Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại

27. HỘI NHẬP GIỮA ĐỜI THƯỜNG



Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng kể, hồi kháng chiến chống Pháp, có lần Xuân Diệu đến trường văn nghệ các anh nói chuyện thời sự:

– Các đồng chí biết bên ấy chúng nó mặc quần áo bằng gì không? Bằng ny lông! Quần áo ny-lông.

Bùi Ngọc Tấn và bè bạn ngồi nghe hết sức xúc động. Họ nghĩ: Thật là một lũ điên loạn trụy lạc. Mặc quần áo như vậy có khác gì cởi truồng.

Xuân Diệu bồi thêm – vẫn theo Bùi Ngọc Tấn trong Một thời đề mất:

– Còn quần áo may bằng vải thường các đồng chí có biết nó in gì lên đấy không? Không phải in hoa! Nó in cả một tờ Nữu ước thời báo với đầy đủ ảnh, măng sét, tít lớn tít nhỏ tin ngắn tin dài lên mặt vải. Còn tổng thống ở bên Mỹ hết nhiệm kỳ không còn làm tổng thống nữa các đồng chí có biết nó đi làm gì không? Đi quảng cáo cho các hãng buôn kiếm tiền!

Và phản ứng lần này của người nghe như Bùi Ngọc Tấn là “Chúng tôi lại ồ lên. Cái bọn người quái đản ấy cần được cải tạo”

Nhắc lại những chuyện này để thấy những ngày xưa chúng ta quá ấu trĩ và ngày nay đã hiểu biết thêm rất nhiều.

Thế nhưng cũng phải nhận rằng tình trạng ngây thơ hôm qua, dưới những hình thức khi tinh vi hơn khi thô thiển hơn, còn kéo khá dài, không phải dù trong thời kỳ từ 1954 trở về trước mà tới cả thời gian 1965 – 1975 ở miền Bắc và sau 1975 trên phạm vi toàn quốc.

Những chuyển biến hôm nay – những biến chuyển mà công cuộc hội nhập diễn ra hai chục năm nay và được đánh dấu bằng việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO mang lại – do vậy nổi lên như một bước ngoặt trong tâm trí mỗi người bình thường. Theo tôi phải xem đây như một nét mới của người Việt hiện đại.

Một lần vào mùa hè, tôi ra đường Hàm Long ở Hà Nội chọn mua cho gia đình mấy cái ghế loại nửa nằm nửa ngồi. Người bán hàng chỉ vào một dãy ghế ngổn ngang, nói với tôi:

– Cái thứ khung nhôm và thân đan bằng sợi nhựa kia là ta mới học theo kiểu nước ngoài. Nhưng chính đám mấy người Âu họ lại thích thứ hàng thuần gỗ này hơn.

Trong một lời chào hàng như thế, tôi nhận ra một điều: nay là lúc cái gì người ta cũng tính tới các tiêu chuẩn nước ngoài. Tốp thanh niên nọ hết truyền tay nhau các băng nhạc lại ngồi bàn nhau các mốt quần áo mới. Các ông già bà già rủ nhau đi du lịch. Phong trào viết blog lan sang đến đám thiếu niên 13-14. Một lần về chợ Vinh tôi thấy người ta bày bán cả cuốn hồi ký của Beckham như bán đôi giày, cái mũ.

Từ chuyện làm ăn kinh tế xuất khẩu, nhập khẩu sang chuyện sinh hoạt đời thường, hội nhập đang diễn ra theo quy trình phổ biến như thế.

Và từ sinh hoạt đời thường, sẽ ngấm cả sang cách nói cách nghĩ, quan niệm chung về đời sống nữa.

Trong tâm trí nhiều người, Hoài Thanh chỉ là nhà phê bình gọi ra phong cách của nhiều tác giả, nhất là những người trong phong trào Thơ mới. Cũng như nhiều người, lúc trẻ, tôi từng thuộc lòng mấy câu “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ. Ta phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư. Ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép tình yêu không bền, điên ruồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ, ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.

Song giờ đây với tôi, Hoài Thanh trước tiên là một nhà nghiên cứu văn hóa sâu sắc, nhất là khi khắc họa cái phần giao thoa – ảnh hưởng – tiếp nhận của văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ XX.

Đây là một đoạn trong bài Một thời đại trong thi ca ghi lại cái tình trạng nhân thế của xã hội Việt Nam hồi ấy: “Chúng ta ở nhà Tây đội mũ Tây đi giày Tây mặc áo Tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp. Nói làm sao cho xiết những thay đổi về vật chất phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta”.

Nếu thay mấy chữ đồng hồ, ô tô, xe lửa… nói trên bằng ti vi, tủ lạnh, mobile, email, thị trường chứng khoán, quota xuất khẩu v.v… thì thấy sự chuyển biến ngày nay có khác gì ngày xưa?

Bởi vậy chúng ta hoàn toàn có thể kết luận như Hoài Thanh rằng “Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước”.

Từ những chi tiết bé nhỏ, lặt vặt, tác giả Thi nhân Việt Nam 1932-1941 đi tới những khái quát mà đọc chểnh mảng thì thôi, chứ đọc chăm chú hẳn ta phải giật mình “Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy nó thay đổi cả quan niệm của phương Đông…
Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong tâm hồn ta.”

Liệu ai có thể cả quyết rằng những biến động mà Hoài Thanh đã ghi nhận ấy không phải là đang đến với chúng ta hôm nay?

Tuy nhiên, ngay ở đây phải nhận một điều: không phải muốn tiếp thu có nghĩa là đã biết tiếp thu. Đang phổ biến một thứ bệnh mà người ta gọi nó bằng nhiều cái tên: học mót, học lỏm, đua đòi, bắt chước không phải lối, người ác khẩu một chút thì gọi là rửng mỡ, đú đởn, mất nết, giẫm phải phân người khác.

Với người ít được tiếp xúc thì sự choáng ngợp trước những cái lạ không phải là một cái gì khó hiểu.

Một người bạn Nga của tôi mới sang Việt Nam kể, bên ấy cũng đang thịnh hành cái mốt bắt chước phương Tây lố bịch lắm. Bởi không tiêu hóa được nguyên mẫu nên bê nguyên xi cách làm của người ta, rồi không làm nổi, sinh ra nửa đời nửa đoạn trông rất buồn cười.
Đến một nước có nền văn hóa lớn như Nga mà bệnh học đòi cũng không tránh khỏi, nữa là người mình.

Có điều cùng với thời gian, rồi cái hay cái dở sẽ được sàng lọc. Muốn bắt chước tức còn muốn tự mình khác đi.

Bắt chước một cám lố bịch chẳng qua là bản lĩnh ta còn non nớt quá. Dẫu sao còn hơn đóng cửa cam phận nghèo hèn mãi mãi rồi lại tự lừa hành tự cho là mình hoàn chỉnh rồi, mình hay ho tuyệt vời lắm, thiên hạ không ai ra gì và không cần ngó ngàng đến ai cả.

Hội nhập để làm giàu, hội nhập để “vươn ra biển lớn”, nhưng hội nhập cũng là để làm cho mình khác đi, làm cho mình tốt đẹp hơn, sang trọng hơn, hòa hợp hơn với thế giới hiện đại.

Muốn hội nhập không đủ, mà còn phải luôn luôn trao đổi bàn bạc với nhau để tìm ra cách hội nhập phù hợp với chính mình, hội nhập một cách tối ưu.

Tự động tự phát hội nhập là việc của những người dân thường. Nghiên cứu và giúp xã hội có định hướng đúng đắn trong hội nhập là điều người ta trông chờ ở các nhà hoạt động văn hóa, các trí thức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.