Tài chính dành cho nhà quản lý không chuyên
21. Cắt giảm chi phí hợp lý
CẮT GIẢM CHI PHÍ HỢP LÝ
Bạn đã nghiền ngẫm và suy tư với những con số quá nhiều. Bạn đã bỏ nhiều tuần lễ liền để làm việc vất vả với những con số trong bảng dự toán và cuối cùng cũng đạt được kết quả như ý muốn. Sau tất cả những công việc đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn có được cảm giác nhẹ nhõm khi đệ trình bảng dự toán ngân sách.
Nhưng ngay khi bạn nghĩ quá trình này đã hoàn thành, bạn lại nhận được một tin xấu. Ban quản trị muốn bạn xem xét lại những số liệu và cắt giảm những chi phí trong ngân quỹ của bạn xuống 10%.
Bạn đã cố gắng “vắt ép” đến những đồng xu cuối cùng trong bảng dự toán rồi, làm thế nào mà có thể cắt giảm hơn được nữa?
Vào lúc này, bạn có thể bị cám dỗ bởi ý nghĩ là đơn giản cắt giảm 10% cho tất cả các chi phí, bất kể nó có khả thi để đạt được những mục tiêu kia hay không. Bạn suy luận rằng cách này mới là công bằng, bởi vì nó đòi hỏi mọi người cắt giảm chi tiêu một cách đều nhau. Và, bởi vì nó chẳng tốn công bao nhiêu để cắt giảm mọi thứ xuống bớt 10%, bạn có thể thực hiện sự thay đổi này một cách dễ dàng và trở lại công việc thường ngày của bạn.
Trong tình hình này, việc cắt giảm đều khắp 10% chỉ có thể giải quyết được vấn đề một cách ngắn hạn thôi, nhưng về lâu dài, nó sẽ làm bạn thêm đau đầu. Vai trò của bạn với tư cách là một nhà quản lý không phải là tìm ra một giải pháp dễ dãi và nhanh chóng để lập một bảng dự toán. Trách nhiệm của bạn là tạo ra một bảng dự toán sát với thực tế để có thể xem như là một cẩm nang cho suốt cả năm. Điều này có nghĩa là bạn cần phải kiểm tra lại các số liệu và tìm xem có thể cắt giảm ở đâu.
Khi xem xét lại bảng dự toán, bạn phải chắc chắn rằng mỗi một hạng mục đều phục vụ cho những mục tiêu của công ty. Những khoản chi tiêu nào không hợp lý thì sẽ được cắt bớt đi. Ví dụ, nếu ban quản trị muốn quyết tâm thuê thêm người cho năm tới, bạn có thể giảm thiểu hay bỏ luôn những khoản chi phí đã được dự trù cho những hoạt động quảng bá nhằm tuyển dụng nhân viên mới.
Nếu bảng dự toán của bạn bao gồm việc mua sắm máy móc hay thiết bị mới, bạn có thể xem xét việc thuê mướn thay vì mua sắm. Những cách thu xếp lại này có thể cho phép bạn tiếp cận được những thiết bị tiên tiến nhất trong khi có thể giải phóng được tiền mặt.
Bạn cũng có thể nghiên cứu những lựa chọn khác trong việc mua sắm. Ví dụ, nếu công ty của bạn sản xuất hàng hóa theo những tiện ích của khách hàng, thì khách hàng có thể sẽ sẵn sàng mua thiết bị và cho bạn thuê lại.
Đối với những mặt hàng nào bạn bắt buộc phải mua, hãy thử xem có thể thương lượng với nhà cung cấp về một giá tốt hơn hay được hưởng những điều kiện thanh toán thuận lợi hơn hay không. Trong một số trường hợp, nếu bạn ký một hợp đồng dài hạn, thì bạn có thể đạt được những tiết kiệm đáng kể.
Đôi khi những khoản cắt giảm nhỏ lại có thể cộng thành những khoản tiết kiệm lớn, vì vậy, bạn đừng bỏ qua những điều sau đây:
Hãy chịu khó đi tìm những nhà cung cấp có giá thấp: Hãy cân nhắc cẩn thận việc tiết kiệm giá có thể sẽ làm cho bạn không được hưởng những dịch vụ giá trị gia tăng chẳng hạn như được hưởng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.
Hãy xem xét việc mua những máy móc đã qua sử dụng: Tu bổ hay tân trang thiết bị có thể tốn ít chi phí hơn là mua máy mới mà cũng có thể hoạt động tốt như thường.
Giảm chi phí nhân công: Hãy làm cho phòng ban của bạn hiệu quả hơn bằng cách thay những công việc giấy tờ hao tốn thời gian bằng những hệ thống máy tính điện tử.
Cắt giảm chi phí không phải là một khoa học chính xác; nó có thể cần nhiều lượt mới có kết quả như ý được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.