“Luận Ngữ” Ứng Dụng Trong Kinh Doanh

NO.6 HIẾU HỌC



Ngày nay, người nào không có khả năng học là không có khả năng cạnh tranh; Không có khả năng cạnh tranh có nghĩa là không phát triển; Không phát triển có nghĩa là đối mặt với kết cục bị đào thải. Điều này đã trở thành sự thực không cần phải bàn cãi.
Ngược lại, ai có sức học, người đó sẽ có nền tảng và căn bản của sự thành công.
Sự trưởng thành của Cảnh Hiền thực sự khiến cho tôi ngạc nhiên: Năm 2008, khi tôi vừa quen anh, anh vẫn là một sinh viên tốt nghiệp đại học chưa hề có kinh nghiệm công tác. Bất kể là làm việc, hay quan hệ giao tiếp với người khác, anh đều có phần hạn chế, thậm chí là không biết giao tiếp. Nhưng, hôm nay, anh đã trở thành một nhà quản lý trẻ tuổi có chút danh tiếng, đã xuất bản các đầu sách như “Nhật kí quản lý dưới gốc thông”, “Bạn nên làm việc thế nào”, “Sức mạnh hành động: chỉ nam hành động hiệu quả”, “Nhật kí quản lý của Lý Thế Dân”,…, đồng thời thực hiện chủ biên các đầu sách như “Hòm dụng cụ quản lý đào tạo”, “Sáu kỹ năng cạnh tranh của giám đốc”.
Tôi hỏi Cảnh Hiền: “Tại sao anh lại gặt hái được thành công nhanh chóng như vậy?”
Anh cười, trả lời: “Học tập”.
Đúng vậy, đối với một người trẻ tuổi như Cảnh Hiền, bất kể là kinh nghiệm thực tiễn, hay là tri thức đều chưa đủ. Muốn bù đắp những chỗ thiếu này, thì phải không ngừng học tập, “học tập kinh nghiệm của người khác, để chúng nhanh chóng trở thành kinh nghiệm của bản thân. Đồng thời, không ngừng đọc sách và bổ sung tri thức cần thiết cho mình, hai năm đó tôi hiểu rõ một đạo lý rằng: Chỉ có học tập mới là sức cạnh tranh thực sự của chúng tôi!” Cảnh Hiền tổng kết nói.
Cho dù học tập quan trọng như vậy, nhưng rốt cuộc cần phải học cái gì, học như thế nào, rất nhiều người vẫn còn rất mơ hồ, chưa thực sự hiểu hết. Trên thực tế, những vấn đề này đã được Khổng Tử trả lời từ cách đây hơn 2500 năm.
Khổng Tử có lẽ là người quan tâm đến việc học nhất trên thế giới này, trong “Luận Ngữ”, ông đã nhắc đến từ “học” hơn 64 lần, chỉ sau “nhân” (109 lần), “lễ” (75 lần), vào nhiều hơn hẳn so với “hiếu” (19 lần), “nghĩa” (24 lần). Đặc biệt, ngay chương mở đầu của “Luận Ngữ” là “học nhi thời tập chi” (học thì phải luyện tập), do đó có thể thấy tầm quan trọng của “học” trong con mắt của Khổng Tử.
Khổng Tử cho rằng “học” đã tạo ra ông, ông đã nhấn mạnh nhiều lần bản thân là người “học nhi tri chi” (học rồi mới biết). Đồng thời, Khổng Tử còn cho rằng có rất nhiều người trung thành, uy tín, chân thực hơn ông, nhưng những người hiếu học hơn ông lại rất ít, mà hiếu học chính là ưu thế để ông so sánh mình với người khác.
Khổng Tử đã nghiên cứu rất nhiều và có kinh nghiệm phong phú đối với học tập, vậy, chúng ta hãy xem Khổng Tử học như thế nào.
Thứ nhất, Khổng Tử nhấn mạnh học tập không chỉ là học tri thức văn hiến, mà nhấn mạnh thực tiễn, không ngừng nâng cao thành tựu đạt được trong hành động, lời nói, cử chỉ và tự rèn luyện, chỉnh sửa, uốn nắn bản thân.
Thứ hai, mọi người đều có sở trường và ưu điểm, vì vậy cần phải học tập những người xung quanh.
Thứ ba, Khổng Tử chú trọng “học dĩ chí dụng” (học thì phải ứng dụng), học rồi mà không dùng cũng bằng với không học.
Thứ tư, học tập cần phải kết hợp với suy nghĩ, chỉ học mà không nghĩ, hoặc chỉ nghĩ mà không học đều không đạt được gì cả.
Thứ năm, học tập cần phải có tâm thái trống rỗng, chỉ khi nào làm được “hữu nhược vô, thực nhược hư” (có tài năng mà nhìn qua như không có, có học thức mà thể hiện như không) mới có thể học được tri thức thực sự.
Bài học:
Sức học tập quyết định sức cạnh tranh, sức học tập quyết định sức sống.
Nội dung học tập ọc tập cần phải giải quyết ba vấn đề: Học cái gì – đây là căn bản, không biết mình nên học cái gì thì sẽ học mơ hồ, lãng phí rất nhiều thời gian, cuối cùng phát hiện ra rằng là học vô ích; Học ai – ngoài những đầu sách cần thiết, chúng ta còn phải tìm ra tấm gương học tập, tấm gương này có thể là chính diện, cũng có thể là phản diện; Học như thế nào – học tập cần phải có phương pháp.
Trong mục này, trước tiên chúng ta hãy thảo luận một chút xem là học cái gì.
B“QUÂN TỬ THỰC VÔ CẦU BÃO, CƯ VÔ CẦU AN, MẪN Ư SỰ, NHI THẬN Ư NGÔN, TỰU HỮU ĐẠO NHI CHÍNH YÊN, KHẢ VỊ HIẾU HỌC DÃ DĨ”
Quân tử có chí học đạo ăn không cầu no, chỗ ở không cần trang hoàng, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, gặp từ người thường đến người có đạo đức mà học hỏi, sửa mình, thế mới gọi là người hiếu học.
– Học Nhi – Chương 1.14
Thế nào gọi là hiếu học? Khổng Tử nói: “quân tử, ăn không cầu no, chỗ ở không cần an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, ở gần người có đức hạnh không ngừng tu dưỡng, sửa đổi bản thân, như vậy có thể gọi là người hiếu học.”
Chúng ta hãy phân tích một chút: Trước tiên, học tập và ăn uống, nơi ở có quan hệ không lớn. Tiếp đến, học tập cần phải nhấn mạnh hành động và lời nói, cũng chính là ngôn hạnh. Tiếp đến, học tập có liên quan đến đức hạnh. Cũng chính là nói nội dung của học tập phải là đức hạnh và ngôn hạnh.
Thật kỳ lạ, ở đây Khổng Tử không nhắc đến tri thức sách vở. Trên thực tế, Khổng Tử không tán thành việc chỉ chăm chăm vào sách vở, có thể nắm vững rất nhiều chi tiết nhưng không biết áp dụng thế nào? Vì thế, có một lần, ông nói:
“Người trẻ tuổi, trong gia đình hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài kính trọng huynh trưởng, thận trọng và trung thành, quan tâm, yêu mến người khác, thân thiện, gần gũi với người có nhân đức. Sau khi làm những điều này, nếu còn có sức mạnh dư thừa, thì hãy học tri thức văn hiến.”
Từ những câu nói này có thể thấy, Khổng Tử xếp việc học tri thức sách vở, sau việc học cách làm người.
Tương tự, môn sinh của Khổng Tử là Tử Hạ cũng từng nói những lời như thế này:
“Coi trọng đức hạnh hơn dung mạo; phụng dưỡng cha mẹ, có thể toàn tâm toàn ý; Phụng dưỡng cấp trên, có thể hi sinh tính mạng; chơi với bạn bè, nói lời thành thực đáng tin. Người như vậy tuy nói là chưa từng đi học, tôi cũng nhất định nói rằng anh ấy đã học rồi.”
Một người hội tụ đủ tố chất làm người, thì dù chưa từng đọc sách, chưa từng đi học cũng được coi là đã đi học. Thực tế, nhiều người đọc rất nhiều sách, nhưng lại không hiểu được đạo lý làm người tối thiểu, đây là một trong những vấn đề quan trọng nơi công sở.
Mọi người sẽ không ai xa lạ với tình huống sau:
• Một người đang biểu đạt quan điểm bị người khác ngắt đoạn rất mất lịch sự;
• Khi đang ngồi cùng bạn, không ngừng nói xấu người khác, khi ngồi cùng người khác lại bắt đầu nói xấu bạn không ngớt;
• Việc đã bàn xong xuôi, khi đến thời điểm quan trọng lại đột ngột trở mặt, thậm chí là không vì bất kỳ lý do nào;
Muốn thay đổi tình trạng này thì phải lắng nghe lời giáo huấn của Khổng Tử, phải thực hiện điều chỉnh nội dung học tập, từ chỗ học tập trên sách vở thông thường sang học đạo lý đối nhân xử thế.
Bài học:
1. Học cái gì? Học ai? Học như thế nào? Là ba vấn đề quan trọng của học tập.
2.Nội dung chủ yếu của học tập là ngôn hạnh và đức hạnh.
3. Học cách làm người quan trọng hơn nhiều so với học tri thức từ sách vở.
Tam nhân hành, tất hữu ngã sư
Ba người cùng đi, tất có người là thầy ta
Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi.
Trong ba người cùng đi, tất có người là thầy ta. Ta chọn điều tốt để đi theo, còn điều không tốt thì tránh đi.
– Thuật Nhi – Chương 7.22
Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, câu nói này ai cũng biết, ai cũng nói, nhưng người làm được thực sự rất ít. Tại sao? Bởi vì nhiều người cho rằng những người xung quanh không có gì đáng để học hỏi, họ không coi trọng việc: “Lựa chọn ưu điểm của người khác để học tập, nhìn thấy khuyết điểm của người khác để sửa chữa.”
“Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên” cho chúng ta thấy cần phải học tập mỗi người xung quanh chúng ta, để giải quyết được vấn đề “học ai”. Còn “Trạch kỳ thiện giả nhi tông chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” lại cho chúng ta thấy cần phải học tập người xung quanh chúng ta như thế nào: Học hỏi ưu điểm của người khác. Nhìn thấy khuyết điểm của người khác thì phải xem lại xem mình có khuyết điểm tương tự hay không, nếu có thì phải sửa chữa.
Bất luận là người ưu tú, hay là người kém cỏi, đều là thầy giáo của chúng ta, chúng ta đều có cái để học hỏi ở họ. Đây chính là “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên”.
Vô hữu bất như kỷ giả
Không kết bạn với người không giống mình
– Học Nhi – Chương 1.8
Rất nhiều người đã lý giải sai câu nói này, thậm chí cả môn sinh Tử Hạ của Khổng Tử. Họ cho rằng câu nói này có nghĩa là: “không kết bạn với người không bằng mình.” Nhưng, nếu ai ai cũng có cách nghĩ này thì chúng ta còn có thể kết bạn được hay sao? Người không bằng chúng ta, chúng ta không bằng lòng kết bạn, còn người hơn chúng ta, cũng không bằng lòng kết bạn với chúng ta, cứ như vậy, chẳng ai có bạn bè cả.
Ý mà Khổng Tử muốn biểu đạt ở đây là: Mỗi người bạn đều có điều đáng để chúng ta học hỏi, chúng ta cần phải tìm ra ưu điểm và sở trường của bạn.
Bài học:
1. Mọi người ai cũng có điểm đáng để chúng ta học tập, đối với người ưu tú, chúng ta học tập ưu điểm của họ, người kém cỏi, chúng ta có thể coi đó là tấm gương để cảnh tỉnh và suy nghĩ lại những điều mà họ thể hiện, từ đó sửa chữa khuyết điểm của bản thân.
2. Chỉ cần chúng ta quan sát kỹ sẽ phát hiện ra rằng: ai cũng có ưu điểm và sở trường.
Học dĩ chí dụng
Học phải ứng dụng vào thực tế
Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ
Học mà thực hành theo điều mình học, chẳng vui lắm sao?
– Học Nhi – Chương 1.1
Đây là câu mở đầu trong “Luận Ngữ”. Trong một thời gian dài, tôi không thể lý giải được câu nói: “Học mà thực hành theo điều mình học, chẳng vui lắm sao?”
Về sau, tôi mới phát hiện mình đã hiểu sai chữ “tập”, chữ “tập” này không chỉ là “ôn tập”, mà còn có nghĩa là học tập thực tiễn. Ý của câu nói này phải là: “Đã học tập phải thường xuyên ôn tập, ứng dụng thực tiễn, việc đó há chẳng phải là rất đáng mừng hay sao?” Như vậy, rất dễ lý giải. Khi chúng ta học được một số tri thức mới, vận dụng tri thức này vào trong thực tiễn, đạt được thành quả nhất định, tự nhiên sẽ thấy vui vẻ.
Tháng trước, chúng tôi tổ chức một chuyến “du ngoạn hồ Thiên Đảo”, toàn thể nhân viên ai nấy đều hết thảy vui mừng. Lý do của lần du lịch này là chúng tôi đã có thành quả học tập, tạo ra thành tích tốt chưa từng có cho công ty.
Mùa xuân, công ty tổ chức mô hình bán hàng trực tiếp, sau hơn hai tháng tìm hiểu, học tập, toàn thể công ty đều có nhận thức đầy đủ và nắm được mô hình này. Do đó, vào trung tuần tháng trước, chúng tôi đã tổ chức một buổi bán hàng trực tiếp ở Hồ Mục Thiên, Thường Châu. Bán hàng trực tiếp lần này đã giành được thành quả ngoài sức mong đợi: Danh thu tại chỗ được hơn 3 triệu Nhân dân tệ, sau đó nhận được đơn đặt hàng gần 5 triệu Nhân dân tệ.
Sau lần bán hàng trực tiếp này, tinh thần của toàn thể nhân viên trong công ty đều đổi mới, phấn chấn hơn, vui vẻ hơn, trên khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười, nhiệt tình công tác cao hơn bao giờ hết.
Đây chính là vui vẻ đạt được sau “thực tiễn”.
Niềm vui của “học nhi thời tập chi” (học thì phải luyện tập) là niềm vui của “thực tiễn”, là niềm vui đạt được thành quả. Trong này bao gồm cả phương thức học tập quan trọng: Học rồi nhất định phải dùng, học mà không dùng thì cũng như không học. Quan điểm này Khổng Tử đã từng nhắc đến trong Thiên Tử Lộ của ”Luận Ngữ”:
Học tập là để vận dụng, học mà không vận dụng thì có khác gì không học?
Năm ngoái, chúng tôi đã cử ba nhân viên đến Thâm Quyến để học “phương pháp học tập hành động”. Sau nửa tháng học, ba vị này trở về. Công ty đã tổ chức mời họ truyền đạt lại nội dung học tập, cuối cùng chủ tịch hội đồng quản trị đề xuất yêu cầu: Ba vị vận dụng “phương pháp học tập hành động” trong công việc hàng ngày.
Nhưng, đến nay, bọn họ chỉ sử dụng thái độ làm việc như cũ, không hề cải tiến gì cả. Điều này khiến chủ tịch hội đồng quản trị vô cùng tức giận. Không lâu trước đây, ông đã phê bình họ nghiêm khắc trong cuộc họp của công ty:
“Học rồi phải vận dụng, các anh học tập ‘phương pháp học tập hành động’, bản thân cũng cho rằng đây là một khóa học rất tốt, nhưng tại sao lâu như vậy mà không hề thấy các anh áp dụng? Các anh học như vậy thì có tác dụng gì?”
Ba vị này đều biểu hiện giống hệt nhau: Cúi thấp đầu để nhận giáo huấn của chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng sau đó vẫn như cũ.
Mỗi nhân viên đều phải ghi nhớ: Học mà không dùng thì cũng như không học. Vậy, chúng ta cần phải làm thế nào để đảm bảo rằng mỗi lần học tập đều có thể ứng dụng vào thực tiễn, vào trong công việc? Điều này cần phải học hỏi Tăng Tử, ông cho rằng:
“Nhất nhật tam tỉnh, vi nhân mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ, truyệt bất tập hồ?” (Mỗi ngày ta xét ba điều: Làm việc cho ai có hết lòng không? Đối với bạn có vẹn chữ tín hay không? Đạo thầy truyền dạy, ta có học tập hay chăng?)
Nếu mỗi ngày chúng ta cũng tự vấn mình: “Tri thức mình học được gần đây đã được mình vận dụng vào thực tiễn hay chưa?” thì sẽ trở thành người “học dĩ chí dụng”.
Bài học:
1. Sau khi học xong không luyện tập, không đạt được thành quả nhất định thì sẽ chẳng có niềm vui nào cả.
2. Học rồi mà không dùng thì cũng như không học.
Học nhi bất tư, tắc võng; tư nhi bất học, tắc đãi
Học mà không suy nghĩ thì sai lầm, suy nghĩ mà không học thì nguy hiểm
Học nhi bất tư, tắc võng; tư nhi bất học, tắc đãi
Học mà không suy nghĩ thì sai lầm, suy nghĩ mà không học thì nguy hiểm
– Vi Chính – Chương 2.15
Đây cũng là một câu nói ám chỉ học mà không suy nghĩ thì cũng sẽ mù quáng mà hoang mang không biết làm thế nào; còn chỉ suy nghĩ mà không học thì sẽ nguy hiểm do hành động mù quáng.
“Học”, học tập; “tư”, suy nghĩ. Ý của câu nói là phải thống nhất giữa “học” và “tư”, chỉ có “học và suy nghĩ”, “suy nghĩ mà học” thì mới có ý nghĩa.
“Võng” (bưng bít, không biết) là hoang mang không biết làm gì, “đãi” là nguy hiểm. Chỉ học mà không suy nghĩ thì là mọt sách, chỉ có thể trở thành con mọt sách, sẽ chỉ làm mọi việc theo sách vở hoặc chỉ thị của người khác, mà không hề có sự tùy cơ ứng biến nào cả.
Tháng 3 năm 2010, chúng tôi đã phủ định hoàn toàn đề nghị của Cố Nương (phó tổng giám đốc của công ty). Tháng 2, ông đến Bắc Kinh học mô hình kinh doanh hội nghị, sau khi trở về đã áp dụng một cách rất cứng nhắc, đem toàn bộ sản phẩm của công ty kết hợp với hình thức kinh doanh hội nghị.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều sản phẩm của chúng tôi không phù hợp với mô hình kinh doanh hội nghị, cho nên, tại cuộc họp, chúng tôi đã khoanh vùng triển khai thảo luận đặc điểm của mô hình kinh doanh hội nghị, cuối cùng đã phủ định hoàn toàn phương án của Cố Nương. Cố Nương rất hoang mang: Tại sao mọi người có thể, còn chúng ta lại không thể vận dụng?
Do đó, chúng tôi lại một lần nữa đào sâu tìm hiểu căn của thành công của mô hình kinh doanh hội nghị, đồng thời chọn ra một vài sản phẩm thích hợp với mô hình này. Sau đó, Cố Nương đã chỉnh hợp một loạt sản phẩm, những sản phẩm này có thể thích hợp với mô hình kinh doanh hội nghị, trong hoạt động bán hàng hội nghị vào tháng 5 đã thu được thành công chưa từng có.
Chỉ suy nghĩ mà không học tập, thì sẽ suy nghĩ rất hỗn loạn, sẽ rơi vào trạng thái tự đại mù quáng, một khi áp dụng hành động sẽ gặp rủi ro, nguy hiểm. Vì vậy, suy nghĩ của một người nhất định phải kết hợp với học tập, nhiều khi, một người vùi đầu vào suy nghĩ cả năm cũng không bằng dốc sức học tập trong một khắc. Chính bản thân Khổng Tử cũng đã từng trải nghiệm như vậy:
“Tôi đã từng cả ngày không ăn cơm, cả đêm không ngủ để suy nghĩ, kết quả phát hiện ra rằng chẳng có chỗ nào tốt cả, không bằng học tập.”
Tân Vũ thành lập một công ty văn hóa, sản xuất một tờ tạp chí thương mại. Trước đó, ông chưa từng có kinh nghiệm làm tạp chí, và cũng chưa hiểu biết nhiều về quảng cáo. Ông chỉ nghĩ rằng: Có tạp chí, tôi sẽ tạo ra quan hệ giao tiếp giữa người và người; có tạp chí rồi, tôi sẽ có mặt bằng tuyên truyền; có tạp chí rồi, tôi sẽ có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động thương mại…
Sau khi công ty vận hành được bốn tháng, ông đã tiêu hết sạch tích lũy của mình, và còn nợ mấy trăm ngàn Nhân dân tệ, nhưng tạp chí vẫn chẳng có gì khởi sắc cả, tình hình triển khai nghiệp vụ quảng cáo thì càng tồi tệ. Ông phát hiện ra rằng mình đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, một khi bên phía in ấn đến đòi nợ, công ty sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa…
Lúc này, một người bạn đã khuyên ông: “Anh hãy tìm hiểu xem tạp chí rốt cuộc phát hành như thế nào.” Câu nói này đã làm ông tỉnh ngộ, thế là, ông bắt đầu thu thập tài liệu có liên quan đến phát hành tạp chí, chưa đến nửa tháng, ông đã hiểu và nắm được trọng điểm phát hành một tờ tạp chí. Cho nên, ông đã thực hiện điều chỉnh đường lối tư duy kinh doanh, rất nhanh, tờ tạp chí thương mại của ông đã có lãi.
Chỉ suy nghĩ mà không học sẽ còn gây ra một hậu quả nữa là: Khi bạn cho rằng mình đã phát hiện ra một quan điểm hoặc một ý tưởng mới, thì khi bạn mở sách, lại phát hiện tiền nhân đã nói vấn đề này rất rõ ràng từ lâu rồi. Bản thân cá nhân tôi cũng từng có trải nghiệm như vậy, cảm giác này sẽ làm con người cảm thấy vô cùng buồn bực, thậm chí là tiêu tan ý chí.
Bài học:
1. Chỉ học tập, không suy nghĩ, sẽ theo đuổi mù quáng, cuối cùng rơi vào hoang mang không biết làm thế nào.
2. Chỉ suy nghĩ, không học tập sẽ nghĩ ngợi lung tung, rơi vào trạng thái tự đại mù quáng, khi áp dụng hành động sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.