Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú

Chương 5: “CHĂM SÓC KINH TẾ NGOẠI TRÚ”



Khi họ trưởng thành, cha mẹ họ không chu cấp tài chính nữa
Các nhân vật của chúng ta, tạm gọi là ông Lamar và bà Mary, xuất thân trong gia đình giàu có. Hàng năm, Mary được cha mẹ chu cấp hơn 15.000 đô-la. Bà cứ tiếp tục nhận số tiền này cùng với nhiều hình thức giúp đỡ khác cho đến tận bây giờ, dù đã kết hôn với ông Lamar gần ba mươi năm nay.

Giờ đây, hai vợ chồng Mary đã hơn năm mươi tuổi và sống trong ngôi nhà đẹp đẽ ở một khu sang trọng. Họ đều là thành viên các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, đều thích tennis và golf. Cả hai đều lái những chiếc xe xa xỉ, nhập khẩu từ nước ngoài. Cả hai đều mặc quần áo hàng hiệu và giao thiệp với vài tổ chức phi lợi nhuận. Con cái họ đều theo học những trường tư đắt đỏ. Cả hai đều thích những loại rượu hảo hạng, những món sơn hào hải vị, đồ trang sức chất lượng cao, thích giải trí và du lịch nước ngoài. Hàng xóm láng giềng ai cũng nghĩ Lamar và Mary rất giàu. Một số còn chắc như đinh đóng cột rằng tài sản của vợ chồng nhà ấy phải đến mấy chục triệu đô-la.

Nhưng vẻ bề ngoài hoàn toàn có thể đánh lừa bạn. Họ không giàu, tệ hơn là thu nhập của cả hai vợ chồng đều không cao. Mary ở nhà lo việc nội trợ. Lamar làm quản lý ở trường đại học địa phương. Trong suốt ba mươi năm kết hôn, thu nhập hàng năm của hai vợ chồng chưa bao giờ vượt quá 60.000 đô-la, mặc dù lối sống của họ thì chẳng khác gì một gia đình có thu nhập trên 100.000 đô-la.

Chưa bao giờ cả Lamar và Mary cùng nhau lập kế hoạch chi tiêu. Năm nào, họ cũng dùng quá số tiền kiếm được. Họ cũng xài hết cả tiền Mary nhận được từ cha mẹ mình. Nói ngắn gọn, Lamar và Mary có thể sống xa hoa đến thế là vì họ được hưởng cái mà chúng tôi gọi là “chăm sóc kinh tế ngoại trú” (Economic Outpatient Care – EOC) – khái niệm chỉ những món quà có giá trị lớn về kinh tế và những khoản giúp đỡ hào phóng mà một số bậc phụ huynh dành cho con cháu đã trưởng thành của mình.

EOC

Nhiều người cung cấp EOC ngày nay đã chứng minh được kỹ năng tích lũy tài sản xuất sắc từ khi còn trẻ. Nhìn chung, họ rất căn cơ trong chi tiêu và lối sống của bản thân, nhưng lại không truyền lại được điều này cho con cháu. Những bậc phụ huynh này cảm thấy bị thúc ép, thậm chí là có nghĩa vụ phải hỗ trợ tài chính cho con cái cùng gia đình của chúng. Kết quả của sự hào phóng này là họ có tài sản ít hơn đáng kể so với những người cùng độ tuổi, thu nhập và nghề nghiệp nhưng con cái họ độc lập về kinh tế. Nhìn chung, duy trì việc chu cấp vật chất và tiền bạc khi con cháu đã trưởng thành có thể làm giảm khả năng tích lũy tài sản của cả bên cho lẫn bên nhận.

Người cung cấp EOC thường đinh ninh rằng con cái họ không thể duy trì được cuộc sống của tầng lớp trung-thượng lưu nếu không được trợ cấp. Kết quả là ngày càng có nhiều chủ hộ gia đình là con cái của các gia đình giàu có đang nhập vai những kẻ thành đạt của tầng lớp trung-thượng lưu thu nhập cao. Tuy chỉ là cái mã bên ngoài.

Thành phần con nhà giàu này tiêu thụ rất nhiều sản phẩm và dịch vụ đắt tiền. Từ những ngôi nhà xây theo phong cách cổ xưa ở vùng ngoại ô thượng lưu cho đến những chiếc xe nhập khẩu, từ những câu lạc bộ thể thao ngoài trời sang trọng mà họ tham gia cho đến những trường tư mà con cái họ theo học, họ chính là những bằng chứng sống cho một quy luật đơn giản về EOC: Tiêu tiền của người khác bao giờ cũng dễ hơn tiêu tiền do chính mình làm ra.

Tình trạng EOC rất phổ biến ở Mỹ. Hơn 46% số người giàu ở Mỹ chu cấp EOC ít nhất là 150.000 đô-la mỗi năm cho con cháu đã trưởng thành. Gần một nửa số người đã trưởng thành của các gia đình giàu có đang ở độ tuổi dưới 35 năm nào cũng được cha mẹ chu cấp tiền bạc. Tần suất chu cấp có giảm xuống khi những người con nhiều tuổi hơn. Khoảng 1/5 số người ở độ tuổi 45 đến 55 vẫn còn nhận tiền từ cha mẹ. Hãy lưu ý rằng các con số ước tính này dựa trên những chương trình khảo sát được thực hiện với đối tượng là con cái đã trưởng thành của các gia đình giàu có, và rằng những người hưởng EOC này có xu hướng đánh giá thấp cả tần suất lẫn giá trị những món quà mà họ được nhận. Điều thú vị là những người cho EOC thì lại báo cáo tần suất và giá trị tương ứng cao hơn nhiều so với con cái của mình.

Nhiều món quà thuộc dạng EOC được trao hết một lần. Ví dụ, ông bà cha mẹ giàu có tặng con cháu cả bộ sưu tập tiền xu, tem và những món quà tương tự. Khoảng 1/4 bậc phu huynh giàu có đã chọn cách này. Khoảng 45% người giàu chi trả phí y tế/nha khoa của con và/hoặc cháu đã trưởng thành.

Trong mười năm tới, số lượng người giàu ở Mỹ (chỉ tính những người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu trở lên) sẽ tăng nhanh gấp 5 đến 7 lần số hộ gia đình nói chung. Song song đó, người giàu cũng sẽ sinh ra nhiều con cháu hơn đáng kể so với bây giờ. EOC sẽ tăng mạnh. Số lượng danh mục tài sản trị giá từ 1 triệu đô-la trở lên sẽ tăng 246% trong mười năm tới; tổng khối lượng này được định giá trên nhiều nghìn tỉ đô-la. Nhưng cũng gần như chừng ấy tài sản sẽ được phân phát đi trước khi các bậc phụ huynh triệu phú thành người thiên cổ.

Chi phí cho việc chu cấp EOC cũng sẽ tăng lên rất nhiều trong tương lai. Trường tư, xe hơi xa xỉ, nhà cửa ở vùng ngoại ô thời thượng, dịch vụ nha khoa và thẩm mỹ và nhiều khoản EOC khác đang tăng lên với tốc độ vượt xa chỉ số giá sinh hoạt nói chung.

MARY VÀ LAMAR

Làm thế nào mà Mary và Lamar trang trải nổi học phí trường tư cho hai đứa con? Rõ ràng là họ không trả, mà chính cha mẹ của Mary phải làm việc đó. Nhưng điều này không phải là chuyện lạ, bởi có đến 43% triệu phú ở Mỹ đứng ra trả học phí trường tư cho cháu nội, ngoại của mình.

Mới đây chúng tôi đã thảo luận về hình thức EOC này với nhóm khán giả gồm những người bà triệu phú. Chúng tôi cho họ xem kết quả khảo sát nói trên, nhưng không thể hiện thái độ tán thành hay chỉ trích hành vi này. Sau khi trình bày xong, chúng tôi giải đáp thắc mắc. Một người đã nhân cơ hội này đưa ra một tuyên bố như sau:

Tiền của tôi để làm gì chứ? Gia đình con gái tôi đang trải qua giai đoạn khó khăn, tiền kiếm ra chỉ vừa đủ sống.

Các anh có biết mấy cái trường công quanh đây toàn là tệ nạn hay không? Thế nên tôi định gửi cháu tôi đến trường tư đấy.

Chúng tôi thấy rõ là người phụ nữ này không thoải mái cho lắm trong việc chu cấp EOC cho gia đình con gái. Vấn đề thực sự ở đây không phải là trường công trường tư; vấn đề là gia đình con gái bà đang bị phụ thuộc về mặt kinh tế. Ngay từ đầu, chuyện con gái mình lấy phải một người không có khả năng kiếm được nhiều tiền khiến bà khó chịu. Con gái và các cháu của bà có thể sẽ không được sống trong cái môi trường tương xứng với gia đình thuộc tầng lớp trung thượng lưu của bà. Vì thế, bà quyết định cải thiện hoàn cảnh của họ. Bà cho con gái và con rể tiền để mua một ngôi nhà nằm ngoài khả năng chi trả của hai người. Ngôi nhà nằm trong khu thượng lưu, nơi phần lớn cư dân đều gửi con cái đến trường tư. Cách duy nhất để các con bà có thể trụ được ở nơi mức độ tiêu dùng cao như vậy là trông chờ vào những khoản EOC của bà. Nhưng bà đã không nhận ra rằng môi trường đó gây ra nhiều trở ngại hơn là môi trường tự cung tự cấp, ngay cả khi sự tự lập đó đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một lối sống bớt xa hoa hơn.

Mary rất giống con gái của người phụ nữ mà chúng tôi vừa nói ở trên. Cả hai đều nhận được sự “chăm sóc kinh tế ngoại trú”. Trong cả hai trường hợp, người chu cấp đều đặt ra một giả định như nhau là sự “chăm sóc kinh tế ngoại trú” sẽ giúp con cháu vượt qua khó khăn, rồi sau đó sẽ không còn thiếu thốn nữa. Nhưng mẹ của Mary đã sai. Bà ấy đã chu cấp cho Mary rất nhiều loại EOC trong suốt ba mươi năm, khiến gia đình của con bà hoàn toàn bị phụ thuộc về kinh tế.

Lamar cũng được hưởng lợi từ những khoản chu cấp này. Không lâu sau khi hai người kết hôn, Lamar bắt đầu học lấy bằng thạc sĩ. Cha mẹ anh ta trả toàn bộ học phí và các chi phí liên quan. Đây cũng chẳng phải hiện tượng lạ khi có đến 32% triệu phú ở Mỹ chu cấp học phí sau đại học của con em mình.

Đứa con đầu lòng của hai vợ chồng ra đời ít lâu sau khi Lamar bắt đầu chương trình học. Mẹ của Mary không thích căn hộ mà ban đầu hai người thuê gần trường đại học mà Lamar theo học. Bà phái hẳn một đội vệ sinh tới để lau dọn định kỳ. Tuy nhiên, trong tâm trí bà, đó không phải là môi trường lý tưởng cho gia đình cô con gái. Vì thế, bà đã đề nghị giúp hai vợ chồng mua nhà.

Số tiền vài trăm đô-la mỗi tháng Lamar nhận được từ công việc trợ giảng bán thời gian ở trường chỉ giúp gia đình họ vừa đủ sống. Mary thì chỉ nội trợ và không làm gì thêm.

Mẹ của Mary đã thanh toán một phần đáng kể cho ngôi nhà của hai vợ chồng. Gần 59% các bậc cha mẹ triệu phú có con cái trưởng thành thừa nhận với chúng tôi rằng họ đã “hỗ trợ tài chính để con cái mua nhà”. Mẹ của Mary cũng trả luôn khoản tiền vay để mua nhà. Hãy lưu ý rằng 17% số triệu phú mà chúng tôi phỏng vấn trả lời rằng họ cũng có quyết định tương tự. Ban đầu, mẹ của Mary chỉ định giúp hai vợ chồng bằng cách cho vay không lãi suất. Nhưng cuối cùng thì những khoản nợ đó đã chuyển sang dạng thường gặp hơn là khoản vay không hoàn trả, và các đối tượng nhận EOC cũng xem đây là chuyện bình thường. 61% triệu phú Mỹ đã cung cấp những “khoản vay” như vậy cho con cái trưởng thành của mình. Khi Mary và Lamar đổi sang một ngôi nhà đắt tiền hơn, mẹ của Mary lại tiếp tục hỗ trợ tiền mua nhà. Cuối cùng, hai vợ chồng chuyển đến khu mà họ đang sống hiện giờ. Một lần nữa, ngôi nhà lại được mua với phần đóng góp lớn từ người mẹ.

Lamar học hết gần bốn năm và nhận được hai tấm bằng. Hiện giờ, tuy đang là quản trị viên của một trường đại học nhưng khoản tiền lương hàng năm chưa đến 60.000 đôla khiến hai vợ chồng khó mà có được chút của ăn của để. Cộng cả khoản tiền 15.000 đô-la mà mẹ vợ chu cấp mỗi năm, thu nhập của họ vẫn không đủ cao để duy trì lối sống trung thượng lưu của mình.

Thú vị ở chỗ Lamar và Mary không phải trường hợp cá biệt. Khoảng 30% số hộ gia đình ở Mỹ sống trong những căn nhà trị giá 300.000 đô-la nhưng thu nhập hàng năm của cả hộ chỉ tối đa 60.000 đô-la. Theo Mary, với thu nhập của Lamar cộng thêm tiền chu cấp từ mẹ, việc trang trải những nhu cầu cơ bản của gia đình không phải là quá khó khăn. Cái khó ở đây là mua xe hơi. Cả Lamar và Mary đều thích những chiếc xe sang trọng nhập khẩu. Và cứ ba năm họ lại mua xe mới một lần. Là do mẹ của Mary. Khoảng ba năm một lần, bà lại cho con gái chỗ cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình, giống như 17% triệu phú ở Mỹ vẫn hay làm. Một số người nhận được thì giữ cổ phiếu lại, nhưng Mary và Lamar thì không. Họ bán ngay rồi cầm tiền đi mua một chiếc xe mới!

Điều gì sẽ xảy ra với Mary và Lamar khi mẹ của Mary qua đời? Hiển nhiên đây là mối bận tâm lớn của cặp vợ chồng này. Không biết liệu người mẹ sẽ để lại cho họ bao nhiêu tiền, nhưng chúng tôi đoán rằng kể cả được thừa kế một khoản kếch sù thì Mary và Lamar cũng sẽ nhanh chóng tiêu xài hết thôi. Ngay từ giờ họ đã nghĩ đến gia tài từ trên trời rơi xuống ấy rồi. Một ngôi nhà lớn hơn, một ngôi nhà để đi nghỉ mát và một chuyến du lịch khắp thế giới đã ở trong tầm ngắm. Họ đã bỏ qua nguyên tắc nền tảng của việc làm giàu:

Bất kể bạn có bao nhiêu tiền chăng nữa thì hãy luôn sống giản dị hơn khả năng cho phép.

GỐC RỄ VẤN ĐỀ

Đa số những người trưởng thành chỉ ngồi không chờ khoản EOC tiếp theo đều thuộc dạng không kiếm được nhiều tiền. Các khoản tiền trợ cấp thường được dành để tiêu xài và chu cấp cho đời sống cao tới mức phi thực tế. Đây chính xác là điều đã xảy ra với Mary và Lamar, bởi trưng ra cái mẽ đẳng cấp trung-thượng lưu chính là mục tiêu của đời họ.

Phải chăng nói như vậy có nghĩa là tất cả những người con trưởng thành trong gia đình giàu có đều tất yếu sẽ trở thành những Mary và Lamar? Hoàn toàn không phải. Thực ra, theo các số liệu thống kê, cha mẹ càng tích lũy được nhiều tài sản thì con cái trưởng thành của họ càng nhiều khả năng sẽ sống có nguyên tắc hơn về mặt kinh tế. Hãy lưu ý rằng tỷ lệ có con trai hoặc con gái tốt nghiệp trường y của triệu phú Mỹ cao hơn năm lần của một hộ gia đình bình thường. Tỷ lệ có con cái tốt nghiệp trường luật của họ cũng cao hơn bốn lần.

Trả học phí cho con cũng giống như bạn đang dạy con cách câu cá. Thế nhưng mẹ của Mary lại dạy con gái và con rể mình việc khác. Bà dạy họ cách tiêu tiền. Bà dạy họ xem bà như cỗ máy phân phát cá.

Có rất nhiều hình thức “chăm sóc kinh tế ngoại trú”. Một số có tác động tích cực đến khả năng kiếm tiền của người được nhận, bao gồm việc hỗ trợ học phí cho con bạn và, quan trọng hơn, là dành riêng những món quà để giúp con bạn khởi nghiệp hoặc phát triển công việc kinh doanh. Bằng trực giác của mình, nhiều triệu phú tự mình làm giàu biết rõ điều này. Không giống mẹ của Mary, họ thích cho con cái cổ phiếu tư nhân, loại không thể đem bán ngay để mua một chiếc xe hơi nhập ngoại được!

Bên cạnh đó, những khoản EOC được người nhận dành riêng cho chi tiêu và nâng cao đời sống hiện tại gây ra những tác động khó lường. Chúng tôi thấy rằng việc chu cấp những khoản như thế này là nguyên nhân hàng đầu giải thích cho sự thiếu năng lực kiếm tiền ở con cái trưởng thành của các gia đình giàu có. Những món quà “đột xuất” quá thường xuyên thế này luôn tác động đến tinh thần của người nhận, làm thui chột óc sáng tạo và khả năng kiếm tiền của họ. Những món quà đó sẽ tạo thành thói quen, rồi ông bà cha mẹ sẽ phải chu cấp cho con cháu gần như suốt đời.

Câu hỏi kinh điển

Điều quan trọng ở đây là những người nhận EOC không phải thành phần thất học hay vô công rồi nghề như báo chí vẫn hay đưa tin. Thực ra, họ được học hành đầy đủ và đang làm những nghề rất có giá. Mười nghề nghiệp mà con cái trưởng thành của các triệu phú hay chọn lựa là:

1. Điều hành doanh nghiệp

2. Doanh nhân tự doanh

3. Quản lý cấp trung

4. Bác sĩ

5. Kinh doanh/ Quảng cáo/ Marketing

6. Luật sư

7. Kỹ sư/ Kiến trúc sư/ Nhà khoa học

8. Kế toán

9. Giảng viên đại học

10. Giáo viên

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng những người con trưởng thành nhận được EOC rất khác so với những người không nhận. Chúng ta hãy đối chiếu tài sản và thu nhập của nhóm thứ nhất với nhóm thứ hai. Vì độ tuổi có liên quan rất nhiều đến cả tài sản lẫn thu nhập hàng năm của hộ gia đình nên việc đảm bảo sự nhất quán về độ tuổi rất quan trọng khi tiến hành so sánh. Cả việc xem xét sự khác biệt giữa hai nhóm ở từng nhóm nghề nghiệp nói trên cũng rất hữu ích, vì các nhóm nghề nghiệp khác nhau có xu hướng tạo ra thu nhập và giá trị tài sản ròng khác nhau.

Chúng ta hãy xem một khảo sát được thực hiện với đối tượng được nhận EOC và đối tượng không nhận EOC trong độ tuổi từ ngoài 40 đến 55, thuộc mọi hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Trong 8/10 nghề nghiệp thuộc tốp đầu, người nhận EOC có mức giá trị tài sản ròng thấp hơn những người không nhận EOC. Ví dụ, tính bình quân, những chuyên viên kế toán ở độ tuổi xấp xỉ năm mươi vẫn nhận tiền chu cấp từ cha mẹ chỉ có giá trị tài sản bằng 57% tài sản của những chuyên viên kế toán cùng độ tuổi nhưng không được chu cấp. Hơn nữa, thu nhập hàng năm của những chuyên viên kế toán nhận EOC chỉ bằng 78% của những chuyên viên kế toán không nhận EOC.

Hãy lưu ý rằng trong thu nhập hàng năm của những kế toán viên nhận EOC không bao gồm giá trị các khoản EOC đó. Khi những khoản tiền không chịu thuế này được cộng vào thu nhập của họ thì tính bình quân, thu nhập hàng năm của họ bằng 98% những kế toán viên không nhận EOC. Mặc dù vậy, giá trị tài sản ròng của nhóm thứ nhất vẫn chỉ bằng 57% của nhóm thứ hai.

Những kế toán viên nhận EOC không phải là nhóm nghề nghiệp duy nhất có thu nhập và tài sản thấp hơn. Bảy loại nghề nghiệp khác cũng có mức giá trị tài sản ròng thấp hơn nhóm không nhận EOC là luật sư với 62%; nhân viên kinh doanh/quảng cáo/marketing với 63%; doanh nhân tự doanh với 64%; điều hành doanh nghiệp/quản lý cấp cao với 65%; kỹ sư/kiến trúc sư/nhà khoa học với 76%; bác sĩ với 88%; và quản lý cấp trung với 91%.

Chỉ có hai loại nghề nghiệp mà trong đó nhóm nhận EOC có tài sản lớn hơn nhóm không nhận EOC. Mặc dù thu nhập thấp hơn nhóm không nhận EOC nhưng nhóm giáo viên tiểu học/trung học nhận EOC vẫn có giá trị tài sản ròng lớn hơn. Giá trị tài sản ròng của họ bằng 185% nhóm không nhận EOC, nhưng thu nhập chỉ bằng 92%. Giá trị tài sản ròng của nhóm giảng viên đại học nhận EOC bằng 128% của nhóm không nhận EOC, nhưng thu nhập chỉ bằng 88%.

Các bậc phụ huynh triệu phú có thể học được rất nhiều điều từ những giáo viên và giảng viên đại học được nhận EOC. Những người này có khuynh hướng tích lũy tài sản mạnh hơn nhiều so với những người được nhận EOC thuộc tám loại nghề nghiệp khác. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao đa số những người nhận EOC nói chung lại có khuynh hướng tích lũy tài sản yếu hơn những người không nhận EOC.

1. Việc tặng quà thường khiến người nhận tiêu dùng, chứ không tiết kiệm và đầu tư

Ví dụ, các bậc cha mẹ triệu phú thường hỗ trợ con cái mua nhà. Có thể họ làm thế với dự định giúp con “có bước khởi đầu thuận lợi”. Họ đinh ninh rằng những món quà như vậy là chuyện hãn hữu và chỉ có một lần trong đời. Họ lầm tưởng rằng những hỗ trợ về mặt tài chính sẽ giúp con cái sau này “tự đứng vững bằng đôi chân mình”. Nhưng trong phân nửa số trường hợp, họ đã lầm.

Những đứa con nhận EOC của cha mẹ thường không có được mức thu nhập như kỳ vọng. Mà tốc độ tăng thu nhập dựa vào những món quà thường xuyên đó cũng không bắt kịp mức độ tiêu dùng của họ. Hãy nhớ rằng những ngôi nhà đắt tiền thường tọa lạc ở những nơi khu dân cư có mức tiêu dùng cao, nơi đòi hỏi nhiều thứ xa xỉ để tô điểm cho cuộc sống. Để hòa hợp với bối cảnh nơi này, người ta phải ăn mặc, bài trí sân vườn, bảo dưỡng nhà cửa, sắm sửa xe cộ, nội thất… sao cho phù hợp với xung quanh.

Do đó, một khoản hỗ trợ mua nhà, cho dù là một phần hay toàn bộ, cũng có thể đặt người nhận tiền vào vòng quay tiêu dùng và tiếp tục phụ thuộc vào người cho tiền. Nhưng thường thì đa số hàng xóm của người nhận tiền lại không nhận bất kỳ khoản chu cấp nào từ cha mẹ họ. Họ hài lòng và tự tin vào cách sống của mình hơn những người nhận EOC. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người nhận EOC trở nên nhạy cảm với nhu cầu cần được rót thêm EOC. Định hướng của họ có thể thay đổi rất nhanh, từ một người phấn đấu tự kiếm tiền thành một người suốt ngày trông chờ các khoản chu cấp. Và họ gần như không thể nào tích lũy được tài sản.

EOC dưới dạng tiền mặt không phải là hình thức duy nhất làm nảy sinh nhu cầu tiêu dùng. Ví dụ như trường hợp của hai vợ chồng triệu phú đã tặng anh con trai Bill cùng con dâu Helen một tấm thảm trị giá tới 9.000 đô-la mà chúng tôi nghe nói là được kết từ hàng triệu nút thắt bằng tay. Bill là một kỹ sư dân sự làm việc cho chính quyền bang. Anh ta kiếm được chưa tới 55.000 đô-la một năm. Cha mẹ anh ta cảm thấy có trách nhiệm phải giúp con trai mình duy trì mức sống và “phẩm giá” sao cho tương xứng với người đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng. Tất nhiên, tấm thảm xa hoa ấy tỏ ra lạc loài trong căn phòng chất đầy những món nội thất mua lại và chùm đèn rẻ tiền. Thế nên Bill và Helen cảm thấy phải mua thêm nội thất nhà bếp bằng loại gỗ đắt tiền, một bộ đèn chùm pha lê, bát đĩa bằng bạc và những chiếc đèn trang trí sang trọng. Thế là, tấm thảm 9.000 đô-la mà cha mẹ tặng đã khiến vợ chồng Bill tiêu thêm một món tiền gần bằng giá trị món quà cho “những món đồ triệu phú” khác.

Một thời gian sau, Bill lại nói với mẹ mình rằng hệ thống trường công trong khu vực không còn tốt như hồi anh ta học tiểu học nữa. Mẹ anh ta đáp rằng bà sẽ trả một phần học phí trường tư cho hai đứa con Bill. Tất nhiên, Bill và Helen có toàn quyền quyết định xem có nên cho con theo học ở trường tư hay không. Mẹ của Bill sẽ trả 2/3 học phí; hai vợ chồng trả phần còn lại. Trong trường hợp này, khoản chu cấp 12.000 đô-la rốt cuộc lại làm Bill và Helen tốn mất 6.000 đô-la mỗi năm.

Hơn thế nữa, Bill và Helen chưa lường trước những chi phí phát sinh của việc gửi con cái đến trường tư. Ví dụ, ngoài tiền học phí, trường thường xuyên yêu cầu gia đình đóng góp thêm. Họ cũng cảm thấy mình phải mua một chiếc xe bảy chỗ để tham gia những chuyến dã ngoại bằng xe hơi của trường. Con cái họ giờ đây được tiếp xúc với bạn bè cũng như các phụ huynh có xu hướng tiêu dùng cao hơn nhiều so với những người ở trường công. Hè này chúng muốn được đi du lịch châu Âu. Một phần lý do xuất phát từ môi trường giáo dục và quá trình xã hội hóa của chúng. Những người nhận EOC có nhiều khả năng gửi con đến trường tư hơn những người không nhận EOC. (Mặc dù về tổng thể thì số học sinh ở trường tư là con em những người không nhận EOC lại nhiều hơn, lý do là vì số người không nhận EOC đông hơn nhiều so với số người nhận EOC).

2. Nhìn chung, người nhận EOC không bao giờ thực sự tách bạch giữa tài sản của mình và tài sản của cha mẹ mình

Có lẽ Tony Montage, nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp, đã diễn đạt ý này tốt hơn cả:

Những người nhận tiền chu cấp, những đứa con trưởng thành của các triệu phú, cảm thấy rằng tài sản và vốn liếng của cha mẹ cũng chính là thu nhập của mình… khoản thu nhập để họ tiêu xài.

Một trong những lý do chính khiến những người nhận EOC nghĩ mình dư dả là bởi vì họ nhận được những khoản chu cấp từ cha mẹ. Và người nghĩ mình dư dả về tài chính sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều, bất chấp việc họ có thu nhập chỉ bằng 91% và tài sản chỉ bằng 81% những người không nhận EOC.

Chúng ta hãy xem xét sự việc từ góc nhìn của một người nhận EOC. Trong suốt những năm tháng trưởng thành, William nhận được khoản chu cấp không phải nộp thuế hàng năm là 10.000 đô-la từ cha mẹ. William năm nay đã 48 tuổi. 10.000 đô-la thu nhập không phải đóng thuế này có thể được xem như lợi nhuận của một khoản vốn trị giá bao nhiêu? Giả sử lợi nhuận là 8%. Như vậy khoản vốn đó sẽ là 125.000 đô-la. Giờ hãy cộng số tiền này vào giá trị tài sản ròng của anh ta. Kết quả là số tiền mà William nghĩ rằng mình đang có nhiều hơn 125.000 đô-la so với số tiền anh ta thực có.

Ngày càng có nhiều người trưởng thành không được dạy về giá trị của việc độc lập về mặt cảm xúc và kinh tế như cha mẹ của họ. Làm sao để các phụ huynh biết được đứa con trai đã trưởng thành của mình có độc lập hay không? Họ có thể áp dụng “Hiệu ứng Montage” để kiểm chứng.

Sau bữa tối của lễ Tạ ơn ở nhà cha mẹ, anh James đã nói chuyện với hai người. Cha mẹ James nói họ đã quyết định hiến tặng trường đại học tư nhân của địa phương vài phần đất ffai thương mại “của gia đình họ”. Cha anh nói: “Cha biết con sẽ hiểu rằng trường đại học này sẽ thu được nhiều lợi ích từ một món quà như vậy”. Và James giãy nảy lên, nhất định không đồng ý.

Phản ứng của James không phải là khó đoán. Anh ta chưa bao giờ ngừng nhận tiền trợ cấp từ cha mẹ suốt khoảng thời gian qua, dù đã trưởng thành. Anh ta cần một khoản tiền đều đặn hàng năm tương đương với khoảng 20% thu nhập của mình để trang trải các khoản chi phí. Anh ta xem cái ý tưởng hiến đất cho trường đại học là mối đe dọa đối với nguồn thu nhập tương lai của mình.

Giống như nhiều người nhận EOC khác, James coi mình là người tự lập. Thực tế thì khoảng 2/3 số con cái trưởng thành đều đặn nhận được khoản EOC đáng kể từ cha mẹ luôn tự phong mình là thành viên câu lạc bộ “Tôi-tự-mình-làm- được-đấy”. Chúng tôi rất ngạc nghiên khi trong các buổi phỏng vấn, những người này thản nhiên khẳng định rằng: “Từng đồng đô-la chúng tôi có đều do chúng tôi tự kiếm ra”.

3. Người nhận EOC phụ thuộc vào thẻ tín dụng hơn so với người không nhận EOC

Những người đều đặn được cha mẹ cho tiền hoặc những thứ tương tự thường rất lạc quan về tình hình kinh tế của mình. Trạng thái lạc quan này liên quan mật thiết với nhu cầu tiêu tiền của họ. Nhưng phần lớn số tiền này họ lại không sẵn trong tay, mà nó là khoản EOC của ngày mai. Và họ đã phản ứng bằng cách sử dụng những chiếc xe mua chịu để xoa dịu những vấn đề về dòng tiền của mình, đồng thời có xu hướng sống trong sự giả định rằng một ngày nào đó mình sẽ được thừa kế một khoản kếch sù – không như những người không nhận được EOC, vốn ít trông chờ “món quà” này.

Măc dù tổng thu nhập hàng năm của hộ gia đình chỉ bằng 91% và tổng giá trị tài sản ròng chỉ bằng 81% so với nhóm không nhận EOC, nhưng những người nhận EOC lại có xu hướng vay mượn cao hơn đáng kể. Khoản vay này được dùng cho mục đích tiêu dùng chứ không phải đầu tư. Ngược lại, những người không nhận EOC lại vay mượn để đầu tư nhiều hơn. Mặt khác, trong gần như tất cả những loại sản phẩm dịch vụ tín dụng có thể hình dung ra được, những người nhận EOC thực hóa tổng thu nhập của họ nhiều hơn người không nhận EOC. Điều này được áp dụng cho cả tần suất sử dụng tín dụng lẫn số tiền thực tế phải trả cho lãi suất dư nợ. Nó cũng áp dụng cho cả những khoản vay cá nhân và phần chưa thanh toán của số tiền nợ trên thẻ tín dụng. Người nhận EOC và không nhận EOC không khác nhau nhiều trong cách sử dụng dịch vụ cho vay mua nhà hoặc trong cách phân bổ tiền cho những mục đích như vậy. Tuy nhiên, thành phần được cho tiền mua nhà cũng chiếm tỷ lệ khá cao trong nhóm những người nhận EOC.

4. Người nhận EOC đầu tư ít hơn nhiều so với người không nhận EOC

Kết quả khảo sát cho thấy mỗi năm, những người nhận EOC đầu tư ít hơn 65% so với những người không nhận EOC. Đây là con số ước tính hết sức dè dặt vì cũng như nhiều người lạm dụng tín dụng khác, những người nhận EOC thường phóng đại số tiền mình đầu tư. Ví dụ, họ thường quên cộng thêm những khoản mua tín dụng lớn khi tính toán tổng chi tiêu thực tế và thói quen đầu tư.

Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ. Các giáo viên và giảng viên đại học nhận EOC vẫn duy trì được nếp sống tiết kiệm ngang với các đồng nghiệp không nhận EOC, thậm chí còn tiết kiệm hơn. Khả năng họ tiết kiệm và đầu tư khoản tiền nhận được từ cha mẹ của họ cao hơn nhiều so với những người nhận EOC trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác.

Như chúng tôi đã nói, những người nhận EOC thuộc diện khách hàng “siêu tiêu dùng” và có khuynh hướng vay nợ. Mức sống của họ cao hơn nhiều so với mức bình quân của những người khác có thu nhập tương đương. Nhưng người ta thường nghĩ một cách sai lầm rằng những người nhận EOC chỉ quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của mình. Điều này không đúng. Bình quân, người nhận EOC quyên góp từ thiện nhiều hơn đáng kể so với những người khác có cùng thu nhập. Ví dụ, những người nhận EOC có thu nhập hàng năm của hộ gia đình là 100.000 đô-la thường quyên góp 6% trong số đó cho các mục đích từ thiện, trong khi mức bình quân của tất cả những hộ gia đình có cùng thu nhập chỉ là khoảng 3%. Con số 6% tương đương với mức quyên góp từ thiện bình quân của những hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 200.000 đô-la đến 400.000 đô-la.

Nhưng cho dù hào phóng hay không thì những người nhận EOC cũng tiêu dùng nhiều hơn, vì thế họ có ít tiền để đầu tư hơn. Một người có ít tiền hoặc không có tiền đầu tư nhưng giỏi nắm bắt cơ hội đầu tư sẽ thu được nhiều lợi ích. Đây chính là trường hợp mà một giảng viên trẻ chuyên ngành kinh doanh mới đây đã gặp phải.

Anh, một người nhận EOC, được yêu cầu dạy một khóa về đầu tư trong một chương trình liên thông. Thính giả của anh là những người có học vấn và thu nhập cao. Anh trình bày về rất nhiều chủ đề khác nhau, từ nguồn thông tin đầu tư đến cách thức định giá cổ phiếu chào bán của nhiều tập đoàn cổ phần hóa. Thính giả hết lời khen ngợi. Trong lĩnh vực chuyên môn của mình, anh được đào tạo rất tốt. Anh có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính. Tuy nhiên, khi khóa học gần kết thúc, một thính giả đã hỏi anh một câu đơn giản:

– Tiến sĩ E., tôi có thể hỏi về danh mục đầu tư cá nhân của ông được không? Ông đầu tư vào những gì?

Câu trả lời của anh khiến gần như cả lớp ngã ngửa:

– Hiện tại, tôi không đầu tư gì nhiều. Tôi quá bận với việc trả nốt hai khoản vay mua nhà, một khoản vay mua xe hơi, tiền học phí…

Về sau, một thành viên trong lớp đó nói với chúng tôi:

– Chẳng khác gì mấy gã viết sách về những chiêu thức thu hút phụ nữ. Hóa ra anh ta chẳng quen được cô nào trông ưa nhìn một tí.

Bạn có thể thắc mắc tại sao các cố vấn tài chính của những người nhận EOC tích lũy tài sản kém lại không nhấn mạnh vào sự tiết kiệm. Vì trong hầu hết các trường hợp, phạm vi tập trung của cố vấn đầu tư rất hạn hẹp. Họ bán các dự án đầu tư và đưa ra lời khuyên đầu tư. Họ không dạy khách hàng sống tiết kiệm và dự trù ngân sách. Nhiều người thấy bối rối khi nói với khách hàng rằng lối sống của ông ta quá xa hoa.

Công bằng mà nói, nhiều người có thu nhập cao cũng như cố vấn tài chính của họ không hề biết một người ở độ tuổi nhất định và kiếm được mức thu nhập nhất định thì nên có bao nhiêu tài sản. Thêm vào đó, các cố vấn tài chính thường không biết rằng mỗi năm khách hàng của họ nhận được những khoản chu cấp đáng kể từ cha mẹ. Dựa vào báo cáo thu nhập của khách hàng, họ chỉ có thể đưa ra lời khuyên như sau:

“Chà, ông Bill ạ, ở tuổi bốn mươi tư và kiếm được 70.000 đô-la một năm thế này thì ông đang làm khá tốt đấy. Bằng chứng là ông có một ngôi nhà xinh xắn, du thuyền, mấy chiếc xe hơi nhập khẩu, các khoản quyên góp từ thiện, và thậm chí là danh mục đầu tư của ông nữa”.

Nhưng chắc người cố vấn sẽ không cảm thấy thế nữa nếu Bill nói cho anh ta biết về khoản trợ cấp không phải đóng thuế 20.000 đô-la mà ông ta nhận được hàng năm từ cha mẹ mình!

Điều quan trọng ở đây là phải nhấn mạnh vào một vấn đề xuất hiện xuyên suốt cuốn sách. Không phải tất cả con cái trưởng thành của các triệu phú đều là UAW. Thường chỉ có người nào được cha mẹ cho thật nhiều tiền để duy trì mức sống cao mới trở thành UAW. Nhưng vẫn có nhiều người khác có cha mẹ là triệu phú nhưng lại trở thành PAW. Ta có thể thấy điều này ở những bậc phụ huynh sống tiết kiệm, nề nếp và truyền lại những phẩm chất này, cùng với sự độc lập, cho con cái họ.

Tuy nhiên, báo chí đại chúng lại thường vẽ ra một bức tranh khác hẳn. Họ rất hay chờ chực những câu chuyện kiểu Abe Lincoln(*). Họ bi kịch hóa hoàn cảnh xuất thân và một người có thể từ tầng lớp lao động gặt hái được thành công. Họ đưa ra các bằng chứng mang hơi hướng giai thoại rằng quá trình tôi luyện trong nghèo khó là điều kiện tiên quyết để trở thành một triệu phú ở Mỹ. Nếu điều đó đúng thì chắc ngày nay nước Mỹ phải có ít nhất 35 triệu hộ gia đình triệu phú rồi. Nhưng chúng ta biết con số thực chỉ bằng khoảng 1/10 con số giả tưởng đó thôi. Và hầu hết các triệu phú là con cái của những người không phải triệu phú – luận điểm này có lý, bởi số người không phải triệu phú cao gấp 30 lần số triệu phú.

HÃY DẠY CON BẠN CÁCH CÂU CÁ

Khi chúng tôi giảng về mối quan hệ giữa EOC và những thành tựu về mặt kinh tế, nhiều thính giả đã có chung một câu hỏi: “Nếu không nên cho tiền thì hình thức chu cấp nào có lợi hơn?”. Họ rất háo hức muốn biết làm thế nào để nâng cao năng lực kinh tế của con em mình. Ở đây, một lần nữa chúng tôi lại nhắc họ rằng dạy con biết sống tiết kiệm mới là điều tối quan trọng. Bằng không, những đứa trẻ sẽ lớn lên thành những người lớn “siêu tiêu dùng”, suốt những năm tháng tuổi trẻ cho tới tận lúc trung niên, chúng vẫn không biết tự câu cá mà lúc nào cũng cần nguồn cung cấp cá.

Bạn có thể chuyển giao cho con cái những gì để giúp chúng trở thành những người lớn có khả năng kiếm được nhiều tiền? Bạn có thể cho chúng cái gì?

Người giàu luôn đánh giá rất cao giá trị của một nền giáo dục chất lượng. Chúng tôi đã hỏi các triệu phú rằng họ có đồng ý với tuyên bố sau đây hay không:

Những gì học được ở trường hầu như không giúp ích gì cho tôi trong việc bươn chải kiếm sống ngoài đời thực.

Kết quả như sau:

– 14% đồng ý;

– 6% không có ý kiến;

– 80% còn lại không đồng ý.

Đó chính là lý do các triệu phú dành rất nhiều nguồn lực cho việc học hành của con em mình. Và khoản chu cấp từ cha mẹ mà các triệu phú thường nhắc đến nhất chính là học phí!

Tỷ lệ triệu phú đề cập đến những hình thức chu cấp khác nhỏ hơn nhiều. Khoảng 1/3 nhận được sự hỗ trợ tài chính khi mua ngôi nhà đầu tiên; khoảng 1/5 nhận được một khoản vay không tính lãi trong suốt cuộc đời; chỉ có 3/5 là từng được bố mẹ cho tiền để thanh toán cho các khoản vay thế chấp.

Vậy để sau này khi trưởng thành, con cái bạn có nhiều khả năng thành công về mặt kinh tế hơn thì ngoài việc cho con cái đi học, bạn hãy tạo nên một môi trường đề cao những suy nghĩ và hành động độc lập, trân trọng những thành tích cá nhân, cũng như tưởng thưởng cho tinh thần trách nhiệm và khả năng lãnh dạo. Vâng, những thứ tuyệt vời nhất trên đời này lại thường miễn phí. Hãy dạy con bạn tự đứng trên đôi chân mình. Cách này ít tốn kém về mặt tài chính mà về lâu dài, nó lại mang đến những lợi ích tốt nhất cho cả con cái lẫn cha mẹ.

Có vô số ví dụ về mối quan hệ nghịch đảo giữa khả năng thành công về kinh tế và sự hiện diện của các khoản EOC lớn. Những dữ liệu riêng mà chúng tôi thu thập được trong suốt hai mươi năm qua liên tục xác nhận kết luận này. Ngoài học phí đại học ra, hơn 2/3 số triệu phú ở Mỹ không nhận thêm bất kỳ khoản chu cấp nào từ cha mẹ nữa. Mà phần lớn trong số này có cha mẹ là triệu phú.

Chỉ làm con cái đã yếu càng thêm yếu

Đa số các triệu phú có ít nhất là hai đứa con. Thông thường, đứa con kiếm được nhiều tiền nhất sẽ nhận được phần tài sản nhỏ nhất từ cha mẹ, còn đứa con kiếm được ít tiền nhất thì được nhận cả EOC lẫn phần tài sản lớn nhất.

Giờ hãy thử tưởng tượng bạn là một ông bố, một bà mẹ triệu phú. Bạn thấy rằng đứa con lớn nhất của mình ngay từ nhỏ đã tỏ ra độc lập, luôn cố gắng đạt được thành tích tốt và rất có nề nếp kỷ luật. Theo bản năng, bạn sẽ nuôi dưỡng những phẩm chất này bằng cách không cố kiểm soát các quyết định của con. Thay vào đó, bạn dành nhiều thời gian để giúp một đứa con khác kém lanh lợi hơn trong những quyết định của nó, thậm chí bạn quyết định thay con luôn. Và kết quả là bạn giúp đứa mạnh càng thêm mạnh và làm đứa yếu ngày càng yếu hơn.

Sản phẩm của EOC

Điều gì xảy ra khi “những đứa trẻ yếu ớt” trưởng thành? Chúng thường thiếu tính sáng tạo. Đa số trường hợp, chúng không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng lại có khuynh hướng tiêu xài rất mạnh. Đó là lý do vì sao chúng cần đến những khoản trợ cấp kinh tế để duy trì mức sống mà chúng đã quen được hưởng khi còn ở nhà cha mẹ. Một lần nữa, chúng tôi nhắc lại rằng:

Những đứa con trưởng thành càng được cho nhiều tiền thì càng tích lũy được rất ít, trong khi những người được cho ít hơn lại tích lũy được nhiều hơn.

Mối tương quan này đã được chứng minh bằng các số liệu thống kê. Tuy vậy, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ rằng tài sản của họ có thể tự động biến con cái thành những người tự chủ về kinh tế. Họ đã nhầm. Sự nề nếp, tính kỷ luật cũng như đầu óc sáng tạo không thể mua được bằng tiền như xe cộ hay quần áo.

Ví dụ dưới đây sẽ minh họa cho quan điểm của chúng tôi.

Một cặp vợ chồng giàu có nhất quyết đem đến cho con gái họ, cô BPF, mọi lợi thế có thể. Khi cô BPF tỏ ý muốn mở công ty riêng, cha mẹ cô đã bỏ tiền ra để giúp cô, bởi họ không muốn cô phải vay nợ hay gặp bất cứ khó khăn tài chính nào. Cô BPF không phải đóng góp gì cả. Không chỉ có thế, cha mẹ cô còn tiếp tục cấp vốn cho việc kinh doanh của cô, hỗ trợ luôn cả tiền sinh hoạt. Công ty đem về cho cô BPF 50.000 đô-la mỗi năm, còn cha mẹ cô vẫn chu cấp thêm gần 60.000 đô-la dưới dạng tiền mặt và các dạng khác.

Kết quả của “môi trường lý tưởng” này là giờ đây, cô BPF đã gần bốn mươi tuổi nhưng vẫn sống trong nhà của cha mẹ, và cha mẹ cô vẫn rót tiền cho công ty của cô với niềm tin rằng một ngày nào đó, cô BPF sẽ thực sự độc lập.

Về vấn đề này, chúng tôi không được lạc quan như cha mẹ của cô, bởi lẽ những doanh nhân thành công nhất không giống như cô BPF.

Mua một chiếc xe giá 45.000 đô-la mà không cần thương lượng giá cả hoặc các điều khoản.

Chi 5.000 đô-la cho một chiếc đồng hồ đeo tay, 2.000 đô-la cho một bộ quần áo và 600 đô-la cho một đôi giày.

Trả hơn 7.000 đô-la lãi suất dư nợ trên thẻ tín dụng.

Trả hơn 10.000 đô-la các loại phí tham gia những câu lạc bộ thể thao ngoài trời ở địa phương.

Liệu có bao nhiêu người đang ở giai đoạn khởi nghiệp mà đạt được những gì cô BPF đạt được chỉ trong một năm? Hầu như chẳng mấy ai làm được.

Công ty của cô BPF cũng không hẳn là thành công khi liên tục nhận những khoản trợ cấp lớn từ cha mẹ cô, một cách trực tiếp và gián tiếp. Những điều kiện lý tưởng mà họ tạo ra cho cô chính là bước khởi đầu để cô tiêu xài mạnh tay cho các sản phẩm xa xỉ. Cô cũng không mấy tâm huyết với công ty mình.

Xét về lý thì cô BPF chẳng có mấy nỗi lo, bởi cô có khoản chu cấp hào phóng từ cha mẹ, ấy vậy mà lúc nào cô cũng nơm nớp sợ hãi. Cô cho chúng tôi biết, cô có đến 12 nỗi sợ lớn. Và đây là vài nỗi sợ điển hình của cô BPF:

Tài sản của cha mẹ bị đánh thuế nặng nề;

Phải cắt giảm đáng kể trong mức sống;

Công ty lụn bại;

Không đủ tài sản tích lũy để an tâm nghỉ hưu;

Bị anh em ruột ganh ghét vì được cha mẹ hỗ trợ tài chính nhiều hơn.

Như vậy, cha mẹ cô BPF đã không đạt được mục tiêu là để con gái họ “không bao giờ phải lo nghĩ”. Phương pháp mà họ áp dụng đã cho ra kết quả ngược lại. Người ta thường cố che chắn để con mình khỏi đối mặt với những khó khăn kinh tế, nhưng thái độ bảo bọc đó lại thường tạo nên những con người luôn bất an về tương lai.

Kết quả của việc không nhận EOC

Chữ ký của bạn đáng giá bao nhiêu? Điều này tùy thuộc vào cách nó được sử dụng. Một chữ ký đã giúp Paul Orfalea thành lập công ty mang biệt danh của ông – Kinko’s.

Orfalea gây dựng cơ nghiệp từ 5.000 đô-la vay của cha vào năm 1969, giờ đây doanh thu hàng năm của Kinko’s đã đạt hơn 600 triệu đô-la. Nhưng hẳn sẽ không có thành công đó nếu cha mẹ của Orfalea tạo ra cho con trai “môi trường lý tưởng” giống của cô BPF. Và ông ấy sẽ khó mà thành công được như hôm nay.

Ông Orfalea có một thứ mà tất cả các chủ doanh nghiệp thành công đều có: dũng cảm chấp nhận rủi ro tài chính. Nhưng cô BPF thì hầu như không phải đối diện với rủi ro nào.

Từ điển Webster’s định nghĩa sự dũng cảm là “sức mạnh trí óc hoặc tinh thần để đương đầu với nghịch cảnh, mối nguy hiểm hoặc thử thách cam go”. Lòng dũng cảm là thứ có thể phấn đấu để có. Nhưng nó không thể được nuôi dưỡng trong một môi trường triệt tiêu mọi rủi ro, mọi khó khăn, mọi nguy hiểm. Vì không có sự dũng cảm đó nên cô BPF không dám rời nhà cha mẹ, mở rộng kinh doanh và từ chối những khoản EOC lớn hơn.

Để làm việc trong một môi trường thưởng phạt theo năng suất cũng cần sự dũng cảm. Đa số những người giàu đều dũng cảm. Bằng chứng là phần lớn triệu phú ở Mỹ đều là doanh nhân tự doanh hoặc người làm nghề tự do được trả tiền dựa trên một cơ sở mang tính thúc đẩy. Hãy nhớ rằng cho dù cha mẹ họ giàu có hay không thì hầu hết các triệu phú ở Mỹ đều làm giàu bằng chính sức lực của mình. Họ dũng cảm nắm bắt cơ hội làm ăn, mà các cơ hội kinh doanh thì luôn có rủi ro đi kèm.

Một trong những doanh nhân vĩ đại nhất, đồng thời là nhân viên kinh doanh xuất sắc phi thường của mọi thời đại, Ray Kroc, cũng tìm kiếm lòng dũng cảm đó khi tuyển chọn các chủ nhân và giám đốc điều hành tiềm năng cho chuỗi nhà hàng nhượng quyền McDonald’s. Kroc chào đón tất cả những nhân viên bán hàng qua điện thoại vì không dễ gì tìm được những người có đủ dũng cảm để chịu sự đánh giá nghiêm khắc dựa trên hiệu quả làm việc. Kroc tiếp xúc với Betti Agate lần đầu tiên khi cô gọi điện không hẹn trước cho những người làm việc trong khu tài chính ở Chicago. Thư ký của Kroc hỏi: “Vì cớ gì một người Do Thái lại đi bán Kinh thánh của người Công giáo chứ?”, và nhận được câu trả lời: “Kiếm sống”. Kroc giải thích rằng bất cứ ai đủ dũng cảm để làm cái việc mà Betti Agate đang làm đều là ứng cử viên sáng giá để mua một trong những cửa hàng nhượng quyền của mình. Và ông bán nhà hàng nhượng quyền đầu tiên ngoài phạm vi California cho Betti Agate với mức giá 950 đô-la.

Trong đời mình, cô BPF đã thực hiện bao nhiêu cuộc gọi không hẹn trước kiểu như vậy? Không cuộc nào. Hầu hết những người mua sản phẩm của cô đều là bạn bè hoặc bạn làm ăn của cha mẹ và họ hàng. Liên hệ với những người này thì cầm chắc phần thắng rồi.

Các bậc phụ huynh thường hỏi chúng tôi cách để khơi dậy lòng dũng cảm trong con em họ. Chúng tôi khuyên họ nên để những chàng trai cô gái ấy được tiếp xúc với nghề bán hàng. Hãy khuyến khích con bạn tranh cử vào ban cán sự lớp khi chúng học tiểu học hoặc trung học. Chúng sẽ phải tự quảng cáo bản thân mình trước toàn thể bạn bè. Đi làm nhân viên bán lẻ cũng là một cách để chúng nhận được những đánh giá hết sức khách quan.

Và như chúng ta thường nhất trí với nhau, đối với những người thành công về mặt kinh tế thì vẻ ngoài ít quan trọng hơn rất nhiều so với sự dũng cảm, tính kỷ luật và ý chí quyết tâm của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.