tốt đẹp thôi”, mẹ trả lời. “Hôm nay thật ra mẹ và mọi người ở đây chẳng làm gì cả.”
“À, thế thì đúng là một ngày yêu thích của con rồi!” Tôi đáp lời mẹ, cố làm cho mẹ vui lên (cũng có thể là làm cho chính tôi vui). Sau một lúc lặng yên cầm tay mẹ, tôi hỏi bà: “Mẹ ăn có ngon miệng không? Hẳn là mọi người đối với mẹ rất tử tế… Trông mẹ thật tuyệt. Rất xinh đẹp.” Đó là điều tôi NÓI. Và Ý của tôi là: “Sao mẹ lại trở nên thế này? Trông mẹ yếu quá. Và rất mệt mỏi. Con nhớ mẹ biết bao. Một ngày nào đó mẹ sẽ xa con mãi mãi, và con không biết mình sẽ sống ra sao khi thiếu mẹ. Nhìn thấy mẹ thế này, tim con vỡ ra mất thôi. Mẹ có biết là con yêu mẹ nhiều thế nào không?”.
Tôi bò vào giường và nằm sát vào mẹ. Tôi ôm chặt thân hình bé nhỏ, mỏng manh của mẹ. Tôi lau nước mắt của mẹ khi mẹ khóc. Rồi tôi lau nước mắt của tôi khi tôi khóc. Tôi nói với mẹ thật nhẹ nhàng, giọng thì thầm, an ủi: “Suỵt, thôi mẹ đừng khóc nữa. Có việc gì đâu mà khóc…” Nhưng mẹ tôi lại khóc và nói: “Con là thiên thần bé nhỏ của mẹ. Mẹ yêu con nhiều lắm.” Tôi đáp lại: “Con đang ở đây, thế nên chẳng có gì mẹ phải khóc cả. Mọi việc đều ổn mà mẹ…” Thế là mẹ nằm yên trong vòng tay tôi và nói rằng mẹ đang mệt. Tôi hôn lên trán mẹ khi mẹ dần chìm vào những giấc mơ của mình. Cả hai mẹ con chúng tôi đều nói chính xác những gì chúng tôi nghĩ. Mẹ tôi nói: “Con là thiên thần của mẹ. Mẹ yêu con…”, và tôi cũng đáp với mẹ rằng: “Mẹ cũng là thiên thần của con, và con cũng rất yêu mẹ”.
– Donna Lee

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.