Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 10 (Tiếp)



HÃY ĐỂ CHO ÔNG NGƯỜI MỸ TÌM HIỂU CÀNG NHIỀU VỀ TRUNG QUỐC

Trong thời gian đến thăm Hoa Kỳ, tôi rất ngạc nhiên là không ít người Mỹ thiếu hiểu biết về Trung Quốc. Ấn tượng của nhiều người Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cố nhiên chỉ là những bộ phim của Trương Nghệ Mưu quay với bối cảnh Trung Quốc cũ. Cũng không trách được. Đối với họ, trong đầu chỉ chứa đầy những tin tức như thế thì cách nhìn cũng hình thành từ đấy. Có người Hoa Kỳ nhìn thấy bộ trang phục thường ngày tôi mặc trên người, tò mò hỏi: “Lúc ở Trung Quốc cũng mặc những bộ quần áo này à?” Có lẽ họ cho rằng ở Trung Quốc tôi mặc áo dài vạt trước ngắn với tay áo hình móng ngựa, thậm chí còn bó chân mới phù hợp với ấn tượng của họ.

Do vậy, tôi muốn những người dân Hoa Kỳ tôi có dịp tiếp xúc, tìm hiểu được càng nhiều về một Trung Quốc chân thực. Lúc ấy, những món quà mà mẹ tôi tìm chọn cho đã có chỗ sử dụng.

Món quà mà tôi tặng cho ông chủ nhà Taylor là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ thêu truyền thống của Tứ Xuyên: bức “Mèo vờn bọ ngựa” thêu hai mặt. Cũng hay là vợ chồng ông rất thích mèo, lúc tôi vừa đem bức tranh lồng kính có hai mặt thêu, đặt lên giá, cả nhà ông Taylor đều tò mò xúm quanh, lật đi lật lại xem con mèo rất sống động với những sợi len nhiều màu sắc được thêu hai mặt như thế nào? Nhân dịp đó, tôi giới thiệu cho họ biết 4 địa phương thêu nổi tiếng của Trung Quốc, nơi hội tụ rất nhiều nghệ nhân thủ công điêu luyện: Bắc Kinh, Tô Châu, Thục (Tứ Xuyên) và Tương (Hồ Nam).

Món quà tặng nhà trường, nơi đón tiếp tôi, là bộ tranh màu minh họa một câu chuyện dân gian Trung Quốc tuyệt đẹp. Bộ tranh này ngoài kĩ thuật sử dụng thủ pháp Trung Quốc có phiên âm tiếng Hán, lớp Trung văn của nhà trường hiểu câu chuyện đó và từ nội dung câu chuyện, hiểu được lịch sử lâu đời và nền văn hóa Trung Quốc. Tôi dùng những bức tranh cắt mang theo tổ chức một buổi giới thiệu về phong tục dân gian Trung Quốc như làm vằn thắn, bánh trôi, hàm ý sâu sắc của chữ “phúc” viết ngược để học sinh Hoa Kỳ cảm nhận được tâm nguyện hướng về một cuộc sống tốt đẹp, những thuần phong, mỹ tục đầy tình cảm thú vị của nhân dân Trung Quốc.

Tôi còn mang một ít tặng phẩm nhỏ khác như khay bằng trúc đan, dùng lối vẽ “quốc họa” (lối vẽ bằng bút nho Trung Quốc) vẽ gấu hoặc tùng, họa lên trên mặt khay, quạt hoa khắc chìm bằng gỗ thơm có thể gắn vào bệ quạt để trang trí; hộp cỏ bện đựng đồ trang điểm nhỏ nhắn xinh xắn bên ngoài có dán những bức tranh bằng thân cây lúa mạch rất tinh xảo. Tôi đem chúng tặng các thầy cô giáo và các bạn ở trường học Hoa Kỳ. Có những gia đình tha thiết mời chúng tôi đến chơi nhà.

Loại tặng phẩm khiến tôi bỏ nhiều công sức và cũng tâm đắc nhất là một bàn tính bằng ngọc tặng ngài Larry. Tặng bàn tính ngọc là ý mẹ tôi. Mẹ nói: “Ngọc là tượng trưng cho phẩm chất tinh thần của người Trung Quốc, bàn tính là tiêu biểu tuyệt vời cho nền văn minh cổ xưa của người Trung Hoa, hơn nữa đối với sự phát triển của nền kinh tế cổ đại Trung Quốc, bàn tính cũng đã đóng góp không nhỏ. Nó đã dùng một phương thức hết sức đơn giản để giải quyết vấn đề số học rất phức tạp và là biểu hiện rõ ràng trí tuệ của người Trung Quốc. Con đã biết sử dụng bàn tính, đến lúc ấy con có thể thực hành để ông ấy xem đấy.”

Mẹ tôi đã tìm mấy ngày ở Thành Đô mà không tìm được bàn tính ngọc, lúc đó định thay thế bằng bàn gỗ nhưng e sơ sài quá. Mẹ lại chạy đi tìm một ngày nữa, kết quả tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm du lịch, mua được bàn tính ngọc cỡ trung rất vừa ý. Mẹ rất phấn khởi, viết hai câu đối trên hộp bàn tính để lúc tặng dịch cho ngài Larry nghe:

Cổ hữu toán bàn khởi Hoa Hạ

Kim hữu điện não huệ toàn cầu.

(Thời xưa, bàn tính có đầu tiên ở Hoa Hạ

Ngày nay, máy tính có mặt trên khắp toàn cầu)

(Hoa Hạ: Tên gọi nước Trung Hoa cổ)

Lúc tôi đem tặng ngài Larry bàn tính ngọc, vừa phiên dịch đôi câu đối vừa biểu diễn bàn tính khiến ông Larry tỏ vẻ vô cùng thích thú và kinh ngạc.

Ngoài việc dùng quà tặng để giới thiệu truyền thống văn hóa Trung Quốc, tôi còn chú trọng giới thiệu với người dân Hoa Kỳ tình hình Trung Quốc hiện nay và sự thay đổi của Trung Quốc sau cải cách mở cửa.

Lúc có người hỏi về quê hương, tôi liền lấy bưu thiếp mang theo từ Thành Đô và kể với họ, đây là thành phố nơi tôi ở. Dòng sông này có tên gọi là Phủ Nam, chúng tôi thường gọi là “dòng sông mẹ”. Dọc theo hai bờ sông là những vườn hoa rộng, các tòa nhà đẹp, đã được tặng “Huy chương về công trình nhà ở của Liên Hiệp quốc”. Trong 20 năm lại đây, hầu như thành phố nào ở Trung Quốc cũng có những thay đổi lớn lao.

Cả nhà ông Taylor đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa đến Trung Quốc. Tôi nói với họ, một chính sách rất quan trọng hiện nay của Trung Quốc là hoan nghênh người nước ngoài đến đầu tư. Trung Quốc là một nước có tốc độ phát triển nhanh, có rất nhiều cơ hội kinh doanh. Giá nhân công ở Trung Quốc rất rẻ, thậm chí những nhân tài có trình độ cao, được đào tạo tốt, thù lao cũng thấp hơn ở Hoa Kỳ nhiều.

Tôi còn nói với ông về sự tiến bộ của nền pháp chế Trung Quốc, tình hình môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi với kinh doanh của người nước ngoài. Tôi còn giới thiệu với ông sự thành công của những xí nghiệp phương Tây ở Trung Quốc. Có một lần tôi nói tới công ty P&G của Hoa Kỳ cũng là Công ty Bảo Khiết sản xuất dầu gội đầu làm tóc nhẹ và mềm nổi tiếng Trung Quốc, vừa hay người Tổng Giám đốc của Công ty đó là bạn của ông.

Ông Taylor tìm hiểu ngày càng nhiều tình hình Trung Quốc. Có lần ông hỏi tôi: “Cháu là một học sinh trung học, làm sao biết được nhiều tình hình như thế?” Tôi trả lời ông là, một mặt từ trong sách giáo khoa Trung Quốc tôi đã học được những kiến thức cơ bản, mặt khác xuất phát từ hiểu biết cá nhân, hàng ngày đều chú ý đến những tin tức như thế; có lúc còn mua sách báo liên quan để đọc nữa. Thời gian lâu dần, sự hiểu biết càng nhiều thêm… Ông Taylor nửa đùa nửa thật cười nói, học sinh trung học như cháu về sau ứng cử tổng thống được. Tôi nói với ông, ở Trung Quốc học sinh trung học giống như tôi rất nhiều. Họ quan tâm đến tiền đồ và vận mệnh quốc gia. Ví như bạn học của tôi cũng đều như vậy.

Lúc tôi sắp rời Hoa Kỳ, ông Taylor nói với tôi, sắp tới ông cũng dự định sang Trung Quốc đầu tư trên thị trường rộng lớn đầy cơ hội kinh doanh này. Vì vậy, ông rất mong con của ông học tốt môn Trung văn.

THẢO LUẬN VỤ ÁN VỚI MỘT VỊ THẨM PHÁN CAO CẤP CỦA HOA KỲ

Theo ngài Larry, muốn làm cho học sinh trung học hiểu sâu sắc Hoa Kỳ, Tòa án tối cao là một nơi không thể không đến. Đây không chỉ vì Tòa án Tối cao là nơi ông làm việc, mà quan trọng hơn, hoàn thiện hệ thống luật pháp là một tiền đề hết sức quan trọng không thể thiếu của bất cứ một quốc gia nào muốn thực hiện hiện đại hoá.

Giống như nhiều tổ chức cơ cấu của nhà nước Hoa Kỳ như Nhà Trắng, Quốc hội, Tòa án Tối cao đặt tại Washinhton cũng quy định một ngày để công chúng vào tham quan tự do. Trong ngày tham quan đó, các vị thẩm phán cao cấp tự mình xuất hiện tiếp đón những người tham quan bình thường, bao gồm cả thanh thiếu niên, học sinh đồng thời thông qua các loại sự việc cụ thể giảng giải cho họ hiểu Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ.

Ngày hôm ấy, một trong số học sinh Trung Quốc chúng tôi và một vài người trong số các ông chủ người Mỹ, dưới sự hướng dẫn của ngài Larry, đi tham quan Tòa án Tối cao, gặp ngài Antone Kennedy, một thẩm phán cao cấp. Ông đã nhiều lần thăm Trung Quốc, cho nên đối với ông, việc học sinh Trung Quốc thảo luận pháp luật Hoa Kỳ cũng rất lý thú. Hôm ấy, thẩm phán Kennedy đang giảng cho mọi người về một vụ án gây tranh luận trong xã hội: một việc khám xét có khả năng liên quan đến việc xâm phạm quyền của con người. Sự kiện này làm cho nội bộ Tòa án Tối cao ý kiến không nhất trí. Quá trình tóm tắt sự việc đó như sau. Một chiếc ô tô đang chạy, vi phạm pháp luật, bị cảnh sát phát hiện. Cảnh sát lập tức truy đuổi, chặn chiếc xe đó lại và yêu cầu tất cả hành khách trên xe xuống hết để kiểm tra và có ba người trong số họ tìm được trên người có vật cấm. Vị thẩm phán đề xuất với mọi người là: người cảnh sát này có được quyền như vậy không?

Trong không khí rất nghiêm trang đó, tôi dũng cảm đứng lên với giọng bình tĩnh nói: “Tôi cho rằng cách làm của người cảnh sát đó là sai”, tiếp theo, tôi bắt đầu trình bày rất mạch lạc quan điểm của mình: trong sự kiện này, người phạm luật không phải là tất cả các hành khách mà chỉ là người lái xe. Lái xe vi phạm luật thì phải trừng phạt theo pháp luật quy định, nhưng tất cả các hành khách không có sai phạm. Không có lý do nào để bắt tất cả phải cùng lái xe chịu chung hình phạt đó, dù chỉ là xuống xe để kiểm tra. Thẩm phán Kennedy đầu tiên rất ngạc nhiên, đến lúc nghe tôi trình bày, vẻ mặt giãn ra vui vẻ. Đợi tôi nói hết quan điểm của mình, vị thẩm phán không nén xúc động, giơ cả hai tay lên tán thưởng: “Great! (Rất giỏi!) Cách nhìn của tôi cũng giống như em. Chúng ta không thể vì người cảnh sát này khám được vật cấm mà có thể công nhận sự kiểm tra vi phạm pháp luật đó. Đây là điều khoản Hiến pháp của chúng ta để bảo vệ những công dân Hoa Kỳ không phải chịu bất cứ sự kiểm tra phi lý nào”.

Cuộc tham quan kết thúc, thẩm phán Kennedy vui vẻ chụp ảnh với chúng tôi và trên bức ảnh đó ông tự tay ký tên của mình rồi trao cho tôi làm kỉ niệm. Sau sự việc đó, ngài Larry lúc viết thư giới thiệu tôi du học tiếp mới nói với tôi: “Phát biểu của em làm cho tất cả những người dự họp đều ngạc nhiên, kể cả tôi, – một chuyên gia luật pháp và là một luật sư lâu năm trong nghề. Là vì xuất phát điểm của việc thảo luận vấn đề này là Tu chính án thứ 4 trong Hiến pháp Hoa Kỳ, đó là một điều khoản Hiến pháp để bảo vệ công dân Hoa Kỳ không phải chịu sự kiểm tra phi pháp, nhưng trong khi em chưa hiểu gì về Tu chính án, chỉ dựa vào năng lực tư duy lô gíc mà rút ra kết luận chính xác”.

Larry cho rằng quan điểm thảo luận mà tôi trình bày chí ít cũng bằng trình độ sinh viên năm thứ hai Trường Đại học luật chuyên khoa Hoa Kỳ. Hơn nữa Larry còn nói, tiếng Anh của tôi sử dụng chặt chẽ, tư duy sắc sảo, sự biểu đạt rõ ràng và lưu loát, bình tĩnh, dũng cảm, từng câu đều có điểm trúng huyệt chắc như đinh đóng cột đã để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc.

ĐÁNH MỘT TRẬN THẮNG ĐẸP Ở ĐÀI TRUYỀN HÌNH HOA KỲ

Washington tháng 2, trời rét căm căm. Mấy học sinh Trung Quốc chúng tôi đã thấy quen thuộc hơn một ít đối với thành phố, phong tục, tập quán và con người ở đất nước này.

Gần tối, đêm 13 tháng 2, thầy phụ trách Đoàn – Dương Tiểu Hồng đột nhiên nhận được một cú điện thoại ngắn gọn: 9 giờ 20 phút sáng ngày mai, Đài Truyền hình Hoa Kỳ C-SPAN mời chúng tôi tham gia tiết mục phỏng vấn trực tiếp, hỏi chúng tôi có nhận lời mời đến dự hay không.

Đài truyền hình Hoa Kỳ C-SPAN rất hiện đại, phủ sóng khắp nước Mỹ. Các tiết mục của Đài từ lâu đã nổi tiếng vì có tính chính trị cực mạnh. Lời mời này, đối với chúng tôi, những người mới đến Hoa Kỳ 20 ngày, rõ ràng là một khó khăn. Thầy Dương Tiểu Hồng đến chưng cầu ý kiến, mọi người đều thấy đây là một thách thức, đương nhiên không muốn lùi bước.

Sáng sớm ngày 14 tháng 2, người dẫn chương trình còn chưa đến, 4 học sinh Trung Quốc chúng tôi đã ngồi rất nghiêm chỉnh ở phòng phỏng vấn trực tiếp. Người phụ trách hóa trang của Đài truyền hình nói với chúng tôi, buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp của Đài thường được bố trí vào “thời điểm vàng”, vì người Mỹ có thói quen, ngày chủ nhật buổi sáng ngủ muộn, khi vừa mở mắt dậy, liền bật ti0vi xem thời sự, nên C-SPAN bố trí tiết mục hay nhất vào thời điểm đó.

Bắt đầu làm việc, sau lời khai mạc ngắn gọn của người dẫn chương trình và lời chào hỏi hữu nghị, đường dây điện thoại nóng với khán giả được nối, điện thoại các nơi trên đất nước Hoa Kỳ gọi về làm cho đèn tín hiệu trong phòng truyền trực tiếp nhấp nháy liên tục, không khí hiện trường đột nhiên sôi động, căng thẳng.

Tuy trước đây, bản thân tôi chưa bao giờ trải qua tiết mục truyền hình trực tiếp của Hoa Kỳ, nhưng cũng đã được nghe nói tới. Trong các buổi như thế, dù là Tổng thống cũng bị những người dẫn chương trình và phóng viên đôi lúc làm cho lúng túng. Từ Nixon đến Bill Clinton đều gặp phải trường hợp này. Ta có thể thấy gai góc trong những câu hỏi đặt ra.

Người dẫn chương trình C-SPAN như một sinh viên trẻ, anh ta đối với chúng tôi thân thiện, còn về những người gọi đường dây nóng sẽ hỏi những vấn đề gì thì khó mà dự kiến được. Giống như mỗi lần bước vào phòng thi, tôi hít thở hai lần thật sâu, chuẩn bị nghênh đón thách thức đó.

Những câu hỏi của công chúng Mỹ không hề kiêng dè bất cứ thứ gì, quả nhiên là danh bất hư truyền. Mới bắt đầu đã có khán giả hỏi, suy nghĩ của chúng tôi đối với những sự việc rắc rối của bản thân nước Mỹ: “Các bạn đối với những chuyện tình lãng mạn của Tổng thống Clinton như thế nào?”

Một vị khán giả khác quan tâm đến tình hình vùng vịnh sau cuộc chiến hỏi: “Các bạn nhận thấy quan hệ sắp tới giữa Mỹ và Iraq như thế nào?” Chúng tôi thường trả lời hết sức thoải mái đối với các câu hỏi đó.

Một khán giả điện từ Tennessee tới, đầu tiên anh ta dùng giọng Trung Quốc không được thành thạo lắm mở đầu “Chào bạn!”, nhưng vấn đề anh ta nêu ra có đôi chút châm ngòi: “Năm năm trước tôi đã đến Trung Quốc và đã học được một môn võ thuật của Trung Quốc. Tôi rất quan tâm đến sự phát triển nhân quyền của Trung Quốc. Tôi muốn nhờ một bạn học sinh Trung Quốc có hiểu biết về môn võ thuật nói cho biết cách nhìn của bạn ấy về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc?” Trong phòng truyền hình trực tiếp, mọi ánh mắt đều nhìn về phía Âu Bằng. Âu Bằng trả lời rất trầm tĩnh: “Mọi người đều biết, Trung Quốc là một nước dân số đông và có một lịch sử lâu đời. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, nhân quyền của chúng tôi tiến những bước rất dài. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm khác nhau của riêng mình. Tình hình nhân quyền của chúng tôi cũng đang theo sự phát triển của nền kinh tế không ngừng được cải thiện. Tôi tin tưởng với sự nỗ lực không mệt mỏi, vấn đề nhân quyền của nước chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện”.

Tất cả nhân viên Đài truyền hình có mặt trong phòng đều vỗ tay hoan nghênh câu trả lời đó của Âu Bằng. Họ không biết rằng gia đình nơi Âu Bằng được gửi trọ trong thời gian tham quan Hoa Kỳ, thường thường có những cuộc gặp gỡ với các chính khách. Trong những lần gặp gỡ đó, vấn đề Âu Bằng phải trả lời nhiều nhất là vấn đề nhân quyền Trung Quốc.

Lúc cuộc phỏng vấn kết thúc, người dẫn chương trình nêu một vấn đề chung cho chúng tôi, kế hoạch tương lại làm gì? Có nghĩ đến việc sang Hoa Kỳ học đại học hay không?

Các bạn tôi đều nói rằng, trong tương lai hi vọng được đưa sang Hoa Kỳ học đại học. Lúc người dẫn chương trình hỏi tôi, tôi bình tĩnh trả lời: “Tôi chưa chuẩn bị sang Hoa Kỳ học đại học. Là vì tôi cho rằng, một người cần phải học tốt nền văn hóa của nước mình trước tiên, sau đó mới đi học tập nền văn hóa của nước khác. Tôi dự định sau này sẽ hoạt động kinh tế. Nhưng làm kinh tế quyết không phải muốn kiếm thật nhiều tiền cho mình mà là vì Tổ quốc tôi còn có rất nhiều người cần giúp đỡ. Ví như những vùng nghèo khổ, còn có rất nhiều trẻ em nghèo, không có tiền nên không thể đi học. Tôi hi vọng bản thân trong tương lai có năng lực giúp đỡ họ.”

Những lời nói trên đều là những lời chân thực, là vì, từ trước tới nay, tôi chưa hề nghĩ đến việc trực tiếp sang Hoa Kỳ học hệ chính quy, mà có ý định đến giai đoạn nghiên cứu sinh, thi vào danh sách du học sinh của nhà nước. Lúc ấy tôi cũng chưa hề biết được, nửa năm sau ngài Larry giới thiệu trực tiếp và đề nghị tôi được hưởng học bổng trả theo chỉ tiêu đại học Hoa Kỳ, có thể thực hiện sớm ý định sang Hoa Kỳ của mình trước 4 năm trong kế hoạch của cuộc đời.

Hôm phỏng vấn trên truyền hình, tôi cũng không biết con gái của ngài Taylor là Janes ngồi trước màn hình ti-vi, khi cô nghe câu trả lời của tôi, cô rất cảm động. Khi trở về nhà, cô Janes ôm chầm lấy tôi: “Thanh niên Trung Quốc thật phi thường! Vào độ tuổi như thế này, trẻ em của chúng tôi ở đây, chỉ biết ăn sô-cô-la và kem, các bạn, trái lại đã biết suy nghĩ đến những vấn đề của quốc gia, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình với nhân loại…”

Người vui mừng nhất đối với thành công của buổi phỏng vấn này có lẽ là ngài Larry. Khi người dẫn chương trình Đài C-SPAN vừa nói lời “Chào tạm biệt!”, ông ngồi ngay bên ngoài phòng truyền hình trực tiếp đã đứng lên hô thật to: “Rất giỏi! Rất giỏi! Tôi tự hào về sự tuyển chọn của mình”.

Tôi nghĩ rằng ngài Larry không chỉ tự hào vì ông đã tuyển chọn học sinh trung học của Trung Quốc, nhưng càng tự hào hơn vì ông đã chọn đúng sự nghiệp của mình là củng cố tình thân thiện, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung – Mỹ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.