Thăng Quan Tiến Chức

1. THỜI HẠN QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM THÀNH TÍCH VÀ TÀI LIỆU



Thăng tiến không hẳn là một món quà
Nếu bạn nghĩ thăng tiến chính là phần thưởng cho những thành tích mà mình đã đạt được, bạn nhầm to rồi!
Không có chuyện các sếp thưởng nhân viên vì những cống hiến trong quá khứ đâu; họ chỉ tập trung đầu tư cho những cống hiến trong tương lai của nhân viên đó mà thôi! Bạn càng ngộ ra chân lý cơ bản này sớm bao nhiêu, bạn càng tiến gần tới cơ hội thăng quan tiến chức bấy nhiêu.
Bởi vậy, bạn đã làm gì trong quá khứ không thành vấn đề, sếp bạn chẳng thèm quan tâm. Sếp chỉ quan tâm đến những gì bạn có thể làm cho ông ta (và cho công ty) khi bạn ở vị trí mới mà thôi. Thành tích ngày xưa của bạn chỉ là bằng chứng cho thấy dấu hiệu bạn có thể làm được những gì trong tương lai. Nó chỉ là một mẩu nhỏ bằng chứng không hơn không kém. Chỉ những gì bạn có thể làm được trong thời gian tới mới quyết định việc thăng tiến của bạn tới đâu.
Một trong những cuộc vận động chính trị tầm bậy nhất mà chúng tôi từng được biết là cuộc vận động bầu cử của một chính khách địa phương. Vị này đã lượn khắp xã và hô: “Hãy bỏ phiếu cho X. Bà ấy đã làm được rất nhiều điều”, cứ như thể thắng cử là điều mà bạn sẽ có được sau khi làm được điều gì đó. Bạn không kiếm được việc thăng tiến với những thành tích trong quá khứ. Bạn chứng tỏ mình là lựa chọn tối ưu để đạt được những thành tựu trong tương lai.
Hài hước nhất là cuộc vận động tranh cử Tổng thống của Bob Dole hồi năm 1996 ở Mỹ. Cuộc vận động của ông ta có thể được rút gọn trong cái khẩu hiệu: “Hãy bầu cho Bob Dole. Thời của ông ấy đã đến!”, nghe chẳng khác gì câu: “Ông ta đã làm được rất nhiều điều!” Các cử tri cần một tương lai rõ ràng hơn, và thế là Bill Clinton lại tiếp tục nhiệm kỳ hai với nhiều sự kiện nổi bật.
Vì thế, bạn chẳng cần mất công gồng mình ghi điểm để được thăng tiến làm gì. Nếu bạn đang làm việc chăm chỉ và vẫn đang ngóng chờ được chú ý, được thưởng, bạn đang đứng trước nguy cơ gặp phải nỗi thất vọng lớn nhất cuộc đời đấy. Rất hiếm khi giám đốc sẽ thăng chức cho bạn sau khi hỏi: “Bạn đã làm gì cho tôi trong thời gian vừa qua?” Thực tế là, các sếp thật sự không muốn biết bạn đã làm được những gì, ngay cả trong thời gian gần đây nhất. Họ chỉ muốn có bằng chứng cho thấy bạn có thể đạt được những chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể thôi.
Ngay lúc này đây, trên khắp thế giới, có hàng tỷ người đang sôi máu vì bị làm ngơ vụ thăng tiến – họ bị làm ngơ mặc cho lòng trung thành, các thành tích, kỹ năng, cùng niềm tin mãnh liệt rằng họ làm được rất nhiều việc và đã đến lượt của họ.
Để được thăng tiến, bạn phải thể hiện rõ bạn là người có thể mang đến một tương lai tốt nhất trong số các ứng cử viên hiện có.
Vì sao công ty không đãi hiền tài?
Các công ty không thuê người tốt nhất cho công việc; họ tối ưu hóa kết quả việc thay đổi nhân sự. Bởi vậy, bạn không chỉ đang cạnh tranh với những nhân viên khác – những người cũng muốn vị trí mới, bạn còn phải đương đầu với trường hợp công ty sẽ phải cân nhắc xem giữa việc thăng chức cho bạn với việc gạt bạn đi, đằng nào có lợi hơn.
Nếu giỏi hơn cần thiết, bạn sẽ không được thăng chức
Ngay cả khi bạn có toàn bộ những kỹ năng cần thiết cho vị trí mới, vẫn có một vài lý do khiến bạn bị đánh bật khỏi tầm ngắm thăng tiến:
– Đề bạt trong nội bộ khiến công ty phải tiến hành hai bước thay đổi nhân sự; tuyển người mới thì chỉ cần có một.
– Những kỹ năng của bạn có thể hiếm có và rất khó tìm được người thay thế, trong khi đó, công việc mới lại yêu cầu những kỹ năng có thể (dễ dàng hay không – nhưng thể nào cũng tìm được) tìm thấy ở một người khác. (Điều này vẫn đúng khi công việc mới có mức lương khá hơn.)
– Nếu bạn đã tạo lập một chiếc tổ an toàn với dấu ấn cá nhân của mình, nhân viên chỉ trung thành với mỗi mình bạn, chỉ mình bạn biết rõ các nhà sản xuất, và như thế, đưa bạn rời khỏi vị trí hiện tại có khác nào phá vỡ cơ cấu tổ chức đâu?
– Có thể bạn đang đảm nhiệm giữa chừng một dự án quan trọng, có giá trị lớn, và việc chuyển bạn đi có thể làm dự án đổ bể.
– Có khi khách hàng lại “nghiện” bạn quá, thế là việc công ty chuyển bạn sang vị trí khác cũng đồng nghĩa với việc công ty phải trả một cái giá quá đắt cho những mối quan hệ này.
– Hoặc là bạn rất được việc, rất có giá trị đối với vị trí hiện thời, và thế là các sếp sợ rằng, cái giá của việc thuyên chuyển bạn sẽ quá lớn hoặc không lường trước được.
Cái giá phải trả này bao gồm nhiều nhân tố. Trong số những phí tổn to lớn nhất liên quan đến vấn đề thay đổi nhân sự, phải kể đến tuyển dụng và tìm người thay thế cũng như những gián đoạn hoạt động ở một số bộ phận khi những người từng điều hành chúng ra đi, có thể để đảm nhiệm một vị trí cao hơn.
Nếu thay thế bạn tốn kém hơn việc tuyển người mới, công ty sẽ tuyển nhân viên mới
Các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp có thể chỉ ra ngay độ chênh chi phí giữa việc tuyển mới và tìm người thay thế vị trí cũ ở nhiều cấp khác nhau: Ở cấp điều hành, theo kinh nghiệm chung của bên nhân sự, công ty sẽ tốn gấp rưỡi mức lương hàng năm cho chi phí tuyển dụng. Ngay cả một nhân viên lễ tân cũng có thể tốn tới hàng chục triệu phí tuyển dụng và môi giới, chi phí kiểm tra, thời gian cho phỏng vấn, đào tạo và nhiều thứ khác.
Một cách để khỏi phải đối mặt với tình huống trên là hãy giữ cho công ty tránh xa khỏi việc phải cố gồng mình tiến hành đồng thời hai sự thay đổi – hoặc bất cứ thay đổi nào trong số đó. Phải thể hiện mình trước khi công ty bắt đầu tìm kiếm ứng cử viên sáng giá cho vị trí mà bạn mơ ước đấy nhé, khi đó, bạn có thể khiến các sếp thấy, chọn bạn sẽ tiết kiệm cho công ty biết bao nhiêu thứ. Nếu có thể, hãy nhắm trước một vài đối tượng đang sẵn sàng, sẵn lòng, và có năng lực để thay thế bạn, nhằm giảm chi phí cho công ty khi họ thăng chức cho bạn.
Chi phí cho những gián đoạn khi bạn rời vị trí hiện tại rất khó lường trước và thường thì sẽ tốn hơn rất nhiều so với tuyển người bên ngoài. Năng suất bị sụt giảm do một nhân viên xuất sắc được tiến cử lên một vị trí khác có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của đơn vị, và thậm chí, dù người quản lý kế nhiệm bạn tài năng đến mấy, anh ta cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để thành thạo với công việc mới. (Nếu công ty có dữ liệu chính xác về những chi phí này, họ lại phải bỏ kha khá thời gian và năng lượng trong việc lưu trữ.)
Do chi phí điều chỉnh nhân sự không dễ ước tính, phần lớn các nhà quản lý xếp chúng vào phân tích rủi ro. Nhưng chi phí và rủi ro không hề giống nhau. Chi phí có thể ước tính, chúng hữu hạn và được thể hiện bằng những con số; chúng chẳng đáng sợ chút nào. Nhưng rủi ro thì khác. Ta chẳng biết gì về nó, và chẳng thể nào dự đoán được nó sẽ ra sao. Một nhà quản trị có thể chẳng ngán gì những chi phí tiến cử bạn, nhưng lại có thể tái mặt trước các rủi ro khi bạn được thăng tiến: Khả năng tồi tệ nhất khi thăng chức cho Lê Na có thể là gì? Liệu cô ta có thành công trong cương vị mới không? Liệu nhóm cũ của cô ta có bị tan đàn sẻ nghé không? Cô ta có nhăm nhe tới ghế của mình không? Cô ta có bỏ công ty không? Bao nhiêu thứ quay mòng mòng khiếp sếp điên đầu!
Muốn được thăng tiến, những rủi ro gắn với việc thăng tiến của bạn phải dễ giải quyết và dễ nhận biết, hay ít nhất cũng phải đỡ kinh khủng hơn so với những rủi ro của việc tuyển hoặc tiến cử người khác. Bạn phải thể hiện bạn mang lại nhiều lợi ích hơn, ít tốn kém và ít rủi ro hơn những lựa chọn khác mà quản lý của bạn đang cân nhắc. Hầu hết những người kiếm tìm sự thăng tiến chú ý nhiều đến những lợi ích hứa hẹn hơn so với việc làm thế nào để bớt tốn kém và hạn chế rủi ro cho công ty, nhưng cả ba đều rất quan trọng đối với bất kỳ một quyết định tiến cử nào trong nội bộ.
Đôi khi, một ứng cử viên trong công ty qua được hai trong số ba tiêu chí, nhưng lại bị kẹt ở tiêu chí thứ ba, chẳng hạn: anh ta có thể được thay thế với mức phí tổn khiêm tốn nhất và hứa hẹn sẽ cống hiến rất nhiều cho công ty nhưng rủi ro lại quá lớn.
Những nhân viên có thành tích cao bị loại chỉ vì nhân tố “rủi ro”. Họ có thể là những kẻ khó tính và đồng bóng; thường hay nản chí, hoặc là những kẻ ưa phá luật. Khi các nhà quản lý tiến hành phân tích rủi ro, họ phải tính tới trường hợp xấu nhất. Nếu rủi ro quá lớn, tất cả mọi lợi ích đều sẽ bị gạt đi để nhường chỗ cho trường hợp ít rủi ro hơn.
Nếu Ban Giám đốc nhìn nhận bạn như một nhân viên tận tụy, mẫn cán, tài năng nhưng cũng nhiều rủi ro hoặc trông có vẻ bịp bợm, thật đáng buồn cho bạn! Việc đó sẽ khó lòng thay đổi một sớm một chiều trong thâm tâm các sếp. Do đó, bạn cần phải để tâm về cách người khác nhìn nhận bạn ra sao, ít nhất cũng phải quan tâm nhiều như quan tâm đến công việc của mình vậy. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này nhiều hơn trong những chương sau.

Tại sao Phan Tùng không được làm giám đốc bán hàng?

Phan Tùng là nhân viên bán hàng thuộc hàng top của Ford. Số ô tô gã bán ra cũng phải nhiều gấp đôi hai nhân viên khác cộng lại. Có ba năng khiếu khiến gã thành số một: Đầu tiên, gã có sở trường trong việc thiết lập quan hệ với khách hàng mọi tầng lớp. Gã có thể bán một chiếc Crown Victoria cho một ông sếp lớn trong buổi sáng và buổi chiều hôm đó lại bán ngay con tải trần F-150 cho anh công nhân xây dựng còn nói ngọng “l” – “n”.

Thứ hai, gã có khả năng chỉ tập trung vào một món hàng cần bán tại một thời điểm, điều này khiến gã đạt tỉ lệ bán được hàng ngay lần gặp đầu tiên cao và giảm nhu cầu chia hoa hồng với những nhân viên bán hàng khác – những người có khả năng phải kết thúc bằng cách từ bỏ. Thứ ba, gã là một thiên tài trong xác định khách hàng. Gã có thể chỉ ra đâu là người tới cưỡi ngựa xem hoa, đâu là người có nhu cầu mua xe thật sự trong cả tá người đến cửa hàng hôm nay. Gã chỉ tiếp cận với người mua thực sự mà thôi.

Vậy tại sao gã bị loại trong cuộc đua tới chức giám đốc bán hàng? Nguyên nhân vì gã thường xuyên đi làm muộn, thỉnh thoảng bỏ không dự cuộc họp kinh doanh “bắt buộc”, gã làm lơ nhiệm vụ trực nhật, gã bước qua những khách hàng cũ mà gã nghĩ họ sẽ không mua xe, nghĩa là gã đã đá họ sang thẳng các nhân viên bán hàng khác. Phan Tùng là một dạng chảnh chọe làm bộ làm tịch không biết hối lỗi – những hành vi mà nếu là nhân viên khác, gã đã bị đuổi từ tám đời rồi. Mọi người đều phản đối gã. Và một trong số những nhân viên bán hàng đó đã được tiến cử thay cho gã.

Tại sao Thanh Hương không được lên chức?

Thanh Hương là luật sư của một công ty luật thuộc hàng cao cấp ở Sài Gòn, chuyên về tín mục và tài sản gia đình. Cô là một ngôi sao trong số các nhân viên, một ngôi sao thực thụ. Cô làm việc suốt ngày. Cô rất giỏi trong việc đưa tổ làm việc của mình ngày càng phát triển và điều hành một đội cực kỳ xuất sắc. Cô cũng là một trong những người có khả năng hốt bạc thuộc hàng top của công ty và là người rất tài ba. Những điều này chắc chắn phải khiến cô thăng lên chức vụ cao hơn rồi chứ. Vậy tại sao cô cứ vuột mất cơ hội?
Mỉa mai thay, lý do lại nằm ở chính cách cô ấy thể hiện sự tài ba của mình: cô thường “câu khách” trong những quán bar thường được các tay chơi trong thành phố lui tới.
Các đồng sự thích tất cả những khách hàng mới, nhưng họ lại lo lắng về chuyện nhậu nhẹt của Thanh Hương. Do công ty chuyên về dịch vụ cho các gia đình có thu nhập cao (tín mục và tài sản), họ cũng khá nhạy cảm về vấn đề danh tiếng. Vì thế, lại một lần nữa, một nhân viên hàng top bị loại khỏi cơ hội thăng tiến do phân tích rủi ro.

Tại sao thời điểm rất quan trọng?

Giả sử bạn không có một lỗi lầm nghiêm trọng nào, bạn tiên liệu và tiếp thu được những kỹ năng cần thiết, và bạn được đánh giá cao hơn hẳn các đồng nghiệp khác. Vậy tại sao bạn vẫn bị loại khỏi đường đua thăng quan tiến chức? Rất đơn giản: Bạn có thể là người tốt nhất cho công việc, nhưng có khi lại không phải người sẵn sàng đảm đương công việc. Dù việc thăng tiến này là bổ nhiệm người mới vào vị trí còn trống hay thay đổi nhân sự đang giữ ghế, công ty cũng vẫn muốn công việc được thực hiện theo lịch trình xác định. Vẫn có những linh động, nhưng nếu bạn không thể thu xếp nhiệm vụ hiện tại ổn thỏa khi chuyển giao công việc, bạn sẽ vuột mất cơ hội vào tay người khác.
Người tham vọng có xu hướng nhận những công tác mang tầm vóc quan trọng. Nhưng nếu khối lượng công việc bạn đang làm quá lớn khi cơ hội đến, rõ ràng, bạn không thể nhận ngay công việc mới được, thế là bạn bị đánh trượt để nhường chỗ cho một anh bạn nào đó đang có đầy thời gian để thực hiện nhiệm vụ mới.
Những người hay được thăng chức truyền lại một bí kíp: chạy đua với thời gian. Bạn có thể gặp thời một hoặc hai lần trong sự nghiệp và khiến thời gian rảnh rỗi trùng khớp với thời điểm cơ hội thăng quan tiến chức gõ cửa một cách đầy ma thuật, nhưng những người thành công nhất là những người có khả năng biến mình thành ứng cử viên sẵn sàng cho nhiệm vụ mới ngay khi cơ hội đến một cách có hệ thống.
Ba bí kíp gối đầu giường của bạn đây:
1. Tiên liệu cơ hội sắp đến.
2. Nhanh chóng hoàn tất công việc của bạn.
3. Nhắm sẵn người kế nhiệm.
Tiên liệu những thay đổi và thể hiện bạn chính là ứng cử viên sáng giá
Bạn phải nắm được những cơ hội thăng quan tiến chức trước khi công ty cho công bố. Một khi cơ hội đã được thông báo rộng rãi, kiểu gì cũng có nhiều vấn đề xảy ra: Bao nhiêu đối thủ khác cũng sẽ biết về cơ hội, và bạn càng phải chứng minh bạn ngon lành hơn hết thảy. Tệ hơn nữa, bên Nhân sự cũng sẽ nhảy vào. Họ sẽ viết mô tả công việc với những kỹ năng cần có và có khi những kỹ năng họ yêu cầu lại không thuận lợi lắm với bạn, rồi lại thêm quy trình sắp xếp và thời gian biểu họ lập ra chưa chắc đã tiện cho bạn. Bởi vậy, chờ cho tới khi cơ hội được công bố mới thể hiện là hạ sách!
Những người có khả năng thu vén công việc không đơn thuần chỉ thực hiện nhiệm vụ, thu thập và xử lý thông tin nhanh hơn những người khác, họ còn biết nhìn xa trông rộng, vượt khỏi phạm vi công việc và nhiệm vụ của riêng mình. Họ nhận ra sự gắn bó chặt chẽ giữa những tác nhân trong nội bộ công ty lẫn từ bên ngoài ảnh hưởng lên mọi thành phần trong tổ chức. Họ tiên liệu được những biến chuyển quan trọng trong ban quản lý.
Nói tóm lại, họ rất nhạy bén trong việc thay đổi, họ sẵn sàng tận dụng triệt để cơ hội và đóng góp lời giải cho tổ chức với thay đổi đó.
Thay đổi ấy tích cực hay tiêu cực không quan trọng. Bản thân sự thay đổi tạo ra cơ hội thuận lợi. Một người có tham vọng nghề nghiệp đầy xông xáo có thể biến một thảm họa thành lợi thế cho anh ta. Ví dụ, giả sử công ty chuẩn bị chuyển nguyên cả một đơn vị kinh doanh ra nước ngoài, phần lớn mọi người trong đơn vị sẽ coi đó là thảm họa. Nhưng một người tham vọng thật sự sẽ thản nhiên nhìn nó đến và nhảy sang đơn vị khác trước khi chuyện đó xảy ra.

Hoàng Châu được thăng chức lên trợ lý Khoa như thế nào?

Hoàng Châu làm ở phòng hành chính một trường đại học lâu đời. Cô đảm trách công việc sắp xếp chỗ ăn ở và công tác sinh viên nhưng không sao trút bỏ được danh xưng “nhân viên hành chính”. Qua các mối quan hệ, cô bắt đầu nghe được vụ ầm ĩ về việc chủ tịch đang cho rằng trường có quá nhiều cấp nhân viên hành chính và có quá nhiều nhân viên không thực sự tâm huyết với công việc của mình.
Thế là, cô chủ động liên hệ với các nhân viên tư vấn tổ chức, những nhân viên hành chính ở cấp học cao hơn và gọi cho đồng nghiệp cùng cấp ở các trường khác để tìm hiểu về tái cơ cấu và các hệ lụy. Trong khi phần lớn các nhân viên thờ ơ với tín hiệu từ phía Chủ tịch, cô lại tới gặp Chủ tịch, trình lên ông danh sách một số công ty tư vấn, thuật lại các sự kiện diễn ra ở một số trường cũng đang lâm vào tình trạng đình trệ công việc hành chính, và thậm chí còn tình nguyện làm báo cáo cho ông nếu chủ tịch thấy quan tâm; cô tỏ ra những việc này không có gì to tát cả. Dĩ nhiên Chủ tịch thấy thú vị. Khi cô ta trình bày thông tin thu thập được về những cách thực hành tốt nhất và đổi mới biện pháp giáo dục, cô ta cũng tỏ rõ, cô rất quan tâm đến việc thực hiện dự án; và như một lẽ dĩ nhiên, khi dự án cải tổ thực sự được thông qua, Hoàng Châu được nhận công tác, song song theo đó là danh xưng “trợ lý Khoa”. Và khi dự án “mã đáo thành công”, mơ ước của cô cũng thành hiện thực. Cô cải tổ được toàn bộ bộ phận chăm sóc sinh viên.
Hoàng Châu đã thành công trong mục tiêu dài hạn của mình bằng cách tiến từng bước nhỏ: cô tiên liệu những nhu cầu của trường trong tương lai, cô phát huy những kiến thức tự bản thân thu thập được và đã “tiên hạ thủ vi cường”, tình nguyện đứng ra giải quyết vấn đề trước khi người khác nhận công tác, và thế là, cô đã chứng minh một cách hoàn hảo mình chính là ứng cử viên tuyệt vời cho dự án đang được ấp ủ.
Cô ấy đã được thăng tiến trong một bộ máy quan liêu, hoạt động theo cơ chế “sống lâu lên lão làng”, trong khi những đồng nghiệp tuổi nghề lớn hơn, nhiều thành tích hơn vẫn đang chờ “tới lượt”. Đây chính là một ví dụ cụ thể về cách làm sao để được thăng tiến.
Những thay đổi nào sẽ ảnh hưởng tới bạn?
Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về việc làm thế nào để thu thập được những thông tin này trong chương kế tiếp, còn bây giờ, hãy xem xét những thay đổi điển hình nào hay diễn ra trong mọi tổ chức và chúng có khả năng ảnh hưởng đến bạn thế nào. Mức độ tác động của những thay đổi ấy lên bạn còn tùy thuộc vào vị trí của bạn trong sơ đồ cơ cấu tổ chức. Nếu bạn đã thuộc hàng “bô lão” trong công ty, bạn cần phải đặc biệt để mắt đến những thay đổi nhân sự tiềm tàng từ bên trên, những tác nhân bên ngoài, các đối thủ, và cả nền kinh tế nói chung nữa. Nếu bạn chỉ là “ma mới” chập chững tạo dựng sự nghiệp, bạn cần phải chú ý hơn tới phòng ban bạn công tác, khu vực làm việc sát cạnh mình, và cá tính của người ở gần bạn nhất. Đồng thời, tất cả mọi người đều phải chú ý đến mối liên kết giữa các nhiệm vụ của mình với những ưu tiên và chiến lược của công ty. Nếu những việc bạn thực hiện đã bắt đầu trở nên kém quan trọng, bạn đang có nguy cơ gặp rủi ro dù bạn có là nhân sự giỏi hay không. Mặt khác, nếu bạn thành công với một dự án tầm cỡ, mang lại khả năng đạt chỉ tiêu công ty đề ra, cống hiến đó của bạn chắc chắn sẽ được ghi nhận.
Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là: Bạn có đang né tránh việc học hỏi những điều cần phải biết để tiến thêm một bước không? Sếp của bạn có bóng gió gì về những khóa huấn luyện chuyên sâu để trang bị thêm kỹ năng mới không? Nếu có, tốt nhất là bạn hãy tập trung chú ý. Không phải chỉ tới khi bị trì trệ mới tính đến chuyện cải tổ mà đôi khi một ai đó ra đi cũng đủ để bạn chú tâm đến.
Dưới đây là những cơ hội có một không hai, mà nếu bạn thực hiện theo như vậy, bạn sẽ có được thứ bạn muốn:
– Đối thủ chuẩn bị ra sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự với sản phẩm/dịch vụ mà bạn đang phát triển.
– Một nhân viên xuất sắc nào đó sắp nghỉ hưu/ thôi việc.
– Doanh thu công ty giảm sút, và ngân sách trở thành vấn đề cần quan tâm.
– Bạn nghe thiên hạ đồn đại rằng đồng sự của mình đang phỏng vấn xin việc ở một công ty khác.
– Quản lý mới đang trên cơ một, hai, hoặc ba lần bạn.
– Đồng sự trên bạn một hoặc hai bậc đang mang bầu và có thể sẽ lâm bồn (và nghỉ sinh) vào khoảng thời gian một dự án quan trọng nào đó cần phải hoàn thành.
– Công ty mua lại đối thủ hoặc một nhà cung cấp nào đấy, và cần tích hợp hoặc tái thiết công ty vừa mua lại đó.
– Sếp của bạn hoặc sếp của sếp bạn đang cằn nhằn về một vấn đề nào đó.
– Công ty đang muốn thương mại hóa một sản phẩm, tung nó ra thị trường, bắt đầu xuất khẩu, tiến hành chiến lược CRM, lấy các chứng chỉ ISO hoặc những thứ tương tự.
Tất nhiên, bạn phải chịu khó đọc những thông tin tuyển dụng trên mạng nội bộ hàng ngày khi đang nhâm nhi tách cà phê buổi sáng, nhưng chính việc tiên đoán những nhu cầu trong cơ quan mới là lợi thế cạnh tranh thực sự. Một khi thông báo tuyển dụng đã được đăng tải – dù chỉ là trong nội bộ công ty – bạn vẫn phải cạnh tranh với các đối thủ, với mô tả công việc và hình ảnh về ứng cử viên thích hợp trong đầu các nhà quản lý có khi lại chả giống bạn tí nào.
Một khi bạn đã nghe hoặc đã nhận thấy có một cơ hội tiềm tàng đang lẩn khuất đâu đây, để tự tiến cử bản thân mình cho vị trí hấp dẫn đó, bạn phải thiết lập được ba điều sau với sếp:
1. Bạn có hoặc có thể có được những kỹ năng và nguồn lực cần thiết.
2. Bạn hoàn toàn sẵn sàng.
3. Công tác mới sẽ không ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực làm việc hiện tại của bạn.
Bạn phải có (hoặc cần phải đạt được) những kỹ năng và nguồn lực cần thiết
Đừng đánh giá quá cao các yêu cầu đề ra. Nhờ một anh bạn nào đó giảng cho bạn cách hoạt động của một số phần mềm có thể giúp bạn bắt được cơ hội ngay, trong khi đợi học một khóa huấn luyện có khi lại còn khiến cánh cửa cơ hội đóng sầm ngay trước mắt bạn ấy chứ!
Dĩ nhiên, bạn nên đến dự những lớp tập huấn và các buổi họp, nhưng điểm mấu chốt ở đây là, đừng chậm trễ trong việc giành lấy cơ hội thăng tiến, bởi thời gian luôn là vấn đề quan trọng. Đừng ngồi chờ mình trở nên thành thạo mới dám xông vào cuộc chiến, vì sếp bạn đã thuê ngay người khác về giải quyết trong lúc bạn đang mải mê “nâng cao trình độ” rồi.
Và dù sao đi nữa, bạn cũng cần phải trang bị thêm nhiều kỹ năng mới. Bạn phải đưa ra được nhiều ý tưởng trong từng bước đi của mình. Có rất nhiều nhân viên là những chiến binh dũng mãnh sẵn sàng chiến đấu vì kế hoạch của người khác. Nhưng người nào nhanh chóng đưa ra ý tưởng là người có thể vạch ra kế hoạch. Do đó, khi bạn phải gặp sếp vì có vấn đề gì đó nảy sinh, hãy cho sếp thấy, bạn đã có phương án giải quyết vấn đề.
Phải luôn luôn đưa ra được nhiều phương án giải quyết cho cùng một vấn đề. Đừng ngại ngần tiến vào văn phòng của sếp và nói, “Em không biết liệu chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng cách ______ hay______.” Hãy linh động khi ra quyết định. Đừng khăng khăng giữ nguyên một ý tưởng nào đó, hãy linh động để giải quyết vấn đề triệt để! Hãy để sếp cùng tham gia vào phương án giải quyết của bạn, triển khai ý tưởng của bạn thành ý tưởng… của ông ta/bà ta. Một cấp dưới khôn ngoan là một nhân viên có thể bước vào phòng làm việc của sếp và nói, “Thưa sếp, em nghĩ ta nên sơn lại toàn bộ tường sang màu xanh, màu của tiền!” và trước khi ra khỏi phòng, người đó sẽ thuyết phục sếp tin rằng, ngay từ đầu, ý tưởng này đã là của… sếp. Thường thường, sếp sẽ lấy ý tưởng của bạn, thay đổi nó, và bắt đầu xây dựng những bước cần thiết để thực thi ý tưởng. Hãy cố gắng để trở thành một “vũ khí hạng nặng” trong thay đổi đó.
Bạn phải sẵn sàng!
Để được thăng tiến, bạn phải có khả năng biến công việc đang làm thành việc có thể kết thúc bất cứ lúc nào và không dính dáng đến nó nữa. Nếu đối thủ đã sẵn sàng còn bạn thì không, y sẽ được chọn trong khi bạn bị cho qua.
Những “người của công việc” hiểu biết sẽ chú tâm hoàn thiện dự án của mình đúng lúc cơ hội thăng tiến xuất hiện. Anh ta sẽ tăng tốc, giảm tốc, chấm dứt hay làm bất cứ việc gì để đảm bảo thời điểm hoàn thiện “đúng thời cơ”. Quản lý thời gian tốt phối hợp với những nhu cầu của công ty sẽ mang đến khác biệt to lớn trên con đường quan lộ của bạn.
Bạn muốn trở thành nhân viên cộm cán mà tất cả những nhà quản lý đều tự động nghĩ đến khi có cơ hội mới? Bạn phải được các sếp nhìn nhận rằng: “À, anh ta là người có khả năng hoàn thiện dự án!” Thực hiện, hoàn thành và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới – đó là hình tượng mà bạn cần xây dựng trong tâm trí của những người có quyền ra quyết định.
Đừng bao giờ trở thành “người không thể thay thế”
Để tránh bất kỳ vấn đề nảy sinh nào liên quan đến việc rời công tác cũ, cũng như để công tác mới ngon lành hơn, chớ bao giờ đặt mình vào vị trí của “người không thể thay thế”.
Những nhân vật không thể thay thế đó chả bao giờ được thăng chức cả. Có thể bạn đang chịu trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ khiến bạn tạm thời là “người không thể thay thế được”, nhưng trong mọi tổ chức, lúc nào cũng có vài nhân vật cố tình để trở thành không thể thay thế được. Để bản thân cảm thấy mình quan trọng và là “phần tất yếu của cuộc sống”, họ từ chối những dữ liệu quan trọng người khác cung cấp cho, họ lắc đầu trước việc ủy quyền lại cho người khác, nếu có, họ cũng chỉ nhượng lại những công việc tầm thường, và họ khư khư giữ lại mọi quyền ra quyết định. Họ thực sự đang dựng lên một viễn cảnh: đơn vị của họ, phòng ban của họ sẽ chẳng làm được việc gì nếu thiếu họ, dù chỉ một ngày.
Họ thường là những người tài năng thực sự đang phải nhận công tác dưới tầm. Bằng cách làm phức tạp hóa vấn đề không cần thiết, họ bỗng trở nên không thể thay thế, hoặc là họ muốn thâu tóm hết những gì nhiệm vụ của mình đòi hỏi. Thế là qua thời gian, họ cắm rễ vào vị trí của mình thay vì phục vụ ở vị trí đó.
Những người không thể thay thế được có thể là một bà thư ký “già như quả cà” luôn từ chối huấn luyện bất cứ ai về nghiệp vụ; là một anh viên chức ngân hàng chỉ “biết đến” tất cả mọi tài khoản và những luật bí mật của khách hàng; một tay đại diện bán hàng nước ngoài chẳng bao giờ chịu giới thiệu nhân viên mới với khách hàng của mình, cũng có thể là một chị kỹ sư dự án ôm hết mọi thông tin quan trọng trong đội và như thế sẽ luôn luôn là kỹ sư dự án; hay một cô thư ký pháp luật mà sếp của nàng không thể xoay sở được nếu thiếu nàng bên cạnh. Không một ai trong số những người đó có thể được thăng quan tiến chức.
Để trở thành một kẻ nhanh chân lẹ bước, bạn cần phải làm sao để người khác có thể tiếp quản công việc của mình ngay khi bạn nhận công tác mới. Để làm được điều đó, bạn cần phải:
– Lưu trữ các công việc của mình.
– Huấn luyện và giúp cấp dưới của mình phát triển.
– Huấn luyện chéo đồng nghiệp lân cận để có gì họ còn thay thế vị trí của bạn.
– Chọn người kế nhiệm và chắc chắn họ có khả năng gánh vác nhiệm vụ hiện thời của bạn.
Lưu trữ các công việc của mình nghĩa là bạn phải ghi chép lại những quá trình, thủ tục trong mọi việc bạn làm, để hình thành một tài liệu đầy đủ và rõ ràng cho người thay thế bạn. Các chính sách, thủ tục, kỹ thuật, những quyết định quan trọng, các nhà cung cấp, những nơi bán hàng, công thức chế biến nước sốt bí truyền… Tất cả đều phải được lưu lại dưới dạng bản cứng hoặc bản mềm nội bộ. Tất cả những gì chúng tôi đã nêu, cộng với khả năng đảm bảo bạn có thể trả lời mọi câu hỏi liên quan, sẽ là tấm vé một chiều trên đường tiến thân của bạn.
Hãy rộng lòng huấn luyện và giúp nhân viên phát triển. Khi nhân viên của bạn đã trở nên giỏi hơn, đủ để có thể gánh vác phần việc của người khác, hệ thống công ty bạn sẽ ngày một thành công hơn. Dựa vào những cơ cấu giúp công việc được hoàn thành bao giờ cũng an toàn hơn khi dựa vào cá nhân nào đó. Ai dựa dẫm vào những “người hùng” hay những người không thể thay thế được tức là đang phó mặc số phận mình vào tay bọn họ.
Trong trường hợp bạn chưa bao giờ nghĩ tới điều này, xin bạn nhớ cho, giảng dạy cũng là một kỹ năng điều hành quan trọng. Giảng dạy, huấn luyện, phát triển, hướng dẫn, và cố vấn cho cấp dưới của bạn có thể là những công tác hỗ trợ việc thăng quan tiến chức. Và nếu tự bản thân bạn không thể làm được những việc đó, nếu bạn không có khiếu làm thầy, hãy nhờ những người trong và ngoài công ty.
Bạn không cần là sếp mới nghĩ đến việc huấn luyện. Hãy bắt đầu ngay khi có cơ hội. Giả sử, bạn đang là bảo vệ và công ty tuyển thêm bảo vệ mới, hãy xung phong huấn luyện cho người mới. Huấn luyện cũng là một kỹ năng giúp thăng tiến, và kỹ năng này lại càng thêm – chứ không hề bớt đi – quan trọng khi bạn tăng thêm một nấc trên sơ đồ tổ chức công ty.
Bạn cần phải sở hữu một kế hoạch thành công của chính mình. Ai sẽ kế nhiệm bạn khi bạn được thăng quan? Nếu bạn đã nhắm được ai đó, bạn có thể đưa người này vào “phương trình thăng tiến”. Nếu bạn có thể dễ dàng được thay thế vì đã đến lúc rồi hay vì bạn đã xuất sắc trong công tác huấn luyện cấp dưới, hoặc bạn đã có ứng cử viên để tiến cử vào vị trí cũ, các sếp sẽ gật đầu đồng ý dù cho đối thủ của bạn có “ngon” hơn bạn gấp mấy lần đi chăng nữa.
Hãy nhớ rằng, công ty tối ưu hóa kết quả của việc thay đổi nhân sự. Họ sẽ không thuê hay thăng chức nhân viên tốt nhất. Dễ dàng thay đổi và thay đổi một cách trơn tru thực sự là phần quan trọng nhất trong việc giảm tối đa những trở ngại khi thăng chức cho bạn.

Top 10 điểm cần lưu ý trong sự nghiệp

1. Trâu chậm uống nước đục. Thật quá sức bất công, nhưng những nhân viên có đồng hồ sinh học chuẩn như gà gáy sáng đều luôn có vầng hào quang chói lọi tỏa ra xung quanh. Người ta luôn nể những kẻ năng dậy sớm, bởi vì – hãy cố đối mặt với sự thật nhé – phần lớn chúng ta chẳng lấy gì làm vui vẻ khi phải dậy vào 5 giờ sáng năm ngày mỗi tuần, ai làm được điều này kể cũng quá siêu! Bạn đến sớm trước giờ làm một phút còn quý hơn bạn ở lại mười lăm phút sau giờ làm nhiều, bởi lẽ chẳng ma nào thèm quan tâm bạn có làm quá giờ hay không. Bạn hoàn toàn có thể “thoải con gà mái” tung tăng ra về lúc 5 giờ chiều miễn là ban sáng, bạn đến công ty làm việc còn sớm hơn cả sếp. Trường hợp bạn hoàn toàn không thể nhấc mình khỏi giường sớm như thế, thì phải cố mà đúng giờ – nhưng vấn đề quan trọng là bạn phải tới trước nhân viên hỗ trợ bạn. Làm sao người ta nhìn nhận bạn như một người lãnh đạo khi bạn vẫn phải đi sau (theo đúng nghĩa đen) kẻ khác chứ?
2. Đoàn kết là sức mạnh. Các nhà quản lý rất thích đề bạt những tay nhân viên biết làm việc theo nhóm (và chắc chắn, chẳng ai muốn đuổi việc những nhân viên như vậy) bởi lẽ tinh thần công sở sẽ luôn được nâng cao khi một người có tư cách và đáng mến được thăng tiến, nhưng tinh thần ấy sẽ sụt giảm nghiêm trọng nếu kẻ được thăng tiến lại là cái gai trong mắt mọi người – dù cho kẻ đó có xuất sắc trong công việc đến đâu đi nữa. Tất cả mọi người trong công ty đều muốn được đối xử tốt. Thông qua làm việc nhóm, mọi người sẽ được nhìn nhận như những nhân viên sẵn sàng đóng góp cho công ty và bạn phải tôn trọng những người trong nhóm y như đối với các sếp vậy. Chỉ cần một cô thư ký nói không hay về bạn cũng đủ để danh tiếng của bạn bị tổn thương rồi. Nhớ nhé, tất cả mọi người đều chào bán hàng hóa của họ, nhưng khách hàng sẽ chỉ mua cho anh/chị bán hàng nào dễ mến thôi. Bạn không cần phải trông hấp dẫn, nhưng bạn phải cố gắng vun đắp mối quan hệ tốt với những người bạn làm cùng và những người thuê bạn. Hãy tỏ ra cho mọi người thấy, bạn thành thực quan tâm và hãy khen tặng sao cho thích đáng. Những kẻ ích kỷ sẽ chẳng bao giờ tiến xa được. Không phải ai cũng có sức thu hút quần chúng, nhưng tất cả mọi người đều có thể khiến bản thân ngày càng trở nên đáng mến.
3. Biết khi nào nên im lặng. Anh bạn tôi làm cùng một tay cả năm hầu như không hé môi nói lấy một lời, nhưng hắn nói câu nào là “chết” câu nấy. Hắn cứ chơi bài “cấm nhược hàn thiền” cho đến khi tìm được cơ hội trong một buổi họp, lúc hắn thực sự có thể cống hiến. Thay vì phải ngắm, phải tính, hắn đã đánh trúng ngay đích và được nhìn nhận như một thiên tài.
Đó cũng là một bài học cho bạn. Nhiều khi nói dai nói dài lại thành ra nói dại. Cùng một câu nói nhưng người này hiểu thế này, người kia hiểu nghĩa khác. Biết lúc nào nên nói, lúc nào không là một kỹ năng phải rèn luyện chứ không tự dưng mà có.
4. Khách hàng là người trả công cho bạn. Sự trung thành của khách hàng dành cho bạn chính là chiếc chìa khóa thành công. Nếu khách hàng quý bạn, công ty cũng sẽ quý bạn. Và ngay cả khi công ty không ưa bạn, có cho vàng họ cũng chả dám mạo hiểm mối quan hệ với khách hàng mà cho bạn về vườn. Hãy làm khách hàng yêu quý và trở thành bất khả xâm phạm.
Nhưng chớ có nhầm lẫn sự thân mật trong các mối quan hệ. Bộ mặt tươi cười hời hợt không phải là thứ chúng tôi muốn đề cập đến. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, hãy để cho khách hàng thấy bạn là nhà vô địch của họ, rằng bạn hết lòng hỗ trợ họ. Nịnh hót các sếp chẳng có nghĩa lý gì cả. Hãy lo chăm sóc khách hàng của mình thật tốt và chính những khách hàng đó sẽ “chăm sóc” các sếp thay bạn.
Nhân đây chúng tôi cũng nói luôn, một khi bạn đã có những khách hàng trung thành, hãy ngỏ ý bạn cần họ nói giúp với sếp. Chỉ có duy nhất một thứ hoành tráng hơn cả tay quản lý khách hàng giỏi chính là người có mối quan hệ tốt.
5. Có tinh thần kinh doanh với mọi thứ. Vấn đề cốt lõi trong kinh doanh chính là bán hàng. Tất cả mọi người đều buôn bán: ý tưởng, sản phẩm, ngân sách, bất cứ thứ gì – mọi lúc mọi nơi. Đừng chờ đợi thời gian và địa điểm nào cả. Bạn nên thực hiện việc buôn bán mọi lúc, ngay cả khi thứ bạn đem ra buôn chỉ là “Tôi nghĩ tôi…” Và nếu bạn không hoàn toàn chắc chắn ai và làm thế nào để giao hàng, hãy nhớ tới câu mà một người khôn ngoan đã nói: Bán trước, tìm cách giao sau.
6. Đừng phí công nhìn vấn đề một cách cay độc. Gia Huy làm việc với một phụ nữ rất thông minh, có bằng MBA tại một trường Đại học danh tiếng thế giới và cả kho kinh nghiệm thực tế hẳn hoi, nhưng lại cay nghiệt. Khi không làm việc, cô ta cứ săm soi xem mình đã, đang và sẽ gặp phải những trở ngại gì. Hai người họ ngang cơ nhau trong tổ chức, và khi công ty chuyển họ đến văn phòng mới đẹp hơn, cô ta nói: “Phải thế chứ! Thế này hơi muộn rồi đấy!” Còn Gia Huy viết một bức mail ngắn cho chủ tịch, cc cả sếp lẫn sếp của sếp vào, cảm ơn các sếp đàng hoàng vì không gian mới. Cô ta tức tối ra mặt vì nghĩ anh đang quỵ lụy và lấy lòng sếp.
Không phải quỵ lụy nhưng thể hiện lòng biết ơn là điều cần thiết. Nếu công ty biết những phần thưởng và cơ hội dành cho bạn được đón nhận nhiệt tình, công ty sẽ càng muốn cho bạn nhiều hơn.
7. Thấu hiểu mùa cao điểm. Mọi ngành nghề kinh doanh đều có lúc “vào mùa” – đó là những lúc khách hàng đang có nhu cầu cao nhất về các sản phẩm hàng hóa hay sản phẩm dịch vụ bạn cung cấp; đó là lúc bạn phải về trễ, làm việc cả ngày nghỉ, hay phải làm bất cứ việc gì cần. Chắc chắn sẽ có ba phản ứng cơ bản nhất của các nhân viên trước tình huống này:
Mặc kệ và vẫn về nhà lúc 5:00 giờ chiều;
Càu nhàu và tỏ vẻ mệt mỏi;
Hoặc xắn tay áo và bắt tay vào làm việc ngay.
Nếu bạn muốn thăng quan tiến chức, bạn cần phải hiểu những nỗ lực của bạn trong mùa cao điểm không phải là việc đáng ca ngợi. Đó là những gì bạn buộc phải làm để chiến thắng. Ngay cả khi bạn cần mẫn cả năm nhưng lại không chịu khó lúc vào mùa, những cố gắng của bạn cũng là công dã tràng hết. Cuối cùng, chạy bền không bằng cú tung nước rút. Làm anh hùng đúng thời điểm vẫn tốt hơn rất nhiều vẻ tin cậy thường nhật vì như thế, bạn thu hút được sự chú ý cần thiết từ phía công ty.
8. Chứng tỏ đam mê. Nếu tặng một nghìn đồng cho những ứng viên nào thốt lên câu: “Tôi rất đam mê công việc này” khi phỏng vấn, có khi cũng đủ tiền mua thuốc chống nôn để khỏi nôn ọe khi gặp phải ứng cử viên xin việc tiếp theo cũng thốt lên một câu tương tự. Thực tế là, phần lớn người đi làm văn phòng chẳng mấy ai đam mê công việc của mình cả. Chỉ có một đối tượng duy nhất thật sự đam mê: Doanh nhân.
Nhưng vẫn có những nhân viên có ngọn lửa cháy trong tim. Họ là những trường hợp đặc biệt, họ đam mê thực thụ, họ ứng biến nhanh nhạy, nghĩ ra những phương án giải quyết mới, và họ thích thú được làm những việc đó. Họ muốn được làm việc. Nếu bạn là một trong số đó, bạn phải thể hiện đam mê ấy của bạn ngay trong tổ chức, cũng như với khách hàng, bởi vì… những gì không thấy coi như… không có.
9. Quản lý quá trình rà soát. Đừng để sếp phải viết lý lịch làm việc cho bạn. Ngay cả khi bà ta quý bạn, bà ta cũng không phải là người đưa bạn lên đỉnh thành công. Ghi chép lại những thành công đạt được, luôn ghi lại những sự kiện đáng chú ý ngay khi chúng xảy ra hay không là tùy ở bạn. Nhưng nếu bạn không chú ý duy trì việc ghi chép, bạn sẽ quên những việc nhỏ, và cứ như thế, công việc sẽ bị cộng dồn thêm mỗi ngày.
Nếu bạn muốn được thăng tiến, hãy theo sát lịch của sếp sáu tháng trước khi rà soát để còn có dịp bàn về con đường sự nghiệp và những gì cần thiết để đưa bạn đến nấc tiếp theo. Đừng bí mật chuyện bạn muốn tiến lên, hoặc chỉ tỏ vẻ chuyện này sẽ xảy ra. Có thể có nhiều lý do khiến việc thăng chức không được tiến hành trong năm nay, nhưng bạn cần phải biết những lý do đó là gì, bởi vậy, phải hỏi rõ và cố gắng thực hiện những thay đổi, những điều chỉnh cần thiết.
Sai lầm lớn nhất của nhân viên là quan niệm thăng tiến dựa vào những thành tựu trong quá khứ. Thăng quan tiến chức không phụ thuộc vào những gì bạn đã làm – mà là những gì bạn có thể làm tiếp theo. Trách nhiệm của bạn là phải chỉ rõ cho công ty thấy những lợi ích của việc cất nhắc bạn. Thực chất vấn đề nằm ở chỗ, thế giới đầy rẫy những trợ lý giám đốc, nhưng tìm ra một doanh nhân lãnh đạo tốt lại rất khó.
10. Tìm kiếm thiên thần hộ mệnh. Lời khuyên nghề nghiệp tốt nhất mà nhiều bậc đàn anh đã khuyên là, trong mọi tổ chức, bạn cần phải có thiên thần hộ mệnh của mình. Họ phải tiến trước bạn vài bước, để có thể bảo vệ bạn khi cần thiết. Họ rõ ràng phải là những người yêu quý bạn. Người ta càng quý bạn càng tốt. Hãy vun đắp những mối quan hệ đó, nhưng đừng xoắn xuýt họ quá. Đừng tỏ ý họ là cố vấn của bạn – họ có thể chẳng lấy gì làm thoải mái với việc này đâu. Chỉ đơn giản là tỏ ra cho họ thấy, bạn rất háo hức được học hỏi họ nếu họ có thời gian chỉ bảo cho bạn. Vun đắp mối quan hệ đặc biệt này tùy thuộc vào bạn chứ không phải họ. Có những việc bạn có thể đỡ bớt cho họ, nhưng đừng vồ vập ôm hết vào mình. Việc thể hiện cho người ta thấy bạn là người chính trực, và mối quan hệ với bạn là quan hệ xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau cực kỳ quan trọng, và như thế, những lúc bạn thật sự cần họ, thiên thần hộ mệnh của bạn sẽ ra tay cứu giúp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.