Em phải đến Harvard học kinh tế
CHƯƠNG 11 (Tiếp)
SỨC HẤP DẪN MẠNH MẼ CỦA HARVARD
Tờ tuần báo “Thời đại” của Hoa Kỳ từng lấy đề tài “Nâng cao 25 đôi tay của Hoa Kỳ” nhằm bình chọn ra 25 người Mỹ có ảnh hưởng mạnh nhất đương đại. Trong số những người được chọn gồm giáo sư, nhà khoa học, lãnh tụ tôn giáo, chính trị gia, chủ doanh nghiệp, ngôi sao điện ảnh thì các giáo sư và các cựu sinh viên Harvard chiếm 7 người, hơn 1/4 tổng số.
Nguồn tài nguyên giáo dục của Harvard được trời hậu đãi. Giáo sư và các cựu sinh viên của trường là một tập thể được giải thưởng Nobel có tỷ lệ cao nhất thế giới.
Trên tuyến đầu các lĩnh vực học thuật, trong các phòng thí nghiệm thăm dò thế giới huyền bí của tự nhiên, trên diễn đàn chính trị đầy uy lực, trong đông đảo các nhà công nghiệp kĩ thuật cao, ngành đầu tư ngân hàng… Rất nhiều cựu sinh viên Harvard với sức sống và trí tuệ dồi dào đã làm cho những lĩnh vực mà họ hoạt động tràn đầy sức sống, luôn phát triển.
Có cơ hội được học ở Harvard thực là một vinh dự đặc biệt, một dịp may hiếm có. Đình Nhi nếu muốn đạt được dịp may đó, điều kiện tối thiểu nhất là phải tốn rất nhiều thời gian và tâm huyết vào công việc chuẩn bị, là vì Đình Nhi sẽ bước vào một trận đấu “quyết liệt” với những đối thủ đều là học sinh tốt nghiệp cao trung thuộc loại giỏi các nơi trên thế giới và cả ở Hoa Kỳ. Lúc ấy, cái mà Đình Nhi thiếu nhiều nhất, chính là thời gian.
Báo thi vào Trường đại học Harvard hay không, Đình Nhi đang do dự. Nhưng Dĩnh nói: “Nếu không xin vào Harvard, sau này sẽ hối hận”. Thế là Đình Nhi liền ghi Trường Harvard vào danh sách. Larry được biết Đình Nhi đã đem phạm vi xin thi từ hai trường mở rộng thành bốn trường mà còn bao gồm cả Harvard nữa, liền tỏ thái độ đồng tình ủng hộ. Ý tưởng đột phá vào các trường hạng nhất thế giới đã biến kiến nghị của Larry thành kế hoạch của bản thân Đình Nhi.
Đây là mục tiêu làm người ta kinh ngạc, cũng là một gánh nặng vô song.
THAM KHẢO VÀ DỰ TÍNH
Để tranh thủ thời gian, Đình Nhi phát đi một loạt thư điện tử, lập một danh sách xin vào học, sau đó bắt đầu trưng cầu ý kiến của chúng tôi đối với danh sách sơ bộ để rồi quy hoạch lại thành một danh sách thỏa đáng hơn, tiếp theo dùng thư quốc tế giá tương đối cao xin biểu mẫu và đơn xin nhập học.
– Ba mẹ thấy thế nào? – Đình Nhi chỉ vào bảng danh sách hỏi.
– Còn con? – mẹ Đình Nhi hỏi lại. – Con thích trường nào trong bảng này?
– Bất kỳ trường nào! – Đình Nhi trả lời như trước đây, – Được một trường trong bảng này nhận vào học, con cũng thỏa mãn lắm rồi.
Thật thế, có thể được bất kỳ một trường nào nhận vào học đều đủ làm cho người ta tự hào.
Tôi xem lại bảng danh sách đến mấy lần, thử lượng sức của cháu là bao nhiêu. Xin vào một trường đại học nào đều liên quan đến tiền đồ đại sự cả một đời Đình Nhi, cần có một sự tính toán rất chuẩn xác. Bất luận là đánh giá quá cao hay quá bảo thủ đều có thể mang đến những tổn thất thực sự.
Như vậy, Đình Nhi có chắc chắn được số trường này nhận vào hay không? Căn cứ vào kinh nghiệm mấy năm lại đây, đối với vấn đề này tôi tin cần nắm vững quy luật thì sẽ có cách đưa ra những phán đoán chuẩn xác để giải quyết sự việc đó. Cổ nhân thường nói: “Vận trù ư duy ốc chi trung, quyết thắng ư thiên lý chi ngoại” (đến như chiến tranh là một việc hết sức phức tạp, cũng đều có thể phán đoán trước được thắng bại).
Trước mắt tôi như đang xem một bộ phim dài, từng sự việc của 10 năm về trước cứ hiện lên dần. Tôi đánh giá lại tỉ mỉ những biểu hiện của Đình Nhi trong nội khóa và ngoại khóa, hãy còn những việc không thể hiện trên bảng thành tích, nhưng đó chính là những tố chất tốt đẹp không thể thiếu được của người thành công, trong lòng dần dần thấy vững tin. Tôi nhận thấy lời nhận xét của Dĩnh đối với Đình Nhi là rất đáng tin cậy. Đình Nhi hoàn toàn có thể căn cứ vào danh sách các trường đại học này của Dĩnh để “quyết đấu”.
Sự việc sau này chứng tỏ, trong bảng danh sách các trường đại học đã sàng lọc trên, sự xác định từng vị trí của Đình Nhi là tương đối chuẩn xác. 11 trường đại học mà Đình Nhi báo dự thi, đại bộ phận (khoảng 70%) hoặc là có thể nhận Đình Nhi vào học hoặc là nhận Đình Nhi vào danh sách thí sinh dự bị. Có thể nói, đó là một thành tích phi thường.
CĂN CỨ THI TOEFL Ở ĐÂU?
Một khi sự việc đã được quyết định, Đình Nhi nói là làm ngay. Khó khăn phải đối mặt đầu tiên là cuộc thi TOEFL. Kế hoạch của Đình Nhi là, khi bắt đầu nghỉ hè lập tức bắt tay vào chuẩn bị. Nhiệm vụ của tôi là giúp Đình Nhi ghi tên dự thi.
Chiều ngày 2 tháng 7 tôi về sớm đến Trường Đại học Tứ Xuyên, nơi có trung tâm thi của Tứ Xuyên thuộc tổ chức phối hợp thi nước ngoài của Trung Quốc đóng ở đây. Đến dự thi TOEFL gồm có các thí sinh dự thi theo tiêu chuẩn nước ngoài GRE (graduate Record Examination – Thi thành tích nghiên cứu sinh), không chỉ có Tứ Xuyên còn có Vân Nam, Quý Châu và vùng Tây Bắc.
Ngày hôm đó, tôi rất thoải mái, không vội vàng, chờ đến 4 giờ chiều mới vào địa điểm ghi tên. Trước hết xem thời gian thi TOEFL gần kề nhất, thi ngày 8 tháng 8, nhất định là không kịp. Lần thi thứ hai? Còn sớm, phải đợi đến ngày 24 tháng 10. Hãy còn phải xem thời gian hết hạn ghi tên. Tôi giật mình, ngày 2 tháng 7 hết hạn mà hôm nay đã là 2 tháng 7, chỉ còn một giờ nữa là hết.
Đúng là quỷ thần xui khiến.
Thời gian TOEFL lần sau là 3 tháng nữa: ngày 16 tháng 1 năm sau. Nếu đợi đến thời điểm đó, thành tích phải đợi đến tháng 3 năm 1999 mới gửi đến, như vậy đã quá thời hạn của đại đa số trường đại học Hoa Kỳ cho phép, hậu quả là lỡ hẳn một năm học, còn một việc khác lớn hơn là Đình Nhi buộc phải vứt bỏ toàn bộ kế hoạch sang Hoa Kỳ học đại học chính quy.
Đây là lần nguy hiểm thứ nhất trong quá trình xin du học nước ngoài của Đình Nhi. Khi hồi tưởng lại, nó nhắc nhở chúng tôi, việc nhỏ cũng không thể xem thường.
Ghi tên xong, tôi bỗng chợt nghĩ: Đình Nhi thi TOEFL như thế nào đây?
Nếu có đủ thời gian, Đình Nhi nhất định đạt được điểm cao vì tiềm năng ngôn ngữ là mục tiêu từ thời còn nhỏ chúng tôi đã chú ý bồi dưỡng cho Đình Nhi. Năng lực ngoại ngữ của Đình Nhi rõ ràng vượt trội hơn người khác, học rất nhẹ nhàng, đây không phải là ngẫu nhiên mà đó là kết quả bồi dưỡng từ lúc hãy còn thơ ấu. Tập quán song ngữ xây dựng từ thời trẻ thơ, có thể đồng thời thúc đẩy sự phát triển năng lực và tiềm lực ngôn ngữ, đó là một sự thực không còn nghi ngờ gì nữa. Đình Nhi tiếp thu loại rèn luyện này, về phương diện ngôn ngữ rất nhạy bén, dù cho trước khi học sơ trung chưa chính thức học tiếng Anh nhưng khi vào trường Chuyên ngữ đều dễ dàng trở thành “xuất sắc” và theo yêu cầu của chúng tôi nhanh chóng làm được: “Tiếng Anh trội nhất, khẩu ngữ lưu loát, tự nhiên”.
Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu trình độ giảng dạy của Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Học sinh trường này nắm từ vựng so với trung học nhiều hơn gấp 10 lần, trên nền tảng ấy, nhà trường còn rất coi trọng rèn luyện năng lực nghe và nói. Ngay từ buổi lên lớp Tiếng Anh đầu tiên của năm thứ nhất sơ trung, thầy cô giáo yêu cầu học sinh hình thành tập quán tư duy bằng tiếng Anh. Qua 6 năm học, đại bộ phận học sinh nói tiếng Anh có thể đạt đến trình độ không cần thời gian suy nghĩ, so sánh với những học sinh trước tiên phải dùng tiếng Hán phiên dịch ra tiếng Anh trong đầu, rõ ràng là tốt hơn rất nhiều. Đình Nhi là học sinh giỏi nhất trong số đó, nên thi TOEFL đạt điểm cao là đương nhiên.
Đồng thời với trình độ tiếng Anh của Đình Nhi, được mắt thấy tai nghe nên chúng tôi phán đoán tương đối khách quan.
Đầu năm 1998, trong thời gian thăm Hoa Kỳ, Đình Nhi đến thăm Học viện Wellesley nổi tiếng và đã lên lớp nghe giảng ở trường này. Khi tiết Kinh tế học vi mô kết thúc, thầy giáo người Mỹ thấy một học sinh Trung Quốc nghe giảng rất chăm chú, liền đến bên Đình Nhi hỏi:
– Chào em. Bài tôi giảng em nghe có hiểu không?
– Vâng, em hiểu được. – Đình Nhi trả lời, sau đó bình tĩnh dùng tiếng Anh nói lại một cách hoàn chỉnh những nội dung quan trọng mà thầy đã giảng trên lớp. Thầy giáo người Mỹ quá kinh ngạc, không ngớt lời khen ngợi.
Lúc tham quan Tòa án tối cao Hoa Kỳ ở Washington, Đình Nhi đã từng thảo luận với thẩm phán cao cấp Kennedy về một vụ án dân quyền đang gây tranh luận ở Tòa án này. Ấn tượng sâu sắc để lại cho người Mỹ tại buổi gặp, không chỉ là tư duy sắc sảo và rõ ràng mà còn bao gồm cả khẩu ngữ tiếng Anh rất chặt chẽ, không hề có một sai sót nào của Đình Nhi. Sau này, ngài Larry nhiều lần nhắc lại.
Ngoài ra, khoảng một tháng trước khi Larry đề xuất cháu đến Hoa Kỳ học đại học, chúng tôi vừa tiếp xúc với một giáo viên môn tôn giáo học của Trường Landtane và là bạn thân của chúng tôi- Iry Johnson. Bà nói tiếng Anh miền Đông Hoa Kỳ rất chuẩn. Tôi ngồi bên cạnh quan sát bà Iry và Đình Nhi nói chuyện, thỉnh thoảng lại đùa vui, thấy Đình Nhi nói chuyện về những vấn đề rất đời thường, khẩu ngữ tiếng Anh khá trôi chảy. Trình độ nói tiếng Anh lưu loát giống như cháu nói tiếng Hán vậy.
Dù đã có một nền tảng rất vững, nhưng khi xem tờ giấy yêu cầu lượng từ tiếng Anh đến tháng 10 của chương trình TOEFL cũng có phần lo ngại. Thời gian gấp rút và lượng từ vựng theo yêu cầu của chương trình thi TOEFL còn một khoảng cách khá xa. Muốn thi tốt TOEFL, lượng từ vựng phải đạt 8.000 đến 10.000 từ, trong khi đó lượng từ vựng của Đình Nhi đến tháng 7 mới có được 5.000. Trong hai, ba tháng phải bổ sung thêm 5.000 từ nữa, lại phải sử dụng thành thạo với độ cực khó.
Đình Nhi hỏi chúng tôi: “Ba mẹ thấy con có thể thi được 600 điểm không?” Nghe khẩu khí có vẻ chưa thật tự tin, cháu mới mười bảy tuổi, một gánh nặng quá sức của cháu.
Tiếng cười của mẹ phá tan bầu không khí đó: “Bây giờ tạm thời chưa biết. Nếu đạt được 600 điểm, chúng ta sẽ đến tiệm ăn một bữa thật ngon chúc mừng con”.
NGHÊNH CHIẾN TOEFL, GIAN KHỔ VÀ MAY MẮN
Trong kỳ nghỉ hè năm thứ hai cao trung, thống nhất sắp xếp ở lại trường, học bù nửa tháng. Để tranh thủ thời gian, tôi đến Cửa hàng sách ngoại văn mua cho Đình Nhi một quyển sách mở rộng lượng từ vựng để Đình Nhi đọc trước.
Trung tuần tháng 7, Đình Nhi nghỉ hè, tự đến Cửa hàng Sách ngoại văn mua mấy loại giáo trình, băng TOEFL tốt nhất mà cháu đã nhìn thấy, tranh thủ từng giây phút để học. Cháu dùng thời gian 15 ngày để mở rộng từ đơn, đến Trung tâm Du học nước ngoài của Trường đại học Tứ Xuyên tham gia buổi thi thử TOEFL – lúc ghi tên lần trước, tôi cũng ghi luôn tên cho Đình Nhi học lớp phụ đạo thi TOEFL. Phương pháp của lớp này chỉ có một cách là dùng đề thi TOEFL mấy lần trước để thi thử. Đó là một lớp phụ đạo mà chúng tôi rất cần.
Lần thi thử thứ nhất kết thúc, Đình Nhi ngăn tôi lại hỏi:
– Ba đoán điểm của con đi?
– 570.- Tôi cố ý nói thấp đi một chút.
– A! Sai rồi. 613 điểm cơ!
Tiếp đó Đình Nhi đưa cho tôi tờ giấy báo điểm, lòng tôi dâng lên một niềm vui khó tả. Lúc này khả năng đi học của Đình Nhi tôi bắt đầu có phần nào tin tưởng.
Lần thi thử này Đình Nhi còn thú vị phát hiện ra mình còn một “vũ khí bí mật” nữa – đối với những từ còn chưa nắm vững, cháu có thể căn cứ vào ngữ cảnh câu văn, mười phần cũng đoán được tám chín. Đó là do thu hoạch được từ lần thăm Hoa Kỳ về.
Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, hàng ngày Đình Nhi đều ham mê sử dụng tiếng Anh theo kiểu Mỹ. Cháu là “người có chí”, dù đi tham quan, phỏng vấn rất khẩn trương, vẫn luôn chú ý nâng cao năng lực nói tiếng Anh – Mỹ của mình. Chỉ một tháng ngắn ngủi, cháu không chỉ quen thuộc với giọng Anh – Mỹ mà còn học được rất nhiều phương thức biểu đạt đặc hữu tiếng Anh – Mỹ, vô tình rất có lợi cho cuộc thi TOEFL.
Cuộc thi lần thứ hai, Đình Nhi được 620 điểm, hai lần tiếp theo đều được 630 điểm (điểm tối đa là 677 điểm). Từ đây đến ngày thi TOEFL còn không đến 20 ngày. Kết quả này càng làm cho Đình Nhi tăng thêm lòng tự tin.
Tôi đã phân tích tỉ mỉ số điểm Đình Nhi đạt được trong các lần thi thử TOEFL này, tôi phát hiện cháu mạnh nhất là phần thứ nhất: bài nghe hiểu, sai rất ít. Phần thứ hai là kết cấu biểu đạt bằng văn bản. Số điểm của phần này chiếm hơn một nửa số điểm của toàn bộ bài thi TOEFL. Đình Nhi mất điểm phần lớn là ở đây. Nhưng nói chung, mất điểm là không đáng kể. Nếu chú trọng đột phá vào những tri thức có liên quan, có thể tiến tới giảm nhẹ được việc mất điểm. Phần thi thứ ba – đọc hiểu và phân tích là chỗ mạnh nhất của Đình Nhi. Nhưng Lý Hưởng, người sắp tốt nghiệp Bắc Đại nói với Đình Nhi, điểm thi chính thức nói chung thông thường thấp hơn thi thử khoảng 10 – 30 điểm. Đình Nhi muốn đạt 640 điểm như ngài Larry mong muốn, cần phải cố gắng hơn nữa. Vấn đề đầu tiên Đình Nhi phát hiện là giáo trình TOEFL hiện Đình Nhi có trong tay, kém tính thực dụng, giảng từ, ngữ pháp nhiều, nhưng đối với vấn đề “thực tế” trong TOEFL thì còn giảng rất ít. Thực chất của việc học ngoại ngữ trong thực tiễn cần coi trọng mặt lý luận, TOEFL lại càng phải như vậy. Dùng những giáo tài này chuẩn bị thi TOEFL sao có được hiệu quả.
Làm thế nào đây? Đình Nhi suy nghĩ thấy cần phải thay tài liệu mới, nhưng ở đâu có loại giáo tài này, có lẽ phải cầu cứu học sinh giỏi Lý Hưởng ở Bắc Đại. Lý Hưởng nói, ở Bắc Kinh có thể mua được tài liệu tốt về TOEFL, rất nhiều học sinh Bắc Đại đều sử dụng loại tài liệu này. Mẹ liền điện thoại đi Bắc Kinh nhờ một người bạn thân – Lý Tô Phần giúp cho việc này.
Bà Lý mau nhanh chóng mua được các loại giáo tài cần thiết, hỏa tốc gửi ngay cho. Trong lúc chờ đợi tài liệu mới, Đình Nhi tranh thủ từng phút dùng tài liệu cũ mở rộng lượng từ vựng. Hơn một tuần sau, tài liệu TOEFL cùng với 20 đĩa kèm theo đã gửi về.
Lúc này, như được chắp cánh, Đình Nhi đẩy nhanh tiến độ học tập. Sau khi lớp cao trung năm thứ ba khai giảng, Đình Nhi muốn xin nghỉ hai tháng để tự học tiếng Anh, mẹ cháu gặp lãnh đạo nhà trường mấy lần nhưng chưa được phê chuẩn. Ý kiến của nhà trường chủ yếu là sợ “xôi hỏng bỏng không” và cũng không muốn mất đi một “hạt giống trạng nguyên”, vốn nằm trong kế hoạch đột phá vào Bắc Đại, nhưng ban giám hiệu cuối cùng cũng đã chấp thuận, một tuần lễ trước khi thi còn cho phép Đình Nhi không phải lên lớp.
Giáo viên chủ nhiệm lớp Trương Huệ Cầm trong thời kỳ này đặc biệt ủng hộ Đình Nhi: cho phép cháu mỗi tối tự học lên phòng nghỉ giáo viên chuẩn bị thi TOEFL, cô còn nhờ các thầy giáo khác giup đỡ kinh nghiệm quý báu cho cháu. Đình Nhi nắm vững tất cả thời gian có thể được, dù chỉ 5, hay 3 phút cũng cầm tài liệu thi TOEFL lên xem, đeo tai nghe một đoạn. Tự học ban đêm là một khoảng thời gian đáng quý. Đình Nhi ngồi bên bàn làm việc của cô giáo Trương, tranh thủ để học để luyện và thành tích tốt nhất khi tự mình làm bài thi thử: cuối cùng đạt 670 điểm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.