Những Chấn Thương Tâm Lý Hiện Đại
17. TÂM LÝ Ô-SIN
Tại nhiều địa phương, chính người dân xé rào để làm những việc không được pháp luật cho phép. Phá rừng. Đào than thổ phỉ. Lấn chiếm đất công. Thấy chỗ nào nhà nước cần là xoay ra ăn vạ để kiếm khoản đền bù. Lần đầu tiên ở Hà Nội xây hầm cho người đi bộ qua đường; nhưng trong lúc chưa khánh thành thì hầm bộ hành biến thành nơi tạm trú của mấy gia đình xóm liều. Thảo nào các cụ xưa có câu Chưa họp chợ đã họp kẻ cắp. Lại có câu Bạc như dân, bắt nhân như lính. Hồi còn ảo tưởng, ta hay bảo nhau rằng đấy là cái nhìn của bọn địa chủ phong kiến đối với quần chúng lao động. Nay thì có thể giải thích với nhau theo cách khác: Chính dân gian cũng đã có lúc tự ý thức được những thói xấu của mình. Chỉ có điều làm sao vượt lên trên thói xấu đó thì họ chưa biết!
Có một câu chuyện của năm ngoái năm kia mà tôi cứ nhớ mãi. Đó là chương trình đánh bắt xa bờ ở hàng loạt vùng biển bị phá sản (nghe đâu số vốn thất thoát lên tới vài trăm tỉ?!). Chúng ta muốn làm chủ biển. Chúng ta muốn vươn ra xa. Những tưởng quẩn quanh ven bờ chỉ vì không có tiền. Hóa ra còn thiếu cả kinh nghiệm và ý chí nữa.
Nhưng không chỉ liên quan tới chủ đề bất lực mà vụ đầu tư này lại còn đáng chú ý ở một khía cạnh khác: Nhiều ngư dân thừa biết là làm ăn sẽ thất bát nhưng cứ vay. Họ đã tính sẵn là đến lúc cần hoàn lại đồng vốn cho nhà nước thì đánh bài ì. Không cách gì thu hồi vốn thì kệ nhà nước, họ không cần biết. Không ít người nhận tiền xong chỉ đầu tư một phần, còn chủ yếu mang tiền mua sắm tiện nghi tiêu xài qua ngày.
Đây là một câu tục ngữ mới: người làm sao tao làm vậy, người làm bậy tao cũng làm theo. Trong cái việc vay tiền để làm dự án vừa nói ở trên hình như có chuyện hùa theo nhau thực. Đại khái mọi người nghĩ nhà nước là cái thùng không đáy, ai không biết cách vơ vét người đó thiệt. Không còn lòng tự trọng tối thiểu, người ta tự thả lỏng bản thân. Giá kể có ai bảo rằng như thế tức là cá nhân đang biến thành một thứ ký sinh, ăn bám xã hội, cũng chẳng ai động lòng.
Xin tạm gọi cách sống nói trên là cách sống ô-sin.
Mọi chuyện bắt đầu từ hiện trạng các gia đình ở thành phố cần có thêm vài người giúp việc ở các tỉnh lên. Để tránh nhiều từ ngữ có tính chất xúc phạm, hoặc dài dòng, người ta sử dụng cái từ ô-sin. Nhiều gia đình công nhận những ô-sin ấy thật là thiết yếu. Nhưng do hợp đồng công việc chỉ được làm qua quýt, đặc biệt là việc xác định công xá không hợp lý, nhiều ô-sin dần dà cảm thấy mình bị bóc lột. Chẳng qua họ buộc phải làm chứ không vui vẻ gì. Vừa làm vừa phá. Học đòi lười biếng, ăn cắp lãng phí – nhiều thói xấu của người nông dân không những không được sửa chữa mà còn được khuếch đại thêm. Trong lúc nói chuyện riêng tư, nhiều người thành phố bắt đầu kêu khổ vì cái nạn này. Điều đáng nói là trong khi làm hại nhà chủ thì chính các ô sin cũng làm hại bản thân mình luôn thể. Tức là tất cả những thói xấu nói trên bắt rễ đóng kén cô đúc lại, làm thành một cách sống ổn định, mà hạt nhân là cái triết lý hư vô “có phải của mình đâu mà phải tử tế với lại giữ gìn?!”. Dù sau này có ra độc lập làm ăn, nhiều người trong họ cũng vẫn giữ thói xấu của người đi giúp việc bất đắc dĩ và không bao giờ bỏ nổi.
Cách sống ô-sin, tâm lý ô-sin vốn bắt nguồn từ một tình trạng xã hội hỗn loạn, giữa người với người không tìm ra được cách quan hệ hợp lý. Bề ngoài chiều nịnh nhau nhưng đúng ra là người ta đang thả lỏng nhau, mặc kệ cho nhau hư hỏng thế nào cũng được. Trong sự tự phát chung của xã hội, cứ thế nó ngày một trở nên phổ biến.
Nhà văn Lê Minh Khuê bạn tôi khi phải biên tập một tập sách gồm nhiều bài báo về chủ đề này (mang tên Bến ô-sin) đã vụt ra cái ý xuất thần: tâm lý ô-sin đang trở thành một thứ tâm lý thời đại. Có lần, nhân trả lời phỏng vấn, Lê Minh Khuê bảo thứ tâm lý của kẻ làm thuê vô trách nhiệm này đang chi phối cả lối sống liều lĩnh của người dân, lẫn thói mặt dày kiếm chác của các quan chức tham nhũng.
Phần tôi, tôi muốn bổ sung một chi tiết nhỏ: Tâm lý ô-sin đồng thời cũng là lý do sâu xa khiến khả năng quản lý của chúng ta cũng bị hạn chế. Trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc những năm từ 1957 về trước, cùng với việc lấy lại đồng điền đất đai, có việc lấy ngay nhà cửa địa chủ chia cho dân nghèo, hồi ấy gọi là chia quả thực. Trong số này, có những cơ ngơi được bồi đắp xây dựng từ nhiều đời. Cố nhiên khi mang nó ra làm quả thực thì không chia riêng cho một ai cả. Nhiều gia đình cùng đến ở. Thế là xảy ra cái cảnh ai thích kiểu gì phá kiểu đó, cuối cùng những dinh cơ đẹp đẽ biến thành những khu nhà hỗn độn xấu xí. Một việc hết sức chính đáng, và có dụng ý tốt, mang lại một kết quả xấu. Mà nguyên nhân chỉ vì các gia đình nông dân kia, không có nhà cửa bao giờ, không biết cách làm chủ nó. Thật là vừa đáng thông cảm, mà cũng vừa đáng trách!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.