Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 17



Được giao đi sâu vào Trercaxov, điều tra viên Corotcov đến gặp bà mẹ anh ta. Bà đưa ra cho anh ta xem cuốn an bom gia đình, rồi kể về con trai bà thuở nhỏ.
– Nó chăm học và học giỏi nữa. Toàn được điểm năm, suốt từ cấp một lên đến đại học.
Trong những tấm ảnh chụp Trercaxov những năm còn là sinh viên, Corotcov chú ý đến một cô gái hay đứng cạnh anh ta. Cô ta khá đẹp, thân hình thon thả, tóc đen cắt ngắn, mắt to.
– Cô gái này là ai, thưa bà?
– Nina đấy – Bà cụ thở dài buồn bã – Thằng Trercaxov con tôi đã theo đuổi nó mấy năm trời, cho đến năm thứ tư thì hai đứa bỏ nhau.
– Cô gái xinh đẹp và phúc hậu nữa. Nhưng tại sao hai người bỏ nhau, thưa bà?
– Thằng con tôi bỗng nhiên bỏ học. Thế là con Nina cũng thôi luôn, không tiếp tục quan hệ với nó nữa.
Corotcov thầm nghĩ, thì ra Trercaxov nói dối mẹ chuyện anh ta bị đuổi học về vụ bê bối đồng tính kia.
– Cô Nina ấy họ là gì ạ?
– Tôi không biết họ, chỉ thấy gọi là “Nina” thôi.
Trước khi ra về, Corotcov nói với bà cụ xin mượn tấm ảnh chụp Trercaxov cùng với các bạn cùng lớp, trong đó có Nina.
Để tìm hiểu về Nina, anh đến gặp Trercaxov.
– Xin ông để yên cô ta. Cô ta không liên quan gì đến vụ án này.
– Nhưng anh biết hiện cô ấy ở đâu, làm gì chứ?
– Không. Sau vụ bê bối ở trường đại học, tôi rất ngượng với Nina, và từ đấy cố tránh gặp cô ấy, và cố quên chuyện cũ đi.
– Cô ấy họ gì?
– Tôi van anh, đừng bắt tôi nhắc lại chuyện ấy. Tôi xin thề là cô ấy không dính dáng gì đến vụ án này đâu.
Corotcov tìm đủ mọi cách, nhưng Trercaxov dứt khoát không chịu nói gì thêm về Nina. Corotcov thầm nghĩ, đành đi tìm lấy vậy. Trong danh sách sinh viên năm thứ tư lúc đó có bảy người cùng tên là Nina. Đành đi tìm cả bảy. Tuy nhiên Corotcov vẫn băn khoăn, tại sao khi hỏi về Nina, Trercaxov lại tỏ thái độ khó chịu và dứt khoát đến như vậy.
Corotcov tìm được nhà một trong bảy phụ nữ có tên là Nina ấy: Nina Kripxova.
– Trercaxov à? Có, tôi có nhớ anh ta. Có phải người bị đuổi học về tội đồng tính không?
– Đúng. Chị biết rõ về ông ta chứ?
– Tôi chỉ biết trong khóa có một người như thế.
– Nhưng chị biết cô bạn gái của Trercaxov lúc đó, cũng tên là Nina thì phải?
– Biết, thậm chí tôi chơi thân với nó. Thật ra tên nó không hẳn là Nina, mà là Yanina. Yanina Berger. Nhưng gọi là Nina cũng được, và một số người gọi nó là Nina. Sau vụ bê bối và Trercaxov bị đuổi khỏi trường đại học, thì hai người bỏ nhau. Bây giờ Yanina làm gì, ở đâu thì tôi không biết…
Corotcov biết đấy không phải là Nina của Trercaxov, và có hỏi thêm cũng chẳng ích gì.
Doxenco được giao đi sâu vào Nhà xuất bản “Serkhan”. Anh chú ý đến cô nhân tình của Giám đốc Exipov: Ocxana. Anh quyết định tìm hiểu sâu về cô gái này. Cô ta làm nghề người mẫu thời trang.
Doxenco bám theo cô ta. Sau giờ làm việc, cô ta cùng Exipov đi ăn tối ở một khách sạn sang trọng bậc nhất Moxcva, rồi về ngủ ở nhà viên Giám đốc Nhà xuất bản. Đêm thứ hai, cô ta dự buổi hòa nhạc, cũng cùng với Exipov, nhưng về nhà riêng ngủ. Đến hôm thứ ba, Doxenco nhìn thấy cô ta đi với Uxtinov, quan chức ở Cục Cảnh sát Kinh tế, chính là người Doxenco đã đến gặp và hỏi về tình hình Nhà xuất bản “Serkhan”.
Mừng rỡ, Doxenco vội chạy về báo tin này cho Naxtia. Chị nói:
– Vậy là bên Công an Kinh tế đang quan tâm đến vấn đề thuế của Nhà xuất bản “Serkhan”, tôi phải đến gặp Uxtinov giúp ông ta một tay mới được.
Nhưng thái độ tiếp đón của Uxtinov làm Naxtia thất vọng.
– Người của chị đã sang gặp tôi rồi. Tôi đã trả lời anh ta rằng về chuyện thuế, Nhà xuất bản “Sherkhan” tuyệt đối nghiêm túc. Chuyện nghi ngờ họ in lậu cũng chưa có căn cứ. Hay chị có căn cứ nào không?
– Tôi quen một dịch giả của họ – Naxtia nói – Và biết chắc chắn, ít nhất cũng có một cuốn nhà xuất bản đã in lại mà không xin phép tác giả, thậm chí không cho tác giả biết, thật ra là giấu ông ta.
– Tôi e chị đoán sai đấy. Vì thấy sách của ông ta bày bán nhiều trên các quầy thì nhiều người dễ có cảm giác nhà xuất bản in lậu. Nhưng ở đây là cơ quan chính thức theo dõi, chúng tôi thấy mọi thứ của nhà xuất bản ấy hoàn toàn nghiêm túc. Tuy tôi nói thế, nhưng chị cứ kiểm tra, nếu thấy có bằng chứng gì cụ thể, báo cho chúng tôi biết.
Về đến cơ quan, Naxtia bảo Doxenco:
– Tôi e anh nhìn lầm, người đàn ông đi với Ocxana hôm qua không phải Uxtinov.
Nghe Naxtia nói thế, Doxenco cũng đâm tự nghi hoặc. Lúc đó trời nhá nhem tối, có thể người đó chỉ giống Uxtinov, và Doxenco đã lầm với vị quan chức bên Cục Cảnh sát Kinh tế kia.
Trong khi điều tra thêm về lai lịch Marina – “Nai con”, tình cờ Doxenco biết được một trong những bạn của anh có quen cô ta. Tên anh bạn này có cái tên rất lạ: Icon. Doxenco bèn đến gặp, nhờ Icon dò hỏi xem người nào đã giới thiệu việc làm cuối cùng cho Marina. Icon vui vẻ nhận lời.
Hôm sau Icon cho Doxenco biết, người đó là một người quen cũ của cô ta, tên là Gusco, một gã tội phạm, năm nay bốn mươi sáu tuổi, đã có bốn tiền án. Tuy nhiên gã này tính phổi bò và nếu khôn khéo có thể moi được thông tin ở gã.
Hôm ấy Doxenco mặc sắc phục nghiêm chỉnh, đợi lúc Gusco dạo chơi với con chó nhỏ ngoài công viên. Anh đàng hoàng tiếp cận, thậm chí còn đưa cả thẻ cảnh sát viên ra tự giới thiệu. Thoạt đầu Doxenco than thở với gã về bao nhiêu nỗi vất vả của nghề cảnh sát. Khi thấy Gusco đã có phần thông cảm, anh mới đi dần đến câu chuyện về Marina – “Nai con”:
– Tôi nghi thủ phạm giết cô ấy chính là kẻ đã thuê cô ấy trong vụ việc cuối cùng.
Rồi Doxenco khích Gusco đến đòi tiền nhà xuất bản. Anh còn mách nước cho Gusco là nên dọa viên Giám đốc Exipov kia thật mạnh vào, là sẽ giết nhân tình của lão ta, mà không chỉ giết bình thường… Cách tốt nhất để vào gặp Exipov là nhờ cậu vệ sĩ riêng của lão tên là Vova, người mà Doxenco biết là thân với Gusco.
Gã Gusco nhận lời, nói hôm sau sẽ đến đòi tiền lão Giám đốc nhà xuất bản.
Chuẩn bị xong những bước đó, Doxenco chỉ còn việc chờ trước cửa nhà Ocxana. Anh đoán cô ta sẽ rất sợ, và nhất định cầu cứu người nào cô ta tin cậy nhất.
Đúng như vậy, tôi hôm sau, rình trước cửa nhà Ocxana, Doxenco nhìn thấy người đàn ông giống như Uxtinov đi nhanh vào. Ba tiếng đồng hồ sau, y ra, lên tắc xi đi. Doxenco cũng lên một chiếc tác xi khác, rượt theo. Đến nhà, người đàn ông giống Uxtinov trả tiền lái xe rồi vào nhà. Doxenco bèn ghi số nhà. Sau đó anh gọi điện hỏi, thì ra đấy chính là nhà Uxtinov!
Anh bèn gọi điện cho Naxtia. Sau khi kể lại câu chuyện, anh nói:
– Tại sao, gặp lúc hoang mang, lo sợ, Ocxana lại tìm Uxtinov? Tất nhiên cô ta phải tin cậy ông ta lắm. Nếu cô ta cộng tác với Uxtinov, có nghĩa cô ta chống lại Nhà xuất bản “Serkhan”, cũng tức là chống lại nhân tình của cô ta là Exipov.
– Tôi lại nghĩ khác. Tôi đã gặp Uxtinov và có cảm giác ông ta bao che cho nhà xuất bản.
– Hay Ocxana không biết người đàn ông cô ta thân thiết và mỗi khi gặp khó khăn tìm đến nhờ cậy làm chức vụ gì.
– Có thể. Cậu điều tra xem.
Sáng hôm sau Doxenco đến Nhà xuất bản “Serkhan”, triệu tập cả Ban giám đốc, đưa họ xem một số tấm ảnh trong đó có ảnh của Gienia Iakimov và của Uxtinov. Kết quả thật bất ngờ: cả ba đều nhận ra ảnh Gienia Iakimov, láng giềng của Xoloviov, còn ảnh Uxtinov thì không người nào trong Ban giám đốc nhà xuất bản biết là ai.
Doxenco bèn đón đường Ocxana, gọi cô ta. Ocxana quay đầu lại, nhận ra anh:
– Phải rồi, anh là nhân viên cảnh sát, tôi nhớ ra rồi. Anh đã thẩm vấn tôi hôm trước. Anh cần gì vậy?
– Tôi muốn hỏi cô thêm vài chuyện, được không? Ta đến chỗ nào yên tĩnh một chút nhé?
Ocxana gật đầu:
– Về nhà tôi, được không?
– Có lẽ đến cơ quan tôi thì hơn. – Doxenco nói.
Hai người lên xe tắc xi. Ocxana nói:
– Chính tôi cũng đang cần gặp các ông.
– Mời cô nói trước. Cô cần gặp chúng tôi về việc gì?
– Exipov không bảo vệ được tôi. Ngày mai chúng giết tôi, mà anh ta thì chỉ nghĩ đến tiền, không quan tâm gì đến tôi, mặc dù là nhân tình của tôi suốt hai năm qua. Exipov nhất định không chịu trả tiền cho gã tội phạm kia, mà anh ta tính sẽ lừa hắn! Anh ta không biết là lừa bọn tội phạm thì chỉ có dại. Bây giờ tôi chỉ còn trông cậy vào các ông.
– Nhưng từ nay đến mai chúng tôi làm sao bắt được thủ phạm hai vụ án mạng ấy? Bản thân chúng tôi cũng rất lúng túng đây này. Đang nhờ xem cô có giúp gì được chúng tôi không.
– Các ông hỏi gì tôi xin trả lời hết, kể cả những điều tôi không muốn nói ra. Tôi sẽ không giấu diếm bất cứ thứ gì. Đấy là điều người ta khuyên tôi.
– Ai?
– Một người quen.
– Tên là gì?
– Vadim Uxtinov.
– Ông ấy làm ở đâu?
– Tôi không biết, hình như làm viên chức ở một cơ quan nào đấy.
– Cô quen thế nào?
– Tình cờ thôi, mà chỉ một mình tôi quen. Người của nhà xuất bản không ai biết ông ta.
– Cô nghe thấy nói đến Marina, biệt hiệu “Nai con” từ bao giờ?
– Sau khi cô ta bị giết. Trước đó tôi không hề biết gì về cô ta.
– Còn Andrei Korenev?
– Anh ta thì tôi biết, vì trước kia làm lái xe kiêm giao dịch cho Nhà xuất bản. Nhưng tôi chỉ biết tên Andrei, còn họ Korenev thì tôi mới biết do đọc thấy trên báo.
– Cô biết gì nữa?
– Tôi biết nhà xuất bản cần tìm thứ gì đó trong nhà ông Xoloviov, nhưng tôi không biết họ tìm gì. Khi tôi kể chuyện này cho ông Vadim Uxtinov, tôi thấy ông ấy có vẻ lo lắng…
Từ lúc đó, công việc tiến triển rất nhanh, cảnh sát dò tìm, phát hiện ra vết bánh xe ô-tô ngay bên cạnh chỗ ô-tô của Marina đỗ. Khi so sánh thì thấy khớp với những vết hằn trên lốp xe của Uxtinov. Vậy là đã rõ tại sao Uxtinov bao che cho việc in lậu của Nhà xuất bản “Serkhan”. Y đã hai năm nay bám nhà xuất bản, nhưng không phải để phát hiện sai phạm, mà là để mách nước, thông qua Ocxana, các cách lừa nhà nước, lừa cộng tác viên. Mục đích y là vỗ béo “Serkhan” cho thành nhà xuất bản lớn nhất nước Nga, sau đó mới khai thác bằng cách bắt chẹt. Một là nhà xuất bản nộp đều đặn cho y một số phần trăm lợi nhuận, hai là y sẽ tố cáo các việc gian lận của họ. Tất nhiên số phần trăm đó rất lớn, nhưng nhà xuất bản đành cắn răng nộp, nếu không…
Khi nghe Naxtia báo cáo về Uxtinov, đại tá Gordeev chưa tin:
– Cô không tưởng tượng ra đấy chứ, Naxtia? Chẳng lẽ nhà xuất bản mà lại kiếm được ngần ấy tiền và gửi ra ngân hàng nước ngoài những ngần ấy?
– Thưa đại tá, tôi có đủ căn cứ. Ta khó có thể kiểm tra được con số chính xác, nhưng chỉ cần làm một vài con tính nhỏ, ta đủ đoán ra được là số tiền lãi của họ rất lớn. Những mưu mẹo của họ chính do Uxtinov “gà” cho, thông qua Ocxana. Mà chính cô ta cũng do Uxtinov gài vào làm nhân tình cho Giám đốc Exipov để dễ bề tác động…
Đại tá Gordeev gật gù, trầm ngâm:
– Chà, kiểu làm ăn này sao tôi chưa hề nghe thấy bao giờ?
– Vì ngày trước toàn bộ hoạt động xuất bản nằm trong tay độc quyền của nhà nước. Ngày nay mới có nhà xuất bản tư nhân. Nhân đây tôi nói thêm. Tay nhà văn tồi Nhật Bản Nakahara kia thấy những bản dịch bằng tiếng Nga bán chạy quá bèn nảy ra sáng kiến, không biết anh ta nghĩ ra hay ai mớm cho anh ta, là tự giới thiệu với giới xuất bản các nước khác. Lấy cớ ít người biết tiếng Nhật, Nakahara gửi bản tiếng Nga sang cho họ. Họ đọc, thấy truyện hay quá bèn dịch ra tiếng nước họ, tất nhiên qua bản tiếng Nga của Xoloviov. Thành công đến nỗi, nhiều xưởng phim đưa lên màn ảnh và cũng lại đạt thành công lớn. Tên tuổi Nakahara nổi lên như cồn, chỉ có điều bây giờ anh ta lấy tên mới, là Otori Mitia…
– Cô bảo số tác phẩm chưa dịch của ông ta mà Nhà xuất bản Serkhan hiện đã “mua đứt” còn nhiều?
– Khoảng mười lăm cuốn. Nhưng tác giả vẫn đang tiếp tục sản xuất.
– Mỗi cuốn in hàng triệu bản, chưa kể đưa lên màn ảnh? – Đại tá hỏi.
– Vâng, thưa đại tá.
– Xoloviov dịch được bao nhiêu cuốn rồi?
– Cũng khoảng ngần ấy, thưa đại tá.
– Thế thì nhà xuất bản sợ chúng ta nghi ông ta là thủ phạm là hợp lý thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.