Thứ bảy ngày 7 tháng sáu. Cả đời tôi, tôi sẽ không quên ngày ấy.
Đã hơn một tuần chúng tôi hoài công theo dõi ngôi nhà trên phố Commerce và dù không nói ra, chúng tôi đều tin rằng chúng tôi chỉ mất thời gian thôi, kẻ thuê nhà huyền bí sẽ chẳng bao giờ còn đặt chân vào căn hộ ấy, có thể vì hắn ta phòng vệ, hoặc chỉ đơn giản là hắn chẳng còn lý do gì để quay lại chỗ ở tạm thời ấy nữa.
Sắp đến phiên trực lần thứ năm của tôi. Tôi đến sớm, phải 3 giờ mới bắt đầu trực và bây giờ mới 2h15. Trong chiếc xe bus đưa tôi đến Grenelle với tốc độ rất chậm, tôi nhớ lại một lần nữa tất cả các chương của thảm kịch, một trong những thảm kịch kỳ lạ nhất mà lịch sử tội phạm ghi nhận được và có thể chẳng bao giờ được đưa ra ánh sáng trừ phi hung thủ lại ra tay một lần nữa và lần này thì vụng về và cho chúng tôi cơ hội hành động.
Câu chuyện này được đăng tóm tắt trong tờ báo buổi sáng với tựa đề ngắn gọn:
Cảnh sát chờ gì rồi mới hành động? Một vụ giết người mới chăng?
Các tạp chí đăng đầy những bức ảnh các nạn nhân và vị trí nơi các vụ giết người xảy ra. Có thể thấy toà nhà trên phố Greuze với chiếc cửa sổ được đánh dấu chữ thập, nơi bà Vigneray kêu cứu, phòng làm việc của ông Charasse khu nhà nghỉ ở Mans với chiếc cửa sổ có khung thép và cửa chớp thách thức mọi toan tính và cánh cửa bằng gỗ sồi dày qua đó hung thủ đã tìm mọi cách chui qua nhưng vô ích.
Cả André Brunei cũng không thoát khỏi. Người ta vẽ anh đang lật một cái bàn với dòng chữ: Sherlock Holmes, hãy giúp tôi!
Cuộc phẫu thuật bà Vigneray đã thành công mĩ mãn. Viên đạn đã được lấy ra nhưng người phụ nữ khốn khổ vẫn chưa có cơ may sống. Tình trạng yếu sức trầm trọng của bà ta ngăn cấm mọi cuộc xét hỏi. Vì sợ một xúc động nhỏ nhất, cũng có thể dẫn đến cái chết cho bệnh nhân, các bác sĩ cấm chúng tôi lại gần bà.
Thế là với sự lo lắng sâu sắc, các nhà hành pháp và quần chúng nhận mỗi ngày các thông tin về sức khoẻ của bà ta. Chắc chắn là do hy vọng có được một vài tiết lộ giật gân hơn là do tình người mà nhiều người mong cho bà ta bình phục.
Cũng chẳng cần phải nói là viên đạn lấy ra từ vết thương của bà ta được bắn ra từ chính khẩu súng lục bắn các nạn nhân khác. Tất nhiên là bí mật tuyệt đối được giữ kín liên quan đến dấu vết mà chúng tôi thu được từ những cái biên lai của bưu điện. Đã hoàn toàn bình phục, Roland Charasse đến tăng cường cho nhóm nhỏ của chúng tôi. Anh ta cũng đã gác một lần khi đến lượt.
Thanh tra Marioise mà tôi vừa đến thay đã ăn trưa xong. Anh ta đợi tôi, một điếu xì gà chưa châm ngậm trong mồm, cũng không được hút vì đốm lửa có thể bị nhìn thấy qua rèm cửa. Thanh tra có vẻ mệt mỏi.
– Tôi mòn mỏi đi, anh ta lẩm bẩm, mòn mỏi.
A! Một chút “cay” muôn năm.
Sau khi gọi thêm chút rượu cho tôi, chàng trai ra và tôi bắt đầu phiên trực thứ năm.
Thực ra mà nói, việc canh gác không làm tôi buồn chán. Tôi luôn quan tâm đến các sự việc xảy ra trên phố, nhưng chưa bao giờ tôi có dịp ngắm nhìn lâu lâu và nhất là từ một vị trí tốt như thế này, màn kịch này có biết bao nhiêu là diễn viên.
Trong bốn buổi chiều, các thanh tra đã tránh cho tôi và Brunei phải gác đêm, tôi đã biết được nhiều điều đáng ngạc nhiên.
Tôi nhận thấy rằng giờ đi ra ngoài của cô thợ giặt luôn trùng với giờ đi dạo của người bán hàng ngũ kim bên cạnh, những lúc đó vợ anh ta trông cửa hàng một mình. Bà ta nói chồng bà ta cần hít thở không khí trong lành, rằng ông ta vận động ít quá, Auguste nói với tôi như vậy.
Tôi biết rằng người phụ nữ thuê nhà ở tầng một toà nhà trước mặt, một cô gái tóc vàng hấp dẫn, luôn tươi cười, có mối quan hệ khác giới rất rộng rãi. Những người đàn ông đến thăm cô ta, nối tiếp nhau với một nhịp độ khá nhanh và chẳng bao giờ giáp mặt nhau cả.
Tôi biết rằng cứ 4h10, ba cậu học trò có mặt trước hiệu bánh kẹo, nhưng chỉ có một cậu bước vào. Tôi không biết cậu mua gì, nhưng tôi nghĩ rằng mục đích của cuộc mua bán là kéo cô bán hàng đi sâu vào trong cửa hàng. Còn lại trước kệ bày hàng, hai kẻ đồng loã hành động nhanh như cắt và chính xác một cách đáng kể. Làm như muốn ngắm kỹ các loại kẹo bày trong tủ kính, chúng nghiêng người về phía trước sao cho áo khoác của chúng che kín các lọ kẹo. Vai trò của mỗi đứa trẻ đã được xác định. Thằng đứng bên phải mở nắp lọ, thằng kia thọc tay vào trong lọ. Ba lần, bàn tay nhấc lên đút vào túi, rồi cái nắp lọ lại được đặt vào chỗ cũ, hai đứa đi nhanh ra xa, đầu ngẩng cao.
Một phút sau, thằng nhóc thứ ba rời tiệm bánh kẹo. Nhóm ba người tập hợp lại cách đó độ ba chục mét. Chúng chia phần ở góc phố đầu tiên.
Nhưng sự giải trí vô tội đó cũng không làm tôi quên mục tiêu nhiệm vụ của mình và tôi không rời mắt khỏi mặt tiền ngôi nhà trước mặt một phút nào.
Vào khoảng 4 giờ mười lăm. Tôi vừa dán mắt vào góc phố nhà hát, chờ đợi ba cậu học trò thì tôi chợt giật mình. Một người đàn ông vừa rẽ vào từ góc phố và đi thẳng về phía tôi.
Đây là một người đàn ông nhỏ bé, mặc một cái áo khoác bẩn thỉu và đội chiếc mũ xanh đã cũ. Mặt anh ta cạo nhẵn, dài và gầy, nước da màu chì. Trông anh ta như người ốm. Mái tóc vàng nhơ nhớp, quá dài, rủ xuống cổ áo càng làm tăng vẻ ốm yếu của anh ta..
Tôi chưa bao giờ trông thấy người đàn ông này. Vậy tại sao tôi lại đột nhiên cảm thấy sợ hãi? Rõ ràng là bởi lời miêu tả của bà gác cổng: Một gã bé nhỏ, thấp hơn tôi… một thân hình kỳ quặc… một bộ mặt tái nhợt. Thật mơ hồ!
Vậy tại sao nhịp thở của tôi lại gấp gáp? Tại sao tôi lại bấm móng tay vào lòng bàn tay?
Người đàn ông chỉ còn cách số nhà 49bis vài bước chân. Tôi nhìn rõ mặt anh ta hơn. Anh ta gầy guộc. Người ta nhìn rõ cả khung xương vì da như dính vào xương. Cặp mắt như mắt người chết. Chúng lờ đờ, không biểu lộ một điều gì, như không trông thấy gì.
Anh ta chỉ còn cách cánh cổng ba bước chân. Nỗi căng thẳng của tôi lên đến cao độ. Tôi muốn hành động. Tôi thở phì phò.
Người đàn ông đi vào nhà.
Tôi nín thở. Máu dồn lên thái dương. Không còn nghi ngờ gì nữa. Người đàn ông trong chiếc áo mưa đó là Alfred Rupart. Nỗi xúc động của tôi lại dâng lên khi tôi thấy xuất hiện bà gác cổng to béo.
Bà ta cầm một cái chổi. Bà quét vỉa hè rồi rút một cái mùi xoa to tướng ra từ trong túi, bà xỉ mũi hai lần, rõ lâu. Vừa làm như vậy, bà vừa dán mắt vào chiếc cửa sổ nơi tôi ngồi. Thế rồi bà lại đi vào chỗ ngồi trực.
Tôi chờ đợi. Một phút trôi qua rồi đột nhiên tôi thấy nóng ruột như lửa đốt. Rõ ràng là tôi chỉ có cách tốt nhất là theo dõi Rupart khi hắn đi ra. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rất rõ ràng tôi ngồi như phỗng ở đây trong khi con người bí ẩn đó đang ở trong căn hộ là một sai lầm không thể sửa chữa được.
Tại sao Alfred Rupart lại quay lại ngôi nhà đó? Hắn định làm gì ở đó? Đấy là điều tối quan trọng cần phải biết.
Gần nhu vô thức, như tuân theo một thê lực huyền bí, tôi rời vị trí quan sát. Tôi đi ra khỏi tiệm lcà phê, qua đường và đi vào ngôi nhà trước mặt.
Tôi sẽ không bao giờ quên cặp mắt hoảng hốt của bà gác cổng khi thấy tôi đi qua chỗ gác.
Tôi chưa kiểm soát được hành động của mình khi tôi lên đến tầng hai. Tôi dán tai vào cửa. Trong căn hộ hoàn toàn yên tĩnh.
Sao mình ngốc thế, tôi tự nhủ. Mình phải đi xuống. Có thể là Rupart chỉ đợi một lá thư, mình sẽ chặn người đưa thư khi ông ta đến.
Tôi vội chạy ra cầu thang. Nhưng tôi vừa xuống được bốn bậc thì khựng lại. Trong căn hộ có tiếng chuông điện thoại reo.
Tôỉ lại chạy lên hành lang, áp tai vào cửa. Than ôi! Chăng nghe được gì, chắc điện thoại đặt ở buồng trong.
Không nghi ngờ gì là cuộc nói chuyện này có tầm quan trọng đặc biệt. Có phải chỉ vì đợi cú điện thoại này mà Rupart quay lại căn hộ của hắn?
Nghĩ lại thì giả thiết này có vẻ không đúng, vì con người kỳ quặc này hắn có thể đợi điện thoại ở bất cứ nơi đâu. Nhưng nếu là một sự trùng hợp thì sao?
Tôi không lưỡng lự nữa. Tôi biết Brunei sẽ làm gì trong hoàn cảnh này dù có bất cẩn đi nữa. Hơn nữa, đây chẳng phải là cơ hội để tôi áp dụng các bài học mà bạn tôi đã dạy cho tôi?
Tôi đút chìa khoá vạn năng vào ổ khoá. Cánh cửa mở êm ru.
Tôi đứng trong căn phòng không lớn lắm, đồ đạc sơ sài, một cái bàn vuông làm nó cỏ vẻ giống phòng ăn. Cuối phòng là một cái cửa. Hẳn là nó dẫn đến phòng khách như Brunei đã nói.
Không đóng cửa để có thể chạy ra cho nhanh, tôi đi vài bước trong phòng. Ngay lập tức tôi nghe thấy tiếng thì thầm. Tôi thận trọng đi về phía cái cửa, tai căng ra. Tôi đã nghe rõ tiếng nói.
Cố nén nhịp tim đập dồn dập đến phát đau, run rẩy vì vừa mừng lại vừa sợ, tôi nghe thấy:
-…Vậy là đồng ý rồi nhé, 6h rưỡi đúng.
– Tất nhiên rồi, tôi sẽ đến đó. Sao cơ?… Ồ! Tôi chẳng sợ gì cả. Tôi thách ai theo dõi được tôi.
Mồ hôi nhỏ giọt trên trán tôi. Tôi thách ai theo dõi được tôi đấy. Alfred Rupart đã nói thế! Như vậy là hắn không biết ngôi nhà đã bị theo dõi. Và hắn đã dám quay lại!
Hắn ta có vẻ tự tin. Hắn không biết là đã bị phát hiện và coi thường người khác.
Ý nghĩ Rupart đã được cảnh báo làm tôi thấy sợ. Rõ ràng là tôi không đủ sức chống lại địch thủ này. Hắn sẽ phát hiện ra tôi như hắn vừa nói.
Vậy mà, bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải phát hiện ra điểm hẹn mà hắn đã định với đồng bọn, tôi phải nhìn thấy kẻ đã nói chuyện qua điện thoại.
Từng giây một, linh cảm dâng lên trong tôi. Kẻ lạ mặt ở đầu dây bên kia chẳng có thể là ai khác ngoài hung thủ.
Nghĩ đến đó, tôi thấy chóng mặt. A! Biết được nơi hai người đàn ông hẹn nhau vào sáu rưỡi, thật tuyệt!
Từ khi tôi sát cánh cùng Brunei trong cuộp chiến, tôi đã trải qua những phút đầy kịch tính. Tuy vậy, tôi không nhớ là đã phải chịu đựng sự tra tấn như vào lúc này chưa, khi tôi tự nhủ: “Liệu Rupart có nói ra không? Nói ra tên điểm hẹn?”
– Xin cám ơn về sự chính xác của anh, hắn nói. Cầu trời phù hộ cho những người đúng giờ!
Sau đó là im lặng.
Linh cảm của tôi đã đúng.
Hung thủ ở đầu dây đằng kia, Rupart đã nghe thấy tiếng hắn. Nếu tôi ở phía bên kia cánh cửa này chắc tôi cũng nghe thấy!
Ý nghĩ về người mà chúng tôi truy lùng từ bấy lâu nay làm tôi bối rối. Nhưng hắn sẽ cúp máy ngay thôi. Đường dây sẽ bị ngắt. Một lần nữa, địch thủ sẽ biến mất, tiêu tan và tôi lại… như trước.
Tôi mong muốn điên cuồng mở cửa để lao vào máy điện thoại. Tôi cảm thấy như thế tôi sẽ làm hung thủ tê liệt và ngăn hắn chạy đi.
Alfred Rupart đột ngột nói:
-Vậy là hiểu rõ rồi.., hắn bắt đầu.
Hắn nói giọng như tóm tắt lại những lời giải thích đã nói. Tim tôi như ngừng đập.
– Anh không nhầm được đâu, ngôi nhà cuối cùng, bên cạnh hồ, đi từ phía Paris lại, hẳn rồi.
Tôi cắn môi đến rớm máu.
– Phải, tường cao màu ghi.
– Nếu anh muốn, trong trường hợp này, hãy đi đến Chaville. Nhưng anh sẽ phải đi qua rừng đấy.
Tôi không nghe thêm nữa. Nhảy ba bước, tôi đi ra ngoài, đóng cửa lại, đầu tôi như bốc lửa.
– Hồ nước… Chaville… rừng phải đi qua. Không nghi ngờ gì nữa. Đấy chính là Ville-d’Avray, nơi hai người đàn ông hẹn nhau vào lúc 6h30. Tôi biết thêm là ngôi nhà có tường cao màu ghi và là cái cuối cùng bên cạnh hồ nước.
Tôi lao xuống thang như một thằng điên và đi thẳng vào quán cà phê. Nhưng tôi hoài công gọi điện cho Brunei, rồi Roland Charasse. Không ai trả lời cả. Tôi cũng không gặp được Girard.
– Auguste, không ai ra khỏi số nhà 49 bis, khi tôi gọi điện thoại chứ?
– Không ai cả.
– Tuyệt. Đưa giấy và phong bì nhanh lên!
Tôi nguệch ngoạc ba lá thư, nêu tóm tắt những chỉ dẫn cần thiết và nhờ Auguste chạy ngay đến địa chỉ nhà các bạn tôi.
Giời đánh thánh vật nếu như không một ai trong số họ có mặt trước giờ hẹn, tôi nghĩ.
Vì tôi không biết tôi có thể làm gì được.
Khi tôi kết thúc việc chỉ dẫn cho Auguste, Alfred Rupart đi ra khỏi ngôi nhà trước mặt. Thậm chí hắn không thèm nhìn xung quanh. Rất thong thả, hắn đi về phía phố Emile- zola.
– Tôi phó thác cho anh đấy, Auguste, rất quan trọng đấy, rất quan trọng.
Và tôi rời tiệm cà phê.
Chỉ vào thời điểm đó tôi mới đặt ra cho mình câu hỏi phụ mà tôi chưa nghĩ ra:
“Liệu tôi định theo dõi Rupart hay tôi chỉ đơn giản muốn có mặt ở điểm hẹn?”
Người đàn ông ở cách tôi khoảng 30m. Hắn đi, lưng hơi còng, rất bình thản, hơi lê chân vì hắn đi chậm hơn để châm hút thuốc. Thái độ của hắn thể hiện một sự bình tĩnh lạ lùng. Có phải hắn nhử tôi đi theo hắn?
Câu nói: “Tôi thách thức kẻ nào theo dõi tôi” rất có thể không có chủ ý gì mà chỉ là một câu trả lời tầm thường trước một lời khuyên thận trọng. Trong trường hợp đó tôi chẳng cần phải liều lĩnh để hắn nhận ra. Alfred Rupart có thể sẽ báo kịp thời cho đồng bọn và huỷ cuộc hẹn.
Hắn đi đến đợi ở góc phố Emile-zola. Tôi lưỡng lự một giây.
– Không! Vô ích, tôi tự nhủ. Chẳng nên liều lĩnh để…
Alfred Rupart rẽ vào góc phố…. Và tạm rời mắt khỏi hắn, một giây, tôi đổi ý. Vung tay lên, quên cả thận trọng, tôi chạy đến ngã tư.
Nhưng tôi hoài công nhìn khắp các ngả, con người tinh quái ấy đã biến mất.
Lúng túng cực độ, tôi đứng sững trên vỉa hè. Hàng ngàn lý do để theo dõi Rupart mà tôi chưa nghĩ ra khi tôi lưỡng lự, một phút trước, không biết quyết bề nào, nay tôi thấy hiển nhiên, bây giờ chỉ có một quyết định, làm tôi vô thức dừng lại và chính nó đã làm tôi mất dấu kẻ trốn chạy.
Ý nghĩ là tôi đã bị chơi xỏ thoáng qua đầu.
Đánh lừa… Hắn đã lừa tôi. Hắn biết là tôi đã nghe trộm. Cuộc hẹn ở Ville d’Avray, một mẹo vặt… Và tôi đã để hắn chạy thoát. Chúng đã tuột khỏi tay tôi, hắn… và tên kia.
Nhưng không, ý nghĩ đó thật ngu ngốc, điên rồ. Tôi tin chắc là không gây ra một tiếng động nào khi tôi lẻn vào căn hộ. Làm sao Alfred Rupart có thể nghi ngờ là tôi có mặt ở đó?
Tôi nhìn đồng hồ: 5h kém hai mươi. Tôi còn gần 2 giờ nữa. Cách tốt nhất là tôi đi ngay đến điểm hẹn. Có thể có khả năng một trong hai người, dù là người rất đúng giờ, đến sớm hơn. Vậy tôi có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu địa điểm. Hơn nữa, tôi chỉ còn phải chờ đợi và… hy vọng.
Tôi gọi taxi:
– Đến khu nhà Ville d’Avray!