Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy tôi phải biết thắc mắc về mọi thứ. Mẹ không bao giờ phiền lòng với những câu hỏi “tại sao” bất tận. Mẹ để cho tôi tự cân nhắc các sự kiện có thể xảy ra, và mẹ chỉ giúp khi nào độ trưởng thành cũng như kiến thức của tôi không đủ để nhìn bao quát được vấn đề.
Khi muốn làm một điều gì đó, tôi phải xem xét tất cả các khả năng có thể xảy ra, đương nhiên là chỉ trong tầm nhận thức của tôi. “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó làm như thế với con?” là câu hỏi mẹ luôn đặt ra cho tôi mỗi khi tôi phản ứng trước một vấn đề hay một sự kiện nào đó. Mẹ hướng dẫn tôi, nhắc nhở tôi nhớ đi nhà thờ và đến lớp học đạo để tôi có được nền móng vững chắc về tính cách và đạo đức.
Vào ngày sinh nhật lần thứ mười ba của tôi, tất cả đều thay đổi. Bước vào tuổi thiếu niên là một sự kiện đã khiến tôi say mê, và điều đó càng tăng thêm khi một lần nọ, mẹ gọi tôi vào phòng khi tôi vừa đi học về.
Vỗ nhẹ vào cạnh giường, mẹ bảo: “Anne, mẹ muốn nói chuyện với con”.
“Gì thế mẹ?” Tôi hỏi một cách rõ ràng, tự tin vì vị trí mới của mình khi đến tuổi thiếu niên.
Mẹ bắt đầu nói: “Mười hai năm qua, mẹ đã tạo cho con ý thức về các nguyên tắc xử thế cũng như các giá trị đạo đức. Con có biết phân biệt những điều đúng đắn và sai trái hay chưa?”.
“Vâng, có ạ”. Tôi trả lời, và nụ cười toe toét của tôi tắt dần trước lời mở đầu bất ngờ của mẹ.
Mẹ lại bảo: “Con đang bước vào tuổi thiếu niên, và từ thời điểm này trở đi, cuộc sống của con sẽ phức tạp hơn nhiều. Mẹ đã chỉ cho con những điều căn bản. Và từ nay con nên bắt đầu tự đưa ra những quyết định của riêng con”.
Tôi hỏi lại mẹ: “Con không hiểu. Mẹ có giận gì con không? Con đã làm gì sai sao?”.
Mẹ choàng tay ôm chặt tôi. “Sớm hay muộn thì bất kỳ người nào cũng phải đến lúc tự quyết định mọi việc cho mình. Mẹ từng thấy có rất nhiều thanh niên thiếu sự quan tâm của gia đình đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, thường là khi chúng đi học đại học xa nhà và không có người lớn ở bên cạnh để khuyên nhủ. Mẹ đã thấy chúng trở nên ngông cuồng, và nhiều người trong số đó đã hủy hoại đời mình mãi mãi. Vì vậy mẹ sẽ cho con được tự do sớm hơn”.
Tôi nhìn chằm chằm vào mẹ, ngạc nhiên chẳng thốt nên lời. Viễn cảnh của cuộc sống tự do bày ra trước mắt tôi. Tôi có thể đi chơi khuya đến giờ nào cũng được, tôi sẽ tha hồ dự những buổi tiệc tùng cùng bọn bạn, và trên hết là sẽ chẳng ai bắt tôi phải làm bài tập ư? Tuyệt vời!
Khi đứng lên, mẹ lại cúi nhìn tôi và mỉm cười. “Con nhớ này, đó là một trách nhiệm. Mọi người trong gia đình sẽ quan sát con. Các cô dì chú bác và anh chị em họ có thể sẽ “canh chừng” những sai lầm mà con có thể phạm phải. Lúc đó, con chỉ có thể trách chính mình mà thôi”.
“Vì sao vậy ạ?” Tôi hỏi lại mẹ, lòng cảm thấy phấn khởi vì mẹ đã tin tưởng tôi như thế.
Mẹ choàng tay ôm tôi và trả lời: “Vì mẹ muốn thà rằng con phạm sai lầm khi vẫn còn ở với gia đình, như vậy mẹ có thể khuyên nhủ, giúp đỡ con. Con hãy nhớ rằng mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con. Nếu con cần lời khuyên, hoặc chỉ cần trò chuyện thôi cũng được, thì mẹ luôn sẵn sàng dành thời gian cho con”.
Mẹ nói như thế và hai mẹ con tôi kết thúc cuộc trò chuyện ở đó. Buổi tiệc sinh nhật của tôi sau đó đã diễn ra khá giống với những lần trước, với bánh ngọt, kem, quà cùng sự hiện diện của các thành viên trong gia đình. Tôi biết rõ là mẹ không hoàn toàn bước ra khỏi cuộc đời tôi mà đơn giản là mẹ chỉ nới rộng thêm không gian để tôi có thể dang rộng đôi cánh của mình và chuẩn bị cho chuyến bay tương lai.
Những năm sau đó, tôi đã phạm một số sai lầm như bao thiếu niên khác. Tôi thường bỏ bê bài tập nhà, thỉnh thoảng còn thức khuya, và có lần tôi còn tham dự một buổi tiệc mà tôi đã hẹn trước với đám bạn. Nhưng mẹ chẳng bao giờ quở mắng tôi về những điều đó. Khi điểm học tập của tôi giảm sút, mẹ chỉ nhẹ nhàng giải thích để tôi hiểu rằng cơ hội để tôi được nhận vào trường đại học mà tôi yêu thích cũng đang giảm xuống; điểm càng thấp, cơ hội càng ít. Còn khi tôi thức khuya, mẹ chỉ nhẹ nhàng khiển trách mà thôi. Sau bữa tiệc nói trên, mẹ chỉ đơn giản hỏi rằng tôi nghĩ trong mười năm tới những người bạn đó của tôi sẽ làm gì, và liệu tôi có muốn tương lai của tôi cũng giống như của họ hay không? Dĩ nhiên là tôi không muốn. Khi nhận ra điều đó, tôi liền thay đổi cách ứng xử để chuộc lại những sai lầm mình đã mắc phải. Tôi không bao giờ giận mẹ như phản ứng của phần lớn những thiếu niên khác, vì thật ra chính những gì mẹ làm đã giúp hai mẹ con tôi trở nên thân thiết và gần gũi nhau hơn.
Cách đây vài năm, tôi cũng đã gọi con gái mình vào phòng nhân dịp sinh nhật lần thứ mười ba của nó. Chúng tôi cũng đã có một cuộc trò chuyện tương tự như cuộc trò chuyện giữa tôi và mẹ trước kia. Vào độ tuổi đó, con trai tôi cũng có một cuộc trò chuyện giống như vậy với bố nó. Các con tôi cũng phạm khá nhiều sai lầm, những sai lầm đóng vai trò cột mốc cho sự phát triển và trưởng thành của chúng. Nhưng chúng cũng tránh được nhiều sai lầm khác nhờ biết suy nghĩ và thảo luận trước với chúng tôi. Chúng xem chúng tôi như những người tư vấn chứ không phải những viên cai ngục. Cả gia đình tôi nhờ thế mà đều cảm thấy rất thoải mái.
Danh dự, tình yêu thương và sự trân trọng đối với kinh nghiệm sống đã luôn được đề cao trong gia đình của chúng tôi, nhờ vào những lời nói sáng suốt của mẹ, người bạn tốt nhất của tôi.
– Anne Lambert
Sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm về chính cuộc đời mình là nguồn gốc của lòng tự trọng.
– Joan Didion
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.