Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại
4. BỮA ĂN NGOÀI CHỢ
Miếng ăn quá khẩu thành tàn, người xưa có lúc đã nói như vậy, ngụ ý đừng quá coi trọng chuyện ăn uống. Nhưng cũng không ai xem thường chuyện này được. Chữ Hán có câu Dĩ thực vi thiên, ngụ ý cái ăn to như ông trời. Dân gian ở ta đọc trệch đi thành Dĩ thực vi tiên, vẫn giữ được cái ý chính, coi cái ăn là quan trọng hàng đầu.
Quan niệm về ăn uống của một cộng đồng vốn không mấy khi được nói ra, song nó vẫn ổn định với thời gian và làm nên chứng tích của một giai đoạn cụ thể.
Đọc lại văn chương hồi trước, thấy cái ăn luôn được mô tả ở cận cảnh rất đáng buồn. Trong văn Nguyễn Công Hoan có cảnh một thằng bé lang thang bị cả chợ đuổi đánh chỉ vì ăn của bà hai xu bún riêu rồi… quỵt, bỏ chạy. Nam Cao có truyện Một bữa no kể về cái chết của một bà già quá đói. Sâu sắc hơn nữa, Nam Cao tả ngay cái đói của những người có suy nghĩ như nhà văn còm nọ, với đám bạn mê thịt chó của anh ta. Nhân vật chính trong một truyện ngắn của Nguyên Hồng ngủ nhờ nhà bạn đang đêm đói quá không ngủ được, trở dậy lục cơm nguội ăn vội và đây là một trong những đoạn văn hay nhất của tác giả này. Ở Kim Lân đầu đuôi mối tình của nhân vật Tràng với người vợ nhặt của gã là ở câu ví “Muốn ăn cơm nắm với giò – Lại đây mà đẩy xe bò với anh”.
Những chuyện ăn uống như thế này biết nói về chúng ta không kém gì mọi chuyện quan trọng khác.
Những chi tiết đó mấy hôm nay vừa trở lại với tâm trí tôi. Đó là cái lần tôi ngồi xem bản tin thời sự, thấy các phóng viên truyền hình chĩa ống kính vào bữa ăn của mấy người bán hàng ngoài chợ. Bà này cầm suất cơm chạy vội về nơi mình ngồi, bà nọ tay vừa cầm vào con cá trong chậu nước vẩn đục, đã cầm ngay vào cái thìa. Cô kia lúng búng vừa nhai vừa gỡ ra sợi tóc trong bát canh trước mắt.
Chả là dạo này đang có dịch bệnh. Ban đầu mọi người chỉ nghĩ đến một vài tác nhân gây bệnh cụ thể, sau mới hiểu rằng vấn đề là toàn bộ cách ăn uống của chúng ta, từ đó mới có chuyện đưa mấy cảnh ăn uống nói trên lên màn ảnh nhỏ.
Tôi xem mà giật mình.
– Ăn uống như thế, thì làm sao tránh khỏi dịch bệnh cho được?
Chắc mọi người cũng như tôi, cảm tưởng đầu tiên đến với chúng ta là vậy.
Phần tôi chỉ muốn bổ sung ở đây không chỉ có vấn đề vệ sinh mà còn một cái gì lớn hơn, nó cho tôi thấy thực chất cuộc sống quanh mình mà hàng ngày mình quan liêu, xao nhãng.
Mấy chục năm nay cuộc sống đã bao thay đổi. Đường phố chật xe ô tô. Các khu chung cư mọc lên san sát. Nhìn vào nhà nào cũng ti vi màu. Các mốt quần áo của nước ngoài tràn ngập phố xá.
Giá kể có nhắc tới chuyện ăn, thì trên màn ảnh toàn thấy tiệc tùng hoành tráng, những người thắt cơ-ra-vát chúc rượu nhau, và thịt cá thì ê hề trên các bàn.
Thế nhưng thử nghĩ lại, có phải người nghèo còn quá đông, cảnh sống nhếch nhác còn phổ biến, và những bữa cơm ăn vội ăn vàng như vừa thấy trên ti vi vẫn là cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người?
Chẳng phải đó chính là cuộc sống trần trụi của chúng ta đó sao?
Chưa nói những vùng lũ lụt miền Trung, ngay trong đám đông những người dân nghèo thành thị hôm nay, mọi chuyện ăn uống bao lâu nay vẫn đại khái vậy. Và đằng sau những thứ ta ăn, cái cách hiểu của chúng ta về bữa ăn lại càng là một sự lặp lại. Chúng ta chỉ có một cuộc sống “tự nhiên nhi nhiên” chuồi theo thói quen. Chúng ta sống cho qua ngày. Chúng ta không bao giờ chủ động được trong cái việc lớn hàng ngày là việc nuôi thân mình. Chúng ta sống đến đâu hay đến đấy. Sự nguy hiểm rình rập không phải là ta không biết, nhưng không có cách lựa chọn, âu là tặc lưỡi làm liều cho xong…
Từ những cảnh vẫn xảy ra hàng ngày, thấy hiểu thêm những vấn đề chung của đời sống chung.
Lâu nay thấy chuyện bà con sẵn sàng bán các loại rau có phun cả thuốc trừ sâu, cả những con gà dịch bệnh cho người mua, nói chung là các loại hàng không rõ nguồn gốc, tôi thường thắc mắc đơn giản sao mà người mình ẩu, vô trách nhiệm với nhau đến thế. Nhưng hôm nay nhìn lại bữa ăn trưa của họ thì hiểu ngay. Với chính miếng ăn đưa vào bụng mình, người ta còn không lo nổi, làm sao lo cho mọi người bây giờ?
Trong truyện ngắn Phiên chợ tết, Nguyễn Minh Châu kể: Sau mấy chục năm xa quê trở về làng, ông cảm thấy mấy người bán hàng ở chợ hình như vẫn là người có còn sống sót. Sau hỏi ra mới biết họ là con cái của người bán hàng ngày xưa. Hôm qua mẹ bán ở chỗ nào mặt hàng gì thì hôm nay con vẫn chỗ ấy, mặt hàng ấy. Sự trì trệ của đời sống đã được nhà văn miêu tả đầy ấn tượng.
Bữa ăn và cái cách ăn của mấy người ngoài chợ hôm nay cũng gợi cho tôi những ấn tượng tương tự. Về sự ngưng đọng của đời sống và sự dai dẳng của cái cũ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.