Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại

25. ĂN LẬN VÀO TƯƠNG LAI CỦA CON CHÁU!



Nhân đi tập thể dục, tôi thường kiêm thêm việc mua quà sáng cho cả nhà (các thứ bánh mì, xôi, khoai sắn…). Chợt một lần, nẩy ra cái ý định vui vui là thử đếm số túi ny lông mà chỉ một buổi sáng thôi, gia đình tôi mang từ chợ về. Khoảng độ một chục chiếc, vâng, không bao nhiêu. Cố nhiên là sau khi lấy thức ăn ra, tất cả đã được vợ tôi vo viên vút vào thùng rác. Nhưng mãi mà không quen, nhiều lần tôi vẫn cứ nẩy ra cái ý nghĩ mà nhiều người cho là kỳ quặc. Câu hỏi tôi tự đặt ra đơn giản như sau: Riêng buổi sáng nhà mình đã vứt độ một chục chiếc. Vậy cả ngày, nhà mình đóng góp cho môi trường bao nhiêu túi? Và cả cái phường mình ở, cả cái thành phố này, mỗi ngày góp cho lòng đất thủ đô bao nhiêu mét khối, bao nhiêu tấn cái nhân tố tàn hại ấy – bảo là tàn hại vì dù được chôn, nó rất khó phân hủy, nên sẽ làm hỏng môi trường, làm hại đất đai cho đến vài chục năm hoặc kéo dài hơn nữa.
Từ lâu, đã nghe nói là các nước họ có chính sách bảo vệ môi trường rất ghê. Họ buộc mọi người phân loại rác ra làm hai thứ riêng. Thứ rác hữu cơ, dồn lại làm phân bón. Rác từ các hóa chất thì đưa vào máy móc xử lý. Riêng các thứ túi ny lông, họ chỉ cho sản xuất thứ dễ phân hủy, giá thành có đội lên nhiều lần, nhưng đấy là chính sách cần thiết để người dân đừng phóng tay dùng nó một cách vô tội vạ (ngoài ra không còn biện pháp nào khác).

Nghe thấy hay quá. Nhưng không biết bao giờ nước mình học theo được! Không cần là người trong cuộc mà chỉ qua đồn đại thì cũng biết rằng nước mình có cách “nối ruột “với thế giới rất độc đáo. Những loại ô tô mới đắt tiền. Các loại mỹ phẩm. Các loại rượu quý. Ngay cả thức ăn và các loại thuốc cũng vậy. Thời buổi hội nhập, cái gì thế giới họ có, mình cũng có khá nhanh. Hễ có nhu cầu thì có người tìm ngay phương thức thỏa mãn. Nhưng cũng có những thứ sao khó học đến vậy. Như là cách làm ăn nghiêm túc, bảo đảm quy trình và chất lượng. Như là tinh thần tự trọng và hết mình với việc công của các quan chức. Như là thái độ sống ngoan ngoãn, lịch sự mà vẫn hiện đại của lớp trẻ… Thậm chí như là cách đối xử với rác tôi nói ở đây. Tóm tắt một câu: cái tử tế khó vào; cái hư hỏng thì đến tự nhiên và cắm rễ cũng một cách tự nhiên, như là chính ta phát minh ra vậy.
Có mấy hiện tượng dạo này thấy nói nhiều trên mặt báo. Các khu rừng đầu nguồn bị phá hoại. Tình trạng khai thác bừa bãi diễn ra ngay ở các mỏ lớn như mỏ cơ-rôm ở Thanh Hóa, mỏ sắt ở Trại Cau, Thái Nguyên. Nhiều mỏ đồng mỏ than nhỏ ở các vùng xa được dân thổ phỉ ngày đêm đeo bám “tùng xẻo”. Tình trạng thương mại hóa lễ hội khiến cho đền chùa miếu mạo biến dạng rõ rệt. Việc công nhận Hạ Long là Khu di sản thiên nhiên thế giới có thể bị thu hồi, bởi vì để đủ các loại ô nhiễm xuất hiện.
Cũng giống như chuyện rác, đó đều là các vấn đề liên quan tới môi trường. Khốn nỗi, những gì có dính dáng tới môi trường cũng tức là dính tới tương lai, người dân thường ở ta chỉ nói miệng thôi, chứ ít chú ý lắm. Nhân danh việc kiếm sống thiêng liêng, thôi thì không hành động bừa bãi nào người ta không dám làm! Nhìn vào cách phá rừng, cách nuôi tôm, cách khai thác di sản văn hóa… hiện nay, hoàn toàn có thể nói là trong “cơn điên” lo làm sang làm giàu, ta đang ăn lận cả vào tương lai của con cháu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.