Vadim không bao giờ tiếp xúc với Ocxana khi có người khác. Y không muốn trưng ra việc y quen biết cô gái. Nhưng Vadim hiểu rằng một phụ nữ trẻ nhận cộng tác không công với y (thật ra là vì tiền, nhưng đấy là về tương lai, mà cái tương lai đó còn xa), cho nên cần chiều chuộng cô ta. Dù chỉ là thỉnh thoảng, khi có điều kiện, y mời cô ta đi ăn khách sạn. Nhưng để tránh cách đó, y bố trí một khách sạn ngay tại nhà: y mua về rất nhiều thức ăn đắt tiền và tự nấu nướng lấy. Đồng thời y cũng chú ý đến cả chế độ ăn kiêng của Ocxana. Do đó cô gái rất biết ơn “sếp” của mình. Món duy nhất Ocxana hoàn toàn không thể ăn được là dứa, thứ rất cần để đốt cháy mỡ. Thứ quả tập trung nhiều chất toàn có ích đó, một là lập tức làm cô ta bị dị ứng, nổi mẩn đỏ khắp hai má và dưới cổ, hai là nó làm cô xót mặt trong lợi và má. Tình trạng không ăn được dứa đối với Ocxana trở thành một bi kịch, bởi cô rất mê mùi vị của nó. Dứa còn làm cô nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, khi đó những hộp dứa dán nhãn màu xanh, bên ngoài đề dòng chữ “Đứa ngâm trong chất nước đặc biệt” được Ocxana coi là món ăn ngon nhất trên đời, và cha cô thỉnh thoảng mới mua được trong cửa hàng đặc biệt đem về cho con gái.
Hôm nay Vadim lại tổ chức một bàn tiệc khách sạn ngay trong nhà như thường lệ. Hôm qua, khi hẹn với Ocxana gặp nhau hôm nay, qua giọng nói của cô, Vadim biết rằng cô ta sẽ báo cho y biết một tin quan trọng. Và nếu như vậy thì cần động viên cô ta, để cô ta cố gắng tiến hành công việc.
Ngồi ăn những món hải sản quý Vadim mua về (ít calo mà chứa nhiều sinh tố, rất bổ ích cho nước da), Ocxana kể tỉ mỉ cho “sếp” nghe về nội dung cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Nhà xuất bản “Serkhan” với hai tác giả phản bội, đã bỏ họ sang với nhà xuất bản khác.
Vadim hỏi:
– Có thật Nhà xuất bản “Xantana” giàu hơn “Serkhan” không.
– Em không biết. Em luôn nghe thấy Exipov nói rằng “Serkhan” trả nhuận bút cao nhất Moxcva. Không nhà xuất bản nào cạnh tranh được với họ. Bởi vậy, Exipov rất ngạc nhiên khi nghe thấy “Xantana” trả nhuận bút cao gấp đôi anh ta.
– Chà, lạ đấy nhỉ!
Vadim vừa dùng chiếc nĩa nhỏ trộn món salat đóng hộp được rưới thêm dầu thực vật, vừa trầm ngâm suy nghĩ. Quả là một thông tin rất lạ. Hay Nhà xuất bản “Xantana” vừa mới giàu lên, mà cũng có thể là cuộc chạy đua giữa hai nhà xuất bản đang được đẩy cao, và “Xantana” chấp nhận lỗ vốn để “hạ” “Serkhan”? Vấn đề này đúng là cần tìm hiểu…
– Cô em hãy lắng nghe cho kỹ xem nhà xuất bản của cô sẽ còn nói những gì về “Xantana”. Ta muốn biết, họ tính sẽ đối phó bằng cách nào. À, mà cuối cùng họ thỏa thuận với các tác giả ra sao?
– Chưa có gì cụ thể. Họ nói với nhau xong thì chia tay nhau. Theo em đoán, Exipov đang tính sẽ hứa tăng nhuận bút cho các tác giả khác để không xảy ra tình trạng như vừa rồi nữa. Nhưng đấy chưa phải điều đáng cho ta quan tâm nhất.
– Có điều gì nữa, cô nói đi..
– Họ đang gặp rắc rối với Xoloviov?
– Với Xoloviov? Dịch giả đang làm bộ “Kiệt tác Phương Đông” cho họ ấy à?
– Vâng, chính ông ta. Chính ông ta đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho Nhà xuất bản “Serkhan”. Tay Phó giám đốc Avtaev luôn nói rằng, bộ sách đó bán chạy hơn mọi sách khác của Nhà xuất bản. Mà người dịch cho bộ sách ấy chỉ là một mình Xoloviov.
– Nhưng rắc rối với ông ta thế nào?
– Nhà xuất bản “Serkhan” đang tìm thứ gì đó ở chỗ ông ta.
– Nghĩa là sao?
– Chính em cũng chưa biết cụ thể. Em chỉ nghe loáng thoáng thấy họ bàn nhau như thế thôi.
– Cô nói kỹ hơn xem nào. – Vadim yêu cầu.
– Hôm ấy em ngồi trong ô-tô với Exipov. Chúng em đến một hãng. Anh ta ra ngoài chừng năm phút, đúng là chỉ năm phút thôi, chắc là để gặp ai đó, cho nên không mang theo điện thoại di động. Trong lúc anh ta không có mặt trên xe, em thấy chuông điện thoại di động kêu. Em cầm lên nghe, thấy một người gọi và nhờ chuyển lại cho Exipov là Corenev gọi. Lúc Exipov quay vào xe, em kể lại, thì thấy anh ta lập tức gọi điện cho cái người tên là Corenev kia. Hai người nói chuyện rất ngắn. Exipov nói: “Cậu làm ăn thế à, con khỉ! Không được. Phải gắng lên. Mình biết cậu đã cố gắng, nhưng phải tìm ra cho bằng được. Đến lúc này là quá chậm rồi đấy”. Sau đó khoảng nửa giờ, lúc ấy em và anh ta đã về nhà, anh ta gọi điện cho Phó giám đốc Avtaev. Hai người bàn về cuốn sách Xoloviov mới dịch xong. Nào chuyện ma két, chuyện in ấn, đủ thứ rắc rối. Đột nhiên Exipovnói: “A, nhân tiện mình báo cho cậu biết, thằng cha vẫn chưa tìm ra. Phương án kia vậy là không ổn. Tất nhiên chúng ta chưa bỏ, nhưng ta vẫn phải nghĩ ra một phương án khác”.
– Nhưng tại sao cô cho rằng chuyện đó liên quan đến Xoloviov?
– Bởi họ nói đến ông ta. Exipov chẳng đã nói: “Thằng cha vẫn chưa tìm ra”. Nếu không phải chuyện Xoloviov thì anh ta phải nói câu khác, đại loại, tìm ra cho ai chứ. Anh thấy có đúng không?
Vadim lại trầm ngâm, chậm chạp nói:
– Cũng có thể. Rất có thể vì bọn họ đang mải quan tâm đến chuyện “tìm” kia, cho nên khi trao đổi với nhau, không cần nói rõ tìm cái gì, tìm cho ai, tìm ở đâu. Dù sao, đấy cũng là chuyện hết sức quan trọng, cô em thân mến ạ. Như thế là có một thứ hiện chúng ta chưa biết. Chúng ta cần biết mọi thứ về họ và nhà xuất bản của họ. Chỉ khi đó chúng ta, tôi và cô, mới có thể đẩy họ lên cao, để sau này ta moi. Cô phải cố gắng nữa lên vậy.
Hôm đó, Vadim chưa biết gì thêm nữa ở Ocxana, nhưng riêng điều cô ta cho biết kia cũng đủ gợi lên cho y những suy nghĩ về thái độ cần có đối với Nhà xuất bản “Serkhan”. Việc đầu tiên là phải điều tra xem liệu việc chọn nhà xuất bản này để đầu tư công sức có phải một sai lầm không? Hay mình đã phạm một dại dột lớn là ngay từ đầu, không nhắm Nhà xuất bản “Xantana”?
Hai năm trước đây, khi Vadim quyết định sự lựa chọn, Nhà xuất bản “Serkhan” đang là nhà xuất bản có triển vọng nhất trong các nhà xuất bản ở Moxcva, còn Nhà xuất bản “Xantana” khi đó chưa ai biết đến. Ngay cả trên tuần báo “Điểm sách”, tờ báo chuyên môn của ngành xuất bản và phát hành sách báo, tên “Xantana” chỉ lâu lâu mới được nhắc đến, trong khi hầu như trong tất cả các trang quảng cáo đều có tên Nhà xuất bản “Serkhan”. Vậy mà bây giờ “Xantana” đột nhiên dám trả khoản nhuận bút khổng lồ cho các tác giả của “Serkhan”. Hay “Xantana” đã thành nơi rửa tiền cho kẻ nào đó? Bởi nếu không phải thì không thể có chuyện đang từ một nhà xuất bản không ai biết đến, đột nhiên dám nhảy lên võ đài như vậy. Chà, chuyện này phải điều tra xem thế nào.
Xoloviov hoàn toàn mất khả năng làm việc. Ông không ngờ chuyện đàn bà lại làm ông rối tung đầu óc đến như vậy. Mà có phải cô nào mới mẻ đâu, chỉ là Naxtia người cách đây bao nhiêu năm đã là người tình của ông. Hồi đó cô ta sùng bái ông, mê mẩn ông, ông không cần chinh phục, vậy mà bất cứ lúc nào cần đến cô ta, ông chỉ vẫy tay một cái là cô ta đến liền. Rồi khi cắt đứt với cô ta, Xoloviov đã thở phào nhẹ nhõm, như thoát được một cái gông đeo cổ, thoát được mối tình chẳng đem lại cho ông chút vui thú nào. Vậy mà bây giờ… Tại sao lại như thế được? Tại sao bây giờ ông trằn trọc vì cô ta, không còn suy nghĩ được gì khác, mà lúc nào cũng tơ tưởng đến cô ta?
Xoloviov nhìn vào trang sách đặc kín những chữ tượng hình, nhưng ông không hiểu gì hết. Trang sách này để mở trước mặt ông ta từ hôm qua, vậy mà ông chưa viết thêm được một dòng nào lên bản dịch sang tiếng Nga. Thậm chí nghĩ cô Marina không thể thay thế được Naxtia.
Bỗng nhiên Xoloviov thèm được đắm mình trở lại không khí của cái thời xa xăm ấy, khi Naxtia hoàn toàn thuộc về ông. Xoloviov biết muốn thế phải làm gì. Ông còn giữ những lá thư. Thư của nàng. Thậm chí không phải thư mà chỉ là những mẩu giấy nhỏ, Naxtia để kèm theo những bài thơ nàng viết. Hồi đó, Xoloviov coi những mẩu giấy đó là những thứ buồn cười, vớ vẩn, nhưng không hiểu sao ông lại không vứt đi. Hồi Xvetlana còn sống, ông đã giấu vợ, nhét những mẩu giấy ghi những vần thơ kia, mỗi mẩu vào một hồ sơ lưu trữ. Rồi đến lúc không cần giấu nữa, sau khi Xvetlana qua đời, khi lục lại hồ sơ lưu trữ, hễ thấy mẩu giấy đó ông đều thu lại, cho vào một hồ sơ riêng. Xoloviov không hể đọc lại chúng, và nói chung, trong ngần ấy năm trời, ông không hề nhớ đến Naxtia, nhưng vẫn không quăng tập hồ sơ ấy đi.
Lúc dọn sang ngôi nhà mới này, ông đã đặt kiến trúc sư bố trí cho ông hai tủ chìm trong tường, tủ nhỏ ông cất tiền và giấy tờ quan trọng, tủ to ông cất các hồ sơ lưu trữ. Từ nhỏ, Xoloviov đã có tính rất sợ hỏa hoạn, không hiểu sao ông linh cảm thấy sớm muộn rồi ngôi nhà ông sẽ bị cháy, và mọi thứ lưu trữ của ông sẽ bị thiêu đốt hết. Vì vậy, ông đặt người ta làm cho ông thứ tủ bằng kim loại không cháy. Vợ ông thường gọi đùa chồng là Pluskin, một nhân vật trong văn học, khư khư giữ các thứ riêng của mình chỉ lo mất. Trong hồ sơ lưu trữ, Xoloviov cất mọi thứ, từ những bài dịch ông đã dùng để dạy sinh viên, cho đến bản thảo những cuốn sách dịch mới nhất mà ông đã đưa in. Những bản nháp, đề cương luận án, nghiên cứu chuyên đề, thư từ, ảnh chụp, những bài làm ở trường của con trai ông, Igor, những tóm lược bài báo trong các tạp chí lớn. Trong “kho lưu trữ” đó có cả chỗ dành cho những bài thơ của Naxtia.
Xoloviov lấy chìa khóa trong ngăn kéo ra mở một tủ chìm bằng kim loại đó. Tấm bìa ni lông mỏng màu xanh ấy hẳn nằm trong ngăn dưới. Sau khi dọn đến tòa biệt thự này, ông tỉ mỉ, cẩn thận sắp xếp lại từng loại tài liệu, dán nhãn lên bìa và đặt vào theo một thứ tự hợp lý, bởi ông nghĩ biết đâu sẽ có lúc cần tìm. Những thứ ít khi dùng đến ông cho xuống dưới cùng, những thứ hay phải dùng ông cho lên trên. Trên cùng là bản thảo những cuốn sách mới in, các hợp đồng cùng những tài liệu quan trọng khác.
Xoloviov đưa mắt nhìn xuống phía dưới, nhưng không thấy tấm bìa ni lông màu xanh đâu. Ông lục tìm kỹ hơn. Đây rồi. Sao hồ sơ này lại nằm trên cao thế nhỉ? Bởi hôm xếp tư liệu vào đây, ông nghĩ đây là thứ ít có triển vọng moi đến, đã xếp xuống dưới cùng, bên cạnh những thứ kỷ niệm thời thơ ấu kia mà? Không thể có chuyện khi xếp tài liệu vào tủ chìm này, ông lại nghĩ đến một ngày nào dó Naxtia sẽ trở lại. Làm gì có chuyện đó được? Việc nàng quay trở lại với Xoloviov vừa rồi chỉ là ngẫu nhiên, và hoàn toàn bất ngờ đối với ông. Vậy sao lại thế này?
Câu trả lời tự đến và làm Xoloviov hết sức khó chịu, thậm chí còn làm ông hoảng sợ: rõ ràng đã có kẻ lục lọi. Nhưng kẻ nào đã mở két của ông và làm đảo lộn thứ tự tài liệu? Hắn lục để làm gì? Chỉ là tò mò chăng? Nhưng là ai? Và lúc nào? Ý nghĩ đầu tiên của Xoloviov là tên giúp việc trước. Hắn tỏ ra gian xảo, chính vì thế mà ông đã đuổi hắn. Rất có thể trước khi ra khỏi nhà này lần cuối cùng, hắn đã tính lục lọi trong này xem thứ gì quý có thể bán lấy tiền. Nhưng thứ gì? Trong số tài liệu của Xoloviov có thứ gì tên khốn kiếp ấy có thể kiếm chác vào đấy được? Làm gì có, và hắn thừa biết là như thế. Nhưng một điều khác cũng rất rõ ràng: có kẻ đã lục lọi ngăn tủ chìm này. Nếu không, hồ sơ giấy tờ về Naxtia không thể tự nhảy lên trên như thế này.
Xoloviov hít một hơi thật sâu, rồi lấy lại nhịp thở bình thường, soát lại các hồ sơ tài liệu. Hình như không mất thứ gì. Mọi thứ đều y nguyên. Nhưng nỗi nghi ngờ lúc trước không buông tha ông, bởi rõ ràng thứ tự các hồ sơ đã không còn như cũ. Có kẻ đã làm đảo lộn tất cả. Ít nhất thì các bản thảo cũng không còn nằm theo thứ tự như trước, mà điều này thì ông chắc chắn, bởi ông xếp chúng theo từng thời gian in sách.
Cố dẹp đi nỗi lo lắng, Xoloviov xếp lại các thứ theo đúng trật tự cũ. Xong việc, ông khóa tủ. Xoloviov không còn hào hứng đọc lại những bài thơ và mẩu giấy ngày xưa của Naxtia. Đầu óc ông trở lại với những linh cảm mơ hồ và khủng khiếp, vẫn thường ám ảnh ông trong đêm khuya, mỗi khi ông nghe thấy tiếng động nhè nhẹ và tưởng như có chân người rón rén. Bây giờ Xoloviov thấy đấy không phải mình tưởng tượng, mà có kẻ rón rén thật. Hắn là ai? Hắn muốn tìm thứ gì? Quái lạ thật. Không phải. Chỉ là mình mê hoảng thôi. Vớ vẩn!
Nhưng sao các tập hồ sơ lại không còn ở nguyên vị trí trước kia của chúng?…
Xoloviov quyết định bấm chuông gọi cậu giúp việc. Chỉ nửa phút sau, Andrei đã xuất hiện.
– Thưa, ông chủ cần gì ạ?
– Tôi đã nghĩ rồi, có lẽ tôi phải mua bảo hiểm ngôi nhà này thôi – Xoloviov nói, cố không nhìn chăm chú lắm vào tên giúp việc – Cậu sang liên hệ với ông Gienia Iakimov, hỏi xem ông ta đã liên hệ được với cô Naxtia chưa, và rất có thể cô ta đã cho ông ta biết số điện thoại ở hãng bảo hiểm. Nếu có, thì cậu gọi điện cho cô ta, bảo tôi đề nghị hãng cử đại diện đến đây gặp tôi. Còn nếu ông Iakimov không có số điện thoại nơi làm việc của cô Naxtia, thì cậu nói với ông ta rằng, khi nào liên lạc được với cô ấy, ông ta ghi thêm tên tôi vào danh sách những người muốn mua bảo hiểm.
– Vâng, thưa ông chủ. Tôi sẽ làm ngay. Nhưng…
– Sao? Có chỗ nào cậu chưa hiểu? – Xoloviov hỏi, có lẽ giọng hơi xẵng quá mức, bởi ông thấy trên mặt gã giúp việc hiện lên vẻ tự ái, như thể hắn nghĩ ông cho rằng gã ngu dốt đến nỗi không hiểu ông nói gì.
– Vì bà Naxtia là người quen lâu năm của ông chủ, tôi tưởng bà ấy phải cho ông chủ số điện thoại của bà ấy chứ?
– Tôi đề nghị cậu làm theo đúng những gì tôi yêu cầu. Và không bình luận thêm gì hết.
Lần này thái độ của gã giúp việc lại còn lạ hơn. Gã tỏ vẻ đã yên tâm, nhưng Xoloviov đang mải đắm mình vào nỗi lo âu riêng, không chú ý đến gã.
Xoloviov cố dẹp đi nhu cầu khẩn thiết là gọi điện đến nhà riêng cho Naxtia, bởi bây giờ đã có cớ để gọi. Ông phải ghìm mình rất căng thẳng mới dẹp được cái nhu cầu ấy. Cô ấy có cần đến mình đâu? Và ông không muốn để Naxtia cho rằng ông làm vướng chân cô ấy.
Chỉ một lát sau, Andrei đã về, cho biết ông hàng xóm Iakimov cũng không biết số điện thoại nơi làm việc của Naxtia, nhưng khi nào bà ta gọi điện đến, ông ta sẽ báo bà ta biết đề nghị của ông chủ. Xoloviov cố tự trấn tĩnh, ngồi vào bàn tiếp tục dịch, nhưng ông thấy mệt mỏi, không có chút hào hứng nào. Đã hơn sáu giờ chiều, Marina sắp đến, vậy là ngày hôm nay ông chưa viết được dòng chữ nào.
Xoloviov kiên quyết tắt máy tính, đưa xe đẩy đến bên cửa sổ. Hôm qua và hôm kia trời còn mưa, vậy mà hôm nay mới từ sáng, trời đã nắng. Trong suốt mười, mười hai tiếng đồng hồ, cánh rừng trước mặt luôn phủ một lớp mỏng sương mù xanh biếc. Màu xanh êm dịu nhìn sướng mắt đã làm dịu đi phần nào nỗi khắc khoải trong lòng ông. Mười lăm phút sau, Xoloviov cảm thấy trong người dễ chịu hơn rất nhiều, ông đã gạt đi được nỗi bực dọc về sự lộn xộn trong cái tủ chìm đựng hồ sơ tài liệu.
Trước lúc bảy giờ một chút, Andrei vào phòng, xin phép đi. Gã vẫn giữ một cái lệ là tế nhị ra khỏi nhà trước khi Marina đến, do đó tất cả những công việc cần ra khỏi nhà, gã đều lui lại buổi tối. Hôm nay gã phải đến căn hộ trong nội thành của ông chủ, đưa cho cậu Igor tờ chứng nhận thương tật của cha cậu để cậu được miễn làm nghĩa vụ quân sự.
Tám giờ rưỡi, vẫn chưa thấy Marina đến, Xoloviov rất ngạc nhiên. Đến chín giờ, cô ta vẫn sai hẹn. Thường nếu có gặp trở ngại gì không đến được thì bao giờ cô ta cũng gọi điện thoại báo cho ông biết. Xoloviov lo lắng thầm nghĩ: “Hay cô ta gặp tai nạn dọc đường?” Cũng có thể cô ấy phải đi đâu đột xuất và công việc bị kéo dài, mà chỗ đó lại không có điện thoại. Dù sao thì cũng phải làm cho rõ vấn đề này.
Xoloviov nhớ rất rõ chuyện bất hạnh xảy ra với vợ ông, Xvetlana. Vợ ông đến nhà nghỉ, mang máy ảnh vào rừng dạo chơi, thế rồi không thấy về nữa. Điều khiến Xoloviov lấy làm lạ nhất là mãi bốn ngày sau người ta mới phát hiện ra! Không ai để ý thấy có một phụ nữ trong số người đi nghỉ không đến ăn và tối không về ngủ. Một sự lãnh đạm kỳ lạ của con người đối với nhau! Không một phụ nữ ở phòng bên cạnh, không một người nào cùng ăn một bàn với Xvetlana cảm thấy cần quan tâm đến một người phụ nữ đột nhiên vắng mặt. Mà nếu biết sớm hơn, rất có thể cứu được cô ấy. Hồi đó, viên dự thẩm đã bảo Xoloviov rằng, Xvetlana không chết ngay. Vợ ông bị đánh đập tàn nhẫn nhưng chỉ bị thương nặng. Giá như lúc ấy có người biết, báo tin cho cảnh sát ngay thì chắc chắn đã cứu được.
Chính từ ngày hôm đó mà Xoloviov luôn cảm thấy một nỗi sợ vu vơ. Mỗi khi Andrei được ông giao đi công việc gì mà về muộn là ông đứng ngồi không yên. Bây giờ đây, thấy Marina không đến đúng hẹn, ông cũng lại hoảng sợ.
Xoloviov chợt nhớ ông không biết số điện thoại của Marina. Chỉ cậu giúp việc Andrei biết số điện của doanh nghiệp nơi cô ta làm việc, và gọi đến đó. Còn từ khi mối quan hệ giữa ông và cô ta thân thiết hơn, thì chỉ Marina gọi đến ông mỗi ngày chừng năm lần, chứ ông không hề gọi điện đến cô ta. Nhưng Xoloviov nhớ rất rõ là đã có lần cậu giúp việc Andrei gọi đến hãng “Electrotech” vào khoảng mười giờ tối, báo Marina lùi lại việc đến nhà ông làm sang một giờ khác. Như thế có nghĩa hãng này làm việc hai mươi tư trên hai mươi tư. Xoloviov lập tức gọi điện cho con trai. Có thể Andrei đang ở chỗ Igor và cho ông biết cần phải gọi đến số điện thoại nào.
– Anh ta về rồi. – Con trai ông trả lời bố, và giọng nói hơi líu lại: con trai ông say rượu.
– Cậu ta về lâu chưa?
– Khoảng trước đây mười lăm phút. Cảm ơn bố về bản xác nhận.
– Đừng làm mất đấy. – Xoloviov lầu bầu.
Nghĩa là sẽ còn lâu Andrei mới về. Sau khi đến nhà Igor, cậu ta còn phải ghé về nhà cậu ta, lấy quần áo mùa hè. Đài khí tượng báo là trong những ngày tới, nhiệt độ sẽ lên đến trên dưới hai mươi độ. Xoloviov thầm nghĩ, thôi được, mình sẽ gọi đến tổng đài.
Tổng đài trả lời, họ không biết số điện thoại của hãng “Electrotech”. Thật là lạ và ông càng thấy khó chịu thêm về chuyện tủ chìm. Tuy hai sự việc không liên quan đến nhau, nhưng Xoloviov lại thấy nỗi hoảng sợ trào lên, đập liên hồi vào trí óc ông. Naxtia muốn nghĩ thế nào cũng mặc! Xoloviov thầm nghĩ, cô ta có cho mình là nhu nhược, là hèn nhát cũng được, mình cứ gọi điện cho cô ta.
– Nhà tôi chưa về – Chồng chị lịch sự trả lời – Ông cần nhắn gì cho Naxtia không?
– Ông vui lòng nhắn giúp là bà ấy gọi điện cho tôi. Tôi là Xoloviov. Có việc rất quan trọng và khẩn cấp.
– Vâng, khi nào nhà tôi về, tôi sẽ nói ngay.
Xoloviov cảm thấy dường như trong giọng nói của chồng Naxtia có chút giễu cợt. Xoloviov mường tượng ra một nhà khoa học đã có tuổi, thành đạt, một viện sĩ có danh vọng ngồi trong ghế xa lông nệm êm ái, đang cười giễu ông, một thằng cha trẻ hơn, đẹp trai hơn, nhưng thất thế, mê gái và bị gái bỏ rơi.
– Tất nhiên tôi sẽ chuyển lời, ông đừng lo. Nhất định nhà tôi sẽ gọi điện cho ông.
Chắc hẳn Naxtia quen biết nhiều trong giới cảnh sát, vì cô ta đã từng làm việc ở đó. Mình sẽ nhờ cô ta giới thiệu cho một người nào đó để mình có thể đề nghị tìm hiểu về chuyện tủ hồ sơ của mình có kẻ lén lút mở ra lục lọi. Rất có thể cảnh sát sẽ điều tra về gã giúp việc trước, và cả gã hiện giờ nữa.
Mỗi điều tra viên đều có những ngôi mộ của mình. Họ càng công tác lâu năm trong nghề thì số ngôi mộ đó càng nhiều. Không phải mộ thân thích, bè bạn, bởi những ngôi mộ ấy ai chẳng có. Mà là mộ những người lẽ ra vẫn còn sống, nếu như… Nếu như anh nhớ đến họ kịp thời, hiểu ra kịp thời, cảnh báo họ kịp thời. Nếu như anh kiên trì và biết cách thuyết phục họ. Nếu như anh tiên đoán được. Nếu như anh không quá tin, nếu anh giúp đỡ họ. Nếu như… Đó là mộ những người đã chết một phần do lỗi của anh, tuy nhỏ thôi nhưng vẫn là lỗi. Lỗi lầm đó làm cho anh không lúc nào yên ổn, làm nhiều đêm anh mất ngủ, day dứt lương tâm. Và không có thứ thuốc nào làm tan được những nỗi dằn vặt ấy.
Naxtia cũng có những ngôi mộ của chị. Cả tướng Vacar, cả Xerioja Denixov, cả Vadim Boixov, Oleg Maserinov, Anton Xepxov đều có. Thậm chí cả Pavel Xuliac, hắn đã giết bao nhiêu nhân mạng, đến nỗi việc tự sát của hắn đã giải thoát cho bản thân hắn.
Tất cả những người đó, trừ Xergei Denixov, đều được chôn trong các nghĩa địa của thành phố Moxcva. Thỉnh thoảng Naxtia ra thăm mộ họ. Chị không cắt nghĩa được rành rọt, tại sao chị lại ra thăm mộ họ. Trong số họ, không có ai là bè bạn thân thiết của chị. Nhưng Naxtia cảm thấy mình kính trọng họ, những người đã từng có tội. Nói cho đúng hơn, chị cảm thấy cần phải tự nhắc nhở mình về cái giá phải trả cho những sai lầm của bản thân mỗi con người.
Mỗi lần ra nghĩa trang về, Naxtia thấy trong lòng trĩu nặng, nhưng đồng thời chị thấy thêm một nguồn động viên mình trong việc ra một quyết định. Nếu như chị đang loay hoay đắn đo, cân nhắc giữa các phương án, xem phương án nào tốt hơn, thì khi rời khỏi nghĩa trang, chị hiểu ngay rằng, bằng bất cứ giá nào cũng phải bảo vệ mạng sống nào đó còn có thể bảo vệ được. Cho dù đấy là một quyết định khó khăn, tưởng chừng không thể thực hiện được, thì chị vẫn phải tiến hành để bảo vệ mạng sống kia. Bởi không có gì trên đời quý hơn mạng sống. Không có và không thể có.
Hôm nay Naxtia lại ra nghĩa trang. Chị đứng trước ngôi mộ tướng Vacar, nghĩ đến những đứa trẻ chị đang cố cứu chúng.
Lúc Naxtia về đến nhà, trời bên ngoài đã tối. Vào đến căn hộ, chị nghe thấy tiếng nước chảy trong buồng tắm.
– Alecxei! Anh tắm đấy à?
Chồng chị bước ra, tóc rối bù và tay ướt đẫm, trên khuỷu tay có bọt xà phòng.
Naxtia ngạc nhiên:
– Anh giặt đấy à? Định giặt cả đêm à?
– Anh quên mất là mai phải đi dự cuộc họp Hội đồng khoa học. Lục tủ, thấy tất cả các sơ-mi đều bẩn, thế là vội vã đem giặt hết.
– Anh định bắt em ngồi ăn một mình hay sao? Em không ăn một mình đâu, buồn lắm, nuốt không trôi.
– Thì em cứ thay quần áo trong nhà đi, anh sắp xong rồi.
Naxtia cảm thấy mình sống không đúng. Bắt chồng nấu bếp, bây giờ lại giặt giũ nữa. Giá như chị kiếm được nhiều tiền, thì còn tạm tha thứ được. Đằng này Alecxei kiếm hoàn toàn không ít hơn vợ, chưa kể tiền nhuận bút những cuốn sách nghiên cứu và tiền thù lao các buổi giảng của anh. Tất nhiên là nhà khoa học, Alecxei có quyền làm việc ở nhà, nhưng dù sao… May mà tính anh điềm đạm, tốt bụng, chứ bất cứ một người chồng nào khác cũng sẽ không chịu nổi một người vợ như Naxtia, say mê điều tra vụ án và lười biếng công việc nội trợ.
– À, anh chàng đẹp trai của em gọi điện cho em đấy. – Lúc ngồi ăn tối, Alecxei nói.
– Anh chàng nào?
– Em có lắm anh chàng đẹp trai đến thế kia à?
– Một đống, xếp thành hàng ngũ đông đảo ấy chứ. Nhưng đứng đầu là anh.
– Thế hàng đầu là những vị nào?
– Ba dượng, cậu Xasa, đại tá Gordeev, Corotcov. Vậy trong số ấy, ai là người gọi điện thoại đến cho em?
– Không phải những người ấy, mà là Xoloviov.
– Thế à? Anh ta nói gì?
– Anh ta nhắn em gọi điện đến cho anh ta. Hình như có việc gì đó rất quan trọng và rất khẩn cấp.
– Chẳng có gì đâu – Naxtia thản nhiên phẩy tay – Anh ta không có chuyện gì quan trọng và khẩn cấp liên quan đến em hết.
Alecxei không đáp, chậm rãi nhai món bắp cải. Nhưng Naxtia thấy vẻ mặt chồng đăm chiêu. Rút kinh nghiệm lần trước. Naxtia quyết định không để tình trạng này kéo dài, leo thang thành xung đột, rất hại cho hệ thần kinh của cả hai bên.
– Anh giận hờn gì thế? – Chị hỏi.
– Không. Không có gì cả – Alecxei điềm tĩnh đáp – Anh múc cho em thêm bắp cải nữa nhé?
– Em đủ rồi, cảm ơn anh. Không, anh nói đi, em làm gì để anh giận? Hay vì Xoloviov gọi điện đến nhà? Thì có gì đâu nhỉ? Mà theo em biết thì đâu phải lần đầu tiên anh ta gọi?
– Anh không tán thành cách trả lời của em vừa rồi.
– Thế là bình thường – Naxtia nhún vai – Anh đừng tưởng tượng ra lắm thứ như thế.
– Anh không tưởng tượng đâu, Naxtia – Alecxei nhếch mép cười, rồi gác dĩa xuống – Anh chỉ xem xét mọi khả năng, như xét các phương án trong thế cờ. Khả năng thứ nhất: Xoloviov viện cớ để liên lạc với em. Anh ta rất khao khát gặp em mà em thì cứ lẩn tránh anh ta. Nếu như vậy có nghĩa mối quan hệ giữa em và anh ta đã đi quá xa, khiến anh là chồng hợp pháp, anh phải lo ngại. Tất nhiên trường hợp đó anh khó chịu là đúng. Khả năng thứ hai: Xoloviov quả có gặp chuyện gì thật, và anh ta cầu cứu em. Nhưng em thì lại quên mất nhiệm vụ nghề nghiệp, chỉ nghĩ đến chuyện tình cảm. Mà như thế là em không đúng.
– Alecxei yêu quý! Không thể có chuyện Xoloviov cần đến em với tính chất một người làm nghề nghiệp như em hiện nay, bởi anh ta không biết em làm trong ngành công an. Anh ta đinh ninh em làm cố vấn pháp lý cho một hãng bảo hiểm. Mà em giúp gì được anh ta vào lúc mười một giờ đêm thế này?
– Nhưng anh thấy Xoloviov có vẻ rất khẩn khoản đề nghị em gọi điện cho anh ta, kể cả trường hợp em về muộn.
– Thôi được, sáng mai em sẽ gọi. Nhưng em đề nghị ta không bàn đến chuyện ấy nữa, được không? Em đang đau đầu về một vụ khác kia.
– Naxtia, anh rất không muốn bạn em cho anh là thằng ghen tuông nhỏ nhen. Anh đã hứa với Xoloviov là anh nhắn lại, và nhất định em sẽ gọi điện cho anh ta. Anh rất không muốn Xoloviov coi anh là kẻ đê hèn, cố tình không chuyển lời nhắn của anh ta đến em, và không quan tâm gì đến những vấn đề gay go của anh ta. Anh đề nghị em gọi điện ngay cho Xoloviov, xem là chuyện gì. Sau đấy anh mới có thể yên tâm gạt chuyện ấy sang một bên.
Naxtia thở dài, xếp bát đĩa bẩn vào chậu rửa bát, rồi lấy ra một quả táo to vàng rộm. Chị cố không uống trà buổi tối, sợ sáng hôm sau mặt sẽ sưng húp.
– Thôi được, em sẽ gọi.
Chuông đầu kia vừa reo thì Xoloviov đã nhấc máy. Thái độ vội vã như vậy khiến Naxtia hiểu rằng quả thật anh ta đang lo lắng và nóng lòng đợi chị gọi điện đến.
– Tôi muốn ký hợp đồng mua bảo hiểm cho ngôi nhà, càng sớm càng tốt. Naxtia báo họ cử đại diện đến ngay để thỏa thuận các điều kiện.
– Sáng mai không được sao? – Naxtia hoài nghi hỏi lại – Anh thừa biết đêm khuya họ sẽ chẳng cử người đến.
– Nhưng tôi chỉ biết có số điện thoại nhà riêng của Naxtia, tôi không biết số điện ở nơi làm việc của em.
Câu giải thích đó, Naxtia cảm thấy không thật. Và giọng nói của Xoloviov chứng tỏ anh ta đang rất lo lắng. Hẳn có chuyện gì với anh ta rồi.
– Anh gặp chuyện gì phải không?
– Đúng
– Anh không thể nói ra bây giờ được à?
– Không.
– Cậu giúp việc theo dõi hay sao? – Naxtia mỉa mai nói – Cậu ta không để anh tự do nói chuyện với phụ nữ chăng? Hay thái độ căm ghét phụ nữ của cậu ta chỉ tập trung vào một mình em?
– Naxtia đừng nói thế. Không phải như vậy.
– Thôi được, em sẽ gọi đến anh vào lúc nào thích hợp. Hay anh muốn em đến anh?
– Nếu thế được thì tốt nhất.
– Nhưng lúc này thì không được. Em đi làm về muộn. Nếu anh cần, em sẽ đến vào chiều thứ Bảy. Được không?
– Không. Thế thì lâu quá.
– Anh đừng đặt điều kiện ra với em, ta thống nhất với nhau như thế nhé? Bây giờ anh cho biết giờ nào tiện cho anh, em sẽ gọi điện đến. Em không thể bỏ ra nửa ngày đường đến anh chỉ vì cậu giúp việc kỳ quái của anh. Nào, thế lúc nào em gọi điện cho anh thì tiện? Sau đây một tiếng, hay hai tiếng?
Xoloviov im lặng. Naxtia cảm thấy câu mình hỏi đã đẩy Xoloviov vào tình thế nan giải. Nếu quả có gã Andrei đứng bên cạnh, nghe chủ nói chuyện điện thoại, thì hẳn đó là nguyên nhân khiến Xoloviov ngại nói ra với chị, cho dù chỉ là “sau đây một tiếng”, vì như thế có nghĩa bảo thẳng vào mặt gã giúp việc là “Tôi hy vọng sau đây một tiếng cậu sẽ không đứng kè kè bên tôi như thế này, và tôi có thể nói những điều tôi không muốn cậu nghe thấy”. Sau đây, chắc chắn gã Andrei sẽ không ngủ mà chờ để rình nghe.
– Thôi được, để anh chủ động gọi điện cho em vậy – Naxtia đưa ra ý kiến – Sau đây khoảng bốn mươi phút, đừng muộn hơn, kẻo em ngủ mất đấy. Được không?
– Được. Cảm ơn. Hẹn đến mai.
Naxtia đặt máy xuống. “Hẹn đến mai!” Cũng được. Hay Xoloviov có chuyện gì trục trặc với gã giúp việc? Chà, chuyện gì được nhỉ? Và Naxtia bắt đầu quan tâm.
Lỡ bỗng nhiên Xoloviov nhận thấy trong cách xử sự của gã giúp việc có hiện tượng không bình thường, những hiện tượng giúp chị phát hiện ra mối quan hệ giữa chiếc xe ô-tô “Volga” màu xanh kia với những người cư ngụ trong khu “Mộng Mơ”?
Cuối cùng thì Xoloviov cũng chợp được mắt. Suốt cả tối nay ông lo lắng hai vấn đề: các hồ sơ lưu trữ và Marina. Nhưng Marina thì cuối cùng đã gọi điện, bảo không đến được và đã xin lỗi. Thì ra xe cô ta bị hỏng ắc quy giữa chỗ đường vắng, lúc cô chữa xong máy vi tính cho một khách hàng ở tận thị trấn Isatra, đang trên đường trở về. Cô không gọi điện báo cho Xoloviov biết là chuyện dễ hiểu. Mãi sau, một người lái xe đi ngang qua mới giúp cô sửa lại bình ắc quy, mà lại phải sửa rất lâu. Sau khi nói chuyện với Naxtia, Xoloviov càng cảm thấy yên tâm hơn. Chị hứa sẽ trao đổi với một người quen trong nghành cảnh sát, và thứ Bảy sẽ đến gặp ông.
Tiếng chân người làm Xoloviov thức giấc. Gã giúp việc Andrei lại không ngủ được, đi lang thang ban đêm. Xoloviov lắng tai nghe. Không phải tiếng chân Andrei. Không phải… Xoloviov lại bị hoang tưởng. Thần kinh ông rệu rã quá rồi. Sợ cả đến cái bóng của bản thân mình.
Xoloviov trở mình rồi kéo chăn lên trùm đầu. Hoàn toàn yên tĩnh. Không có một tiếng động nào hết. Thì ra tất cả chỉ do ông tưởng tượng ra. Xoloviov quyết định cố hết sức trấn tĩnh và ngủ.
Đột nhiên ông tung chăn, ngồi dậy. Bây giờ thì không phải ông tưởng tượng nữa rồi. Bên phòng làm việc của ông rõ ràng có tiếng động. Rất rõ. Nhưng hai chân tàn tật khiến ông không làm gì được. Ai đang ở bên đó? Andrei chăng? Hay có người lạ từ bên ngoài đột nhập vào? Nếu là Andrei thì ít nhất ông có thể kiểm tra. Xoloviov với tay lần tìm nút bấm chuông gọi người giúp việc. Nếu lúc có tiếng chân hắn trên thang gác, mà trong phòng làm việc vẫn còn tiếng động, có nghĩa trong đó là người lạ.
Xoloviov tính đúng. Có tiếng chân người ở tầng trên. Sau đây, Andrei sẽ ngó vào phòng làm việc, xem có ai trong đó không. Nếu quả thật không có ai, tức là chỉ do trí óc hoang tưởng của Xoloviov. Do thần kinh căng thẳng quá. May thay tiếng động trong phòng làm việc đã không còn. Vậy là có thể trong đó không có ai. Tất nhiên Xoloviov không muốn cậu giúp việc thấy ông là kẻ suy nhược thần kinh, nhưng cần chấm dứt tình trạng lo lắng kia. Thà chịu năm phút để cậu ta khinh mình, nhưng sau đó mình được ngủ yên.
– Tôi xuống đây, thưa ông chủ! – Tiếng Andrei nói to.
Cửa phòng ngủ mở ra, cậu giúp việc đi chân đất và mặc quần cộc, giống như lần trước.
– Cậu sang phòng làm việc, lấy tập bản thảo đem vào đây cho tôi – Xoloviov nói rất khẽ – Khó ngủ quá, tôi muốn làm việc đôi chút.
– Bản dịch ạ? Andrei cũng thì thầm hỏi lại.
– Không, bản nguyên tác, bằng tiếng Nhật.
Andrei ra, khép cửa lại. Xoloviov thầm nghĩ, sắp có tiếng thì thào bên phòng làm việc đây… Hoặc là Andrei sắp quay sang phòng ngủ, báo tin phòng làm việc bừa bộn và cửa tủ sắt chìm bị ai mở.
Nhưng bên đó vẫn im ắng. Có tiếng bật công tắc diện. Đèn bên phòng làm việc sáng lên. Tiếng chân người. Rồi tiếng tắt công tắc. Đèn tối lại. Tiếng kẹt cửa.
– Thưa ông chủ, đây ạ. Tôi đỡ ông chủ ngồi dậy chứ ạ?
– Đúng, cậu giúp tôi.
Cậu giúp việc đỡ Xoloviov ngồi lên, khéo léo gài một chiếc gối sau lưng ông, rồi đưa ông tấm bìa kẹp những trang bản nguyên tác tiếng Nhật.
– Ông chủ cần tôi làm gì nữa không ạ?
– Không. Thế là đủ. Cậu đi ngủ đi, Andrei. Xin lỗi, đã bắt cậu thức dậy.
Còn lại một mình, Xoloviov cố ép mình đọc bản thào. Sau một cơn hoảng sợ như vừa rồi, ông thấy không sao ngủ được. Mình làm sao vậy? Thế là bên phòng làm việc không có gì lạ, chỉ do mình hoang tưởng thôi. Andrei đã vào đó một cách bình thường, lấy bản thảo rồi ra. Nghĩa là bên đó không có ai. Thế nếu có thì sao? Nghe tiếng chân người, rất có thể tên gian vội núp vào chỗ nào đó. Bởi Andrei không nghi ngờ gì, nên y đã không lục soát để tìm. Tên đột nhập có thể nấp sau cánh cửa, sau tủ sách, thậm chí sau tấm rèm cửa sổ. Bày giờ thì Xoloviov ân hận là đã giấu cậu giúp việc nỗi sợ hãi của ông. Lẽ ra phải nói để hắn biết, có thể có kẻ đã đột nhập vào phòng làm việc. Mình sĩ diện một chút mà đâm bây giờ vẫn chưa rõ là thế nào.
Ngôi nhà tuyệt đối im ắng. Xoloviov cố gắng tập trung, đọc được vài trang, dùng bút chì đánh dấu những câu văn không đạt, hoặc cụt lủn, hoặc lê thê quá, để khi dịch sang tiếng Nga ông chú ý sắp xếp lại cho mạch văn uyển chuyển. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, ông thấy mắt díp lại, sẽ ngủ được đây. Xoloviov bèn bỏ gối ra, với tay tắt đèn. Nhưng chưa đầy mười phút sau, ông lại nghe thấy tiếng sột soạt.
Xoloviov hốt hoảng, bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa. Ông muốn khám phá xem đấy là tiếng gì. Hay tai ông có vấn đề. Và như thế có nghĩa không cần mời cảnh sát mà phải mời bác sĩ tâm thần.
Tiếng động mỗi lúc một to. Bây giờ thì Xoloviov không chỉ nghe thấy tiếng sột soạt bên phòng làm việc mà cả tiếng chân người ngoài phòng khách. Không được, để thế này không thể được. Không cần thể diện gì nữa, phải gọi Andrei, kể hết cho y nghe rồi yêu cầu y lục soát khắp nhà, ngó vào từng ngóc ngách. Muốn diệt nỗi sợ hoang tưởng, chỉ có một cách duy nhất là kiểm tra trên thực tế.
Xoloviov lại vươn tay ra chỗ nút chuông. Lần này mọi thứ diễn ra rất nhanh và rất dáng sợ. Tiếng chân bước nhanh trên thang gác, một thứ tiếng động rất lạ… Rồi tiếng súng. Ba phát. Một phát đầu tiên, dừng lại một chút rồi đến hai phát liền. Lại có tiếng chân người, nhưng lần này qua phòng khách ra phía cửa ngoài. Sau đó lại yên tĩnh. Tuyệt đối yên tĩnh.
Lần này Xoloviov không còn tự nhủ là mình bị hoang tưởng nữa. Nếu tiếng súng chỉ do ông hoang tưởng thì tất Andrei lúc này phải đang đứng bên giường, hỏi xem ông chủ cần gì chứ? Nhưng không thấy Andrei đâu. Lấy hết sức khắc phục tình trụng mệt mỏi, Xoloviov bật đèn rồi vớ đôi nạng, lê ra cửa. Từ tối đến giờ chịu quá nhiều nỗi khủng khiếp, nên ông không còn hoảng hốt khi nhìn thấy những gì trong phòng khách. Xoloviov trở về phòng ngủ, ngồi vào ghế xe đẩy, với điện thoại gọi.
Việc báo cảnh sát tiêu hủy mất số sức lực cuối cùng của ông. Khi đặt máy xuống, Xoloviov vẫn ngồi nguyên trong tư thế đó, chờ cảnh sát đến, mắt đăm đăm nhìn vào cửa sổ, dõi vào bóng đêm đen ngòm bên ngoài. Ông thấy hoảng sợ đến cùng cực.
Tiếng chuông điện thoại reo cùng một lúc với tiếng chuông đồng hồ báo thức. Naxtia vẫn còn ngái ngủ, nhấc máy.
– Thủ trường dậy thôi. – Tiếng Colia ở đầu dây bên kia, giọng mỏi mệt.
– Có chuyện gì thế? Tôi ngủ say quá, bỏ qua mất chuyện gì quan trọng phải không?
– Đúng thế. Vừa xảy ra một chuyện hết sức quan trọng. Ông bạn Xoloviov của cô gọi cấp cứu.
Naxtia tỉnh ngủ hẳn, ngồi phắt dậy.
– Ông ta làm sao?
– Không làm sao cả. Vẫn yên ổn. Nhưng ông ta quá sợ. Chuyện ấy chẳng có gì là lạ.
– Colia, anh đáng để tôi cho anh một trận. Sao cứ dềnh dàng trêu gan tôi thế? Nói nhanh lên, có chuyện gì vậy?
– Trong nhà ông ta có hai xác chết.
– Cái gì?!
– Cô đã nghe thấy rồi đấy. Hai xác chết, một nam một nữ. Cô đến đấy ngay chứ?
– Tất nhiên rồi… à, mà không được – Naxtia sực nhớ – Tại đấy, tôi đang đóng vai nhân viên hãng bảo hiểm. Chà, rắc rối quá. Anh bàn với Corotcov xem sao. Nhận diện được xác chết chưa?
– Một thì được hàng xóm nhận là người giúp việc của ông ta. Còn xác người phụ nữ thì không ai biết. Naxtia này, ông bạn tàn tật của cô có nhân tình không?
– Hình như có. Cô ta trông thế nào?
– Bé nhỏ, cao chưa đến mét sáu mươi. Xinh xắn, tiếc là trong người không có giấy tờ gì hết.
– Anh tìm xem có thấy ô-tô không – Naxtia nói – Muốn đến đấy, hẳn cô ta phải đi xe ô-tô. Bên cạnh nhà ông ta không có xe nào à?
– Không. Trước cửa nhà chỉ có xe của Xoloviov. Tóm lại, Naxtia ạ, tôi kiệt sức rồi, hôm qua phải trực suốt ngày nên mệt quá. Cô hãy đến sở ngay đi, tôi sẽ báo cáo đây đủ rồi phải đi ngủ một giấc.
– Khoan, Colia! Chờ một phút đã – Naxtia năn nỉ – Vậy Xoloviov nói sao? Anh ta bắn à?
– Ông ta bảo không. Ông ta khai rằng ban đêm nghe thấy tiếng động trong nhà, bèn gọi cậu giúp việc, cậu này ngủ trên gác. Cậu ta xuống và thế là có tiếng súng. Có thế thôi.
– Vũ khí thì sao?
– Hiện chưa tìm thấy. Vậy cô có đến cơ quan hay không nào?
– Có, tôi đi ngay bây giờ.
Naxtia vùng dậy, vội vã mặc quần áo. Trong lúc uống tách cà phê, chị đã định hỏi chồng để lấy xe, nhưng lại sực nhớ hôm nay Alecxei phải đi họp Hội đồng Khoa học ở Viện. Thật không may, nghĩa là chị không thể dùng ô-tô đến nhà Xoloviov được. Mà chị cần phải đến đó.
Naxtia đã ra đến chỗ cửa, đang thắt dây giầy thì nghe tiếng chồng trong phòng vọng ra:
– Em đã đi đấy à?
– Vâng, anh yêu. Em phải đi ngay.
– Sao hôm nay em vội vã thể?
Naxtia hé mở cửa phòng nhìn vào bên trong. Mắt
chồng chị thâm quầng, rõ ràng đêm qua Alecxei mất ngủ. Chị hiểu ngay rằng chồng đã thức dậy từ lâu. Chắc từ lúc Colia gọi điện thoại.
Alecxei nhìn vào mắt vợ, hỏi:
– Em có chuyện gì đấy?
– Không phải em, mà là Xoloviov. Colia gọi điện, đêm qua anh ta trực và đã đến đó.
– Em lấy xe mà đi – Đột nhiên chồng chị nói – Hẳn em muốn đến nhà anh ta?
– Còn anh thì làm thế nào? Hôm nay anh phải đến Viện.
– Anh sẽ gọi điện cho Agranovitr để anh ta ghé qua chở anh đi. Không thành vấn đề. Còn lúc về anh đi xe buýt điện.
Naxtia ngần ngại nhìn xuống chân, rồi cứ để nguyên đôi giầy, vào phòng chồng, ngồi ghé xuống giường. “Mặc kệ tấm thảm”, chị thầm nghĩ. Đặt bàn tay lên trán Alecxei, chị cúi xuống âu yếm hôn anh.
– Em gây nhiều trở ngại cho anh quá, phải thế không anh yêu? – Chị thì thầm hỏi – Tại em đi nhận cái nghề tồi tệ này. Bọn chúng cứ giết người, không thèm quan tâm đến các kế hoạch của vợ chồng mình. Rất tiếc là em lại không tác động được vào chúng. Anh có muốn em xin thôi công việc này không? Anh cũng khổ vì em luôn gây khó khăn cho anh.
– Không sao – Alecxei nhếch mép cười – Trong lúc em bận bịu với những cái xác chết không kiểm soát được ấy, thì anh được toàn quyền sử dụng căn hộ, cả máy vi tính của em. Anh được đem phụ nữ đến đây tổ chức nhậu nhẹt. Nói chung, anh được hưởng cuộc sống tự do. Và anh hoàn toàn không cần có em.
– Anh lại hờn rồi – Naxtia buồn rầu nói – Anh cứ dùng xe, em khắc có cách đi. Nói cho cùng, hôm nay em chưa phải đến nhà Xoloviov. Mai đến cũng được. Thậm chí không đến cũng không sao.
– Em đừng nghĩ như thế – Alecxei nổi giận – Lấy xe mà đi và đừng làm anh bực mình nữa. Còn nếu em thấy lương tâm cắn rứt thì tối mai đến đón anh ở phố Jucovxki. Hôm nay, họp xong anh về ba mẹ. Nhân bảo vệ thành công luận án, thế nào ba cũng tổ chức tiệc ăn mừng, và chắc phải đến khuya mới giải tán.
Naxtia ra khỏi nhà mà lòng trĩu nặng, nhưng chỉ lát sau chị đã bị cuốn vào câu chuyện Colia kể. Hai người bị giết trong tòa biệt thự của Xoloviov, trong đó một cái xác của cậu giúp việc Andrei. Còn xác cô gái, hẳn là của Marina. Cô ta ở nhà Xoloviov ban đêm làm gì? Đúng là mình băn khoăn vớ vẩn. Cô ta là nhân tình của anh ta, điều này đã quá rõ. Naxtia nhớ lại cái nhìn ghen tuông của Marina khi lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất chị gặp cô ta ở nhà Xoloviov. Khả năng trước tiên hiện lên trong óc Naxtia là Xoloviov đã bắn cả hai. Thấy cậu giúp việc lén lút gặp Marina, anh ta nổi điên lên và giết cả hai. Nhưng khẩu súng đâu? Hẳn anh ta đã giấu kỹ. Rất có thể anh ta tự đi xe đẩy ra ngoài rồi quăng vào rừng, ngay gần đấy, rồi quay về mới gọi điện cho cảnh sát.
“Naxtia, tỉnh lại đi: Xoloviov mà là kẻ giết người được ư? Tuy không thể nói anh ta là loại người không đụng đến một con ruồi, nhưng Xoloviov không có vẻ một kẻ dám giết ai, kể cả những lúc uất giận nhất. Xoloviov là loại người tự buông thả theo thời thế, không bao giờ cưỡng lại hoàn cảnh. Cách đây rất nhiều năm, anh ta đã miễn cưỡng tự bắt mình phải dan díu với người anh ta không yêu, kiên nhẫn đợi cho đến lúc mối tình tự tan vỡ. Ngày nay, anh ta vẫn là loại người như thế. Xoloviov không phải là chiến sĩ. Nếu anh ta có bắt gặp nhân tình lăng nhăng với gã giúp việc thì chắc chắn anh ta chỉ tỏ thái độ khinh bỉ rồi tự rút lui một cách cay đắng. Rất có thể anh ta sẽ đuổi Andrei và cắt đứt với Marina. Nhưng anh ta sẽ không làm gì hơn thế. Còn việc anh ta gọi điện đến cho Naxtia tối hôm qua thì sao? Anh ta nghi có kẻ lục lọi tủ hồ sơ của anh ta. Phải chăng vấn đề chỉ là như thế?”
Naxtia chạy nhanh lên tầng năm, ruột gan nóng như lửa đốt. Chị muốn nghe Colia kể tỉ mỉ mọi chuyện, càng nhanh càng tốt. Nhưng chị đã thất vọng. Chưa đến mười giờ, phiên trực khẩn cấp chưa kết thúc, vậy mà Colia đã rời cơ quan để đến hiện trường.