Bẻ Khóa Bí Mật Triệu Phú

Chương 8: CÔNG VIỆC: TRIỆU PHÚ VÀ NGƯỜI THỪA KẾ



Họ chọn đúng nghề
Khoảng mười năm trước, một phóng viên từ một tạp chí thời sự quốc gia gọi cho chúng tôi. Cô ấy hỏi một câu mà chúng tôi thường được nghe nhất:

Ai là triệu phú?

Cho đến giờ, hẳn các bạn cũng có thể đoán được câu trả lời. Hầu hết các triệu phú ở Mỹ là chủ doanh nghiệp, trong đó có cả những người hành nghề tự do. 20% số hộ gia đình triệu phú ở Mỹ có chủ hộ đã nghỉ hưu. Trong 80% còn lại, hơn 1/3 có chủ hộ điều hành công ty riêng. Ở Mỹ, số chủ hộ là chủ doanh nghiệp riêng hoặc là người hành nghề tự do chiếm chưa đến 1/5, khoảng 18%, tổng số chủ hộ. Nhưng khả năng những người này là triệu phú cao hơn gấp 4 lần so với những người làm công ăn lương.

Cô phóng viên lại hỏi tiếp một câu rất hợp lý:

“Những loại hình doanh nghiệp mà các triệu phú sở hữu là gì?”

Chúng tôi trả lời cô giống như trả lời tất cả những người khác:

“Nếu nhìn vào loại hình doanh nghiệp mà một người sở hữu thì cô không thể nói được ông ta có phải là triệu phú hay không.”

Sau 20 năm nghiên cứu các triệu phú hoạt động khắp các ngành nghề, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng trong việc đoán biết mức độ giàu có của một chủ doanh nghiệp thì tính cách của người đó quan trọng hơn loại hình doanh nghiệp mà ông ta sở hữu.

Nhưng cho dù chúng tôi đã cố gắng giải thích thế nào thì các phóng viên vẫn muốn mọi thứ đơn giản. Thế là trên báo xuất hiện dòng tít:

10 loại hình doanh nghiệp mà triệu phú thường sở hữu!

Dù chúng tôi đã hết sức cố gắng để nhấn mạnh rằng không có một lộ trình nào chắc chắn giúp người ta trở nên giàu có nhưng các phóng viên vẫn phớt lờ sự thật đó. Họ tung lên những cái tít nghe thật kêu và xào xáo các phát hiện của chúng tôi. Đúng là bạn dễ có khả năng trở thành triệu phú hơn nếu bạn hành nghề tự do. Nhưng không có nghĩa là công ty của bạn sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận chỉ vì bạn đang hoạt động trong một lĩnh vực sinh lợi. Và ngay cả khi công ty của bạn tạo ra nhiều lợi nhuận thì rất có thể bạn cũng không bao giờ giàu có được. Bởi vì dù bạn kiếm được thật nhiều tiền nhưng có khả năng bạn tiêu xài còn nhiều hơn thế vào những hàng hóa và dịch vụ không phục vụ cho công ty của mình. Có thể bạn đã ba lần ly dị hoặc bạn mê cá độ chẳng hạn. Có thể bạn không có kế hoạch lương hưu nào hoặc không sở hữu cổ phần hay công ty niêm yết công khai sinh lợi nào. Có thể bạn cảm thấy mình không có nhu cầu tích lũy tài sản. Trong tâm trí bạn, có thể tiền bạc là nguồn lực dễ tái tạo hơn cả. Nếu quả thực bạn nghĩ như vậy thì có lẽ bạn là một người “biết ăn xài” chứ không thể là nhà đầu tư được.

Nhưng nếu bạn chi tiêu tiết kiệm, là nhà đầu tư khôn ngoan và đang sở hữu một công ty sinh lợi thì có khả năng bạn sẽ thành triệu phú.

Có một số ngành dễ tạo ra lợi nhuận hơn những ngành khác. Nhưng một lần nữa, chúng tôi xin cảnh báo các độc giả rằng đừng đơn giản hóa những phát hiện và gợi ý của chúng tôi khi muốn một câu trả lời ngắn gọn, súc tích cho câu hỏi “Làm sao để trở thành triệu phú ở Mỹ?”.

CHỈ CÓ NHỮNG THAY ĐỔI LÀ DỰ ĐOÁN ĐƯỢC

Mọi thứ luôn thay đổi, ngay cả ở nơi mà chúng tôi gọi là môi trường kinh doanh sở hữu hay tự quản lý. Hãy lấy ví dụ về ngành giặt khô. Đúng ra, cái tên phù hợp và đầy đủ phải là dịch vụ giặt là, giặt khô và may mặc. Về ngành này, ngay từ năm 1988 Tom Stanley đã viết như sau:

“Trong năm 1984, có 6.940 hiệu giặt khô hợp doanh; 91,9% có thu nhập ròng, trong khi đó lợi nhuận bình quân trên doanh thu (lợi nhuận ròng tính theo phần trăm doanh thu) là 23,4%”. (Marketing hướng đến giới triệu phú, Thomas J. Stanley [Homewood, Ill.: Irwin, 1988, tr.190])

Vậy khả năng sinh lợi của ngành này trong những năm sau đó thì sao? Chúng tôi đã tiến hành phân tích dữ liệu tờ khai thuế thu nhập liên bang của IRS. Qua đó, chúng tôi xác định được rằng năm 1992, lợi nhuận bình quân trên doanh thu của ngành này là 13%, thu nhập ròng của chủ hiệu bình quân là 5.360 đô-la, xếp thứ 119 về lợi nhuận trên doanh thu, tương đương với 8,1%.

Quả là một sự khác biệt to lớn chỉ trong tám năm ngắn ngủi. Nhưng giặt khô không phải ngành duy nhất thay đổi như vậy. Một số ngành khác cũng đã trải qua những thay đổi đáng kể về khả năng sinh lợi. Chẳng hạn, số cửa hiệu quần áo và phụ kiện dành cho đàn ông và các bé trai đã tăng rất nhanh và tất cả các cửa hiệu tư nhân trong ngành này đều tạo ra lợi nhuận. Ngành thầu khoán xây dựng đường giao thông và khai thác than lại “mất giá” dần khiến khả năng sinh lợi kém đi.

Có nhiều yếu tố bên ngoài không thể kiểm soát được đã gây ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của các ngành nói trên. Thông thường, việc xuất hiện nhiều công ty có khả năng sinh lợi trong một ngành sẽ thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào ngành đó hơn nữa, điều này có thể gây ra tác động tiêu cực tới lợi nhuận.

Kế tiếp, sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Những động thái của chính phủ cũng vậy. Giả sử nếu chính phủ ban hành một chính sách năng lượng khuyến khích sử dụng than thì có lẽ số lượng công ty khai thác than tư nhân đã không giảm nhanh đến vậy. Lưu ý rằng, chỉ có 34,2% trong số 76 công ty khai thác than thu được lợi nhuận. Nhưng bất chấp điều này, thu nhập ròng bình quân của các công ty khai thác tư nhân vẫn đạt 196.618 đô-la. Hiển nhiên, một bộ phận thiểu số chủ công ty khai thác than đã phớt lờ những xu hướng và tiêu chuẩn của ngành, phần nhiều trong số này đã được tưởng thưởng xứng đáng cho sự kiên định và niềm tin đi ngược với số đông về ngành công nghiệp than. Nhiều chủ doanh nghiệp thành công cho chúng tôi biết rằng họ thích “những giai đoạn khó khăn ngắn” trong lĩnh vực mình đã chọn, vì chúng loại bỏ được khá nhiều sự cạnh tranh. Có vẻ như điều này đúng với ngành khai thác than.

Nhiều người hỏi chúng tôi: “Tôi có nên dấn thân vào kinh doanh vì lợi ích của riêng mình không?”. Hầu hết mọi người đều không thành lập công ty để làm việc cho bản thân họ. Thu nhập thuần bình quân của hơn 15.000 công ty tư nhân một thành viên ở Mỹ chỉ đạt 6.200 đô-la mà thôi! Trong một năm, bình thường có khoảng 25% số công ty tư nhân không tạo ra được lợi nhuận. Tình hình còn bi đát hơn với các công ty hợp doanh. Tính bình quân, 42% không thu được lợi nhuận. Thế còn các tập đoàn? Chỉ khoảng 55% có lợi nhuận để bị đánh thuế.

NHỮNG NGƯỜI HÀNH NGHỀ TỰ DO VÀ CÁC CHỦ DOANH NGHIỆP KHÁC

Chưa đến 1/5 số chủ doanh nghiệp triệu phú chuyển giao cơ nghiệp của mình cho con cái sở hữu và điều hành. Nguyên nhân là do các bậc phụ huynh giàu có này biết rõ tỷ lệ thành công trên thương trường. Họ hiểu rằng hầu hết các công ty đều rất dễ bị tổn thương trước sự cạnh tranh, xu hướng khách hàng đối nghịch, tổng chi phí cao và những yếu tố hay thay đổi nằm ngoài tầm kiểm soát.

Thay vào đó, những triệu phú này khuyến khích con cái trở thành những chuyên gia hành nghề tự do, chẳng hạn như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán viên và nha sĩ. Kết quả là khả năng các cặp vợ chồng triệu phú cho con theo học trường y cao hơn gấp năm lần, và khả năng cho con theo học trường luật cao hơn gấp bốn lần so với các cặp vợ chồng khác.

Các triệu phú biết rõ những rủi ro và tỷ lệ thành công hay thất bại trong kinh doanh. Dường như họ cũng hiểu rằng chỉ có một thiểu số nhỏ những người hành nghề tự do là không kiếm được lợi nhuận bất chấp sự biến động của tình hình kinh tế, và rằng khả năng sinh lợi của hầu hết các công ty dịch vụ chuyên nghiệp đều cao hơn rất nhiều so với các mức bình quân của các công ty nhỏ nói chung. Chúng ta hãy thảo luận về những phẩm chất cần thiết để trở thành một người hành nghề tự do thành đạt.

Giả sử bạn là ông Carl Johnson, giám đốc công ty tư nhân Khai thác than Johnson, một trong 26 công ty khai thác than năm qua đã thu được lợi nhuận, trong tổng số 76 công ty trong ngành. Cách đây không lâu, ngành khai thác than vẫn còn tới 717 công ty tư nhân tham gia hoạt động và 9/10 công ty tạo ra lợi nhuận. Giờ đây, tổng số công ty sụt giảm tới 90%. Nhưng bạn mạnh mẽ, bạn thông minh và bạn có tài xoay xở. Mặc kệ sự thoái lui của phần lớn các chủ doanh nghiệp khác, bạn vẫn bám trụ ở đây. Và giờ thì bạn đang gặt hái lợi nhuận. Năm ngoái, bạn đạt được lợi nhuận ròng 600.000 đô-la. Năm nay, công ty bạn vẫn đang hoạt động rất tốt. Bạn có hai đứa con đang học đại học và chúng đều là những sinh viên xuất sắc. Bạn bắt đầu tự hỏi:

Mình có nên khuyến khích David và Christy tham gia vào ngành khai thác than không nhỉ?

Mình có nên khuyến khích chúng tiếp quản công ty khai thác than của cha mẹ không?

Ngành khai thác than có phải nơi tốt nhất dành cho các con mình không?

Đa số các chủ doanh nghiệp triệu phú mà chúng tôi đã phỏng vấn sẽ không khuyến khích con cái họ tiếp quản một công ty như vậy. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp những đứa con ấy là sinh viên xuất sắc. Họ sẽ khuyên David và Christy – những thanh niên thông minh, uyên bác – cân nhắc những con đường khác.

Hãy tự hỏi mình những câu hỏi này. Khi đó, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mình đang ở một vị thế bấp bênh. Nếu bạn điều hành một công ty lớn hơn thì những “yếu tố ngoài tầm kiểm soát” có thể giết chết công ty của bạn. Với bao nhiêu việc cần lo liệu thì 600.000 đô-la lợi nhuận năm ngoái dường như trở nên nhỏ bé hơn. Liệu trong tương lai, có được mấy năm công ty bạn lại kiếm được 600.000 đô-la nữa và những “yếu tố ngoài tầm kiểm soát” có khiến bạn bị phá sản? Bạn cũng khó có thể đem những kỹ năng của mình đi dạy khai thác than ở trường đại học kỹ thuật. Những kỹ năng của bạn thiên về lao động chân tay chứ không phải vận dụng trí não nhiều.

Có lần, chúng tôi hỏi một chủ doanh nghiệp giàu có rằng tại sao tất cả những người con trưởng thành của ông đều làm nghề tự do. Ông trả lời:

“Công ty của anh có thể mất, nhưng trí tuệ thì không!”

Điều này có nghĩa là chính phủ, hoặc chủ nợ, có thể tịch thu một công ty bao gồm cả đất đai, máy móc, hầm mỏ, nhà xưởng và tất cả những thứ khác thuộc về công ty đó. Nhưng họ không thể tịch thu trí tuệ của người chủ công ty. Cái mà các kỹ sư, bác sĩ… không phải than đá, không phải sơn, dầu, cũng không phải pizza. Cái mà họ bán nhiều hơn cả chính là trí tuệ của họ.

Chẳng hạn, các bác sĩ có thể sử dụng trí tuệ của mình ở bất cứ đâu, bởi “nguồn lực” của họ luôn được mang theo người. Điều này cũng đúng với nha sĩ, luật sư, kế toán viên, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ thú y và bác sĩ trị liệu cột sống. Đây là những ngành nghề có nhiều con cái triệu phú trên khắp nước Mỹ lựa chọn hơn cả.

Chỉ có một tỷ lệ nhỏ trong số các chuyên gia hành nghề tự do từng kiếm được tới 600.000 đô-la một năm. Và đa số bọn họ phải dành nhiều năm để rèn luyện, tiêu tốn rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc. Mặc dù vậy, hầu hết các bậc phụ huynh tin rằng lợi ích cả đời mà những nghề nghiệp đó mang lại lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra và đa số những ông bố bà mẹ này trả phần lớn hoặc toàn bộ học phí và phí đào tạo cho con mình. Lá phiếu của họ đi kèm với những đồng tiền mà họ phải đổ mồ hôi mới kiếm được.

Nếu bạn cũng quyết định giống các chủ doanh nghiệp thành công nhất, bạn sẽ khuyên David và Christy nên trở thành kỹ sư, bác sĩ hoặc những nghề tương tự. Các triệu phú Mỹ cũng làm như bạn vậy. Những triệu phú “thế hệ thứ nhất” thường là doanh nhân tự doanh. Họ đã chiến thắng dù cơ may rất nhỏ. Công ty của họ thành công, và họ trở thành triệu phú. Phần lớn thành công của họ phụ thuộc vào lối sống căn cơ, tiết kiệm trong thời gian gây dựng cơ đồ. Thường thì cũng có một phần may mắn nữa. Và đa số những ai thành công đều hiểu rằng rất có thể mọi sự đã không theo ý họ.

Con cái họ sẽ phải có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng sẽ không phải gánh chịu nhiều rủi ro. Chúng sẽ được học hành tới nơi tới chốn. Chúng sẽ trở thành những luật sư, bác sĩ, chuyên viên kế toán. Trí tuệ sẽ là vốn liếng của chúng. Nhưng không giống như cha mẹ mình, chúng sẽ trì hoãn bước chân vào thị trường lao động cho đến khi đã gần 30, hoặc thậm chí là qua tuổi 30. Và hầu hết đều sẽ lao vào lối sống trung-thượng lưu ngay khi bắt đầu làm việc, một lối sống khác xa với những ông bố bà mẹ tiết kiệm của chúng khi họ bắt đầu khởi nghiệp.

Con cái họ thường không tiết kiệm. Làm sao chúng có thể tiết kiệm được, bởi cái địa vị xã hội cao mà chúng đang sở hữu đòi hỏi chúng phải chi tiêu nhiều hơn và đầu tư ít hơn. Kết quả là, có thể chúng sẽ đòi được “chăm sóc kinh tế ngoại trú”. Cho dù thu nhập rất cao (hầu hết các ngành chuyên môn đều như vậy) nhưng chúng lại bị buộc phải chi tiêu rất nhiều. Do đó, rất khó có thể dự đoán được khối lượng tài sản mà họ tích lũy được.

CÁC CÔNG TY TRUNG BÌNH YẾU VÀ GIỚI TRIỆU PHÚ

Mới đây, một bài báo trên tờ Forbes đã dăng phần lời tựa khá thú vị:

“Những công ty mờ nhạt với mức tăng trưởng lợi nhuận đều đều có thể không là đề tài bàn tán trong các bữa tiệc, nhưng về lâu dài thì đó lại là những đối tượng đầu tư tốt nhất”. (“Dám mờ nhạt”, Fleming Meeks và David S. Fomdiller, Forbes, 06-11-1995, tr.228).

Trong phần sau của bài báo, hai tác giả nói rằng về lâu dài, quy mô hoạt động của các công ty công nghệ cao có thể và thường sẽ giảm sút. Điển hình là những công ty trong các ngành mà chúng tôi gọi là “trung bình yếu” nhưng lúc nào cũng hoạt động tốt đối với chủ sở hữu của chúng. Forbes liệt kê ra vài công ty nhỏ có hiệu quả hoạt động cao nhất và đã trụ vững trong mười năm qua. Trong số này có các công ty sản xuất tấm ốp tường, sản xuất vật liệu xây dựng, cửa hàng diện máy, công ty xây dựng nhà ở và công ty sản xuất linh kiện xe hơi.

Những ngành này nghe chẳng có gì hấp dẫn. Nhưng chính những ngành nghề kinh doanh không hề lý tưởng này lại tạo ra của cải cho người sở hữu nó. Thường thì những ngành trung bình yếu không thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh, và nhu cầu đối với mặt hàng mà chúng cung cấp không mấy phụ thuộc vào dà thịnh suy của nền kinh tế. Gần đây, chúng tôi đã tự xây dựng một danh sách riêng, bao gồm những công ty thuộc quyền sở hữu của các triệu phú. Và rất nhiều trong số đó thuộc loại “trung bình yếu”.

NHỮNG LOẠI HÌNH KINH DOANH VÀ NGHỀ NGHIỆP MÀ CÁC TRIỆU PHÚ LỰA CHỌN

Nhà phân phối sản phẩm quảng cáo

Dịch vụ cứu thương                           Nhà sản xuất hóa chất tẩy rửa công nghiệp, chất sát trùng
Nhà sản xuất quần áo may sẵn         Nhà cung cấp dịch vụ lau dọn vệ sinh
Người bán đấu giá, chuyên gia thẩm định        Chủ sở hữu trường dạy kỹ thuật nghiệp vụ, đào tạo nghề
Chủ tiệm cà phê                                        Các cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn
Chủ trang trại cam, quýt                        Công ty chế biến thịt
Người bán lẻ tiền xu và tem             Chủ bãi đỗ xe-nhà di động
Chuyên gia cố vấn về địa chất              Xuất bản bản tin
Cán bông xơ ngắn                            Dịch vụ tuyển dụng nhân viên thời vụ
Tái tạo, phân phối động cơ diesel                Dịch vụ diệt sâu bệnh
Nhà sản xuất máy làm Donut                 Nhà vật lý học-Nhà phát minh PR, các nhà vận động
Kỹ sư, nhà thiết kế                       Chủ trang trại trồng lúa
Người gây quỹ                           Nhà thầu phun cát
Nhà sản xuất thiết bị truyền nhiệt

Dịch vụ tư vấn nguồn nhân lực

RỦI RO VÀ TỰ DO

Khi một người tự thành lập và điều hành công ty riêng, họ sẽ nói với bạn rằng họ muốn được tự do. Họ là sếp của chính họ. Ngoài ra, họ cũng tiết lộ với chúng tôi rằng làm chủ chính mình thì ít rủi ro hơn là làm việc cho người khác.

Có lần, một giáo sư đã đặt ra câu hỏi sau đây đối với một nhóm gồm 60 giám đốc điều hành các tập đoàn cổ phần hóa hiện đang theo học chương trình MBA:

Rủi ro là gì?

Một người trả lời:

“Trở thành một doanh nhân tự doanh!”

Những người khác đồng ý. Thế rồi vị giáo sư trả lời câu hỏi của chính mình bằng đoạn trích dẫn của một doanh nhân tự doanh:

“Rủi ro là gì? Là chỉ có một nguồn thu nhập. Những người làm công ăn lương đang ở trong tình thế rủi ro, bởi họ chỉ có đúng một nguồn thu nhập. Còn người chủ công ty cung cấp dịch vụ lau dọn vệ sinh cho sếp của bạn thì sao? Ông ấy có hàng trăm hàng nghìn khách hàng, tức hàng trăm hàng nghìn nguồn thu nhập”.

Thực ra, làm chủ doanh nghiệp cũng có nhiều rủi ro tài chính. Nhưng chủ doanh nghiệp có những niềm tin giúp họ giảm thiểu rủi ro, hay ít nhất đó là những rủi ro mà họ đã dự đoán trước:

Mình kiểm soát số phận của mình.

Rủi ro là khi làm việc cho một người chủ tàn nhẫn.

Mình có thể giải quyết mọi vấn đề.

Cách duy nhất để trở thành Giám đốc điều hành là làm chủ sở hữu một công ty.

Không có giới hạn nào cho mức thu nhập mà mình có thể kiếm được.

Mình trở nên mạnh mẽ hơn và khôn ngoan hơn bằng cách đối mặt với rủi ro và nghịch cảnh.

Là một chủ doanh nghiệp cũng đòi hỏi bạn phải có khát vọng làm chủ chính mình. Nếu bạn ghét cái ý tưởng đứng ngoài môi trường doanh nghiệp thì có lẽ tự doanh không phải thiên hướng của bạn. Những chủ doanh nghiệp thành đạt nhất mà chúng tôi phỏng vấn đều có một đặc điểm chung: tất cả bọn họ đều yêu thích những việc mình làm. Tất cả bọn họ đều tự hào khi được “một mình lèo lái”.

Có lần, một người với tài sản hàng chục triệu đô-la đã nói với chúng tôi về việc tự kinh doanh như sau:

“Ngày càng có nhiều người đi làm nhưng lại không thích công việc của mình. Thật lòng mà nói, người thành đạt là người thích công việc mình làm, người mong mỏi thức dậy mỗi sáng để đến văn phòng, và đó là tiêu chuẩn của tôi. Và tôi luôn sống như thế. Tôi luôn mong đến sáng để thức dậy, đến văn phòng và điều hành mọi việc”.

Đối với người đàn ông này (góa vợ và không có con), tiền bạc không phải là vấn đề. Thực ra, trong di chúc của mình, ông ấy đã để lại toàn bộ tài sản cho quỹ học bổng của trường đại học nơi ông từng theo học.

Người đàn ông này và những người như ông chọn ngành nghề như thế nào? Ở trường đại học, ông đã được các giáo sư chuyên ngành kỹ sư và khoa học đào tạo rất bài bản, nhiều người trong số này cũng là doanh nhân tự doanh. Họ chính là hình mẫu của ông. Hầu hết các chủ doanh nghiệp thành đạt đều có kiến thức hoặc kinh nghiệm về ngành nghề họ chọn từ trước khi họ bước chân vào.

Ví dụ, Larry kinh doanh dịch vụ in ấn đã được hơn 12 năm. Ông là nhân viên xuất sắc nhất của công ty. Nhưng sau khi đã quá mệt mỏi vì cứ nơm nớp lo sợ công ty sẽ phá sản, ông cân nhắc đến việc mở công ty in ấn riêng. Ông đã tìm đến chúng tôi để hỏi ý kiến về vấn đề này. Chúng tôi hỏi lại Larry một câu đơn giản: “Yếu tố hàng đầu mà các công ty in ấn cần là gì?”. Ông trả lời ngay: “Nhiều hợp đồng hơn, nhiều doanh thu hơn, nhiều khách hàng hơn”. Thế đấy, Larry đã tự trả lời được câu hỏi của mình. Ông bắt tay vào thành lập công ty, nhưng không phải một công ty in ấn. Ông trở thành nhà môi giới dịch vụ in ấn. Giờ đây, ông đại diện cho một số công ty in ấn hàng đầu và nhận được hoa hồng trên mỗi thương vụ ông hoàn thành. Tổng chi phí của công ty ông rất nhỏ.

Trước khi thành lập công ty riêng, Larry nói với chúng tôi rằng ông không đủ dũng khí để làm một doanh nhân tự doanh. Ông kể chỉ nghĩ đến việc “một mình lèo lái” thôi là ông đã thấy sợ rồi. Larry tin rằng những người tự kinh doanh một mình phải không biết sợ hãi, rằng nỗi sợ không bao giờ xuất hiện trong tâm trí họ.

Chúng tôi phải giúp Larry điều chỉnh lại tư tưởng này. Chúng tôi giải thích rằng định nghĩa của ông về lòng dũng cảm là sai. Dũng cảm là hành động để nhìn nhận rõ nỗi sợ trong mình. Vâng, Larry, cũng như những người dũng cảm khác, những doanh nhân tự doanh, đều nhận ra nỗi sợ trong những việc họ đang làm. Nhưng họ dám đối diện với nó và nhờ đó mà vượt qua nỗi sợ của chính mình. Đó chính là lý do khiến họ thành công.

Chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về những con người dũng cảm. Tất nhiên Ray Kroc có lòng dũng cảm phi thường khi nghĩ rằng mình có thể tiếp thị thức ăn đến cả thế giới. Hãy nhớ rằng trong Chiến tranh Thế giới II, ông là tài xế lái xe cứu thương ngoài tiền tuyến. Walt Disney cũng vậy. Và Lee Iacocca(*) cũng có lòng dũng cảm phi thường khi tuyên bố rằng Chrysler sẽ trở lại “thời kỳ huy hoàng”. Ông ấy không đáp ứng được định nghĩa chặt chẽ về một doanh nhân tự doanh, nhưng trong tâm trí của chúng tôi, máu tự doanh đã có sẵn trong con người ông rồi.

***

Chúng tôi đã để dành trường hợp thực tiễn sau khi đã về cuối cuốn sách. Theo chúng tôi, nó tóm gọn được toàn bộ những khác biệt giữa PAW và UAW. Xuyên suốt cuốn sách này, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng thành viên của hai nhóm có những nhu cầu khác nhau rõ rệt. PAW cần đạt được thành tích, cần tạo ra của cải, cần trở nên độc lập về tài chính, cần xây dựng được cái gì đó từ con số 0. Còn UAW lại thường xuyên muốn trưng ra lối sống đẳng cấp cao. Điều gì sẽ xảy ra khi thành viên của hai nhóm này cố gắng giành lấy cùng một vị trí vào cùng một thời điểm? Trường hợp thực tiễn dưới đây là một ví dụ cho sự xung đột chắc chắn phải xảy ra.

Ông W. là một triệu phú tự lập với khối lượng tài sản ước tính (một cách dè dặt) lên tới hơn 30 triệu đô-la. Là một PAW điển hình, ông W. sở hữu vài công ty sản xuất thiết bị công nghiệp, thiết bị thí nghiệm và máy đo chuyên dụng. Ông cũng tham gia vào nhiều hoạt động tự doanh khác, trong đó có các dự án kinh doanh bất động sản.

Ông W. sống ở khu dân cư trung lưu, hàng xóm của ông là những người có tài sản chỉ bằng một phần nhỏ tài sản mà ông đã tích lũy được. Ông và vợ của mình lái hai chiếc xe nội địa hạng lớn. Thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của ông đặc sệt tầng lớp trung lưu. Ông không bao giờ mặc đồ vest hay thắt cà vạt đi làm.

Ông W. thích đầu tư mạo hiểm vào bất động sản xa xỉ, bởi theo ông:

“Ngoài những công ty của mình, tôi kiếm thêm tiền trong lĩnh vực bất động sản. Chúa không ngừng tạo ra con người nhưng Ngài lại không cho thêm đất sống, và anh sẽ kiếm được tiền nếu anh khôn khéo và biết kén chọn nơi đặt tiền”.

Quả là ông W. hết sức kén chọn. Ông chỉ mua toàn bộ bất động sản hoặc hợp tác với người khác để mua khi nào giá cả hợp lý. Thường thì ông mua bất động sản hoặc mua quyền sở hữu một phần bất động sản từ một người chủ hoặc một công ty xây dựng đang thực sự cần sự giúp đỡ về tài chính.

Gần đây, ông phát hiện ra một cơ hội đầu tư tuyệt vời ở khu Sun Country:

“Một gã khốn khổ nào đó đang lên kế hoạch xây dựng một khu chung cư sang trọng cao chọc trời. Đối với một công ty xây dựng, nếu muốn khởi công xây dựng, trước hết anh ta phải bán được 50% số căn hộ đã. Thế là tôi nhảy vào và thỏa thuận với anh ta. Tôi mua toàn bộ số căn hộ với cùng một kiểu thiết kế, mặt bằng sàn với khoản vay rất lớn, thế là anh ta có tiền và bắt đầu xây dựng. Vì tôi đã mua toàn bộ khu nhà nên bất cứ ai muốn mua một căn hộ trong đó đều phải gặp tôi. Giống như độc quyền vậy! Không có ai cạnh tranh với tôi cả, và tôi bán hết ngay, chỉ còn lại đúng một căn”.

Nhưng ngay cả căn hộ còn lại, ông W. cũng không giữ lâu. Ông cùng gia đình chỉ ở đó được một hay hai kỳ nghỉ ngắn. Thi thoảng ông lại mời mấy người bạn thân đến ở. Những lúc không dùng đến, ông lại cho người khác thuê, cuối cùng ông bán nó đi. Ông W. không thường xuyên lui tới những khu phức hợp sang trọng này bởi vì đó không phải phong cách của ông.

Hầu hết những người mua các khu căn hộ nghỉ dưỡng của ông W. đều thuộc diện UAW trung-thượng lưu và bất đồng đã xảy ra giữa ông W. và nhiều khách hàng mua nhà. Ở một số nơi mà trước đây ông W. từng mua căn hộ, khách hàng của ông đã đặt ra quá nhiều điều khoản hạn chế, đến nỗi ông không thấy thoải mái khi đi nghỉ dưỡng trong chính khu nhà của mình. Do đó, ông cảm thấy buộc phải bán luôn “căn hộ còn lại duy nhất” ở mỗi khu phức hợp.

“Tôi có một con chó. Tôi gọi nó là con cún sáu chữ số. Tôi đã bán vài khu nhà đi bởi vì người ta đã thông qua các điều khoản dành cho chó. Họ nói với tôi: “Ông biết đấy, ông phải tống khứ cái con chó này di!”. Tôi thì thà bán cả khu nhà đó đi chứ không muốn bỏ con chó của mình”.

Ông W. đoán rằng những vị khách hàng chỉ chú trọng đến đẳng cấp của dự án mới nhất mà ông đầu tư cũng sẽ chẳng thèm quan tâm đến việc ông muốn có một con chó. Bởi vậy, từ trước khi khu nhà khởi công, ông đã liệt kê cả chú chó của mình vào bản tuyên bố của khu nhà. Theo đó, ông W. cùng gia đình mình được quyền dẫn theo một con chó mỗi khi họ đến ở tại đây.

Theo ông W., tất cả các khách hàng đều được phát một bản thông cáo. Do đó, họ đều biết rằng ông W. có quyền mang theo một con chó vào khu nhà. Lúc mua nhà, không ai phản đối gì. Nhưng không lâu sau khi toàn bộ khu nhà đã bán hết, trừ “căn hộ cuối cùng chưa bán” của ông W., các chủ căn hộ liên kết với nhau và bầu ra ủy ban hành động. Mục đích của nó là xây dựng và thực thi một danh sách mở rộng của các điều khoản hạn chế. Thế nhưng ủy ban hành động đã thông qua một đạo luật về chó. Họ “đi vòng” qua bản tuyên bố ban đầu và nói rằng chó được phép vào khu phức hợp nếu cân nặng của chúng dưới 7 kg, nhưng phải tuân thủ những quy định cụ thể. Quá nhiều cho quyền lợi của chú chó và những tuyên bố ban đầu. Ông W. cảm thấy đây chỉ là một cách để thúc giục ông bán căn hộ của mình mà thôi. Chú chó sáu con số của ông nặng tới 13,5 kg. Ngay cả nếu áp dụng chế độ ăn kiêng thì nó cũng không thể đáp ứng được yêu cầu. Ông W. đặc biệt khó chịu vì người ta chưa bao giờ để ông có quyền bỏ phiếu thuận hoặc chống đối với những điều khoản liên quan đến chó. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết tâm giữ chú chó của mình, bất chấp điều khoản họ áp đặt. Nói gì thì nói, ông vẫn là nhà đầu tư lớn của tòa nhà trước cả khi nó được khởi công.

“Thế là ủy ban hành động viết cho tôi một bức thư, tuyên bố rằng tôi phải bỏ con chó đi vì nó nặng quá 7 kg.”

Tuy nhiên, ông W. và gia đình bắt đầu cảm thấy “lệch pha” với khu phức hợp này, dù họ chỉ đến vào các kỳ nghỉ. Có lẽ ủy ban hành động đang dùng con chó làm cái cớ để đuổi cả gia đình ông đi. Ông W. cho rằng lý do đó khả dĩ hơn chuyện cân nặng của chó mèo. Ông và gia đình không phải kiểu người “đẹp đẽ ưa nhìn” trong mắt một số thành phần. Trong khi đó, khu nhà này lại đầy nhóc (theo cách nói của ông W.) những chủ căn hộ cao cấp bóng bẩy nhất mà một người có thể tưởng tượng ra.

Ông W. vạch ra một kế hoạch.

Tại một cuộc họp dành cho các chủ hộ trong khu phức hợp, với sự tham gia của tất cả các thành viên của ủy ban hành động, ông W. đứng lên tự giới thiệu bản thân.

“Tôi là người mà ông đã gửi thư phàn nàn về con chó của chúng tôi. Tôi đã cân nhắc cẩn thận về lời đề nghị của ông, và quyết định sẽ không bỏ con chó của mình, cũng như không bán căn hộ của tôi”.

Đúng như dự đoán, lời tuyên bố này đã gây ra nhiều tiếng xì xào từ các cử tọa. Sau khi những khán giả mục tiêu của ông đã tuyệt đối lắng nghe, ông mới nêu ra lời đề nghị mới của mình: chuyển căn hộ hiện tại của ông ở khu phức hợp thành một phần của kế hoạch lương hưu và chia sẻ lợi nhuận của công ty, cho phép các nhân viên phụ trách dây chuyền lắp ráp được sử dụng căn hộ làm nơi nghỉ dưỡng suốt 52 tuần trong năm. Ông hỏi các thính giả: “Các ông thấy thế ổn chứ hả?”.

Cả phòng họp rên rỉ. Hiển nhiên họ đang hình dung ra cảnh đám công nhân của ông W. tràn vào xâm chiếm không gian của họ năm mươi hai tuần mỗi năm! Vài cử tọa hét lên: “Cứ giữ con chó đi! Cứ giữ con chó đi!”. Tay chủ tịch ủy ban hành động đề nghị nhóm họp khẩn cấp trong một phòng hội nghị kế bên. Sau 5 phút họp kín, các thành viên ủy ban quay lại phòng họp. Tay chủ tịch nói với các chủ căn hộ rằng ủy ban hành động đã có quyết định cuối cùng.

“Sau khi rà soát lại tất cả những yếu tố dẫn đến tình huống này, ủy ban hành động cho rằng gia đình ông W. được phép giữ con chó của họ. Tôi yêu cầu sửa đổi lại điều khoản. Tất cả tán thành”.

Không lâu sau chiến thắng vang dội đó, gia đình ông W. bán căn hộ của mình. Ông W. giải thích:

“Tôi không muốn sống trong cùng một tòa nhà với những người không thích chó”.

Theo ông W., chú chó của ông rất quan trọng đối với cả gia đình. Quan trọng đến nỗi họ chấp nhận bán căn hộ với giá rẻ hơn để được giữ lại chú chó. Họ cũng bán những căn hộ khác ở những khu phức hợp khác, nơi mà người ta ghét chú chó của họ. Nếu tính theo giá trị của khu nhà thì chú chó ấy tương đương khoảng vài trăm nghìn đô-la, bởi đó là số lỗ cộng dồn khi ông W. bán những căn hộ của mình dưới giá thị trường. Một môi trường thù địch, cho dù xung quanh có đầy rẫy những con người đẹp đẽ chăng nữa, thì vẫn không tốt cho những chú chó – và cho cả những người tích lũy tài sản xuất sắc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.