Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú

Lời giới thiệu



Đã hơn hai mươi năm kể từ khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về phương thức làm giàu. Ban đầu, chúng tôi chỉ thực hiện nghiên cứu đơn thuần, tức là khảo sát những người sống ở các khu vực thượng lưu trên khắp nước Mỹ. Nhưng rồi chúng tôi đã phát hiện một điều kỳ lạ: Nhiều người sống trong những ngôi nhà sang trọng và lái những chiếc xe đắt tiền thực ra lại không quá giàu có! Sự thật này kéo theo một sự thật còn kỳ lạ hơn: Nhiều người cực kỳ giàu có lại không sống ở những khu vực thượng lưu như vậy!

Phát hiện nho nhỏ ấy đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi, khiến một người trong nhóm chúng tôi là Tom Stanley quyết định gác lại sự nghiệp học thuật để cho ra đời ba cuốn sách về hoạt động marketing hướng đến tầng lớp giàu có ở Hoa Kỳ. Tom trở thành chuyên gia cố vấn cho các tập đoàn chuyên cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho tầng lớp thượng lưu, đồng thời còn tiến hành các chương trình nghiên cứu về tầng lớp giàu có cho 7 trong số 10 tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu ở Mỹ. Hai chúng tôi cũng đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo về chủ đề nhắm đến sự giàu có.

Tại sao lại có nhiều người quan tâm tới những buổi nói chuyện của chúng tôi đến vậy? Bởi vì chúng tôi đã khám phá ra ai mới thực sự là người giàu có. Và quan trọng hơn cả là chúng tôi chỉ ra được cái cách mà những người bình thường có thể làm để trở nên giàu có.

Vậy thì có gì uyên thâm ẩn sau những khám phá này? Chính là đây: Hầu hết mọi người đều đã hiểu sai về khái niệm giàu có. Của cải không đồng nghĩa với thu nhập. Nếu hàng năm bạn kiếm được nhiều tiền và phung phí hết sạch thì bạn không thể giàu lên. Bạn sống vương giả thật đấy, nhưng của cải là số tài sản bạn tích lũy được, chứ không phải số tiền mà bạn tiêu đi.

Vậy bạn phải làm thế nào để trở nên giàu có? Một lần nữa, hầu hết mọi người lại hiểu sai. Những trường hợp giàu có nhờ may mắn trúng xổ số, được thừa kế, địa vị xã hội cao hay thậm chí là sự thông minh xuất chúng rất hiếm xảy ra. Thông thường, của cải là kết quả của lối sống đề cao sự lao động chăm chỉ, tính kiên nhẫn, bền bỉ, làm việc có kế hoạch, và quan trọng hơn hết là tính tự giác kỷ luật.

Tại sao mình không giàu?

Nhiều người cứ mãi tự vấn như thế. Nhìn chung, ai cũng chăm chỉ, có học vấn và thu nhập cao. Nhưng tại sao số người được cho là giàu lại ít đến vậy?

TRIỆU PHÚ VÀ BẠN

Gần một nửa của cải của Hoa Kỳ nằm trong tay 3,5% tổng số hộ gia đình. Tổng tài sản của những hộ gia đình còn lại thậm chí còn không đạt được xấp xỉ con số này (khi nói “những hộ còn lại”, chúng tôi không đề cập đến những hộ có thu nhập thấp). Trong số hàng triệu hộ gia đình này, phần lớn đều có thu nhập ở mức trung bình, thậm chí là cao. Hơn 25 triệu hộ gia đình ở Mỹ có thu nhập hàng năm trên 50.000 đô-la; hơn 7 triệu hộ có thu nhập hàng năm trên 100.000 đô-la. Tuy số tiền kiếm ra rất lớn nhưng quá nhiều người trong số này lại có khối lượng của cải tích lũy hết sức khiêm tốn. Nhiều người cứ có đồng nào là tiêu ngay đồng ấy. Đây chính là thành phần sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuốn sách này.

Một gia đình trung bình điển hình ở Mỹ có tài sản ròng vào khoảng dưới 15.000 đô-la, chưa tính giá trị nhà ở. Bỏ qua những khoản cần thiết như phương tiện đi lại, nội thất và những thứ tương tự, hãy đoán xem kết quả là gì? Thông thường, giá trị tài sản tài chính như cổ phiếu và trái phiếu của gia đình đó là 0. Một gia đình Mỹ trung bình như thế có thể tồn tại bao lâu nếu không có tiền lương hàng tháng? Chắc chỉ một hai tháng gì đó thôi. Ngay cả nhóm những hộ hàng đầu (giả sử chiếm 20%) ở Mỹ cũng chưa hẳn là giàu có. Tính trung bình, giá trị ròng của một hộ chưa đến 150.000 đô-la, và khi trừ đi giá trị nhà ở thì con số này rớt xuống dưới mức 60.000 đô-la. Thế còn người cao tuổi thì sao? Nếu không có sự hỗ trợ của chính sách an sinh xã hội thì phải có đến gần một nửa số người Mỹ trên 65 tuổi lâm vào cảnh đói nghèo, khốn khổ.

Chỉ có rất ít người Mỹ sở hữu những dạng tài sản tài chính phổ biến nhất. 15% số gia đình ở Mỹ có tài khoản ký thác trên thị trường tiền tệ; 22% có biên lai tiền gửi; 4,2% có quỹ thị trường tiền tệ; 3,4% có trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu đô thị; chưa đến 2,5% có cổ phiếu và quỹ tương hỗ; 8,4% có tài sản cho thuê; 18,1% có trái phiếu tiết kiệm; 23% có tài khoản tích lũy từ nguồn thuế thu nhập.

Thế nhưng có đến 65% số gia đình sở hữu nhà riêng và hơn 85% sở hữu ít nhất là một phương tiện đi lại. Xe hơi đang nhanh chóng bị mất giá, còn tài sản tài chính lại có xu hướng lên giá.

Những triệu phú mà chúng tôi đề cập đến trong cuốn sách này đều độc lập về mặt tài chính. Họ có thể duy trì lối sống hiện tại của mình đến lúc chết mà không cần nhận thêm dù chỉ một đồng tiền lương hàng tháng. Đa số họ không phải hậu duệ của các tỉ phú như Rockerfeller hay Vanderbilt. Hơn 80% trong số này chỉ là những người bình thường tự mình tích lũy của cải một cách từ từ, đều đặn, chứ không nhờ ký được một hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đô-la với chính phủ hay trúng số độc đắc, cũng chẳng hề là siêu sao ca nhạc như Mick Jagger của Rolling Stones. Báo chí vẫn rầm rộ đưa tin về những vận may bất ngờ, nhưng thực ra những trường hợp ấy rất hãn hữu. Trong suốt cuộc đời của một người trưởng thành, xác suất trở nên giàu có bằng những cách như thế còn thấp hơn 0,025%, và thật nực cười nếu so với con số 3,5% tỉ lệ hộ gia đình Mỹ có giá trị ròng từ 1 triệu đô-la trở lên.

7  YẾU TỐ

Ai sẽ giàu có? Thông thường đó là doanh nhân chỉ sinh sống tại một thành phố suốt từ khi trưởng thành cho đến lúc về già. Người này sở hữu một nhà máy nho nhỏ, một chuỗi cửa hàng hay một công ty cung cấp dịch vụ. Anh ta đã cưới vợ và tới nay chưa ly hôn. Tài sản của anh ta lớn gấp nhiều lần tài sản của hàng xóm. Anh ta là một người tiết kiệm và một nhà đầu tư kiên định. Và anh ta tự mình kiếm ra tiền. 80% số triệu phú người Mỹ là những người giàu “thế hệ thứ nhất”, tức là những triệu phú tự lập thân.

Người giàu thường tuân thủ một lối sống cho phép họ tích lũy tiền bạc. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã phát hiện ra 7 mẫu số chung của những người làm giàu thành công, đó là:

1. Họ sống thoải mái dưới mức khả năng tài chính dồi dào của mình.

2. Họ phân bổ hiệu quả thời gian, sức lực và tiền bạc bằng những cách hướng đến mục tiêu tích lũy của cải.

3. Họ tin rằng sự độc lập về mặt tài chính quan trọng hơn việc thể hiện địa vị xã hội.

4. Cha mẹ họ không chu cấp tài chính.

5. Những người con đã trưởng thành của họ có khả năng tự túc về tài chính.

6. Họ giỏi nắm bắt những cơ hội trên thị trường.

7. Họ chọn đúng nghề nghiệp.

Và như thế, trong cuốn sách này, các bạn sẽ có dịp tìm hiểu 7 đặc tính này của các triệu phú. Chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ học được cách vận dụng chúng vào trường hợp của mình.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

Chương trình nghiên cứu phục vụ cho việc viết cuốn Bẻ khóa Bí mật Triệu phú là chương trình toàn diện nhất từng được tiến hành từ trước tới nay với đối tượng là những người giàu có ở Mỹ và con đường làm giàu của họ. Phần nhiều trong nghiên cứu này được phát triển từ chương trình khảo sát mới nhất của chúng tôi, và chương trình khảo sát này được phát triển từ những nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt 20 năm qua, bao gồm các cuộc phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm với hơn 500 triệu phú; các cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 11.000 đối tượng có tài sản ròng cao và/hoặc thu nhập cao.

Mỗi người tham gia vào cuộc khảo sát này phải trả lời 249 câu hỏi thuộc nhiều chủ đề, trải rộng từ việc lập hay không ngân sách chi tiêu trong gia đình, cho đến những nỗi lo lắng, sợ hãi về tài chính, từ cách mặc cả khi mua xe hơi cho đến các dạng quà tặng tài chính, hay “những hành động hào phóng” mà người giàu dành cho con cái đã trưởng thành. Có vài phần trong bảng câu hỏi yêu cầu người tham gia phải cho biết số tiền lớn nhất mà họ từng chi cho phương tiện đi lại, đồng hồ đeo tay, trang phục, giày dép, nghỉ dưỡng và những thứ tương tự khác.

Đây chính là chương trình nghiên cứu nhiều tham vọng và toàn diện nhất mà chúng tôi thực hiện. Không có bất cứ nghiên cứu nào khác tập trung vào những yếu tố chủ chốt giải thích cách thức người ta trở nên giàu có bằng chính công sức của mình như thế. Cũng không có nghiên cứu nào làm rõ được tại sao nhiều người, thậm chí phần lớn những người có thu nhập cao, lại không bao giờ tích lũy được dù chỉ chút ít của cải khiêm tốn, như cuộc khảo sát này.

Ngoài những cuộc khảo sát nói trên, một lượng thông tin đáng kể trong cuốn sách này đã được chúng tôi thu thập từ các nghiên cứu khác nữa. Chúng tôi đã dành hàng trăm giờ để thực hiện và phân tích các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với những triệu phú đi lên bằng chính năng lực của mình.

Chúng tôi cũng trò chuyện với nhiều cố vấn của họ như kế toán và các nhà tư vấn chuyên môn khác – những người đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc khám phá những bí ẩn của việc tích lũy của cải.

Và sau toàn bộ công trình nghiên cứu này chúng tôi đã khám phá ra một điều là công cuộc làm giàu chủ yếu đòi hỏi tính kỷ luật, sự hy sinh và lao động chăm chỉ. Bạn có thực sự muốn độc lập về tài chính không? Bạn và gia đình bạn có sẵn sàng định hướng lại lối sống để đạt được mục tiêu đó không? Nhiều người sẽ trả lời “không”. Tuy nhiên, nếu bạn chấp nhận sự đánh đổi cần thiết về thời gian, sức lực và những thói quen tiêu dùng thì ngay từ bây giờ bạn đã có thể bắt đầu làm giàu và vươn đến sự độc lập về tài chính được rồi. Và cuốn sách Bẻ khóa Bí mật Triệu phú sẽ giúp bạn khởi động hành trình này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.