Sáu Tội Ác Không Có Hung Thủ

CHƯƠNG 5



Trên suốt chặng đường, Brunei không nói câu nào. Chúng tôi, Girard và tôi, thì thầm trao đổi ấn tượng của chúng tôi, đưa ra hàng ngàn giả thiết, thử tìm mối liên hệ giữa chúng và các vụ giết người kinh khủng và bí ẩn này. Rồi lần nào chúng tôi cũng lại quay về vụ án bí ẩn trên phố Greuse, về sự biến mất không thể giải thích nổi của hung thủ cũng như sự vận chuyển khó hiểu thi thể của Adèle.
Thật ra thì cả viên thanh tra cũng như tôi đều không lo lắng cho số phận của Julien Blanchot. Chúng tôi tin chắc rằng với những biện pháp cẩn trọng như đã nói ở trên, người hầu của vợ chồng Vigneray sẽ tránh được mọi nguy hiểm.
Julien Blanchot ở trong một phòng mà những lối ra vào duy nhất, cửa ra vào và cửa sổ, đều đóng chặt. Cửa ra vào bằng gỗ dày, có phốt và hơn nữa lại bị bít lại. Cửa sổ thì có cửa chớp và song sắt. Vì Julien không ra ngoài dù với bất kỳ lí do gì, không trả lời dù bất kỳ ai gọi, cho nên không thể nào tấn công một người đã cố tình phòng vệ như thế.
Vả lại cũng chẳng thể nào lại tưởng tượng ra có một cái bẫy hay một vụ hoả hoạn ở ngôi nhà ấy. Như vậy thật nực cười.
Không. Vấn đề duy nhất là liệu Julien Blanchot có thể cung cấp cho chúng tôi chi tiết nào có thể giải thích thảm kịch này, hoặc ít nhất là định hướng cho cuộc tìm kiếm.
Riêng tôi, tôi chẳng tin tưởng điều này chút nào. Nhận xét của Roland Charasse là đúng đắn. Nếu như có ai đó biết một điều bí mật nào của vợ chồng Vigneray thì đó phải là anh ta, người bạn, người anh của nạn nhân và không thể là ai khác.
Mặt khác liệu có thể có điều bí mật nào tồn tại với một cặp vợ chồng hạnh phúc, cuộc sống của họ đều đều diễn ra bình lặng giữa thanh thiên bạch nhật?
Vậy thì phải chấp nhận là chuyến đi của chúng tôi vô ích ư?
Tình trạng của bà Vigneray cản trở mọi cuộc thẩm vấn, chúng tôi buộc phải chờ đợi hung thủ lại xuất hiện để có thể hành động một cách hữu ích.
Chẳng phải là chỉ với cách đó thì chúng tôi mới có thể chống trả lại được hắn? Vì, tôi thú nhận rằng, tôi không hy vọng gì vào vụ điều tra đang diễn ra cũng như vào vụ điều tra sẽ được mở ra nhân vụ đầu độc anh bạn bất hạnh của chúng tôi.
Và tôi nhìn Brunei một cách tuyệt vọng. Lần đầu tiên trong đời, trí thông minh, sự suy diễn, lập luận của anh bị trục trặc chăng?
Nhưng tôi không thể đọc được gì trên khuôn mặt cương nghị của anh, ngoài nỗi đau đớn và lo lắng sâu sắc.
Chỉ đến lúc đi qua Ferté-Bernard, tay tài xế tỏ ra lúng túng ở mỗi chỗ ngoặt thì Brunei mới lại lên tiếng. Ngay từ những lời đầu tiên chúng tôi đã nhận ra rằng nỗi xúc động chẳng ảnh hưởng chút nào đến sự vận động của trí óc anh ta.
– Trong mười vấn đề mà tôi thấy là không giải thích nổi, có một vấn đề theo tôi không đến nỗi điên rồ như việc biến mất của hung thủ, cứ ám ảnh tôi.
Này nhé! Tôi tự hỏi liệu hung thủ đã có ý định giết bằng được Marcel Vigneray và vợ anh ta không? Hay nói cách khác tội ác này có được chuẩn bị trước hay không?
Vì rốt cuộc thì việc đầu độc hai kẻ bất hạnh ấy cũng chẳng khó gì hơn việc đầu độc anh họ của họ. Nếu như hung thủ biết chắc là sẽ thoát được thì hiển nhiên là một khẩu súng vẫn đem lại nhiều rủi ro cho hắn hơn là độc dược.
– Đúng vậy, Girard đồng ý, tôi thấy là có thể trả lời phủ nhận cho câu hỏi của anh.
– Đừng hăng hái quá vậy, Girard. Nếu như không chuẩn bị trước thì làm sao chúng ta có thể giải thích việc hung thủ phát hiện ra chỉ trong vài giây cách trốn thoát mà chúng ta hoài công tìm kiếm từ gần mười lăm giờ đồng hồ?
– Cứ cho là tội ác đã được chuẩn bị từ trước, tôi nói, xuất phát từ chỗ hung thủ đã tin chắc là không thể bị bắt, tại sao hắn lại không chọn cách sử dụng súng lần nữa để giết Roland? Vì dùng vũ khí này thì tin chắc rằng là giết chết hơn là thuốc độc… Roland sẽ qua được, tôi hy vọng thế… Hơn nữa anh ta có thể không quay lại phòng làm việc, hoặc không uống, hoặc đánh đổ bình cà phê chẳng hạn.
– Tôi cũng đã suy nghĩ đến những điểu đó, Brunei nói. Tôi thấy có hai câu trả lời cho câu hỏi của anh. Câu đầu tiên là, như tôi đã nói lúc nãy, sự cần thiết mà hung thủ phải ra tay ở Paris: Hắn không có thời gian chờ đợi thời điểm thích hợp và như vậy cần phải chuẩn bị cho tội ác trước khi ra đi. Câu thứ hai là cách trốn thoát được hung thủ sử dụng ở nhà Vigneray không sử dụng được ở nhà Roland.
– Tôi thích câu trả lời thứ hai hơn, Girard nói, này nhé, tôi không thể tưởng tượng là hung thủ, sau khi hạ gục ông Vigneray, vợ ông ta và cô hầu, cho thuốc độc vào cà phê của ông Charasse, lại chạy đến Mans để định tiến hành vụ giết người thứ năm. Một cuộc tàn sát như thế, trong những điều kiện như thế là chưa từng có.
Brunei vẻ chần chừ, nói tiếp:
– Điều quan trọng cần phải biết là giờ nào mà Armand – tôi phải nói thêm ngay là cậu bé trung hậu đó không bị nghi ngờ gì hết – đã pha cà phê cho chủ. Điều đó hạn chế khoảng thời gian mà trong đó hung thủ có thể đi vào phòng làm việc của Roland để cho thuốc độc vào đồ uống.
Tôi nói thêm:
– Điều cơ bản, theo tôi, là phát hiện ra việc liệu thuốc độc có được đổ vào đồ uống của Roland “trước vụ giết những người em họ của anh ta”, nghĩa là trước 7 giờ mười lăm tối nay không?
– Đúng thế, Brunei nói, nhưng tôi e là chẳng có sự phân tích nào lại đem đến cho chúng ta một sự chính xác như vậy.
Chợt anh im tiếng và nghiêng về phía anh tài xế.
– Rẽ phố thứ hai bên phải rồi phố thứ ba bên trái.
Anh quay lại phía chúng tôi:
– Chúng ta sẽ đến nơi trong vài phút nữa. Tôi biết đường. Tôi đã đến đây đôi ba lần với Roland.
Chúng tôi đi men theo rừng thông rồi đi vào một con đường hẹp, dòng sông uốn lượn như dải ruy băng lấp lánh.
– Huisne – Brunei lẩm bẩm, rồi nói thêm ngay – Chúng ta đã đến nơi rồi.
Ngôi nhà được bao bọc bởi những bức tường cao và cũ kỹ phủ đầy dây leo, loang lổ vết lá rụng. Trước hàng rào, bên cạnh đường, một cây cầu gỗ bắc qua sông. Cánh đồng trải dài ra hút tầm mắt.
– Mẹ kiếp, ông Vigneray thích sự cô đơn, Girard nói.
– Phải, ngôi nhà gần nhất cũng cách đây gần năm trăm mét.
Brunei mở cửa xe.
– Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ ở lại đây một lúc, anh nói với tài xế.
Người kia khoát tay vẻ thờ ơ và chỉ về phía phong cảnh đẹp như tranh vẽ:
– Ông đừng bận tâm vì tôi, tôi sẽ đi một vòng. Tôi mê cảnh nông thôn và không phải lúc nào cũng có dịp được hưởng cảnh này.
Brunei kéo mạnh chuông cửa. Chẳng có động tĩnh gì trong nhà.
– Thấy chưa? Tuyệt thật, Girard kêu lên, đỉều đó chứng tỏ là Julien tuân theo mọi chỉ dẫn của anh.
– Đúng là tuyệt thật, Brunei nói.
Tôi cảm thấy giọng nói anh không được chắc chắn lắm.
Nói rồi anh bạn tôi rút từ trong túi ra một chiệc chìa khoá vạn năng. Trong một giây anh mở cửa hàng rào. Thanh tra lau cằm.
– Hy vọng là anh chàng này không quá sợ hãi mà bắn vào chúng ta.
– Đừng lo, căn phòng đó quay ra công viên và tôi nghĩ là cũng chẳng có súng trong nhà. Khi nào chúng ta tới nơi chúng ta sẽ tìm ra cách để thuyết phục Julien.
Một con đường nhỏ viền cây du dẫn thẳng đến ngôi nhà. Đó là ngôi nhà hai tầng có thềm cao và thảm cỏ. Sự tĩnh lặng hoàn toàn bao trùm lên cảnh vật. Chỉ duy nhất có tiếng chim hót là làm xáo động sự tĩnh mịch lúc này.
Brunei lại sử dụng chìa khoá vạn năng. Chỉ cần một giây là anh mở được cửa nhà, hai cánh cửa có lắp kính phía trên.
– Khoá bằng chìa ở khắp mọi nơi, tất nhiên là thế, anh nhận xét. Julien đã không rời phòng làm việc sau khi chúng ta gọi điện.
Trước mặt chúng tôi là một tiền sảnh dài và rộng lát đá, bên phải và trái có ba cánh cửa, giữa chúng là những tấm thảm của Wattlau. Ánh sáng rọi vào tiền sảnh qua cửa ra vào nên các góc xa khá tối. Brunei bật công tắc điện.
– Phòng làm việc kia, anh nói và chỉ một cánh cửa gỗ nâu, chạm trổ, ở cuối tiền sảnh mà chúng tôi vừa nhìn rõ – Anh cao giọng nói – Chúng tôi đây, Julien, đừng sợ. Tôi là Brunei đây, chính tôi đã gọi điện cho anh hôm qua. Giọng anh vang dội trong nhà nhưng không có tiếng trả lời. Tôi thấy hơi khó ở.
– Julien! Đừng sợ… Nếu anh muốn, tôi sẽ đi đến đồn cảnh sát và đưa người lại nếu anh thấy yên tâm hơn.
Vừa nói, Brunei vừa tiến lại từ từ. Chợt anh thốt lên:
– Ôi, trời ơi!
Anh chạy vội về cuối hành lang. Chúng tôi chạy theo anh, phát điên vì hoảng sợ. Bằng ngón tay run run, anh chỉ cho chúng tôi cánh cửa phòng làm việc. Trên gỗ, những vết chém hiện ra rõ mồn một.
– Dấu vết này còn mới. Hung thủ đã đến vào ban đêm. Hắn đã cố phá cửa.
– Và hắn cũng phải cố sức lắm, Girard nhận xét. Nhìn đây này, đây là độ cao của cái chốt, hắn đã thò một vật qua kẽ nứt để bẩy nó ra. Nhưng cái chốt không bẩy được.
– Phải, hung thủ đã phí sức.
Brunei nói và đưa tay sờ vào phần gỗ bị chém sâu nhất.
Như chợt nghĩ ra điều gì, anh ngửa đầu đưa mắt nhìn trần.
– Hiển nhiên rồi, anh kêu lên.
Dọc theo bức tường, trên đầu chúng tôi, một sợi dây điện đã bị cắt. Hai đầu dây buông thõng.
– Dây điện thoại, tôi thì thầm.
– Trời ơi! Hắn đã ngăn chặn Julien kêu cứu.
Chúng tôi đồng thanh kêu lên:
– Julien! Julien!.
Sau cánh cửa vẫn là sự im lặng tuyệt đối.
– Tôi thấy chỉ có một cách giải thích, Girard nói. Anh chàng bất hạnh đã quá sợ hãi đến nỗi ngất đi.
– Có thể, Brunei trịnh trọng trả lời.
– Trừ phi anh ta chết… Girard nói thêm. Vì một cơn đau tim.
Brunei nhún vai.
– Thôi đi! Một chàng trai như Julien ấy à? Các vị không biết anh ta rồi – anh quay lại phía tôi – Đi xem phía cửa sổ đi, đằng sau nhà ấy. Cái cửa sổ duy nhất có song sắt.
Tôi chạy vòng quanh ngôỉ nhà. Cửa sổ của phòng làm việc cách mặt đất độ một mét rưỡi. Nó có ba song sắt to, dày và tôi thấy các cánh cửa chóp đóng chặt. Rõ ràng là kẻ thù không hề động đến phía này. Sau khi đẩy cửa chớp một cách vô ích, tôi quay trở lại với các bạn tôi.
Một cánh cửa trong tiền sảnh đang để mở. Đây là cửa nhà bếp. Brunei đã tìm thấy một thanh sắt khá dẹt để luồn vào khe nứt của cánh cửa phòng làm việc. Dùng nó như một cái đòn bẩy, hai người đàn ông dùng hết sức để gạt cái chốt ra. Tôi cũng góp sức vào.
– Thế nào? Brunei hỏi, mạch máu trên trán phập phồng.
– Chả có gì phía cửa sổ cả, cửa ở đó còn khó hơn ở đây.
Chúng tôi ấn đòn bẩy trong vài phút. Có lẽ, dù mạnh đến đâu, một người duy nhất cũng không thể làm được việc này. Cuối cùng thì cái chốt cũng phải nhượng bộ với một tiếng rắc khủng khiếp.
Nhưng ngay khi cách cửa nhúc nhích tôi nhớ ra là nó đã bị chặn lại. Julien đã đẩy cái bàn giấy của ông chủ ra để chặn nó.
May là trở ngại cuối cùng này cũng dễ vượt qua. Cùng tựa lưng vào cửa, chúng tôi đã đẩy được nó ra. Chúng tôi bước vào.
Hai bóng đèn trên trần bật sáng, soi rõ phòng làm việc. Căn phòng gọn gẽ kỳ lạ. Nó được trang bị bởi những chiếc ghế bành sang trọng hiệu Empire, một giá kính bằng gỗ chạm trổ và một tủ kính bầy đồ mỹ nghệ. Những bức tranh khắc cổ, với chủ đề lịch sử, trang trí các bức tường. Một chiếc đi- văng kê ở góc nhà.
Và trên cái đi văng ấy có một người đàn ông nằm thẳng cẳng, mặt quay vào tường.
– Thế đấy! Tôi đã bảo mà, Girard nói, anh chàng khốn khổ đã ngất đi.
Chúng tôi đi vòng qua cái bàn làm việc và đứng sững lại.
Giữa tấm thảm là một vũng nước màu đỏ. Còn ba vũng khác nhỏ hơn rải rác giữa vũng to và đi văng. Cuối cùng, trên tấm sa tanh màu xanh là cây phủ đi văng kéo dài một vệt nâu, lan ra cả cái gối dựa rơi trên sàn.
Chúng tôi chạy lại chiếc đi văng. Từ vai xuống, chiếc áo vét của người đàn ông đẫm máu. Brunei khó nhọc giơ tay ra và từ từ lật cái xác lại.
Julien Blanchot mắt mở trừng trừng, cái nhìn trân trân và mờ đục. Mồm anh ta méo xệch vì đau đớn.
– Chết rồi! Girard nói như hụt hơi.
– Phải, chết, bị giết, trúng đạn như Marcel Vigneray, như Simone, như Adèle, Brunei nói giọng vô cảm – ngay lập tức, anh bùng lên – Nhưng rất là bất khả thi, bất khả thi! – anh chạy trong phòng, va vào đồ đạc và tường – Không có lối đi bí mật. Thậm chí cũng không có lò sưởi. Còn về các lối khác.
Anh mở cửa sổ, lắc điên cuồng các nan chớp rồi với tới các song sắt.
– Chẳng thể làm gì ở đây, vấn đề cũng không đặt ra nữa. Chẳng còn cửa ra vào nhưng chúng ta đã biết…
Anh gần như quỳ xuống, mặt dí vào cái chốt cửa bị bật ra, còn treo ở đó. Rồi anh nhặt những cái móc sắt dầy rơi trên sàn.
Anh đứng lên vẻ hài hước và đẩy cái bàn viết ra, anh mở toang cánh cửa, mặt ngoài của nó được chiếu sáng hoàn toàn.
Chúng tôi nhìn thấy rõ ràng hơn những dấu vết của sự toan tính phá cửa. Nhưng dù các vết chém có mạnh đến mấy cũng không làm thủng gỗ được, để chọc một lỗ qua cửa chẳng hạn, hung thủ hẳn phải bắn.
Brunei quay về phía chúng tôi, đầu cúi xuống vẻ hoàn toàn nhụt chí.
– Sao, anh không thấy gì à? Thanh tra rụt rè hỏi.
– Không, Girard, tôi không thấy gì hết. Tôi chỉ biết là: thứ nhất, căn phòng này hoàn toàn đóng kín, nói cách khác là không thể bắn từ ngoài vào trong được và, thứ hai, là dù gắng sức, hung thủ cũng đã không thể vào được căn phòng này.
– Nhưng… điên thật, tôi thì thào.
– Phải, Brunei nói, thật điên… nhưng đúng thế đấy.
Chúng tôi lại gần xác chết. Người giúp việc không may mắn của vợ chồng Vigneray độ năm mươi tuổi. Ông ta cao lớn và có vẻ mạnh mẽ với khuôn mặt rộng, mái tóc hoa râm thưa thớt. Mép cạo râu nhẵn thín, chòm râu má để dài, Julien Blanchot là hình ảnh cổ điển của các anh hầu trong các vở hài kịch.
– Tội nghiệp anh ta! Girard nói vẻ sợ hãi hơn là thương cảm. Quay về phía bạn tôi, anh nói thêm – Anh đã nói đúng, Brunei. A! Giá mà chúng ta đi ngay từ tối hôm qua!
– Than ôi! Brunei nói, ai có thể biết trước là muộn có vài giờ mà hậu quả đã nghiêm trọng như vậy? Mà những biện pháp phòng vệ của chúng ta chưa được thực hiện tốt hay sao?
Anh cay đắng mỉm cười.
– Tốt lắm!
– Dù sao những biện pháp đó cũng đã gây trở ngại cho hung thủ. Cũng nực cười là hắn đã phải hì hục với cái cửa. Không mở cửa được, hắn đã tìm ra cách khác, nhưng cách nào? Tôi thú nhận là cách ấy tôi không tưởng tượng được ra.
– Phải, không tưởng tượng được ra. – Brunei nhắc lại. Vẻ ưu tư, anh nói thêm – Không thể tưởng tượng được ra, đấy chính là đặc điểm của hung thủ. Đặc điểm ấy là tiêu cực vì nếu như một mặt các vụ giết người buộc phải có hung thủ, thì mặt khác những điều kiện ngoại cảnh mà trong đó các vụ giết người diễn ra thì lại triệt tiêu sự tồn tại của hung thủ.
“Trong căn hộ ở phố Greuse, hai vụ giết người đã diễn ra mà lại không có hung thủ, bởi vì căn hộ trống không khi mọi người đến mà trên thực tế không thể có chuyện có người từ đó đi ra.
“Cuối cùng, tại đây, lại có vụ giết người nữa, một người đàn ông bị giết – và cả lần này nữa, giả thuyết về sự tự sát không đặt ra – mà cũng không có hung thủ vì thực tế thì cũng không thể có chuyện tên mạt kiếp đó gây ra được tội ác ấy.
Brunei nhai đi nhai lại cụm từ “thực tế không thể có”. Có thể nói là anh ta thấy khôi hài khi nhắc lại những từ ấy cứ như là thú nhận sự bất lực của mình.
– Anh có nghĩ là, tôi nói, người ta có thể tưởng tượng ra một kiểu máy, một loại vũ khí hẹn giờ giấu đâu đó trong căn phòng đó và khi nó,..
– Và nó cũng có khả năng nhắm bắn nữa à? – Brunei ngắt lời tôi. Anh không nghĩ đấy là một cách giải thích kiểu tiểu thuyết sao? Hơn nữa, chúng ta nhẽ ra phải phát hiện ra cỗ máy ấy, vậy mà nhìn quanh mà xem, rất ít đồ đạc, không có tủ tường, không có lò sưởi, vậy thì cỗ máy ấy được giấu ở đâu?
Anh xem xét kỹ lưỡng phòng làm việc, xê dịch cái ghế phô tơi, dành gần nửa giờ cho giá sách, nhấc sách ra và chuyển đồ mỹ nghệ ra khỏi tủ kính. Cuối cùng anh nghiên cứu tỉ mỉ sàn nhà và tường.
– Chả có gì cả, anh nói và lau mồ hôi trán.
– Đến lúc phải báo cho đồn cảnh sát rồi. – Girard nói. Anh bạn trung hậu này, trong hoàn cảnh nào cũng không quên những quy định nghề nghiệp.
– Được rồi! Anh đi taxi đến Mans và đưa người lại, Brunei yêu cầu. Trong lúc đó, chúng tôi sẽ xem xét toàn bộ ngôi nhà. Tôi cũng không hy vọng gì nhiều, nhưng không được bỏ qua một tí gì cả.
Thanh tra đi khỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Nhưng dù có cố gắng đến mấy, chúng tôi cũng không phát hiện đựợc gì. Nếu như hung thủ có để lại dấu vết trên sàn tiền sảnh thì bây giờ chúng cũng lẫn lộn với dấu vết của chúng tôi. Còn về dấu vết trên cánh cửa phòng làm việc thì nó chỉ chứng tỏ đấy là một người đàn ông khoẻ mạnh, thế thôi.
Rất lâu, Brunei xem xét ổ khoá cửa ra vào rồi ổ khoá cổng hàng rào.
– Chỗ này cũng không có gì, anh thì thầm. Tên khốn nạn có chìa khoá nhái hoặc ít nhất là một chìa khoá vạn năng. Mặt khác, trèo qua hàng rào này quá dễ.
Một lát sau, thanh tra Girard quay lại với một thiếu uý và một nhóm cảnh sát. Họ đến trước đoàn Viện công tố Mans một chút.
Tôi không muốn miêu tả nỗi sửng sốt của các nhà hành pháp khi họ được biết chi tiết cuộc phiêu lưu đáng kinh ngạc của chúng tôi tối hôm qua mà họ chỉ mới nghe qua loa.
Chúng tôi dành mười giờ cho các cuộc thảo luận vô bổ và các cuộc tìm hiểu cũng vô bổ nốt. Chiều muộn chúng tôi mới đi ăn trưa cùng với viên dự thẩm.
Trước khi ngồi vào bàn, Brunei yêu cầu được liên lạc với Paris, số điện của bác sĩ Didier. Đến giữa bữa ăn thì anh nói chuyện được.
Anh đi ra khỏi buồng điện thoại với vẻ mặt u tối.
– Bác sĩ vẫn rất dè dặt với mọi tiên lượng. Ông ấy có thể trả lời tối nay.
Chúng tôi ăn chóng cho xong bữa và sau khi đưa viên dự thẩm đến phòng làm việc cùng với các cộng sự của anh ta, chúng tôi lên đường về Paris.
Trên đường về thong thả hơn lúc đi nhiều, chúng tôi chỉ nói chuyện rất ít.
Chúng tôi đi thẳng đến đại lộ Saint Germain và gặp ngay dự thẩm Herberay đi ra khỏi toà nhà nơi đặt phòng làm việc của anh bạn bất hạnh của chúng tôi.
Gương mặt bối rối của nhà hành pháp chứng tỏ anh ta đã nhận được báo cáo của viện công tố Mans. Nhìn thấy chúng tôi, ông Herberay giật mình và chạy lại trước taxi:
– Trời ơi, có khả năng như vậy à?
– Ông Charasse ra sao? Brunei hỏi thay cho câu trả lời.
– Thoát rồi! Tôi đã qua chỗ bác sĩ Didier trước đây nửa giờ, trước khi quay lại lục soát ở nhà anh bạn bất hạnh của chúng ta; bác sĩ Didier đã khẳng định, ông Charasse bây giờ đã thoát khỏi mọi nguy hiểm.
Brunei thở dài một hơi nhẹ nhõm đem lại nụ cười tươi trên môi thanh tra Girard. Nhìn ánh mắt loé lên của anh, tôi hiểu niềm vui sướng đang dâng tràn trái tim anh bạn tôi.
Chúng tôi không phải vội vàng đến gặp bác sĩ Didier nữa. Chúng tôi tình nguyện đưa ông dự thẩm đến sân ga Orfèvres.
Brunei có vẻ vui vẻ, tạm quên đi mọi lo lắng.
– Bây giờ, anh tài, đi chậm thôi để chúng tôi có thời gian nói chuyện.
Nghe câu chuyện của chúng tôi, ông Herberay lấy tay ôm đầu.
– Như vậy, lần này lại ngược lại với vụ trên phố Greuse. Hôm qua, hung thủ “không thể đi ra” khỏi một căn hộ, vậy mà hắn đã không còn ở đó. Hôm nay, “hắn không thể nào đi vào” trong một căn phòng vậy mà hắn đã giết chết ai đó ở trong đó. Cái đó trở nên điên khùng.
Đến lượt chúng tôi hỏi ông ta.
Các cuộc tìm kiếm, không tiến triển được một chút nào. Giải phẫu thi thể Marcel Vigneray và Adèle Blanchot cũng chẳng đem lại điều gì mới mẻ cho cuộc đỉều tra vụ án. Bà Vigneray đã ra khỏi cơn hôn mê nhưng tình trạng của bà vẫn còn rất nguy hiểm và mọi cuộc xét hỏi đều bị cấm. Các thanh tra nhận dạng cũng chẳng thu được kết quả gì trong căn hộ của vợ chồng Vigneray và phòng ở của Adèle. Còn về các cuộc xét hỏi thì chúng cũng chẳng đem lại điều gì ngoài những cái các nhà hành pháp đã biết.
Armand, anh hầu của Roland Charasse khai là anh ta đã pha cà phê cho chủ vào lúc 11 giờ buổi sáng và dọn dẹp phòng làm việc.
Từ lúc đó anh ta không quay lại đại lộ Saint Germain nữa. Người gác cổng của toà nhà không thấy có điều gì đáng ngờ. Ngôi nhà gồm nhiều phòng làm việc. Hàng ngày anh ta nhìn thấy hàng trăm người vào ra và cũng chẳng chú ý đến họ.
Cũng chẳng có gì chứng tỏ rằng hung thủ chui vào ban ngày. Rất có thể là hắn ta đã lẻn vào phòng làm việc từ buổi tối, trước khi nạn nhân đến một chút.
– Tôi tin chắc là chẳng bao giờ có ai đó trong chúng ta phải chọi lại với một địch thủ mạnh mẽ như thế này – ông Herberay nói sau khi giải thích – phần tôi thì tôi không thể tưởng tượng nổi một quái vật như vậy. Người đàn ông đó đã hạ gục ba người, rồi lại mưu toan giết một nạn nhân thứ tư, rồi đi giết nạn nhân thứ năm ở cách xa hai trăm cây số và lần này cũng khéo léo hơn, chính xác, quỷ quyệt, thậm chí tôi có thể nói là hoàn hảo, tôi cảm thấy như anh ta là một siêu nhân. Thật mạnh mẽ, thật táo bạo, thật tài tình!
– Thế tại sao phải tàn sát, tại sao?
– Chấp nhận là, mà hiển nhiên thế, hung thủ giết hai người hầu chỉ để ngăn họ nói ra, tôi nói, chúng ta không thể gắn cho vụ giết hại Roland lý do đó được, bởi vì Roland không biết gì hết. Chúng ta phải cho là hắn ta đã giết Roland chỉ vì anh ấy là anh họ của vợ chồng Vigneray!
Các bạn tôi gật đầu tán thành. Tôi nói tiếp:
– Trong trường hợp này, các anh có nghĩ ba vụ giết người xảy ra trong cùng một gia đình có thể có mục đích là thừa kế một gia sản lớn không??
Lần này Brunei và viên dự thẩm cùng có vẻ không đồng ý, bạn tôi nói:
– Thôi đi! Một người khôn khéo muốn giết người để thừa kế sẽ xắp xếp để che đậy tội ác, cho có vẻ là những cái chết tự nhiên, hoặc ít nhất là tai nạn, hắn sẽ không gây ầm ĩ như thế này. Anh thử tưởng tượng xem báo chí sẽ vào cuộc và chúng sẽ phản ứng ra sao.
– Đúng thế, ông Herberay xen vào. – Tất cả thành phố Paris chỉ nói đến vụ việc này. Từ mười giờ, người ta đã ra những bản tin đặc biệt thông báo về vụ giết người mới và dư luận đã đặt tên cho hắn là: sát thủ ma. Đúng là phường chèo, nhất là xét về thân nhân của ông Charasse.
– Chuyện gì sẽ xảy ra tí nữa khi người ta biết đến án mạng ở Mans? Girard lẩm bẩm.
– Hơn nữa, Brunei nói, tiếp tục ý tưởng của anh, bạn nghĩ xem biết bao nghi ngờ sẽ đè nặng lên một kẻ thừa kế đút túi một gia sản có được bằng một cái giá đắt đến vậy? Kẻ thừa kế đó còn phải giết thêm mẹ của Marcel Vigneray và cô bé Janine. Không! Giả thiết của bạn chắc chắn không đứng vững! – Anh quay về phía viên dự thẩm – Nhưng điều đó cũng không ngăn tôi phải thận trọng cho người bảo vệ bà nội và cháu gái.
– Cứ yên tâm – ông Herberay nói, mọi sự cần thiết đã được làm bởi các nhà chức trách ở Fálaise. Một sự theo dõi chặt chẽ đã được thiết lập quanh nhà của bà già tội nghiệp. Tôi cũng đã triệu tập bà Vigneray mẹ vào sáng mai. Anh có muốn đến phòng tôi không?
– Tôi sẽ đến đó. Xin cảm ơn ông dự thẩm.
Chúng tôi đi đến Viện công tố.
– À! Còn một việc nữa, ông dự thẩm nói ngày mai, vào 2 giờ sẽ khám phòng làm việc của Marcel Vigneray, đại lộ Haussmann. Tôi chờ các vị.
Thanh tra Girard đi cùng ông Herberay. Brunei nói với tài xế:
– Đại lộ Saint Germain.
– Nhưng chúng ta vừa ở đó.
– Chính thế, chúng ta quay lại đấy.
Con người trung hậu đó chẳng còn ngạc nhiên gì nữa và vặn vô lăng ngay. Đến nơi, Brunei trả tiền hậu hĩnh cho viên tài xế tận tuỵ. Anh này không giấu nổi vẻ hài lòng.
– Ông có cần tôi ngày mai nữa không?
– Tôi hy vọng là không, bạn tôi buồn bã nói.
Nụ cười của bác sĩ Didier xác nhận ngay tuyên bố của viên dự thẩm. Ông này cũng chẳng buồn trả lời câu chào của chúng tôi.
– Charasse may mắn có sức khoẻ tốt. Tôi nghĩ rằng bất cứ ai ở vào địa vị ông ta…
Ông ta dẫn chúng tôi vào một căn phòng màu trắng, sáng sủa. Roland Charasse nằm đó, mặt tái nhợt, mắt nhắm chặt. Anh ta thở to và gấp. Một mảng băng đặt trên trán anh.
Khi chúng tôi vào, bệnh nhân mở mắt nhận ra chúng tôi, anh ta hơi nhổm dậy nhưng lại ngã phịch ra sau và rên lên đau đớn.
– Khổ thân bạn, Brunei nói và cầm tay anh ta.
– Tôi nghĩ là tôi vừa từ cõi chết trở về.
Toàn bộ cơ thể anh ta biểu lộ nỗi lo lắng sâu sắc.
– Thế nào? anh yếu ớt hỏi.
Và vì Brunei ngần ngừ, anh ta nói tiếp:
– Nói đi, anh làm tôi sợ. Tôi khoẻ rồi, tôi bảo đảm đấy, tôi có thể nghe tất cả.
– Julien đã bị giết tối qua.
Roland há hốc mồm, nín thở. Trong mắt anh ta, tôi đọc được thấy câu hỏi mà anh ta không dám nói ra. Chính bác sĩ lẩm bẩm:
– Chết ư?
– Chết rồi. Brunei nhắc lại.
– Khủng khiếp quá! Didier thốt lên.
Bệnh nhân phủ phục trên gối. Anh ta nằm im, mắt nhắm nghiền như vô cảm.
Cuối cùng, anh nói giọng lạc đi:
– Giải thích cho chúng tôi đi.
Một lần nữa Brunei kể lại chuyến thám hiểm của chúng tôi.
– Nhưng rốt cuộc các anh nghĩ sao? Bác sĩ hỏi khi anh ngừng lời.
– Chúng tôi phải nghĩ gì đây? Điều bí ẩn này cũng không giải đáp được giống như ở trong căn hộ nhà Vigneray, trong phòng Adèle – Anh la đến điếc tai – Tôi chả có sự giải thích nào. Không giải thích được.
Anh vẫn cầm tay Roland và xiết nhẹ.
– Còn bạn, Roland, bạn biết gì? Việc đó xảy ra như thế nào?
– Ồ, lần này thì không phải là điều bí ẩn. Anh biết là rời các anh tôi đi về nhà. Tôi rã rời, tôi muốn đi nghỉ. Nhưug tôi thấy ngay là không tài nào ngủ được. Tôi như một thằng điên. Thế là tôi đi đến phòng làm việc – Anh ta mỉm cười buồn bã với bác sĩ – Làm việc là cách tốt nhất để tôi bình tĩnh lại. Thế là tôi xem lại các tập hồ sơ. Tôi có một vài vụ án trong tương lai như các anh đã biết. Mọi khi, cà phê giúp tôi không buồn ngủ. Nhưng đêm nay tôi không cần đến nó, vì thế tôi chỉ uống như một cái máy cuối buổi làm việc.
– Chính nhờ ngoại cảnh đó mà anh còn sống – bác sĩ nói – vì cần có thời gian nhiều hơn để thuốc độc ngấm và bạn anh đã can thiệp kịp thời.
Roland nhìn Brunei và tôi một cách cảm động và nói tiếp:
– Hiệu quả thật nhanh chóng. Nó bắt đầu như một cơn co bóp dạ dày. Đói đây, tôi nghĩ, nhưng chẳng mấy chốc, cơn co bóp trở nên cơn đau bỏng rát không dịu đi. Nỗi đau làm bụng tôi xoắn lại. Chưa bao giờ tôi bị như thế này. Tôi muốn đứng dậy. Tôi thấy chóng mặt… Tôi tỉnh dậy trong căn phòng này nhờ sự chăm sóc của bác sĩ, vị bác sĩ mà tôi yêu mến và muốn được trở thành bạn.
– Ước muốn đó sẽ trở thành sự thực nếu chúng ta khôn ngoan không bực tức quá mức, bác sĩ nói và đặt một miếng gạc mới lên trán bệnh nhân.
– Thế bây giờ các anh định làm gì? Vụ điều tra đã tiến hành đến đâu rồi? Roland lại hỏi sau một phút im lặng.
Brunei bĩu môi.
– Mọi người đều đang lúng túng. Sáng mai sẽ nghe lời khai của bà cô của anh. Sau đó chúng tôi sẽ lục soát phòng làm việc của Mareel. Tôi không giấu anh là tôi cũng chẳng hy vọng gì nhiều. Nhưng biết đâu đấy?
– A! Chữa cho tôi khỏi nhanh lên, bác sĩ, ông Charasse kêu lên, để tôi cũng có thể chiến đấu được – Ông ta nói thêm với một nụ cười còn buồn hơn cả một tiếng nấc – Lúc này chỉ có các bạn tôi trả thù cho tôi, chính tôi cũng phải trả thù chứ.
– Than ôi! Chiến đấu chống lại ai, chống lại cái gì, hả Roland tội nghiệp? Brunei nói.
Đến đó, bác sĩ ra hiệu cho chúng tôi là đừng làm mệt bệnh nhân nữa và chúng tôi nên rút lui, sau khi hứa với Roland là sẽ quay lại thăm anh ta mỗi ngày.
Chúng tôi đi lên khu phố Montmartre và ăn tối trong một quán ăn ở quảng trường Turgot, nơi chúng tôi thấy thích thú bởi bầu không khí quê mùa của nó. Ngay sau khi ăn xong, chúng tôi chia tay để về nghỉ. Chúng tôi hẹn nhau cùng ăn trưa ngày mai để Brunei có thể cho tôi biết ngay lập tức nội dung cuộc thẩm vấn mà anh được tham dự.
Vào khoảng 10 giờ tôi đã ngủ say như chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.