“Luận Ngữ” Ứng Dụng Trong Kinh Doanh

NO.3 TUÂN LỄ



Lễ không chỉ bao gồm lời nói, hành vi, cử chỉ, mà còn bao gồm quan niệm giá trị và nguyên tắc đối nhân xử thế… Tuân thủ lễ nghĩa chính là quy phạm xã hội. Không ai công nhận một người ngoài mặt, lời nói, hành vi, cử chỉ rất lễ nghĩa nhưng lại tàn bạo, độc ác là người “hiểu lễ nghĩa”.
Vậy tại sao “lễ” lại quan trọng đến như vậy? Bởi vì “lễ” là biểu thị của “nhân”. Hành vi của một người phù hợp với “lễ”, có thể chứng minh người đó là người có tấm lòng nhân ái. Ngược lại, một người thiếu tấm lòng nhân ái, thì lời nói, cử chỉ, hành vi của người đó sẽ không tuân thủ “lễ”. “Lễ” và “nhân” cùng song song tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau, “lễ” là bề nổi bên ngoài, còn “nhân” là ẩn sâu bên trong.
Đồng thời, chúng ta sống trong phạm vi lễ nghĩa, một người không hiểu “lễ” thì không thể tồn tại trong phạm vi đó được.
Đối với xã hội, “lễ” là quy phạm, chế độ, quan niệm giá trị và nguyên tắc xử thế mà mọi người phải tuân thủ;
Đối với tổ chức doanh nghiệp, “lễ” là chế độ điều lệ doanh nghiệp, quan niệm giá trị, khái niệm kinh doanh mà nhân viên phải tuân thủ.
“Lễ” trong doanh nghiệp bao gồm: lời nói, hành vi, cử chỉ; giá trị quan và khái niệm kinh doanh. Đối với một nhân viên, lời nói, cử chỉ, hành vi phải phù hợp với chế độ và quy phạm doanh nghiệp, nếu không thể tuân thủ giá trị quan của doanh nghiệp thì không thể trở thành một nhân viên tốt.
Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Trung Đại, khi bàn về đánh giá nhân tài của doanh nghiệp đã dựa vào “phương pháp phân chia bốn loại nhân viên” của Jack Welch[1].
Loại thứ nhất: Nhân viên có thể thực hiện mục tiêu theo thời gian dự tính, đồng thời có thể chấp nhận và tuân thủ các giá trị quan của công ty. Loại nhân viên này rất được cấp trên chào đón, và không ngừng cho thăng chức, cũng như tạo môi trường để phát triển.
Loại thứ hai: Nhân viên không có năng lực thực hiện mục tiêu theo thời gian dự tính, đồng thời cũng không chấp nhận và tiếp nhận giá trị quan của công ty. Kết cục của những nhân viên này rất rõ ràng: bị đuổi việc.
Loại thứ ba: Nhân viên không có năng lực thực hiện mục tiêu kế hoạch, nhưng có thể chấp nhận và thực hiện nghiêm túc giá trị quan của công ty. Đối với loại nhân viên này, công ty thường tạo cơ hội bồi dưỡng, nâng cao năng lực công tác cho họ.
Loại thứ tư: Những nhân viên hay làm cho cấp trên đau đầu nhất: Họ có thể thực hiện mục tiêu đúng kỳ hạn, có thành tích kinh doanh xuất sắc, nhưng lại không chấp nhận hoặc phản đối giá trị quan của công ty. Ban đầu, lựa chọn của vị chủ tịch này cũng giống với lựa chọn của Jack Welch: nhẫn nhịn những kiểu nhân viên này, nhưng sau đó lại phát hiện những người đó có hại cho công ty nhiều hơn là cống hiến mà họ đạt được. Cho nên, ông quyết định không do dự khai trừ họ.
Một nhân viên “tuân thủ lễ nghĩa” không chỉ tuân thủ chế độ quy tắc của doanh nghiệp về mặt lời nói, hành vi, cử chỉ, mà còn phải thống nhất với doanh nghiệp về quan niệm giá trị.
Bài học:
1. Lễ và nhân là hai biểu hiện bề mặt và chiều sâu, lễ là biểu hiện bên ngoài, còn nhân là biểu hiện bên trong.
2. Một nhân viên đúng nghĩa không những phải tuân thủ chế độ quy tắc của doanh nghiệp trên phương diện lời nói, hành vi, cử chỉ mà còn thống nhất với doanh nghiệp trên phương diện quan niệm giá trị.
Nhân vị bản, lễ vị biểu
Nhân là gốc, lễ là biểu hiện bề mặt
Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động.
Việc trái lễ chớ xem, không hợp lễ chớ nghe, không hợp lễ chớ nói, không hợp lễ chớ làm.
– Nhan Uyên – Chương 12.1
Tổng quan toàn bộ “Luận Ngữ”, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, với Khổng Tử, “nhân” là gốc, là căn bản, còn “lễ” là bề mặt bên ngoài, ông cho rằng không có “nhân”, thì không thể nói đến “lễ”. Vì vậy, ông mới nói: “Nếu một người không có nhân ái thì làm sao có thể hiểu thế nào là lễ?”
Trong một lần nói chuyện, Khổng Tử đã trực tiếp nói với các môn sinh rằng: “Lễ là cương lĩnh hành động của nhân”.
Nhan Uyên là môn sinh kiệt xuất nhất, hiếu học nhất của Khổng Tử, cũng là đệ tử được Khổng Tử yêu mến nhất. Khi Nhan Uyên mất, Khổng Tử vô cùng thương tiếc, than rằng: “Ôi! Ông trời muốn lấy tính mạng của ta sao! Ông trời muốn lấy tính mạng của ta sao!” Khi có người hỏi Khổng Tử các môn sinh của ông ai hiếu học nhất, ông luôn trả lời rằng: “Là Nhan Uyên”. Thậm chí, trong một lần nói chuyện với Tử Cung, Khổng Tử đã thừa nhận rằng bản thân mình không bằng Nhan Uyên.
Nhưng có một lần Nhan Uyên thỉnh giáo Khổng Tử thế nào là “nhân”, Khổng Tử đáp: “Làm nhân là khắc kỷ, phục lễ, tức là chế thắng lòng tư dục, vọng niệm của mình và theo về lễ tiết. Ngày nào mà tất cả mọi người đều có thể ràng buộc bản thân để mình phù hợp với lễ, thì ngày đó toàn thiên hạ đều đã làm được ‘nhân’ rồi. Làm điều nhân ái hoàn toàn dựa vào bản thân, lẽ nào lại dựa vào người khác sao?” Nhan Uyên hỏi tiếp: “Xin hỏi cương lĩnh hành động cụ thể?” Khổng Tử đáp: “không phù hợp với lễ không xem, không phù hợp lễ không nghe, không phù hợp lễ không nói, không phù hợp lễ không làm.” Sau khi nghe xong, Nhan Uyên khiêm tốn nói: “Con tuy không thông minh, nhưng nhất định sẽ làm theo lời thầy.”
“Bốn điều phi lễ” đã ràng buộc chúng ta trên bốn phương diện là nhìn, nghe, nói, làm. Bốn phương diện này là bốn loại hành vi quan trọng nhất trong quá trình công tác hàng ngày của nhân viên. Muốn “tuân thủ lễ nghĩa” thì phải bắt tay từ bốn phương diện này, không xem cái không nên xem, không nghe điều không nên nghe, không nói điều không nên nói và không làm việc không nên làm.
Nhưng, trên thực tế, khi chúng ta đi sâu điều tra nghiên cứu một vài doanh nghiệp mới phát hiện ra rằng rất nhiều nhân viên doanh nghiệp đều xem nội dung không nên xem, nghe lời nói bàn luận không nên nghe, nói những lời không nên nói và làm việc không nên làm. Họ không để tâm đến chế độ quy tắc và giá trị quan của doanh nghiệp, ở họ không thể tìm được bất kỳ tinh thần và khí chất cần có nào của một nhân viên.
Phương Minh là nhân viên kỹ thuật công nghệ. Ở công ty, anh được đồng nghiệp gọi là “túi thông tin”. Anh thích “dò hỏi” tình hình nội bộ công ty, ví dụ như lúc công ty phát lương, anh tìm cách để biết được thông tin lương và đãi ngộ của người khác. Khi có được một vài thông tin thì rêu rao khắp công ty, trên thực tế, rất nhiều thông tin mà anh loan truyền không hề đúng với sự thực. Anh cũng không quan tâm đến công việc của mình, làm việc tùy tiện, hễ có thời gian là lên mạng chat, chơi điện tử.
Tháng 3 năm ngoái, cấp trên của Phương Minh đã tìm tôi, nói về tình hình của Phương Minh, hỏi tôi phải xử lý như thế nào. Tôi kiến nghị để Phương Minh đọc “Luận Ngữ”, xem “Bốn điều phi lễ” của Khổng Tử, “nếu anh ta vẫn không cải thiện được thì chỉ còn cách cho nghỉ việc.”
Kiểu nhân viên như Phương Minh không hề hiếm, họ vẫn tồn tại trong rất nhiều doanh nghiệp. Họ hoàn toàn vi phạm “bốn điều phi lễ”: xem cái không nên xem, nghe điều không nên nghe, nói điều không nên nói và làm chuyện không nên làm. Nhân viên như vậy làm sao có thể được doanh nghiệp chào đón?
Bài học:
Mỗi người đều phải đào sâu suy nghĩ, hành vi của bản thân: Xem bản thân mình đã từng xem nội dung không nên xem? Nghe lời bàn tán không nên nghe? Nói lời không nên nói? Làm việc không nên làm hay không? Nếu có thì phải kịp thời sửa chữa ngay.
Bất tri lễ, vô dĩ lập
Không biết lễ thì không thể lập thân
Chúng ta sống trong một vòng tròn lễ nghĩa, đây là điều may mắn của chúng ta, nhưng đồng thời, điều đó cũng đặt ra yêu cầu với chúng ta: Đó là, mỗi lời nói, hành vi của chúng ta đều phải tuân thủ “lễ”, không có “lễ” thì không thể nào đứng vững trong xã hội được. Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử đã nhấn mạnh nhiều lần điều này.
Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc.
Thơ có thể gây cảm hứng làm điều tốt, lễ giúp ta lập thân, âm nhạc giúp ta tu dưỡng, hoàn thành nhân cách.
– Thái Bá – Chương 8.8
Bất tri lễ, vô dĩ lập dã.
Không biết lễ thì không thể lập thân.
– Nghiêu Viết – Chương 20.3
Câu nói thứ nhất có nghĩa là thơ ca làm cho con người ta khởi phát, còn lễ nghĩa làm cho con người ta đứng vững, âm nhạc làm cho con người ta trở nên trưởng thành, chín chắn.
Câu nói thứ hai trích từ chương cuối cùng của “Luận Ngữ”, có nghĩa là một người không hiểu “lễ” thì không thể nào đứng vững trong xã hội.
Bất kể là, lễ giúp ta lập thân hay không biết lễ thì không thể lập thân đều nhấn mạnh tầm quan trọng của “lễ”. Nếu một người ngay cả lễ nghĩa tối thiểu nhất cũng không hiểu thì làm sao có thể cư xử và chung sống với người khác?
Chí Phong là nhân viên kỹ thuật IT vô cùng thông minh và có tư duy sáng tạo. Cấp trên đánh giá anh rất cao: “Anh ta là một nhân viên kỹ thuật có tài năng thiên phú”. Nhưng anh lại suýt bị công ty khai trừ. Nguyên nhân là do Chí Phong thiếu tu dưỡng lễ nghĩa, có lời nói, hành vi không đúng mực trong rất nhiều tình huống, thỉnh thoảng lại tranh cãi với cấp trên và đồng nghiệp.
Một lần, trong cuộc họp khai thác và phát triển sản phẩm, anh ta đã mâu thuẫn với phó tổng giám đốc kỹ thuật.
Anh không những phủ định đề nghị của phó tổng giám đốc kỹ thuật, mà còn đập bàn lớn tiếng chỉ trích: “Đề nghị này anh đưa ra căn bản không hề có giá trị, là phó tổng giám đốc kỹ thuật của công ty, anh phải đề xuất những kiến nghị thiết thực, có hiệu quả thúc đẩy công ty phát triển, tại sao lại có thể đưa ra kiến nghị như thế này?” Lời nói của anh có ý rất rõ: “Anh căn bản không làm nổi chức phó tổng giám đốc kỹ thuật của công ty!” Chỉ trích này đã làm cho phó tổng không nói được lời nào, lúc đó, không khí cuộc họp trùng xuống. Còn Chí Phong lại không thèm quan sát mọi người, vẫn cao giọng nói về ý tưởng của mình…
Cấp trên của Chí Phong vì muốn giữ lại “thiên tài kỹ thuật”, nên sau khi kết thúc cuộc họp, đã không ngớt lời xin lỗi phó tổng giám đốc kỹ thuật, sau đó mời một chuyên gia đào tạo kỹ năng mềm về hướng dẫn cho Chí Phong. Sau khóa học đó, Chí Phong đã nhận thức được vấn đề của bản thân, đã công khai xin lỗi phó tổng giám đốc, và viết một bài viết tự kiểm điểm đăng lên mạng nội bộ của công ty. Trong bài viết này, Chí Phong đã nêu suy nghĩ về hành vi vô lễ của mình, và khẩn khoản xin các đồng nghiệp khác hãy giám sát anh, giúp anh tự sửa chữa.
Nếu Chí Phong không kịp thời sửa chữa, ai cũng sẽ đoán ra được kết cục của anh ở công ty như thế nào.
Đến nay, dường như các doanh nghiệp đều coi lễ nghĩa là một trong những tố chất cần có của nhân viên. Bất kể là nội bộ doanh nghiệp, hay là trong quá trình trao đổi với khách hàng, lễ nghĩa đều đã trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng đánh giá xem một nhân viên có đạt tiêu chuẩn hay không.
Bài học:
1. Một người không hiểu thế nào là “lễ” thì không thể đứng vững và tồn tại trong xã hội cũng như trong doanh nghiệp.
2. Lễ nghĩa đã trở thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá xem nhân viên có đạt yêu cầu đạo đức nghề nghiệp hay không.
Động dung mạo, chính nhan sắc, xuất từ khí
Cử chỉ khoan thai điềm đạm, sắc mặt đoan trang, cất lời nói thì chú ý giọng điệu tránh thô bỉ, sai sót.
Động dung mạo, tư viễn bạo mạn hĩ; Chính nhan sắc, tư cận tín hĩ; Xuất từ khí, tư viễn bỉ bội hĩ.
Cử chỉ dung mạo nên tránh lối bạo ngược, khinh hờn; Dáng mặt nên sửa cho thành tín, ngay thật; Lời nói ra nên tránh lối thô bỉ, bội nghịch.
– Thái Bá – Chương 8.4
Lăng Tử lâm trọng bệnh, Mạnh Kính Tử đi thăm. Tăng Tử bảo với ông rằng:
“Con chim khi sắp chết sẽ kêu tiếng rất bi thương; Người khi sắp chết, những lời nói ra nhất định sẽ rất thực.
Lễ nghĩa mà người quân tử coi trọng có ba điều: Cử chỉ nên khoan thai điềm đạm, ắt sẽ tránh được sự thô bạo và ngạo mạn của người khác; Khi nói chuyện chú ý đến ngôn từ và thanh điệu thì có thể tránh được thất thố và sai sót. Liên quan đến các chi tiết khác, sẽ có người chuyên phụ trách.”
Để Mạnh Kính Tử có thể thực sự lắng nghe lời của mình, trước tiên, Tăng Tử nhấn mạnh những lời mình nói là tổng kết kinh nghiệm cả đời; là di ngôn. Trong đó, “Cử chỉ khoan thai, điềm đạm”, “Sắc mặt đoan trang”, “nói chuyện chú ý đến ngôn từ và thanh điệu” chính là “động dung mạo”, “chính nhan sắc”, “xuất từ khí”.
“Bốn điều phi lễ” nhấn mạnh nhìn, nghe, nói, hành động đều phải tuân thủ lễ tiết, là cương lĩnh hành động. Còn “động dung mạo”, “chính nhan sắc”, “xuất từ khí” lại nói cho chúng ta biết cách làm cụ thể. Ba cách làm này có liên quan mật thiết đến cuộc sống và công việc của chúng ta.
Tại sao mọi người lại thô lỗ, lãnh đạm thậm chí là xem thường bạn? Đây tuyệt đối không phải sai lầm của người khác, mà là do bản thân không đủ nghiêm túc, trang trọng. Nếu bạn có thể làm cho cử chỉ khoan thai, điềm đạm, sắc mặt đoan trang, người khác sẽ không thô lỗ, lãnh đạm với bạn, tất sẽ không thể coi thường bạn.
Tại sao người khác lại không tin lời bạn, luôn nghi ngờ bạn? Bởi vì thái độ của bạn chưa đủ đứng đắn, hãy thử suy nghĩ một chút: ai sẽ tin một người có thái độ tùy tiện, lời nói hoa mỹ, xảo quyệt? Nếu bạn mong muốn mọi người tín nhiệm bạn thì trước tiên phải chỉnh đốn thái độ bản thân cho trang trọng, đứng đắn.
Tại sao bạn lại luôn làm cho người khác ghét bỏ, hoặc thường phạm phải một vài sai sót không đáng có? Bởi vì khi nói, bạn không chú ý đến ngôn từ và thanh điệu của bản thân, lời nói tùy tiện, gặp đâu nói đấy tự nhiên sẽ làm cho người khác ghét, thanh điệu không đúng tự nhiên sẽ xúc phạm người khác, gây ra sai phạm không đáng có. Vì vậy, khi nói chuyện, nhất định phải chú ý ngôn từ và thanh điệu của bản thân.
“Động dung mạo”, “chính nhan sắc”, “xuất từ khí”, là ba điều luôn phải chú ý nếu muốn trở thành một nhân viên đúng nghĩa. Nên biết rằng đây là tổng kết cả đời của Tăng Tử.
Bài học:
1. Cử chỉ khoan thai, điềm đạm.
2. Sắc mặt đoan trang.
3. Khi nói phải chú ý đến lời nói và ngữ điệu.
Lễ chi dụng, hòa vi quý
Giữ lễ mà đạt được niềm hòa khí là quý.
– Học Nhi – Chương 1.12
Câu nói này có nghĩa là vận dụng lễ nghĩa, coi cái vừa khéo là đáng quý. Hữu Tử là một trong những đệ tử xuất sắc của Khổng Tử, ông đã từng đưa ra quan niệm “hiếu đệ là căn bản của nhân ái”, có ảnh hưởng rất lớn với hậu thế. Ông nói rằng:
“Vận dụng lễ nghĩa sao cho vừa khéo là quý. Đạo của những vị vua xưa rất tốt ở chỗ đó, từ những việc lớn cho chí những việc nhỏ, các ngài dùng niềm hòa khí mà phổ cập vào lễ. Nhưng, nếu mọi việc cứ dùng lấy hòa khí chớ chả dùng lễ mà kiềm chế cũng không được.”
Câu nói này của Hữu Tử nhấn mạnh hai điều.
Thứ nhất, vận dụng lễ nghĩa, nhất định phải làm sao cho vừa khéo, không được quá đà, cũng không được hời hợt quá.
Mã Lộ không ngừng oán thán với chúng tôi rằng: “Không biết tại sao, tôi không thể nào làm vừa ý lãnh đạo. Tôn trọng lãnh đạo, thì lãnh đạo nói tôi nghiêm túc quá; đùa cợt với lãnh đạo, thì lãnh đạo lại nói tôi không đứng đắn. Các anh nói xem, tôi phải làm thế nào?”
Cùng nói chuyện lâu, chúng tôi rút ra kết luận rằng: Mã Lộ nghiêm túc quá, ví dụ như khi cô nhìn thấy lãnh đạo thì cung kính quá mức, thái độ biểu lộ không tự nhiên, khi báo cáo với cấp trên lại phải gõ cửa ba lần mới dám bước vào phòng lãnh đạo; Lúc đừa cợt thì lại đùa cợt quá, trong cuộc họp lại gọi lãnh đạo là “này”, “helo”. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cô thay đổi, tích cực học lễ nghĩa ở nơi làm việc. Không lâu sau, cô ấy vui vẻ thông báo với chúng tôi rằng: “Bây giờ, quan hệ giữa cô với lãnh đạo đã hòa hợp hơn rất nhiều.”
Thứ hai, không nên cố tình tìm kiếm hòa khí, nhiều khi, vì muốn hòa hợp với người khác nên mọi người đã xem nhẹ lễ nghĩa. Ví dụ rất nhiều người vì muốn làm cấp trên vui, nên đã nghĩ cách để người đó vừa lòng, nhưng lại trái với lễ nghĩa thông thường.
Một lần, tôi về quê, gặp một người anh họ, hành vi cử chỉ của anh ấy làm tôi rất kinh ngạc: Bất kể là với ai, anh cũng đều thích kề vai bá cổ, ăn nói tùy tiện, lời nói rất khoa trương, tự cao tự đại…
Tôi đã bớt chút ít thời gian để nói chuyện với anh ấy, được biết anh ấy trở nên như vậy là do cấp trên. Cấp trên của anh ấy là một người tính tình tùy tiện, không để ý đến quy tắc, chế độ của công ty, anh họ tôi rất ngưỡng mộ cấp trên của mình.
Bài học:
1. Đối xử với đồng nghiệp, nhất định phải chú ý lễ nghĩa, nhưng không nên quá cầu kỳ, và cũng không nên quá tùy tiện.
2. Không nên đi trái với lễ nghĩa nghề nghiệp chỉ vì mục đích để hòa hợp với cấp trên.
Tự trọng
Quân tử bất trọng, tắc bất uy, học tắc bất cố.
Quân tử thiếu thái độ trang trọng thì không uy nghiêm; sự học cũng không được kiên cố.
– Học Nhi – Chương 1.8
Ý của câu này nghĩa là, người quân tử không tự trọng thì không oai nghiêm, sẽ không củng cố được tri thức đã học được.
Đối với tôi, bất kể là “động dung mạo”, “chính nhan sắc”, “xuất từ khí”, đều là biểu hiện của lòng tự trọng. Muốn biết một người có tuân thủ lễ nghĩa hay không, phương pháp phán đoán tốt nhất chính là xem người đó có tự trọng hay không. Một người không tự trọng thì nhất định là người không tuân thủ lễ nghĩa.
Tự trọng, đối với bất kỳ người nào trong chúng ta cũng đều rất quan trọng. Chỉ có tự trọng, chúng ta mới có thể được người khác tôn trọng; Chỉ có tự trọng, nghiệp học của chúng ta mới có thành tựu, mới được củng cố; Cũng chỉ có tự trọng, chúng ta mới có thể gạt bỏ khó khăn trên con đường sự nghiệp, dũng cảm tiến lên phía trước…
Vậy, tự trọng từ đâu đến? Câu trả lời là: Tự trọng chính là từ “lễ” mà đến.
Khi lời nói, hành vi của chúng ta phù hợp với chế độ, quy định của doanh nghiệp, khi giá trị quan thống nhất với văn hóa doanh nghiệp, chúng ta sẽ có được tự trọng, sẽ có công việc và sự nghiệp, sẽ được đồng nghiệp và người khác tôn trọng.
Khi chúng ta đối xử với người khác theo yêu cầu của lễ nghĩa thì tự nhiên có thể sẽ tránh không bị người khác coi thường, giống như Hữu Tử đã nói: cung kính người khác phù hợp lễ nghĩa sẽ tránh không bị làm nhục.”
Tương tự, khi chúng ta dùng lễ nghĩa để ràng buộc bản thân, chúng ta có thể tự lập, không đi ngược với bất kỳ đạo lý nào. Khổng Tử nói: “Người quân tử học văn hóa, dùng lễ nghĩa để ràng buộc bản thân, như vậy có thể không làm trái với bất kỳ đạo lý nào”. Một khi như vậy, chúng ta tự nhiên sẽ có tự trọng.
Đồng Lỗi vào công ty nhờ có sự giới thiệu của một người bạn. Lúc đó, người bạn này nói với chúng tôi rằng:
“Đồng Lỗi là một người hướng nội, rất ít bộc lộ cảm xúc, thái độ nên cô ấy thích hợp làm công việc máy móc”. Nhưng trong quá trình tiếp xúc với Đồng Lỗi, chúng tôi phát hiện thấy cô ấy không phải là “sống hướng nội, không biết cách biểu đạt”, mà căn bản cô ấy là một người sống khép kín hoàn toàn, không những vậy, cô ấy còn không tự tin, thậm chí còn cảm thấy mình là một người vô dụng.
Nhưng chúng tôi cũng có một phát hiện bất ngờ khác: Cô ấy rất có khả năng viết văn, cũng có thể đời sống hướng nội đã khiến cô ấy có thói quen biểu đạt tình cảm trên giấy. Chúng tôi cho rằng cô ấy không thích hợp với công việc có tính máy móc, mà cô ấy rất phù hợp với công việc có tính sáng tạo.
Vấn đề cốt lõi hiện tại trước mắt chúng tôi là: Làm thế nào để Đồng Lỗi trở thành một người tự trọng? Thế là chúng tôi tiến hành quan sát Đồng Lỗi, cuối cùng phát hiện ra rằng: Trước mặt ai cô ấy cũng thu mình, cẩn thận, thậm chí là không dám nhìn thẳng vào mắt đồng nghiệp. Rất nhanh, chúng tôi đã có đáp án: Phải để Đồng Lỗi tự lập, tự trọng thì sẽ làm cho cô ấy học được lễ nghĩa nghề nghiệp, để cô ấy hiểu được phải giao tiếp với đồng nghiệp như thế nào trong công việc. Thế là, chúng tôi bố trí một chuyên gia đến phụ đạo cho cô ấy, đồng thời nhấn mạnh mỗi một đồng nghiệp phải dùng “lễ” để đối xử với Đồng Lỗi.
Quả nhiên, khi đã nắm được lễ nghĩa, Đồng Lỗi biểu hiện rất xuất sắc, hoàn thành rất tốt công việc…
“Lễ” có thể giúp chúng ta tự lập, tự trọng ở chốn công sở, khi chúng ta dùng “lễ” để đối đãi với người khác, tự nhiên sẽ được người khác dùng lễ để đáp lại, mọi người sẽ độc lập và tôn trọng nhau.
Bài học:
1. Tự trọng là tiền đề để người khác tôn trọng chúng ta.
2. “Lễ” có thể giúp cho chúng ta tự lập, tự trọng ở chốn công sở.
Bất khả vô lễ
Không được vô lễ.
Cung nhi vô lễ, tắc lao, thận nhi vô lễ, tắc tỉ, dũng nhi vô lễ, tắc loạn, trực nhi vô lễ, tắc giảo.
Cung kính quá lễ thành ra lao nhọc, cẩn thận quá lễ thành ra nhát gan, dũng cảm quá lễ thành ra loạn nghịch, ngay thẳng quá lễ thành ra gắt gỏng, cấp bách.
– Thái Bá – Chương 8.2
Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “lễ” ở chốn công sở, vậy nếu không hiểu được “lễ” thì sẽ ra sao? Đây chính là vấn đề cần thảo luận.
Không hiểu “lễ” thì nhất định sẽ xảy ra bốn tình huống sau:
Cung kính mà không hiểu “lễ” thì sẽ mệt mỏi không thể chịu nổi, cẩn trọng nhưng không hiểu “lễ” sẽ cho thấy sự nhu nhược; Dũng cảm nhưng không hiểu “lễ” sẽ gây hỗn loạn; Thẳng thắn mà không hiểu “lễ” sẽ làm tổn thương người khác.
Đối với một người, cung kính, cẩn trọng, dũng mãnh, thẳng thắn đều là ưu điểm, nhưng, một khi họ không hiểu “lễ”, không thực hiện “lễ” thì bốn điểm này đều biến thành khuyết điểm.
Mỗi lần gặp mặt, Tiêu Cường luôn mệt mỏi nhìn như thiếu ngủ, điều này khiến cho các bạn không thể lý giải được. “Mọi người có biết tôi rất mệt không? Trong công ty không thể đắc tội với ai được, ai tôi cũng phải cung kính, tôi có thân phận rất nhỏ bé” Tiêu Cường luôn miệng giải thích như vậy.
Mỗi lần công ty có cuộc họp, Tinh Tinh đều giữ im lặng, mỗi khi người khác hỏi ý kiến của cô, cô đều đỏ mặt, căng thẳng trả lời: “Tôi, tôi… không có ý kiến gì.” Trên thực tế, Tinh Tinh có nhiều ý tưởng rất xuất sắc, nhưng cô chỉ nói cho vui với đồng nghiệp. Có một lần, khi nói chuyện, đồng nghiệp hỏi Tinh Tinh: “Sao cậu có ý tưởng xuất sắc như vậy lại không nói ra trong cuộc họp?” Tinh Tinh trả lời: “Tớ không dám nói, tớ sợ nói ra không tốt lại bị mọi người cười.”
Tổng giám đốc Vương tức giận đứng bật dậy, quay ngoắt người đi ra cửa, tất cả nhân viên có mặt đều ngẩn người ra một lúc, rồi cùng lúc hướng tầm nhìn về phía Chu Hiển. Hóa ra là, Tổng giám đốc Vương triệu tập mọi người mở cuộc họp, muốn thảo luận kế hoạch phát triển tiếp theo của công ty, đồng thời đưa ra ý tưởng của bản thân. Ai ngờ đang lúc Tổng giám đốc Vương nói thì Chu Hiển lại ngắt lời nói: “Tổng giám đốc Vương, tôi thấy ý tưởng của anh không có ý nghĩa thực chất gì cho công ty cả, nếu là vì thảo luận việc này, cuộc họp hôm nay coi như phí công.” Thế là xảy ra sự việc như trên.
Có rất nhiều những việc như vậy đang xảy ra trong các doanh nghiệp, hoặc đã từng xảy ra. Tiêu Cường, Tinh Tinh, Chu Hiển chính là những người “vô lễ” như Khổng Tử đã nói. Bọn họ có thể cung kính, có thể cẩn trọng, có thể dũng mãnh, hoặc có thể thẳng thắn, nhưng do “vô lễ” nên họ đã biến thành những người mệt mỏi, nhát gan, sợ sệt, gây rối, gây tổn thương cho người khác.
Do đó có thể thấy, là một nhân viên mà không hiểu “lễ” thì không những bản thân mình không đứng vững được mà còn gây ra hậu quả không tốt cho đồng nghiệp, cấp trên, thậm chí là cho cả công ty.
Bài học:
Nếu một người không hiểu “lễ” thì ưu điểm vốn có cũng sẽ biến thành khuyết điểm.
Chú thích
[1] Cựu chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn General Electric.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.