Tại Sao Lo Lắng? Hãy Vui Lên!

Chương 5



“Khi trí não không muốn thì tay chân không thể.” – Khuyết danh
WORRY
The Yuck Factor
LO LẮNG NHỮNG NHÂN TỐ KINH KHIẾP

“Kinh khiếp = cảm xúc ghê tởm.”

Thái độ kinh khiếp

Bạn có từng đi qua bộ bàn ghế toàn rác là rác, phân chim vương vãi trên đống đồ ăn thừa bẩn thỉu? Phản ứng của bạn như thế nào khi trông thấy cảnh tượng ấy? Chắc chắn bạn phải thầm nghĩ ngay: “Khiếp! Sao mà gớm thế nhỉ?”.

Vâng, đây chính là phản ứng bình thường của phần lớn mọi người. Cảnh tượng như vậy khiến mọi người ai cũng phát khiếp và chẳng còn muốn ăn uống gì nữa. Nhưng nếu với mọi hoàn cảnh tồi tệ khác mà ta đều phản ứng như thế này, thì ta sẽ cảm thấy tiêu cực mọi lúc, trong khi không phải lúc nào cũng cần như vậy.

Dù có những lúc ta cảm thấy xuống tinh thần, nhưng đâu cần lúc nào cũng tiêu cực như vậy. Những người trông lúc nào cũng buồn bã u sầu thường bị coi là người bi quan. Họ luôn lo lắng về mọi thứ. Dù cho sự việc có tốt đẹp, thì họ vẫn chỉ tập trung vào mặt tiêu cực của vấn đề.

Bạn đã từng gặp những người như vậy chưa?

Người hay lo
William là một anh chàng tuổi trẻ điển hình, nhưng cái không điển hình ở một người cỡ tuổi như cậu ta là cậu đích thị là một người lo lắng kinh niên. Dù học tập rất ổn cũng như có kết quả không tệ trong các kỳ thi, cậu lại không bao giờ hài lòng với thành quả của mình. Nếu bài kiểm tra của cậu được 8 điểm, thì thay vì vui mừng, cậu sẽ cứ dằn vặt mãi về 2 điểm mình không đạt được. Và ngay cả khi làm bài một cách hoàn hảo và giành được 10 điểm trọn vẹn, cậu cũng lại lo lắng sẽ không giữ được thành tích ở các bài kiểm tra sau. Như vậy đấy, William có một khả năng đáng kinh ngạc trong việc biến chuyển những thứ tích cực trở thành tiêu cực, và đó là lý do cậu được đặt cho biệt danh “William lo lắng”!

Người hay lo có khuynh hướng tập trung vào viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra của tình huống. Lo lắng có thể ích lợi nếu nó thúc đẩy ta vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nếu nó chỉ khiến ta chùn bước thì đích thị nó có ảnh hưởng xấu và chúng ta cần hành động ngay để loại trừ nó.
Chú voi lông hồng

“ĐỪNG nghĩ tới chú voi lông hồng nhé!”

Khi nghe câu này, bạn có nghĩ về hình ảnh chú voi lông hồng không? Hay hình ảnh đó chợt xuất hiện trong đầu bạn?

Khi tôi tiến hành thử nghiệm này, mọi người đều nghĩ về chú voi lông hồng. Trí não của chúng ta thực sự phức tạp như vậy đấy. Khi cố gắng không nghĩ về điều gì đó, thì ta chỉ toàn tập trung vào nó và đôi khi còn phóng đại lên nhiều lần. Dường như trí não chúng ta không hiểu được từ “ĐỪNG” – mà thay vào đó cứ ám ảnh mãi về thứ ta đã cố không nghĩ tới.
Thế nên khi ta tự bảo bản thân đừng tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực, thì trí óc ta lại chỉ toàn tập trung vào chúng mà thôi.
Xua đuổi những suy nghĩ tiêu cực

Vậy làm cách nào để xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực?

Một cách hiệu quả là: nghĩ đến hậu quả nếu những ý nghĩ tiêu cực đó trở thành sự thật. Lấy ví dụ, nếu bạn lo lắng việc sẽ bị đuổi học khi không nộp bài luận đúng thời hạn, thì hãy nghĩ đến hậu quả có thể xảy đến trên thực tế. Kết quả có thể có là gì? Bạn có thực sự bị đuổi? Có ai đó từng như vậy chưa? Người đó có thực sự bị đuổi? Có thể là không đâu.

Có khả năng bạn này đã bị giáo viên khiển trách. Hay tệ hơn, bạn ấy có thể đã phải gặp hiệu trưởng để tường trình lý do. Thế đấy, bạn hãy theo sát những kết quả thực tế thay vì lo lắng vẩn vơ.

Khi đã cân nhắc những kết quả có thể xảy ra, hãy nghĩ đến giải pháp để ngăn chặn để những lo lắng ấy không trở thành hiện thực. Bài luận có quá khó để thực hiện hay không? Hay chỉ vì bạn thiếu thời gian? Nếu vì nguyên do thứ nhất, hãy thử tìm sự trợ giúp từ bạn bè. Nếu vì nguyên do thứ hai, thì hãy sắp xếp lại thời gian của mình sao cho hiệu quả nhất.
Vậy thì những lo lắng của bạn đâu phải đáng sợ lắm, phải không nào? Chúng ta chỉ cần đặt chúng trong những bối cảnh hợp lý và xử lý chúng sao cho phù hợp nhất.
Hiệu ứng Pygmalion

Theo thần thoại Hy Lạp, Pygmalion là một nhà điêu khắc đã tạc bức tượng người phụ nữ bằng ngà. Bức tượng ngà này giống thật đến nỗi ông đem lòng yêu thương. Hàng ngày, ông đều mang hoa đến tặng tượng và quẩn quanh bên tượng suốt ngày. Với Pygmalion, bức tượng chính là một người phụ nữ thực sự. Một ngày định mệnh nọ, điều ước của ông đã được thần Vệ nữ chấp thuận, và bức tượng biến thành con người bằng xương bằng thịt. Pygmalion vui mừng tột độ và cưới ngay người phụ nữ từng là tác phẩm của mình ấy.

Câu chuyện của Pygmalion cho chúng ta thấy sức mạnh của niềm tin. Ông đã tin tưởng bức tượng là thật đến nỗi sẵn sàng đón nhận nó vào cuộc đời thật. Hiệu ứng Pygmalion chính là dạng tiên tri về thành quả của một người. Nó có nghĩa: nếu một người luôn bị cho rằng sẽ chẳng làm gì nên hồn, thì anh ta sẽ tiếp nhận điều này và đánh giá thấp về bản thân mình. Chẳng mấy chốc, anh ta hóa ra là một kẻ thất bại thật sự. Ngược lại, nếu một người được đánh giá tốt đẹp, anh ta sẽ tự tin về bản thân hơn và có thể giành được thành công nhờ sự tự tin đó.

Vì vậy, thay vì tập trung vào những điều tiêu cực, chúng ta cần chuyển hướng đến những điều tích cực, dùng những cách thức hiệu quả để xua tan những suy nghĩ tối tăm và thay thế chúng bằng những ý nghĩ tươi sáng.
Chặn quả cầu tuyết

Một cách thức hiệu quả để hạn chế những suy nghĩ và cảm giác tiêu cực là đừng để chúng có cơ hội lớn lên. Cũng giống như quả cầu tuyết sẽ càng lúc càng phình to lên khi lăn xuống sườn đồi, những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta cũng sẽ tăng lên nếu chúng ta cứ để chúng tự do phát triển. Bước quan trọng là nhận diện ngay những suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực này càng sớm càng tốt, rồi tìm ra nguyên nhân để loại bỏ chúng.

Có phải nó liên quan đến chuyện trường lớp hay chuyện công việc? Có phải bởi trận cãi vã với bạn bè hay thành viên trong gia đình? Liệu chúng ta có thể tự mình giải quyết việc này, hay cần sự trợ giúp, cần lời khuyên từ bạn bè hay từ người có kinh nghiệm?

Điều quan trọng là phải chủ động nhìn nhận vấn đề. Ngay cả khi ta chưa giải quyết được, thì bước đầu tiên này cũng có thể giúp ta nhìn vấn đề một cách rõ ràng và khiến nó không còn nghiêm trọng như lúc ban đầu.

An phận

Một trong những phản ứng tệ nhất khi ta lo lắng đó là: chẳng làm gì cả. Với những người an phận, họ đơn giản chấp nhận số phận của mình. Chấp nhận bản thân mình có thể là một điều tốt đấy, nhưng nếu chúng ta chỉ đơn giản chấp nhận những sự việc tồi tệ xảy đến với mình, thì chúng ta cũng giống như con rùa sợ bầu trời sẽ sập xuống nên từ chối ra khỏi chiếc mai nặng nề của mình.

Vì thế, chúng ta cần thực tế, nhưng không an phận. Chúng ta nên nhận ra điều gì khiến chúng ta lo lắng và ý thức rằng không phải mọi nỗi lo đều sẽ đổ sập xuống chúng ta những viễn cảnh tồi tệ, để có thể đối mặt với chúng và vượt qua chúng.

Tổng kết
Khi bị bủa vây bởi những suy nghĩ tiêu cực, ta nên sắp xếp lại chúng và kiềm chế cảm xúc để ánh sáng tích cực có cơ hội len lỏi và tỏa sáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.