Chuyện Người Tuỳ Nữ

CHƯƠNG 9: ĐÊM



24
Tôi quay về, theo sảnh sáng leo lắt lên cầu thang êm như ru, lén lút vào phòng. Trong phòng tôi ngồi vào ghế, đèn đã tắt, vẫn nguyên áo đỏ, móc khuy gài đủ. Người ta chỉ suy nghĩ sáng sủa khi mặc đủ quần áo.
Cái tôi cần là phối cảnh. Ảo giác về chiều sâu, có được nhờ bố cục, những hình dạng xếp đặt trên mặt phẳng. Phối cảnh cực kỳ cần thiết. Bằng không sẽ chỉ có hai chiều. Bằng không người ta sẽ sống áp mặt bẹp gí vào tường, mọi thứ bày trên tiền cảnh to đùng, toàn tiểu tiết, cận cảnh, tóc tai, thớ sợi ga giường, từng phân tử mặt. Da trở thành địa đồ, một sơ đồ vô tích sự, chi chít đường ngang dọc tí xíu chẳng đi tới đâu. Bằng không người ta sẽ sống trong khoảnh khắc hiện tại. Là nơi tôi không muốn ở.
Nhưng là nơi tôi đang ở, chẳng cách nào thoát được. Thời gian đánh bẫy, tôi kẹt bên trong. Tôi phải quên đi cái tên bí mật cũng như toàn bộ những gì đã có. Tên tôi giờ là Offred, và nơi tôi sống là đây.
Sống trong hiện tại, khai thác triệt để đi, đấy là tất cả những gì cô còn lại.
Đến lúc kiểm kê rồi.
Tôi ba mươi ba tuổi. Tóc màu nâu. Cao một mét bảy nếu đi chân không. Tôi không nhớ nổi trước mình trông ra sao. Tôi có buồng trứng còn hoạt động. Tôi còn một lượt này.
Nhưng có điều đã thay đổi, bây giờ, đêm nay. Hoàn cảnh đã khác.
Tôi có thể đòi hỏi gì đó. Chắc không nhiều, nhưng cũng là gì đó.
Đàn ông chỉ là khí cụ giao phối, dì Lydia bảo, thế thôi không hơn. Họ chỉ muốn có mỗi điều. Các cô phải tập thao túng họ, vì lợi ích chính mình. Phải nắm lấy mũi họ mà dắt họ; đây là hình ảnh ví von thôi. Tự nhiên vốn thế. Chúa bày ra thế. Đời là như vậy.
Dì Lydia không hẳn nói thế, nhưng nó náu trong mỗi điều dì nói hẳn ra. Nó lửng lơ trên đầu dì, như tiêu ngữ vàng trên đầu các thánh, hồi kỳ còn bóng tối. Cũng như họ, dì toàn xương là xương, phi xác thịt.
Nhưng làm sao xếp Chủ soái vào công thức ấy, một Chủ soái ngồi trong phòng sách, với trò sắp chữ và nỗi khao khát, khao khát gì? Được có người chơi cùng, được hôn êm ái, như là tôi muốn vậy.
Tôi biết cần nghiêm túc xem xét nó, cái khao khát này. Nó có thể rất quan trọng, nó có thể là vé đi, nó có thể là đất chết của tôi. Tôi cần thành khẩn nghĩ về nó, cần cân nhắc nó. Nhưng dù tôi cố đến đâu, khi ngồi đây trong bóng tối, khung cửa sổ sáng lên vì ánh đèn pha, từ ngoài, qua đôi rèm mỏng tang như váy cô dâu, như da thịt ma, bàn tay nắm lấy bàn tay, người hơi lắc lư tới trước, dù tôi cố đến đâu nó cũng có vẻ khôi hài vô tả.
Ông ta muốn tôi chơi Scrabble cùng, và hôn ông như là tôi muốn vậy.
Đây là một trong những chuyện lạ đời nhất tôi từng gặp, từ cha sinh mẹ đẻ.
Tất cả đều do bối cảnh.
Tôi còn nhớ đã xem một chương trình ti vi; phát lại, nguyên gốc từ nhiều năm trước. Tôi độ bảy hay tám tuổi, xem chưa hiểu. Chương trình thuộc loại mẹ tôi vẫn ưa: kể chuyện lịch sử, có tính giáo dục. Sau mẹ cố giải thích cho tôi, rằng mọi chuyện đó đều đã xảy ra ngoài đời thực, nhưng với tôi đấy vẫn chỉ là một câu chuyện. Tôi nghĩ đã có người bịa ra. Chắc mọi trẻ con đều nghĩ thế, về toàn bộ lịch sử trước khi chúng có trên đời. Nếu chỉ là câu chuyện, sẽ đỡ đáng sợ hơn.
Đó là phim tư liệu, về một cuộc chiến tranh xưa. Người ta phỏng vấn rất nhiều người xen với những đoạn phim đương thời, màu đen trắng, và ảnh chụp. Tôi không nhớ nhiều, nhưng vẫn nhớ chất lượng hình ảnh thế nào, mọi thứ hình như phủ một lớp bụi nắng, và bóng đen dưới lông mày hay trên gò má mới tối làm sao.
Các đoạn phỏng vấn chứng nhân còn sống đều là phim màu. Tôi nhớ nhất người đàn bà từng là tình nhân viên quản đốc một trại chứa người Do thái, trước khi đem giết họ. Bằng cách bỏ lò, mẹ tôi cho biết; nhưng trong phim không quay những cái lò, nên tôi cứ lầm lẫn đoán rằng họ đã lìa đời trong bếp. Ý tưởng ấy đặc biệt kinh khiếp đối với trẻ con. Lò là để nấu, và nấu là để ăn. Tôi ngỡ những người ấy đã bị đem ăn. Mà mặt nào đó tôi nghĩ cũng là vậy.
Theo lời kể, người đàn ông vốn rất dữ tợn và tàn bạo. Bà tình nhân – mẹ tôi có giải thích từ tình nhân, mẹ không tin nên kể chuyện cổ tích cho trẻ con, tôi có một cuốn sách tranh ba chiều mô tả cơ quan sinh dục từ khi lên bốn – bà tình nhân một thời từng rất đẹp. Có một tấm ảnh đen trắng chụp bà ta và một bà khác, mặc đồ tắm hai mảnh, đi giày đế bục và đội mũ hoa rộng vành, thời trang những năm ấy; họ mang kính mắt mèo ngồi ghế bố cạnh hồ bơi. Hồ bơi ở bên nhà họ, nghĩa là rất gần trại có lò. Người đàn bà nói mình không nhận thấy có gì bất thường lắm. Bà ta phủ nhận có biết về mấy cái lò.
Tại thời điểm phỏng vấn, bốn hay năm chục năm sau, bà đang mắc bệnh khí thũng giai đoạn cuối. Bà ho rất nhiều, và gầy rạc, gần như da bọc xương, nhưng vẫn rất tự hào về diện mạo mình. (Xem xem, mẹ tôi bảo, nửa làu nhàu, nửa thán phục. Bà ta vẫn tự hào về diện mạo mình.) Bà trang điểm rất kỹ, mi quét dày mascara, gò má đánh sáp hồng, lớp da má căng ra như găng cao su kéo chặt. Bà đeo ngọc trai.
Ông ấy không phải quỷ, bà nói. Người ta bảo ông ấy là con quỷ, nhưng đâu có phải.
Không hiểu liệu bà đã nghĩ gì? Không nhiều lắm, tôi nghĩ; hồi ấy thì không, lúc ấy thì không. Bà đã nghĩ làm sao để không phải nghĩ. Một thời đại dị hình. Bà tự hào về diện mạo mình. Bà không tin ông ta là quỷ. Ông ta không phải quỷ, trước mắt bà. Hắn ông ta đã có nhiều nét đáng yêu: ông thường huýt sáo, lạc điệu, trong buồng tắm, ông suốt ngày nhí nhách kẹo viên sô cô la, ông gọi chó là Liebchen, em cưng, và bắt nó ngồi hai chân sau mới thưởng những miếng thịt sống. Quá sức dễ dàng bịa ra nhân tính, cho bất kỳ ai trên đời. Cám dỗ ngay trong tầm tay. Chỉ là đứa bé to xác, chắc bà đã nhủ mình vậy. Trái tim bà đã mềm đi, bà đã vuốt ngược tóc trên trán ông ra sau, hôn vào tai ông, không phải chỉ để moi gì đó từ ông. Bản năng muốn xoa dịu, muốn mọi sự tốt đẹp hơn. Ngoan nào, bà chắc đã nói, khi ông vừa tỉnh cơn ác mộng. Anh phải chịu đựng nhiều biết bao. Bà đã tin tất cả những điều đó, vì nếu không làm sao sống tiếp? Bà cũng chỉ là người thường, dù với nhan sắc ấy. Bà tin vào phép tắc, bà rất dịu dàng với cô hầu Do thái, ít ra cũng khá dịu dàng, dịu dàng hơn cần thiết.
Vài ngày sau khi ghi băng phỏng vấn, bà đã tự tử. Người ta nói thế, ngay trên ti vi.
Không ai hỏi bà có từng yêu ông ta hay không.
Tôi bây giờ, nhớ kỹ nhất là cách bà trang điểm.
Tôi đứng dậy, trong bóng tối, bắt đầu cởi khuy. Rồi tôi nghe ra gì đó, trong cơ thể mình. Tôi đã vỡ, có gì vừa nứt rạn, không nghi ngờ gì nữa. Tiếng động đang dâng lên, đang thoát ra, từ nơi vừa vỡ, trên mặt tôi. Không hề báo trước: tôi đâu có nghĩ về đây hoặc đó hay một nơi nào khác. Nếu để tiếng động thoát ra không trung nó sẽ biến thành tiếng cười, quá lớn, quá nhiều, chắc chắn sẽ có ai nghe thấy, và rồi tiếng chân hối hả và mệnh lệnh và gì nữa ai biết được. Phán quyết: cảm xúc không phù hợp với tình hình. Dạ con đi lạc, họ từng coi thế. Chứng hysteria. Và rồi mũi tiêm, liều thuốc. Có thể mất mạng.
Tôi bịt cả hai tay lên miệng như sắp nôn, quỳ sụp xuống sàn, tiếng cười sôi lục bục như dung nham trong cổ. Tôi bò vào tủ, ngồi thu lu, tôi đến chết ngạt mất. Mạng sườn đau nhức vì cố nén, tôi rung lên, tôi phì phò, động đất, núi lửa, tôi sắp nổ. Đỏ tung tóe khắp tủ, vui vẻ vần với đau đẻ, chao ôi chết vì cười.
Tôi bít nó vào nếp áo choàng đang treo, nhắm tịt mắt, ngăn nước mắt ứa ra, cố soạn sửa mình.
Một lúc sau nó hết, như cơn động kinh. Còn lại tôi trong ngăn tủ. Nolite te bastardes carborundorum. Trong bóng tối tôi không nhìn thấy, nhưng đưa những đầu ngón tay lần theo vết khắc li ti, như làn chữ nổi Braille. Giờ câu đó vang lên trong đầu tôi không còn như lời nguyện, mà như mệnh lệnh; nhưng phải làm gì? Đằng nào với tôi cũng vô dụng thôi, dòng chữ tượng hình cổ đại đã mất lời giải mã. Cô ta viết làm gì, mất công vậy làm gì? Chẳng có lối nào ra khỏi đây.
Tôi nằm trên sàn, thở dốc, rồi ghìm lại, cân bằng nhịp thở, như trong giờ Thể dục, chuẩn bị sinh. Chỉ còn nghe được tiếng tim mình, mở rồi khép, mở rồi khép, mở.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.