Tại Sao Lo Lắng? Hãy Vui Lên!

Chương 3



“Khi ở nhà, cha mẹ là nguồn động viên lớn nhất; khi đi xa, bạn bè là nguồn động lực thay thế.”

– Khuyết danh

WORRY
Managing Relationships
LO LẮNG QUẢN LÝ CÁC MỐI QUAN HỆ CÁ NHÂN

“Quan hệ cá nhân = mối liên hệ giữa người với người.”
Đôi khi, các mối quan hệ cá nhân gây lắm phiền phức cho chúng ta. Tuy vậy, chúng ta cần đến chúng để duy trì trạng thái cân bằng quan hệ xã hội của bản thân và để cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống trên trái đất này. Giờ thì tôi sẽ phân tích một số mối quan hệ khó khăn mà đôi khi chúng ta phải đối mặt, và đề ra cách để đối phó với chúng.
Phụ huynh

Nhờ có cha mẹ mà chúng ta được sinh ra trên đời. Bằng cách này hay cách khác, cha mẹ chính là người chăm sóc, nuôi dưỡng để chúng ta được như ngày hôm nay. Nhưng trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta lại quên khuấy đi mất những điều trên, và cứ cho đó là điều hiển nhiên. Với những người như vậy, họ thấy cha mẹ thật quá phiền phức. Không thể phủ nhận là có những bậc phụ huynh luôn áp đặt quyền sở hữu của mình đối với con cái, luôn thể hiện quyền kiểm soát tối đa. Họ thường xuyên cằn nhằn và cấm đoán con mình, khiến tư tưởng nổi loạn trong các bạn trẻ có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được quên rằng dù cha mẹ có làm gì đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ muốn tốt cho chúng ta mà thôi. Vì vậy, hãy vâng lời và nghe theo cha mẹ mình bất cứ khi nào có thể, bạn sẽ thấy rằng mối quan hệ giữa mình với cha mẹ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.
Anh chị em
Với những ai có anh chị em, thì chắc chắn đã từng trải qua những cuộc tranh cãi nảy lửa. Quả thật anh chị em có thể là người bạn đồng hành tin cậy, nhưng đôi khi cũng phiền phức và khó chịu như nốt nhọt mọc ngay trên cổ vậy.

Chúng ta vẫn thường tranh cãi, thậm chí đánh nhau với anh chị em mình chỉ vì những vấn đề nhỏ xíu như:

– Cãi nhau việc ai sử dụng toilet trước.

– Giành giật lon nước ngọt cuối cùng trong tủ lạnh.

– Ẩu đả vì giành nhau chương trình ti-vi.

– Mâu thuẫn khi chọn rạp chiếu phim hay điểm đến cho kỳ nghỉ của gia đình. Chúng ta có thể xử lý những rắc rối này thế nào đây?

Chị em kình địch
Jane và Janet là chị em sinh đôi. Vì là sinh đôi, nên hết thảy mọi người ai cũng nghĩ họ sẽ thân thiết và gắn bó với nhau. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy. Hai chị em này thường xuyên cãi vã nhau về mọi vấn đề. Họ ganh đua nhau từng chút trong học tập, tranh nhau xem ai giành được thành tích nhiều hơn trong các hoạt động ngoại khóa. Không ngày nào mà hai chị em không kình địch với nhau về một vấn đề nào đó. Cha mẹ họ chỉ còn biết lắc đầu và thở dài, tự hỏi không biết cách nào để hai chị em có thể đối xử nhẹ nhàng với nhau hơn.

Mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị. Nhưng đôi khi các bậc phụ huynh lại quên mất điều này. Họ nghĩ rằng các con của họ sẽ phải giống nhau bởi cùng có chung một nguồn gen của ba mẹ. Vì thế, họ càng sai lầm hơn khi có khuynh hướng so sánh các con mình với nhau.
– Tại sao con làm biếng vậy? Em con đã làm xong bài tập từ lâu rồi kìa.

– Khi còn học phổ thông, anh con luôn đạt điểm cao tối đa trong các kỳ thi và xếp hàng giỏi nhất ở lớp đấy.

– Sao con mập vậy nhỉ? Trong khi em con thì lại thon thả và mặc bộ đồ này trông đẹp lắm mà. Những sự so sánh như vậy dường như chẳng bao giờ chấm dứt.
Có thể mục đích của cha mẹ chỉ là để thúc đẩy con mình tốt hơn, giỏi hơn mà thôi, nhưng chẳng ai lại muốn bị đem ra so sánh với người khác cả. Khi gặp phải tình trạng này, chúng ta chỉ cảm thấy bực bội hay tồi tệ khi không thể bằng anh, bằng em của mình. Điều này dẫn đến tình trạng căng thẳng ngay trong cuộc sống gia đình.

Hãy cố vượt qua cảm giác này bằng việc hiểu rằng chúng ta cũng có những điểm mạnh của riêng mình, và chúng ta khác hoàn toàn với các anh chị em. Hãy trò chuyện với ba mẹ mình nếu có thể và cho họ thấy đâu là sức mạnh của bạn, đâu là điểm riêng biệt không thể giống ai của bạn.
Bạn bè

Nhà triết học lừng danh Aristotle từ thời cổ đại đã nói rằng tình bạn là cách để chúng ta đạt được một cuộc sống cao đẹp, được thể hiện bởi lòng can đảm, sự hào hiệp và tình yêu thương. Bạn bè giúp chúng ta nhận diện rõ về bản thân mình. Suy nghĩ, hành động và hành vi của chúng ta được gọt giũa trong mối tương tác với bạn bè xung quanh. Như vậy, bạn bè là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, bởi chẳng ai trong chúng ta là một ốc đảo hoang vu.

Với nhiều bạn trẻ, tình bạn được xếp ở vị trí ưu tiên số một trong cuộc sống. Không ít người cảm thấy bạn bè hiểu họ nhiều hơn, gần gũi với họ hơn là gia đình. Và khi dành nhiều thời gian cho bạn bè thì cũng có vô số khả năng gây ra tranh cãi. Nhưng nhìn chung, bạn bè là người chúng ta tìm tới khi muốn chia sẻ niềm vui hoặc khi đối mặt với những mối lo âu, các vấn đề rắc rối. Khi ta vui, bạn bè cùng chia sẻ. Khi ta buồn bực hay khó khăn, bạn bè sẽ nâng đỡ tinh thần. Tuy nhiên, cũng có những người bạn khiến ta cảm thấy tệ hơn thay vì tốt hơn.

Bạn xấu là những người bạn mà sự nhức nhối do họ gây ra khó chịu như nốt nhọt ngay mông. Họ cư xử theo kiểu khiến ta phát cáu lên và tự hỏi tại sao và làm thế nào mà hai bên có thể là bạn bè của nhau. Theo nhà xã hội học Yan Yager, có sáu dạng bạn xấu:
1- Người không giữ lời

Dạng người không giữ lời thường có vô số lý do bào chữa cho việc thất hứa của mình. Việc họ không giữ lời có thể từ việc đến trễ trong các cuộc họp mặt, đến không thực hiện lời mình đã tuyên bố. Để đối phó với dạng người này, chúng ta phải luôn có kế hoạch dự phòng. Chúng ta cũng nên thường xuyên nhắc cho họ nhớ về những lời hứa hẹn mà họ đã tuyên bố.

2- Người hai mặt

Người hai mặt là người sẽ dễ dàng phản bội bạn bè và nói xấu sau lưng bạn mình. Với dạng người này, tốt nhất là chúng ta nên tránh xa và để tình bạn tự lụi tàn. Đây là dạng người chẳng đáng để duy trì tình bạn.
3- Người chỉ biết có mình

Người chỉ biết có mình là dạng người chỉ quan tâm tới bản thân mình mà thôi. Họ huyên thuyên không dứt về bản thân. Bạn sẽ đặc biệt phiền phức khi nói chuyện qua điện thoại với dạng người này. Để đối phó, cách tốt nhất là kéo họ vào các hoạt động tập thể, như chơi thể thao, thi đấu.

4- Người nhiều chuyện

Người nhiều chuyện cũng giống như trạm thu phát thông tin vậy: mọi thứ mà bạn nói, họ sẽ thông tin cho người khác với tốc độ nhanh hơn là viên đạn đã bắn ra khỏi nòng. Với những người này, chúng ta cần cẩn thận mỗi khi phát ngôn nếu không muốn mọi bí mật của mình đều bị loan truyền cho mọi người.
5- Người cạnh tranh

Đây là những người luôn so sánh và ganh đua. Có thể điều này đã được định sẵn từ trong máu của họ rồi. Họ luôn nói về những thành quả mình đã đạt được, cho nên việc ở bên cạnh những người thế này thật chẳng mấy dễ dàng. Nếu muốn kết bạn với những người này, chúng ta phải chấp nhận không được nổi trội hơn họ.
6- Người vạch lá tìm sâu
Người vạch lá tìm sâu luôn tìm thấy lỗi và thường chỉ trích người khác. Dạng người này không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì người khác nói hay làm. Mọi sự lựa chọn hay quyết định của chúng ta đều gặp phải sự phê phán và phàn nàn của họ. Với dạng người này, hãy để họ quyết định nơi để đi và việc phải làm mỗi khi có hội họp gặp gỡ.

Nếu bạn cảm thấy nặng nề với một tình bạn nào đó, có thể bạn sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề còn tốt hơn là những gì tôi đã phác họa ở trên. Tuy nhiên, nếu bạn đã cố nhưng vẫn không thể giải quyết được gì, thì có thể cách tốt nhất là tránh những người bạn ấy và kết bạn với những người bạn mới.
Sự cô đơn
Có những người bạn khi chơi thì ta phải cố gắng bỏ qua một số điểm khó chịu ở họ – họ thử thách lòng kiên nhẫn của ta. Nhưng dù gì thì họ vẫn là bạn.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chẳng có lấy một người bạn? Một số người khá e dè, nhút nhát nên cảm thấy rất khó khăn để kết bạn với một ai đó. Họ thường chẳng có nhiều bạn và cũng không người bạn nào thực sự có thể trò chuyện.

Trong trường hợp này, bạn hãy cố gắng kết bạn nhiều hơn nữa. Hãy thử tận dụng các nguồn quan hệ sẵn có, ví dụ như bạn chung lớp, chung nhóm ngoại khóa, nhóm cùng sở thích, cùng tôn giáo,… Khi đã có điểm chung, chúng ta chỉ cần một nỗ lực nhỏ để phá tan sự bỡ ngỡ, nở nụ cười tươi, trò chuyện và từ đó hiểu nhau hơn. Bạn cũng nên tìm hiểu tài khoản facebook, gửi lời mời kết bạn để biết thêm về bạn bè cũng như sở thích của người ấy. Bạn cũng có thể hỏi địa chỉ email hay số điện thoại di động để có thể chat hay gọi điện thoại rủ người ấy đi chơi cùng mình.

Thực hiện bước đầu tiên chẳng bao giờ dễ dàng cả. Nhưng khi bước đầu đã hoàn thành, con đường sẽ tự động trải rộng ra và bạn chỉ cần tiếp tục bước mà thôi.
Giao tiếp là chìa khóa quan trọng

Để các mối quan hệ tiến triển tốt, điều cốt yếu là việc giao tiếp với nhau. Nhiều người nghĩ rằng giao tiếp nghĩa là trò chuyện. Khi trò chuyện, các mối quan hệ sẽ được hình thành và kết nối bền chặt. Nhưng điều này không phải luôn luôn đúng. Để một mối quan hệ vững bền, quá trình giao tiếp phải là hai chiều, bao gồm trò chuyện và lắng nghe. Nhiều người chỉ tập trung nói và kể, nhưng lại không chú ý tới việc lắng nghe.

Chữ “thính” (nghe) trong tiếng Hoa được ghép bởi các từ nhĩ, nhãn, tâm và vương. Nghĩa là khi lắng nghe, chúng ta sử dụng đôi tai (nhĩ), đôi mắt (nhãn) và trái tim (tâm) . Khi đó, ta trao cho người nói sự chú ý toàn diện, không phân tâm, tức ta đối đãi với người nói như một vị vua (vương) vậy.

Thế nên, lắng nghe là điều rất cần thiết để chúng ta thông hiểu nhau hơn. Khi chúng ta lắng nghe và hiểu được cảm giác của người nói, họ sẽ cảm thấy cảm mến lẫn biết ơn chúng ta rất nhiều.
Khen ngợi hay phàn nàn?
Lời khen khiến ta cười.

Câu chê khiến ta cáu.

Chẳng ai thích nghe chê trách cả, đặc biệt khi bản thân mình chính là mục tiêu của lời chê đó. Lời chê bai khiến chúng ta cảm thấy rất khổ sở bởi người ta đang nói thẳng rằng chúng ta đã làm sai hoặc làm không tốt điều gì đó. Lấy ví dụ, khi thầy cô phàn nàn với cha mẹ chúng ta về thái độ học hành của ta trong lớp hay về thành tích giảm sút, chắc chắn chúng ta sẽ rất buồn khổ.

Tuy nhiên, ai ai cũng thích lời khen ngợi. Đó là những lời có cánh, có khả năng khiến tâm hồn ta bay bổng, khuyến khích ta tiến lên phía trước. Lời khen ngợi về thành tích học tập tốt hay hành vi gương mẫu luôn mang đến nụ cười thật tươi trên môi chúng ta, khiến ta cảm thấy thật dễ chịu với bản thân mình.
Quản lý các mối quan hệ

Quản lý các mối quan hệ cũng giống như việc lái một chiếc tàu vậy. Chúng ta phải thấu hiểu đối phương của mình để có thể chung hướng tiến về phía trước.

Để một mối quan hệ được vững bền, luôn cần phải có cho và nhận. Tất nhiên, điều này không có nghĩa ta chỉ nên biết cho. Nếu như vậy, chúng ta sẽ chán chường và cảm thấy mối quan hệ này chẳng còn ý nghĩa gì cả. Còn nếu chỉ biết nhận, thì chúng ta cũng chỉ như những kẻ ăn bám, rút cạn sự sống của mối quan hệ ấy.

Vì vậy, chúng ta cần phải giữ mối quan hệ cân bằng, thực hiện theo mục tiêu cùng tiến lên, cùng chiến thắng để tình cảm ấy luôn có ý nghĩa và nảy sinh nhiều hoa trái.

Tổng kết
Các mối quan hệ có thể khá rắc rối. Nếu không biết cách quản lý chúng, chúng ta sẽ thấy quanh mình toàn những người đáng chán. Còn nếu khéo léo, tinh tế một chút, ta sẽ tìm thấy rất nhiều người bạn mới tuyệt vời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.