Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 7



DIỄN VỞ “TRỜI XANH THĂM THẲM TRÊN ĐẦU” – THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI

Nếu có bạn hỏi chúng tôi: “Vợ chồng anh chị đã khi nào “dập tắt” niềm say mê hứng thú chính đáng của Đình Nhi?” Xin trả lời ngay: Chưa khi nào, nhưng chúng tôi vẫn luôn ngăn Đình Nhi đi vào con đường xướng ca, nghệ thuật. Chúng tôi nghĩ rằng, cái nghề này, có được chút thành công nào phần lớn phải dựa vào người khác, phải dựa vào một sự ngẫu nhiên. Chúng tôi không muốn thấy con mình phải có một kết cục không được sáng sủa lắm như nhiều diễn viên cũng đã từng nổi tiếng một thời, đến khi nhan sắc đã tàn phai, phải đi làm các “nghề vặt” bằng nghệ thuật.

Chúng tôi luôn coi trọng mọi cơ hội đến với Đình Nhi. Chỉ cần có thể giúp Đình Nhi mở rộng tầm mắt, rèn luyện tài năng là chúng tôi tạo điều kiện cho Đình Nhi tham gia. Càng biết nhiều hiểu rộng, vốn sống và kinh nghiệm càng nhiều, khả năng chống lại những cám dỗ thấp hèn càng mạnh, càng đảm bảo cho cháu tránh được những sai lầm có hại cho lợi ích lâu dài của cháu. Vì vậy, khi nhận được điện thoại mời Đình Nhi tham gia diễn kịch truyền hình, chúng tôi đã không từ chối.

CÓ DUYÊN VỚI KỊCH NÓI

Chuyện Đình Nhi được chọn đóng vai cô con gái ngài thị trưởng trong bộ phim dài nhiều tập “Trời xanh thăm thẳm ở trên đầu” có thể nói là một “sự may mắn, ngẫu nhiên”.

Trước khi Đài truyền hình trung ương dựng vở “Trời xanh” này, ông Trần, trưởng Ban Văn nghệ Đài truyền hình Tứ Xuyên, trong một buổi dạ hội mừng Lễ Giáng sinh được tổ chức tại ngoại ô thành phố đã tình cờ gặp Đình Nhi và một giáo sư người Mỹ đang giảng dạy tại Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Họ đã nói chuyện với nhau rất vui vẻ, còn chụp cả ảnh lưu niệm nữa. Ông Trần rất thích tấm ảnh này, thường mang theo bên người. Vào khoảng hai năm sau, khi ở Thành Đô hương mai còn phảng phất, sắc hải đường rực rỡ khoe tươi, Đoàn làm phim Đài truyền hình Trung Ương do đạo diễn Chu Hoàn dẫn đầu từ Bắc Kinh về tới Thành Đô. Người phương bắc về đến đây, họ sợ nhất là “mùa đông ở Thành Đô ngoài trời trong nhà lạnh như nhau”. Vì vậy, ông Quách, chủ nhiệm phim, một con người khôn ngoan, khi đi tiền trạm, ông nhằm ngay khách sạn Sở điện lực Thành Đô. Ở đây từ phòng bình dân đến phòng cao cấp đều có lò sưởi hơi. Thế là cả tầng năm và tầng sáu khách sạn này đã được đoàn làm phim thuê bao trong ba tháng, trở thành Đại bản doanh của Đoàn trong suốt thời kỳ quay bộ phim “Trời xanh” tại Thành Đô.

Một hôm, đạo diễn Chu Hoàn nói với ông Trần, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Tứ Xuyên: “Đoàn làm phim đang muốn tìm một nhân vật đóng vai Tiểu Băng, con gái viên thị trưởng Hoàng Giang Bắc, ông xem ở Thành Đô này, trong số người quen biết có cháu gái nào đóng được vai này không?” Ông Trần liền nghĩ ngay đến Lưu Diệc Đình. Ông rút trong túi ra tấm ảnh chụo trong lễ Giáng Sinh: “Ông xem cháu bé này thế nào?” Đạo diễn cầm bức ảnh ngắm nghía một lát, nói: “Được đấy, hình dáng thích hợp”. Ông Trần nói với đạo diễn: “Lưu Diệc Đình khi 5 tuổi đã đóng vai diễn viên quần chúng trong một bộ phim do Đài Truyền hình Tứ Xuyên dàn dựng, chỉ có điều Lưu Diệc Đình hiện nay còn kém 2 tuổi so với nhân vật Tiểu Băng mà đạo diễn yêu cầu, không biết có trở ngại không?” “Không sao, ông cứ đưa cháu lại đây”, đạo diễn trả lời.

CÓ NÊN NHẬN LỜI HAY KHÔNG?

Ông Trần lập tức gọi điện thoại thông báo cho chúng tôi. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng, đây chỉ là một gánh hát nhỏ nào đấy muốn tìm một cháu bé thích được lên sân khấu, nên tôi khước từ. Vì chúng tôi không muốn cho Đình Nhi bước vào con đường nghệ thuật, càng không muốn Đình Nhi phải phơi mặt lên màn bạc với một vai diễn phản diện khiến mọi người chê, dù có là nhân vật chính cũng không. Ông Trần vội giải thích: Chu Hoàn là một đạo diễn có tiếng tăm của Đài truyền hình Trung ương, bộ phim kịch truyền hình “Hoàng đế cuối cùng” của ông vừa rồi được giải nhất liên hoan phim toàn quốc. Nhân vật Tiểu Băng, con gái viên thị trưởng mà ông mời Đình Nhi sắm vai là một nhân vật chính diện… Vậy sao? Tôi hơi xiêu lòng, nhưng vẫn chưa trả lời ngay, tôi đề nghị cho xem kịch bản rồi mới quyết định.

Tôi và ba của Đình Nhi đã thức trắng đêm đọc một mạch hết các đoạn phân cảnh của 19 tập trong bộ phim truyền hình “Trời xanh”. Kịch bản đã miêu tả thành công cuộc sống đương đại phong phú và phức tạp, tác giả đã dám nhìn thẳng vào xã hội của chúng ta với dũng khí của một người cách mạng, vạch trần những hiện tượng xấu xa đang vẩn đục trong xã hội của chúng ta. Tóm lại, kịch bản đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng mà người dân trong cả nước đang quan tâm.

Chúng tôi cho rằng đây là một kịch bản rất hay, hiếm có, nó có ý nghĩa giáo dục khá sâu sắc về tinh thần cảnh giác chính trị. Chúng tôi tạm thời quyết định: nếu thời gian phải nghỉ học để đóng phim không quá một tháng, và lần diễn thử không có vấn đề gì, chúng tôi chấp nhận cho Đình Nhi đóng vai Tiểu Băng.

LẦN ĐẦU GẶP ĐẠO DIỄN CHU HOÀN

Nhận được điện thoại của Đình Nhi, cuối tuần đó sẽ từ trường trở về nhà. Vừa ăn cơm tối xong, cháu liền đến khách sạn Sở Điện lực tìm đạo diễn Chu Hoàn. Gặp được Đình Nhi, đạo diễn và chủ nhiệm phim đều rất mừng. Ông chủ nhiệm nói: “Mới 14 tuổi mà dáng người đã cao như thế này, rất hợp với vai con gái viên thị trưởng”. Đạo diễn Chu Hoàn cũng tỏ vẻ hài lòng: “Được đấy, dáng thanh tú, kiểu tóc đẹp, đúng là mẫu của một học sinh trung học”. Tôi tò mò hỏi đạo diễn: “Tại sao các bác lại chọn Thành Đô để quay bộ phim nói về phương bắc “Trời xanh”này?” Ông giải thích: “Ở bộ phim này nhiều nhân vật nam, ít nhân vật nữ, những bộ phim nhiều nhân vật nam, các cảnh quay thường khô khan, ít hấp dẫn, nếu quay ỏ phương bắc thì phải chờ đến tháng 5, mới có được cảnh đẹp, còn ở đó bây giờ đang rất lạnh, cảnh vật cằn cỗi không đạt yêu cầu kĩ thuật”. Đình Nhi cũng tò mò hỏi: “Ở miền nam này có rất nhiều thành phố đẹp, sao bác chỉ chọn Thành Đô?” Ông chủ nhiệm nói chen vào: “Đây không phải là bộ phim đặt hàng, nên kinh phí rất là hạn hẹp. Nếu quay ở các thành phố vùng duyên hải như Quảng Châu, Thượng Hải… riêng tiền ăn ở đã quá nặng rồi, còn đâu tiền để dựng phim nữa”. Đạo diễn Chu Hoàn giới thiệu sơ qua về nhân vật Tiểu Băng mà Đình Nhi sắp đóng. Nghe xong Đình Nhi tỏ vẻ phấn khởi và tự tin: “Cháu tin rằng, cháu sẽ thể hiện được nhân vật Tiểu Băng”.

Mọi việc đều thuận lợi như vậy, chúng tôi không còn lý do gì để từ chối nữa.

CÁI ĐƯỢC VÀ CÁI MẤT

Trường của Đình Nhi rất ủng hộ việc này. Cô giáo Lý còn cổ vũ Đình Nhi: “Cố gắng mà luyện tập, cô sẽ bảo các bạn giảng lại bài cho con”. Ban biên tập tạp chí “Sân khấu và cuộc sống” cũng đồng ý để tôi không phải đến cơ quan làm việc trong thời gian này, để có thời gian theo Đình Nhi đi diễn xuất. Đồng thời cũng nhân đó tìm hiểu một chút về cuộc sống. Sau khi các diễn viên các nơi khác về tập trung đầy đủ, ông Vương Huy, phó đạo diễn, người phụ trách triệu tập diễn viên, đã thông báo cho các diễn viên nhà ở Thành Đô ngày giờ tập trung để quay thử.

Một phòng họp lớn khách sạn được bố trí thêm đèn sáng rực và một máy quay phim. Đình Nhi và các diễn viên khác lần lượt xuất hiện trên màn hình theo dõi. Đạo diễn chăm chú nhìn vào màn hình, luôn miệng ra lệnh cho các đồng nghiệp quay phim và phụ trách ánh sáng “tiến gần”, “lùi xa”, “quay toàn cảnh”, “quay cận cảnh”…

Lúc bắt đầu, Đình Nhi còn chưa được tự nhiên lắm trước ánh sáng chói mắt và những ánh mắt nhìn chăm chú những người xung quanh. Nhưng khi thấy các diễn viên khác đều rất bình tĩnh, tự nhiên, Đình Nhi cũng đã mau chóng trấn tĩnh được. Tôi rất muốn biết tới đây Đình Nhi sẽ phải cộng tác với những ai, nên đã khéo léo nhờ Phó đạo diễn giới thiệu cho biết: Diễn viên đó là ai? Sẽ đóng vai gì? Qua lời giới thiệu, tôi phát hiện ngoài Cao Minh diễn vai bí thư Lâm và Liệu Kinh Sinh diễn vai Hạ Chí Viễn ra, còn có các nhân vật chính khác đều là diễn viên địa phương, rất ít khi xuất hiện trên Đài Truyền hình Trung Ương. Tôi nói nhỏ với ông Vương: “Bây giờ làm phim người ta rất thường biết lợi dụng tiếng tăm của các minh tinh màn bạc, sao các ông lại không nghĩ vây?” Ông Vương cũng nói nhỏ với tôi: “Chúng tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề này. Nhưng theo ý của đạo diễn Chu Hoàn, phim “Trời xanh” này vốn đã có kịch bản rất hay. Vì vậy, ông muốn nhân dịp này giới thiệu với công chúng trong cả nước một số khuôn mặt mới, tạo cảm giác mới lạ cho người xem, đồng thời cũng tạo được tiếng tăm cho người diễn”. Tôi đồng ý với ý kiến của đạo diễn. Nhớ lại trước đây, khi đạo diễn Chu Hoàn chọn Trần Đạo Minh sắm vai trong bộ phim kịch truyền hình “Hoàng đế cuối cùng”, lúc bấy giờ Hoàng Đạo Minh còn chưa có tiếng tăm gì. Tôi lại hỏi: “Bắc Kinh là nơi nhân tài như nước, tại sao các bác lại chọn Lê Minh, một nghệ sĩ nhân dân tỉnh Thiểm Tây đóng vai Hoàng Giang Bắc?” Ông Vương nói: “Con người Lê Minh rất có góc cạnh, khán giả đã chán ngấy với cách diễn quen thuộc của một số minh tinh, chắc họ sẽ rất thích cách diễn mới lạ của Lê Minh”. Đúng lúc ấy, Đình Nhi và Lê Minh vừa xong đoạn quay thử, cùng bước ra. Ông nói, ông rất hài lòng với đứa con gái “của mình”. – “Bà thấy không, đôi mắt của “cha con tôi” giống nhau đấy chứ?” Tôi thực sự mừng cho Đình Nhi đã gặp được dịp may hiếm có. Trước lúc đóng phim, qua “ông bố thị trưởng” này, Đình Nhi đã thể nghiệm được những quan niệm về “được, mất” mà chúng tôi vẫn thường răn dạy cháu: Có được, tất có mất, quy luật bù trừ mà, cái gì đáng đợi thì phải đợi.

KHUÔN MẪU SỐNG ĐỘNG

Để làm nổi bật đặc trưng tính cách của ông thị trưởng Hoàng Giang Bắc trong phim “Trời xanh”, – ông Bắc vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân, gắn bó với tầng lớp lao động, – Đoàn làm phim chọn một ngôi nhà trong khu dân cư ngoại ô thành phố. Ngôi nhà ông thị trưởng trong phim chính là nhà bà Tống Thục Phương, nhân viên đã nghỉ hưu của Trường Đại học Y Hoa Tây. Đình Nhi cứ thắc mắc, ở khu dân cư không lấy gì làm giàu có này, tại sao lại có một ngôi nhà rộng rãi thoáng mát và thanh nhã như thế nào. Tôi động viên Đình Nhi, nhân dịp quay phim, con thử dò tìm hiểu xem sao. Nghe nói Đình Nhi là học sinh trường Chuyên ngữ, bà Tống rất vui vẻ và đề nghị hai bà cháu nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Qua cuộc trao đổi thú vị đó, Đình Nhi phần nào giải đáp được điều thắc mắc trên của mình. Cháu đã viết vào nhật ký: … Gia đình bà Tống, từ triều Minh đến nay đã 13 đời đều là những trí thức có tiếng tăm. Đến bà là đời thứ 14. Bà đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Hoa Tây, biết bốn ngoại ngữ. Bà giành được những học vị cao trong các ngành tâm lý học và nghệ thuật cây cảnh. Trước ngày giải phóng, bà dạy tâm lý học trong trường Đại học Y Hoa Tây, sau giải phóng, bà chuyển sang làm nghề thiết kế vườn hoa cây cảnh trong nhà trường. Những hồ sen, bãi cỏ, rặng cây râm mát bên đường, những bồn hoa chạy dọc các lối đi, những vòi phun nước, hòn non bộ, và rất nhiều tượng đài… trong Trường Đại học Y Hoa Tây đều là những công trình rất tâm đắc của bà. Ngay vườn hoa trước cửa nhà bà, cũng do bà tự thiết kế rồi mượn tiền xây dựng ngay từ những ngày mới giải phóng. Giờ đã 80 tuổi, bà vẫn nhanh nhẹn, giọng nói vẫn khỏe. Chồng bà, ông Đỗ Thuận Đức là một tiến sỹ y khoa, là học vị cao nhất trong giới y học thời bấy giờ. Qua nghiên cứu, ông đã xác định được “Hồ đậu hoàng” là một bệnh di truyền, tại Quảng Châu, ông đã chữa khỏi cho nhiều người. Vì vậy, ông đã được Mao Chủ Tịch đích thân tiếp kiến, và được Thủ tướng Chu Ân Lai mở tiệc khoản đãi. Con trai bà thừa kế sự nghiệp của cha, tiếp tục nghiên cứu đã tìm ra một loại thuốc đặc trị căn bệnh “Hồ đậu hoàng” này, tỉ lệ khỏi bệnh đạt đến 99%, một cống hiến quan trọng trong ngành y. Vì vậy, cũng như cha, anh đã được Chủ tịch Giang Trạch Dân tiếp kiến và Thủ tướng Lý Bằng mở tiệc khoản đãi.

Hiện nay, các cháu trai, cháu gái của bà phần lớn đều đang ở nước ngoài. Hai cháu ở Nhật, hai cháu ở Canada, hai cháu ở Mỹ, chỉ có một cháu đang ở Australia, họ đều là tiến sĩ khoa học. Bà hiện nay rất hạnh phúc, tuy rằng tiền bạc không nhiều mà danh vọng cũng không. Tiền bạc, danh lợi chết là hết, chỉ có sản phẩm tinh thần là vĩnh cửu, tồn tại lâu dài. Con cháu bà hiện nay, chính là một loại sản phẩm tinh thần của gia đình bà. Bây giờ các cháu bà đã khôn lớn thành tài, quả thật bà là người hạnh phúc. Đoàn làm phim vốn đã cảm kích trước việc làm cao thượng của bà là không lấy tiền thuê nhà khi Đoàn mượn cảnh để quay. Họ không ngờ bà chủ nhà ăn vận xuềnh xoàng này lại là một gia đình đại trí thức, nơi tập trung khá nhiều nhân tài của đất nước. Mọi người đều tấm tắc thán phục: “Thành Đô quả thật là một thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, trong một ngõ hẻm bình thường như thế này mà có một gia đình giàu truyền thống văn hóa như vậy!”

Từ đó hình ảnh của bà cụ Tống đức độ, uyên thâm và từng trải đã trở thành khuôn mẫu sống động để Đình Nhi mơ ước.

BÀI HỌC VỀ SỰ CHÂN THÀNH

Trong khi chờ đợi “phu nhân của ông Thị trưởng, bà Thượng Băng” về đến Thành Đô, Đoàn làm phim đã tranh thủ quay xong những cảnh không có bà xuất hiện. Sau khi nữ diễn viên Mục Ninh từ Bắc Kinh bay tới Thành Đô, Đình Nhi mỗi ngày hầu như đều phải làm việc vất vả với “mẹ” gần 10 tiếng đồng hồ. Rét tháng ba ở Thành Đô, mọi người đều phải khoác lên mình những chiếc áo dày. Thế mà các diễn viên vẫn phải mặc những chiếc áo mùa xuân để đóng phim, rét run cầm cập.

Đình Nhi đã có tôi chăm sóc, đạo diễn vừa hô “dừng lại” là tôi đã vội chạy đến khoác lên mình cháu chiếc áo bông dày. Đợi đến khi các chú quay phim chuyển xong máy sang vị trí mới, và người phụ trách ánh sáng đã điều chỉnh xong đèn, tôi lại vội vã cầm áo bông chạy về chỗ cũ. Bà Mục Ninh thấy vậy cứ khen hoài: “Trên đời này chả có ai tốt hơn mẹ thật!” Mục Ninh đã tham gia đóng khá nhiều phim truyền hình. Bộ phim “Quy tiết thâm sứ” bà đã giành được giải thưởng diễn viên xuất sắc. Nhưng có ảnh hưởng lớn hơn cả là bộ phim “Võ Tắc Thiên” mà nghệ sĩ Lưu Hiểu Khánh đóng vai chính, trong bộ phim này bà đóng vai Hàn quốc phu nhân, chị gái Võ Tắc Thiên. Có một phóng viên quen biết đoán rằng, chắc bà phải kiêu hãnh lắm khi được đóng vai này, và cứ theo phỏng vấn đó viết ngay một bài báo. Đọc bài báo viết về mình quả thật bà đã khóc dở mếu dở, từ đó bà không trả lời phỏng vấn và cũng không cho ai viết về mình nữa. Lần này cảm động trước sự chăm sóc chân thành của tôi, bà nói: “Thực tế, tôi tham gia đóng vai trong bộ phim “Trời xanh” này như thế nào, các chị đều đã rõ, nếu có định viết gì, cứ viết đúng như sự thật là được rồi!” Qua câu chuyện Đình Nhi đã thấy được, người phóng viên thiếu trách nhiệm đã gây tổn thương như thế nào đối với đối tượng mình đã viết. Đồng thời cũng thấy được sức mạnh cảm hóa của tấm lòng tận tụy chân thành. Tất cả điều này trên lớp học các thầy cô ít có điều kiện để đề cập.

Bộ phim “Trời xanh thăm thẳm ở trên đầu” được quay ròng rã hơn 4 tháng tại các thành phố như Thành Đô, Đô Giang… Đình Nhi lúc tham gia đóng phim, lúc nghỉ. Tổng cộng cả lại, cháu tham gia đóng phim được gần một tháng. Gần một tháng trời vất vả khiến Đình Nhi thấy được nỗi gian nan vất vả của nghề nghiệp. Cảm nhận này đã được ghi trong nhật ký của Đình Nhi: Phim truyền hình xem thì thích, còn làm phim lại rất cực khổ. Chỉ một cảnh thôi mà phải quay đến 5, 6 lần mới được, riêng chuyện bố trí ánh sáng cho một cảnh quay phải mất hơn chục phút, có khi hơn nửa tiếng. Quay được một cảnh đi ra khỏi nhà lúc sáng sớm, chỉ để chiếu trong 5 giây, thế mà phải quay tới bốn năm chục phút. Điều này đã khiến tôi liên hệ đến việc học tập của mình, cũng có những điểm rất giống nhau. Học hành vất vả suốt cả năm trời, đến kỳ thi cuối năm cũng chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Học cả 6 năm trung học, thi đại học cũng chỉ trong một hai ngày. Mọi sự thành công đều được bắt nguồn từ sự phấn đấu lâu dài và thường xuyên. Trong kịch bản phân cảnh, những cảnh thể hiện tình cảm của Tiểu Băng, bà mẹ và chú Mãn Giang chiếm tỉ lệ khá lớn. Vì cả tác giả lẫn đạo diễn đều sợ rằng phim chống tiêu cực thường khô khan cứng nhắc, nếu không đưa những trường đoạn tình cảm mùi mẫn vào, bộ phim sẽ thiếu sức hấp dẫn, không ngờ sau khi quay xong xem lại, chính nội dung chống tiêu cực trong phim lại được các diễn viên thể hiện khá thành công, rất có khả năng thu hút được người xem. Những đoạn trường tình cảm được đưa vào, nhiều chỗ lại có tác dụng ngược, làm loãng chủ đề. Sau khi bàn bạc kĩ càng, đạo diễn quyết định, đành phải cắt bỏ một số đoạn tình cảm do Đình Nhi, “mẹ” và chú Mãn Giang diễn xuất, mặc dù những đoạn này diễn khá thành công. Bộ phim “Trời xanh” từ 19 tập đã rút gọn lại còn 17 tập, có nhiều cảnh Đình Nhi đã phải đổ khá nhiều mồ hôi và công sức mới hoàn thành được, thế mà vẫn bị cắt bỏ. Sau khi sàng lọc kĩ càng, bộ phim được ra mắt công chúng, khán giả khắp nơi đều nhiệt tình hoan nghênh.

Đối với Đình Nhi, có bao nhiêu khán giả còn nhớ đến người đóng vai nhân vật Tiểu Băng, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng hơn cả là tinh thần làm việc không kể ngày đêm, không quản ngại gian khó, không tính thù lao của mọi thành viên trong đoàn làm phim, Đình Nhi sẽ không bao giờ quên được. Và cũng không bao giờ quên tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau của nhiều ban ngành, nhiều cơ quan đã giúp đoàn làm phim hoàn thành bộ phim chống tiêu cực này, nhất là sự giúp đỡ chí tình của bà con địa phương nơi Đoàn đến dựng cảnh quay phim.

THÊM MỘT THU HOẠCH NỮA

Bộ phim “Trời xanh thăm thẳm ở trên đầu” được phát trên Đài truyền hình đã gây nên một làn sóng dư luận trong cả nước. Giới báo chí ở Thành Đô liền có những bài viết tuyên truyền về những vấn đề có liên quan đến bộ phim này. Đình Nhi cũng được mọi người chú ý đến như một “tiểu minh tinh” mới xuất hiện. Thời gian đó, đi đến đâu Đình Nhi cũng gặp phải những ánh mắt hiếu kỳ và hâm mộ, cả những lời thán phục. Thầy Uông Hưng Tú, phó hiệu trưởng Trường Chuyên ngữ còn công khai biểu dương: “Hãy như Đình Nhi, làm nghệ thuật nhưng không quên học hành!”

Đình Nhi chưa khi nào tỏ ra tự mãn, tự đắc về sự thành công này. Trong suy nghĩ của cháu, đóng phim “Trời xanh” chỉ là một dịp để mình được tham gia thực tế vào xã hội, để học hỏi xã hội được nhiều hơn. Và sau khi tạm biệt đoàn làm phim, tất cả đã trở thành quá khú. Về việc đóng phim, cháu cũng có những chủ kiến riêng. Cháu đã tâm sự với một người bạn thân: “Dù thế nào cũng không nên vào cái nghề này, lãng phí thời gian lắm. Quay được một cảnh để chiếu trong một vài phút, thời gian bố trí ánh sáng và máy quay cũng đã mất đi một hai tiếng đồng hồ. Mình không muốn lãng phí thời gian vàng ngọc của mình vào những việc như thế”.

Trong thời gian tham gia Đoàn làm phim, Đình Nhi cũng đã có lần nghe lỏm được người lớn nói với nhau về những chuyện mặt trái của xã hội. Cháu đã ghi vào nhật ký:

Hôm nay, nhân lúc rỗi rãi, các cô chú trong Đoàn làm phim đã nói chuyện với nhau về những hiện tượng đấu đá giành nhau của các “ngôi sao lớn”, “ngôi sao nhỏ”. Các cô chú kể rằng, để giành được một vai diễn chính trong một bộ phim nào đó, có những diễn viên đã không từ một thủ đoạn nào. Chủ đề câu chuyện còn được chuyển sang cả những gian lận lừa bịp ngoài thương trường, cả những chuyện a dua bợ đỡ, tham ô, phạm pháp trong một vài quan chức hiện thời. Nghe được những chuyện tiêu cực trong xã hội này, tôi càng quý mến môi trường trong lành dưới những mái trường thân yêu. Ở đó, ai cố gắng bền bỉ sẽ thành công, ai có ý chí vươn lên sẽ gặp được cơ hội. Ở đó mọi người đều bình đẳng ganh đua, không chịu những ảnh hưởng của các “nhân tố khác” ngoài xã hội không có sự cạnh tranh công bằng.

Tôi cảm thấy cuộc đời học sinh thật là đáng quý, tôi phải biết trân trọng từng giây phút của đoạn đời “gold age” (những năm tháng vàng son) này.

Ngoài việc học được khá nhiều tri thức xã hội trong quá trình đóng phim, điều thu hoạch lớn nhất của Đình Nhi là phát hiện ra tiềm lực học tập của mình vẫncòn rất mạnh. Đình Nhi đều tận dụng thời gian rảnh rỗi trong khi tham gia làm phim để tự học bài vở, sau khi trở lại trường, Đình Nhi vẫn đứng đầu lớp trong kỳ thi giữa học kỳ. Và điều đáng mừng hơn là, ngay trong thời gian đóng phim Đình Nhi vẫn tranh thủ tham dự “Cuộc thi kiến thức vật lý bậc sơ trung” toàn quốc, kết quả là cháu đã giành được giải nhì.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.