Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại
26. QUA TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI MÀ HIỂU THÊM MÌNH
Vào những năm chiến tranh, dân Hà Nội không mấy ai dám mơ tới chuyện được đi nước ngoài, cả đám viết văn cũng vậy. Nên hè 1973 khi nhà thơ Xuân Sách ở tạp chí Văn nghệ Quân đội chúng tôi được xếp một chân trong đoàn Việt Nam đi dự liên hoan thanh niên và sinh viên ở Berlin thì tất cả cơ quan đều ồ lên kinh ngạc. Trở về, ai cũng ướm hỏi người đi xa xem có cảm giác gì lạ. Còn nhớ lúc ấy Xuân Sách dành cho bọn tôi một bất ngờ quá thú vị, khi bảo:
– Ra nước ngoài mới thấy mình thật là người Việt Nam. Ví dụ ư, cứ lâu lâu lại vỗ vào túi quần, chỉ sợ mất cắp. Phải nói là kỳ, vì có người nước nào người ta thế đâu?
Gần đây hơn, một cô diễn viên cũng dành cho người đọc chúng tôi một bất ngờ tương tự, khi trả lời trên mặt báo về cảm tưởng sau một chuyến tham quan nghề nghiệp:
– Diễn viên nước người ta lao động cứ gọi là mửa mật ra. Nhận vai về đọc sách nghiên cứu thể nghiệm đủ điều. Chứ có ai như diễn viên mình, nhiều khi lời thoại cũng không thuộc, ra sân khấu chỉ nhớ mang máng rồi bịa văng mạng. Bấy giờ mới nhớ cái câu ai đó bảo rằng chính ra người mình rất lười.
Ở nhà với nhau, tưởng đó là một nhận xét đầy ác ý của kẻ mất giống. Đến lúc xem người ta tập thì lắc đầu lạy thầy hết.
Tôi tin rằng loại trừ những người xuất cảnh cốt tìm cách đua đòi với Tây trong hưởng thụ, những người đi nước ngoài một cách nghiêm túc thường cũng bàn nhau những chuyện tương tự.
Vả chăng chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần xem cái cách Tây Tàu người ta đến Việt Nam làm việc cũng đã giật mình. Các gia đình có người đi làm cho các hãng nước ngoài hẳn hiểu con em mình kiếm được đồng tiền đâu có dễ.
Chăm chỉ, cầu tiến cầu đổi mới, tôn trọng kỷ luật lao động… bao nhiêu thói quen chúng ta phấn đấu mãi không được, với họ đủ là yêu cầu tối thiểu. Trong khi phải cố thích ứng để kiếm đồng tiền nuôi thân, nhiều lúc người đi làm thuê là chúng ta xót đau, oán trách. Nhưng lúc bình tĩnh ngồi nghĩ, lại cảm thấy nhờ thế được nâng mình lên. Và điều quan trọng nhất, qua cái sự kiếm cơm của thiên hạ, tự nhận ra con người thực của mình. Với từng cá nhân cũng vậy mà với cả xã hội cũng vậy.
Một cơn địa chấn
Đây chính là cái tác động của hội nhập đối với xã hội về mặt văn hóa. Nó giúp chúng ta tự nhận thức về mình tốt hơn, đầy đủ chính xác hơn.
– Thế chẳng nhẽ nếu không tiếp xúc với người thì ta không tự biết được mình? – Có bạn sẽ hỏi.
– Đúng vậy. Ngồi một mình dễ vuốt ve nịnh nọt nhau lắm. Chính các cụ xưa cũng đã bảo “Ở nhà nhất mẹ nhì con – Ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta”.
Nhất là chúng ta vừa qua một thời chinh chiến.
Chiến tranh đòi hỏi tập trung sức người sức của mạnh mẽ cao độ. Sự hạn chế trong tiếp xúc với các nước khác những năm chiến tranh là đúng. Chỉ có điều không nên quên là cũng vì thế, một thời gian dài, tuy đã ra khỏi chiến tranh, song cái thói quen sống một mình ở cả cộng đồng càng được cố kết lại để làm nên nhiều ảo tưởng. Khả năng tự nhận thức lúc ấy bị hạn thế. Ta bằng lòng với mình. Ta ngại thay đổi. Ta thấy chỉ có ta là nhất.
Đạo diễn điện ảnh F.Fellini từng ghi nhận một trạng thái của dân tộc Ý, nó cũng là tình trạng thấy ở nhiều dân tộc khác: “Người ta bảo với chúng tôi rằng chúng tôi là một dân tộc vĩ đại và hạnh phúc nhất. Chúng tôi tin ở điều đó kết cục không còn biết gì về các dân tộc khác, cũng như về bản thân mình”.
Nhưng ở thời đại thông tin, tình trạng đó không thể kéo dài. Xu thế hội nhập đã đến đúng lúc, cả thế giới như ùa vào ta, tạo nên những bỡ ngỡ kỳ lạ. Chưa ai tổng kết một cách đầy đủ, chỉ tự nhủ đó là cả một chấn động lớn. Trải qua cay đắng ngọt bùi, lắm lúc thấy hình như quá hỗn độn quá rắc rối, song chỉ cần lùi ra xa một chút thì cả quá trình tư tưởng đã hiện ngay thành một đồ thị rõ rệt.
Ra khỏi chiến tranh, sau những năm tháng loay hoay hồi phục lại một cuộc sống bình thường, nay đến lúc việc xây dựng đất nước đặt ra nghiêm túc hơn bao giờ hết: Ta là ai? Ta đang ở trong tình trạng như thế nào? Phải trên những yếu tố mới ở đâu? Thế nào là mới? Ta sẽ làm lại chính ta, làm lại xứ sở ta ra sao? Những câu hỏi ấy không đặt riêng ra cho ai mà cho cả xã hội.
Nếu trước kia, khi phải đối mặt với tất cả những vấn đề lớn tầm cỡ như thế, ta chỉ âm thầm tìm về cảm xử lý của ông cha và kinh nghiệm của bản thân trong chiến tranh thì nay ngược lại, hoàn cảnh chung quanh luôn luôn phải được tính tới. Trước khi tiến về một con đường riêng của Việt Nam điều băn khoăn thường trực của ta là Ta có gì khác, có gì giống với các nước khác? Qua người ta hiểu mình ra sao? Ta sẽ áp dụng những kinh nghiệm thế giới ra sao?
Sự so sánh cứ đến một cách tự nhiên, tiếp đó là sự học hỏi vì nó sẽ là một yếu tố thúc đẩy mọi tiến bộ của xã hội.
Được nhiều hơn mất, có cái được ngay trong cái mất
Phải nói ngay một sự thực là trong buôn bán xuất nhập khẩu, trong đưa người đi lao động, trong đón khách du lịch…, hình như ở tất cả mọi lĩnh vực, ở đâu có hội nhập là ở đấy ta có những va vấp.
Song khác với thời xưa, nay những vấn đề ấy không cần che giấu mà cả xã hội cùng xới dần ra để tìm cách giải đáp và không đổ lỗi cho bất cứ ai nữa, lỗi lầm thiếu sót của chính chúng ta được soi rọi kỹ nhất. Nền kinh tế tiểu nông tiếp đó là chiến tranh khốc liệt để lại nhiều di lụy. Cẩu thả tuỳ tiện đã thành một nếp sống tự nhiên. Ham hố thay đổi nhưng lại ít chịu học hỏi để thay đổi. Quá dễ mệt mỏi khiến khả năng thích nghi sút giảm, cái gì cũng chỉ muốn “mì ăn liền”, muốn kết quả ngay. Sốt ruột vì sự lạc hậu so với nước ngoài, ta tưởng có thể đón đầu, có thể dùng cái khôn vặt tinh tướng để qua mặt thiên hạ. Biết đâu rằng làm ăn thời buổi này phải lấy thật thà nghiêm túc và tinh thần thực sự cầu thị làm đầu.
Rộng ra mà nói, còn rất nhiều việc ta phải hoàn thiện mình, không thay đổi và hoàn thiện thì rất khó sống với cái thế giới mà ta chỉ là một bộ phận.
Một khi nhận thức được như thế, tức là chính nền văn hóa của chúng ta đã thay đổi. Mà tất cả có được là nhờ công khai minh bạch trong tính toán sòng phẳng trong tiếp xúc và có quan hệ đúng đắn với thế giới bên ngoài, nhờ biết tận dụng hội nhập.
Với hội nhập chúng ta đã tự khác đi bao nhiêu để rồi trong thâm tâm lại biết rằng ngày mai còn khác nữa, tuy rằng cái cốt cách lớn của dân tộc thì chẳng bao giờ suy suyển.
Thế còn những cái mất, những hư hỏng như học đòi học mốt, đua đả hưởng thụ quên cả lịch sử tổ tiên mà gần đây ai cũng thấy chướng? Bởi chúng xuất hiện nhiều trong thời hội nhập nên ta tưởng tất cả lỗi là từ ngoài vào. Nhưng nói thế là nhầm. Cái chính là những căn bệnh đó đã sẵn có trong nội tạng xã hội, quá trình hội nhập chỉ làm chúng bộc lộ rõ mà thôi. Đánh giá đầy đủ cái sự gọi là mất này, lại thêm một dịp để chúng ta có ý thức về mình, thậm chí có thể nói là cảnh giác ngay với chính mình, và đó chính là cái được lớn tìm thấy trong những mất mát không thể tránh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.