Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại

12. BẾ TẮC NÊN SINH CỜ BẠC



Người dân mình có tiền thì làm gì? Thời tiền chiến, Nam Cao từng trả lời câu hỏi đó trong truyện ngắn Thôi, đi về. Câu chuyện xoay quanh việc một anh đi vác cửi thuê được đồng bạc. Đầu tiên là lo cái gì đổ vào mồm, và cái công thức được chấp nhận ngay là… bún thịt chó. Tiếp đó là, là… đánh bạc, đánh để thua mất toi luôn đồng bạc vừa kiếm (vì thế mà thiên truyện mới có cái tên rất “yếu” là Thôi đi về, nó như một tiếng thở dài bất lực).

Cách tiêu tiền của con người đầu thế kỷ XX vậy là chẳng khác gì một số con người hôm nay: cũng chỉ xoay quanh vào việc lo ăn và cờ bạc (có những người vào những ngày tết mua những chậu mai vài trăm triệu hoặc trước đó cá cược bóng đá 1,8 triệu đôla). Cái thói vung tiền ấy – thoạt nhìn là vô thưởng vô phạt hoặc một phút bốc đồng cần được thông cảm, song đã tố cáo một sự thực: nhiều người chúng ta không làm chủ nổi đời mình. Cái nghèo đeo đuổi lâu quá đến mức trong tiềm thức ta tin không bao giờ ta thoát khỏi nó. Còn sự giàu có thực sự xa lạ với ta đến mức khi có tiền cũng chẳng làm được việc gì, đành tiêu bậy tiêu bạ cho xong. Đằng sau thói vung tay quá trán ấy là một sự bi quan tuyệt đối trước đời sống.

Nếu ở Thôi, đi về nhân vật chỉ dám đùa bỡn với một đồng bạc thì trong Mua nhà, cũng như Từ ngày mẹ chết (hai truyện này có chung đầu mối), một nhân vật của Nam Cao còn dám gọi bán ngôi nhà gia đình y đang ở lấy vài trăm bạc ném vào canh xóc đĩa để rồi sau đó thì con cái ra đường. Trước mắt chúng ta là một nhân cách tha hóa, ở đó không chỉ có con người cay cú, con người liều lĩnh, mà còn có con người sống như mơ ngủ, tự mình lừa mình (cho rằng chỉ vì không trường vốn nên không gỡ được bạc), con người vô trách nhiệm với gia đình vợ con, và bao trùm hơn hết là con người lao đầu vào chỗ chết, con người mê muội.

Các nhân vật trong tiểu thuyết Sống mòn cũng thường được miêu tả trong quan hệ với cờ bạc. Từ Hà Nội mỗi lần nhớ về quê, Thứ canh cánh lo vợ mình ở nhà đánh bạc. Có lần Thứ choáng váng khi nghe tin đồn Liên (tên người vợ) đi lại với một người khác “chúng thường đánh bạc với nhau, đùa bỡn với nhau”. Tuy rằng sau này không hẳn vậy, nhưng Thứ vẫn bán tin bán nghi bởi một lẽ đơn giản là ở cái làng quê ấy, vượt lên trên sự phân chia tốt xấu theo nghĩa đạo đức thông thường, cờ bạc trở thành một phần đời sống của con người và cả cộng đồng. “Người ta đánh bạc như ma xui”. Không chỉ đàn ông mà cả đàn bà cũng đánh bạc, không đánh thì cho đàn ông tiền để đánh, không chỉ vợ Thứ bị nghi ngờ mà tiếng đồn vợ San đánh bạc cũng không sao dập tắt nổi. Mức độ phổ biến của bài bạc buộc người ta phải nghĩ rằng cộng đồng làng xóm ấy là một đám đông lêu lổng mà từng thành viên thì chưa trưởng thành về nhân cách.

Trong văn học thế giới không thiếu gì các nhân vật đam mê cờ bạc. Riêng một Dostoievski chẳng hạn đã có hẳn một cuốn sách nổi tiếng mang tên Con bạc. Có điều một số nhân vật cờ bạc của các nhà văn lớn thường chỉ là những nhân cách mạnh mẽ, họ lao đầu vào cuộc đỏ đen như một cuộc phiêu lưu tinh thần hoặc qua đó thử thách ý chí của mình. Ngược lại cờ bạc với các nhân vật trong văn học ta phần lớn được miêu tả như là một thói xấu không thể bỏ, nó là một dấu hiệu cho thấy sự tầm thường trong quan niệm về đời sống. Ở Nam Cao cũng vậy, trong đoạn cuối câu chuyện của kẻ bán nhà để gỡ bạc, Nam Cao để cho bà mẹ vợ của người đàn ông làm cái hành động ngu muội ấy than thở với các cháu “Bố chúng mày không ra giống người…”. Đằng sau cái câu khái quát đơn giản đến rợn người, dường như nhà văn muốn nói rằng ở một cá nhân cũng vậy mà ở một cộng đồng cũng vậy những thói hư tật xấu nho nhỏ có thể tồn tại vì thật ra nó biểu hiện cả một trình độ làm người và một triết lý sống đã bền vững.

Trong lịch sử Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1859) là một nhân vật nổi tiếng không những vì chí nam nhi cao cả và tài kinh bang tế thế hơn người mà còn như một đệ tử của chủ nghĩa hưởng lạc. Điều thú vị là ông luôn luôn tìm ra lý lẽ để biện hộ. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ từng dựng lại mô hình của quá trình suy nghĩ ở ông “Thuở hàn vi, ông hưởng nhàn, lý trí ông khuyến khích vì cho rằng chỉ là một sự tạm thời. Thời ra làm quan, hoạt động vất vả, ông tìm cơ hội hành lạc để giải lao: lý trí ông tha thứ. Sau càng hoạt động càng gặp những nỗi trắc trở đau lòng, ông hành lạc để quên đời: lý trí ông đồng lõa. Đến lúc về hưu, ra khỏi một trường ác mộng, ông bám lấy nhà lạc như một lẽ sống duy nhất của tuổi già: lý trí ông đầu hàng”. Trong cái vẻ tầm thường hơn nhiều, các nhân vật đam mê bài bạc của Nam Cao cũng có những lý lẽ tương tự. Đây là tâm sự của anh nông dân trong truyện Thôi, đi về khi rủ nhân vật xưng tôi lao đầu vào cuộc đỏ đen: “Con người ta giàu tự số, nếu làm mà giàu được thì tôi đã giàu ức triệu. Mấy năm về trước tôi cố khiếp làm, ban ngày đi làm thuê cho người ta, tối có trăng lại cuốc vườn nhà ấy thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo”. Một khi cờ bạc được người ta chống chế bằng những lý do có vẻ hư vô yếm thế, nó càng có lý do để tồn tại. Và cái tình trạng làm người thảm hại cứ thế trở thành số phận không thể thoát của những con người lêu lổng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.