Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại

14. NGHĨ MÌNH CÔNG ÍT TỘI NHIỀU



Chiến tranh cần đến sự có mặt của người văn nghệ sĩ ngay ở chiến trường. Bởi vậy từ hồi ấy, giới văn nghệ chúng tôi có thói quen tôn vinh những người làm nghề dám có mặt ngay bên cạnh người lính để viết. Bất kể tác phẩm của họ chất lượng ra sao, riêng sự ra đời của chúng đã được xem như những chiến công. Và chúng tôi dành cho cả người lẫn tác phẩm loại đó đủ thứ ưu ái, kể cả những danh hiệu cùng những phần thưởng sang trọng.

Trong chiến tranh làm vậy có thể là đúng. Nhưng trượt dài theo thói quen, chúng tôi kéo nó sang cả thời bình. Các sáng tác được bình giá nhiều khi không phải do chất lượng mà do người viết ra nó có vị trí ra sao trong giới. Từ đó tạo ra một sự hỗn loạn về giá trị. Cũng từ đó muốn hay không muốn trong tâm lý nhiều người làm nghề nảy sinh một xu hướng dễ dãi, không chịu khổ công lao động nghệ thuật mà chỉ cốt lo tạo cho mình những uy tín hão. Thậm chí một số cố bám vào những công trạng hôm qua để hạch sách và đòi hỏi. Bề nào mà xét cũng phải nhận lúc này, đóng góp hôm qua đã trở thành vật cản níu kéo người ta lại.

Một trong những chi tiết gây bất bình trong vụ án sơ thẩm xử quan chức “ăn đất” ở Đồ Sơn: ông X. giám đốc Sở tài nguyên và môi trường thành phố, một trong những người chủ trì vụ này được cấp ủy và ủy ban đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm. Lý do được gói gọn trong mấy chữ đại ý ông vẫn là người có công trong hoạt động ở địa phương từ trước tới nay.

Đã bao nhiêu lần tôi thấy cách tòa án các cấp giảm nhẹ tội cho những viên chức có lỗi theo lý do tương tự. Xét vì họ lớn lên trong một gia đình có truyền thông… Hoặc, xét vì vốn có nhiều đóng góp… rồi án nặng trở thành nhẹ – tiêu phí của nhà nước và mang về cho vợ con tiền tỷ, lúc bị phanh phui, cũng dễ dàng được tha bổng.

Về tình mà xét thì trong những trường hợp này có thể không ai cãi được. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý dân tộc. Nhưng có phải có ít công hôm qua rồi hôm nay muốn làm gì thì làm? Đã rõ là trong trường hợp này, người ta đem công lao làm quân tẩy để vô hiệu hóa luật pháp, cố tình không đếm xỉa đến sự đổi thay trong hoàn cảnh, và lấy hiện tại làm vật hy sinh cho quá khứ.

Cái khó ở đây bắt nguồn từ một lối ứng xử phổ biến của xã hội. Anh có công ư? Trước mắt đất nước còn nghèo chưa tính hết đóng góp cho anh được. Thôi chỉ còn có ít chức vụ đi kèm với những quyền hành. Ở đấy anh có thể có đóng góp thêm, rồi “khéo làm thì no khéo co thì ấm “, anh liệu mà tìm cách tự bồi dưỡng (!).

Nhưng như thế là gì nếu không phải là đẩy người có công hôm qua vào chỗ lộng quyền và cho người ta lý do để tự biện hộ cho mình khi sa vào vũng bùn tội lỗi.

Ca dao xưa “Ăn mày là ai ăn mày là ta – Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Tôi muốn sử dụng thêm cả bút pháp của Bút Tre để nhại thành Tham nhùng (nhũng) là ai, tham nhùng là ta Cậy công cậy thế hóa ra tham nhùng.

Truyện Kiều từng làm đau lòng bao người bởi cái kết cục thê thảm. Trong cơn nhớ quê, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Rồi Hồ Tôn Hiến phản bội và Từ chết giữa trận tiền. Chứng kiến cái chết của Từ, Kiều đau lòng tự trách mình rất nhiều. Lúc tỉnh táo nhất cũng là lúc nàng sòng phẳng tự đánh giá “Nghĩ mình công ít tội nhiều”.

Hơn hai trăm năm đã qua mà nhiều người từng vào sinh ra tử hiện nay không có nổi cái tự nhận thức sâu sắc đó thì còn làm ăn gì nữa!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.