Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 12



Những ngày trước ngày lễ bao giờ cũng hàm chứa nhiều biến cố. Cái gì không biết, chứ quy luật này Naxtia thuộc lòng như lòng bàn tay.
Theo quy luật này, càng gần đến kỳ nghỉ lễ “dài”, càng nhiều khả năng xuất hiện những tình huống cần được kiểm tra ngay tức khắc. Những cuộc kiểm tra này càng cần phải tiến hành có hiệu quả, bởi mọi người sắp rời khỏi thành phố, tản khắp các nơi để nghỉ ngơi. Đến lúc đó thì khó mà tìm được ai, và cũng không thể lôi họ đến cơ quan công an nổi. Mà kỳ nghỉ mồng Một tháng Năm bao giờ cũng kéo rất dài: bốn ngày nghỉ cuối tuần, bốn ngày nghỉ lễ, sau đó ba ngày nghỉ nữa. Các tổ chức phi chính phủ thường nối liền ngần ấy ngày vào với nhau thành một chuỗi ngày nghỉ kéo dài. Còn bốn ngày làm việc, chỉ cơ quan nhà nước phải tôn trọng. Các cơ quan phi chính phủ bỏ qua bốn ngày làm việc không đáng kể ấy. Năm nay không khác gì mọi năm, cũng tuân theo cái “quy tắc” đó. Ngày 29 tháng Tư, người ta tiến hành cuộc lục soát lần thứ hai căn hộ của Trercaxov. Cuộc lục soát này được tiến hàh kỹ càng, tỉ mỉ hơn lần trước, lần tiến hành ngay sau khi bắt tạm giam gã. Kết quả cuộc lục soát này đã tìm thêm được hai thứ: một cuốn sổ tay giấu rất kỹ, kín đặc chữ, rõ ràng không phải của gã, và vết dây đất cát rất đặc biệt bên dưới tấm thảm trải sàn nhà.
Nội dung trong cuốn sổ cho thấy người viết rất say mê các trò chơi trên máy vi tính. Rất có thể cuốn sổ đó của Oleg Butenco, cậu trai nạn nhân kia. Ngay hôm đó người ta liên lạc với gia đình cậu ta, nhưng không phải. Một là Oleg không say mê chới các trò chơi trên máy vi tính và bản thân cậu không có máy vi tính. Hai là đem so với chữ cậu ta thì khác hẳn. Tất nhiên, trong những vấn đề như thế này, sự khẳng định chỉ là tam thời. Người ta lấy ở nhà cha mẹ Oleg các vở viết, ghi chép, đem đến bộ phận kỹ thuật để thẩm định.
Còn bản thân Trereaxov thì không biết gì về chữ viết của Oleg. Điều này làm cảnh sát viên Corotcov rất không hài lòng.
– Anh đã bao giờ nhìn thấy cuốn sổ này chưa? – Corotcov đến gặp Trercaxov tại căn hộ, nơi y bị quản thúc và giám sát chặt chẽ.
– Chưa bao giờ. – Trercaxov lắc đầu.
– Sao nó lại nằm trong nhà anh?
– Chắc của Oleg. – Trercaxov gợi ý.
– Chúng tôi sẽ thẩm tra. Nhưng nếu không phải của Oleg Butenco thì là của ai?
– Chịu.
– Anh hãy kể tên những người anh đưa về nhà sau khi Oleg Butenco chết.
– Sau đấy tôi không đưa ai về nhà nữa. Nếu ông định nói đến những đứa tôi làm tình, thì tôi chỉ đến nhà chúng thôi.
– Ngoài những đứa đó, anh còn có họ hàng, hàng xóm, bè bạn quen biết nữa chứ?
– Không ai để sổ lại trong nhà tôi. Điều này tôi biết chính xác.
– Vậy tại sao cuốn sổ lại lạc được vào nhà anh?
– Tôi không biết.
– Hay khi Oleg còn sống, có ai đến gặp cậu ta không?
– Chắc không, bởi cậu ta đang trốn mọi người. Oleg rất sợ lỡ gặp phải người quen cũ.
– Nhưng có thể là những người cậu ta mới quen.
– Làm sao cậu ta quen được ai? – Trercaxov trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi – Oleg không bao giờ ra khỏi nhà thì làm sao quen được ai?
– Sao anh dám quả quyết như vậy? – Corotcov bác lại – Trong lúc anh đi làm, Oleg Buttenco ở nhà một mình, rất có thể người nào đó đến mà anh không biết.
– Tôi đã nói rồi: Oleg đang đi trốn, cậu ta không muốn gặp ai… Cậu ta rất sợ bọn buôn bán ma túy biết nơi cậu ta trốn, bởi cậu ta đã ăn cắp của chúng.
Tha hồ hỏi, Corotcov vẫn không khai thác được gì hơn ở gã. Khi đã rõ rằng cuốn sổ đó không phải của Oleg, Naxtia quyết định đem cuốn sổ đến hỏi cha mẹ tất cả các đứa trẻ con đã bị mất tích…
Còn với vết đất cát dưới tấm thảm trong phòng Trercaxov, muốn mau điều tra ra nguồn gốc, Colia phải sử dụng toàn bộ tài ngoại giao của anh ta, kể cả tiền bạc để mua rượu đãi các chuyên gia thẩm định. Chuyên gia nói rằng đó là đất lẫn với cát và xi măng, và là thứ xi-măng phẩm chất rất kém.
– Đây là có kẻ đã đi giày đế dính thứ đất tại công trường xây dựng nào đó vào nhà này. – Chuyên gia thẩm định nói.
Ngày 30 tháng Năm các cơ quan chỉ làm việc nửa ngày, nên tuy đã hết sức cố gắng, Colia vẫn không kịp làm được việc gì cho hẳn hoi. Việc tìm xem đấy là đất của công trường nào và ai đem đến đây đành phải hoãn. Đã không còn cái thời đang ngồi dự tiệc nhưng nghe tiếng chuông điện thoại của cảnh sát yêu cầu là các cán bộ nhân viên vội bỏ ngay bàn tiệc, lao đi tiến hành công việc ngành cảnh sát yêu cầu.
Tuy nhiên người ta vẫn triệu tập được cha mẹ những đứa trẻ bị mất tích. Thật ra chỉ triệu tập được năm gia đình, ba gia đình còn lại, Corotcov phải đích thân đến nhà gặp họ.
– Đây là sổ tay của con trai chúng tôi, tên là Valeri. – Người cha của Valeri Liskin mặt tái nhợt nói.
Con trai ông bị mất tích vào đầu tháng Mười Hai và được tìm ra thi thể vào tháng Hai.
– Ông tin chắc của con trai ông chứ?
– Đấy là cuốn sổ của Valeri. Nó luôn mang theo trong người, không lúc nào rời.
– Ông còn vở viết hoặc giấy tờ có bút tích của cháu ở nhà không? Để chắc chắn, chúng tôi cần đưa cho chuyên gia thẩm định.
– Tất nhiên còn… Nghĩa là các ông đã tìm ra hung thủ?
– Rất tiếc là hiện nay thì chưa.
– Nhưng các ông tìm thấy cuốn sổ của Valeri ở đâu? Tại sao các ông còn giấu chúng tôi? Tôi là cha, tôi có quyền biết, kẻ nào đã bắt con trai tôi.
– Xin ông tin rằng, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để tìm ra hung thủ.
– Nói dối! – Cha của Valeri kiên quyết khẳng định – Các ông làm hết sức mình để che chở hắn thì có! Thoạt đầu các ông để hắn tự do, đến khi báo chí làm ầm lên, các ông mới chịu bắt hắn, và bây giờ các ông tìm cách gỡ tội cho hắn. Cảnh sát các ông đều là những kẻ bài Do Thái. Nhưng tôi báo trước, chúng tôi không để các ông yên đâu.
Ông Liskin kia nói là làm luôn. Ngày hôm sau, đại tá Gordeev ra lệnh tìm Corotcov và Colia. Đại tá chưa đụng đến Naxtia vì ba ngày nay chị cùng với Xoloviov bận soát lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ của ông này để tìm xem bọn tội phạm cần lấy thứ gì trong hai cái tủ chìm bằng kim loại kia.
Đại tá rầu rĩ nói:
– Chúc mừng hai anh nhân ngày lễ! Hôm nay, vào ngày cuối cùng trước ngày lễ, chúng ta nhận được một món quà tuyệt vời. Cả tám gia đình tám cậu thiếu niên kia cùng gửi đơn phản kháng đến đây. Thằng cha Xlavov khốn kiếp kia không chỉ để lọt tin cho nhà báo, hắn còn tập hợp tám gia đình nạn nhân lại, tạo thành một tập thể. Bởi vậy không chỉ năm gia đình chúng ta đã mời đến cơ quan sở, mà cả ba gia đình mà cậu Corotcov đến gặp nữa, đều viết đơn phản kháng, buộc tội chúng ta bao che tội phạm.
– Bây giờ ta phải làm thế nào, thưa thủ trưởng? – Colia rụt rè hỏi.
– Không có gì để làm cả. Chúng ta đành chịu nghe bọn họ chửi rủa, thậm chí phang gậy vào lưng, đồng thời làm thân con lạc đà, nghĩa là kiên nhẫn bác bỏ những lời vu khống kia, nhất định khẳng định chúng ta không hề bài Do Thái.
Sau câu chất vấn đầy ác ý một cách thành công của gã nhà báo trong cuộc họp báo hôm ấy, tình hình đã đủ xấu lắm rồi: cấp trên vụt chúng ta tới tấp. Không phải ba ngày một lần, mà mỗi ngày, lãnh đạo lại vụt tôi một roi. Nhưng thôi, ta rà soát lại xem, cho đến ngày hôm nay chúng ta đạt được gì rồi nào? Gã Trercaxov khăng khăng không chịu thú nhận gì ngoài vụ Oleg Butenco.
– Còn cô Naxtia? Cô ấy đang điều tra theo hướng khu biệt thự. Biết đâu cô ấy sẽ phát hiện ra điều gì. – Corotcov nói giọng đầy hy vọng.
– Lỡ cô ấy không phát hiện ra điều gì thì sao? – Đại tá Gordeev gạt đi – Cuốn sổ tìm thấy ở nhà gã Trercaxov dù sao cũng đã là một dấu hiệu. Chứ khu biệt thự kia thì cho đến nay còn mờ mịt lắm. Bây giờ chúng ta phải tập trung vào gã Trercaxov. Gã đã đánh lừa, tung hỏa mù cho chúng ta một thời gian, may mà ơn Chúa, chưa phải là dài lắm. Bây giờ chúng ta thấy rõ, không thể tin gã nữa. Tạm thời cứ để gã ngồi trong cái căn hộ có canh phòng nghiêm ngặt kia và tin rằng gã đã đánh lừa được chúng ta. Cho nên, Corotcov, cậu phải hàng ngày đến gặp gã, trò chuyện thân tình để làm cho gã tưởng chúng ta vẫn tin gã. Cậu nói chuyện với gã, tỏ ra tin mọi lời gã nói, trong khi đó phát hiện ra những câu nói hớ của gã. Bây giờ thì chúng ta có thể khẳng định gã không đơn giản như chúng ta lầm tưởng lúc ban đầu.
Đại tá bàn bạc với hai điều tra viên thêm chừng mười phút nữa, thì có tiếng chuông reo trên máy điện thoại đặc biệt nối với Bộ Nội vụ.
– Các cậu thấy chưa – Đại tá Gorđeev thở dài, đứng dậy, cài khuy áo choàng sĩ quan vai rộng – Một cuộc gặp gỡ trước ngày lễ đấy. Tôi phải đi. Các cậu cố gắng nhé, hai bạn thân mến của ta!
Đã sang ngày thứ ba, hai người lục soát theo trình tự ngôi nhà Xoloviov, sục sạo vào mọi ngóc ngách. Giở từng trang sách, lật từng tờ giấy. Xoloviov đã dần dần bớt cảm giác kinh hoàng đêm hôm trước. Naxtia vẫn đóng vai một người không liên quan gì đến chuyện điều tra vụ án, mà chỉ giúp Xoloviov, nhằm làm cho cảnh sát chóng để họ yên thân.
Trong ba ngày đó, Naxtia hiểu ra rằng Xoloviov không đến nỗi bất lực như chị tưởng, khi thấy tên giúp việc làm cho ông ta mọi thứ, kể cả những việc vặt vãnh. Naxtia cũng không phải lo có kẻ gian đột nhập và hành hung ông ta, vì trước cửa nhà bây giờ lúc nào cũng có cảnh sát canh gác. Nhân viên cảch sát này làm hai nhiệm vụ: vừa bảo vệ Xoloviov, vừa giữ không cho ông ta đi đâu ra khỏi ngôi nhà này, bởi chưa phải ông ta đã không còn gì đáng nghi vấn.
Khẩu súng tìm thấy ngoài rừng có vẻ không phải do Xoloviov giấu ở đó, nhưng dấu vết của kẻ thứ tư có mặt trong nhà này đêm hôm đó rất có khả năng là người của ông ta. Kẻ đó đã giết Andrei và Marina rồi quăng súng ra rừng. Dù sao thì việc bảo vệ Xoloviov cũng được tiến hành hết sức nghiêm ngặt và liên tục. Do đấy, khi rời khỏi đây để về nhà, Naxtia không thấy phải thương ông ta. Duy có điều chị chưa hiểu được, là tại sao hai cha con Xoloviov căm ghét nhau đến thế: ông ta kiên quyết không chịu gọi con trai đến cùng sống trong một thời gian ngắn.
– Bao giờ nhà xuất bản mới tìm được cho anh một người giúp việc khác? – Naxtia hỏi, lúc chị ngồi trên bàn, trước tủ chìm mở rộng cửa, đang lật mở một hồ sơ mới.
– Chưa biết. Hiện nay cả ba người trong ban lãnh đạo đều đang đi nghỉ mát nước ngoài. Phải lúc về, họ mới tìm. Nhưng em lục hồ sơ ấy làm gì? Toàn bản thảo dịch thôi. Trong đó không có gì đâu.
– Anh để mặc em, được không? – Naxtia bực tực nói. – Nếu tên gian cũng nghĩ rằng trong này không có gì thì hắn đã chẳng đột nhập vào đây và mở hai cái tủ chìm này. Nếu anh ngại làm thì anh vào bếp pha cà phê đi.
– Nhà hết đường rồi. – Xoloviov ngao ngán nói.
– Lạy Chúa! – Naxtia rên rỉ – Có thế mà anh cũng kêu ca. Nhấc máy lên, gọi cho ông hàng xóm Gienia Iakimov vay tạm một ít là xong. Cái gì cũng phải có người làm hộ anh hay sao? Anh đâm quen được người ta phục vụ rồi. Lát nữa anh kê lên một bản danh sách những thứ anh cần mua, sáng mai em mua cho. Thôi, anh đi làm công việc nào anh thích, nếu anh đã chán cái việc lục soát này.
– Em cáu đấy à? – Xoloviov buồn rầu hỏi.
Naxtia thấy rõ, Xoloviov là loại người thích được xung quanh chiều chuộng, thông cảm, thương xót. Nhưng Naxtia lại không thích chiều chuộng, thương xót anh ta. Câu chị tình cờ nghe thấy về “Nai con” chứng tỏ mấy người ở nhà xuất bản không hề trong sạch tí nào. Chị cảm thấy khó tin những câu chuyện về “nạn nhân vô tội”, cho nên chị cho rằng Xoloviov chắc chắn có dính vào những hoạt động phi pháp của nhà xuất bản kia. Xoloviov đã cộng tác gần gũi với họ, không phải chỉ trong một năm. Mấy tay lãnh đạo nhà xuất bản cử tên giúp việc Andrei đến đây và cả con tội phạm Marina kia nữa, có nghĩa, không phải Xoloviov không biết gì và không dính líu vào hoạt động của họ.
Xoloviov im lặng. Thậm chí ông ta không hề nhắc một câu nào đến Nhà xuất bản “Serkhan”. Hơn nữa, bao nhiều lần Naxtia gợi ý để ông kể về hoàn cảnh nào làm ông thành tàn tật, Xoloviov đều lảng, nhất định không chịu nói. Do đấy, Naxtia thấy không thể thành thật với ông ta được.
Ngồi bệt xuống sàn, Naxtia lật từng trang bản dịch. Đây là một cuốn tiểu thuyết chị chưa đọc, có lẽ nằm trong số đã bán hết. Bị cuốn vào một câu, vô tình Naxtia đọc luôn một mạch cả cuốn truyện. Chị thầm nghĩ, loại truyện này bán chạy không có gì lạ. Viết bằng một thứ văn chương rất lôi cuốn. Các câu văn ngắn gọn và hoa mỹ, không một chút trúc trắc.
Naxtia phải cố dùng nghị lực mới rời được mắt ra khỏi bản dịch, để tiếp tục lật đều đặn từng trang như bình thường. Phòng bên cạnh, Xoloviov đang nói chuyện điện thoại với người hàng xóm. Một lát sau, có tiếng gõ cửa. Gienia Iakimov đem đường sang. Naxtia cố giữ thật im lặng để không gây một tiếng động nhỏ. Chị hoàn toàn không có hào hứng gặp Iakimov, mặc dù nói chung, chị mến anh ta. Có lẽ Xoloviov thấy được như vậy nên không cho Iakimov biết Naxtia đang ở nhà mình, mặc dù xe của chị đậu ngay trước cửa.
May thay Iakimov đi ngay, không ngó vào phòng làm việc. Chắc chắn anh đã nhìn thấy xe ô-tô của chị, nhưng bản chất e thẹn khiến anh ta không hỏi Xoloviov. Lát sau, Xoloviov ngồi xe đẩy lăn vào phòng làm việc, trên đầu gối đặt chiếc khay với ấm cà phê, lọ đường và hai tách.
– Cảm ơn. – Naxtia nói, lúc này đã ân hận về câu nói hơi mạnh lúc này.
Chị rót cà phê, nhấp một chút rồi đặt xuống sàn nhà, ngay bên cạnh. Chị xếp lại ngay ngắn các tài liệu vào cặp hồ sơ rồi thò tay vào tủ chìm định lấy tệp hồ sơ khác. Đấy một tệp hồ sơ mỏng, bìa xanh bằng ni lông.
– Trong ấy không có gì đâu, em không cần xem. – Xoloviov vội nói, và Naxtia cảm thấy thái độ anh ta hơi khó chịu.
– Xoloviov, anh và em đã thống nhất rồi kia mà – Naxtia cau mày nói – Hay anh cứ đi làm việc của anh, để mặc em ở dây.
– Cho anh xin tệp bìa xanh ấy – Xoloviov xẵng giọng nói, tay chìa ra – Tập này để anh soát cho.
Naxtin gạt tay Xoloviov ra rồi nhìn thẳng vào mắt anh ta:
– Đây là giấy tờ riêng của anh à? Anh không muốn em xem chứ gì?
– Đúng thế – Giọng anh ta đột nhiên lạnh nhạt – Đưa nó cho anh.
– Để em xem có thật như vậy không đã. – Naxtia điềm tĩnh đáp.
Chị mở ra, nhìn vào trang đầu tiên. Naxtia thấy hai má nóng bừng. Nỗi ngượng ngùng và giận dữ làm toàn thân chị run lên.
– Anh giữ lại những thứ này làm gì? Anh muốn nhớ lại nỗi nhục nhã của tôi ngày xưa chứ gì?
– Em đừng nghĩ thế.
Có vẻ Xoloviov cũng bối rối không kém. Ông ta nói tiếp:
– Hay em cho rằng mối quan hệ giữa hai chúng ta hồi đó là một điều nhục nhã cho em? Em đừng nghĩ sai như thế!
– Anh Xoloviov, tôi nghĩ chúng ta đã thống nhất với nhau rồi. Tôi không cần ai an ủi về chuyện đó, nhất là không cần ai dối trá. Thân phận của tôi ngày đó ra sao, tôi đã nhận ra từ cách đây nhiều năm. Nhất là khi thấy anh hoàn toàn không quan tâm gì đến tôi, không thèm tìm xem tôi đâu, tôi càng thấy nhận định của tôi là đúng. Và tôi rất không muốn anh giữ lại thư từ và thơ phú tôi viết hồi đó.
Naxtia lôi những tờ giấy trong hồ sơ ra. Chị rất đau lòng nhận ra nét chữ của mình ngày xưa. Chị chợt nhớ lại nỗi đau khổ, uất hận của mình cách đây mười hai năm, khi cuối cùng nhận ra được thực chất của “mối tình” giữa Xoloviov và chị. Nhưng liền ngay sau đó, Naxtia nảy ra một ý nghĩ khác, buộc chị phải bật cười. Giờ đây, chị ngồi trong phòng làm việc của Xoloviov, soát lại tài liệu giấy tờ của anh ta, trong khi anh ta pha cà phê, thỉnh thoảng liếc ngắm chị, và sau khi chị về, nóng lòng mong mỏi chị lại đến. Giá như tình cảm của Xoloviov lúc này mà diễn ra cách đây mười hai năm, hẳn Naxtia sung sướng biết chừng nào: chỉ có hai người trong tòa nhà vắng vẻ, cùng làm một công việc, và Xoloviov không muốn rời khỏi chị… Vậy mà tình trạng này bây giờ lại làm chị cáu kỉnh! Naxtia càng nghĩ càng thấy gã đàn ông tự phụ về chất “giống đực” của mình giữ lại những kỷ niệm xưa về chị là một điều sỉ nhục đối với chị.
Naxtia đưa mắt liếc qua thật nhanh những tờ giấy kia, không cho nó vào tấm bìa ni lông màu xanh nữa, mà gấp làm đôi, nhét vào xắc của chị đang nằm bên cạnh.
– Tôi thu lại những thứ này. – Chị nói bằng giọng dứt khoát, không để ai cãi lại.
– Sao vậy? Những thứ đó là của anh. – Xoloviov phản đối.
– Những thứ này là của tôi, chứ không của ai khác – Naxtia nói – Tôi không muốn anh giữ chúng. Tôi không thích thế.
– Anh hiểu – Xoloviov thở dài đáp – Anh rất tiếc là sự việc lại thành ra thế này. Anh xin lỗi.
Naxtia lấy trong tủ ra một tập hồ sơ khác.
– Em mệt chưa? – Xoloviov săn sóc nói – Hay ta nghỉ, ăn bữa chiều.
– Cũng được – Naxtia nói – Vậy anh hâm thức ăn đi, em soát nốt tập hồ sơ này.
Nói chung, Naxtia cho rằng việc soát tài liệu, chị làm thì hơn vì chị tinh hơn, thấy được ngay nếu có tài liệu nào “lạ”. Xoloviov đã biết những tài liệu này rồi nên rất dễ chủ quan, chỉ soát qua loa.
Trong tập hồ sơ mới này không phải những bản dịch hoàn chỉnh, mà là bản nháp, những bản tóm lược để khi dịch khỏi bị nhầm lẫn khi nói đến các nhân vật xuyên suốt. Người dịch cần nhớ anh ta đã dịch những gì về các nhân vật đã có mặt trong những tác phẩm trước đó, nhất là khi tác giả dùng những từ ngữ đặc biệt, không chỉ truyền đạt theo một cách. Thí dụ, trong cuốn trước, tác giả đã gọi màu mắt của một nhân vật nào đó là “xanh lục” hoặc “xanh nước biển”, thì trong những cuốn sau, khi nói đến cặp mắt của nhân vật đó, vẫn phải dùng đúng cách tả màu mắt như lần trước… Những bản nháp này, theo Naxtia hiểu, chính là nhằm mục đích ghi nhớ các cách miêu tả đó, để khỏi mâu thuẫn với những cuốn sau.
Naxtia lật từng trang, đột nhiên chị thấy một thứ không liên quan đến các nhân vật xuyên suốt của những cuốn truyện trinh thám và hình sự phương Đông. Hai trang nhỏ, chỉ bằng nửa cỡ giấy bình thường, ghi kín một kiểu chữ rõ ràng không phải chữ Xoloviov, và chữ viết nhỏ li ti.
Nội dung là ghi đặc điểm cá nhân của rất nhiều con người: tuổi, dáng hình, chiều cao, trọng lượng, nghề nghiệp, tính tình… bằng những chữ viết tắt và những con số.
– Anh nhìn xem – Naxtia đưa hai tờ giấy này cho Xoloviov – Đâu ra những thứ này?
Xoloviov đưa mắt nhìn, ngơ ngác:
– Lần đầu tiên anh nhìn thấy đấy. Cái gì vậy?
– Thì em đang hỏi anh. Kiểu như bản tóm tắt để học trò “quay phim” về môn tội phạm học. Trong số người quen biết của anh có ai là sinh viên khoa hình sự không?
– Hoàn toàn không. Nhưng tại sao những tờ giấy này lại lọt vào hồ sơ của anh?
– Anh cố nhớ lại xem – Naxtia nhếch mép cười, nói – Vì lẫn trong tập hồ sơ này, ta có thể đoán những tờ giấy này lọt vào đây trong thời gian anh làm những bản tóm lược tính cách các nhân vật xuyên suốt.
– Nếu thế thì đã lâu lắm rồi. – Xoloviov phẩy tay gạt đi.
– Lâu là cách đây bao nhiêu?
– Vài năm. Làm sao anh nhớ được cụ thể thời gian nào? Hay em cho rằng bọn chúng đột nhập nhà anh để lục tìm những tờ “quay phim” này? Làm gì có chuyện đó được! Nếu thế thì thật buồn cười.
– Anh cho là chuyện buồn cười à? Em thì lại không thấy buồn cười chút nào. Thôi, anh nghĩ thế thì anh sang bếp hâm lại thức ăn đi, mặc em.
Naxtia không thể bằng lòng với câu trả lời “vài năm”. Tất nhiên là đã lâu, nhưng chị cần biết cụ thể, khoảng thời gian nào. Mà cũng lạ: tại sao trong hồ sơ tài liệu của Xoloviov lại lọt vào hai “cuộn phim” này, nếu như anh ta bảo không hề quen một sinh viên luật nào?
Naxtia đã hình dung ra cách điều tra để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, nhưng chị thấy sẽ phải tiến hành một khối lượng công việc đồ sộ. Nhưng nếu Xoloviov không chịu cố gắng suy nghĩ để nhớ lại, thì mình đành phải tự làm lấy vậy.
Naxtia bày lên sàn những bản tóm lược của Xoloviov theo thứ tự từng nhân vật xuyên suốt, rồi chăm chú đọc. Quả nhiên Xoloviov là người làm việc cẩn thận, chu đáo. Bên cạnh mỗi đặc điểm của từng nhân vật đều ghi tên tác phẩm đã sử dụng chi tiết đó.
Chị bật máy vi tính, nhìn vào thời gian Xoloviov tiến hành từng bản dịch. Các tác phẩm nguyên bản ghi trong những tờ tóm lược này được ông ta dịch trong thời gian từ tháng Ba 1990 đến tháng Mười Một 1993. Tháng Năm 1994, Xoloviov bắt tay vào dịch “Những đứa con của Bóng đêm”, nhưng trong những tờ tóm lược này không thấy nhắc đến tác phẩm đó. Có nghĩa những bản tóm lược này ông ta viết ra trong quãng thời gian từ tháng Mười Một 1993 đến tháng Năm 1994. Không phải là một quãng thời gian dài lắm…
– Xoloviov! – Naxtia gọi to đủ để Xoloviov bên gian bếp nghe thấy – Tết vừa rồi anh ăn tết thế nào?
– Có chuyện gì đấy? – Tiếng nói dưới bếp vọng lên.
– Nhân tiện em hỏi thế thôi.
– Anh ăn Tết ở đây.
– Một mình?
– Tất nhiên là một mình.
– Cháu Igor không đến à?
– Không. Nó có bạn bè của nó.
– Thế Tết năm ngoái?
– Cũng vậy. Tết năm ngoái anh tàn tật, sống độc thân. Không ai quan tâm đến anh hết.
– Còn Tết năm kia? Hồi đó anh vẫn còn ở căn hộ trong nội thành, đúng không nhỉ? Cũng một mình hay có khách khứa?
– Tết năm kia anh nằm trong bệnh viện. Em hỏi để làm gì?
– Chẳng để làm gì cả. Tiện thì hỏi thôi. Em đang nghỉ giải lao, hỏi chơi cho biết. Ăn được chưa? Em đói rồi.
– Chịu khó chờ khoảng mười lăm phút nữa.
Hay đấy. Vậy là tháng Mười Hai 1993 và tháng Giêng 1994 Xoloviov nằm viện. Có phải do bị đánh không? Và hai tờ “quay phim” kia lọt vào chồng hồ sơ của ông ta chính trong quãng thời gian này. Hoặc sau đó một chút. Nhưng không thể trước đó. Chắc của những bệnh nhân cùng phòng bệnh!
Naxtia gọi to:
– Anh Xoloviov này! Anh còn nhớ cùng nằm chung trong phòng ỡ bệnh viện với anh, có cậu sinh viên hoặc nghiên cứu sinh nào không?
– Không – Tiếng Xoloviov vọng sang – Anh nằm một mình một phòng.
– Nằm lâu không?
– Ba tháng. Anh chưa hiểu em hỏi để làm gi? Sao bỗng nhiên em hỏi những thứ đó?
– Nhân tiện thôi – Naxtia nói – Anh bị gì mà phải nằm viện?
– Bị hai cái chân, anh kể với em rồi thôi. Họ cưa hai chân của anh.
– Sao phải cưa?
– Anh ốm. Em định khảo tra anh đấy à?
– Bệnh gì?
Xoloviov không trả lời. Liền sau đấy, Naxtia nghe thấy tiếng xe đẩy đi về phía phòng làm việc.
Vào đến phòng, Xoloviov nói ngay:
– Tò mò của em đã vượt khỏi giới hạn tế nhị rồi đấy – Giọng anh ta lạnh lùng – Theo anh nhớ thì anh đã tỏ rõ với em, để em biết rằng anh rất không muốn ai nhắc lại chuyện ấy. Anh không định trách em. Nhưng em hiểu cho, anh là đàn ông, anh không muốn nói chuyện bệnh tật với người phụ nữ mình quý mến.
– Có thật anh quý mến không? – Naxtia cười hỏi.
Xoloviov đến gần Naxtia, chìa tay ra cho chị. Naxtia nắm bàn tay gầy guộc, ngước nhìn Xoloviov, bắt gặp luồng mắt trìu mến của ông ta. Đột nhiên chị lại thấy mình bị con người này thu hút.
– Nói quý mến còn chưa đủ ấy chứ – Xoloviov nói – Tình cảm của anh đối với người phụ nữ ấy còn lớn hơn thế nhiều.
– Vậy đối với Marina thì sao? Anh yêu cô ấy kia mà?
– Em thừa biết Marina không là cái gì với anh cả. Cô ta mê anh và anh chỉ tiếp nhận tình cảm ấy của cô ta thôi. Nhưng anh luôn nghĩ đến em.
– Xoloviov, đúng là anh không thay đổi gì hết – Naxtia bật cười vang – Cô ta mê anh và anh chỉ tiếp nhận tình cảm ấy thôi. Y hệt như với em ngày xưa. Suốt đời, anh sống theo kiểu ấy chăng? Anh chỉ giữ thế bị động chứ không chủ động bao giờ, đúng vậy chứ gì?
Trên gương mặt Xoloviov hiện lên vẻ giận dữ cố nén lại.
– Em nói không đúng – Ông ta chỉ nói thế, và buông bàn tay Naxtia – Mười phút nữa, em sang bếp ăn bữa chiều.
Tất nhiên mình nói không đúng, Naxtia trầm ngâm tự nhủ. Mình quan tâm đến bệnh tật của Xoloviov hơi quá mức, nhưng tại sao anh ta không chịu kể mình nghe, chỉ một lần thôi, để không bao giờ mình quay lại chuyện đó nữa? Hay đó là do thằng con trai anh ta thật?
Có đúng Igor đã cùng bè bạn của nó tổ chức ăn cướp tiền bạc của cha nó mà nó biết rằng cha nó đang mang trong người rất nhiều? Mà cũng có thể con trai anh ta không trực tiếp tham gia, mà bạn bè của nó biết được là cha nó vừa đi lĩnh một khoản nhuận bút rất lớn, đã tiến hành ăn cướp? Và trong số bè bạn của Igor đó có một sinh viên trường luật? Một vấn đề khác: làm sao cuộn “phim” kia lọt vào số hồ sơ của Xoloviov? Naxtia đoán, có thể thằng sinh viên đó đến thăm cha bạn, lấy thứ gì trong cặp đã làm rơi ra hai mảnh giấy “phim” kia. Igor không nhìn thấy, và khi Xoloviov thu lại giấy tờ đã vô tình vơ cả những tờ giấy đó vào lẫn trong số giấy tờ của ông ta trên bàn viết. Có thể suy đoán ra nhiều tình huống khác nữa, là nguyên nhân khiến hai tờ “phim” đó lẫn vào số giấy tờ của Xoloviov.
Nhưng nếu hai mảnh giấy khổ nhỏ kia là của một trong những đứa đã tấn công Xoloviov và ăn cướp số tiền nhuận bút rất lớn của ông ta, thì vì sao nó lại cần phải thu lại chúng một cách vội vã, khẩn cấp như vậy? Tóm lại, sự việc có thể diễn ra như sau: Igor chơi với một sinh viên luật. Tên sinh viên này để quên hai mảnh giấy nhỏ kia trong nhà Xoloviov. Nhưng đấy đâu phải chứng cứ phạm pháp để hắn phải thu lại? Hơn nữa tên sinh viên kia đến nhà Xoloviov, để quên những tờ giấy kia lại, chưa có nghĩa hắn tham gia vụ cướp. Nhưng hắn cần thu lại những tờ giấy đó để làm gì?
– Naxtia, sang đi kẻo nguội mất. – Tiếng Xoloviov bực tức bên gian bếp vọng sang.
Naxtia mải suy nghĩ quên cả thời gian. Xoloviov bảo mười phút nữa sang, nhưng đã quá cái mười phút ấy nhiều rồi. Naxtia bừng tỉnh, vội đứng lên, nhét hai mảnh giấy kia vào túi xách, để sau này xem kỹ lại.
Thức ăn không ngon, đúng là bữa ăn tiêu biểu của một người đàn ông độc thân: xúp thì bằng gói xúp khô đổ vào nước đun sôi. Xúc xích và đồ hộp hâm nóng. Cà phê và bánh ngọt. Hai người ngồi lặng lẽ, nặng nề. Lúc uống cà phê, Naxtia quyết định nói:
– Anh Xoloviov, ta nên khẳng định thương tật của anh là do một hành vi tội phạm. Anh đừng đem chuyện siêu vi trùng hoặc nguyên nhân nào khác ra kể với em. Anh không muốn khẳng định đó là một hành vi tội phạm thì tùy anh. Nhưng đấy là anh nói không đúng. Em chứng minh cho anh thấy. Có phải hôm đó anh bị chúng cướp không?
– Anh chưa hiểu, em hỏi thế để làm gì?
Mặt anh ta tái nhợt, mồ hôi lấm tấm trên trán và thái dương.
– Anh thừa biết rồi. Anh muốn bao che cho một kẻ nào đó. Em có đủ cơ sở để biết rằng anh muốn bao che cho con trai anh.
– Thằng Igor thì dính dáng gì vào chuyện này? Sao em dám nghi là nó..,
– Vì thấy anh khăng khăng không chịu bảo nó về đây giúp anh trong thời gian này, khi nhà xuất bản chưa tìm được người giúp việc cho anh. Tại sao anh ghét con anh đến thể? Anh thử cắt nghĩa cho em xem nào.
– Anh không buộc phải cắt nghĩa gì cho em hết. Quan hệ giữa hai bố con anh là việc riêng của anh, không liên quan gì đến em.
Xoloviov đã tỏ thái độ rõ ràng. Tất nhiên Naxtia có thể dồn ông ta đến chân tường, buộc ông ta phải thú nhận sự thật. Có thể lắm. Nhưng có cần như thế không? Có nên gây chuyện cãi cọ nhau lúc này không? Vả chăng, đến giờ Naxtia vẫn chưa biết, thứ bọn gian cần tìm ở nhà Xoloviov có phải hai mảnh giấy kia không. Chưa kể rất có thể không phải mấy tờ giấy đó, bởi việc tổ chức lục soát và lấy đi thứ gì đó rõ ràng là bàn tay của những người ở nhà xuất bản, và như thế thứ họ cần tìm đâu phải “phim” của sinh viên!
Sau bữa ăn, mỗi người lại ngồi một góc. Xoloviov ngồi trong phòng khách, bên cạnh tủ sách, rũ từng cuốn xem có giấy tờ nào gài lẫn vào các trang sách không. Naxtia thì ngồi trong phòng làm việc, soát từng hồ sơ trong tủ chìm.
Vào khoảng tám giờ tối, Naxtia cảm thấy mệt. Chị thấy ngán ngôi nhà này, ngán Xoloviov, anh ta có vẻ không thích thú gì công việc lục soát này, và bất cứ lúc nào cũng chỉ muốn lái sang câu chuyện về mối quan hệ giữa anh ta và Naxtia. Chị thấy ngán mọi thứ ở đây: các tập hồ sơ, giấy tờ, tài liệu…
– Thôi, đủ rồi… – Naxtia đứng lên, vươn vai, sang phòng khách.
Chị nói với Xoloviov:
– Em soát lại hết các hồ sơ trong tủ chìm lớn của anh rồi. Ta dạo chơi một lát chăng? Cần vận động một chút. Đi dạo về, em soát lại tủ nhỏ nữa là xong.
– Xong nghĩa là sao? Vậy mai em có đến đây nữa không?
– Đến làm gì? Vì trong khi em soát hai tủ chìm trong phòng làm việc thì anh cũng rà soát các sách ở tủ kính bên này rồi. Hay anh chưa soát?
– Anh chưa làm xong.
– Xoloviov – Đột nhiên Naxtia cáu kỉnh – Anh trẻ con quá! Tại anh vừa soát vừa đọc những cuốn sách ấy. Tất nhiên ham đọc sách là tốt, nhưng không phải trong lúc em đang làm ở đây. Ta đã phân công thống nhất với nhau rồi. Khi em xong việc trong kia thì anh cũng phải xong ngoài này. Ta cần kết thúc công việc thật nhanh. Em còn bao nhiêu công việc ở doanh nghiệp, ngồi mãi với anh ở đây sao được? Anh nên nhớ rằng chuyện rắc rối của anh đâu do em? Tất cả chỉ do anh cầu cứu em, khiến em phải nhờ cậy đến bè bạn bên công an, em mới bị vướng vào vụ án mạng này. Nếu không, em đang yên ổn và chẳng phải làm cái việc giúp anh lục soát các thứ như thế này. Cho nên em yêu cầu anh phải cố gắng lên, đừng để việc của anh biến thành việc của em. Sau đây ta ra dạo chơi ngoài trời một lát, khi về em soát nốt cái tủ chìm nhỏ, thế là xong việc của em. Phần các sách trong tủ kính ngoài này thuộc về anh.
Xoloviov nghe Naxtia tuôn ra một tràng, không hề ngắt lời chị, mà mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ xa xăm.
– Nếu em muốn dạo chơi ngoài trời thì đi một mình. Anh không muốn hễ gặp người nào ngoài đường, cũng bị giữ lại hỏi chuyện này nọ.
Naxtia nói rồi nhún vai, sang phòng làm việc. Lần này không phải những hồ sơ bản thảo nữa mà là các giấy tờ công việc.
Trong này có hai tấm hộ chiếu, một trong nước và một dùng để ra nước ngoài, giấy chứng chỉ hôn thú, giấy xác nhận cái chết của vợ Xoloviov, sổ tài khoản ở ngân hàng, giấy xác nhận mức độ thương tật, giấy tờ nhà đất và các giấy tờ khác. Tóm lại, tất cả những giấy tờ thường thấy trong mọi căn hộ, mọi gia đình. Nói chung các giấy tờ ở đây đểu khổ nhỏ, chỉ duy nhất có một cặp bìa da rất đẹp là khổ to. Cặp da này lập tức thu hút sự chú ý của Naxtia. Bên cạnh những giấy tờ thông thười cái cặp da này có vẻ đồ sộ và quý.
Nhưng trong cặp cũng vẫn không có gì đặc biệt, chỉ là các bản hợp đồng dịch sách, được xếp cẩn thận theo đúng thứ tự thời gian. Naxtia đọc bản hợp đồng thứ nhất. Theo đúng thể thức thông thường. Thời hạn giao nộp bản thảo là từ ngày… đến ngày… Nhà xuất bản được quyền in và phát hành tác phẩm… Tác giả bản dịch có nhiệm vụ đưa bản thảo trước ngày… Cách tính nhuận bút… Mỗi ngày đưa bản thảo chậm sẽ bị phạt… Mỗi bản hợp đồng với nhà xuất bản gồm bốn tờ.
Naxtia lơ đãng giở từng bản hợp đồng một, chủ yếu chỉ xem trang thứ nhất, chỗ ghi thời gian. Sau ba ngày làm việc chăm chú, mắt chị đã mỏi, đầu đã nhức nhối. Chị làm như cái máy: một, hai, ba, tháng Tám 1994, một, hai, ba tháng Mười Hai 1994, một, hai, ba, tháng Tư 1995, một, hai, ba, tháng Chín 1995, một, hai, ba… Lại cái gì nữa thế này? Một bản hợp đồng có không phải bốn tờ, mà năm!
Tờ thứ năm này là một fax rất lạ. Trên có tiêu đề của Nhà xuất bản “Serkhan”, đề ngày 16 tháng Chín 1995, dưới là bản kê những cuốn sách nhà xuất bản sẽ cho ra trong tháng Mười 1995. Bản fax này có vẻ chỉ nhằm gửi cho các vị lãnh đạo của nhà xuất bản để quyết định số lượng in. Có gì là lạ? Nhưng sao nó lại nằm ở đây?
Naxtia lấy riêng bản hợp đồng này ra, ngắm nghía kỹ lưỡng cả hai mặt, theo đủ các chiều. Tờ fax được kẹp vào bản hợp đồng bằng một cái cài giấy. Bản hợp đồng ghi ngày 16 tháng Chín 1995, và là bản sao, chất lượng khác với tờ fax.
Naxtia mỉm cười đoán, hẳn là sự việc đã diễn ra theo trình tự như sau. Xoloviov đến nhà xuất bản. Sau khi thỏa thuận xong thời hạn nộp bản thảo và chế độ nhuận bút, hai bên ghi vào mẫu đã in sẵn, sau đó họ làm photocopy từng tờ. Nhưng lúc kẹp bốn tờ vào với nhau, người ta vô ý kẹp cả tờ fax lúc đó cũng đang nằm trên bàn giấy, và Xoloviov đã cầm bản hợp đồng năm tờ này về.
Naxtia đưa mắt đọc danh sách những cuốn sẽ in trong tháng Mười 1995, và chị giật mình. Bản danh sách gồm rất nhiều đầu sách, nhưng có hai đầu sách trùng với tên sách đã xuất bản từ trước, mà chị vừa đọc được trong những hợp đồng trước đó.
Naxtia lật ra xem lại những bản hợp đồng trong cặp da, và thấy đúng như mình nghi ngờ. Hai đầu sách đó là cuốn “Danh dự Samurai”, hợp đồng với người dịch ghi ngày 4 tháng Tư 1993, và thời hạn được phép xuất bản cũng như phát hành là một năm, tức là đến ngày 4 tháng Tư 1994 hết hiệu lực. Tại sao nhà xuất bản “Serkhan” lại có quyền in nó vào tháng Mười 1995? Đây là hành động phạm pháp. Còn đầu sách thứ hai là cuốn “Cái chết của một Samurai”. Cuốn này dịch giả giao nộp Nhà xuất bản ngày 1 tháng Chín 1993, và thời hạn xuất bản chỉ có hiệu lực đến ngày 1 tháng Chín 1994. Chà, bọn lừa đảo!
Naxtia nhớ đã mua cuốn “Lưỡi kiếm” tại quầy sách ở Quảng trường Ba ga xe lửa, vẫn còn thơm mùi mực in. Trong khi Xoloviov bảo chị rằng cuốn ấy đã bán hết từ lâu, thì sách vẫn bày trên các quầy sách và bán khá chạy.
Thì ra là thế. Chính tờ fax này mấy vị lãnh đạo của Nhà xuất bản “Serkhan” cần tìm và thu lại. Bởi nếu Xoloviov đọc thấy, ông ta phát hiện được ngay sự tráo trở và cách làm ăn phi pháp của họ. Ai chứ Xoloviov là người dịch, tất phải nhớ chính xác cuốn nào của mình xuất bản vào thời gian nào. May mà ông ta chưa đọc lại bản hợp đồng, khi đem về nhà là cho ngay vào cặp và cất trong tủ chìm kim loại. Nếu phát hiện ra, ông ta có thể đưa vấn đề này ra ánh sáng, Nhà xuất bản sẽ bị pháp luật can thiệp, thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.