Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại

13. ẨN KÍN MỘT TRIẾT LÝ CHUNG



Cáp quang dưới biển bị ăn cắp. Nước tương có thửa chất gây ung thư cũng được bày bán. Hàng hóa xuất ra nước ngoài kém phẩm chất bị trả về. Hơn hai ngàn học sinh bị đình chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Những sự việc ấy nối tiếp vào các vụ việc tiêu cực bấy lâu chúng ta vẫn nghe – như phá rừng, lấn biển bừa bãi, ăn cắp nguyên vật liệu trong xây dựng, gọi là cải tạo nhưng thực ra phá hoại môi trường và tàn phá di sản… – khiến cho nhiều người phẫn nộ, và công thức chung để giải quyết vẫn là phải thật nghiêm khi xét xử cùng là tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của con người.

Tôi cũng thấy thế, song trong bụng không khỏi thoáng qua một chút hoài nghi. Nhiều hiện tượng cứ nối tiếp theo kiểu “chém đầu này mọc đầu khác”. Muốn chữa tận gốc, cần đi tìm cội rễ của sự việc trong tâm lý xã hội và trong từng con người.

Trong các hành động vừa kể, có cái coi như đã phạm pháp và sẽ bị truy tố, có cái có vẻ không sao, ta biết để rồi bảo nhau. Tuy nhiên nhìn chung thì nay là lúc kỷ cương lỏng lẻo và con người buông thả tuỳ tiện. Trên đại thể có thể hình dung là trước khi hành động, người ta thường tự nhủ cuộc sống là một canh bạc. Được làm vua thua làm giặc. Thoát thì giàu to, thành người đàng hoàng, không thoát đành chịu. Không có luật pháp, không có lương tâm tự trọng gì hết. Việc gì kiếm ra tiền là có quyền làm.
Tức là có cả một triết lý đứng đằng sau các hành động nói trên.
Theo cách hiểu thông thường thì triết lý là một thứ sợi chỉ xuyên suốt toát ra qua các hành động của con người. Việc hiểu triết lý rút ra trong trường hợp này sẽ giúp cho người ta hiểu thêm các trường hợp khác.

Tuy nhiên điều đáng nói là ở ta hiện nay những triết lý đó chỉ xuất hiện dưới dạng một thứ “tập mờ”, một thứ cảm giác mông lung thứ không đề lên thành những luận thuyết chặt chẽ. Và ta lầm tưởng là ta chỉ sống theo bản năng tự nhiên chứ có “triết lý triết học” gì đâu, nên lại càng dễ bị cuốn theo nó.

Tôi muốn kết nối những hiện tượng trên với những vấn đề căn bản của đời sống mấy chục năm nay ở một đất nước chiến tranh.

Còn nhớ hồi ấy, ở miền Bắc, nhu cầu động viên thanh niên đi bộ đội là rất cao. Nhiều học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi cần cũng được gọi đi. Và để giúp người đi thêm yên lòng, có hẳn một chủ trương là những thanh niên như vậy dù không học xong cấp III cũng cho tốt nghiệp. Hơn thế nữa dù trước đó họ có là những thanh niên càn quấy đi nữa thì việc họ tự nguyện ra đi đã xóa sạch tất cả. Họ được coi là những người có hạnh kiểm tốt. Sự có mặt ở chiến trường – nói rộng ra, sự đóng góp cho cuộc chiến đấu chung – đã là cái tiêu chuẩn lớn nhất để đánh giá con người.

Liên hệ với những trường hợp khác, tôi tạm rút ra một kết luận: chiến tranh cho phép làm tất cả miễn là chiến thắng.

Hơn ba chục năm nay, kinh tế đóng vai trò mặt trận chính. Nhu cầu của đất nước là phát triển sản xuất để thêm nhiều của cải hàng hóa, là xây dựng, là làm hàng xuất khẩu là hội nhập… Trong hoàn cảnh một đất nước còn quá nghèo, hàng núi chi phí bầy ra trước mắt, thì tất cả các hoạt động đa dạng đó nói nôm na rút lại là làm sao để có tiền. Lý tưởng nhất là mỗi địa phương mỗi đơn vị cơ quan bớt ngửa tay xin trên mà tự làm thêm ra tiền để tự nuôi và nếu nộp cho nhà nước thì càng tốt.

Khả năng sinh lợi được coi là khả năng lớn nhất mà cấp trên đòi hỏi ở cấp dưới, nhà nước đòi hỏi ở người dân. Nó là tư tưởng mà cũng là đạo lý trong thời đại mới.

Một xu thế suy nghĩ đang thịnh hành, đóng vai một thứ luật miệng, người ta hiểu ngầm với nhau. Anh có thể đi buôn dù chức năng anh không phải là buôn; anh có thể chạy chọt xin xỏ, anh có thể có những sáng kiến kỳ cục, miễn là anh gây được một thành tựu có tiếng vang trong xã hội… Trong hoàn cảnh một đất nước mà luật lệ còn mơ hồ và sơ hở, gần như tất cả đều được phép, miễn sao nảy sinh lợi nhuận, và góp thêm năng lượng cho cái bộ máy chung đang hoạt động.

Vậy là một trong những quy luật chủ yếu của chiến tranh đang được tiếp tục. Chiến tranh tưởng đã lùi xa mà dư âm còn vang vọng. Tinh thần của nó có mặt trong nhiều hành động của chúng ta hôm nay.

Một mặt ai cũng rõ trong hoàn cảnh hiện nay, thứ triết lý này không nên tiếp tục. Nó không bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Tức không giúp cho sự phát triển lành mạnh của con người. Khổ một nỗi, nó lại gắn liền với quá khứ vinh quang của chúng ta. Hơn thế nữa, nó chỉ cho chúng ta con đường dễ mà đi. Giữa lúc khó khăn, nó mở ra cho chúng ta những thành tựu theo lối “ăn xổi ở thì”, tóm lại là nó ve vuốt nịnh bợ chúng ta. Từ giã sao nổi?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.