Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú

Chương 6: HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC



Con cái đã trưởng thành của họ đều tự lập về kinh tế

Đa số các bậc phụ huynh triệu phú có con cái đã trưởng thành đều muốn giảm quy mô tài sản của mình trước lúc qua đời. Hiển nhiên đây là một quyết định hợp lý, bởi không làm vậy thì theo chính sách thuế của Mỹ, con cái họ sẽ phải trả khoản thuế di sản rất lớn. Quyết định chia sẻ tài sản với con cái thì dễ rồi, nhưng quyết định chia như thế nào mới khó.

Các triệu phú có con nhỏ luôn tin rằng việc phân chia tài sản không phải là vấn đề to tát và chỉ việc chia một cách công bằng. Ví dụ, nếu có bốn đứa con, họ sẽ “phân chia đồng đều cho cả bốn đứa, mỗi đứa 25%”.

Tuy nhiên, công thức này sẽ trở nên phức tạp khi con cái trưởng thành. Vậy thì các triệu phú hãy lưu ý tới những phát hiện quan trọng mà chương trình nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra sau đây:

Cha mẹ có con gái trưởng thành nhưng không đi làm và con trai trưởng thành thất nghiệp “tạm thời” có khuynh hướng sẽ chu cấp rất nhiều EOC cho những đứa con này. Chúng cũng gần như chắc chắn sẽ nhận được phần tài sản thừa kế lớn hơn so với những đứa con khác.

Những đứa con thành công về mặt kinh tế có khả năng sẽ nhận được mức EOC thấp hơn và phần tài sản thừa kế nhỏ hơn.

Nhiều người trong số con cái có khả năng làm ra nhiều tiền không hề nhận một xu nào từ tài sản của cha mẹ. Tuy nhiên, đó lại chính là một trong những lý do khiến họ trở nên giàu có!

NGƯỜI NỘI TRỢ A HAY B?

Đa phần sự chênh lệch trong giá trị các khoản chu cấp dành cho từng người con có thể được giải thích bằng loại hình nghề nghiệp, địa vị kinh tế xã hội và giới tính của người con đó. Chúng tôi thấy rằng trong các nhóm nghề nghiệp chính thì những người ở nhà nội trợ có khả năng cao nhất trong việc được nhận tài sản thừa kế cũng như những khoản chu cấp tài chính định kỳ từ cha mẹ, đôi khi cao hơn gấp ba lần mức bình quân. Họ luôn đứng đầu danh sách cả về quy mô khoản thừa kế lẫn tỷ lệ được thừa kế tài sản từ cha mẹ.

Chúng tôi đã nhận diện được hai loại con gái triệu phú ở nhà làm nội trợ, nhưng lại khác nhau rõ rệt – chúng tôi gọi họ là A và B. Cả hai đều được hưởng lợi ở những mức độ khác nhau từ “tình yêu thương” của cha mẹ. Đây cũng là xu hướng chung khi các bậc phụ huynh tin rằng khi con gái làm nội trợ thì phải “có vốn giắt lưng”, hay phụ nữ là người chịu thiệt thòi về mặt kinh tế, và các cậu con rể khó có đủ khả năng chu cấp cho con gái và các cháu ngoại của họ. Nhưng người nội trợ A rất khác với người nội trợ B.

A có xu hướng kết hôn với đàn ông thành đạt, có thu nhập cao. Họ có xu hướng “cầm trịch” trong việc chăm sóc cha mẹ đã già, đôi khi đau yếu của mình. Những khoản chu cấp và thừa kế mà họ có xu hướng nhận được một phần cũng là để bù đắp cho những công việc này – những công việc mà các anh chị em bận đi làm của họ thường né tránh. Người nội trợ A có trình độ học vấn cao và có xu hướng là người thực thi hoặc đồng thực thi di chúc của cha mẹ. Họ cũng có khả năng lãnh đạo và thường tình nguyện tham gia nhiều tổ chức giáo dục và từ thiện ở địa phương.

A thường được cha mẹ xem như ngang hàng và là bạn tâm giao, chứ không phải người thế vai. Người khác đánh giá họ là những nhà lãnh đạo, cố vấn sáng suốt và thường xuyên hỏi ý kiến họ về các vấn đề gia đình quan trọng như tài sản, kế hoạch nghỉ hưu, việc bán một công ty gia đình và việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ chuyên môn. Là người am hiểu luật thuế di sản, A thường khuyến khích cha mẹ cho con cái quà cáp, tiền bạc để giảm bớt quy mô tài sản của mình, thông qua đó tối thiểu hóa thuế di sản phải đóng. Người nội trợ A nhận được những khoản trợ cấp đáng kể trong giai đoạn đầu và giữa cuộc đời, thường là kể từ khi họ kết hôn. Về sau, những khoản chu cấp đó đi kèm với việc mua một ngôi nhà và trong một số trường hợp là việc mua một bất động sản đầu tư.

Sự hiện diện của người nội trợ A giúp ích rất nhiều cho cha mẹ và các anh chị em đã trưởng thành trong gia đình, bởi họ thường gánh vác trọng trách to lớn là chăm sóc nhu cầu tình cảm và sức khỏe của cha mẹ.

Ngược lại, người nội trợ loại B lại được xem như “những đứa trẻ to xác” cần được chu cấp về kinh tế, thậm chí cả về phương diện tình cảm. Họ có xu hướng lệ thuộc vào người khác và ít có khả năng lãnh dạo, dẫn dắt trong bất cứ lĩnh vực nào. B có xu hướng kết hôn với người có thu nhập không cao. Trình độ học vấn của họ thường không bằng A. Cha mẹ của người nội trợ loại B thường hỗ trợ thu nhập cho gia đình của con gái để giúp gia đình đó duy trì mức sống trung lưu tối thiểu. Người nội trợ loại B có xu hướng sống gần cha mẹ và thường cùng mẹ đi mua sắm. Không có gì lạ khi một bà nội trợ loại B ở độ tuổi trung niên lại xin tiền cha mẹ để mua quần áo. Cha mẹ của người nội trợ loại B cũng chăm lo cho họ thông qua việc thiết lập những khoản dự phòng dành cho họ trong di chúc. Họ được chu cấp tài chính và hưởng thừa kế vì cha mẹ họ tin rằng họ thực sự cần số tiền đó.

Cha mẹ của người nội trợ loại B có xu hướng ngần ngại không muốn cho con gái họ những khoản tiền lớn vì cho rằng con gái và con rể có thể là những người quản lý tiền bạc tồi. Do đó, tiền chu cấp cho người nội trợ loại B thường dựa trên nhu cầu nhất thời của họ, chẳng hạn như khi chồng của cô ta đang chờ tìm việc mới hoặc khi cô sinh con. Tiền chu cấp được rót sớm hơn nếu có khủng hoảng và thường dưới nhiều dạng khác nhau, từ các khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho đến các khoản hoàn lại tiền mua quần áo và học phí. Mặc dù vậy, người nội trợ loại B còn được nhận một phần tài sản lớn của cha mẹ dưới dạng thừa kế. Thông thường, di chúc của cha mẹ họ sẽ bao gồm những chỉ dẫn đặc biệt liên quan đến kế hoạch phân chia tài sản và quỹ hỗ trợ giáo dục cho con cái của người nội trợ loại B. Gia đình của người nội trợ B cũng ít khi đạt được sự độc lập về tài chính.

Cũng không có gì lạ khi chồng của một người nội trợ loại B làm việc cho công ty của cha mẹ vợ. Trong một số trường hợp, anh ta sẽ được hưởng một số lợi ích trội hơn, lại không phải cạnh tranh với thị trường lao động bên ngoài. Nói cách khác, làm việc cho công ty của cha mẹ vợ thì người con rể sẽ kiếm được nhiều hơn so với khi làm việc nơi khác. Trong trường hợp người con rể làm ở nơi khác, anh ta cũng thường làm thêm, làm bán thời gian với mức lương cao ngất ngưởng, hoặc làm những công việc lặt vặt, không thường xuyên cho cha mẹ vợ.

Trong khi đó, những người con gái đi làm toàn thời gian ít khả năng được nhận tiền chu cấp và tài sản thừa kế hơn các chị em gái không đi làm của họ. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, các cô gái vẫn có nhiều khả năng được nhận tiền chu cấp và tài sản thừa kế hơn các anh em trai thành đạt. Lý do là vì các bậc cha mẹ cảm thấy rằng phụ nữ, dù công ăn việc làm có ổn định và thành công đến đâu thì luôn phải có tài khoản riêng. “Để phòng ngày mưa bão”, – họ giải thích như vậy.

ƯU TIÊN PHỤ NỮ

Các bậc cha mẹ triệu phú hiểu rằng ở Mỹ, cơ hội kiếm được thu nhập cao của nam giới và nữ giới rất khác nhau, và họ có xu hướng lên kế hoạch về kinh tế riêng cho con cái. Chúng ta cùng xem những thực tế sau.

Phụ nữ chiếm 46% tổng số người lao động ở Mỹ nhưng chỉ chiếm chưa đến 20% số người có thu nhập hàng năm từ 100.000 đô-la trở lên. Số nam giới đạt được mức thu nhập tương đương vẫn cao gấp năm lần nữ giới.

Tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp các trường chuyên ngành đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, bằng cấp chuyên môn cao không đồng nghĩa với thu nhập cao. Một chương trình điều tra dân số gần đây cho biết: “Khoảng cách về thu nhập vẫn còn tồn tại rõ rệt ngay cả với số người có bằng cấp chuyên môn”. Thu nhập của phụ nữ công tác ở những nghề nghiệp mang tính chuyên môn chỉ bằng 49,2% mức của nam giới.

Trong 20 nghề nghiệp có thu nhập cao nhất, tính bình quân, phụ nữ đều kiếm được ít hơn đáng kể so với giới mày râu, trung bình chỉ bằng 52% thu nhập của nam giới.

Đại đa số các phụ nữ không đi làm có thu nhập hàng năm từ 100.000 đô-la trở lên là do được thừa kế tài sản hoặc nhận được trợ cấp tài chính đáng kể từ cha mẹ, ông bà cũng như từ chồng mình. Nguồn thu nhập của họ thường là lãi suất, cổ tức, lợi nhuận vốn, thu nhập thuần từ việc cho thuê và những nguồn tương tự khác.

Phụ nữ sở hữu gần 1/3 tổng số công ty nhỏ ở Mỹ. Tuy nhiên, khoảng 2/3 trong số những công ty này có doanh thu hàng năm dưới 50.000 đô-la.

Khả năng phụ nữ rời bỏ chỗ làm cao hơn gấp bốn lần so với nam giới.

Những con số khách quan trên đã cho thấy khá rõ vấn đề. Ở Mỹ, phụ nữ ở thế bất lợi trong việc kiếm được thu nhập cao. Một phần sự chênh lệch trong thu nhập có thể được lý giải bằng những định kiến trong thị trường kinh tế. Nhưng chỉ mình định kiến thì không thể nào giải thích đầy đủ thực tế rằng trong tốp 1% phân phối thu nhập, cứ năm nam thì mới có một nữ. Có thể nguyên nhân của sự bất bình đẳng tồn tại dai dẳng này xuất phát từ xu hướng trợ cấp cho con gái của các bậc cha mẹ triệu phú.

Con gái của những người giàu có xu hướng không tự gây dựng sự nghiệp riêng cho mình. Trong nhiều thập kỷ qua, những hộ gia đình triệu phú luôn được xây dựng theo mô hình sau đây: Hơn 80% gồm có một cặp vợ chồng và con cái, trong đó người vợ không đi làm toàn thời gian. Thông điệp mà con gái họ nhận được qua thực tế này là: “Mẹ không làm việc mà bố mẹ vẫn sống với nhau, thế nên chắc là mình cũng không nên đi làm”. Thật khó phản bác được một kết luận hợp lý như vậy. Thực tế thì mô hình này hoạt động rất tốt ở các gia đình giàu có truyền thống. Tỷ lệ ly dị của những cặp vợ chồng giàu có cũng thấp hơn nhiều so với mức bình quân.

Mô hình “cha đi làm, mẹ nội trợ” thường được con cái của những cặp vợ chồng này sao chép nguyên xi, cả con trai lẫn con gái. Với con gái, nhiều bậc phụ huynh triệu phú thực sự khuyến khích con không đi làm, không phải gây dựng sự nghiệp riêng, cũng như không cần độc lập cả về kinh tế lẫn tâm lý. Qua thời gian, với những sự việc mơ hồ rất khó nhận biết, họ đã truyền cho con gái mình cái đặc tính “phụ thuộc” qua những thông điệp kiểu như:

Đừng lo! Nếu con không muốn có sự nghiệp riêng thì con không phải lo lắng gì về tiền bạc. Cha mẹ sẽ giúp đỡ con về mặt tài chính.

Nếu con không có sự nghiệp, nếu con gặt hái được một thành công to lớn nào đó và trở nên độc lập, con sẽ không nhận được bất kỳ món tiền đáng kể hoặc phần tài sản thừa kế nào từ cha mẹ nữa.

Nhiều phụ huynh cho rằng chẳng có gì sai khi chu cấp cho con cái đã trưởng thành. Điều này đúng, tuy nhiên chỉ trong trường hợp người nhận vốn đã có lối sống kỷ luật và chứng minh được rằng mình có thể tự lo liệu cuộc sống tươm tất mà không cần tiền của người khác. Ví dụ, việc nhận tiền chu cấp sẽ có tác động như thế nào đến con cái khi mà họ đã tự rèn luyện bản thân rất tốt và xuất sắc trong lĩnh vực mình chọn? Có lẽ tác động sẽ không đáng kể, bởi họ đã đủ chín chắn, mạnh mẽ để xử lý vấn đề tiền bạc, dù của bản thân hay của bất cứ ai.

Những đứa con trưởng thành thất nghiệp

Giống những bà nội trợ loại B, những người con trưởng thành thất nghiệp nhiều khả năng được cha mẹ chu cấp hơn các anh chị em đi làm. Thật ra, những phát hiện về tần suất cũng như giá trị khoản chu cấp mà nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận có xu hướng thấp hơn thực tế, vì khoảng 1/4 số con trai (từ 25 đến 35 tuổi) vẫn ở với cha mẹ, và một số thậm chí còn không biết như thế cũng là một dạng hưởng trợ cấp. Nhân đây cũng xin tiết lộ rằng khả năng con trai trưởng thành ở nhà cha mẹ cao gấp đôi so với con gái trưởng thành.

Thông thường một người con trưởng thành thuộc loại này rất gần gũi cha mẹ cả về kinh tế lẫn tình cảm. Nhiều khả năng anh ta cũng sống gần họ, có thể là ngay cuối phố hoặc thậm chí cùng nhà. Không có gì lạ khi anh ta cư xử như một gã sai vặt hay trợ lý của gia đình, nhất là khi anh ta thất nghiệp.

Người con trưởng thành thất nghiệp thường được nhận khoản chu cấp đầu tiên khi anh ta bộc lộ những dấu hiệu không đủ khả năng duy trì hoặc không quan tâm đến việc duy trì một công việc toàn thời gian. Một số anh chàng nhận được tiền chu cấp kha khá sẽ dọn về nhà sống sau khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học. Những người khác thì được cho những món tiền lớn để trả tiền nhà ở, thực phẩm, quần áo, học phí và chi phí đi lại, thậm chí cả phí chăm sóc y tế và tiền bảo hiểm. Nhiều khoản chu cấp chính là khoản dôi ra từ quỹ tiết kiệm dành để chi trả học phí. Khi những người con trưởng thành quyết định không tiếp tục học lên nữa thì họ sẽ nghiễm nhiên được sử dụng khoản tiền đó, và khoản tiền này thường được họ dùng vào việc duy trì một lối sống thoải mái.

Tình trạng thất nghiệp trong những giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành có liên quan đến tình trạng thất nghiệp ở những giai đoạn sau này. Nhiều con trai và con gái thất nghiệp ở độ tuổi trung niên vẫn trực tiếp nhận chu cấp bằng tiền mặt từ cha mẹ, thông thường là hàng năm. Hơn thế nữa, tần suất thất nghiệp thường gắn liền với những khoản chu cấp lớn hơn và thường xuyên hơn. Những người con trưởng thành này có khả năng được chia tài sản thừa kế dưới dạng bất động sản cá nhân nhiều hơn các anh chị em có nghề nghiệp ổn định của họ.

TRƯỚC VÀ SAU KHI BẠN QUA ĐỜI

Trong một cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã yêu cầu được gặp 8 đến 10 triệu phú cho một cuộc phỏng vấn kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Tất cả đều là PAW và có tài sản ròng tối thiểu là 3 triệu đô-la. Chúng tôi cũng yêu cầu độ tuổi của các triệu phú là từ 65 trở lên. Mỗi người tham gia sẽ nhận được 200 đô-la.

Hai ngày trước cuộc phỏng vấn, 9 triệu phú đã được mời. Nhưng sáng hôm phỏng vấn, chúng tôi được báo rằng một trong số họ không thể tham gia và thay vào đó là một triệu phú 62 tuổi. Ông ấy là chủ doanh nghiệp có thu nhập cao, nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong định nghĩa của chúng tôi về PAW. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chấp nhận. Một quyết định hết sức ngẫu nhiên!

Người thay thế là ông Andrews, và ông không hề biết rằng những người tham gia khác đều là triệu phú. Có lẽ vì thế nên ông vô cùng hăng hái trong việc khoe khoang sự thịnh vượng tài chính của mình. Trên thực tế, tuy có thu nhập cao nhưng giá trị tài sản ròng của ông Andrews lại tương đối nhỏ. Vẻ ngoài và hành động của ông ta mô phỏng rõ hình ảnh một UAW điển hình. Mỗi cổ tay của ông là một cái lắc vàng, có một cái đồng hồ nạm kim cương trông có vẻ đắt tiền cùng vài chiếc nhẫn. Khi bắt đầu kể về mình với cả nhóm, ông Andrews tỏ ra hết sức tự tin. Nhưng sau ba tiếng đồng hồ nói chuyện với 8 người khôn ngoan hơn mình, thái độ của ông đã thay đổi. Xem ra trong quá trình phỏng vấn, sự tự tin của ông đã sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi tin rằng ngày hôm đó, ông Andrews đã rút ra vài bài học quan trọng về việc lập kế hoạch tài chính và sự phân phối tài sản giữa các thế hệ.

Ông Andrews nói với chúng tôi rằng ông đã giàu có và đã đạt được những mục tiêu tài chính của mình. Nhưng khi được hỏi, ông lại không thể trình bày rành mạch những mục tiêu đó. Một phần quan trọng trong kế hoạch của ông là có thu nhập cao. Ông luôn giả định rằng “đa số những phần còn lại” trong kế hoạch tài chính của ông “rồi sẽ đâu vào đấy”. Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều UAW như ông Andrews. Dù chúng tôi có hỏi như thế nào về mục tiêu tài chính của họ đi chăng nữa thì câu trả lời của họ vẫn nằm trong dự đoán:

“Các ông có biết chỗ tôi sống có bao nhiêu người nổi tiếng không?

Tôi kiếm được rất nhiều tiền.

Cách nhà tôi hai căn là nhà của một ngôi sao nhạc Rock.

Con gái tôi kết hôn với một anh chàng có thu nhập rất cao.”

Những thứ mà các UAW như ông Andrews thường nhấn mạnh khi nói về bản thân mình là thu nhập, thói quen tiêu dùng, và những món đồ cao cấp của họ. Còn các PAW thì nói về những thành tích họ đạt được trong cuộc sống, như một học bổng từ khi còn đi học hay cách họ gây dựng sự nghiệp. Bạn sẽ nhận thấy rằng ông Andrews, một UAW, có định hướng tài chính khác xa so với 8 PAW còn lại trong cuộc phỏng vấn nhóm trọng điểm của chúng tôi.

Vài thành viên lớn tuổi hơn thường trình bày hết sức chi tiết, chi tiết đến mức bất thường, về những kinh nghiệm của họ. Chúng tôi không nghĩ là họ sẽ dễ dàng chia sẻ những thông tin này đến vậy. Tất cả là “nhờ” những lời khoe khoang đầu buổi của ông Andrews. Quan điểm của UAW này quá khác biệt với những triệu phú có mặt trong buổi phỏng vấn, và điều đó đã khơi mào cho cuộc thảo luận. Và kết quả là các PAW đã đưa ra nhiều lời khuyên quý giá về những vấn đề như chu cấp cho con cái, vai trò và cách chọn người thực hiện di chúc, mâu thuẫn giữa những người thừa kế, niềm tin, ưu nhược điểm của việc “kiểm soát con cháu từ trong nấm mộ”.

Chúng tôi bắt đầu buổi phỏng vấn bằng câu hỏi:

“Trước hết, các ngài có thể nói đôi chút về bản thân được không?”.

Tất cả 9 thành viên tham gia giới thiệu tóm tắt về mình. Phần giới thiệu nhìn chung đều như sau:

“Tôi là Martin, đã kết hôn được hơn 40 năm. Vợ chồng tôi có 3 đứa con: một là bác sĩ, một là luật sư, đứa còn lại hiện đang điều hành một doanh nghiệp. Các con tôi đều đã kết hôn và sinh cho vợ chồng tôi 7 đứa cháu. Tôi vừa bán công ty của mình. Giờ, tôi tích cực tham gia một số tổ chức tôn giáo và hai tổ chức giúp đỡ các bạn trẻ mới khởi nghiệp”.

Cả 9 người đều đang sở hữu và quản lý công việc kinh doanh của riêng mình, hoặc vừa nghỉ hưu sau khi bán công ty. Tất cả đều ở độ tuổi từ trên dưới 65 đến gần 80, ngoại trừ ông Andrews 62 tuổi. Sau khi tự giới thiệu, họ bắt đầu thảo luận về các mục tiêu tài chính của mình. Người đầu tiên lên tiếng là ông Andrews:

“Tôi dấn thân vào thương trường vì chính mình. Khi tôi thức dậy, mỗi ngày đều là một thách thức. Tôi lên kế hoạch và làm việc theo kế hoạch đã định. Đó chính là lý do khiến công ty tôi rất thành công.”

Ông Andrews nói về việc chu cấp cho con cái và cách phân chia tài sản trong tương lai:

“Tôi có một đứa con rể làm bác sĩ, một đứa khác là luật sư. Chúng đều giàu có, thu nhập cao. Cả hai đều chịu mức thuế suất cao nhất và không cần tiền của tôi.

Nhưng vợ chúng, các con gái của tôi thì cần. Hai đứa là những chuyên gia tiêu tiền. Tất nhiên, tôi đã làm hư chúng, và giờ tôi đang trả giá cho điều đó. Chúng gọi điện đòi tôi trả tiền mua đàn piano cho lũ trẻ và thế là tôi mua. Xe đạp và những bữa tiệc sinh nhật, tôi trả hết. Tôi thích cho chúng tiền.

Các con gái tôi là người thụ hưởng tất cả các gói bảo hiểm của tôi, thừa đủ để trả toàn bộ thuế di sản của tôi và các chi phí khác. Chúng sẽ được hưởng phần tiền còn lại.

Tôi không quan tâm đến việc chúng sử dụng tiền của tôi như thế nào sau khi tôi qua đời. Giữ lại hay mua sắm linh tinh cũng được, tôi chỉ muốn chúng hạnh phúc”.

“Hạnh phúc” đối với ông Andrews nghĩa là có đủ tiền để tiêu. Và niềm tự hào của ông là hai con gái cưới được hai chàng rể có thu nhập cao. Ông cứ nhắc lại chuyện này suốt.

Ngồi kế ông Andrews là ông Russell, một quý ông giàu có, mới về hưu sau khi đã bán công ty sản xuất của mình. Ngay sau khi ông Andrews thừa nhận đã làm hư các con của mình, ông Russell nhoài người tới trước và nói:

“Tôi có 3 đứa con gái, cả ba đều có sự nghiệp riêng, đều đang đi làm, và rất hạnh phúc. Ba đứa chúng nó đều sống xa vợ chồng tôi. Chúng có nhà riêng, và tôi không phải lo gì cho tương lai của chúng cả. Bản thân chúng hẳn cũng vậy. Bố con tôi không thảo luận về chuyện đó. Nhưng sau khi tôi qua đời, phần tài sản tôi để lại sẽ rất nhiều, tôi đảm bảo đó sẽ là một món tiền rất lớn”.

Một người khác, ông Joseph, gật đầu và nói:

“Vợ chồng tôi có 2 đứa con gái, một là phó chủ tịch của một tập đoàn lớn, còn một là nhà khoa học. Chúng tôi rất tự hào về chúng. Chúng rồi sẽ được thừa kế rất nhiều tiền. Nhưng cả gia đình tôi không dành nhiều thời gian để nghĩ về vấn đề tài sản của tôi”.

Cả ông Russell và ông Joseph cùng đưa ra công thức đúng đắn:

Nếu bạn giàu có và muốn con mình hạnh phúc, độc lập khi trưởng thành, bạn phải hạn chế tối đa những cuộc thảo luận và hành động dẫn đến việc tiếp nhận và sử dụng đồng tiền không phải do mình làm ra.

Sau những lời trên, một trong số các thành viên khác của nhóm hỏi ông Andrews về việc chuyển nhượng công ty của ông. Quan điểm ông đưa ra đã nhận được nhiều lời bình luận từ các thành viên lớn tuổi hơn. Ông Andrews nói:

“Toàn bộ tiền mà tôi đã kiếm được trong công ty đều dành cho hai con gái và các con của chúng. Tôi không cần tiền. Bọn trẻ có thể sử dụng nó. Tôi cho chúng mức tối đa có thể được trong phạm vi pháp luật cho phép”.

Còn với quyền sở hữu công ty của mình:

“Tôi đã thỏa thuận với con trai cả của mình. Tôi yêu cầu nó trả X đô-la mỗi năm và cuối cùng nó sẽ có toàn quyền sở hữu công ty”.

Vài người lớn tuổi hơn đã đặt câu hỏi về kế hoạch này, vì rõ ràng là nó ngấm ngầm gây ra bất đồng giữa những đứa con. Công ty của ông Andrews hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và phân phối, vậy nên giá trị của nó chẳng đáng là bao trừ khi nó tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa nhà Andrews. Nói cách khác, nếu con trai của ông Andrews, anh Billy, không tiếp nhận điều hành hoạt động của công ty thì việc bán đi công ty sẽ chẳng thu về bao nhiêu tiền. Một người hỏi:

“Nếu ông rao bán nó ngay hôm nay, liệu giá bán công ty có thể đạt mức khả quan không?”.

Ông Andrews thú nhận là không. Nhưng ông vẫn yêu cầu con trai mình, một thành phần chủ chốt, mua lại công ty mà không cho anh ta luôn. Hãy nhớ rằng ông Andrews cho các con gái toàn bộ lợi nhuận của công ty. Ông cũng dự định sẽ cho họ số tiền ông thu được từ việc bán công ty, tức số tiền mà Billy phải trả góp để giành quyền sở hữu. Hơn nữa, các con gái của ông Andrews đã và đang nhận được những khoản chu cấp rất lớn từ cha mình, nhưng Billy thì không. Theo cha anh ước tính thì anh không cần trợ cấp. Thu nhập của anh đã rất cao rồi. Chỉ các con gái ông là không có khả năng tự duy trì lối sống xa hoa của mình thôi, còn hai anh con rể sẽ không bao giờ kiếm được đủ tiền để chu cấp cho những thói quen tiêu dùng cao của “hai cô con gái rượu”. Ông cũng nói thêm:

“Không bao giờ tin tưởng tuyệt đối vào con rể của mình, bởi khả năng ly hôn luôn luôn tồn tại”.

Về việc chu cấp cho các con gái trong tương lai, sau khi ông Andrews qua đời, sẽ do Billy đảm nhiệm. Tiền để thanh toán các khoản hàng năm này sẽ được rút từ lợi nhuận “công ty của Billy”.

Thực chất, Bill sẽ bị yêu cầu phải chu cấp rất nhiều cho lối sống của hai em gái. Ông Andrews cảm thấy “khá chắc chắn” rằng Billy sẽ thực hiện những mong muốn của mình. Có lẽ anh sẽ làm vậy. Nhưng bạn sẽ phản ứng thế nào trước kế hoạch này, nếu bạn là vợ Billy? Chồng bạn đang phải trả tiền cho tất cả những thứ quần áo đắt tiền, xe cộ xa xỉ, những kỳ nghỉ và các thứ tương tự khác. Đa số các bà vợ đều cảm thấy từ thiện bắt đầu ngay từ gia đình. Hãy lưu ý rằng họ thường là người khởi xướng các cuộc tranh cãi gia đình liên quan đến sự bất công trong việc phân chia tài sản.

Những thành viên tham gia phỏng vấn khác không trực tiếp chỉ trích kế hoạch của ông Andrews. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, người ta sẽ thấy mỗi lúc một rõ ràng hơn rằng các thành viên khác xếp Kế hoạch Andrews vào mức yếu kém.

Một thành viên lớn tuổi đã đưa ra tình huống có liên quan sau đây:

“Một anh con trai ngày càng mất kiên nhẫn với cha mình. Người con muốn tiếp quản công ty của cha nhưng lại không muốn đợi tới khi cha qua đời. Thế là anh mở công ty riêng và trở thành đối thủ cạnh tranh với công ty của cha”.

Ông Andrews nhanh chóng phản pháo:

“Con trai tôi đã ký hợp đồng không cạnh tranh với tôi. Mọi thứ trong gia đình đều phải dựa trên lòng tin.”

Sau đó, ông Harvey ngỏ ý muốn phát biểu. Ông là thành viên cao tuổi nhất và giàu có nhất trong nhóm. Ông lưu ý tầm quan trọng của việc khuyến khích sự hòa thuận giữa các đối tượng được thừa kế tài sản. Và, theo ông, việc lựa chọn một (hoặc nhiều) người thực thi di chúc có tính chất quyết định trong vấn đề này. Ông Harvey đã từng là người thực thi hoặc đồng thực thi của một số di chúc. Ông hiểu rất rõ rằng làm một người thực thi di chúc là nhiệm vụ khó khăn, và thường có sự thù hằn giữa những người thực thi di chúc và đối tượng được hưởng thừa kế. Vì lý do này, ông đã hết sức thận trọng khi chọn người thực thi di chúc của mình:

“Tôi có hai đứa con. Chúng rất thân thiết với nhau, chúng có thể tự thỏa thuận về tài sản của tôi. Nhưng chúng sẽ làm điều đó cùng với luật sư của tôi. Hai đứa và luật sư riêng của tôi sẽ là những người thực thi di chúc. Tôi muốn có mặt luật sư để đảm bảo sự công bằng. Mọi người cũng biết khi dính dáng đến tiền bạc thì chuyện gì có thể xảy ra rồi đấy. Tôi muốn duy trì các mối quan hệ tốt đẹp, nhưng các mối quan hệ tốt đẹp có thể xấu đi vào phút chót nếu không có sự hiện diện của một chuyên gia giàu kinh nghiệm.”

Ông Andrews hỏi:

“Ông thực sự định chọn người ngoài làm người thực thi di chúc sao?”

Để đáp lại, 7 trong số 9 thành viên tham gia phỏng vấn đều tuyên bố rằng ngoài một thành viên trong gia đình, cần có ít nhất là một người ngoài giữ vai trò thực thi di chúc của họ. Ông Ring, một doanh nhân đã về hưu và có 9 đứa cháu nội ngoại, là một trong bảy người đó. Ông Ring đã từng là người thực thi của một số di chúc. Ông biết có những trường hợp người thừa kế gia tài của ông bà ngoại là những người gần 30, 40 tuổi nhưng đã hư hỏng. Họ không hề được rèn giũa, không có nề nếp kỷ luật, hay tham vọng để chu cấp cho lối sống xa hoa mà họ vốn đã được cung phụng. Vài người trong đám cháu đã trưởng thành này vẫn còn sống cùng cha mẹ. Tất cả đều nhận tiền chu cấp từ ông bà. Nhưng, như ông Ring giải thích, một khi “tiền bạc cạn kiệt thì vấn đề sẽ nảy sinh”. Khi ông bà qua đời, đám cháu và cha mẹ của chúng trở thành kẻ thù của nhau. Mỗi thế hệ đều cảm thấy mình nên nhận được phần tài sản lớn hơn mới phải.

Những kinh nghiệm này đã tác động sâu sắc đến ông Ring và ông nhận ra rằng nên chọn những người chuyên nghiệp vào vị trí đồng thực thi di chúc. Từ đó, trong nhiều năm trời, ông đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với một luật sư chuyên vấn di chúc và một chuyên viên kế toán thuế xuất sắc. Ông Ring tham vấn họ trước khi nghỉ hưu, vì ông hiểu rằng một ngày nào đó, hai chuyên gia này sẽ thay mặt ông để ngăn chặn, hay ít nhất cũng hạn chế, khả năng đám con cháu tranh giành tài sản của ông để lại. Trong suốt nhiều năm, ông cũng nhờ họ tư vấn cách để “cho tiền mà không làm hư người nhận tiền”. Giờ đây, ông Ring vẫn chu cấp cho các cháu, nhưng không phải dưới dạng vật chất hay những đặc quyền xã hội. Và ông không bao giờ cho đi mà chưa được sự đồng ý kèm theo lời chúc phúc từ cha mẹ của đứa cháu.

“Các tài khoản tín thác dành cho các cháu đang được kiểm soát. Tiền chỉ được phân chia khi nào từng đứa cháu đạt được một mức độ trưởng thành nhất định. Tôi không rành về việc này lắm, thế nên tôi lắng nghe luật sư và chuyên viên thuế của mình. Tôi không muốn từ dưới mộ vẫn còn cố kiểm soát chúng; nhưng theo cái cách mà các tài khoản tín thác được thiết lập thì các cháu tôi sẽ phải làm việc”.

Những người thừa kế tài sản của ông Ring sẽ không nhận được xu nào cho tới khi họ ba mươi tuổi. Trong khi một số ông bà triệu phú cho con cháu quà cáp và đặc quyền đặc lợi thì gia đình ông Ring lại cho chúng học vấn. Những món quà như vậy nhằm mục đích củng cố lối sống nền nếp kỷ luật, độc lập và nỗ lực vươn lên.

Người tiếp theo lên tiếng là ông Graham. Ông kể kinh nghiệm mình có được từ việc làm người đồng thực thi di chúc trước kia, và điều đó đã giúp ông chọn được những người thực thi cho di chúc của chính mình.

“Anh phải có sự đánh giá của riêng mình. Anh phải có sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn. Trước đây, tôi là người thực thi di chúc của một khối tài sản rất lớn. Tôi có toàn quyền làm theo ý mình, mọi quyết định đều không cần phải đợi sự đồng ý của ai.

Khi người con gái 23 tuổi đã sẵn sàng kết hôn, tôi biết cha cô ấy muốn cô ấy có một lễ cưới thật đẹp. Thế là chúng tôi dành cho cô gái một lễ cưới đúng như ông ấy luôn mong muốn.

Sau khi cô ấy kết hôn và bắt đầu cuộc sống gia đình, tôi vẫn chưa chắc chắn lắm về độ chín chắn của cô ấy. Vậy nên tôi chỉ chuyển cho cô đủ tiền để mua một căn nhà xinh xắn. Sau này, khi đã tin tưởng rằng cô có thể tự chăm sóc cho mình, tôi mới đồng ý chuyển toàn bộ phần còn lại trong tài khoản tín thác cho cô”.

Cô gái nhận được phần thừa kế còn lại ngay trước ngày sinh nhật thứ ba mươi của mình, khi ông Graham đánh giá cô đã có đủ năng lực để quản lý tài sản được thừa kế. Cô đã chứng tỏ sự trưởng thành qua cuộc hôn nhân êm ả và trong sự nghiệp riêng của mình.

Khi chọn người thực thi di chúc của mình, ông Graham chọn một luật sư, đồng thời cũng là bạn cũ của ông. Ông nhận ra rằng “sẽ tốt hơn cho bọn trẻ nếu nổi điên với một vị trọng tài, thay vì nổi điên lên với nhau”.

Ông Ward cũng từng là người thực thi di chúc. Ông chọn hai luật sư, chứ không chọn các con trai và con gái. Một trong hai luật sư là cháu họ ông; người còn lại là hội viên của một công ty luật hàng đầu nước Mỹ. Ông Ward giải thích sự lựa chọn của mình:

“Tôi chọn các luật sư trẻ hơn vì cảm thấy ở độ tuổi đó, họ sẽ dễ dàng nắm bắt nhu cầu của những người thừa kế tài sản của tôi hơn. Cả hai luật sư đều hết sức chính trực và có khả năng thấu hiểu, và cả hai biết rõ về nhau trên phương diện nghề nghiệp”.

Ngoài khả năng thấu hiểu, sự cảm thông, tính chính trực, còn một vài đặc điểm khác cũng rất quan trọng đối với ông Ward:

“Luật sư soạn thảo di chúc của tôi là người tôi chọn làm người đồng thực thi di chúc cùng cậu cháu họ. Tôi cảm thấy nếu có bất đồng giữa các con trai và con rể thì cậu ấy là người thích hợp để làm trọng tài. Đó là lý do tôi chọn cậu ấy. Cậu ấy là bạn tôi đã lâu và là một doanh nhân thành đạt”.

Những ý kiến của ông Ward cũng ăn khớp với nhiều phát hiện trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi. Thứ nhất, phần lớn các PAW đều có mối quan hệ thân thiết lâu dài với một số chuyên gia chủ chốt, chẳng hạn như các luật sư và kế toán viên giỏi nghề. Thứ hai, nhiều PAW như ông Ward có bà con hoặc bạn thân có thể cố vấn cho họ về di chúc, tài khoản tín thác, bất động sản và việc chu cấp. Thực ra, nếu mọi yếu tố khác như nhau thì một tài sản có xu hướng bị đánh thuế ít hơn nếu người thừa kế, thường là con trai và con gái của người quá cố, là luật sư chuyên về di chúc. Các con trai và con gái là luật sư hành động như những cố vấn luật pháp chính thức và không chính thức, đồng thời là người định hướng quan điểm cho cha mẹ của mình. Họ có ảnh hưởng đáng kể đến mọi khía cạnh của kế hoạch lập di chúc, bao gồm việc lựa chọn luật sư chuyên vấn di chúc, các điều khoản trong di chúc, sự chuyển nhượng cuối cùng của các tài sản gia đình, việc lựa chọn người thực thi di chúc, việc sử dụng các dịch vụ tín thác, tần suất và quy mô khoản chu cấp tài chính dành cho con và cháu.

“Luật sư họ hàng” thường cố vấn cho các bậc phụ huynh triệu phú của họ cách để tối thiểu hóa thuế di sản thông qua việc chu cấp hàng năm cho con và cháu. Do vậy, nếu phụ huynh triệu phú có con là luật sư thì khả năng tất cả con cái trong gia đình đều nhận được những khoản chu cấp cao. Và kết quả là những người con này được thừa kế ít hơn mức bình quân của tất cả con cái triệu phú, vì phần lớn tài sản của cha mẹ họ đã được phân chia cho người con là luật sư và các anh chị em trước khi cha mẹ qua đời.

Điều mà cả 8 thành viên tham gia phỏng vấn giàu kinh nghiệm này đang cố nói với ông Andrews là gì?

Thứ nhất là di chúc của ông rất phức tạp với nhiều điều khoản chủ quan. Chính ông cũng biết rằng kế hoạch lập di chúc của mình gồm vô số những lời hứa bằng miệng và thỏa thuận bằng tiền bạc. Ông Andrews cần có sự cố vấn của chuyên gia trong việc xử lý những thỏa thuận rối rắm này. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu ông cân nhắc việc chọn một luật sư chuyên vấn di chúc hay một trọng tài làm người đồng thực thi di chúc của mình.

Mặt khác, kế hoạch phân chia tài sản của ông nhiều khả năng sẽ trở thành nguyên nhân gây ra tranh chấp và thù hằn giữa con cái mình.

Nhưng nếu ông Andrews cũng giống những người tích lũy tài sản kém mà chúng tôi đã phỏng vấn thì ít có khả năng ông ấy xây dựng được những mối quan hệ công việc lâu dài và thân thiết với những chuyên gia như luật sư. Ông Andrews đã tuyên bố rằng ông không cần người ngoài giúp đỡ, vì “Tôi chỉ tin con tôi. Tất cả đều dựa trên lòng tin”. Nhưng lòng tin không phải là yếu tố cần thiết duy nhất trong những tình huống như thế này.

NHỮNG NGUYÊN TẮC DÀNH CHO PHỤ HUYNH TRIỆU PHÚ VÀ CON CÁI THU NHẬP CAO

Những triệu phú có con cái thành đạt đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin quý giá về cách họ nuôi dạy con cái. Dưới đây là một số gợi ý của họ:

1. Đừng bao giờ nói với con rằng cha mẹ chúng giàu có.

Nhiều người con trưởng thành của các UAW có khả năng kiếm nhiều tiền nhưng lại tích lũy rất kém. Chúng tôi tin rằng một trong lý do chính là khi còn nhỏ, họ thường xuyên nghe nói rằng cha mẹ họ rất giàu. Những UAW trưởng thành thường là sản phẩm của những bậc cha mẹ lúc nào cũng sống theo cách mà họ nghĩ là phù hợp với giới được cho là giàu, tức là sống theo phong cách đẳng cấp cao cùng lối tiêu dùng bạt mạng vốn đã quá phổ biến ở Mỹ. Không có gì khó hiểu khi con cái họ cũng cố gắng bắt chước họ. Ngược lại, những PAW trưởng thành có cha mẹ là triệu phú thì nhắc đi nhắc lại với chúng tôi:

“Tôi tuyệt nhiên không biết ba mình rất giàu cho đến khi tôi trở thành người thực thi di chúc của ông. Trông ông chẳng hề có vẻ gì giàu có cả”.

2. Cho dù bạn giàu có, nhưng hãy dạy con nếp sống kỷ luật và tiết kiệm.

Những thông điệp mà con cái nhận được nên là:

Hãy cứng cỏi! Cuộc sống là vậy. Nói cách khác, không ai hứa với con cuộc đời con sẽ toàn hoa hồng.

Không bao giờ được nói “Khốn khổ thân tôi!”, hay tự thấy thương hại mình.

Tiết kiệm bây giờ để sau này khỏi phải túng thiếu. Nói cách khác, con đừng lạm dụng những gì mình có. Dùng đồ đạc phải biết giữ gìn, như thế chúng sẽ bền hơn.

Đừng lãng phí tiền của cha mẹ.

Hãy phấn chấn lên.

Giúp đỡ những người thật sự cần trợ giúp trước khi họ phải mở lời.

3. Đảm bảo rằng con bạn sẽ không nhận ra bạn giàu có cho tới khi chúng hình thành được phong cách sống chín chắn, có kỷ luật và trưởng thành, nghề nghiệp ổn định.

“Tiền đem lại cho bọn trẻ quá nhiều lựa chọn, nhất là khi chúng còn ít tuổi. Có quá nhiều thứ nhấn mạnh vào hoạt động tiêu dùng, và tôi chưa bao giờ cho chúng tiền vì lý do này. Điều mà tôi vẫn luôn nói với con mình là nếu con cần mua một món đồ đắt tiền, trước hết con phải tự nghĩ ra cách làm ra số tiền đó”, – một triệu phú đã nói như vậy.

4. Hạn chế tối đa việc thảo luận về những thứ mà mỗi người con hay người cháu sẽ được thừa kế hoặc được nhận.

Đừng bao giờ xem nhẹ những lời hứa bằng miệng kiểu: “Billy, con sẽ có ngôi nhà này; Bob, một căn nhà nghỉ mùa hè; Barbara, bộ đồ ăn bằng bạc”… Trong một cuộc trò chuyện, đặc biệt là khi mọi người đang cao hứng sau vài ly rượu, bạn có thể vô tình thốt ra điều gì đó rồi sau quên mất, hoặc nhầm lẫn không biết đứa nào được cái gì. Chỉ có đám con cháu là không quên. Chúng sẽ quy kết cho bạn và anh chị em của chúng là đã lừa đối. Những lời hứa suông thường là đầu mối của mọi sự bất hòa và tranh cãi.

5. Đừng bao giờ cho tiền hoặc tặng con cái đã trưởng thành của bạn những món quà đắt tiền như một điều kiện trao đổi.

Thay vào đó, hãy cho vì tình yêu thương, thậm chí là vì nghĩa vụ và sự hào phóng. Những người con đã trưởng thành thường sẽ mất đi sự kính trọng và tình yêu đối với cha mẹ nếu bị cha mẹ gây áp lực với những mánh khóe đàm phán. Sự ép buộc kiểu này thường là sản phẩm của việc cha mẹ hay thương lượng với con cái khi chúng còn nhỏ. Ngay cả những đứa trẻ đã hiểu được những lợi ích kiểu “Johnny có cái xe đạp thì con cũng phải có cái xe ba bánh chứ”. Johnny và em trai nên hiểu những món quà ấy như biểu hiện của tình yêu thương và sự hào phóng, nhưng ngược lại, chúng lại rút ra kết luận rằng cha mẹ chúng phải bị thúc giục, bắt ép và gây áp lực thì mới cho chúng những thứ đó. Có thể hai cậu bé sẽ bắt đầu xem nhau như đối thủ cạnh tranh.

6. Không can thiệp vào các vấn đề trong gia đình riêng của con.

Các bậc cha mẹ xin hãy lưu ý một điều rằng quan điểm của bạn về một cuộc sống lý tưởng có thể hoàn toàn đối lập với quan điểm của con trai, con gái cũng như con dâu, con rể. Chúng thường không bằng lòng với sự can thiệp của cha mẹ. Hãy để chúng tự lo liệu cuộc sống riêng; thậm chí khi bạn muốn đưa ra lời khuyên, hãy hỏi xem chúng có đồng ý không. Bạn cũng nên hỏi ý kiến của chúng khi định tặng chúng những món quà có giá trị.

7. Đừng cố gắng cạnh tranh với con mình.

Đừng bao giờ khoe khoang rằng bạn đã tích lũy được bao nhiêu tiền. Việc này khiến con bạn thấy khó hiểu. Thường thì chúng không thể cạnh tranh với cha mẹ về phương diện này, mà chúng cũng không hề muốn làm thế. Bạn không phải khoe về những thành tích của mình. Con cái bạn đủ thông minh để trân trọng những gì bạn đã làm được. Cũng đừng bắt đầu cuộc nói chuyện bằng câu “Khi bằng tuổi con, cha đã…”.

Đối với nhiều người con thành đạt xuất thân từ gia đình triệu phú, việc tích lũy tài sản không phải là mục tiêu tối thượng. Thay vào đó, họ muốn theo đuổi con đường học vấn, được bạn bè và đồng nghiệp tôn trọng, và có được vị trí cao trong sự nghiệp. So với cha mẹ mình thì nhiều người thuộc thành phần này ít đề cao sự chênh lệch về thu nhập và tiền bạc tích lũy được giữa các loại hình nghề nghiệp. Người triệu phú “thế hệ thứ nhất” điển hình thường là chủ doanh nghiệp. Ông có giá trị tài sản ròng cao nhưng lại thường đánh giá bản thân mình thấp kém. Những bậc cha mẹ giàu có nhưng địa vị xã hội không cao thường xem nghề nghiệp danh giá của những đứa con trưởng thành với nhiều bằng cấp như thành tích của chính mình vậy.

Nhiều triệu phú không muốn con cái trở thành doanh nhân tự doanh. Và, trên thực tế thì hầu hết con cái của các triệu phú chẳng bao giờ trở thành chủ doanh nghiệp. Tiền bạc chỉ nằm ở vị trí thứ hai, thứ ba gì đó trong danh sách các mục tiêu và thành tích của họ.

8. Luôn nhớ rằng các con bạn là những cá thể riêng biệt.

Chúng có động cơ và thành tích khác nhau. Dù bạn cố gắng đến mấy thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng thiếu công bằng trong việc chu cấp kinh tế cho con cái. Việc trợ cấp cho những đứa thu nhập ít hơn chỉ có xu hướng gia tăng chứ không làm giảm đi sự cách biệt trong tài sản giữa các con. Sự cách biệt này có thể gây ra bất hòa bởi vì những anh chị em thành đạt hơn có thể sẽ trả lại các khoản chu cấp cho cha mẹ mình.

9. Đề cao thành tích mà con bạn đạt được, bất kể thành tích ấy nhỏ bé đến đâu, không phải vì đấy là biểu tượng cho thành công của con bạn hay của chính bạn.

Hãy dạy con nỗ lực đạt được điều gì đó chứ không chỉ biết tiêu xài. Kiếm tiền để đẩy mạnh chi tiêu không nên là mục tiêu lớn nhất của một người. Đây chính là điều mà cha của Ken luôn dạy anh. Ken đã giành được tấm bằng MBA loại ưu về tài chính và marketing. Cha anh là bác sĩ và là thành viên ưu tú của nhóm PAW. Ông thường bảo Ken:

“Cha không thấy ấn tượng với những gì mọi người sở hữu. Nhưng cha bị ấn tượng với những gì họ đạt được. Cha tự hào vì là một bác sĩ. Con phải luôn luôn nỗ lực để là người giỏi nhất trong lĩnh vực con tham gia. Đừng chạy theo đồng tiền. Nếu con là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, tiền sẽ tự tìm đến con”.

Điều gì ở Ken khiến cha anh đánh giá cao nhất?

“Thứ nhất, là việc tôi làm bồi bàn bán thời gian trong một tiệm bánh ngọt suốt mấy năm học trung học. Thứ hai, là việc tôi chưa bao giờ xin tiền ông. Ông tự nguyện cho tôi vay vài nghìn đô-la để mở công ty ngay sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Thứ ba, tôi bán công ty và thu về lợi nhuận đủ để trang trải toàn bộ tiền học phí cho chương trình sau đại học và chưa bao giờ đòi hỏi bố mẹ phải chu cấp thêm”.

Cha của Ken là tấm gương tuyệt vời và là người thầy xuất sắc của con trai ông. Nhưng Ken cũng tin rằng những kinh nghiệm đầu đời mà công việc bồi bàn đem lại cho mình cũng có ảnh hưởng lớn:

“Tôi phải nhìn thẳng vào sự hỗn độn, cách sống của những người khác. Tôi nhìn thấy nhiều người rất chăm chỉ làm việc để nuôi gia đình mà lương thì chẳng là bao. Và tôi luôn tự nhắc mình không được lãng phí tiền bạc, bất kể tôi có kiếm được nhiều đến đâu”.

10. Hãy nói với con bạn rằng còn rất nhiều thứ đáng giá hơn tiền bạc.

“Khỏe mạnh, sống lâu, hạnh phúc, gia đình êm ấm, tự lực cánh sinh, bạn bè tốt,… nếu có được năm điều trong số đó thì con đã giàu có rồi. Uy tín, sự tôn trọng, tính chính trực, trung thực và các thành tích đáng nể phục cũng là những điều con nên có trong đời!

Tiền bạc chỉ là lớp kem phủ trên chiếc bánh cuộc đời mà thôi. Con không bao giờ phải vì nó mà lừa lọc hay trộm cắp, vi phạm luật pháp hay luồn lách trốn thuế.

Việc kiếm tiền chân chính luôn dễ hơn nhiều so với không chân chính. Con sẽ không bao giờ tồn tại được trong kinh doanh nếu con chơi xấu với mọi người! Đời là một cuộc đua đường trường.

Con không thể chạy trốn nghịch cảnh. Con không thể che giấu con cái trước những biến động của cuộc đời. Người ta đạt được thành tựu nhờ trải nghiệm và đương đầu với thử thách ngay từ những ngày họ còn thơ bé. Đây chính là những người không bao giờ từ chối quyền được đối mặt với vài cuộc chiến đấu, vài nghịch cảnh tai ương.

Những người khác thật ra đã bị lừa. Họ cố gắng che chắn cho con cái khỏi mọi mối đe dọa trong xã hội. Và rồi những đứa trẻ không bao giờ thực sự miễn nhiễm được với nỗi sợ hãi, sự lo lắng và cảm giác bị lệ thuộc. Tuyệt đối không”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.