Tuyết sơn phi hồ
Hồi 3 – Phần 2
Mấy lời này đã hỏi thay cho tất cả mọi người. Mọi người vì sao mà phải liều mạng tranh giành cái hộp sắt, có người đã bỏ mình, nhưng ngoài điều “Trong hộp sắt có một bảo đao” ra, không có ai nói rõ được nguyên nhân sâu xa, tất cả đều hướng về Bảo Thụ, chờ ông ta giải thích.
Mọi người ồ lên tán thưởng, cũng ngồi cả xuống.
Lúc này, hơi lạnh trên núi mỗi lúc một dữ dội hơn.
Vu quản gia sai người bỏ thêm củi vào lò.
Ai nấy đều im lặng lắng nghe Bảo Thụ nói.
Bảo Thụ nhấc nắp bát, uống một ngụm trà, tặc lưỡi khen “trà ngon thật” rồi nói tiếp:
– Chuyện này nói ra thật rất dài! Chúng ta hãy thử xem thanh bảo đao trong hộp này đã, được chứ?
Tất cả đều tán thưởng. Bảo Thụ đưa hộp sắt cho Tào Vân Kỳ, nói:
– Các hạ là chưởng môn của phải Bắc Tông Thiên Long Môn, xin hãy mở cho mọi người xem đi!
Tào Vân Kỳ nhớ đến việc Ðào Tử An dã từng phóng các mũi tên ngắn từ trong hộp sắt này ra có thể làm chết người, nên e sợ rằng trong hộp chứa ám khí gì khác nữa. Tuy giơ hai tay đỡ hộp, song Vân Kỳ không dám mở nắp. Bảo Thụ cười hì hì nhìn Vân Kì không nói một lời nào.
Mọi người thấy vỏ hộp gỉ hoen, mẻ sứt nham nhở, sần sùi lồi lõm, thì nhận ra đó là cổ vật có đến trên trăm năm, song cũng không thấy gì khác thường.
Tào Vân Kỳ nghĩ bụng “Nếu mình không dám mở hộp, chẳng phải để cho thằng giặc Ðào Tử An nó coi khinh mình ư? bèn nghiến răng dùng tay phải mở nắp hộp ra. Chẳng ngờ cố đến mấy lần mà nắp hộp vẫn không hề nhúc nhích. Chú ý xem xét tỉ mỉ, mới thấy hộp này chẳng hề có khóa hay lẫy, chốt gì cả, không rõ vì sao mà mở vẫn không được. Vân Kỳ lại gắng sức thêm lần nữa, song cái hộp vẫn như một khối sắt đúc liền, không hề động đậy!
Ðiền Thanh Văn thấy Tào Vân Kỳ mặt mũi đỏ gay, biết là trong cái hộp sắt này có lẫy máy gì đó, nếu cứ dùng sức mạnh cố mở thì không những vô ích mà trái lại còn có thể bị thương cũng thương cũng nên.
Nghĩ vậy bèn khẽ nói:
– Xin Chu sư huynh mở giúp vậy!
Chu Vân Dương vẻ mặt do dự, lắp bắp nói:
– Tôi… Tôi không biết…
Ðiền Thanh Văn đón lấy cái hộp từ tay Tào Vân Kì rồi đưa cho Chu Vân Dương, nói nhẹ nhàng:
– Muội biết là huynh sẽ mở được mà!
Chu Vân Dương nhìn thẳng vào mắt Ðiền Thanh Văn, bưng lấy hộp lên bàn, song không nhấc nắp lên, mà lần lượt nhấc bốn góc, mỗi góc ba lần. Sau đó, giơ ngón tay cái đặt vào chính giữa đáy hộp và ấn ngược lên. Một tiếng “cách”, nắp hộp đã bật ra.
Nguyễn Sĩ Trung và Tào Vân Kì cùng đưa mắt nhìn Chu Vân Dương thầm nghĩ: “sao mà hắn lại biết cách mở hộp nhỉ” rồi nhìn ngay vào hộp, quả nhiên thấy một thanh đoản đao được tra trong vỏ.
Vân Kỳ “ồ” một tiếng. Thanh đoản đao này, năm xưa Vân Kỳ đã từng thấy sư phụ hắn dùng đến, nó đã từng chém gẫy khá nhiều binh khí của các hào kiệt.
Bảo Thụ cầm thanh đao lên, chỉ vào hàng chử khắc trên vỏ và nói:
– Mời các vị hãy nhìn xem.
Vỏ thanh đao đầy những rỉ đồng xanh lục, ngoài viên hồng ngọc khảm trên vỏ ra, thì thấy cũng chỉ là một thanh đao cũ bình thường, trên đó khắc hai hàng chữ:
“Giết một người, như giết cha mình
Hiếp một người, như hiếp mẹ mình”
Mười bốn chữ nảy bình dị, dễ hiểu, song toát ra khí phách của trang hào kiệt.
– Các vị có biết nguồn gốc mười bốn chữ này không? – Bảo Thụ hỏi.
– Không biết! – Mọi người đều trả lời.
– Ðây là quan lệnh cúa Sấm Vương Lí Tự Thành để lại. Thanh đoản đao này là vũ khí năm xưa Lý Sấm Vương đeo bên mình, chỉ huy hàng trăm vạn quân chinh chiến khắp mọi miền -Bảo Thụ giải thích.
Mọi người nghe xong, đều đứng bật dậy, chăm chú nhìn thanh đoản đao Bảo Thụ cầm trong tay, lòng nửa tin nửa ngờ.
Lý Sấm Vương sống cách đây có đến hơn trăm năm, song uy danh của ông vẫn hiển hách vang dội trong lòng giới hào kiệt giang hồ.
Bảo Thụ nói thêm:
– Nếu các vị không tin, xin hãy xem mặt bên này.
Bảo Thụ lật mặt kia của vỏ đao lên, thấy khắc mấy chữ: “Phụng thiên xướng nghĩa” và giải thích:
– Tôn hiệu của Lý Sấm Vương ngày ấy là “Phụng Thiên Xướng Nghĩa đại nguyên soái”.
Lúc này, mọi người mới thực sự tin. Bảo Thụ lại nói:
– Hồi ấy có chín mươi tám nhóm lục lâm và hai mươi bốn trại chủ kết nghĩa với nhau để khởi sự suy tôn Lý Tự Thành làm đại nguyên soái, chinh chiến khắp nơi hơn chục năm, tấn công thành Bắc Kinh, lập nên quốc hiệu là Ðại Thuận. Sùng Trinh hoàng đế buộc phải treo cổ chết ở Môi Sơn. Nếu không bị tên Hán gian Ngô Tam Quế bán nước, dẫn quân Mãn Thanh tiến vào Trung Nguyên, thiên hạ này đã thuộc về họ Lý rồi.
Bảo Thụ hổ dài nói tiếp:
– Ôi! Chỉ tiếc là việc lớn của Ngài vừa thành thì phút chốc đã tiêu tan. Tháng ba năm thứ mười bảy đời vua Sùng Trinh, Sấm Vương công phá Bắc Kinh thì đến tháng tư lại phải ra khỏi thành nghênh chiến với quân Mãn Thanh. Ðến cuối tháng thì thua trận, phải bỏ chạy về phía Tây. Thế là từ đó, giang sơn tươi đẹp này đã rơi vào tay người Mãn Thanh!
Lưu Nguyên Hạc nhìn Bảo Thụ, thầm nghĩ “Lão hoà thượng này to gan thật! Dám nói ra toàn điều đại nghịch vô đạo!”.
Bảo Thụ thong thả đặt thanh đao vào hộp:
– Trong cuộc chiến với Ngô Tam Quế, Sấm Vương đã trúng tên và bị thương nặng, phải rút quân khỏi Bắc Kinh, qua Sơn Tây, Thiểm Tây. Quân Thanh và Ngô Tam Quế truy kích suốt chặng đường. Sau đó, Sấm Vương lại lui về Hà Nam, Hồ Quảng. Các tướng sĩ giết hại lẫn nhau, bộ hạ tan tác khắp nơi. Cuối cùng, Sấm Vương rút về núi Cửu Cung, thuộc huyện Thông Sơn, tỉnh Vũ xương. Quân địch bao vây kín vòng trong vòng ngoài, mấy lần phá vòng vây không được, cuối cùng thì đời người anh hùng chấm dứt ở đó.
Miêu Nhược Lan lại nhìn thanh đao trong hộp, tưởng tượng đến thời oanh liệt năm xưa cúa Sấm Vương, lòng thấy bồi hồi. Rồi nghĩ đến cảnh Sấm Vương thua trận bỏ mình, nàng lại thấy buồn bã.
Bảo Thụ kể tiếp:
– Sấm Vương luôn có bốn vệ sĩ bên mình, ai nấy đều võ nghệ cao cường, trung thành rất mực. Một người họ Hồ, một người họ Miêu, một người họ Phạm, và một người họ Ðiền. Trong quân thường gọi tắt là Hồ, Miêu, Phạm, Ðiền…
Bọn n Cát, Ðiền Thanh Văn nghe đến bốn chữ “Hồ, Miêu, Phạm, Ðiền” thì biết ngay rằng bốn vệ sĩ này ắt hẳn có liên quan mật thiết tới câu chuyện ngày hôm nay.
Ðiền Thanh Văn liếc nhìn Miêu Nhược Lan thấy đang cầm thanh sắt cời lửa nhè nhẹ khơi những cục thanh cháy hồng trong lò, vẻ mặt thẫn thờ, đôi má mịn như ngọc trắng, ửng hồng trước ánh lửa bật bùng.
Bảo Thụ ngẩng đầu nhìn lên nóc nhà, nói tiếp:
– Bốn vệ sĩ này theo Sấm Vương vào sinh ra tử, trải qua không biết bao nhiêu gian lao nguy hiểm, đã từng cứu Sấm Vương thoát chết bao nhiêu lần, Sấm Vương coi họ như ruột thịt của mình. Trong bốn người đó, vệ sĩ họ Hồ võ công cao cường, lại tài cán hơn cả. Trong quân, SấmVương gọi ông ta là “Phi Thiên Hồ Ly”!
Nghe đến đây, mọi người đều “ồ” lên một tiếng.
– Sấm Vương bị vây hãm núi Cửu Cung vô cùng nguy khốn -Bảo Thụ tiếp tục câu chuyện -Thấy sứ giả nào Sấm Vương cử đi cầu kiến hễ vừa tới chân núi là bị bên địch giết chết, chỉ còn cách cử ba vệ sĩ họ Miêu, họ Phạm, họ Ðiền nhân lúc đêm tối phá vây xông ra đi cầu kiến, vệ sĩ họ Hồ ở lại bảo vệ Sấm Vương. Không ngờ, khi ba vệ sĩ kia trở về cùng đoàn quân cứu viện, thì Sấm Vương bị sát hại rồi.
Ba vệ sĩ thanh khóc hồi lâu. Ngay bấy giờ, vệ sĩ họ Phạm định tự vẫn chết theo chủ soái, song hai người kia ngăn lại, nói rằng hãy nên báo mối thù sâu tựa biển này trước đã.
Ba người đi khắp các xóm dưới núi Cửu Cung để hỏi thăm tường tận về việc Sấm Vương tuẫn nạn ra sao, cảm thấy hình như vệ sĩ họ Hồ vẫn còn sống ở đâu đây.
Họ biết rằng, người ấy võ nghệ siêu quần, lại có nhiều mưu lược; nếu có người ấy đứng đầu, thì có thể trả thù cho Sấm Vương được. Thế là họ chia nhau đi các ngả dò la tin tức về vệ sĩ họ Hồ.
Các bậc trưởng lão trong giới võ lâm vẫn truyền nhau rằng, vì việc tìm kiếm đó mà gây ra việc động trời. Ba vị Miêu, Phạm, Ðiền sau này đều kể lại tường tận mọi việc ấy cho lớp con cháu nghe, và lập tức quy ước trong gia tộc rằng mỗi đời đều kể lại cho đời sau nghe để lớp con cháu của ba họ Miêu, Phạm, Ðiền không bao giờ quên.
Nói đến đây, Bảo Thụ nhìn Miêu Nhược Lan:
– Bần tăng chỉ là người ngoài, nên chỉ biết một cách đại khái thôi. Miêu cô nương bằng lòng nói thêm, hẳn là sẽ tỉ mỉ hơn nhiều.
Mọi người đều nghĩ: “Hoá ra cha con Miêu Nhân Phượng là lớp con cháu của vị vệ sĩ họ Miêu”.
Miêu Nhược Lan đăm dăm nhìn vào lửa hồn kể:
– Năm tôi lên bảy, vào một buổi tối thấy cha tôi mài thanh trường kiếm. Tôi nói tôi sợ đao kiếm lắm, muốn cha tôi cất đi đừng đùa nữa. Cha tôi bảo, cần phải dùng kiếm này để giết một người đã, rồi mới có thể cất đi không bao giờ dùng đến nó nữa.
Tôi bá cổ cha tôi, xin ông không giết người, cha tôi bèn kể cho tôi nghe một câu chuyện.
Rất nhiều năm về trước, dân chúng khổ cực chẳng có cơm ăn áo mặc. Đành ăn vỏ cây, rễ cỏ. Rồi ngay cả vỏ cây rễ cỏ cũng hết, đành ăn cả đất bùn, rất nhiều người phải chịu chết đói. Người mẹ không có cơm ăn nên không có sữa, nhiều trẻ sơ sinh chết ngay trong tay mẹ. Thế mà các quan phủ vẫn đòi dân chúng phải nộp lương thực, các nhà giàu vẫn thúc ép dân nghèo nộp tô trả nợ. Dân chúng không kiếm đâu ra được, nên rất nhiều người bị quan phủ giết, bị các chủ nợ bắt nhốt lại.
Cha tôi có dạy tôi một bài hát, bảo là bài ấy do một công tử văn võ song toàn làm ra. Các vị có muốn nghe tôi đọc lại không?
– Xin cô nương cứ đọc đi – Mọi người đồng thanh.
Riêng Bảo Thụ nghe nói đến “vị công tử văn võ song toàn” thì biết ngay đó chính là Lý Nham, viên đại tướng dưới trướng Lý Tự Thành.
Miêu Nhược Lan đọc:
Sâu hạn năm qua khổ thật tình
Mất mùa, lúa má phá tan tành
Gạo cao thóc kém bao lần gấp
Chốn chốn dân lành sống bấp bênh
Lá cây rễ cỏ cho no bụng
Con trẻ oa oa khóc thất thanh
Bụi bám nồi niêu bếp tắt ngấm
Mấy ngày cháo loãng húp sao đành
Quan trên thu thóc sai hổ dữ
Hào phú đòi tô thả sói “lành”
Thương bấy, chỉ còn hơi thở dốc.
Hồn đã lìa xác xuống mồ xanh
Khôn qua ải đói bao oan nghiệt
Khắp chốn xương khô chất tựa thành
Rơi lệ ai là người tránh khỏi?
Lệ rơi hoá máu thấm hoen mình!
Mọi người đều nhớ là vào khoảng giữa đời vua Càn Long. Tuy nói là thời thái bình thịnh trị, song hàng năm việc hạn hán và lũ lụt sảy ra vẫn khiến trăm họ khốn khổ.
Nghe cô gái đọc rõ ràng từng câu từng chữ, giọng đọc đượm nỗi đau thương da diết, ai cũng liên tưởng đến những cảnh ngộ mắt thấy tai nghe trong cuộc đời giang hồ của mình và đều thấy mủi lòng thương cảm.
Miêu Nhược Lan nói tiếp:
– Cha tôi còn kể rằng, sau đấy quả tình là dân chúng không sao chịu đựng nổi được nữa. Rồi thì có một vị đại anh hùng đứng lên cầm đầu mọi người đánh vào Bắc Kinh. Tiếc rằng, từ sau khi lên ngôi hoàng đế, vị anh hùng ấy đã xử sự không thoả đáng, đã không đối đãi dân chúng tử tế mà trái lại, các tướng lĩnh dưới quyền còn đi tàn hại dân chúng, cướp bóc của cải của họ. Dân chúng bèn không theo người ấy nữa. Vị anh hùng đó cho rằng lòng dân đều hướng về chàng công tử làm bài hát kia bèn sát hại luôn công tử. Thế là đám thuộc hạ của ông nhốn nháo cả lên. Chẳng bao lâu vị anh hùng đó bị kẻ gian sát hại.
Nói đến đây, Miêu Nhược Lan thở dài, ngừng một lát rồi nói tiếp:
– Còn ba người vệ sĩ của vị anh hùng thì bàn nhau đi tìm người vệ sĩ họ Hồ, hi vọng người ấy sẽ bày kế hoạch báo thù cho chủ soái.
Lúc ấy, người dị tộc đã lên ngôi hoàng đế, truy nã các bạn hữu của vị anh hùng đó ở khắp mọi nơi. Ba người vệ sĩ nọ khó bề yên thân, đành cải trang ẩn trốn. Một người cải trang thành ông lang bán thuốc, một người cải trang thành kẻ ăn mày, còn người thứ ba có sức vóc hơn cả cải trang thành làm người phu khuân vác.
Ba người bọn họ và người vệ sĩ thứ tư kia là bốn anh em két nghĩa, đã đồng cam cộng khổ mấy chục năm trời, còn thân thiết hơn cả anh em ruột. Cả ba đều khắc khoải, chờ mong người thứ tư kia, song suốt bảy tám năm trưòi tìm kiếm mà vẫn bặt tin. Họ nghĩ có lẽ người ấy đã tử trận trong khi bảo vệ chủ soái rồi, và thấy vô cùng đau xót.
Mọi người nghe giọng nói trầm bổng của cô gái, tựa như cách kể chuyện cho trẻ con, đều đoán rằng có lẽ cô gái bắt chước cách kể chuyện của cha mình năm xưa, và thầm nghĩ “xưa nay tuy nghe trong danh hiệu Kim Diện Phật có chữ “Phật”, song ông ta luôn căm ghét điều xấu như kẻ thù, đã ra tay là rất dữ dằn… thế mà đối xử với con gái lại ôn hoà, nhân ái đến thế”.
Miêu Nhược Lan kể tiếp:
– Sau đó mấy năm, cả ba quyết định thôi không tìm người anh em kết nghĩa kia nữa. Họ gặp nhau bàn bạc, biết rằng kẻ gian năm xưa sát hại vị anh hùng, nay đã được phong tước Vương, đang sống sung sướng ở Vân Nam. Họ bèn quyết định đi Vân Nam để giết hắn, báo thù cho thủ lĩnh và người anh em kết nghĩa kia. Thế là cả ba người lên đường đi Vân Nam.
Lưu Nguyên Hạc, Hùng Nguyên Hiến đưa mắt nhìn nhau, cùng hiểu rằng, kẻ gian mà cô gái nói đến chính là Ngô Tam Quế, người được phong làm Bình Tây Thân Vương.
Ba người đi đến Côn Minh -Miêu Nhược Lan kể tiếp -và dò la kỹ lưỡng quanh nơi ở của tên Hán gian đó. Vào tối mồng năm tháng ba năm ấy, cả ba đem gươm đao và ám khí trèo tường nhảy vào.
Hắn phòng bị vô cùng cẩn mật, nên cả ba vừa vào là bị các vệ sĩ phát hiện ngay. Ba người tuy võ nghệ cao cường, nên mới ra tay đã sát hại và đánh bị thương hơn hai chục tên vệ sĩ. Cả bọn vệ sĩ không chặn nổi ba người, và họ đã xông vào tận phòng ngủ của tên Hán gian. Những tưởng hắn không sao trốn thoát, nào ngờ có một người nhảy xổ ra che chắn cho hắn. Ba người nhìn mặt thì kinh ngạc vô cùng, vì chính đây là người anh em kết nghĩa họ vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. Người ấy võ công cao cường hơn họ, bảo vệ tên Hán gian không cho họ giết hắn. Cả ba vừa ngạc nhiên, vừa giận dữ, xông vào đấu ngay. Lát sau, từ phía ngoài tràn vào thêm mấy chục vệ sĩ nữa nên biết không sao địch nổi đành tháo chạy. Riêng người cải trang thành phu khuân vác vì sểnh tay bị bắt giữ.
Chính tên Hán gian Ngô Tam Quế xét hỏi ông ta. Ông ta lớn tiếng mắng chửi hắn đã bán cả giang sơn của người Hán cho người dị tộc. Tên Hán gian đã cho đánh gẫy hai chân ông ta rồi giam vào ngục. Người anh em kết nghĩa nghĩ thấy xấu hổ, đã lẻn vào nhà giam thả ông ta ra.
Sau đấy, khi cả ba người gồm ông thầy thuốc, kẻ ăn mày và người phu khuân vác gặp lại nhau, họ ôm nhau khóc lóc thảm thiết, không ngờ người huynh trưởng kết nghĩa năm xưa lại thay lòng đổi dạ chạy theo kẻ thù. Cả ba lại ngầm nghe ngóng, và phát hiện ra một câu chuyện đáng căm phẫn: thì ra năm xưa khi cả bọn xuống núi đi cầu viện binh, người huynh trưởng chờ mấy hôm không thấy viện binh, chính huynh trưởng đã ra tay hạ sát chủ soái rồi đầu hàng kẻ địch. Hoàng đế Mãn Thanh phong cho ông ta một chức quan to, hiện giờ được thăng đến chức đề đốc dưới quyền của tên Hán gian.
Nghe đến đây, mặt mọi người đều biến sắc. Họ từng nghe nói Sấm Vương bị sát hại núi Cửu Cung. Có kẻ đồn là bị dân chúng giết, có kẻ bảo là bị quan binh giết nhưng không ngờ hung thủ lại chính là vệ sĩ tâm phúc của Sấm Vương.
Miêu Nhược Lan thở dài:
– Ba người nghe ngóng xác định đúng là như vậy, bèn quyết chí tính sổ với kẻ ấy.
Có điều cả ba vốn khó lòng thắng nổi, giờ đây người đóng vai phu khuân vác lại bị thương nặng thì càng yếu thế. Ðang trù trừ chưa biết tính sao, bỗng người anh kết nghĩa sai người mang thư tới, hẹn cùng đến uống rượu ở Ðiền Trì vào tối ngày rằm tháng ba.
Cả ba hiểu ắt có quỷ kế chi đây, song lại nghĩ người ấy đã biết rõ nơi ở cùng với động tĩnh của mình, lại có quyền lực lớn ở vùng này, dẫu muốn tránh cũng khó. Cơ sự đến nước này, dẫu có là hang hùm miệng sói cũng đành liều mà đi vậy! Thế là đến ngày hẹn, cả ba ngầm giắt binh khí trong mình cùng đến Ðiền Trì. Người huynh trưởng kết nghĩa năm xưa đã đợi từ sớm và chỉ có một mình, ăn vận quần màu xanh bằng vải thô, giống như năm xưa khi cả bốn ngưòi cùng ở quân doanh.
Bốn người vào một quán rượu nhỏ ven hồ, gọi ít thịt luộc, à nướng, bánh bao và mười mấy cân rượu trắng, rồi lên thuyền cùng ra giữa hồ uống rượu ngắm trăng.
Bốn người vừa uống rượu vừa ôn lại những chuyện oanh liệt khi cùng trong quân ngũ năm nào. Ba người để ý thấy người huynh trưởng cũ không hề nhắc đến tên của vị anh hùng, nên cũng kìm nén không đả động tới.
Rồi thấy người ấy liên tiếp cứ uống rượu thừng bát lớn, mãi khi trăng đã lên lưng trời mới ngửa mặt kêu lên: “Các nghĩa đệ! Chúng ta lâu ngày mới có dịp gặp lại nhau, nên hôm nay ta vui sướng lắm!”. Câu nói chứa đầy hào khí sảng khoái lại được phát ra bởi miệng một cô gái hiền lành tao nhã là Miêu Nhược Lan, kể ra có lẽ không được hợp lắm, song mọi người đang bị lôi cuốn bởi các tình tiết hấp dẫn của câu chuyện nên không ai bận tâm để ý.
Miêu Nhược Lan kể tiếp:
– Người cải trang làm thầy lang không nén nhịn được nữa, cười nhạt: “Anh làm quan to, có đủ vinh hoa phú quý cả rồi, cố nhiên là thấy vui! Có điều là không rõ Nguyên soái giờ này nghĩ gì nhỉ?”.
Tuy vị đại anh hùng sau này đã từng làm hoàng đế, song cả bốn vệ sĩ thân tín vẫn gọi ông ta là “Nguyên soái”.
Huynh trưởng thở dài nói: “Ôi! Hẳn là Nguyên soái cô đơn lạnh lẽo lắm. Giờ thì đại sự đã xong rồi, ta muốn bảo các nghĩa đệ đi gặp Nguyên soái đấy”.
Nghe thấy thế, cả ba nổi giận đùng đùng, thầm nghĩ: “Gớm thật! Mi lại còn muốn giết luôn cả ba chúng ta nữa, để cho chúng ta xuống âm tào địa phủ gặp Nguyên soái ư?”.
Người đóng vai phu khuân vác rờ tay vào trong người định rút dao. Người đóng giả thầy lang bèn đưa mắt ra hiệu, rồi nâng vò rượu rót cho huynh trưởng kết nghĩa, và nói: “Từ sau ngày ba chúng tôi từ biệt núi Cửu Cung, thì rốt cuộc Nguyên soái ra sao?”.
Huynh trưởng nhướng lông mày lên: “Hôm nay ta hẹn các nghĩa đệ đến đây, là nhằm nói chuyện đó”. Người đóng vai ăn mày bỗng chỉ tay về phía sau lưng huynh trưởng, hỏi to: “Kìa, có ai đến thế nhỉ?”.
Huynh trưởng quay người lại nhìn, thì người đóng vai ăn mày và thầy lang đều vung đao chém luôn. Một nhát đã chặt đứt cánh tay phải của huynh trưởng và một mũi dao găm đâm vào giữa lưng sâu đến mấy tấc.
Huynh trưởng kêu to một tiếng, quay phắt lại dùng tay trái đoạt cả hai con dao và ném luôn xuống hồ lại trở bàn tay bóp chặt huyệt đạo ở cổ của người đóng vai thầy lang.
Huynh trưởng sắc mặt tái xanh, hét lên: “Bốn chúng ta kết nghĩa sâu nặng với nhau, vậy sao… vậy sao lại ngầm giở trò hại ta thế?”. Người đóng vai thầy lang bị bóp trúng huyệt đạo, người cứng đơ không cựa quậy được. Người đóng vai phu khuân vác giơ đao quát: “Mi đã sát hại Nguyên soái, đã bán chúa cầu vinh, còn mặt mũi nào nói đến hai chữ “Nghĩa khí” nữa?”.
Huynh trưởng tung chân đá văng con dao, cười lớn “Ðược! Ðược! Có nghĩa khí đấy! Có nghĩa khí đấy!”. Cả ba thấy huynh trưởng đã mất một cánh tay, lưng bị trọng thương mà vẫn dũng mãnh như vậy, đều kinh ngạc ngây người. Huynh trưởng dứt tiếng cười, thì bỗng lệ trào đôi mắt: “Thật đáng tiếc! Tiếc rằng việc lớn của ta không thành”. Nói rồi lỏng tay, thả người đóng vai thầy lang ra. Người đóng vai ăn mày sợ rằng huynh trưởng còn giở trò gì hiểm độc, bèn đấm một quyền mạnh trúng giữa ngực huynh trưởng. Trái đấm này nặng kinh hồn, làm huynh trưởng “hự” một tiếng, mồm hộc máu tươi. Bỗng huynh trưởng giơ bàn tay trái đập mạnh vào mạn thuyền, làm mạn thuyền bị thủng một lỗ, các mảnh gỗ văng ra tứ tung. Huynh trưởng cười cay đắng: “Tuy bị thương nặng, song nếu ta muốn giết các nghĩa đệ thì vẫn cứ dễ như trở bàn tay! Nhưng các nghĩa đệ là anh em tốt của ta, ta đâu nỡ làm thế!.
Cả ba người cùng lùi về phía mũi thuyền. Ðứng kề sát nhau đề phòng. Song huynh trưởng than rằng: “Ngàn vạn lần không được tiết lộ câu chuyện xảy ra hôm nay! Nếu để con trai ta biết chuyện, thì các nghĩa đệ không đáng là đối thủ của nó đâu. Ta cố nhiên sẽ tự vẫn mà chết để tránh cho các chú mang tội sát hại nghĩa huynh.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.