Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại
6. TỪ THAM LAM, NÔNG NỔI, ĐẾN CÀN RỠ BẤT LƯƠNG
Cuối tháng 5 đầu tháng 6.2007 có tin: ngành sản xuất chè ở Mộc Châu bị một cái “nạn” bất ngờ là nạn chè vàng. Nhiều người từ đâu đến rủ rê dân bán chè, bán cả chè chưa thành chè, cả cành cả ngọn. Họ thu gom không chỉ là chè khô mà cả búp chè tươi, chè héo và dụng cụ chế biến thô của Việt Nam mang về chế biến. Chè cũng chẳng cần phân loại phẩm cấp (búp thường dài 10-12cm, 5-7 lá, thu hái bằng dụng cụ dao/ liềm, phơi nắng ngoài đường). Thế nào cũng được! Mục đích của họ là cốt làm cho dân địa phương ham lợi tự tàn phá vườn chè mình, được ít tiền chạy lăng nhăng, sau đó rơi vào cảnh thất nghiệp. Một bài viết trên báo đặt cái tít vui vui Vàng mặt vì chè vàng (có người bảo tôi chữ vàng ở đây không phải quý báu mà là tệ hại, giống như nhạc vàng – không biết có phải?).
Từ các tỉnh phía Bắc, cơn “lốc” thu mua chè vàng còn ào ạt vào tận vùng chè Lâm Đồng. Nhiều thương nhân xuống tận các cơ sở thu gom chè xanh, phơi nắng lẫn cả đất, đá, tro, bụi rồi đem bán. Ồn ào một hồi mọi người mới sững người ra. Bị khai thác cạn kiệt rồi chè sẽ hỏng. Ai cũng hình dung ra mà chả ai đừng được. Vụ chè vàng vừa qua đi thì đến trung tuần tháng 8 năm ấy lại chuyện một số cây sưa ở Hà Nội bị chặt phá. Gỗ sưa theo các nhà chuyên môn là loại gỗ quý, trên thị trường giá tới 1,5 triệu một kg, một cây chặt ra mang bán hàng tỉ. Mà cây lại đang nằm vô tư ở các công viên cây xanh. Thế là các ông quản lý công viên văn hóa Đống Đa Hà Nội gật đầu cho đám dân buôn thuê người vào xẻ thịt một cây có đường kính tới 45cm. Một đêm là xong. Một bài báo nêu rõ trong việc này chính thủ trưởng Ban quản lý công viên chỉ đạo từ A đến Z!
Tin các báo đưa ngày 25.8.2007: ngôi mộ Nguyễn Tri Phương ở ngoại ô thành phố Huế bị đào bới. Đây là ngôi mộ một danh tướng thời Nguyễn. Mộ có tới 134 năm tuổi.
Mấy sự việc này có chỗ giống nhau. Việc chặt hại những cây sưa cho thấy thói quen sống của nhiều người đương thời tối mắt vì những cái lợi trước mắt, bất thấp lương tri bình thường, bất chấp pháp luật. Việc đào mộ lại còn đi xa hơn nữa. Ở đây người ta không còn coi cái gì là thiêng liêng. Tôi nhớ thuở nhỏ nghe ở phố xá dân buôn chỏng lỏn của nhau:
– Rắc cho nó mấy đồng thì bảo đào mả tổ tiên nhà nó lên, nó cũng đào! Nghe có vẻ như một lời thậm xưng, một thứ ngoa ngoắt, nói cho sướng mõm, chứ làm sao có loại người đốn mạt vậy. Hóa ra điều tưởng tượng của người xưa đến hôm nay đã thành sự thực.
So với hai việc trên, cái sự dân rủ nhau phá cả vườn chè mang bán có cái gì nhẹ nhàng hơn, dễ thông cảm hơn nhưng không phải không đáng buồn. Ở đây có cái nông nổi ham lợi trước mắt, không nghĩ tới việc làm ăn lâu dài; có cái thói bất cần đời, cốt có mấy đồng tiêu cho sướng cái đã, mai đói lại lo sau; có cái sự ỷ lại đã thành thói quen, một khi mình khổ quá, thì xã hội với nhà nước cũng chẳng bỏ được mình; có cái mơ hồ về tương lai, chắc khá lắm thì đời mình cũng chỉ là xây được cái nhà mua được cái xe là cùng, cái số đã vậy, “chạy trời không khỏi nắng”, chẳng bao giờ sướng được hơn, vậy việc gì phải bó mồm bó miệng, tưng hê cho nó đã.
Nghe nói nguồn gốc của hai vụ chè vàng và chặt gỗ sưa có chỗ giống nhau. Là do có nhu cầu người ngoài người ta muốn nhập, nên họ đặt hàng và dân mình cứ thế mà làm theo, không phân vân gì.
Ngồi mà oán người ta độc ác xúi mình làm điều dại đột ư? Không, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Tại ta trước hết. Thế còn thử giải thích nguyên nhân tại sao ư? Bộ máy quản lý kém cỏi, trông nom không xuể? Sự giáo dục sáo mòn vô bổ? Đối diện với tình trạng tham nhũng tràn lan, người dân và những cán bộ cấp thấp trở nên bất cần tha hồ làm liều? Nói thế nào cũng có lý.
Từ chiến tranh bước ra, say sưa trong việc kiếm sống, con người Việt Nam hôm nay là những con người hành động. Nhiều người cảm thấy mình có quyền làm bất cứ việc gì, miễn tồn tại. Chỉ có những việc người ta chưa làm được, chứ không có những việc không được làm.
Nhưng với nhân loại hiện đại, mọi việc không đơn giản vậy. Bên phương Tây, từ lâu, các nhà triết học bảo rằng chỉ khi cảm thấy Chúa đã chết rơi vào hư vô thì con người mới tự ban cho mình cái quyền tự do tuyệt đối kiểu ấy. Và người ta tìm cách ngăn chặn, để kéo con người trở lại với tinh thần nhân văn vốn có.
Gần gụi hơn là quan niệm xử thế của phương Đông. Trong một cuốn sách ghi lại những câu châm ngôn nổi tiếng của các nhà nho (Nho gia châm ngôn lục), tôi mới nhặt được một câu đại ý muốn đánh giá một người không đủ căn cứ vào việc xem lúc giàu có, người đó thường bố thí cho những người khác thế nào; mà còn phải xem xem “lúc cùng khốn người đó thường từ chối không làm những việc gì”. Vậy là cũng xuất phát từ yêu cầu cao với con người để đặt vấn đề giữ hành động trong chừng mực.
Chuyện tưởng như đâu đâu, nhưng nghe ra áp dụng ngay cho dân mình…
cũng được.
Nên chú ý thêm cái sự nông nổi như vụ chè vàng lại diễn ra thành cả phong trào của nhiều làng xã.
Chúng ta quen nghĩ quần chúng thì không thể sai lầm, tập thể thì bao giờ cũng sáng suốt, hóa ra không hẳn vậy.
Trước mắt tôi là cuốn sách Tâm lý đám đông của nhà tâm lý học người Pháp Gustave le Bon (1841-1931), mới được Nhà xuất bản Tri Thức cho dịch năm 2006. Đại ý tác giả viết rằng trong đám đông, con người hành động theo chiều bất định của các mối kích thích. Cá nhân có thể dùng lý trí để khống chế được những gì ngẫu nhiên bột phát trong mình, đám đông thì không. Trong quần chúng thấy hàm chứa những phẩm chất trái ngược nhau, một đám đông ô hợp có thể rất hào hiệp nhưng cũng rất tàn ác, có thể sáng suốt đấy mà cũng khiếp hèn dại dột ngay đấy. Vụ chè vàng nói ở đây chẳng phải là một dẫn chứng rất đắt cho những nhận định đó?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.