Corotcov dường như nhìn thấy trước. Quả là các cháu của bà Xveta, ơn Chúa, đều khỏe mạnh, giống như mọi gia đình khác, tuy nhiên đêm thứ Sáu sang sáng thứ Bảy có sự cố ở trạm biến thế điện và tòa nhà của Sở Cảnh sát thành phố Moxcva bị cắt điện từ sáng sớm thứ Bảy. Không một ổ cắm nào có điện. Bà Xveta hoàn toàn không bực dọc gì hết. Tuy không làm những thứ tỉ mỉ được, nhưng ánh sáng bên ngoài dọi vào cũng đủ để ngồi viết.
– Đừng xịu mặt thế – Bà Xveta bảo Naxtia lúc này đã sắp phát khóc – Bây giờ tôi thảo bản kết luận, rồi lúc nào có điện, chị gõ vào máy.
– Thế nếu từ giờ đến tối vẫn chưa có điện?
– Nhất định họ phải chữa thôi. Không hôm nay thì ngày mai. Không mai thì thứ Hai. Chị chẳng nên bực bội, toàn cơ quan, cả các ông kễnh cũng đang sốt ruột, mong có điện. Cơ quan ta thuộc diện ưu tiên đặc biệt nên chỉ trong một tiếng đồng hồ nữa là cùng, sẽ có điện thôi.
Bà Xveta nói đúng. Gần mười một giờ, đèn điện sáng lóe lên,vui như hội. Máy vi tính bật sáng. Đến một giờ rưỡi thì chuông máy điện thoại nội bộ reo.
– Số mười tám. – Bà Xveta báo.
Naxtia bèn gõ mạnh vào tường, lập tức Corotcov chạy vào. Anh ta cũng đang nóng lòng chờ kết quả.
– Số mười tám là ai đấy?
Corotcov mở sổ ra xem rồi đáp:
– Mikhail Trercaxov, ba mươi sáu tuổi, cư trú trên phố Muranovxcaia, gần ga xe điện ngầm “Bibirevo”, làm việc ở phố Perovo, hãng “Domovoi”.
– Hãng này kinh doanh gì?
– Có lẽ kiểu như xí nghiệp “Zaria”. Cô còn nhớ chứ, thời Xô Viết có những xí nghiệp kiểu đó. Họ nhận làm đủ mọi thứ dịch vụ: rửa kính cửa sổ, dọn dẹp căn hộ, lắp các dụng cụ điện và đồ nội thất, trông trẻ nhỏ, v.v và v.v… Tóm lại ai thuê gì họ làm nấy.
– Tôi hiểu – Naxtia đáp – Đúng là thứ nghề tạo cho nhân viên thuộc lòng các đường phố trong khu vực, quen tất cả mọi gia đình và biết mọi người tại những nhà đã có lần thuê họ làm. Anh ta làm chân gì?
– Trercaxov làm đủ thứ, đấy là theo điều tra của cậu bạn tôi, Colia. Rửa kính cửa sổ, treo đèn chùm và các loại đèn khác, thậm chí nơi nào cần dọn vệ sinh căn hộ, hãng cũng cử cậu ta đi.
– Tốt rồi, vậy bây giờ ta làm thế này. Ta đặt bộ phận lưu trữ cung cấp tư liệu về nhân thân Trercaxov, rồi anh với tôi, ta đến hãng, ngó thử y một cái.
Naxtia lấy trong két ra một hộp kẹo rất to, dài chừng bảy mươi xentimet, trông rất sang.
– Ta sang bà Xveta đi, biếu bà thứ này. Vì chúng ta mà hôm nay thứ Bảy bà ấy vẫn phải đi làm.
– Cô lấy đâu ra hộp kẹo quý như vậy đấy? – Corotcov hỏi.
– Mua chứ anh bảo lấy đâu ra? – Naxtia nhếch mép cười.
– Tôi phải góp bao nhiêu?
– Anh không phải góp, yên tâm đi.
– Thế không được, cô Naxtia!
Chưa bao giờ ai tính thử xem các điều tra viên phải chi ra bao nhiêu tiền để làm những việc cần thiết cho công tác. Mà không tính là sai. Bởi vì có nhiều lý do này khác, các điều tra viên của phòng điều tra hình sự phải móc túi ra bao nhiêu lần, đến nỗi nếu biết được, người ta sẽ phải tự hỏi xem lương tháng của họ còn được bao nhiêu và họ sống bằng cái gì? Muốn một cuộc thẩm định, một công việc điều tra nào được “nhanh”, hoặc không phải xếp hàng sau những việc khác, hoặc phải yêu cầu làm ngoài giờ, họ đều phải “chi”, một chai rượu hoặc một hộp kẹo, tùy theo giá trị của việc thẩm định hoặc điều tra kia. Các nữ nhân viên văn phòng, lái xe riêng, bà cụ hàng xóm, rồi nhân viên các đội cảnh sát, và nhiều loại người khác nữa, khi “phục vụ” các điều tra viên, đều cần được “thù lao”. Bởi điều tra viên không thể đến tiếp xúc với họ bằng hai bàn tay trắng, mỗi khi cần yêu cầu người nào đó nhớ lại, phải động não để kể ra chuyện này chuyện nọ. Nếu không thấy anh đem đến vài bông hoa hồng và một hộp sôcôla “Kedberry” thì cô nhân viên thư ký thậm chí không thèm nhìn anh. Còn đối với mấy bà già về hưu, muốn được bà kể chuyện con cà con kê thì dứt khoát phải đem đến một chiếc bánh ga tô to đùng rồi cùng ngồi nhấm nháp tách trà với bà cụ. Chưa kể đã mấy ai trong số điều tra viên có ô-tô riêng, cho nên họ luôn phải sử dụng tắcxi, hoặc ô-tô riêng của người khác, và tất nhiên cũng lại không thể không mất tiền vào đó. Đã thế hầu như không điều tra viên nào nghĩ đến chuyện lấy hóa đơn về thanh toán.
Naxtia luôn nhận những khoản chi ấy về mình, ngay cả khi công việc không phải trách nhiệm của chị mà chỉ là giúp cho người khác. Nhưng Corotcov, mỗi khi biết được thủ trưởng đã phải chi khoản này khoản nọ, bao giờ cũng giậm chân, la hét, bắt Naxtia phải kê ra để anh ta thanh toán, hoặc chí ít cũng chia ra mỗi người chịu một phần.
– Anh chỉ vớ vẩn, Corotcov! Tôi có nghèo đâu mà anh cứ phải lo cho tôi. – Chị thường trả lời anh ta như vậy.
– Tôi không cần biết cô giàu hay nghèo – Corotcov thường đáp – Mà tôi chịu một phần với cô vì bản thân tôi. Tôi có tính không thích nhận ơn của ai, cô hiểu không? Khi góp phần cho cô, hoặc cho người khác cũng thế, tôi thấy trong lòng thanh thản. Thế là tôi vì tôi chứ đâu phải vì cô.
Nhưng Naxtia vẫn không nhận tiền góp của anh ta. Chị biết rằng do tính chất công việc của mình ít phải đi đâu cho nên cũng ít phải chi các khoản này nọ, trong khi đó, các điều tra viên của chị lại luôn phải móc tiền túi ra “mua” một thông tin nào đó. Tuy nhiên, trong những trường hợp như thế này, Gorotcov rất kiên quyết, cả Colia cũng vậy. Bao giờ họ cũng buộc Naxtia phải nhận phần góp của họ, bởi họ lại nghĩ, họ chỉ “mua” thông tin ở dân, chứ nữ thủ trưởng của họ còn phải “thù lao” cán bộ và nhân viên các bộ phận trong Sở Cảnh sát thành phố mỗi khi chị cần nhờ họ những công việc đặc biệt, nhất là các thẩm định viên và nhân viên trong bộ phận lưu trữ hồ sơ.
Đưa biếu bà Xveta hộp kẹo xong, Naxtia và Corotcov ngồi vào chiếc xe ô-tô tàng, lao về phía Bắc đến phố Muranovxcaia.
Tìm Trercaxov không đơn giản. Nhất là Naxtia và Corotcov lại không muốn tiếp xúc trực tiếp với y vội, thì công việc càng khó khăn hơn. Mikhail Trercaxov được mọi người trong tòa nhà chung cư này hết sức quý, vì y làm được đủ mọi thứ và không bao giờ từ chối ai điều gì, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ chữa cái cối xay cà phê cho đến sửa ô-tô.
Chiếc “Giưguli” của Corotcov ậm ạch chạy đúng đến cổng tòa nhà chung cư thì “chết máy”. Anh mở nắp xe, chui vào hí hoáy, trong khi Naxtia cố làm ra vẻ giận dữ, đứng tựa vào thân cây gần đó lấy thuốc lá ra hút. Cách đấy không xa là một dãy gara ô-tô khung sắt. Hôm nay thứ Bảy, các vị chủ xe tu sửa xe để đi chơi trong vụ hè sắp tới. Lát sau, Corotcov đến gần một người đứng trước cửa gara. Họ nói chuyện với nhau vài câu rồi người kia đi theo Corotcov đến chỗ chiếc ô-tô “chết máy” của anh. Người lạ xem xét rất kỹ, vẻ mặt đăm chiêu.
– Xe thế này mà anh vẫn đi được à? – Người kia thương hại hỏi.
– Tôi khốn khổ về nó, cứ mươi phút lại chết máy một lần. Ông không giúp tôi được sao?
– Tôi thì chịu. Để cậu Misa đến đây xem thử.
“Misa” là tên gọi tắt của “Mikhail”. Corotcov làm bộ ngây thơ hỏi:
– Misa là ai?
– Chúng tôi có một anh chàng giỏi đủ mọi thứ. Nhà anh ta ở cầu thang kia kìa. Không thứ gì anh ta không làm được. Nếu Misa đã chịu thì không ai có thể làm được gì, xưởng chữa xe nào cũng bó tay. Cậu lên cầu thang đó, tìm căn hộ số bốn mươi mốt, hỏi Misa Trercaxov, nói anh ta xuống xem cho.
– Hôm nay ngày nghỉ, tôi lại không quen, ngại quá – Corotcov nhăn nhó – Thôi! Không tiện.
Thật ra, cuộc gặp chớp nhoáng Trercaxov không nằm trong kế hoạch dự tính của họ. Corotcov chỉ định “chết máy” gần tòa nhà chung cư của Trercaxov để dò hỏi hàng xóm của y để họ kể về y, cốt có được một số thông tin, đồng thời quan sát địa điểm, các lối ra vào, đề phòng trường hợp cần đến bắt y tại nhà.
– Cậu này lạ thật! Có gì mà không tiện? Anh ta rất dễ tính, bọn tôi vẫn thường xuyên quấy rầy anh ta ấy mà, cả ban ngày lẫn ban đêm. Anh ta không từ chối ai thứ gì bao giờ. Con người đơn giản, tốt bụng. Và anh ta lấy công cũng rất phải chăng.
– Không – Corotcov kiên quyết từ chối – Với hàng xóm ông ấy không từ chối, nhưng tôi là người không quen biết.
– Không sao. – Người chủ xe tốt bụng nói, và đã đi mấy bước về phía cổng cầu thang, rõ ràng định gọi Misa xuống.
Naxtia hiểu rằng đã đến lúc chị nên can thiệp. Lúc này gặp trực diện Misa Trercaxov vẫn còn quá sớm. Tất nhiên nếu anh ta không dính vào tất cả những chuyện kia và mấy điều tra viên đã lầm thì không sao, cứ để anh ta sửa xe cho Corotcov. Nhưng nếu Trercaxov chính là tên điên loạn tàn bạo, đã rủ rê những đứa con trai kia đi, thì hẳn y hết sức cảnh giác. Y rất có thế “ngửi” thấy có chuyện nguy hiểm. Khi đó thì sẽ rắc rối vô cùng. Hai điều tra viên này chưa chuẩn bị phương tiện bắt Trercaxov. Y chỉ cần chống cự quyết liệt là có thể thoát được. Mà không bắt ư? Nếu vậy, Trercaxov “ngửi” thấy chuyện chẳng lành, tất sẽ hủy mọi dấu vết. Nhưng điều còn nguy hiểm hơn, là y sẽ “tống cứ” luôn tất cả những đứa bé trai hiện đang còn sống. Và hai chữ “tống cứ” chắc chắn không có nghĩa trả chúng về với cha mẹ chúng.
– Anh ạ! – Naxtia nói bằng giọng của một mụ vợ lắm điều, thứ giọng khiến bất cứ anh chồng nào cũng phải ngán ngẩm – Ta không cần một cái anh Misa nào hết. Lại hỏng cái chỗ hôm trước ấy mà. Anh thừa sức chữa lấy, gọi thợ rồi lại phải trả tiền. Phí của! Còn ông, tôi thừa biết ông làm chân quảng cáo cho bạn để hưởng hoa hồng, đúng thế chứ gì?
Người chủ xe sửng sốt trước thái độ đanh đá, hỗn hào của người phụ nữ, chưa chi đã nghi anh ta kiếm chác gì ở đây. Thế là anh ta nổi cáu, văng ra mấy câu thô lỗ, bỏ đi về chỗ chiếc xe ô-tô của anh ta đang sửa.
Đúng lúc ấy, cửa vào cầu thang mở, một người đàn ông trung niên bước ra. Thân hình to béo, bụng phệ, hai cằm, mái tóc chải hất ra phía sau gáy, tất cả những thứ đó chứng tỏ ông ta trạc bốn mươi tuổi hoặc hơn chút ít. Tuy nhiên tóc ông ta dài, được buộc lại phía sau gáy bằng dải da thuộc đen quấn quanh trán. Ông ta mặc chiếc quần bò màu đen xỉn, đeo kính gọng kiểu “giọt lệ”. Những chi tiết này lại khiến ông ta có vẻ chỉ khoảng ba mươi, thậm chí chưa đến.
– Misa! – Lập tức có tiếng gọi từ phía những chiếc ô-tô đang sửa – Cậu ra đây, xem hộ một chút? Không vội đi đâu chứ?
– Tôi định ra cửa hàng thực phẩm. – Người đàn ông có độ tuổi khác nhau đáp bằng giọng nam cao trong trẻo.
– Mua gì để thằng Petia đi cho. Petia! Con xem bác Misa cần thứ gì thì chạy ra cửa hàng mua cho bác ấy. – Người chủ gara phía xa hét con trai, lúc này đang hí hoáy giúp bố sửa xe.
Misa Trercaxov đứng gần Naxtia đến nỗi chị phải cố ghìm lại để khỏi nhìn y. Chị làm ra vẻ đang chăm chú xem Corotcov chữa xe, ngó qua vai anh ta để nhìn vàọ trong máy. Tuy nhiên, bằng đuôi mắt, Naxtia vẫn nhìn thấy Trercaxov và chị bối rối, sao trông y hình như quen quen. Cảm giác “hơi quen quen” này có phần giống như cảm giác chị thấy khi đọc cuốn sách “Lưỡi kiếm” của Xoloviov.
Vài phút sau, khi Trercaxov dặn xong thằng bé Petia, rồi đến loay hoay sửa chiếc xe ô-tô của cha cậu bé, Corotcov cũng “chữa xong” xe của anh, và Naxtia lên xe. Họ lao xe đi, không để cho gã Misa kia kịp chú ý đến họ.
– Cô thấy lạ không? – Corotcov đăm chiêu nói, lúc xe đã chạy khá xa khỏi phố Muranovxcaia – Một gã rất bình thường, ra cửa hàng mua thực phẩm, rồi giúp hàng xóm chữa xe. Giống như chúng ta. Vậy mà bảo hắn là tên giết người và ăn trộm thì khó tin quá.
– Một là hiện giờ chúng ta chưa khẳng định gì cả. Chúng ta mới chỉ kiểm tra. Có thể là tôi lầm, khi tôi cho rằng tên điên loạn tàn bạo kia và tên kẻ trộm này là một.
– Việc gã Trercaxov chính là tên ăn trộm băng hình thì chắc chắn rồi. Các vân tay đã xác nhận. Hay cô chưa tin vào tài của bà giám định viên Xveta?
– Tài của bà ấy thì tôi tin đến hai trăm năm mươi phần trăm. Nhưng tôi, anh và cả anh Colia nữa rất có thể lầm. Có thể chúng ta làm lẫn lộn các phong bì đựng vật chứng, và cả lúc chúng ta lên bản danh sách. Thiếu gì nguyên nhân có thể làm chúng ta lầm… Cho nên rất có thể những vân tay trên các thứ ở quầy băng hình thuộc về tên ăn trộm, nhưng không phải của anh chàng Trercaxov này.
– Lúc nãy cô đóng vai mụ vợ lắm điều là rất đúng. – Corotcov nói.
– Tuy nhiên, con người ta không thể suốt hai mươi tư giờ trên hai mươi tư đều là kẻ giết người, anh công nhận không? Thậm chí kẻ giết người mỗi ngày một mạng, cũng vẫn có những lúc y nghỉ tay, và trở lại giống như mọi người bình thường khác. Hắn cũng phải ăn chứ? Nghĩa là hắn phải ra cửa hàng thực phẩm mua thứ này thứ nọ. Hắn không thể ở trần ra ngoài đường được, vậy hắn cũng phải giặt giũ quần áo, phải đơm cái khuy đứt, phải khâu chỗ áo rách. Tội phạm là một con người, vậy hắn cũng phải đau ốm, phải đến thầy thuốc. Tóm lại, trừ khi giết người, hắn vẫn sống như tất cả chúng ta. Hắn có hàng xóm, cũng phải chào hỏi. Nhiều tên tội phạm còn có bạn đồng sự, họ hàng thân thiết. Anh thử dò hỏi sẽ thấy hắn được nhiều người quý, thậm chí yêu hắn nữa. Đôi với họ, hắn là một kẻ đáng yêu, đối với con cái, hắn có thể là một ông bố đáng quý. Và trên trán hắn làm gì có đề dòng chữ “ta là kẻ giết người?” Tuy nhiên tôi có cảm giác tôi đã gặp thằng cha này ở đâu rồi thì phải. – Đột nhiên Naxtia từ triết lý chuyển sang câu chuyện cụ thể.
– Tôi hiểu rồi – Corotcov cười vang – Cô nói thế có nghĩa là cô đói rồi đấy. Cô cần nhét thứ gì đó vào bụng, đúng chưa nào? Cô phải đưa vào đó một số calo thì mới hy vọng nghĩ ra được cô đã gặp thằng cha Trercaxov ấy ở đâu. Tôi đoán dứt khoát không sai. Tôi sẽ dẫn cô đến một nơi ăn khá được. Nơi này hơi đắt một chút, nhưng vắng vẻ, yên tĩnh.
– Nhưng lại đắt. – Naxtia dè dặt phản đối.
– Tôi mời cô kia mà.
– Nhân dịp gì?
– Nhân dịp sáng nay có một người trả nợ, một món nợ mà từ lâu tôi coi như họ sẽ không bao giờ trả, và đã quên bẵng rồi. Thêm nữa, ba năm qua lạm phát khủng khiếp, tiền sụt giá nhiều đến nỗi số tiền ngày đó họ vay khá lớn, nhưng bây giờ thì họ có trả cũng chỉ là số tiền nhỏ, chẳng đáng gì. Vậy mà cô biết không? Khi trả tôi, người kia tính theo giá trị tương đương với đô-la Mỹ, lại tính thêm cả số phần trăm lãi nữa, coi như tôi đổi thành đô-la và gửi ở nhà băng ngoại tệ. Thành thử tôi không bị thiệt chút nào, còn có lãi nữa. Thực ra trên đời vẫn còn những người nghiêm chỉnh đấy chứ! Chỉ tiếc là số ấy quá ít.
– Corotcov này, nếu là chỗ đắt tiền thì tôi mặc thế này e không hợp. Ai lại vào nhà hàng cỡ đó mà mặc quần bò, áo kẻ carô và bludông kia chứ?
– Đấy là nơi ai muốn mặc gì thì mặc. Cái nhà hàng này thú ở chỗ đó.
Họ ngoặt từ đại lộ Altulievxki sang phố Dmitrovxcoe, qua tòa khách sạn cao tầng màu xanh da trời. Được một lúc, họ quặt sang phải, rồi liền sau đó, Corotcov dừng xe, tìm chỗ đậu.
– Cô vào đi. – Anh ta hất đầu chỉ cánh cửa gỗ sơn bóng.
Ngoài cửa hiệu trưng tấm biển “Hoa hồng đỏ”, trông bên ngoài chỉ như một quán cà phê – kem dành cho trẻ con chứ không phải nhà hàng, lại là nhà hàng đắt tiền. Vào qua cửa, họ đến một cầu thang dẫn lên một cánh cửa nữa, cửa này để ngỏ. Trong lúc bước lên bậc thang, Naxtia mới hiểu rằng đây không phải là một quán giải khát bình thường. Nhân viên giữ mũ áo lễ phép, ghế sa lông nệm da mềm kê bên cạnh chiếc bàn nhỏ đặt máy điện thoại, thực đơn lồng trong một khung to bằng da thuộc, mềm, rất đẹp.
Có vẻ Corotcov quen nhân viên giữ mũ áo, bởi thấy anh niềm nở cười với cậu ta. Không bỏ áo bludông, Naxtia xem thực đơn. Bảng thực đơn quả là phong phú, khó thiếu món gì ở đây. Và giá đúng là cao.
– Cô thấy sao? – Corotcov nhếch mép cười hỏi – Thực đơn khá đấy chứ?
– Rất khá. – Naxtia bình thản đáp, rồi cởi áo ngoài, vắt lên thành gỗ ngăn khu vực gửi mũ áo.
Phòng ăn rất nhỏ, chỉ có hai bàn ghép, mỗi bàn ngồi được từ sáu đến tám thực khách, ba cái bàn bình thường mỗi bàn bốn ghế, và hai chiếc bàn nhỏ kê trong góc, sau hàng lan can. Mỗi bàn này chỉ dành cho hai thực khách. Corotcov thản nhiên dẫn Naxtia ngồi vào một trong hai chiếc bàn đó. Nhà hàng lúc này chỉ có hai người, ngoài ra không có ai nữa.
– Sao vắng thế này? – Naxtia châm thuốc lá hút, đưa mắt nhìn xung quanh, khẽ hỏi.
– Nhà hàng này trước năm giờ thường chưa có khách. Từ năm giờ trở đi khách mới dần dần kéo đến, thường là dân anh chị, tụ tập ở đây. Nhưng không phải ngày nào cũng vậy. Tại đây có một cái lệ rành rọt. Mỗi loại khách đến vào một thời gian nhất định, thậm chí vào một ngày nhất định trong tuần. Thường từ tám giờ tối đến nửa đêm. Còn ban ngày thì dành cho tất cả mọi người bình thường khác. Họ tiếp nhanh, thức ăn ngon, toàn thứ xịn, người phục vụ lễ phép.
Naxtia không ngờ mình đói đến thế. Chị ăn nhoáng một cái, đĩa đã sạch trơn khiến Corotcov há hốc miệng ngạc nhiên. Anh ta nói:
– Trông cô ăn, tưởng như cô phải nhịn đói suốt một tuần nay. Thế anh ấy bận những gì mà không cho cô ăn uống hẳn hoi?
– Anh ấy nấu cho tôi ăn đấy chứ – Naxtia giải thích – Nhưng tôi ăn ít lắm. Mỗi khi đầu óc rối ren, tôi không sao nuốt được.
– Thế bây giờ sao cô ăn dữ thế? Yên tâm rồi chứ gì?
– Không hẳn là như thế – Naxtia làm một cử chỉ mơ hồ bằng bàn tay giữ chặt điếu thuốc – Nhưng dù sao hôm nay cũng sáng ra được đôi chút. Chí ít tôi cũng biết được là sắp tới chúng ta sẽ phải làm gì. Phải thu thập tất cả những thông tin có thể về Trercaxov, trong đó phải điều tra xem y có nhà nghỉ mùa hè, hoặc có nhà phụ ở đâu nữa không. Nếu y đúng là tên điên loạn tàn bạo kia, thì căn hộ của y suốt ngày hàng xóm ra vào nhờ làm thứ này thứ nọ, y không thể nhốt mấy đứa trẻ con kia trong đó được. Nếu chúng ta tìm ra được một căn hộ thứ hai hoặc nhà nghỉ mùa hè của y, thì phải báo bộ phận kiểm nghiệm đến lấy vân tay và các dấu vết khác. Chúng ta đã có cỡ giầy của những đứa trẻ trai kia, bây giờ cần so sánh với những vết giầy tìm thấy được trong ngôi nhà thứ hai đó. Mà phải lấy cả những mẫu trong căn hộ của y ở phố Muranovxcaia vừa rồi. Sau đấy là vấn đề chuyên chở. Y có ô-tô riêng không, nếu có thì y để ở đâu? Tóm lại, tôi đã thấy sau đây phải làm những gì rồi, và điều đó làm tôi ăn ngon miệng.
Vì trong nhà hàng chỉ có hai người là khách, cho nên họ được phục vụ nhanh chóng, và bữa ăn không chiếm nhiều thời gian. Khoảng năm giờ chiều hai người đã về đến Sở. Colia đang trong thời kỳ say đắm cô người tình Valia, nên ngủ dậy muộn, và khi anh ta đến cơ quan thì Naxtia đã cùng với Corotcov đi Bibirevo rồi. Nhờ mảnh giấy đe dọa Corotcov để lại trên bàn anh ta, mà lúc năm giờ, khi Naxtia và Corotcov về, Colia đã thu thập được khá nhiều thông tin về gã Trercaxov.
Về trình độ văn hoá, Trercaxov học dở dang trường Đại học Kỹ thuật. Đã có vợ, nhưng hai vợ chồng chỉ sống với nhau một thời gian ngắn, và chưa có con. Có điều lạ là cô vợ cũ hiện nay lại sống với mẹ Trercaxov. Và cả hai đều căm ghét y đến mức không muốn nhìn mặt y.
– Tại sao hai người phụ nữ ấy lại chịu sống với nhau? – Naxtia hỏi.
– Do họ không có nhà để ở riêng, nên tuy căm ghét nhau, vẫn phải cùng sống với nhau – Colia cười đáp – Khi gã Trercaxov cưới cô Olia này, hai gia đình tiến hành một loạt cuộc đổi nhà “các” thêm tiền, để hai vợ chồng có một căn hộ riêng. Nhưng khi hai vợ chồng ly dị nhau, thì lại không thể quay lại trạng thái trước kia được. Cha mẹ Olia chuyển sang thành phố khác sinh sống, cho gần quê gốc của họ. Chỉ còn một mình bà mẹ Trercaxov ở lại Moxcva. Kết quả là bà mẹ có căn hộ một phòng, còn hai vợ chồng Trercaxov cũng căn hộ một phòng. Căn hộ của bà mẹ Trercaxov ở bên rìa thành phố trong một ngôi nhà bằng gỗ, trên tầng cao nhất, với một gian bếp bằng lỗ mũi, ngoài ra không có gì thêm. Không thể đổi chác cho ai được, họ đành giải quyết theo cách như thế này. Trercaxov đã ly dị vợ rồi thì lẽ ra về sống với mẹ, nhưng bà cụ lại ghét con trai thậm tệ, nhất định không chịu ở chung với y. Bà cụ bảo, muốn ai đến ở với bà cụ cũng được, miễn không phải thằng Misa. Cuối cùng cô vợ đành dọn đến ở với bà mẹ chồng cũ vậy.
– Lạy Chúa, y làm gì mà bà cụ căm ghét y đến như vậy?
– Cô muốn tôi nói thật ra không? – Colia nheo mắt ranh mãnh hỏi – Mà nếu tôi nói ra thì cô cho tôi cái gì nào?
– Một quả đấm – Naxtia nói – Nhưng thôi, anh đừng hành hạ thần kinh đã rệu rã của tôi nữa.
– Cô vợ Olia kia bắt quả tang chồng đang làm tình với thằng em trai của chị ta. Vì thằng bé chưa đến tuổi thành niên, rất khoái trá làm tình với ông anh rể, cho nên chị Olia kia không báo cảnh sát, mặc dù lúc đó đã có điều luật xử phạt tội tình dục đồng giới. Nhân tiện tôi xin nói thêm rằng thằng em trai của Olia rất dễ thương. Đúng loại cô quan tâm.
– Tôi ấy à? – Naxtia cau mày hỏi, nhưng chợt hiểu ra – Nghĩa là nó cũng da nâu, mắt đen?
– Đúng thế. Giống hệt mấy đứa con trai kia.
– Làm sao cậu kịp biết được nhiều thông tin thế? – Corotcov ngạc nhiên.
– Bí quyết riêng. – Colia phá lên cười.
– Thằng bé ấy bây giờ ở đâu?
– Bây giờ thì nó không còn là “thằng bé” nữa. Câu chuyện ấy xảy ra từ lâu lắm rồi. Cách đây những sáu năm. Cha mẹ hai bên đều cổ hủ và rất phẫn nộ với cả hai đứa con trai họ, chỉ khác nhau về cách đối xử. Misa Trercaxov thì vẫn được ở lại căn hộ cũ, trong khi thằng em vợ y bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà, chỉ cho mang đi chiếc va-li quần áo, chứ không cho nó một xu. Thằng bé tên là Xlavic, lúc đó còn là sinh viên, chưa có nghề nghiệp gì kiếm ăn, thậm chí không có cả học bổng vì học toàn điểm ba. Nó đi đâu? Đúng thế, đến ở với anh rể. Mấy tháng đầu hòa thuận vui vẻ, nhưng rồi nảy sinh lục đục, do lương Misa không đủ nuôi hai người. Cuối cùng cặp nhân tình, bây giờ không còn là hai anh em nữa, cãi nhau, Misa đuổi thằng bé đi. Sau đấy thằng bé tìm được một gã đàn ông giàu cưu mang nó. Những người kể lại câu chuyện cho tôi nghe, nói rằng sau đó gã Trercaxov rất ân hận. Nhất là số phận thằng bé Xlavic kia cũng lại rất không ra gì. Lão nhân tình bao nó là dân tội phạm, chẳng bao lâu chết. Xlavic tìm được một gã nhân tình khác bao nó, nhưng được ít lâu thì thằng này đi tù. Xlavic định quay về với Trercaxov, nhưng bị gã này tống cổ, vì cho rằng đã bị Xlavic phản bội, thậm chí gã còn oán Xlavic là đã hủy hoại cuộc đời gã. Bây giờ Xlavic là kẻ vô gia đình, vô gia cư, chỉ kiếm sống bằng nghề mại dâm đồng tính, cuộc sống vô cùng thảm hại. Câu chuyện như thế đấy, thưa thủ trưởng kiêm đồng nghiệp.
– Colia, cậu bịa – Corotcov nghi ngờ nói – Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ làm sao cậu biết được nhiều thứ thế. Vô lý. Có họa là cậu bịa.
Colia cười vang:
– Không đâu. Tôi biết được là do đơn giản thôi. Thoạt đầu tôi phóng đến nhà bà cụ mẹ Trercaxov, phát hiện thấy vợ cụ của gã ở đấy. Tôi la cà dò hỏi. Tất nhiên chị ta giấu chuyện chồng với thằng em, mà chỉ bảo chồng cũ của chị ta là thằng khốn nạn, thứ ấy trời vật chết đi thì phải, để sống trên cõi đời này làm gì cho bẩn thế gian. Bà mẹ gã cũng chêm vào những câu chửi rủa thằng con. Tôi bèn xin xem những bức ảnh cưới, và tôi thấy trong một tấm ảnh chụp đông người có Xlavic, là đứa tôi đã biết từ lâu. Nói biết từ lâu ở đây có nghĩa tôi đã nghiên cứu hắn rất kỹ, đâm thuộc lòng. Tôi đã biết cả chuyện cậu ta dính với ông anh rể, nguyên nhân khiến cậu ta tan nát cuộc đời. Có điều lúc đó tôi chưa biết chồng Olia chính là gã Trercaxov kia. Nhưng đến lúc xem ảnh thì tôi chợt hiểu. Cô và cậu có nhớ vụ giết hai mạng ở phố Babuskin không?
– Năm chín mươi mốt? – Naxtia hỏi lại cho chắc chắn.
– Đúng, vụ ấy. Một trong những thủ phạm chính là thằng cha giàu có đã bao Xlavic sau khi thằng bé bị anh rể tống cổ. Lần đó là lần đầu tiền Xlavic rơi vào tay tôi. Từ đấy không lúc nào tôi buông hắn. Chính nhờ hắn mà sau này tôi còn khám phá ra thêm một số vụ án mạng khác nữa. Nhưng cũng nhờ tôi, cho đến nay Xlavic chưa phải vào tù. Nếu tôi không giám sát hắn chặt chẽ, chắc chắn hắn đã vào tù từ lâu rồi.
– Cô thấy sao, vị thủ trưởng chuyên hoài nghi của tôi? – Corotcov đắc thắng hỏi – Cô đã thấy chúng ta không lầm rồi chứ? Hẳn bây giờ thì cô đã hiểu ra rằng, chính gã Trercaxov là kẻ chúng ta đang tìm rồi chứ?
– Đúng thế – Naxtia bối rối đáp, tay vẽ lên giấy những đường ngoằn ngoèo vô nghĩa – Đúng thế. Vậy hiện hắn giữ mấy đứa trẻ kia ở đâu?
– Chúng ta sẽ tìm được thôi – Corotcov lạc quan đáp – Cô cứ tin đi.
Hôm sau dây ăngten vô tuyến truyền hình chung trên nóc tòa nhà chung cư phố Muranovxcaia đột nhiên hỏng. Hầu như cùng một lúc đội “kỹ thuật” gồm những chuyên gia về truyền hình ngồi trên đó sửa chữa trong vòng nửa giờ, sau đó tuyên bố là có ai đã tự tiện nối hệ thống truyền hình cáp vào ăngten chung kia khiến nó bị nhiễu. Muốn điều tra xem gia đình nào đã nối đường cáp truyền hình vào đó, phải kiểm tra tất cả các hộ. Tất nhiên nói xong, họ làm luôn. Họ kiểm tra rất lâu, nhưng được cái, sau đó các máy thu hình lại hoạt động bình thường.
Đội kỹ thuật rời khỏi ngôi nhà chừng mươi phút thì nữ thanh tra cảnh sát Naxtia Camenxcaia biết tin, chủ nhân căn hộ số 41 có một camêra thu hình loại rẻ tiền nhất, và tất cả mười bốn băng hình bị lấy trộm được xếp ngăn nắp bên trên máy thu hình.
Hai ngày sau, được biết thêm là Trercaxov không có căn hộ thứ hai, cũng không có nhà nghỉ mùa hè nào hết, và chưa hề có bao giờ. Do đó, cảnh sát quyết định theo dõi chặt y. Chính thức thì như vậy nhưng đã biết thế nào. Bởi rất có thể y có một nơi nào đó nhốt mấy đứa con trai kia để thỏa mãn nhu cầu tình dục đồng giới. Y nhốt chúng ở đó và khi cần thì đưa chúng về nhà “sử dụng”. Địa điểm đó, nhất định phải còn vài đứa trẻ trai đang sống.
Việc theo dõi tiến hành chu đáo, những sau năm ngày, chưa phát hiện được gì thêm. Hàng ngày gã Trercaxov vẫn đi làm đều đặn ở xí nghiệp, phố Perovo, suốt ngày gã đến nhà khách hàng thực hiện các dịch vụ, tối lại về nhà. Rồi gã vào cửa hàng thực phẩm, ghé qua các quầy băng hình hỏi xem có băng nào mới. Một lần gã Trercaxov thấy một băng hình thích hợp, bèn thuê. Và gã lại khai với quầy bằng một cái họ giả trùng với tên phố: “Vladimirov”. Quầy bán băng hình trên phố Vladimirov nằm gần ga xe điện ngầm “Perovo”. Và băng hình gã thuê vẫn thuộc loại đó.
Gã Trercaxov này còn làm gì khác nữa? Hắn sửa chữa cối xay cà phê và máy ghi âm cho hàng xóm, xem băng hình. Trong năm ngày đó, hai lần gã thuê tắc xi đến chơi nhà một người bạn. Ngoài ra không có chuyện gì đặc biệt khác. Gã không lang thang trên đường phố ngắm những đứa trẻ trai da nâu, mắt đen, khuôn mặt Trung Cận Đông. Gã cũng không đến những ngôi nhà bỏ hoang chờ cải tạo hoặc xuống gian hầm nào. Trong năm ngày đó, gã không làm một điều gì để các điều tra viên có thể khẳng định gã chính là kẻ đã bắt cóc bọn con trai kia và nhốt chúng ở đâu đó.
– Không sao – Sau năm ngày theo dõi, đại tá Gordeev nhận xét – Ít nhất chúng ta cũng biết chắc chắn rằng trong năm ngày qua, hắn không bắt cóc đứa trẻ trai nào, cũng như không giết đứa nào. Vậy bây giờ ta cần làm thế nào? Có ai đề xuất ý kiến gì không?
– Theo tôi, ta nên cho bắt hắn – Colia nói – Vì lý do gì à? Vì chứng cứ hắn ăn trộm băng hình đã có đầy đủ. Chúng ta lấy cớ đó bắt hắn. Rồi ta sẽ tính xem nên hỏi cung hắn cách nào để hắn chịu khai ra tội kia.
– Cô thấy sao, Naxtia? – Đại tá Gordeev quay sang người nữ thanh tra – Cô tán thành ý kiến cậu Colia chứ?
– Không – Naxtia đáp kiên quyết – Không đời nào chúng ta làm thế. Lỡ hắn nhất định không khai thì sao? Các vị thử hình dung xem, trong lúc hắn ngồi trong trại tạm giam, thì nếu hắn nhốt bọn trẻ kia ở đâu đó, bọn chúng sẽ chết đói mất. Bởi chúng ta có biết chúng bị nhốt ở đâu mà tiếp tế? Trong khi đó gã Trercaxov vẫn ngoan cố chưa chịu khai. Khi đó chúng ta làm thế nào? Gã sẽ nhận tội ăn trộm, tỏ ra ăn năn hối lỗi, và chúng ta đưa gã ra toà. Rất có thể tòa phạt tù, cho giải đến trại cải tạo cách xa Moxcva. Khi đó bọn trẻ kia sẽ ra sao? Ai tiếp tế cho chúng?
– Hắn làm sao không chịu khai được? – Colia bĩu môi nói – Hắn đâu phải James Bond, hay Johann Weiss? Hắn là một tên tội phạm bình thường, hắn cũng sợ như bất cứ ai. Ngay như thằng cha Xlavic tôi đã kể, hắn là đứa đã trải qua bao nhiêu cuộc đánh chém nhau dữ dằn, vậy mà khi bị hỏi cung, vẫn khai ra hết. Cô nên nhớ rằng, chúng ta đã hỏi cung thì khó kẻ nào dám không khai. Tất nhiên với những tên rắn đầu như thế này, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, dùng những đòn tâm lý đánh chính xác. Tôi không tin thằng cha Trercaxov trụ được. Hắn đâu có tốt nghiệp trường công an?
– Anh nói đúng, Colia – Naxtia nói rất khẽ – Tôi biết hắn sẽ rất khó không khai. Nhưng tôi nghĩ đến khả năng xấu nhất. Lỡ Trercaxov chết?
– Chết nghĩa là sao? – Colia chưa hiểu – Tại sao hắn lại chết?
– Chẳng cần tại sao cả. Giả sử bỗng hắn lăn đùng ra chết. Chẳng hạn hắn có một mầm bệnh nào đó chính hắn cũng không biết. Một cái chết đột ngột chẳng hạn. Một cái chết mà chúng ta không ngăn lại được. Nếu chuyện đó xảy ra, chúng ta mới chỉ biết tội ăn trộm của hắn, chưa biết hắn nhốt bọn trẻ kia ở đâu. Cứ cho là rồi chúng ta khám phá ra được nơi hắn nhốt chúng, thì khi đó dứt khoát một hoặc hai đứa trẻ kia đã chết, bởi phải rất lâu chúng ta mới tìm ra được nơi chúng bị nhốt. Lúc đó chúng ta sẽ ân hận biết chừng nào! Trong khi thằng cha Trercaxov còn được tự do, chúng ta vẫn còn hy vọng. Nếu giam hắn, chúng ta có nguy cơ mất rất nhiều.
– Tôi đồng ý với cô Naxtia – Đại tá Gordeev gật mái đầu hói – Nhân đây tôi muốn hỏi cô, Naxtia, theo cô đoán thì nguyên nhân nào khiến trong năm ngày vừa qua Trercaxov không đến thăm mấy đứa trẻ kia, nếu như hắn nhốt chúng ở đâu đó?
– Tôi nghĩ có hai khả năng – Naxtia nói – Một là hắn “đánh hơi” thấy đang bị theo dõi. Hai là lúc này hắn không còn đứa nào tại nơi hắn vẫn nhốt chúng. Tuy hiện nay trong số trẻ trai có hình dạng đặc biệt kia bị mất tích mà chưa tìm thấy xác, vẫn còn bốn đứa, nhưng có đúng là chúng đang trong tay Trercaxov không, điều này chúng ta chỉ có thể khẳng định sau khi đã tìm thấy chúng. Ngay trường hợp gã Trercaxov đánh hơi thấy đang bị theo dõi và không dám đến thăm bọn trẻ kia, cũng đã là một điều bất lợi cho chúng ta. Bởi chúng ta chưa biết hắn “nuôi” bọn trẻ theo cách nào: rất có thể hắn chỉ trữ sẵn cho chúng thực phẩm và ma túy đủ dùng trong một vài tuần lễ thì sao? Bây giờ, nếu vì thấy bị theo dõi, hắn không dám tiếp tế cho bọn trẻ, thì chúng ta đâm thành những người có lỗi.
– Vậy cô kết luận thế nào? – Corotcov nói – Bởi nếu lúc này Trercaxov không nhốt một đứa trẻ nào, thì việc theo dõi hắn hoàn toàn vô ích. Không đời nào hắn chịu đến đó để chúng ta bám theo. Vì nơi đó chắc chắn phải còn đầy đủ tang chứng tội ác của hắn.
Đại tá Gordeev nói:
– Cậu nói đúng mà cũng chưa đúng. Trercaxov là kẻ điên loạn. Sớm muộn hắn cũng phải lộ ra. Ngay cả khi nếu hắn cảm thấy đang bị theo dõi. Đến lúc nào đó, hắn sẽ không nhịn nổi một quãng thời gian dài quá, hắn sẽ liều lĩnh tìm đến với bọn trẻ trai kia. Hoặc nếu hắn không đang nhốt một đứa nào thì hắn cũng lao đi lùng một đứa. Nhưng ý cậu đúng ở chỗ chúng ta không thể ngồi chờ quá lâu. Naxtia, sáng mai cô đến lấy kết luận của dự thẩm về kết quả thẩm định trên áo quần của chín cái xác chết thiếu niên kia, xem có chi tiết nào ta sử dụng được lúc này để buộc hắn phải khai ra không? Còn Corotcov, cậu hãy ngừng theo dõi hắn, bởi rất có thể hắn đã nhận được mặt của cậu rồi, cậu có bộ ria rất dễ nhận mặt. Cậu hãy tiến hành điều tra xem bốn đứa trẻ trai kia bị nhốt ở đâu. Bao giờ chúng ta có thể khẳng định, bốn đứa trẻ ấy không trong tay Trercaxov, khi đó chúng ta mới thật sự yên tâm, rằng chúng sẽ không bị chết chỉ vì hắn biết chúng ta theo dõi. Còn cậu, Colia, và cậu, Xvalov, hai cậu đành làm chân kỹ thuật vậy.
– Vâng, thưa đại tá. – Colia nhăn nhó.
– Đừng nhăn thế. Nhiệm vụ của cậu không dễ dàng đâu, Colia. Cậu phải nghĩ ra một chuyện bịa đặt thật khéo để mọi người khỏi thắc mắc, tại sao tội ăn trộm của thằng cha Trercaxov đã rõ ràng như thế mà hắn chưa bị cảnh sát tóm cổ. Còn Naxtia, sao lâu không thấy cô kể gì về khu biệt thự “Mộng Mơ”? Hay cô bỏ đường dây ấy rồi?
– Vâng, đúng thế, thưa đại tá. – Naxtia công nhận – Thời gian qua có quá nhiều công việc cấp bách hơn. Với lại từ hôm tìm ra gã Trercaxov, tôi thấy khu biệt thự ấy không còn liên quan nữa.
– Cô nghĩ thế là sai – Đại tá Gordeev chậm rãi lắc đầu – Đấy là một hướng “lương khô”, bởi ta chưa thể đoán trước diễn biến của sự việc này.
Naxtia hiểu rằng đại tá nói đúng. Kể từ hôm chồng chị cho biết Iakimov gọi điện đến, đã một tuần lễ trôi qua. Tự nhiên biệt tăm như thế là không nên. Đừng để người ta suy nghĩ và phỏng đoán này nọ, rồi đâm nghi ngờ về mình.
Cậu cảnh sát điều tra của quận, Xvalov, rất không muốn làm việc ngày thứ Bảy. Điều này đã rõ ràng. Naxtia rất ngạc nhiên thấy anh ta làm việc trong đội điều tra mà sao vẫn thu xếp được mỗi tuần hai ngày nghỉ? Thứ đó không cấp chỉ huy nào chịu được. Rất có thể Xvalov giả vờ là vẫn làm việc, trong khi đó thì đi làm riêng ở đâu đó để kiếm thêm. Bởi vậy, khi Naxtia báo tin cho anh ta là thứ Bảy này sẽ cùng đi với chị đến khu biệt thự “Mộng Mơ” thì mặt Xvalov xịu xuống.
– Cậu ăn mặc lịch sự vào – Naxtia nói – Cậu phải đóng vai đại diện một hãng bảo hiểm lớn đấy. Và tôi với cậu sẽ đi bằng ô-tô của cậu, vì ô-tô của cậu khá sang.
Trong số hai mươi gia đình cư trú trong khu biệt thự “Mộng Mơ”, gần như tất cả đều nhận mua bảo hiểm nhà cửa, chỉ mỗi ba gia đình khước từ, trong số này có hộ Xoloviov. Naxtia lấy làm lạ. Chị cảm thấy hình như ông ta tự ái gì đó.
– Sao anh không mua bảo hiểm nhà cửa? – Naxtia hỏi Xoloviov, trong lúc Xvalov đi xem xét các tòa biệt thự khác và làm quen với những người trong đó.
– Anh đã nói với em rồi. Nhà anh chẳng có gì đáng để kẻ gian vào lấy trộm.
– Có phải kẻ trộm bao giờ cũng biết rõ trong nhà anh có những gì đâu? – Naxtia nói – Chúng rất dễ nghĩ anh giàu và cất tiền bạc trong nhà. Khi chúng hiểu ra được thì đối với mình đã muộn. Cửa bị bật tung, đồ gỗ bị gãy nát, và bản thân anh thì bị một phen hú vía. Chưa kể, khi không tìm thấy gì quý, chúng rất có thể tra khảo để anh khai ra chỗ cất giấu. Anh không sợ như thế sao?
– Em đừng dọa anh – Xoloviov nhếch mép cười – Anh không sợ đâu.
Naxtia đã báo trước việc chị đến, có lẽ vì thế mà trong nhà không có Marina, cũng không có cậu giúp việc Andrei. Và nói chung lần này chị cảm thấy có gì đó rất khác những lần trước. Thoạt đầu Naxtia nghĩ, cảm giác đó là do vắng mặt cậu giúp việc Andrei, y không cần giấu diếm thái độ hằn học đối với chị. Nhưng rồi Naxtia hiểu được ra, vấn đề không phải ở Andrei mà chính ở bản thân Xoloviov. Hôm nay trông ông ta có vẻ cô đơn, chán chường một cách thảm hại.
– Anh làm sao thế, Xoloviov?- Naxtia hỏi sau khi thấy hai người nói chuyện với nhau khá lâu mà vẫn không đọng lại thành một đề tài hẳn hoi. – Hình như anh có chuyện không vui, em đoán, có đúng không?
Xoloviov ngước nhìn Naxtia bằng cặp mắt rầu rĩ, và nở nụ cười gượng gạo.
– Không có chuyện gì cả. Mọi thứ vẫn bình thường. Em đừng quan tâm.
– Nhưng em thấy rõ anh không được vui. Hay anh không muốn em đến đây? Nếu vậy em xin lỗi, bởi em phải vào đây trong lúc nhân viên của hãng bảo hiểm xem xét các tòa nhà.
– Anh rất nhớ em – Đột nhiên Xoloviov thốt lên – Anh không ngờ anh nhớ em đến thế.
Xoloviov nâng bàn tay Naxtia lên môi, rồi cuồng nhiệt áp chặt các ngón tay của chị vào má mình.
– Thật buồn cười, phải không, Naxtia? Đúng lúc em không cần đến anh nữa thì anh lại thấy rất cần có em.
– Nếu em không cần đến anh thì em đã chẳng đến đây. – Naxtia dịu dàng nói.
Như thể tự tách ra khỏi bản thân, quan sát mình và Xoloviov, Naxtia thầm nghĩ, giá như mười hai năm trước đây được nghe câu nói đó, hẳn mình sung sướng đến chết lịm đi được. Hồi đó không bao giờ Xoloviov hôn tay Naxtia, không bao giờ nói nhớ chị và van vỉ cầu xin chị tình yêu như thế này. Vậy mà hôm nay? Chẳng lẽ anh ta mê mình rồi? Naxtia lắng nghe bản thân và thấy mình cũng bị xúc động. Đó là thứ gì vậy? Niềm vui chiến thắng? Hay niềm hân hoan đã trả được mối thù xưa? Hay chỉ là niềm sung sướng thấy người mình yêu say đắm xưa kia nay mới đáp lại? Naxtia ngạc nhiên thấy trong tim mình không có gì hết. Ngay cả cặp mắt Xoloviov đắm đuối nhìn mình cũng không làm mình rung động như ngày xưa. Mà mới chỉ cách đây hai tuần lễ, Naxtia đã tưởng mình lại yêu Xoloviov, lại khuất phục trước sức quyến rũ của anh ta.
– Em nói dối anh – Xoloviov nói, vẫn không buông bàn tay Naxtia – Em không cần đến anh. Anh biết em đến đây để làm gì rồi. Anh rất không muốn nghĩ rằng vì em thương hại anh, nhưng anh không tìm ra được cách cắt nghĩa nào khác. Không cần phải thương hại anh, Naxtia. Anh sống hoàn toàn yên ổn.
– Nhưng bây giờ thì anh lại nói dối em. Nếu hoàn toàn yên ổn thì anh đã chẳng nhớ em. Hay anh chỉ cần có một người đàn bà? Người đàn bà nào cũng được, không nhất thiết phải là em?
– Đàn bà thì hiện anh đang có. Nhưng anh cần em. Và xin nói thêm rằng điều đó hoàn toàn không cản trở em. Chuyện anh cần đến ai thì có gì đặc biệt đâu? Tuyệt đối không có nghĩa anh đòi em phải bỏ chồng ngay.
Naxtia phải cố ghìm lại để khỏi phá lên cười. Ngay trong hoàn cảnh không đơn giản lúc này, Xoloviov vẫn y nguyên là anh ta, vẫn là một con đực đầy tự tin. Căn cứ vào đâu anh ta nghĩ rằng Naxtia muốn bỏ chồng để lao vào anh ta, người tình cách đây cả chục năm? Mà lại bỏ “ngay” kia chứ! Nếu không thương tình anh ta tàn tật, hẳn Naxtia đã nói toạc vào mặt anh ta tất cả những gì chị nghĩ về anh ta, không cần lựa chọn câu chữ. Lúc nãy Xoloviov nói, hiện anh ta đã có đàn bà. Ai nhỉ? Mới cách đây hai tuần lễ Xoloviov còn bảo anh ta không có người phụ nữ nào. Anh ta nói dối chăng? Hay Xoloviov mới quen cô ta trong quãng thời gian hai tuần vừa rồi? Khéo chính là cô Marina xinh đẹp kia rồi chăng?
– Người đàn bà anh bảo anh đang có ấy không làm anh hài lòng hay sao? Tại sao anh còn cần đến em?
– Anh không muốn nói chuyện với em về cô ấy – Xoloviov nói dứt khoát – Nhưng anh muốn em biết rằng, bất cứ lúc nào anh cũng có thể cắt đứt ngay với cô ấy.
– Vì em?
– Đúng thế. Vì em.
– Xoloviov, em không xứng đáng nhận sự hy sinh to lớn nhường ấy đâu.
Naxtia rút tay ra, thò vào xắc tìm thuốc lá.
– Em là thứ phụ nữ nhạt nhẽo, chỉ biết công việc, hoàn toàn không có một chút lãng mạn nào, đúng như đã có lần anh nhận xét. Anh sẽ không thấy dễ chịu bên em đâu. Xưa kia em hơi khô khan, nhưng bây giờ thì em cứng cỏi, giống như chiếc bánh mì để lâu hai tuần lễ ấy. Anh cần có một phụ nữ thuần phục anh, mà em thì mất cái tính ấy từ lâu rồi.
– Em nói không đúng. Người phụ nữ thuần phục anh thì anh đã có. Nhưng anh cần một người phụ nữ anh yêu. Nhưng chúng ta tranh luận chẳng để làm gì. Em không cần đến anh, và anh phải chấp nhận điều đó. Thú thật là đôi khi em làm cho anh lóe lên tia hy vọng. Em làm thế hơi tàn nhẫn đấy, Naxtia.
– Anh lầm rồi, Xoloviov. Em không hề làm gì để anh hy vọng. Ngay từ hôm đầu em đã thẳng thắn nói với anh rồi: em đến gặp anh để kiểm tra xem em đã hoàn toàn thoát ra khỏi sức quyến rũ của anh chưa. Ngoài ra em không có mục đích nào khác.
– Vậy là anh đã hiểu sai.
– Đúng thế, anh đã hiểu sai.
– Nhưng chính em có lúc đã bảo anh rằng em nhớ anh, em đã nói trong điện thoại, em nhớ chứ?
Naxtia bỗng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Chị mệt vì vất vả tìm kiếm tên điên loạn kia! Chị mệt vì Xoloviov và vì câu chuyện vô tích sự này, câu chuyện sẽ chẳng dẫn đến đâu. Naxtia hiểu rõ người tình thuở xưa, từng ý nghĩ thầm kín của anh ta, như thể chị nhìn được xuyên qua người anh ta. Và Naxtia biết rõ rằng, đối với Xoloviov, cái quan trọng không phải tình yêu mà là lòng hiếu thắng của anh ta. Xoloviov muốn khuất phục chị, muốn buộc dây vào cổ chị, dắt đi. Cách đây bao nhiêu năm, Naxtia đã chủ động bỏ đi, khi hiểu rằng thật ra Xoloviov không yêu chị. Ngày ấy ông ta ra vẻ trách chị bỏ anh ta, thật ra anh ta thấy nhẹ mình là đã không bị chị quấy rầy. Chính vì thế mà anh ta không cố níu chị lại. Ngày ấy thực chất là Xoloviov bỏ chị chứ không phải chị bỏ anh ta. Nhưng xem chừng Xoloviov không nghĩ như thế, nhất là trong lúc này. Bây giờ anh ta muốn đóng kịch, chủ yếu cho bản thân mình xem. “Cứ cho là cô ta bỏ mình, nhưng sau ngần ấy năm, cô ta vẫn quay lại, tự ý quay lại, và gần như van nài mình yêu cô ta!” Qua năm tháng, Xoloviov đã chán những mối tình dễ dãi, những chiến thắng dễ dàng. Bây giờ ông ta muốn một chiến thắng khó khăn: chinh phục một phụ nữ giàu kinh nghiệm, nghị lực, và muốn được hưởng niềm tự hào về chiến thắng đó.
Naxtia biết Xoloviov thuộc loại người không phải yêu đối phương mà chỉ yêu bản thân mình trong mối tình với đối phương kia. Anh ta không thể toại nguyện khi khuất phục được một cô gái nghèo khổ, cho cô ta ăn, cho cô ta mặc, rồi tự hào về lòng cao thượng và cách xử sự độc đáo của mình. Xoloviov thuộc loại người thích tự ngắm mình, tự chiêm ngưỡng mình, trước kia cũng vậy, mà bây giờ thói đó còn trầm trọng hơn.
Thấy Xvalov vào, Naxtia thở phào nhẹ nhõm. Lạy Chúa, bây giờ thì mình có thể cáo lỗi và đi được rồi. Có mặt người lạ, Xoloviov sẽ không dám hỏi bao giờ Naxtia sẽ lại đến, và thế là chị nhẹ người.
– Cậu kể đi – Naxtia nói lúc ô-tô của Xvalov ra đến đường cái – Cậu soát được bao nhiêu biệt thự?
– Sao lại bao nhiêu? – Xvalov ngạc nhiên – Tất.
– Cả mười bảy? – Naxtia hỏi lại, chị vẫn chưa tin hẳn.
– Tất nhiên rồi.
Chị đã ngồi ở nhà Xoloviov hai tiếng rưỡi đồng hồ, có nghĩa mỗi biệt thự Xvalov xem xét trong vòng chưa đến mười phút. Quá ít.
– Cậu làm chóng vánh thế không được đâu, cậu có hiểu như thế không? – Naxtia giận dữ nói – Đại diện một hãng bảo hiểm lớn, có uy tín, vậy mà xem xét, đánh giá một tòa biệt thự ba tầng chỉ trong chưa đến mười phút! Lẽ ra cậu phải làm tỉ mỉ, hỏi những người trong nhà về mọi chi tiết. Và nhiệm vụ quan trọng nhất của cậu là điều tra xem nguyên nhân nào khiến mấy gia đình kia không muốn mua bảo hiểm. Việc này thì cậu có làm chứ?
Xvalov không trả lời, vẻ mặt cau có, mắt nhìn đăm đăm ra con đường phía trước.
Thế là hiểu. Cậu ta chưa làm việc đó. Cậu ta làm vội vã cho chóng xong để còn đi làm việc khác kiếm ăn thêm.
– Mai hai chúng ta sẽ lại phải đến lần nữa. Rồi thứ Hai. – Naxtia điềm tĩnh nói.
– Chị đòi phải đến đó bao nhiêu lần nữa? – Xvalov cáu kỉnh nói – Tên tội phạm bị phát hiện rồi, vậy mà chị không cho bắt hắn, lại bắt tôi mất thời giờ vào những thứ vô tích sự này. Đúng là vô tích sự!
Naxtia không muốn tranh cãi với cậu ta, do đấy chị nói giọng lịch sự, hòa nhã.
– Hôm qua cậu đã dự cuộc họp và nghe thấy hết. Theo tôi hiểu thì chúng ta đã nhất trí là chưa nên bắt Trercaxov, trong khi chưa tìm ra nơi gã nhốt mấy đứa trẻ trai kia. Nếu không tán thành, tại sao hôm qua cậu không nói? Cậu có quyền nói chứ? Thôi được, bây giờ cậu cho biết ý kiến của cậu đi.
– Tôi không có ý kiến gì hết – Xvalov càu nhàu – Tôi chỉ tiếc thời gian bỏ ra vô ích. Tôi phải bỏ công việc chính của tôi chỉ vì cái thằng cha Trercaxov kia.
– Cậu chỉ phải chịu khó chút ít nữa thôi – Naxtia dịu dàng nói – Tôi cam đoan với cậu là vụ này đáng cho chúng ta bỏ công sức vào.
Lúc về đến Sở Cảnh sát thành phố trên phố Petrovka, Naxtia vẫn còn rất giận, nhưng chị cố ghìm, không để lộ ra. Chẳng lẽ thế hệ cảnh sát hiểu biết và tận tụy lại chết hết rồi sao? Và thế hệ thay thế họ là những con người như thế này đây: lạnh lùng và chỉ nghĩ đến bản thân. Mà cậu Xvalov này đâu phải ngu đần, chính cậu ta phát hiện ra cách phân tích các băng hình để tìm ra nét chung của tất cả mười bốn bộ phim kia. Nếu muốn, cậu ta có thể là một điều tra viên xuất sắc. Khốn nhưng cậu ta không muốn. Vậy cậu ta vào ngành cảnh sát để làm gì?
Xvalov biết rất rõ tại sao anh ta lại vào ngành cảnh sát. Năm anh ta tốt nghiệp bậc trung học, một trong số trường Đại học Công an bằng lòng nhận những thanh niên chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Vì lúc đó đang diễn ra chiến sự trong vùng Karabakh, đi nghĩa vụ có nguy cơ phải ra tuyến lửa, là thứ Xvalov rất không muốn. Khi anh ta học năm thứ ba, cuộc cải cách kinh tế trong nước đã lên đến giai đoạn cần có một đội ngũ luật gia chuyên về luật dân sự. Thế là Xvalov tự đặt kế hoạch cho bản thân đi sâu vào việc thi hành luật pháp trong những vấn đề liên quan đến bất động sản. Anh ta tính, sau khi tốt nghiệp Đại học Công an, sẽ chỉ làm việc trong ngành cảnh sát đến hết độ tuổi nghĩa vụ quân sự, rồi băng ra ngoài làm cố vấn luật cho một doanh nghiệp nào đó. Do quan niệm cho rằng công việc của điều tra viên chỉ là miễn cưỡng, nhất thời, không lý thú gì, cho nên không có gì lạ khi toàn bộ thời gian rảnh rỗi, Xvalov dành cho thứ công việc là mục đích cuộc đời anh ta: xử lý các vấn đề về bất động sản. Anh ta nhận cộng tác cùng một lúc với ba doanh nghiệp, thảo các hợp đồng và tiến hành các giao dịch về bất động sản cho họ. Tất nhiên anh ta kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng thời gian dành cho nghề luật quá ít, khiến Xvalov đã tính đến một vị trí khác trong ngành cảnh sát, có điều kiện thời gian thoải mái hơn. Anh ta đang chuẩn bị chuyển sang bộ phận nhân sự, làm tại dây thứ Bảy và Chủ Nhật được hoàn toàn tự do, chưa kể giờ làm việc hàng ngày lại chấm dứt vào sáu giờ chiều, chứ không phải vào sáng sớm hôm sau như hiện nay. Xvalov phải thuyết phục thủ trưởng rất khó khăn, nhưng rồi cũng được đồng ý. Tuy nhiên hiện giờ anh ta chưa thể bỏ ngay công việc, vì vẫn còn những vụ án cần phải khám phá. Vấn đề thuyên chuyển trung uý Xvalov sang bộ phận nhân sự đã được quyết định, và thủ trưởng của anh ta cho biết giấy tờ thuyên chuyển sẽ được ký ngay, sau khi Xvalov hoàn thành cuộc điều tra vụ giết người, tiến hành cùng với Phòng điều tra hình sự của Sở.
Câu chuyện lẽ ra chẳng rắc rối chút nào, nếu như Xvalov đã hưởng thời gian nghỉ phép năm. Theo hợp đồng với một trong ba doanh nghiệp, trong thời gian nghỉ phép này Xvalov nhận làm việc cho họ. Mà công việc họ giao cho anh ta lại khá lý thú. Xvalov sẽ được sang một quốc gia gần đây không những đã trở thành một địa điểm nghỉ mát quốc tế, mà còn là một trung tâm thương mại lớn. Doanh nghiệp Xvalov làm việc dự tính sẽ với tay sang quốc gia đó, trước mắt là tậu một khu đất để xây dựng cơ sở.
Chuyến công cán này dự tính vào giữa tháng Năm, vé đã mua rồi, vì Xvalov cam đoan đến thời gian đó anh ta sẽ được nghỉ phép, kỳ nghỉ phép thường lệ dành cho những người sắp thuyên chuyển công tác. Nhưng muốn được nghỉ phép, lại phải có giấy thuyên chuyển chính thức sang cơ quan mới. Bộ phận nhân sự rất dễ cho nhân viên tuỳ ý lựa chọn thời gian nghỉ phép, nhưng cơ quan điều tra hình sự thì lại rất bó buộc trong vấn đề này. Thủ tục thuyên chuyển phải tiến hành ít ra trong vòng một tháng. Đầu tháng Năm lại có nhiều ngày lễ lớn. Do đấy thời gian còn lại của Xvalov thực tế chỉ còn rất ít.
Vốn tinh nhanh, khôn khéo, Xvalov đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ. Vậy mà bây giờ anh ta bị điều sang tham gia đội điều tra này của Sở. Công việc hiện nay có nguy cơ phá vỡ kế hoạch ra nước ngoài để ký hợp đồng mua đất cho doanh nghiệp. Mà anh ta rất không muốn làm vỡ kế hoạch của doanh nghiệp đó.