Tài chính dành cho nhà quản lý không chuyên

13. Hãy nhìn các phần điều chỉnh



HÃY NHÌN CÁC PHẦN ĐIỀU CHỈNH

Khi đánh giá các báo cáo tài chính, bạn cần phải dành một ít thời gian để xem lại các khoản phải thu. Bạn nên kiểm tra xem nó có phản ánh chính xác số tiền mà công ty có thể nhận một cách hợp lý từ khách hàng hay không, hơn là chỉ xem tổng số tiền còn bị nợ. Đó là điều quan trọng.

Khi hàng hóa đã được bán cho một khách hàng, người bán sẽ ghi nhận sự giao dịch bằng cách ghi tăng cả phần doanh thu lẫn khoản phải thu. Số tiền trong hóa đơn vẫn giữ nguyên trong khoản phải thu cho đến khi hóa đơn được thanh toán hoặc ban quản trị biết được rằng số tiền này không có khả năng thu hồi và phải xóa bỏ, nói cách khác, phải trừ ra khỏi các báo cáo tài chính ở khoản phải thu của công ty.

Vào thời điểm bán hàng, công ty không thể biết chắc chắn được hóa đơn bán hàng có thể được thanh toán hay không. Thêm vào đó, phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi những hóa đơn không có khả năng thanh toán bị loại bỏ. Thời gian chậm trễ này có thể dẫn đến một báo cáo sai về khoản phải thu cho đến khi số tiền trong hóa đơn bị xóa khỏi sổ sách. Tình huống này cũng có thể dẫn đến tình trạng khoản thu nhập được ghi quá cao tại thời điểm bán hàng ban đầu và bị ghi quá thấp vào thời điểm hóa đơn bị hủy bỏ.

Để tránh tình trạng báo cáo sai về thu nhập và các khoản phải thu, những kế toán viên sử dụng một tài khoản dự phòng dành cho những món nợ khó đòi hay cho những tài khoản đáng nghi ngờ. Tài khoản này bù đắp cho các khoản phải thu và làm giảm đi thu nhập ròng. Phần bù đắp cho những tài khoản đáng nghi ngờ thường là một số tỷ lệ phần trăm nào đó của các khoản phải thu và được điều chỉnh vào cuối mỗi kỳ kế toán.

Bởi vì việc hủy bỏ những khoản phải thu có thể có ảnh hưởng đến thu nhập ròng, các công ty đôi khi hạ thấp các khoản khó thu của họ. Một cách để kiểm tra vấn đề này là so sánh số dư giữa doanh số với các khoản phải thu của năm nay và năm trước. Số dư khoản phải thu phải đi theo xu thế của doanh số. Ví dụ, nếu doanh số tăng nhẹ, khoản phải thu cũng sẽ tăng khiêm tốn theo. Nếu khoản phải thu cao quá thì có thể bị ghi quá dư.

Một cách khác để nhận ra các khoản phải thu bị ghi quá dư là tính số vòng quay của các khoản phải thu. Để làm điều này, bạn chỉ đơn giản chia doanh số cho các khoản phải thu (Doanh số/Khoản phải thu). Tỷ suất này cho biết bao nhiêu lần trong một năm công ty đã thu được tất cả các khoản phải thu từ khách hàng. Nói chung, con số này càng cao thì càng tốt.

Khi bạn đã có được tỷ suất vòng quay, bạn có thể tính được số ngày trung bình cần để thu các khoản chi trả của khách hàng bằng cách chia 365 cho tỷ suất vòng quay này (365/Tỷ suất các khoản phải thu). Các công ty thường cố gắng thu các khoản chi trả của khách hàng trong vòng 30 ngày, vì vậy 30 ngày là một cột mốc. Nếu thời gian thu tiền cao hơn nhiều, thì công ty có thể đang gặp phải khó khăn trong việc thu tiền, hoặc công ty quên điều chỉnh các khoản phải thu của các hóa đơn không có khả năng chi trả.

Sau đây là một số gợi ý cho bạn khi kiểm tra khoản phải thu:

Tính toán vòng quay: So sánh các tỷ suất của năm nay với tỷ suất của các năm trước.

Tạo một cột mốc: Hãy tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh để xác định các chuẩn của ngành về số vòng quay khoản phải thu.

Nghiên cứu sâu thêm: Hãy chứng minh bằng tư liệu về khoản ghi có và các chính sách thu tiền của công ty.

Hãy bảo đảm công ty loại bỏ ngay những khoản không thể thu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.