Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 11 (Tiếp)



TÍN HIỆU VƯỢT QUA SƠ TUYỂN

Tất cả mọi việc khác đều đang hoạt động bình thường, thư điện tử gửi đi gửi lại, biểu này biểu khác yêu cầu điền vào rồi gửi đi, đến một ngày nhận được bức thư gửi bằng máy bay của Trường Harvard báo tin, tất cả tài liệu đã được chấp nhận. Nhưng vẫn chưa nói đến việc sắp xếp người phỏng vấn trực tiếp. Điều này làm cho mọi người thấy hơi lo.

Một ngày đầu tháng 2, Văn phòng Chiêu sinh của Harvard gửi một bức thư điện tỏ ý băn khoăn thông báo cho Đình Nhi biết, họ không tìm được tốt nghiệp sinh của Harvard ở Thành Đô để làm người phỏng vấn trực tiếp và hỏi Đình Nhi có thể đến Thượng Hải hoặc Bắc Kinh để phỏng vấn trực tiếp được không, còn yêu cầu Đình Nhi bổ sung một bản luận văn để Hội đồng Chiêu sinh tìm hiểu thêm về trình độ học tập của cháu.

Bức thư này làm cho chúng tôi vừa lo vừa mừng, phần nào có thể thấy qua sàng lọc sơ bộ Đình Nhi đã gây được ảnh hưởng cho Văn phòng Chiêu sinh Harvard.

Chúng tôi lập tức phát lại bức thư cho ngài Larry, phản ứng của ngài còn vui hơn chúng tôi rất nhiều. Ông lập tức hành động, nhờ những người Mỹ quen biết ở Bắc Kinh và Thành Đô giúp Đình Nhi tra tìm tốt nghiệp sinh Harvard đang làm việc ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Ông biết chắc là Đình Nhi đang trong tình trạng thiếu thời gian, mong Đình Nhi giảm bớt một số việc khác, chuẩn bị nhiều hơn cho việc thi đại học.

Chúng tôi cũng nhờ bạn bè khắp nơi, hi vọng tìm được một tốt nghiệp sinh Harvard làm việc ở vùng tương đối gần thành phố làm người phỏng vấn.

Trong lúc chúng tôi sắp có một đầu mối trên điện thoại đường dài, thì ngài Larry gửi đến một thư điện tử báo một tin tức tốt lành, làm phấn khởi mọi người.

“Tôi tìm được một tốt nghiệp sinh Harvard…”

Vị tốt nghiệp sinh mà ngài Larry tìm được lại ở ngay Thành Đô! Anh ta là Joe (Joesheph Bookbinder) làm công tác về văn hóa báo chí.

Joe tốt nghiệp Harvard vào thập kỉ 80. Thái độ ứng xử của Joe giống như những tốt nghiệp sinh Harvard mà chúng tôi đã tưởng tượng là năng động và sôi nổi, đối với nền văn hóa không giống với mình luôn có một thái độ bao dung và thông cảm của người Harvard. Anh yêu mến sự nghiệp của bản thân, tri thức uyên bác, trí tuệ, nhân hậu và thành khẩn. Lúc học ở Harvard đã có hứng thú sâu sắc với lịch sử và nền văn hóa Trung Hoa, xác định là sau này sẽ công tác ở Trung Quốc mà mình yêu thích. Cũng như rất nhiều học sinh Harvard, kế hoạch của anh đã được thực hiện.

Tình yêu nồng nàn của anh đối với nền văn hóa Trung Quốc còn biểu hiện trong việc lựa chọn người bạn đời của mình: Tiểu Lương, bạn đời của Joe là một người Mỹ gốc Hoa sinh trưởng ở Hoa Kỳ đầy nữ tính, hiền thục, thông minh, có phong cách dịu dàng nhã nhặn. Con nhỏ của họ, Andrew, cũng đã bắt đầu học cả hai thứ tiếng Hán và Anh.

Joe không chỉ yêu nền văn hóa Trung Quốc mà còn đặc biệt yêu thích Tứ Xuyên và Thành Đô. Anh cảm thấy Thành Đô đối với Bắc Kinh, Thượng Hải có màu sắc và những sự vật giàu chất “biển dâu”, thể hiện nội hàm văn hóa lịch sử lâu đời của đất nước Trung Hoa. Lòng yêu mến Tứ Xuyên còn lan sang cả mùi vị đậm đà cay nồng của thức ăn Tứ Xuyên.

Ngoài ra, một điểm khác rất quan trọng là Joe tiếp xúc với rất nhiều người Trung Quốc. Chúng tôi rất tin việc này có thể giúp cho Joe trong quá trình so sánh phát hiện ra được điểm mạnh của Đình Nhi. Đồng thời chúng tôi cũng tin vào những tố chất tốt đẹp mà chúng tôi đã bồi dưỡng cả thời gian dài cho Đình Nhi.

Có thể phỏng vấn trực tiếp với một đại biểu Trường Harvard như vậy, đương nhiên không thể nào “đẹp” hơn, chỉ còn không biết anh ta có thời gian để phỏng vấn trực tiếp hay không.

Larry hỏi ý kiến Joe, anh ta lập tức đồng ý làm người phỏng vấn Đình Nhi. Một việc lớn như thế đã thành công. Tiếp theo, ngài Larry nhanh chóng báo tin cho Văn phòng Chiêu sinh Harvard biết tình hình, địa chỉ thông tin của Joe, Harvard cũng gửi ngay cho Joe tất cả tài liệu cần thiết cho cuộc phỏng vấn. Theo quy định của Harvard, người phỏng vấn chỉ sau khi xem hết các tài liệu theo yêu cầu mới có thể tiến hành phỏng vấn.

Trong thời gian này cả nhà đều nóng lòng chờ đợi. Theo sắp xếp của Văn phòng Chiêu sinh Harvard, bình thường các học sinh nước ngoài xin vào Harvard, sớm nhất là ngày 15 tháng 9 năm trước mới có thể cùng với những người phỏng vấn ở khắp nơi trên thế giới quy định ngày tiến hành phỏng vấn. Hiện tại đã gần hạ tuần tháng 2, ngày Hội đồng Chiêu sinh của Harvard bỏ phiếu thỏa thuận là vào tháng 3, thời gian đã gần kề, liệu có kịp không?

PHỎNG VẤN TRỰC TIẾP: “CÔNG ĐÁO TỰ NHIÊN THÀNH”

(CÓ CÔNG MÀI SẮT CÓ NGÀY NÊN KIM)

Cuối cùng tài liệu đã gửi tới, ngày phỏng vấn cũng đã thống nhất với Joe, ngày 22 tháng 2, là ngày thứ hai, mồng 8 năm mới sau Tết Nguyên Đán.

Lúc ấy, chúng tôi đang bận vì cơ quan tập trung vật tư, tháo dỡ nhà cũ, xây phòng ở mới. Sau Tết phải cắt nước, cắt điện, hơn nữa trong dịp tết bưu điện không giải quyết chuyển máy điện thoại, mọi liên lạc của Đình Nhi và e-mail với các trường đại học cũng bị ngừng hoạt động. Vì thế, Đình Nhi phải thức đêm thức hôm để hoàn thành một bản luận văn cuối cùng cho hồ sơ thi lần này và gửi đi trước khi phải ngừng máy điện thoại. Sau đó Đình Nhi phải trở về ngay phòng chúng tôi thuê trọ ở gần nhà trường chuẩn bị bài cho kỳ thi đại học.

Lần phỏng vấn này, công việc phải chuẩn bị không nhiều lắm là vì công tác chuẩn bị chúng tôi đã sớm hoàn thành mười mấy năm trước rồi. Phỏng vấn trực tiếp giống như đề bài thi số học có rất nhiều lời giải, không thể dự đoán trước đối phương hỏi cái gì. Nhưng chỉ cần bạn có sự tích lũy sâu sắc, đối phương quyết không thể không nhìn thấy.

Ngày phỏng vấn, mẹ đưa Đình Nhi đến nơi Joe công tác rồi trở về làm các việc chuyển nhà. Trời lạnh giá, bên ngoài lạnh thấu xương, trong phòng rất ấm áp. Cuộc phỏng vấn trực tiếp giữa Joe và Đình Nhi đã tiến hành hai giờ, Joe nói không nhiều lắm, nhưng nghe rất chăm chú. Có lúc anh ta đưa ra một, hai vấn đề hướng cuộc nói chuyện vào chỗ anh ta cảm thấy thú vị nhất, sau đó để cho Đình Nhi thoải mái vào các loại đề tài: ở trường học, các cảm nhận từ trước và gần đây, về suy nghĩ, dự định, cũng không phải né tránh gian khổ và khó khăn đã trải qua… Nói chuyện với Joe trong không khí thân mật khiến cho Đình Nhi nói được tất cả những điều muốn nói.

Thời gian trôi đi rất nhanh. Hai giờ trong chớp mắt đã hết.

Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn trực tiếp, Joe nói mấy ý thay cho suy nghĩ của mình, cũng giống như cách đối xử của anh, thẳng thắn và chân thành: “Tôi tin rằng em sẽ cống hiến nhiều cho Harvard… Hi vọng em sẽ được Harvard nhận vào học”.

Lời nói đó chứng tỏ lần phỏng vấn trực tiếp rất thành công. Có thể nói, phỏng vấn trực tiếp đã làm cho Đình Nhi nhích dần đến Harvard.

Đình Nhi vội vàng về ngay trường để chuẩn bị thi đại học. Thời gian vào phòng thi chỉ còn lại vừa vặn bốn tháng. Qua tôi rèn trong đợt đột phá vào Harvard, Đình Nhi có một nhận thức mới, cháu cảm thấy có thể kịp để “tiến công dũng mãnh” vào Bắc Đại. Đợi chờ kết quả du học hầu như là độc quyền của ba mẹ.

90% người xin du học, thất bại là kết cục không thể tránh khỏi. Dù trước một giây cuối cùng, ai cũng không thể biết ngôi sao may mắn của Hội đồng Chiêu sinh sẽ đậu trên đỉnh đầu những người nào, nhưng chí ít chúng tôi biết rằng Đình Nhi đã hoàn thành rất xuất sắc những điều cần phải làm, không có gì đáng phải hổ thẹn với lòng mình nếu thất bại.

Hơn một tháng sau, giai đoạn mới trong cuộc đời của Đình Nhi bắt đầu mở rộng. Như lời chúc mừng của ngài Larry đã nói: “Con gái của ông bà sắp tung cánh bay vào bầu trời mới, nghênh đón thách thức mới!”

Cánh bay mang theo lời chúc phúc của chúng tôi và cũng mang theo kỳ vọng của chúng tôi.

Phụ lục

PHƯƠNG PHÁP VÀ KINH NGHIỆM XIN DU HỌC Ở HOA KỲ

(Trương Hân Vũ tổng hợp)

THƯ GỬI TỚI TẤP HỎI VỀ DU HỌC Ở HOA KỲ

“Cháu là một học sinh cao trung, cháu cũng muốn như Lưu Diệc Đình. Ông bà có thể cho cháu biết, ghi tên vào học đại học ở Hoa Kỳ cần làm những thủ tục gì?”

“Con gái tôi năm nay thi đỗ vào Trường Đại học…, là học sinh năm thứ nhất khoa Kinh tế. Cháu rất muốn ra nước ngoài du học. Là một người cha, tôi rất hi vọng ông bà chỉ bảo cho”.

“Cháu là một học sinh năm thứ hai cao trung. Cháu thấy thủ tục đi học ở Hoa Kỳ rất phức tạp, cháu muốn hỏi bác: Ghi tên như thế nào? Lúc nào nộp đơn?”

“Tôi là sinh viên Trường Đại học… năm thứ…, bạn có thể nói về kinh nghiệm thi TOEFL được không?”

….

Những câu hỏi như vậy với số lượng rất lớn tới tấp gửi cho chúng tôi. Chúng tôi rất vui, hết sức cố gắng trả lời làm vừa lòng các bạn.

“BIẾT NGƯỜI BIẾT TA”, LỢI CHO THÀNH CÔNG

Làm đơn vào các trường đại học Hoa Kỳ hay vào các trường đại học phương Tây khác là một hệ thống văn bản trình tự có liên quan. Hệ thống giáo dục Trung Quốc không giống các nước phương Tây, thậm chí phương thức tư duy cũng rất khác nhau.

Do đó tạo ra nhiều trở ngại đối với việc học sinh Trung Quốc xin vào học các trường đại học phương Tây.

Ví dụ, mỗi học sinh cao trung của Trung Quốc đều biết chỉ có đợt thi đại học tháng 7 thống nhất trong cả nước do nhà nước tổ chức là con đường duy nhất để vào đại học chính quy, do đó, muốn học đại học đều phải nộp “đơn dự thi”. Nhưng ở Hoa Kỳ, thi đại học không do nhà nước tổ chức, nên xin vào đại học, chỉ việc ở nhà điền vào các loại biểu mẫu mời thầy giáo hoặc Hiệu trưởng nhà trường viết thư giới thiệu, tham gia các loại thi SAT và ACT do tư nhân tổ chức cho nên chỉ quen với khái niệm “làm đơn xin vào đại học” chứ không phải “nộp đơn thi vào đại học”.

Học sinh Hoa Kỳ bắt đầu từ lớp một tiểu học đã làm quen với hệ thống đánh giá thành tích và năng lực học tập hoàn toàn khác với học sinh Trung Quốc. Chỉ riêng về thành tích học tập, phương thức đánh giá học sinh của bậc tiểu học Hoa Kỳ so với Trung Quốc khác rất nhiều và rất phức tạp. Ngoài thành tích còn có nhiều nội dung khác ảnh hưởng đến kết quả đánh giá đối với học sinh. Thế nên, người Trung Quốc làm đơn xin học đại học Hoa Kỳ không nắm được hệ thống đánh giá đó, trước những thuật ngữ chưa bao giờ được nghe, các chữ cái viết tắt, những yêu cầu muôn hình vạn trạng, những câu hỏi không rõ hỏi gì, như lạc vào mê cung. Hậu quả là đơn xin học đó không thể tránh khỏi lỗi lầm và do trình độ khác nhau nên một phần quan trọng đã bị loại trừ.

Vì vậy, có thể xuất hiện các hiện tượng:

Có một số học sinh Trung Quốc thực chất rất ưu tú, có quá trình chuẩn bị lâu dài, thi TOEFL, GRE đều đạt điểm cao. Lúc xin vào các trường đại học Hoa Kỳ cũng đã có dự kiến nhất định thành công, nhưng không ngờ, kết quả lại phải đứng ngoài các trường nổi tiếng, chỉ được các trường thấp nhận vào.

Nguyên nhân tại sao? Chính là do chưa tìm hiểu kĩ hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, chỉ dựa trên hệ thống giáo dục Trung Quốc để làm đơn.

Còn một số học sinh ưu tú được trường nổi tiếng nhận vào, học bổng đã cầm chắc trong tay nhưng khi chuẩn bị thị thực xuất nhập cảnh không đầy đủ, có sơ xuất khi bị quan chức làm thị thực hỏi mấy vấn đề, dù không bị cáo buộc là “có khuynh hướng di cư” thì bị coi là “khả năng kinh tế không đủ”. Thế là kế hoạch du học gần xong thì chịu thất bại. Sai lầm của họ là ở chỗ quá sớm xem thông báo nhận vào học là tiêu chí của việc du học đã thành công. Nên khi làm đơn xin học đại học ở Hoa Kỳ, cần chú ý trên góc độ các hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ và nền văn hóa Hoa Kỳ để suy nghĩ, làm rõ tất cả các hàm ý cụ thể trong từng chi tiết có liên quan thì đỡ phải đi đường vòng, nâng cao hiệu suất thắng lợi của mình.

Ví dụ: Nội dung các trường đại học Hoa Kỳ thường khảo sát đối với những người xin học đại học Hoa Kỳ là gì? Thế nào là thi SAT, ACR? Học sinh Trung Quốc đứng trước những yêu cầu của kỳ thi SAT, ACR phải làm như thế nào? Tác dụng của thành tích thi TOEFL và GRE cuối cùng đến đâu? Thư giới thiệu do người nổi tiếng viết tốt hay do các thầy giáo giảng dạy viết tốt hơn? Có một số trường đại học yêu cầu counselor (Cố vấn) viết thư giới thiệu, đây muốn nói tới người nào? Xin tài trợ kinh tế như thế nào? Biểu mẫu CSS xin tài trợ là gì?…

ĐẾN NƠI NÀO TRA CỨU TƯ LIỆU VỀ ĐẠI HỌC NƯỚC NGOÀI?

Đến nơi nào tra cứu tình hình cơ bản của trường đại học và biện pháp liên hệ?

Một khi đã có ý định du học, bước đầu tiên gặp phải là vấn đề này. Đối với một số người, biện pháp rất giản đơn là mượn sách ở thư viện. Trong thư viện tương đối lớn có thể tìm thấy loại sách có liên quan đến việc giới thiệu các trường đại học nước ngoài, không chỉ giới thiệu tình hình cơ bản của trường về lịch sử, xếp loại, các chuyên ngành đặc sắc, quy mô mà còn cung cấp cách liên hệ: địa chỉ thông tin, điện thoại, địa chỉ thư điện tử… Người ham thích có thể chọn trường đại học mà mình hứng thú và theo sách hướng dẫn để tiến hành liên hệ.

Thư viện của nhiều trường đại học trong nước, các thư viện lớn hơn của tỉnh, thành phố đều có loại sách tư liệu này, có thể tìm được địa chỉ và các tư liệu khác về các trường đại học mình cần.

Đối với các bạn có thể lên mạng, tra tìm tư liệu này càng dễ dàng hơn. Trong biểu mẫu điện tử: “Mẫu đơn xin học thông dụng” giới thiệu trong quyển sách này, cung cấp nội dung và yêu cầu cơ bản về chiêu sinh của gần 200 trường đại học Hoa Kỳ, trong đó bao gồm địa chỉ, số điện thoại, số Fax, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ trên mạng, ngày hết hạn chiêu sinh, phí ghi tên… của trường. Bạn có thể căn cứ vào đó liên hệ hết sức thuận tiện với các trường đại học, đề xuất yêu cầu xin học.

Biểu mẫu điện tử của “Mẫu đơn xin học thông dụng” này có thể truy cập vào địa chỉ trên mạng sau:  http://www.petersons.com . Ngoài ra, nếu thành phố bạn đang ở có Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán Hoa Kỳ, cũng có thể đến phòng tư liệu của cơ quan này để tra cứu tư liệu. Những nơi này nói chung, mỗi tuần đều có thời gian mở cố định, khi đến cần mang theo chứng minh thư.

BA NGUYÊN TẮC CHỌN TRƯỜNG

Tại Hoa Kỳ có hơn 3.000 trường đại học, làm thế nào để chọn được trường đại học thích hợp với mình, một lần nên chọn mấy trường là vừa. Đây là một vấn đề mà người xin du học cân tính toán kĩ.

Căn cứ vào kinh nghiệm của chúng tôi, có ba nguyên tắc ảnh hưởng đến thành bại tương đối lớn: một – số lượng cần thỏa đáng; hai – cần “đo người may áo”; ba – cần mở rộng thứ bậc.

Vì sao số lượng cần thỏa đáng?

Mỗi người xin học đại học nước ngoài, đều có một cảm nhận hết sức sâu sắc: viết, điền vào các biểu mẫu xin học muôn hình vạn trạng không phải là một công việc nhẹ nhàng. Trong đầu óc người Trung Quốc, điền vào các biểu mẫu nhiều lắm cũng chỉ là điền vào một hai trang giấy mà thôi, nhưng đơn xin học ở Hoa Kỳ không phải như vậy. Nói chung biểu mẫu của một trường đại học là một quyển sách dầy. Nếu đem biểu mẫu của mấy trường xếp lại thì sẽ trở thành một đống lớn ngay trước mắt và cũng đè nặng lên lòng bạn, làm cho bạn không thể làm liều, không thể sơ xuất. Yêu cầu điền vào biểu mẫu không chỉ trong tình huống bình thường như trên mà còn một khối lượng lớn văn bản tiếng Anh. Thế là bạn phải suy nghĩ khẩn trương, bận rộn điền vào biểu, lại chạy thêm nơi này nơi kia để chuẩn bị các tài liệu phụ thêm xuất hiện liên tục. Không có khoảng thời gian 2, 3 tháng khó lòng làm xong.

Nếu bạn đứng trước tình hình không thể không tham gia kỳ thi đại học, như vậy, càng “lửa cháy đổ thêm dầu”, kết quả cả hai mặt trận đồng thời tác chiến đó, phải đợi đến khi đống biểu mẫu đã điền đầy đủ và đã gửi đi, cảm giác của bạn chắc chắn như đã qua một trận ốm nặng, gầy rộc đi. Hơn nữa, vì quá mệt mỏi, chất lượng của việc điền biểu mẫu sẽ bị giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc xin học.

Trước tình hình đó, cần phải thu hẹp số trường là tốt nhất. Số lượng xin học đại học nên hạn chế khoảng 6 trường sẽ giảm nhẹ gánh nặng cho chúng ta. Nếu cố được có thể thêm vài trường nhưng phải đảm bảo chất lượng đơn xin học. Xét đến cùng, “Thường kỳ thập chỉ, bất như đoạn kỳ nhất chỉ” (Làm bị thương mười ngón tay, không bằng chặt đi một ngón). Chất lượng cao so với số lượng nhiều, quan trọng hơn rất nhiều. Đó là nguyên nhân của nguyên tắc “số lượng thỏa đáng”.

Vì sao phải đo người may áo?

“Đo người may áo” tức là phải căn cứ vào trình độ thực tế của bản thân để chọn trường học. Dự đoán phải chính xác trình độ thực tế của mình là rất quan trọng. Nó là một trong những tiền đề tạo cho du học thành công. Là vì tài cao mà lại học trường bình thường, sẽ làm cho bạn khi phải vào học một trường không hợp với ý thích của mình, băn khoăn mãi suốt cuộc đời. Tình hình càng tồi tệ hơn khi tài kém mà lại ghi học trường chất lượng cao, trong tay “không có bột” làm sao “gột nên hồ”, làm cho đơn xin học của bạn cuối cùng bị thất bại.

Cần phải xác định chính xác chỗ đứng của mình trong thực tiễn là rất khó khăn. Nhưng chí ít cũng phải xem nó là một mục tiêu chiến lược để truy tìm cũng tức là có thể giảm nhẹ được sai lầm.

Vì sao phải mở rộng thứ bậc?

Đây là nhằm vào những nhân tố không thể xác định trong quá trình xin học để chọn lấy những đối sách cần thiết.

Chúng tôi đã hỏi các học sinh Trung Quốc được các trường đại học nổi tiếng ở nước ngoài nhận vào học một câu hỏi giống nhau: “Trường của bạn đã thấy được mặt mạnh nào của bạn? Vì sao bạn được trường đó nhận vào học?” Câu trả lời hầu như đều giống nhau: “Tôi cũng không biết vì sao họ lại nhận tôi vào học”; “Chỉ là theo đúng yêu cầu điền vào biểu mẫu rồi gửi đi, chứ không biết được nhận như thế nào”. Chúng ta đã thấy, một số học sinh có thể rất khá, không thể vào được trường nổi tiếng, nhưng một số học sinh không bằng họ trái lại, bất ngờ được nhận vào học.

Một vài trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ nhận hoặc bác đơn xin vào học là do tập thể Hội đồng tuyển sinh bỏ phiếu quyết định. “Những người gác cổng trường” đại học này nắm được quyền bỏ phiếu đã thông qua việc bỏ phiếu hình thành một “quyền lực”, đó tức là một nhân tố không thể xác định được.

Ví dụ, tìm hiểu kết quả tuyển sinh năm 1999 của Học viện nổi tiếng Wellesley, cảm giác không thể dự đoán được càng thêm mạnh mẽ. Trong số học sinh mới chiêu sinh năm đó của trường, ngoài việc có một số nữ nhạc công vi-ô-lông trẻ tuổi đã trình diễn cho Hoàng gia Thụy Điển và Na Uy, một nữ trợ lý nghiên cứu đã công tác tại Cục Hàng không – du hành vũ trụ Hoa Kỳ, một nữ quán quân đĩa bay, điều không thể nghĩ tới là còn có một vị nữ ảo thuật gia.

Tố chất đặc biệt là một phần rất được nhà trường coi trọng.

Biết những điều này, bạn cảm thấy, đôi tay nắm chặt vận mệnh của bạn là thứ bạn nhìn không thấy, nắm không tới. Tình huống chắc chắn thực là không có nhiều. Vì vậy để tránh thất bại bất ngờ, tốt nhất là mở rộng thứ bậc các trường xin học, phân bố đều các loại cao, trung bình và loại thấp hơn. Đây cũng giống như quăng lưới cá, ném lưới rộng ra một ít, khả năng bắt được cá sẽ tăng lên vài phần.

Xác định được trường học tức là có thể có biểu mẫu xin học mà bạn đang cần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.