Tại Sao Lo Lắng? Hãy Vui Lên!

Chương 9



“Một khi tâm trí không bị ảnh hưởng bởi những lo toan của cuộc sống thường nhật, thì tâm trí ấy mới thật sự bình yên.”

– Khuyết danh

HAPPY
Having Peace of Mind
HẠNH PHÚC KHI TÂM TRÍ BÌNH YÊN

“Tâm trí bình yên = sự thanh thản và điềm tĩnh, vắng bóng những áp lực tinh thần và sự lo âu.”

Sự điềm tĩnh nội tại

Trong phần tiếp theo của bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới Kung Fu Panda, chú gấu trúc Po – nhân vật chính trong phim, đã lĩnh hội được sự điềm tĩnh trong tâm hồn sau khi nhận ra được rằng chú đã sống thật hạnh phúc và trọn vẹn, bất kể những bi kịch đổ dồn đến với mình. Và chú đã biến nguồn sức mạnh và năng lượng mới có được này thành kỹ thuật bậc thầy, giúp chú vô hiệu hóa được vũ khí hỏa xa của Lãnh chúa Shen (kẻ thù chính trong phim) và sau cùng đã đánh bại được hắn ta.

Chúng ta cũng vậy, cũng cần phải giữ được sự điềm tĩnh trong tâm trí để vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để đạt được điều này?

Đơn giản hóa mọi vấn đề

Dù là đã trưởng thành hay ở tuổi vị thành niên, tất cả chúng ta đều mất rất nhiều thời gian cho việc ngập chìm trong những vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Với người trưởng thành thì thời gian làm việc chiếm phần lớn với danh sách dài những kế hoạch cần hoàn thành đúng thời hạn, những dự án cần bàn giao theo tiến độ. Với các bạn trẻ, trường học là nơi phải dành phần lớn thời gian. Các bạn cũng phải vùi đầu vào rất nhiều bài tập, thực hiện các nhiệm vụ được phân công và vượt qua các kì thi. Vì thế nên tất cả mọi người đều mệt mỏi và cảm thấy không còn thời gian để dành cho những việc khác.

Tuy vậy, ta vẫn có giải pháp. Tại sao nhiều người vẫn cân bằng tốt giữa công việc và thời gian vui chơi, giải trí? Lý do dễ thấy là họ quản lý thời gian của mình rất hợp lý. Một trong những điểm mấu chốt của việc quản lý thời gian là đơn giản hóa mọi vấn đề. Hãy cùng tham khảo một trong những quyển sách của tôi “Tại sao cần đơn giản?” để hiểu chi tiết hơn về điều này.

Từ bỏ

“Khi ta chịu từ bỏ một điều gì đó, thì sau cùng ta sẽ thu về được nhiều hơn.”

Câu nói trên mới nghe qua thì có vẻ khá mâu thuẫn. Vì sao việc từ bỏ một điều gì đó lại đem về nhiều ích lợi hơn cho chúng ta về sau? Liệu có đúng không nếu nói rằng việc giữ mãi tâm lý tiêu cực như giận dữ và đau buồn sẽ kìm chặt những cảm xúc tích cực khác? Hãy cùng xem xét ví dụ minh họa sau đây:

Nigel là một bạn trẻ điển hình, với một nhóm bạn tốt chơi chung mà cậu biết rằng mình có thể tin tưởng. Cậu đặc biệt thân với Frank. Cậu luôn tin tưởng và xem Frank như bạn tâm giao của mình. Vì vậy, cậu đã chia sẻ nhiều bí mật riêng tư của mình với Frank. Tuy nhiên, niềm tin đó đã sụp đổ khi Nigel nhận ra rằng Frank đã đem những bí mật của cậu kể lại cho những người khác nghe. Thậm chí Frank còn thông báo những bí mật đó lên blog riêng của cậu ta. Nigel đã vô cùng tức giận và bị tổn thương vì những hành động ấy. Mặc cho Frank cầu xin tha thứ, Nigel không thể bỏ qua và cậu luôn giữ mối ác cảm trong lòng. Ngày qua ngày, cơn giận của Nigel càng kéo dài dữ dội và ảnh hưởng mạnh đến cảm xúc của cậu. Cậu dễ bị xao lãng và mất tập trung trong lớp học. Cậu bắt đầu thường xuyên bị ốm. Dần dần cậu có những biểu hiện trầm cảm và phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý.

Câu chuyện về Nigel cho chúng ta thấy rằng nếu cứ giữ mãi những cảm xúc tiêu cực là chúng ta đã tự biến mình thành người thua cuộc và chẳng ai là người thắng cuộc, chỉ có những nỗi đau về tâm hồn lẫn thể xác là kẻ thắng cuộc.

Lẽ ra Nigel nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô hay gia đình của cậu trước khi vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Với lời khuyên của mọi người, cậu đã có thể giải tỏa bớt sự căng thẳng và làm giảm sự khó chịu trong lòng.

Chấp nhận bỏ qua những cảm giác tiêu cực nghĩa là chúng ta đã tự cho mình cơ hội để lấy lại niềm vui và sự thanh thản. Khi chúng ta cảm thấy bình tâm đối diện với người khác, chúng ta sẽ dần lấy lại được sự bình yên trong tâm hồn.

Vì vậy, hãy học cách bỏ qua khi cần thiết và chắc chắn điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho chúng ta.
Tha thứ

Khi giữ mãi lòng thù hận, chúng ta sẽ thấy rất nặng nề – giống như phải giữ một tảng đá nặng 100 kg khi bơi ngoài biển vậy. Sức nặng của tảng đá sẽ kéo chúng ta chìm sâu dần xuống đáy đại dương. Khi thả tảng đá ra, ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn và được giải thoát khỏi gánh nặng. Sự tha thứ cũng như vậy. Hãy khoan dung và chúng ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn.

Phương hướng của chúng ta

Giống như những vận động viên ở “sở trường” của họ (khi những kỹ năng thực tế đáp ứng được các yêu cầu cần thiết), việc tìm ra khuynh hướng của bản thân sẽ giúp chúng ta tìm được hạnh phúc và sự yên bình. Khuynh hướng thật sự của bạn được hiểu là khi tâm trí, thể chất và tinh thần của bạn cùng hướng về một mục đích. Khi ấy, bạn sẽ dễ dàng đạt được mục đích đó mà không phải tốn nhiều sức lực. Điều này tương tự như các vận động viên thể thao khi họ được thi đấu đúng với “sở trường” của họ: Mọi động tác được họ thực hiện rất thuần thục, như thể đó là những hành động tự nhiên nhất của cơ thể. Ở nước Nhật vào thời cổ xưa, các cung thủ bậc thầy có thể dễ dàng bắn trúng mọi mục tiêu theo ý muốn. Họ thậm chí có thể bắn trúng hồng tâm ngay cả khi đã bị bịt mắt.

Vì vậy khi tìm được hướng đi đúng cho mình, chúng ta có thể làm được nhiều công việc mà không cần phải bận tâm quá nhiều. Những điều chúng ta làm sẽ trở thành một phần trong chúng ta. Cảm giác phấn chấn tự nhiên sẽ đến sau đó.

Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Viktor Frankl là một bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm lý học người Áo. Ông cũng là người sống sót sau cuộc tàn sát của Đức quốc xã. Khi ông bị giam tại trại tập trung ở Auschwitz trong Thế chiến thứ 2, ông đã quan sát phản ứng của những người xung quanh khi họ phải sống trong một môi trường rất khắc nghiệt. Ông thấy nhiều người đã bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng đến nỗi họ phải tự kết liễu cuộc sống của mình, trong khi một số người khác thì vẫn giữ vững niềm tin rằng họ có thể chịu đựng và vượt qua những thử thách.

Với Viktor thì điểm tựa cho nghị lực sống của ông chính là viễn cảnh về tương lai của mình. Trong viễn cảnh đó, ông thấy mình đang đứng thuyết trình về những kinh nghiệm của bản thân trước một thính phòng đầy ắp người ở Auschwitz. Ông chia sẻ với họ cách ông vượt qua và chiến thắng được những mâu thuẫn giằng xé tâm hồn và thể xác ông. Viễn cảnh đó làm quyết tâm sinh tồn của ông càng trở nên mạnh mẽ, nó giúp ông có thể tồn tại trong cuộc sống địa ngục ở các trại tập trung của Đức quốc xã.

Ông đã viết quyển sách “Man’s search for meaning”(*) dựa trên sự thấu hiểu của mình. Quyển sách được hoan nghênh nhiệt liệt và trở thành sách bán chạy nhất lúc bấy giờ. Trong quyển sách, ông đã viết rằng khi một người hiểu được sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống của mình thì họ sẽ sống một cách vui vẻ, bất kể hoàn cảnh sống có khắc nghiệt hay không.
Câu chuyện về Viktor chỉ ra rằng: một khi chúng ta đã nhận ra được mục tiêu cần đạt được trong cuộc sống thì tự nhiên ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc và sự thanh thản.
Chấp nhận bản thân mình và những người xung quanh

“Cao hơn nữa! Nhanh hơn nữa! Xa hơn nữa!”

Các vận động viên thường tự nhắc nhở mình bằng những câu nói này để thúc đẩy bản thân họ chinh phục những mục tiêu và thành tựu cao hơn. Giống như các vận động viên, chúng ta cũng cần thúc đẩy bản thân để đạt được những mục tiêu và sự thừa nhận cao hơn nữa. Đây là điều hoàn toàn bình thường vì ý chí và thân thể con người luôn tiềm tàng một sức mạnh có khả năng thúc đẩy chúng ta vượt qua giới hạn của bản thân. Đó là lý do vì sao những kỷ lục thế giới về thể thao luôn bị vượt qua và các nhà khoa học, doanh nhân đạt được các thành tựu đột phá trong lĩnh vực của họ.

Nói vậy không có nghĩa chúng ta trở thành những kẻ thất bại khi không đạt được những mục tiêu đề ra. Có thể chúng ta chỉ cần điều chỉnh lại tham vọng hoặc xác định lại mức độ thành công phù hợp hơn. Không phải ai cũng có thể đứng đầu các kì thi ở trường hoặc kiếm được một triệu đô- la mỗi năm. Luôn luôn chỉ có một vị trí đứng đầu trong mọi cuộc tranh đấu và trong các kỳ thi. Chỉ cần chúng ta nhận ra được hạn chế cũng như giới hạn của bản thân và cố gắng vượt qua chính mình, chúng ta đã là người chiến thắng.

Ai đó đã từng định nghĩa rằng thất bại chẳng qua chỉ là “thành công đang chờ đợi để xuất hiện”. Điều này thể hiện lối suy nghĩ thú vị và đầy tích cực về thất bại, mà sự thật cũng đúng như thế. Ai cũng phải gặp thất bại nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ gặp thất bại suốt cuộc đời. Thất bại giúp ta rút ra được những kinh nghiệm và bước đi tiếp để đến với thành công.

Albert Einstein là một điển hình. Ông luôn bị các giáo viên đánh giá là một sinh viên chậm chạp yếu ớt, thậm chí bị gắn cái mác là kẻ thất bại. Thay vì chấp nhận điều đó, ông tin vào bản thân và biết rõ mình là ai. Niềm tin vào bản thân đã soi sáng ông, khiến ông trở thành một trong những nhà tư tưởng lớn và vĩ đại nhất của thời đại mình.

Ví dụ trên về Albert Einstein đã minh họa rõ nét tầm quan trọng của việc hiểu và chấp nhận bản thân. Có thể chúng ta không phải là người thông minh nhất hay đẹp nhất, cao quý nhất hay giàu nhất, nhưng sẽ là tốt nhất cho bản thân nếu ta biết chấp nhận chính mình chứ không cố gắng trở thành một ai khác.
Vậy lần tới khi nhìn vào gương, bạn hãy thoải mái với vẻ bề ngoài của chính mình, một người luôn tràn đầy tự tin và hy vọng!
Chấp nhận những người khác

Bên cạnh việc biết mình là ai, chúng ta cũng phải chấp nhận những người xung quanh như chính bản thân họ. Không khó để chúng ta phán xét và áp đặt quan điểm của mình lên họ, nhưng đừng quên rằng mỗi người đều là một cá thể khác biệt. Gia đình, xã hội và môi trường cùng tác động lên suy nghĩ và hành động của từng con người. Vì vậy mà mỗi chúng ta đều khác biệt và là duy nhất trên thế gian này.

Khi chúng ta chấp nhận những người khác cho dù họ thế nào đi chăng nữa, nghĩa là chúng ta đã thể hiện sự tôn trọng của mình đối với họ. Hầu hết mọi người đều cảm kích và đáp lại tình cảm đó. Sự tôn trọng lẫn nhau như vậy sẽ ngày càng sâu sắc theo thời gian, tạo ra sự gắn bó bền chặt và giúp chúng ta thấu hiểu nhau hơn. Những tình cảm này đều rất tốt cho các mối quan hệ lâu dài.

Tín ngưỡng tôn giáo

Tôn giáo là niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên hoặc những thế lực có thể điều khiển được số phận con người. Mặc dù trên thế giới có nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm mục đích dẫn đường cho đời sống tinh thần của con người. Tôn giáo là niềm an ủi khi con người gặp hoàn cảnh khó khăn, là ngọn đèn soi sáng cho những ai cảm thấy chán nản trong cuộc sống hàng ngày, và cũng là kim chỉ nam về tinh thần cho những người lung lay trước những quyết định khó khăn.

Dù là trường hợp nào hay hoàn cảnh khó khăn nào, thì việc có một đức tin cũng giúp chúng ta giữ được sự bình yên trong tâm hồn.

Những lời khuyên giúp ta có được tâm hồn thanh thản và hạnh phúc Gắn kết với những hoạt động vui vẻ
Hãy làm những điều khiến bạn thấy hạnh phúc, và lặp lại chúng mỗi ngày. Ví dụ như xem chương trình tivi yêu thích, tập môn thể thao hứng thú hay lang thang trên trang web mà bạn vẫn thích mê. Khi được làm điều mình thích, bạn sẽ quên đi những buồn phiền, và điều này giúp bạn vui vẻ hơn.

Nghĩ về những kỷ niệm vui

Hãy ghi nhớ những thời khắc hạnh phúc. Có thể là một buổi tiệc sinh nhật bất ngờ mà bạn bè tổ chức cho bạn hoặc một buổi đi chơi đặc biệt cùng gia đình. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật góp phần giúp chúng ta lưu lại được những ký ức tốt đẹp – bằng điện thoại di động chúng ta đã có thể quay phim hay chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời. Có rất nhiều website để bạn đăng lên những khoảnh khắc vui vẻ đó nhằm chia sẻ với gia đình và bạn bè khắp nơi.

Bao giờ cũng vậy, việc nhìn lại những kỷ niệm đẹp trên hình, trên phim mới tuyệt vời làm sao!

Thực hiện bài tập hít thở sâu

Khi tâm trạng bị quá tải bởi nhiều sự việc xung quanh, chúng ta sẽ trở nên cau có. Chúng ta mất kiên nhẫn và thậm chí còn thiếu kiềm chế. Trong cơn nóng giận, ta sẽ dễ dàng bùng nổ và xúc phạm người khác cũng như làm tổn thương những người mà mình yêu thương. Điều này thật không hay và có thể dẫn đến việc phá vỡ các mối quan hệ đã một thời thân thiết.

Một cách để thư giãn và lấy lại bình tĩnh là ta hãy nhắm mắt lại và hít thở vài hơi thật sâu. Hít thở sâu sẽ làm tâm trạng ta dễ chịu hơn để nhìn nhận vấn đề tốt hơn. Điều này giúp ta lấy lại bình tĩnh và nhìn nhận đúng vấn đề. Rồi ta sẽ nhận thấy rằng mọi việc rồi cũng sẽ qua và ta sẽ không bị đánh gục bởi những rắc rối đó.
Tổng kết

Giữ được tâm trạng yên bình trước những điều phiền muộn là ta đã tiến một bước dài đến với hạnh phúc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.